User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

cach trang diem

Muôn đời sắc đẹp của người phụ nữ, cũng vẫn là chìa khóa để nắm bắt tình yêu, mở đường cho hôn nhân và duy trì lứa đôi hạnh phúc. Thực tế không có gã đàn ông khùng điên nào, lại chọn cho mình người yêu, người vợ cỡ cô bé lọ lem, Thị Nở hay bà chằn Chung Vô Diệm. Nên những câu chuyện tình lý tưởng, chỉ có trong tiểu thuyết hoặc họa hoằn lắm mới có trong đời thường.

Do quan niệm trên, để kiếm cho mình một tấm chồng xứng đáng hầu nở mày nở mặt với thiên hạ. Nên người con gái nào khi đến tuổi cặp kê, cũng đều biết tự làm đẹp. Bởi vậy khoa thẩm mỹ học đã ra đời từ khuya, chứ không mới mẻ gì. Ngày nay con người chỉ phát minh thêm, kỹ thuật xóa vết nhăn, trồng tóc, hút mỡ, độn ngực và cấy, ghép da, mỡ, các bộ phận trong thế kỷ XX. Tất cả chỉ là sự tiếp nối những công trình làm đẹp phái nữ tự ngàn xưa, của các thầy thuốc cổ Ai Cập, Hy Lạp, Âu Châu vào thời phục hưng.

Nhờ các công trình khảo cổ, ta mới biết con người đã tự làm dáng vào năm 3000 trước Tây lịch (TrTL) tại Ai Cập nhưng chỉ thu hẹp trong chốn cung đình, với các thành phần Vua Chúa, Hoàng Hậu, Phi Tần và triều thần. Theo tài liệu cho biết, bộ phận đầu tiên được sửa, đó là chiếc mũi trên khuôn mặt. Vào thế kỷ XIX, một khoa học gia Mỹ tên Edwin Smith, đã phát hiện được một cuộn giấy, gọi là Papyrus dài 5m, trên đó có vẽ hình một chiếc mũi vẹo, được giải phẫu và phục hồi, bởi một thầy thuốc kiêm Kiến Trúc Sư tên Imhotep. Chính ông đã giúp Vua Ai Cập Zoser, xây Kim Tự Tháp lừng danh Saqqarab và là người thầy thuốc đầu tiên, nghĩ ra cách lấy những cục huyết đọng trong mũi, khi giải phẫu. Nhưng chính vị thầy thuốc người Ấn Ðộ tên Sushruta, sống trong thế kỷ VII trước TL, mới là cha đẻ của ngành Thẩm Mỹ Học và Khoa Giải Phẫu Tạo Hình. Tại Ấn Ðộ thời đó, ông là vị thầy thuốc duy nhất, phục hồi mũi lại cho các phụ nữ bị xẻo, vì mang tội ngoại tình.

Riêng về bộ ngực, thì do thầy thuốc người Hy Lạp là Paul D.Eginee, sống vào khoảng thế kỷ thứ VI sau TL, chuyên sửa lại các bộ ngực quá to của nam giới. Riêng phụ nữ, phải đợi tới năm 1897, thầy thuốc tên Michel Pouson, là người đầu tiên làm đẹp bộ ngực nữ phái. Trong thời phục hưng, đã có nhiều thầy thuốc tuy xuất thân từ giới giang hồ lãng tử như Ambroise Paré (thợ hớt tóc), Pièrre Franco (bán thuốc dạo), nhưng lại là những kẻ tiền phong, mở đường cho khoa giải phẫu thẩm mỹ, trong việc chữa trị các vết bỏng trên làn da, đồng thời kiêm nghề vá môi, mắt.

Tại phương Đông, người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên đã biết tới thuật mỹ dung. Thời Xuân-Thu Chiến-Quốc vào khoảng thế kỷ 6-5 trước TL, người phụ nữ đã biết trang điểm bằng phấn sáp. Bộ sách ‘Thần Nông Bản Thảo Kinh‘ xuất hiện đời Tần-Hán, phổ biến các dược thảo như “Bạch Chỉ” để giữ da, “Bạch Cương” trừ tàn nhang. Riêng các loại dược chất “Can Tùy Hương, Bạch Đàn, Bạch Truật, Thanh Mộc Hương...” có tác dụng giữ làn da mặt phụ nữ, luôn luôn trắng trẻo xinh đẹp. Ngoài ra còn nhiều bộ sách quý khác như Cát Hồng Thần Dược (đời Tấn), Bí Cấp Thiên Kim Yến Phượng (đời Ðường), Thái Bình Thánh Huệ Thời Trần (đời Minh)... chứa một nội dung phong phú, nhằm hướng dẫn phụ nữ cách giữ gìn và kéo dài nét đẹp của mình, bất luận tuổi tác, thời gian.

Về phương pháp kẽ lông mày, bới tóc, tô mắt môi... người phụ nữ Tàu, cũng đã biết từ thời Hậu Hán. Thuở đó, người phụ nữ đất Trường An, có khuynh hướng vẽ nửa vòng mắt dưới chỗ lệ rơi, gọi là ‘Ðề Trang‘. Ðồng thời lại tô thêm một lớp phấn sáp mỏng dưới con mắt. Ðây là lối trang điểm kiểu ‘mày buồn diễm lệ’, rất được ưa thích, nên đã có bài phong dao ca tụng:

‘Thành trung hảo cao kế
Tứ phương cao nhất xích
Thành trung hảo quang mi
Tứ phương thẻ bán ngạch‘

Có nghĩa là, búi tóc của người Trường An mới hơi cao một chút, thì cả nước đã nâng cao lên cả thước (đơn vị đo đạc cổ của Tàu). Còn lông mày của người Trường An vừa nới rộng, thì cả nước đã vẽ dài ra tới nửa trán. Ý tứ của bài phong dao trên, phần nào cho ta hiểu cách làm đẹp của người phụ nữ buổi đó. Ðời Ðường, Chu Khánh Dư đã viết một bài thơ nổi tiếng, ca tụng nghệ thuật tô vẽ lông mày của ‘chàng-nàng’ trong chốn phòng the:

‘Ðộng phòng tác dạ, đình hồng chúc
Ðái hiến đường tiền bái cữu cô
Trang bài đề thanh văn phu tế
Họa my thâm thiểm, nhập thời vô…’

Bài thơ có nghĩa là, đêm động phòng hoa chúc, sáng dậy trang điểm để ra hầu cha mẹ chồng, nàng hỏi chàng ‘em kẽ lông mày như thế này có được không?’

Cũng từ các tài liệu cổ còn sót lại, cho biết người phụ nữ Trung Hoa thời xưa đã biết chế tạo ‘phấn xoa mặt‘ bằng gạo. Ngoài ra còn biết xỏ lỗ tai để đeo các đồ trang sức làm bằng vàng ngọc hay búi tóc giả. Ðộc đáo nhất là ‘Lạc Mai Trang Sức‘, một nghệ thuật cắt lụa ngũ sắc, lá cây hay giấy màu, làm thành những cánh hoa mai để dán trên khuôn mặt. Song song người ta còn uống thêm các loại thuốc giữ sắc đẹp, gọi chung là ‘Trà Mỹ Dung’, đặc chế bằng hạt Hoàng Hoa, còn gọi là ‘Ðồng Tích Lợi‘. Riêng Từ Hy Thái Hậu đời nhà Thanh, có một thang mật, được ghi trong Tuyển tập Từ Hy. Nhờ dược liệu này, mà khuôn mặt của bà Hoàng luôn luôn tươi mát, như đang độ thanh xuân.

Nhưng độc đáo hơn hết trong nghệ thuật làm đẹp của người đàn bà Trung Hoa thời xưa, là ‘Tục Bó Chân‘. Tục này đã kéo dài từ thời thượng cổ cho tới năm đầu của Dân Quốc 1911 mới chấm dứt trên giấy tờ. Về xuất xứ của tục bó chân, hiện có rất nhiều giả thuyết như thuyết cho rằng bó chân do Hồ Hỷ Mị, bạn của Ðắc Kỷ nghĩ ra đầu tiên. Vì cả hai đều là phi tần được Trụ Vương đời Thương sủng ái nhưng lại xuất thân từ thú cầm: Ðắc Kỷ gốc chồn, còn Hỷ Mị là hạc, vì muốn giấu đôi chân thú nên phải bó kín lại. Thuyết khác cho rằng bó chân có từ thời Triệu Phi Yến, Cung Phi của Vua Hán Thành Ðế. Nhưng dù có nguồn gốc từ đâu chăng nữa, đối với quan niệm thẩm mỹ xưa của người Trung Hoa, đều thừa nhận rằng, bất cứ người con gái nào, càng có bàn chân mềm nhỏ, thì càng đi đứng uyển chuyển trang đài, gợi tình quý phái, khiến cho ai thấy cũng đem lòng ái mộ. Những thành ngữ “tam thốn Kim Liên‘ hay mỹ danh ‘Kim Liên’, được rút ra từ điển tích thời Nam-Bắc triều (907-960), kể chuyện hôn quân Tiền Bảo Quyền, vì đam mê đắm đuối gót chân nhỏ của nàng Phan Giáng Phi, nên ra lệnh tịch thu hết vàng bạc của dân chúng trong nước, rồi đem đúc thành những đoá hoa sen lót trên thảm, cho người đẹp bước đi. Ðời sau gọi đó là bộ ‘Sinh Liên Hoa’ có nghĩa là gót sen nở rộ. Có lẽ căn cứ vào điển tích trên, nên nhà văn Lâm ngữ Ðường, cho rằng tục bó chân phát xuất từ thời Nam-Bắc Triều. Về sau các nhà khoa học Tây phương khi nghiên cứu về tục bó chân của cổ Trung Hoa, cho rằng tục này có liên hệ tới vấn đề tình dục. Quan điểm này cũng rất phù hợp với nhận xét của Lý Lạp Ông thuở trước. Theo ông, dụng ý của đôi bàn chân nhỏ, chỉ là để được cưng chiều ban ngày, ve vuốt ban đêm, mà điển hình là nhân vật Phan Kim Liên trong Thủy Hử truyện, chỉ vì có đôi bàn chân nhỏ đẹp, nên đã khiến cho gã Tây Môn Khách phải đắm đuối chết người. Trong tác phẩm ‘Hương Liên Phẩm Tảo’, tác giả có nói tới phong trào nam giới thời Minh-Thanh, rất say mê gót sen của những ả ca kỹ, đến độ nhiều người đã dùng chiếc hài của người đẹp để uống rượu, gọi là ‘Kim Liên Bôi’. Sự say mê thích thú đó, tạo nên quan niệm cho rằng, đôi bàn chân của phụ nữ mới chính là nơi gợi tình nhất của phái đẹp.

Tuy nhiên muốn có một đôi bàn chân xinh xắn lý tưởng, người con gái Trung Hoa phải sống trong địa ngục trần gian, vì tự mình hành hạ thân xác mình, trong ba năm dài, khi vừa mới lên 3-4 tuổi. Tục bó chân gồm có 4 giai đoạn như Thí Triển, Thí Khẩu, Khẩu Triển và Lý Loan. Tóm lại dù thuộc giai đoạn nào chăng nữa thì người con gái trong thời gian bó chân cũng đều chịu nỗi đau đớn tột cùng mà không bút mực nào diễn tả cho hết được. Cũng vì đôi bàn chân phải bó thường xuyên, làm mồ hôi ứ đọng bên trong, tạo nên mùi hôi thúi không chịu được (xú như lý cước hổ). Do trên các người đẹp bó chân ngày xưa luôn dùng một loại phấn có tên ‘Hương Liên Táo’cho vào giầy, để gót sen luôn luôn thơm tho quyến rũ.

daythat

Vào thế kỷ XIX tại Châu Âu, xuất hiện phong trào phụ nữ làm đẹp với châm ngôn ‘Mảnh Mai, Chân Dài và Chiếc Lưng Ong‘. Do đó các cô các bà, nhất là giới mệnh phụ phu nhân, quý tộc... đều tìm đủ mọi cách làm cho bụng nhỏ lại. Họ nhịn ăn, kiêng cử, tập thể dục và dùng một chiếc nịt, có tên ‘Chiếc Thắt Lưng CORSET‘ bó chiếc bụng lại, để đạt được vòng eo lý tưởng lúc đó là Bốn Mươi Phân. Nhờ sự bó sát phần giữa, khiến cho ngực và mông, bị dồn nén tối đa làm tăng thêm nét hấp dẫn, khi vận chiếc váy phồng hay váy ngắn. Cũng vì muốn đạt vòng eo, nên tự mình dồn ép quá mức, năm 1859 một mệnh phụ người Pháp, sau khi dự tiệc tùng, khiêu vũ liên tục trong 2 ngày đêm, bỗng lăn đùng ra chết. Nguyên do lưng bị chiếc Corset bó chặt quá, làm gãy 3 chiếc xương sườn và chính những chiếc xương gãy này đã đâm bể gan. Thảm kịch trên được báo chí cảnh cáo nhưng không ai muốn nghe và chiếc lưng ong của các mệnh phụ cứ nhởn nhơ xuất hiện cho tới đầu thế kỷ XX, quan niệm thời trang thay đổi nó mới cam lòng bị vứt vào quá khứ.

Thật ra chiếc lưng ong của phụ nữ đâu có gì là mới mẻ, vì nó đã xuất hiện tại Trung Hoa từ đời Sở trước Tây Lịch. Có vậy nên thi hào Ðỗ Phủ đời Ðường đã viết ‘Khiển Hoài‘ để ca tụng những chiếc lưng ong nho nhỏ, thon thon nhưng vô cùng xinh đẹp: ‘Lạc phách giang hồ, tái tửu hành ố Sở yêu tiệm tế chưởng trung khinh‘ ý nói đeo đẳng giang hồ rượu nách lưng, trong tay ôm nhẹ gái lưng ong. Cũng theo tài liệu cũ, thời xưa đàn ông Ðông phương, có quan niệm xem nhẹ bộ ngực phụ nữ, trái ngược với thời trang thẩm mỹ ngày nay. Cho nên chỉ thấy nói tới: “Hồng diện đa dâm thủy, thanh mi hậu hộ mao, tế yêu (lưng ong) âm huyệt đại và trường túc (chân dài) bất chi lao” mà thôi. Tóm lại hoàn toàn khác với ngày nay ‘Nam Tu, Nữ Nhũ‘.

Hôn là một trong những cử chỉ để biểu lộ sự yêu thích nồng cháy, là khúc dạo đầu của lạc thú ái ân, là sự quyến rũ mê ly hứa hẹn mật đường, là nét gợi tình trên khuôn mặt. Bởi vì khi yêu nhau, con người phải vận dụng đủ năm giác quan như nhìn, sờ, nếm, ngửi và lịm hồn để lắng nghe sự rung động hòa nhịp của hai trái tim nam nữ. Khi hôn nhau, cơ thể của hai người đã phát tiết ra những kích thích tố gợi tình như Hormone Testosterone, làm cho nước bọt trở thành ngọt dịu, khiến cho đôi nam nữ thêm chao đảo, như vừa hớp xong một ly rượu mạnh. Nụ hôn đã làm cho Thần Pan, phải đảo điên si mê cuồng dại nữ thần Syrimt, đến độ khi nàng biến thành khóm trúc để lẩn trốn tình yêu, thì chàng lại dùng thân trúc để chế thành ống tiêu. Rồi ngày ngày chàng ngây ngất, lướt môi trên thân trúc, để tưởng tượng như mình đang hôn hít người yêu, một đời thầm thương trộm nhớ. Paul Bandecroux, một nhà chế tạo chất hóa học người Pháp, vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX, đã phát minh được loại son môi Rouge Baiser. Ðặc điểm của loại son này, làm cho làn môi luôn luôn hồng thắm với viền môi tuyệt hảo, dù chàng-nàng có đắm đuối hôn hít loạn cuồng.

Nụ hôn theo chân con người trong mọi sinh hoạt. Năm 1896 lần đầu tiên nhà đạo diễn đựng cảnh hôn hít trên màn ảnh tại Las Vegas, gây sự sửng sốt thích thú của giới trẻ, đồng thời cũng tạo nên làn sóng chống đối của những nhà đạo đức thời đó. Nhưng rồi theo thời gian, càng lúc càng có nhiều người ưa thích hoạt cảnh trên, đưa màn hôn hít lên ngai Hoàng Đế, trong nghệ thuật thứ bảy tại Hồ Ly Vọng.

Nhưng cũng tùy theo phong tục và tập quán của mọi miền đất trên thế giới, nụ hôn được chấp nhận hay bị cấm đối. Âu Châu đến nay có nhiều vùng, hôn hít nơi công cộng bị kết tội là công xúc tu sĩ. Ðặc biệt hầu hết gái buôn hương bán phấn, không thích hôn khách mua hoa phương Ðông, người Trung Hoa cho rằng hôn hít là hành động sỗ sàng khiếm nhã, còn Nhật thì gọi đó là thú tánh man rợ, dù họ đã chấp nhận Âu hóa từ thế kỷ XIX.

Có điều lạ là hầu hết các tài liệu xưa còn sót lại, cho thấy người Tàu đã biết chuyện hôn hít từ năm 2000 trước TL. Nhiều tranh vẽ cảnh trai gái hôn nhau, cũng được tìm thấy trong các quan tài bằng đá ở Sơn Ðông, Tứ Xuyên. Bức tranh Bi Hi Ðồ được xem cổ nhất của Trung Hoa, vừa được sưu tập trong quan tài, tại Huyện Vĩnh Kinh (Sơn Ðông). Tranh cỡ 7cm x 232 cm, vẽ cảnh âu yếm của một cặp trai gái, người đàn ông dùng tay nâng cằm của người đàn bà và cả hai đang hôn hít đắm đuối mê ly. Một Bi Hi Ðồ khác cũng vừa tìm thấy trong một ngôi mộ cổ thời Ðông Hán, tại Doanh Huyện (Sơn Ðông), có cỡ 38cm x 88cm, vẽ cảnh một nam hai nữ đang tình tự hôn hít.

Trong Hán Tự ngày nay, người Tàu dùng chữ ‘Tiếp Vận‘ để chỉ Nụ Hôn. Nhưng ngày xưa văn tự chưa được phong phú, nên phải dùng thành ngữ để chỉ hành động. Trong Tố Nữ Kinh viết từ thời Hán, tác giả dùng thành ngữ ‘Hàn Khẩu-Ðoản Nhiệt‘, có nghĩa là ngậm môi, nút lưỡi, để diễn tả sự yêu đương bằng miệng. Ðến dời Nguỵ-Tấn, lại thấy xuất hiện thêm động từ ‘Ô Dù‘, trong hai tác phẩm ‘Thế Thuyết Tân Ngữ và Tứ Phân Luật Tạng‘, để chỉ nụ hôn, thay thế các thành ngữ cũ. Ðời Ðường, thêm nhiều từ ngữ như ‘Lưỡng Thần Ðối Khẩu, Thiệt Nhập Kỳ Khẩu‘, làm cho nụ hôn càng ngày càng thêm phong phú. Qua đời Tống-Nguyên, Phật Giáo Mật Tông của Tây Tạng theo gót quân Mông vào Trung Nguyên, du nhập thêm những hình tượng ‘Hoan Hí Phân‘ miêu tả hành động trai gái yêu đương hôn hít. Từ đó đã mở đường cho sự phát triển các tranh ảnh dân gian, về nụ hôn nơi công cộng. Hiện tượng này càng ngày càng trăm hoa đua nở, mà nổi bật nhất là tác phẩm ‘Kim Bình Mai Từ Thoại‘ của Lan Lăng Tiến tiên sinh, đã diễn tả hơn 100 kiểu hôn đầy hấp dẫn sôi động. Song song với tác phẩm gợi tình này, còn có nhiều Bi Hí Tự Ðồ, đời Minh với 24 trang khắc bản đính kèm trong sách ‘Hoa Doanh Cẩu Trận‘, diễn tả cảnh nam nữ khỏa thân, đang ngồi trong bồn tắm hôn hít. Nhiều danh từ mới xuất hiện trong Hán Tự, chỉ nụ hôn như ‘hâm Chủng, Tế Chủng, Tố Liễu Cá Lữ Tự...’

nu hon tu co chi kim

Tóm lại Nụ Hôn là một nghệ thuật yêu đương độc đáo của con người, tạo được một khoái cảm nồng cháy, khi môi chạm môi, mặt đối mặt, làm tăng thêm hương vị ngọt ngào quyến rũ, như người xưa đã viết:

‘chàng đuổi thiếp về
thiếp hướng về chàng
trò chuyện thỏa thê
còn sung sướng hơn cả động phòng
chàng ôm thiếp
thiếp ôm chàng
gót sen nhón lên
môi chạm môi ngọt hơn đường…’

Trong khi đó người Ý lại tự nhận mình là dân tộc đầu tiên, đã phát minh ra nụ hôn, vì thời thượng cổ, chỉ có đàn ông Ý mới được quyền uống rượu. Do trên mỗi khi vắng nhà, khi trở về, việc đầu tiên là chồng phải ngửi môi vợ, xem nàng thừa lúc chàng đi vắng, có uống rượu trộm không / Ðó là nguyên nhân phát sinh ra nụ hôn. Từ đó mọi người bắt chước hôn hít, sử viết vua Louis III của Pháp , đã ban tặng nhiều châu ngọc, vàng bạc, kim cương cho Phi Tần khi họ đến hôn ông ta. Thế kỷ XIV-XV, tại Âu Châu có nạn dịch truyền nhiễm qua đường miệng, nên thời gian đó nụ hôn bị gián đoạn và cấm chỉ. Nhưng sau đó khi bệnh dịch đã dứt, nụ hôn lại được thịnh hành và này nay hôn được coi như một nghi thức xã giao tự nhiên của con người, nhất là tại các nước Âu-Mỹ. Tóm lại ngày nay có hằng kiểu hôn nhưng chung quy vẫn gồm ba loại: Hôn để xã giao, Hôn để biểu lộ tình cảm và Hôn lứa đôi. Theo tổng kết của tờ Madame Figaro Magazine, thì các nước Anh, Mỹ, Tàu, Pháp, Ý, Ấn Ðộ... rất thích hôn môi, để biểu lộ tình yêu. Ðúng như sự nhận xét của các văn nhân nghệ sĩ: ‘Nụ hôn là mùa xuân đẹp nhất của tình yêu, là tinh hoa của trời đất vũ trụ...’

Ngoài nụ hôn, để giữ hạnh phúc tình yêu, con người còn phải biết Tráng Dương Bổ Thận để thắp sáng ngọn lửa tình. Ðây là phong cách của các đấng mày râu nhằm bảo đảm tình yêu vĩnh cửu. Ngày nay có nhiều liệu pháp trị liệu như Testosterone, DHEA, Hormone... chỉ là sự nối tiếp theo bước chân của tổ tiên thời xưa, trên đường đi tìm dược thảo, dược liệu để mong trường sinh bất lão, bồi bổ sinh lực, duy trì tuổi thanh xuân.

Con người không ai không ham muốn, ngoại trừ các bậc thánh nhân đã đạt tới trình độ thiền tâm thiện ý thượng thừa. Do đó từ các nguồn sử liệu còn sót lại, ta biết Hoàng Đế cổ Ai Cập là Tutankhamun ăn rễ Cam Thảo mỗi khi gần Hoàng Hậu. Với các Hoàng Đế Gincomo, Catanova thì cho rằng sò và kẹo cho sô cô la làm tăng cường khả năng tình dục. Ngay cả Shakespeare viết trong tác phẩm ‘Lái Buôn Thành Vienne‘ cũng ca tụng các loại dược thảo thần diệu, thắp sáng được ngọn lửa tình nơi những kẻ cao niên, cải lão hoàn đồng.

Tại Ấn Ðộ có bộ kinh Kama Sutra viết về chuyện phòng the với nhiều chi tiết thật mới mẻ, nếu so với ngày nay.

Nước Hoa hay hương thơm của tình yêu, cũng là một sự quyến rũ kỳ diệu. Thật vậy, chỉ cần có một vài giọt nhỏ nước hoa trên cổ, trên da của một người đàn bà cũng đủ làm khựng điếng các đấng nam nhi, gọi mời cả hai bước vào con đường thênh thang của tình ái, sau đó chuyện gì sẽ xảy ra, nào ai biết được. Ðây cũng là chuyện cũ rích, vì ngay từ năm 4600 trước Tây Lịch, phụ nữ cổ Ai Cập đã biết dùng nước hoa để làm lợi khí trong tình yêu. Trong lúc gần như nhân loại trên trái đất còn ăn lông ở lỗ, thì tại xứ Kim Tự Tháp, thì người Ai Cập đã đắm chìm trong lạc thú ăn chơi xa hoa trụy lạc. Nhiều bằng chứng thời đó, được các nhà khảo cổ tìm thấy trong các ngôi mộ, điển hình là các bó hoa khô (Pulicaria Inducata), được dùng để ph trên quan tài đá ở Héluoan (Le Caire). Tại mộ Vua Toutan Khamon, có nhiều hoa và những lọ nhỏ đựng một loại rễ cây, có tác dụng xông mùi hương. Nhiều bức họa tường vẽ cảnh các phụ nữ đang dự tiệc, người nào cũng trang điểm bằng hoa sen và đội vòng hoa trên đầu. Nhiều bức họa còn hướng dẫn cách nấu dầu thơm. Tại thành phố sa mạc Héliopolis, người ta đốt nhựa hương buổi sáng, nhựa thông buổi trưa và hương liệu hỗn hợp Kumphi vào ban đêm để không khí luôn luôn thơm tho thanh thoát. Nói chung, hầu như các thành phố của cổ Ai Cập, nhà nào cũng có vườn hoa. Ngoài phố, dọc theo đường có các trụ đèn thiết kế hình cánh tay, cầm một cốc nhỏ đựng các hương liệu, dùng để đốt ban đêm. Theo sử liệu, thì dân tộc Ai Cập đã phát minh đầu tiên các loại dâu thơm để chà xát cơ thể khi tắm gội. Phương thức này, về sau được hai đế quốc Hy Lạp-La Mã bắt chước, khi họ chiếm Ai Cập. Những loại thuốc bôi da, giữ gìn nhan sắc cho người phụ nữ, cũng đước chế tạo sớm nhất ở Ai cập và vẫn được lưu trữ trưng bày tại các viện bảo tàng Ba Lê, Luân Ðôn... Ðây là các sản phẩm có từ 4000 trước Tây Lịch, gồm dầu thơm, thuốc bôi da làm bằng hợp chất cây Kinh Giới Ô (Origan), quả hạnh, nhựa trầm hương, nhựa Ả Rập…

nuochoa1

Sử dụng hương liệu để chế biến dầu thơm cũng như dùng hoa lá làm vật trang điểm, là ước lệ muôn đời của phụ nữ Châu Phi. Tại Turisia, người đàn bà dùng bột cây Dier để chế một loại thuốc bôi da, có mùi thơm chất ngất gợi dục. Phụ nữ Ai Cập thích tô mặt bằng phấn trắng-đỏ, trộn chung với bột vàng mua tại cac tiệm kim hoàn. Ngoài ra cây lá móng tay cũng là dược liệu quan trọng, để chế tạo các hương liệu tình yêu, vì hoa của nó có mùi hương rất nồng nàn, được người La Mã dùng chế tạo thuốc nhuộm tóc. Nhưng phụ nữ Ai Cập thì lại dùng nó để bôi vào gan bàn tay hay sơn móng tay chân và bôi trên tóc trong các ba tiệc, để tạo thêm sự quyến rũ đối với nam giới.

Ngày nay nuớc hoa được sản xuất khắp thế giới. Tuy nhiên Ai Cập cũng vẫn là nước được ưa chuộng trong ngành chế tạo các hương liệu cổ truyền. Các sản phẩm này lúc nào cũng được trưng bày tại các Hội chợ quốc tế Kham Khalil và bán với giá thật cắt cổ vì phương thức cất nước hoa của người Ai Cập bí truyền.

Sáu mươi năm về trước, Grasse là kinh đô nước hoa của Pháp và cả thế giới. Nhưng nay thời đã biến đổi, địa điểm trên đã bị đô thị hóa, ảnh hưởng đến các cánh đồng hoa. Tình trạng trên cũng đã xảy ra tại Ai Cập là cái nôi sản xuất hương liệu. Do trên các nhà sản xut nước hoa ngày nay, đã phải lặn lội đi tìm nguyên liệu mới. Ðó là cánh đồng Hoa Chanh trên đảo Sicile ở Ý, rừng Hoa Nhài trên khắp các cánh đồng hoa Ấn Ðộ, Hoa Hồng tại Ðông Phi... tất cả đều được chọn giống chính từ các cánh đồng hoa ở Grasse. Tuy nhiên phương pháp chế tạo nước hoa ngày nay đã được kỹ thuật hóa, làm tăng thêm sự quyến rũ kỳ diệu của nước hoa, giúp cho con người gợi lại bao kỷ niệm hương xa.

Trong lúc các người đẹp khắp hoàn cầu, tận dụng mùi hương để tạo thêm sự quyến rũ của phụ nữ, thì cũng lá lúc có không biết bao nhiêu phải đổ mồ hôi vất vả, để chăm sóc, vun xới các cánh đồng hoa cho chúng luôn luôn nở rộ. Họ làm việc thật là khổ nhọc từ Midi của Pháp, qua tới Ispainta (Thổ Nhĩ Kỳ). Từ Cap Bon (Tunisia), Madagascar cho tới Tamil Nadu và Karuataka (Ấn Ðộ). Tất cả các cánh đồng hoa trăm hương ngàn tía, thi nhau khoe sắc nõn nường, với đủ các loại Hoa Hồng Damascena, Hoa Công Chúa Ylang-Ylang, Hoa Chanh, Hoa Quít, Hoa Nhài... Riêng công ty nước hoa lừng danh nhất thế giới hiện nay là CHANNEL vẫn giữ đúng truyền thống của nữ chủ nhân sáng lập Coco Channel, cũng là nữ điệp viên ngoại hạng của Pháp, chuyên dùng loại Hoa Lài, để chế tạo loại nước hoa số 5. Công ty này hiện có rất nhiều cánh đồng hoa lài, trên rặng núi Alpes và Ấn Ðộ.

Nhưng không phải hoa nào cũng đều có mùi hương giống nhau, dù là đồng loại. Tất cả đều phải lệ thuộc vào giống chính, đất đai, khí hậu... cho nên chỉ có các chuyên viên mới có đủ tư cách phân loại hoa, giống khi quyết định chế tạo nước hoa. Ngày nay các công ty đã chế tạo được máy Ðo Mùi Vị (Olifactomètre), để phân biệt các lọai hoa nhưng tựu trung cũng không làm sao sánh nối với cái mũi kỳ diệu của các chuyên viên, trong đó nhiều người đã phân biệt được tới 200 loại mùi hoa. Nhờ vậy các bà các cô mới có đủ các loại nước hoa như Antaeus, Coco Channel, Égoiste, Jacghes... để cho tình yêu chắp cánh.

Tóm lại tan vỡ và hạnh phúc đều là khía cạnh tâm lý thường trực của con người. Bởi vậy đã có nhiều cặp vợ chồng sống chung nhau tới trọn đời, trái lại cũng không ít đôi uyên ương phải ngậm ngùi chia ly ngăn cách vì bao nhiêu ngang trái trùng hằng. Cho nên muôn đời Tình Yêu vẫn là sự bí mật vĩnh cửu, vì vậy không trách Xuân Diệu đã viết:

‘Yêu là chết trong lòng một ít,
Vì mấy ai yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hay thờ ơ chẳng biết…’

Bởi thế làm sao định nghĩa nổi tình yêu?

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Mường Giang

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com