Mưa Chiều Singapore
Từ Munich chúng tôi bay đến Changi International Airport Singapore mất 14 tiếng vì phải đổi chuyến bay ở Doha lúc 10 giờ sáng, phiếu nhập cảnh (phải ghi rõ điạ chỉ Hotel ở Singapore nếu không có thì không được vào), khi nhận hành lý quan thuế kiểm soát rất nhanh. Chúng tôi thu gọn áo lạnh cho vào vali và đợi cậu mợ chuyến bay 12 giờ từ Houston đến. Ngồi uống cafe, hồi tưởng 35 năm trước tôi đã ở Singapore 3 tháng, từng đi làm kiếm tiền tại phi trường nầy. Thời đó tôi thoát khỏi Việt Nam trên con thuyền bé nhỏ lênh đênh trên biển mênh mông, sóng to gió lớn… may mắn được tàu Cap Anamur vớt đưa vào trại tỵ nạn chuyển tiếp ở 25 Hawkins Road Sembawang S’pore 2775 gần Marsiling là một làng nhỏ xa trung tâm thành phố. Hằng ngày Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn phát cho mỗi đầu người 2.S$ (Singapore Dollar /S$), một nhóm nấu ăn chung đủ sống, tôi còn chút ít vàng của bà xã cho mang theo bán mua quần áo, giày dép chuẩn bị đi định cư ở Đức.
Dù luật ở Singapore cấm người Việt tỵ nạn đi làm, nhưng ngồi trong trại buồn chán, muốn mua thêm chút hành lý mang theo trước khi đi định cư. Buổi sáng 5 giờ tôi canh chừng cảnh sát chui rào theo nhóm người từng đi làm núp trong bụi cây rậm bên đường, họ đã hẹn từ ngày trước chờ xe tới đón đi làm ở phi trường, công việc dọn dẹp ván, cây gỗ, vác gạch lót nền nhà, mồ hôi đổ để kiếm chút tiền, mỗi ngày ông chủ „Tàu lùn“ bóc lột trả chỉ 10.S$ (ăn trưa hết 2.S$) chỉ bằng 1/3 lương của người lao động điạ phương.
Thời gian 35 năm trôi qua bây giờ mình là một du khách, chuyến bay từ Mỹ quá cảnh Đài Loan tới đúng giờ, chúng tôi vui mừng gặp cậu mợ bắt đầu cuộc hành trình 3 tháng từ Singapore – Kuala Lumpur – Úc (Adelaide, Melbourne, Sydney) Myanamr (Yangon, Mandalay) Phuket, Island Phiphi, Bangkok, Siem Reap (Angkor Wat, Angkor Thom), Phnom Penh… tránh được mùa đông giá lạnh ở Munich. Buổi trưa ở Singapore trời nóng 30 độ C, chúng tôi đến phòng Infomation mua bản đồ hướng dẫn, ticket đi tàu điện, xe bus. Từ Terminal 3 về trung tâm thành phố có hệ thống tàu điện ngầm được gọi MRT (Mass Rapid Transport, tiếng Đức gọi U Bahn), Có 5 tuyến đường mỗi tuyến có màu khác nhau, du khách đi MRT có thể đến tất cả các điểm du lịch ở Singapore, hằng ngày có hơn 2 triệu lượt từ 6h sáng đến 23h đêm. Từ sân bay đến MRT, có mũi tên chỉ dẫn có ký hiệu Skytrain toT2 để đi tàu điện miễn phí từ Ga 1 sang Ga 2 (nơi có tàu điện đi vào trung tâm thành phố). Sau đó, từ Ga 2 đi theo bảng chỉ dẫn Train to City để đi xuống tầng hầm đi vào thành phố. Nhớ xem bản đồ hướng dẫn đi MRT để đến nơi nào mình muốn, có xe bus công cộng và hệ thống giao thông tàu hỏa là SBS Transit (chú ý các phương tiện giao thông công cộng đều cấm ăn uống, hút thuốc xả rác, không được mang theo các vật liệu dễ cháy gas, vi phạm sẽ bị phạt 500 S$.
“Singapore is a fine city“
Sau 35 năm tôi trở lại Singapore được nhìn thấy sự phát triển ngoài trí tưởng tượng của mình, tàu MRT màu đỏ đi từ Mariana South Pier đi đến Jurong East và ngược lại, đi qua Sembawang. Woodlands, Marsiling nơi gần trại tạm cư ngày xưa nay không còn những khu nhà gỗ. Nơi nầy xây nhiều chung cư, cao ốc sang trọng kiến trúc đẹp lộng lẫy, phố xá sầm uất… Singapore ngày nay là một trong các trung tâm thương mại lớn của thế giới, là trung tâm tài chính đứng thứ tư và một trong năm hải cảng nhiều tàu thuyền quốc tế đến tấp nập. Nền kinh tế đa dạng: kỹ nghệ, thương mại… Singapore là đảo nhỏ không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Đất canh tác ít chỉ trồng cao su, dừa, rau và cây ăn trái, nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập cảng lương thực. Singapore chỉ có ít than, chì, nham thạch, đất sét, nước uống có đường ống dẫn từ Mã Lai, sông và kinh rạch ở Singapore bị ô nhiễm vì xăng dầu.
Singapore (Republic of Singapore)
Theo thể chế cộng hòa nghị viện đa đảng, có chính phủ nghị viện theo hệ thống Westminster (ảnh hưởng thời thuộc địa Anh). Đảng Hành Động Nhân dân (People’s Action Party) giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi Singapore tự trị vào năm 1959, có các đảng đối lập không có ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống chính trị, là một quốc gia đa dạng và non trẻ, với nhiều ngôn ngữ, tôn giáo, và văn hóa. Diện tích 718,3 km² dân số trên 5.5 triệu, mật độ trung bình 7654/km² 77% người Hoa; 13,8% Mã Lai; 9% là Ấn độ và Parkistanern.
Singapore là một quốc gia đa chủng tộc, ảnh hưởng văn hóa của Đông phương và Tây phương. Những tôn giáo tại đảo quốc cùng hài hoà, góp phần xây dựng chung sống hoà bình trong đời sống xã hội. Phật giáo (Budhismus): 33% hầu hết tín đồ Phật giáo tại Singapore là người Hoa (ngày rằm các chùa thường đãi các món ăn chay); 15% theo Hồi Giáo/Islam; 18% theo Thiên Chúa Giáo, /Christum-römischkatholisch; 11% Đạo Lão/Taoismus; 5,1% Ấn Độ Giáo/Hinduimus và 17% những người không theo tôn giáo. Các tôn giáo sống trong đoàn kết và hòa hợp, người Singapore tự tin về đất nước, về tương lai của họ. Bốn ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Tamil.
Giáo dục các cấp tiểu học (bắt buộc mọi người phải học hết tiểu học), trung học, và đại học hầu hết được chính phủ hỗ trợ không phải đóng học phí, tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy trong toàn bộ các trường học công. Còn có 11 trường trung học quốc tế, nhiều đại học công và tư thục. National University of Singapore (NUS) được xếp đứng hạng thứ 20 các đại học nổi tiếng thế giới.
Từ thời Singapore độc lập (1959) trải qua các đời thủ tướng: Lee Kuan Yew (1959-1990) Goh Chok Tong (1990-2004) từ 2004 là Lee Hsien Loong/ Lý Hiển Long (con trai của cố thủ tướng Lý Quang Diệu/ Lee Kuan Yew). Thuộc đảng Hành Động Nhân dân cầm quyền. Nhiều người phê bình hệ thống chính trị Singapore còn “độc tài”? Nhưng ít tham nhũng cũng như tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.
Singapore là một trong năm thành viên sáng lập của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương/ Asia-Pacific Economic Cooperation, (viết tắt là APEC). Là một thành viên của Hội Nghị Cấp Cao Đông Á, Phong Trào Không Liên Kết, (East Asia Summit, Non-Aligned Movement), và Thịnh Vượng Chung Các Quốc Gia (Commonwealth of Nations). Sự phát triển nhanh chóng của Singapore tạo cho quốc gia này có ảnh hưởng đáng kể trên thế giới, một số nhà phân tích nhận định Singapore là một quốc gia nhỏ bé giàu mạnh „Cost of living“ được công nhận là một trong 4 con hổ ở Á Châu, Singapore có lợi tức thu nhập quân bình mỗi đầu người trên 51.000 USD. Là một trong những thành phố có chi phí cao, được xếp thứ ba trên thế giới. Theo đánh giá của các tổ chức như Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Singapore được xếp hạng cao về các chỉ số “tự do kinh tế”. Về an sinh xã hội Singapore không có khoản trợ cấp xã hội cho người nghèo như ở Đức, Âu Châu là những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Nhưng hàng năm Singapore trợ cấp xã hội khoảng 7 tỷ USD y tế cho người cao tuổi. 450.000 người từ 65 tuổi trở lên hưởng bảo hiểm y tế, mặc dù đất nước rất giàu nhưng không lấp hết lỗ hổng nghèo đói. Cuộc đời không có gì tuyệt đối thiên đường và địa ngục luôn cận kề trong đời sống của con người.
Du lịch Singapore
Hàng năm có hơn 11 triệu du khách đến Singapore, du khách có thể mua ticket EZ-link card, mỗi ngày khoảng 8.S$ (hối xuất 1€ #1,53S$, 1.USD # 1,35 S$). Phải trả 10. S$ tiền cọc, xử dụng hết những ngày ở đó phải trả lại trước 18 giờ ở các quầy đã mua để lấy lại 10. S$. Taxi ở Singapore rất nhiều (28.000 Taxis), phần lớn xe loại nhỏ, giá cước là 2,4.S$ cho 1 km, khi đón xe ngoài đường phải chú ý Taxi có đèn đỏ đã có khách và rất đắt trong giờ cao điểm, ban đêm tính thêm 50%. Xe bus cũng nhiều tuyến nếu không có ticket mua trước phải trả 2.S$ ở cửa trước do tài xế bán. Vì mật độ dân số cao, số lượng xe hơi tư nhân trên đường bị hạn chế vì sợ ô nhiễm và tắc nghẽn. Singapore có hệ thống đường bộ dài tổng cộng 3.356 km trong đó có 161 km là xa lộ (Expressway), cũng là một trung tâm vận tải thương mại quốc tế lớn ở Châu Á phục vụ các tuyến đường biển và trung tâm tàu tiếp nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Đường phố cho người đi bộ ở các nước Châu Á hẹp, nhiều người bày bán hàng rong, đôi khi đường không bằng phẳng, kéo hành lý rất khó. Nên chọn Hotel gần trạm MRT hay xe bus. Ngay tại phi trường có các shuttle bus đưa đón du khách về tới Hotel rất tiện, mỗi người trả chỉ 9.S$. Chúng tôi về tới Hotel thì trời đổ mưa, mưa nặng hạt, mưa rơi trắng xóa làm không khi trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn.
Mưa chiều Singapore gợi cho tôi nhớ lại kỷ niệm, những ngày ở trên tàu Cap Anamur, đông người nóng nực ở dưới hầm tàu, chờ Cao Uỷ Tỵ Nạn làm thủ tục chính phủ Singapore cho phép người tỵ nạn vào đất liền, tạm dung để đi định cư nước thứ ba. Hôm đó trời cũng mưa rơi, chúng tôi cũng rơi lệ vì vui mừng thật sự đến được bến bờ tự do. Người tỵ nạn VN không bao giờ quên ơn tiến sĩ Rupert Neudeck là người khởi xướng kêu gọi lòng nhân đạo của nhân dân Đức cũng như thế giới mở vòng tay nhân ái cứu giúp người vượt biển đi tìm tự do, để con tàu Cap Anamur ra khơi…
Mưa chiều kéo dài 1 tiếng thì chấm dứt, đường phố lại tấp nập người đi, chúng tôi ở gần trạm Aljunied đến Esplanade mua ticket cho 3 ngày, đến Downtown đổi xe đi Chinatown ăn tối, nơi nào có đông cộng đồng người Hoa thì nơi đó ồn ào, tấp nập, các cửa tiệm treo bán thịt heo quay, vịt quay bốc mùi thơm hấp dẫn khách qua đường, Đồ ăn, thức uống ở nơi nầy rất nhiều và hợp khẩu vị ở những quán ăn nhanh, giá rẻ tùy theo người chọn từ 5 đến 10.S$. Bier thì rất đắt một chai 0,5l phải trả 8.S$. Chinatown là một trong số ít những địa điểm ở Singapore còn lưu giữ nét lịch sử và văn hóa riêng,
Về đêm Singapore lấp lánh ánh đèn màu, chúng tôi đi dạo qua những còn đường xưa, đến nơi có tượng Ngư Sư Merlion đặt tại cửa sông Singapore, đối diện với khu Elizabeth Walk, gọi là Công viên Merlion, “Tượng Merlion được đặt tại đây như là một biểu tượng chào đón tất cả các du khách đến Singapore”. Merlion lớn và nhỏ phun nước suốt ngày đêm. Theo tài liệu Merlion lần đầu tiên được xây năm 1964 của ông Fraser Brunner, thành viên của Ủy ban Lưu niệm và là người quản lý bể cá Van Kleef. Tượng cao 8,6m và nặng 70 tấn bằng xi măng, hình con thú đầu sư tử, mình cá đang cưỡi trên ngọn sóng. Ngư Sư Merlion là biểu tượng của đảo quốc Singapore, nhiều nơi ở công viên, bến cảng đều có những tượng lớn nhỏ khác nhau và Singapore được mệnh danh là "thành phố Sư tử"…
Đến Harbourfront, mua Skypass 33.S$ đứng trên đỉnh Faber (Mountain Faber), nơi cao nhất Singapore có Cable Car sang đảo Sentosa là điểm du lịch lý tưởng hòn đảo thiên nhiên, xanh tươi hoa lá có khu vui chơi giải trí, với 2500 sinh vật biển thuộc 250 loài, còn có viện bảo tàng, khu chơi thể thao, đi bộ, đi xe đạp, cây cối sum sê, những khu vườn được cắt tỉa nghệ thuật rất đẹp mắt. Gần Sentosa, các đảo St John’s và Kusu bãi biển đầy cát có thể bơi lội thỏa mái.
Đảo Jurong có vườn chim Jurong rộng 20 ha là công viên chim lớn đẹp, với hơn 9.000 con chim, hơn 600 loài. Nhiều loài chim quý hiếm đến từ vùng Đông Nam Á, Phi châu và Nam Mỹ… Chuồng chim Waterfall là nơi được du khách yêu thích nhất, có 1.500 loài chim từ Phi Châu, các loài hồng hạc, két đuôi dài Nam Mỹ, chim mỏ sừng, két có mào của Úc, và cả loài diều hâu…
Singapore Flyer cao 165m, các nhà đầu tư Đức bỏ ra 135 triệu EUR. (London Eye ở bờ sông Thamse cao nhất Âu Châu chỉ 135 m) Đi trên Flyer nhìn toàn cảnh Singapor với những tòa nhà chọc trời, giá ticket là 29,50 S$ cho một lần đi quay trong 37 phút. Ăn tối ở Seafood Paradise có nhiều hải sản tươi tha hồ mà chọn lựa. Đến khu vực đường phố New York với nhiều hàng quán cà phê ven đường… Khu Ai Cập cổ xưa những bức tượng cổ cao lớn cùng kiến trúc xây dựng theo mô hình kim tự tháp như ở Cairo. Singapore cũng là trung tâm du lịch và mua sắm với nhiều mặt hàng miễn thuế, thu hút du khách mua sắm như: Orchard plaza, Meridien Shopping Centre, Orchard plaza, China Town, Mustafa plaza và trung tâm Vivo City.
Đến khu tiểu Ấn/Little India thể hiện rõ ràng văn hóa Ấn Độ. Được gọi là “trái tim của Little India”, từ xa ngửi được mùi cà ry, trung tâm Tekka bán vàng nữ trang đủ loại đẹp mắt, quần áo, vải lụa, các hàng lưu niệm, trái cây, hoa tươi được kết thành tràng hoa rất đẹp để cúng đền và chùa… đủ các loại thực phẩm đặt sản của Ấn. Dọc đường Serangoon có ngôi đền Sri Veeramakaliamman thờ vị thần Kali của đạo Hindu, là ngôi đền cổ xây năm 1881.
Những con đường phố Geylang gọi là lorong, có nhiều cửa hàng ăn, mở từ chiều đến khuya, còn bán nhiều trái cây: sầu riêng (durian) măng cụt (mangosteen) uống trà Tàu (herbal Chinese tea), muốn ăn „gà móng đỏ“ thì đến khu phố đèn đỏ gà nhập từ Thái… Geylang và Chinatown còn nổi tiếng với món cháo ếch với gừng, hành và ớt, cua rang tiêu hoặc ớt (chili/pepper crabs), món ăn đặt sản của đảo quốc bé nhỏ nầy.
Đến Casino Hotel Marina Bay Sand ở trung tâm vịnh Marina, Casino chỉ dành cho du khách phải mang theo Passport, cấm người bản xứ vào, nếu ai vào phải trả 100.S$. Bên trong rộng lớn hai tầng đủ các loại máy như ở Las Vegas, đông khách phần lớn là đàn bà chơi bài, đàn ông bấm máy… Casino nầy thu hút nhiều người nhờ Hotel có 2500 phòng, cao 191m ở trên có hồ bơi, nổi tiếng nhất ở Singapore biểu tượng tòa nhà đỡ con thuyền vươn ra khơi nằm lơ lửng trên tầng cao nhất của Hotel, có những cây dừa và vườn cây xanh tạo bóng mát giữa trời, mà còn có một hàng rào sắt và kính trong suốt xung quanh, nên du khách có thể bơi thả hồn theo mây nước. Nơi đây đủ tiện nghi còn có: Sân golf, tennis, hồ bơi, phòng thể dục, massage… Du khách ở trên hotel nhìn xuống vịnh Marina, trung tâm Singapore thật hữu tình, nhưng số tiền phải trả cho 1 đêm từ 400.S$. Du khách đánh bài ở Casino có thể mua ticket lên xem phong cảnh.
Người ta chỉ chúng tôi nên đến Golden Mile là khu ăn uống giá rẻ ở Singapore có bán các món ăn ngon. Maxwell là khu ăn uống giá rẻ nổi tiếng bậc nhất ở Singapore. Đây chính là nơi tập trung của hàng trăm quầy thức ăn ngon, phong tục ăn uống khi ăn cơm, không được đặt đũa lên trên chén hoặc lên đĩa thức ăn. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực hàng hải, khi ăn họ không lật ngửa con cá, bởi vì việc đó đồng nghĩa với việc lật thuyền. Thật ra chúng tôi không nặng phần ăn uống, nơi nào thuận tiện thì đến, ăn nhiều ít đắt rẻ tuỳ theo sở thích của mỗi người, đã đi chơi thì chấp nhận tốn kém, chúng ta sống đi làm nhiều hơn đi du lịch, về hưu có thì giờ và sức khoẻ thì nên đi, có tiền không có sức khoẻ khó có thể chống gậy đi chơi được!
Người nào yêu thích hoa lan nên đến vườn Lan Quốc gia (National Orchid Garden) nằm trong vườn bách thảo (Singapore Botanic Gardens) đây là nơi phát triển của 60.000 cây lan bao gồm 1000 loài lan tự nhiên và 3000 loài lai tạo trong một khu vực 3 ha, trồng lan chia làm 4 mùa: khu mùa xuân màu tươi sáng và sống động của màu vàng, kem. Khu mùa hè là màu đỏ và hồng ấm áp, khu mùa thu, mùa đông lan trắng và xanh mát…
Phương tiện đi chơi tự túc ở Singapore thuận lợi, không cần người hướng dẫn, nên xem tài liệu trên Internet, chọn lựa nơi nào mình thích có thể mua các ticket Singapur Sightseeing, Hop-On-Hop-Off-Tour (27.S$), City Tour of Singapore (29.S$).
Người Việt ở Singapore
Đến các khu buôn bán, ăn uống sẽ gặp nhiều người Việt, làm việc theo hợp đồng lao động, kết hôn với người Singapore hay là du khách từ VN. Ăn trưa ở Kallang chúng tôi được các cô bồi là người Việt phục vụ nhanh, vui vẻ, riêng cô giới thiệu bán Tiger beer làm việc tà tà cho hãng bier ăn lương mỗi giờ 8.S$, Cô có thì giờ nói chuyện với chúng tôi về đời sống người Việt đi làm tại đây. Cô lập gia đình với người Singapore được 2 con đời sống ổn định, làm việc để dành tiền về già trở về miền Tây sống dưỡng già, nghịch lý người trong nước muốn đến Singapore còn người ở đó thì mong ước trở về. Thuế thu nhập ở đây tương đối thấp, chỉ vài phần trăm cho một năm. Nếu người định cư dài hạn (Permanent Residence- PR) thì phải đóng khoảng 15% vào một quỹ gọi là Central Provident Fund – CPF. Quỹ này chỉ được dùng khi mua nhà hoặc chữa bệnh hay về già. Khi nào rời Singapore thì có thể rút tiền từ quỹ này.
Đời sống ở Singapore cao nên hấp dẫn người Việt đi lao động, qua các Cty môi giới, may mắn gặp chỗ tốt thì có việc làm lãnh lương đủ sống trả nợ, người lao động được nhận một thẻ lao động (Employment Pass hay EP) do chính phủ cấp và được bảo lãnh bởi chủ lao động. Thẻ thường có thời hạn một đến hai năm, nhưng nếu người đang làm việc thì gia hạn dễ dàng hơn. Những công ty môi giới không tốt thì thường lấy phần trăm hoa hồng nhiều „Ngồi mát ăn bát vàng“ bằng cách ký hợp đồng rất cao với chủ và trả lương cho người làm thấp. Cũng có trường hợp bị lừa bên Việt Nam họ phải đi vay nợ, cầm sổ đỏ, tiền nợ từ 7 ngàn USD, sang tới nơi không có chỗ làm, phải trốn ở lại đi làm chui mỗi giờ chủ trả 2.S$ làm sao đủ sống tiền ăn, tiền mướn nhà, tiền phải trả nợ cho ngân hàng ở VN! Từ chỗ sa cơ, lỡ vận nhiều cô phải bán mình làm nàng Kiều lưu lạc xứ người! Thương thay số phận những người đàn bà kém may mắn. Tôi cũng thấy ở góc đường một thanh niên bán thuốc lá lậu và một anh khác ngồi hút thuốc bên hè hỏi chúng tôi có hút thuốc không? Chúng tôi không hút nhưng biết anh là người VN nên đứng lại thăm hỏi đời sống công việc ở xứ người. Chúng tôi tiếp tục sang bên đường có các cô trẻ đẹp kéo tay mời… không thấy cảnh sát, nhưng khi vào quán mua nước thì bị 2 nam, 2 nữ mặc thường phục, đến hỏi Passport. Hẳn nhiên chúng tôi yêu cầu họ trình thẻ là cơ quan công lực, và hỏi lý do tại sao xem giấy tờ du khách từ Đức – Mỹ có nhập cảng từ phi trường? Họ vui vẻ đáp ứng yêu cầu, trả lời lịch sự vì an ninh khu vực nên kiểm tra, nhưng thấy tôi có Reisepass (Passport Đức) họ cám ơn và không cần xem. Ngày xưa chỉ có một cái card của Cao Uỷ Tỵ Nạn UNHCR (indochinese Displaced persons Registration Card) cấp đi nhiều nơi ở Singapore không bị hỏi, 35 năm sau bị hỏi giấy. Tôi suy ngẫm lại mới hiểu rằng ngày nay Singapore có nhiều người Việt ở bất hợp pháp, như bán thuốc lá, gái đứng đường, nhóm người lợi dụng du lịch vào Shooping ăn cắp… 41 năm Việt Nam hòa bình thống nhất, nhưng Xã Hội Chủ Nghiã đã „trồng“ lên lớp người Việt “xấu xí”! Làm mất danh dự cho cả dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đi du lịch đến nhiều quốc gia đều gặp người Việt (xuất cảng lao động) đi làm thuê làm mướn… thật đáng buồn hơn bao giờ hết. Những năm đầu Singapore giành độc lập cố thủ tướng Lý Quang Diệu “mơ ước Singapore được như Sài Gòn”, ngày nay Singapore văn minh hơn Việt Nam! Bỏ lại phía sau nỗi buồn dân tộc, giã từ Singapore chúng tôi đi Kuala Lumpur…
Nguyễn Quý Đại
Tài liệu tham khảo
Insight guides Singapore
http://niedblog.de/singapur-sehenswuerdigkeiten-paare/
11 Trường trung học quốc tế
Dover Court Preparatory School
French School of Singapore
German European School Singapore
Overseas Family School
Singapore American School
Singapore International School
Swiss School Association Singapore – Schweizer Schule Singapur
Tanglin Trust School – basiert auf dem britischen System
The Australian International School Singapore
The Canadian International School Singapore
United World College of South East Asia
Đại học
National University of Singapore (NUS)
Nanyang Technological University (NTU)
Nanyang Technological Institute (NTI)
National Institute of Education (NIE)
Singapore Management University (SMU)