User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

tanman

Gần đến Tết mà lòng buồn rười rượi. Không buồn sao được, khi thấy trên báo viết, báo điện, trên đài toàn những hình ảnh chết chóc tàn sát dã man khủng khiếp. Biết bao người thân, biết bao lương dân vô tội bị giết vào dịp Tết cách nay gần 50 năm! Nhất là dân cố đô Huế.

Thời gian trôi đã xa lắm rồi. Mà bức màn ký ức đau thương buồn thảm vẫn phủ lên tâm khảm bao người cũng như trên lịch sử dân tộc và thực tại đất nước.

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ... Những vần thơ diễm tuyệt của Nguyễn Du gợn lên trong ký ức, câu được câu mất...
 
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...
Buồn trông ngọn nước mới sa
Mây trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh...

Thấp thoáng, xa xa, rầu rầu, xanh xanh, man mác... những điệp ngữ, điệp âm khiến lòng người thưởng lãm cũng buồn man mác, buồn vô hạn...

Ôi, những tính từ tượng hình tượng thanh làm não lòng người ấy của Truyện Kiều làm sao không gợi nhớ tới Phạm Quỳnh, người đã nói một câu đi vào lịch sử văn học: Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, thì nước Việt còn. Nhất là vào lúc mà ai cũng nghĩ tới cảnh “mất nước, mất đất”? (Ôi Hoàng Sa, Trường Sa!)

Nhớ lại Tết Mậu Thân. Từ những vụ thảm sát Tết Mậu Thân liên tưởng đến những vụ thủ tiêu vô tiền khoáng hậu sau “cách mạng tháng 8”, trong đó có Phạm Quỳnh. Rồi từ đó tự nhiên liên tưởng đến Nguyễn Du với Truyện Kiều, với những vần thơ bất hủ. Những lối dùng chữ đơn sơ mà đẹp tuyệt vời, một dáng đẹp quê hương.

Nhân đây, chúng tôi xin cống hiến bạn đọc vài suy tư riêng về một vài từ ngữ tiếng Việt để nói lên cái phong phú, đa dạng của ngôn ngữ hàm chứa những tâm tình sâu kín tế nhị, tuy khó diễn tả mà đã được diễn tả thành những áng văn chương tuyệt tác. Những vần thơ lục bát rất dễ làm, rất phổ thông mà đủ sức vẽ nên những bức tranh linh động, biến hóa khôn lường, khiến người thưởng lãm phải trầm trồ khâm phục, tấm tắc khen hay.

Đây không phải một bài nghiên cứu văn học, cũng phải bài bình giảng về kiệt tác của Nguyễn Du. Càng không phải một bài nói về văn phạm tiếng Việt. Mà chỉ là những cảm nghĩ đơn sơ của một người Việt đi tìm những cái hay cái đẹp, hay ít nhất, những ý nghĩa đa dạng trong một số từ ngữ đặc biệt trong số những tính từ, mạo từ, đại danh từ trong tiếng Việt.

Mong rằng khi nhìn thấy vẻ đẹp linh động của văn tự qua những vần thơ hay sự kiện đau thương, chúng ta có thể phần nào đẩy lui hay xóa bớt những niềm đau thương bi đát trong tâm tưởng, ít ra cũng được “một nửa trống canh”.

Trước hết xin bắt đầu bằng mấy điệp âm, điệp ngữ trong 6 câu Kiều ở trên.

Xa xa! Xa ngược lại gần. Nhưng ý xa lại thường hay đi với ý gần: Xa gần, gần xa. Gần trong gang tấc mà tựa xa ngàn trùng. Gắn liền với xa thường có một từ đi sau làm thay đổi ý nghĩa một cách tinh vi tế nhị; ta thấy có xa xôi, xa xăm, xa xưa, xa lắc, xa lắc xa lơ, xa tắp tít... Và cuối cùng là xa xa. Điệp ngữ này cho ta một hình ảnh theo nghĩa tượng hình và đồng thời cũng gợi nên một ý tượng thanh: Xa, nhưng không xa lắm, mà thành xa lắm. Người đọc hay người nghe mường tượng như cùng với hình ảnh và âm thanh này mình đi vào cõi mông muội, hư ảo, không biết gần hay xa, chỉ biết cảm thấy buồn buồn khôn tả.

Rầu rầu! Rầu thường đi sau buồn, buồn rầu, và trước rĩ: rầu rĩ (rầu rĩ, râu ria ra rậm rạp. Rờ râu, râu rụng, rờ rốn, rốn rung rinh). Nhưng khi lặp lại thành điệp ngữ rầu rầu thì hai từ này cho ta một cảm giác buồn man mác, buồn rười rượi. Buồn tê tái.

Xanh xanh! Xanh chỉ một màu trong “ngũ” sắc: xanh đỏ trắng tím vàng. Màu xanh có rất nhiều độ. Do đó nó đi với rất nhiều từ khác để nói lên những sắc độ và sắc thái khác nhau. Chẳng hạn xanh lam (blue), xanh lục (green), xanh lè, xanh biếc, xanh dương, xanh lá cây, xanh da giời, xanh thẫm, xanh lạt và xanh xanh để nói lên độ nhạt nhất của xanh. Nghĩa là chỉ hơi hơi xanh mà thôi. Nhưng khi, trong thi văn, tác giả dùng điệp âm này thì nó gợi cho người đọc có cảm tưởng mình đang ở một trạng thái nhẹ nhàng, không rõ rệt, mông lung, huyền ảo, trong đó chân mây trên trời cao bao la, chạm tới mặt nước phẳng lặng của biển cả ở tắp tít đàng xa, khiến cả trời, mây, nước, đều một màu xanh xanh như nhau...

Từ ba điệp âm này trích trong mấy vần thơ Kiều nói trên, chúng tôi xin bàn rộng ra với những điệp ngữ khác. Trước tiên hãy giới hạn trong phạm vi ngũ sắc:

Đối lại với xanh là đỏ. Dường như có một cái luật bất thành văn là khi muốn tạo một điệp âm cho một từ ở vần trắc, thì không nhắc lại y nguyên từ đó, mà phải đổi từ trước thành vần bằng. Vì thế, không nói đỏ đỏ, mà phải nói đo đỏ. Đỏ thì có nhiều sắc độ khác nhau như: Đỏ sẫm, đỏ chói, đỏ chót, đỏ lòm, đỏ rực, đỏ ối, và đo đỏ, tức chỉ hơi đỏ mà thôi.

Trắng. Điệp âm của trắng là trăng trắng. Trắng cũng có rất nhiều độ: trắng tinh, trắng toát, trắng ngần, trắng bạch, trắng hếu, trắng dã, trắng trẻo, trắng phau, trắng phau phau, trắng ngà (Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà, Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên).

Tím. Điệp âm là tim tím. Tím có tím bầm, tím ngắt, tím lịm, tím tái, tím hoa sim...

Vàng. Có nhiều độ khác nhau: Vàng tươi, vàng cam, vàng khè, vàng vọt, và sau cùng là vàng vàng, tức chỉ hơi vàng thôi. Đặc biệt trong Cung Oán có mấy chữ gió vàng hiu hắt. Gió sao lại có màu vàng, và thế nào là vàng hiu hắt? (Trải vách quế gió vàng hiu hắt). Thường ta chỉ nghe tiếng gió. Gió hú. Gió rít. Gió thổi vù vù. Gió thoảng (Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, Nguyễn Du ví tiếng đàn của Kiều êm dịu quá, như tiếng gió thoảng mà thôi). Nhưng làm sao trông thấy gió? Một cách gián tiếp. Thấy lá bay, lá xào xạc, cây đổ, cành rung rung thì biết có gió. Do đó gió vàng thì phải hiểu rằng gió làm tung bụi lên dưới ánh tà dương, hay ánh điện vàng của đèn đường. (Nhưng thời Nguyễn Gia Thiều làm gì có điện). Dầu sao thì cũng phải có một cái gì đó màu vàng bị gió thổi tung lên, như lá vàng khô chẳng hạn, hay bụi mang ánh vàng của tà dương... thì mới cho tác giả cái ý, và hình ảnh tưởng tượng để viết ra mấy chữ gió vàng hiu hắt.

Đen. Có nhiều độ đen: đen xì, đen đủi, đen đúa, đen như cột nhà cháy, đen như củ tam thất, đen như quỷ...

Từ những tính từ lấy từ 5 màu sắc trên ta có thể nêu ra hàng trăm tính từ khác để tạo nên những điệp âm hay điệp ngữ bằng cách tương tự. Nhưng thiết tưởng chỉ nên hạn chế ở một số ít sau đây:

Trước hết hãy lấy từ mấy vần thơ Kiều ở trên. Hai chữ thấp thoáng cho ta: Thấp với điệp âm thâm thấp, và những tính từ kép thấp thỏm, thấp tha thấp thỏm, thấp lè tè và thấp thoáng.

Thoáng với điệp âm thoang thoáng, và thông thoáng, thoáng mát.

Và sau đây là một số từ khác có thể tạo thành điệp ngữ điệp âm hay tính từ kép: Ấm cho ta ấm áp, ấm cúng, đầm ấm, âm ấm; Nóng cho ta nong nóng, nóng nảy, nóng bức, nóng nực, nóng bỏng, nóng như lửa, nóng như thiêu, nóng cháy da cháy thịt.

Lạnh cho ta lành lạnh, lạnh lẽo, lạnh lùng, lạnh buốt, lạnh cóng, lạnh như tiền, lạnh ngắt (Mảnh lữ y lạnh ngắt như đồng. Cung Oán)

Mau cho ta mau mau, mau lẹ, mau mắn

Nhanh cho: nhanh nhanh, nhanh nhẹn, nhanh nhảu, nhanh chóng, nhanh ẩu đoảng, nhanh như cắt, nhanh như chớp,

Mát cho: man mát, mát rượi, mát mẻ

Cứng cho: cưng cứng, cứng cỏi, cứng nhắc, cứng cựa, cứng rắn Rắn cho: răn rắn, rắn rỏi, rắn chắc

Mềm cho: mềm mềm, mềm mại, mềm nhũn, mềm xìu, mềm như bún...

Bàng cho: bàng hoàng, bàng bạc, bạc bẽo, bạc nhược, bạc tình, Bành cho bành bạnh, chành bành, bành bành (Giữa hai cái mặt bành bành (của Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng) Những khăn quàng đỏ bay quanh cỏ cò (cổ của thiếu nhi đói ăn, cháu ngoan bác Hồ). Thơ Nguyễn Chí Thiện)

Bạch cho: bành bạch, bì bạch (Da trắng vỗ bì bạch. Vế đối của Đoàn Thị Điểm) Cao cho: cao cao, cao cả, cao siêu, cao sang, cao quý, cao vút, cao vời vợi, Thấp cho thâm thấp, thấp lè tè và thấp thoáng, thấp thỏm, thấp tha thấp thỏm. Sâu cho sâu sắc, sâu xa, sâu thẳm.

Rộng cho: rồng rộng, rộng rãi, rộng thênh thang, rộng mênh mông. Chật cho: chần chật, chật chội, chất cứng, chật như nêm, chật hẹp. Hẹp cho: hèm hẹp, hẹp hòi

Cong cho cong cong, cong queo, cong cớn, Đắng cho: đăng đắng, đắng đót

Đủ cho đu đủ (hơi đủ chứ không phải quả đu đủ) Được cho đường được,

Kín cho: Kin kín, kín đáo, kín mít, kín như bưng

Khinh cho: khinh khinh, khinh khỉnh, khinh khi, khinh bỉ Lạ cho là lạ, lạ lùng, lạ lẫm, lạ hoắc,

Mỹ cho: mỹ mãn, mỹ miều,

Ngộ cho: ngồ ngộ, ngộ nghĩnh,

Ốm cho: ôm ốm, ốm tong teo, ốm nhom, ốm nhom ốm nhóc, ốm giơ xương sống xương sườn ra, ốm như bộ xương cách trí, . ốm tương tư, ốm lăn ốm lóc...

Về chữ ốm này chúng tôi xin mở một dấu ngoặc đơn để dài dòng một chút.

Ốm theo tiếng miền Bắc có nghĩa là bị bệnh. Như ốm nghén (đàn bà có thai), ốm tương tư.(Tương tư là nhớ nhau vì yêu mà không được gần nhau, như Ngâu lang Chức nữ hai bên bờ sông Ngân Hà, mùa mưa ngâu là dịp họ nhớ nhau, và khóc như mưa.... (Hay như chàng với thiếp một người ở đầu sông Tương và một người ở cuối sông Tương, cả hai cùng uống nước sông Tương. Cho nên nhớ nhau, nghĩ tới nhau mà buồn mà mong, mà chờ hết hơi. Nhớ da diết đến phát ốm, phát bệnh. Bệnh nặng đến nỗi có bài đồng dao (Ba Cô Đội Gạo Lên Chùa....) hát rằng “ốm lăn ốm lóc”.... làm cho tóc rụng hết. Cũng giống như những bệnh nhân bị bệnh nan y ngày nay, như ung thư chẳng hạn, được điều trị bằng hóa chất làm cho tóc rụng hết trơn...)

Nhưng theo tiếng miền Nam thì chữ ốm lại có nghĩa là gầy, gầy ốm. Còn miền Bắc không nói gầy ốm mà nói gầy còm. Từ đó có chữ còm cõi, tương đương với ốm nhom trong Nam..

Hai chữ còm cõi đưa tâm trí người viết trở về một dĩ vãng xa xăm đã ba chục năm. Lúc ấy tôi theo học “đại học Cải Tạo” ở Vĩnh Phú. Một buổi chiều đông, đang cùng với bạn tù vác cuốc từ trên đồi cao về trại giam. Nửa đừờng chúng tôi thấy một bé gái tưởng chừng 7, 8 tuổi đang leo đồi. Nó cõng trên lưng một bó củi to gấp đôi cái thân gầy còm của nó. Nó đi chân không, đầu không có nón, mình mặc áo vải, mặc dù trời lạnh cắt da cắt thịt, cách xa chúng tôi chừng vài chục mét. Cái đập mạnh vào con mắt tôi lúc ấy và khiến tôi còn nhớ mãi đến ngày nay, là tấm thân nhỏ thó và còm cõi của nó. Về trại, khi có dịp gặp một tù nhân theo “diện rộng” (nghĩa là được ra ngoài lao động mà không bị canh gác như tù thường), anh này cho biết anh ta hay gặp con bé đó và bảo nó đã 13 tuổi rồi đấy. Những đứa trẻ quắt lại không lớn được như nó ở vùng này khá đông.

Không biết tại sao, khi nghe nói thế tôi bỗng ứa nước mắt. Xin nói rõ là lúc thấy nó leo đồi với bó củi to tướng ở trên lưng, tôi chỉ buồn buồn và xót thương cho đứa bé 7, 8 tuổi đầu đã phải lao động cực khổ, và nghĩ chắc còn nhiều con bé như thế cũng cùng hoàn cảnh đó. Nhưng tôi không khóc. Mà bây giờ, nghe anh “diện rộng” nói thế tôi lại khóc. Có lẽ vì con số 13 làm tôi nhớ lại cái tuổi của con gái út tôi lúc tôi lên đường “đi cải tạo”. Ngày tôi ra đi lại đúng là ngày thứ sáu, 13 tháng 6, kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 13 của con gái tôi. Phải chăng vì vậy nước mắt của tôi chảy ra vì con mình hơn là vì thương hại đứa bé còm cõi, tức ốm nhom, bé bỏng và bất hạnh kia?

Mượn dịp nói về chữ ốm và còm để kể lại câu chuyện thương tâm này tôi tự hỏi, không biết đã ba thập kỷ trôi qua, ngày nay số phận của những dân nghèo miền núi hay miền quê Việt Nam có khá hơn không?

Xin đóng ngoặc đơn. Và xin đừng ai nhắc lại và cho xem thêm những hình ảnh tang thương chết chóc của những ngày “Cách Mạng Tháng Tám” hay dịp Tết Mậu Thân ở đây nữa kẻo những bạn đọc đa cảm lại sụt sùi.

Bây giờ xin trở lại với tính từ.

Thẳng cho: thăng thẳng, thẳng thắn, thẳng băng, thẳng thừng, thẳng ruột ngựa, thẳng thớm.

Xinh cho: xinh xinh, xinh xắn, xinh xẻo, xinh tươi, xinh đẹp.

Đẹp cho: đèm đẹp, đẹp đẽ, đẹp như tiên, đẹp tuyệt trần, đẹp quyến dũ, đẹp liêu trai, đẹp khêu gợi, đẹp lẳng lơ, đẹp như sao băng, đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đẹp làm say đắm lòng người, đẹp chim sa cá lặn (Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn, Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa. Cung Oán)

Xấu thì có: xấu xí, xấu như ma lem, xấu như Chung Vô Diệm, xấu kinh khủng gớm ghiếc.

Trên đây chúng tôi đã kể ra một số tính từ được dùng dưới dạng điệp ngữ hay điệp âm. Sau đây là một số tính từ (và vài phó từ, hay trạng từ) kép thuộc nhiều loại, bắt đầu bằng những phụ âm giống nhau, và xếp theo thứ tự a, b, c. Ví dụ thì quá nhiều. Nên xin bạn nào muốn đi sâu hơn vào cách lập thành những tính từ hay phó từ này tham khảo phần phụ lục ở cuối bài.

Trước khi chuyển sang phần mạn bàn về mạo từ, xin được vắn tắt vài hàng về động từ và đại danh từ.

Động từ: Chỉ xin nêu ra 4: cười, khóc, mưa yêu.

Cười thì có: cười tươi, cười tươi như hoa, cười hề hề, cười hô hố, cười mím chi, cười nụ, mỉm cười, cười vang, cười rộ, cười toe tóet, cười tình, cười làm duyên, cười trừ, cười xả lả, , cười chua chát, cười nhẫn nhục, cười tít mắt, cười cầu tài, cười đểu, cười mỉa mai, cười chế diễu (Cười người chớ có cười lâu, Cười người hôm trước, hôm sau người cười), cười mếu máo, cười gằn, cười nhếch mép, cười khanh khách, cười khềnh khệch, cười như nắc nẻ, cười sặc sụa, cười sằng sặc, cười khúc khích, cười như pháo rang

Khóc thì có: khóc lóc, khóc than, khóc nức nở, khóc tức tưởi, khóc thút thít, khóc xụt xùi, khóc sướt mướt, khóc thầm, khóc ấm ức, khóc nghẹn ngào, khóc không ra tiếng, khóc chảy máu mắt, khóc như “thiếu nữ vu quy nhật”. Tiếng khóc ở đây mang một ý nghĩa tinh tế phức tạp. Về nhà chồng, nếu chồng là người mình yêu thì phải vui, vậy khóc đây là khóc sung sướng. Nhưng cũng có thể dù được sum họp với người yêu chăng nữa, khi bỏ nhà ra đi với duyên tình cũng có thể buồn vì phải xa mẹ, xa em ... Vậy khi nói khóc như cô dâu ngày lên xe hoa, thì không những chỉ có nghĩa là khóc vì sung sướng. Mà đồng thời còn có một ý nghĩa trái ngược, mâu thuẫn, nói lên một tình cảm phức tạp, vừa buồn vừa vui khó diễn tả...

Mưa thì có: mưa phùn, mưa lâm râm, mưa lã chã, mưa dầm, mưa dầm dề, mưa xối xả, mưa thối đất.

Xin lưu ý, như đã nói trên, mạo từ con dùng cho tất cả mọi động vật, và có thể coi như thuộc về giống đực. Nhưng những con vật thì lại có hai giống, cả đực lẫn cái. Như vậy tất các con cái lẫn con đực đều có giống đực hết. (theo ý nghĩa của mạo từ con.) Phải chăng đây là một khuyết điểm lớn của cách phân loại mạo từ trong văn phạm tiếng Việt?

2. Cái. Cái gì tĩnh, hay ít động hơn thì gọi là cái như cái ly, cái cốc, cái chén, cái bát, cái bàn, cái ghế, cái tủ, cái giường, cái nhà... và cái giếng, cái ao, cái hồ, cái (hĩm)... của phụ nữ. (Xin chú ý theo nguyên tắc hễ động (dương), thì dùng mạo từ con, còn cái gì tĩnh (hay tương đối ít động hơn) thuộc âm, thì dùng mạo từ cái, như cái giếng, cái ao, cái hồ.... và cái nhà.

Luật trừ: có một thứ không sinh động nhưng cũng gọi là con như con dao. Nhưng lại cái kéo. Cứ nhìn con dao và cái kéo trong lúc chúng được dùng vào việc thì thấy rõ ràng cái kéo linh hoạt hơn con dao. Nên đáng lý phải gọi con kéo và cái dao thì mới đúng luật âm (tĩnh) dương (động) chứ. Nhưng ngôn ngữ Việt là vậy. Do đó trường hợp này phải coi như luật (mẹo) trừ. Và, con đường có phải cũng là luật trừ không? Hay vì đường cũng thường được gọi là đường đi, mà trong chữ đi thì có hàm ý di chuyển, chuyển động.

3. Ngôi. Theo luật trên thì đứng trước tiếng nhà thì dùng mạo từ cái. Nhưng đối với những cái nhà đặc biệt thì không dùng mạo từ cái mà lại có một thứ mạo từ khác: Ta thường nói: ngôi chùa, ngôi giáo đường, ngôi thánh thất, ngôi biệt thự, và cả ngôi sao...

4. Ngọn. Còn như tháp chuông, hay núi thì người ta cũng có thể dùng mạo từ ngọn, như ngọn tháp, ngọn núi, ngọn đồi, ngọn cờ, ngọn sóng, và cả ngọn nước (Buồn trông ngọn nước mới sa. Kiều)

5. Cánh. Cánh tay, cánh quạt, cánh cửa, cánh buồm, cánh đồng, cánh rừng (?), cánh quân, cánh tả (phái), cánh hữu (phái), cánh thời gian (Thời gian hỡi, dừng ngay cánh lại... O temps suspends ton vol, et vous, heures propices, suspendez votre cours.... Le Lac của Lamartine, bản dịch của Khái Hưng). Thực tình tôi chưa thấy ai dùng mạo từ cánh cho danh từ thời gian. Nhưng Khái Hưng, một trong hai nhà văn hàng đầu của Tự Lực Văn Đoàn đã bảo thời gian dừng cánh. Và nhà thơ Pháp Lamartine, trong kiệt tác Le Lac (Hồ Leman ở Thụy Sĩ) của ông đã bảo thời gian ngừng bay. Thì ngày nay nếu có ai mạnh dạn chắp (mạo từ) cánh cho (danh từ) thời gian, thì cũng có thể chấp nhận được. Càng làm giầu cho tiếng Việt thôi.

6. Tay: Tay chơi, tay quần vợt, tay vô địch, tay lái, tay vịn, tay giang hồ, tay mánh mung, tay hào kiệt, tay hề, tay nghề, tay sai, tay thợ, tay trong...

7. Đấng: Đấng anh hào, đấng nam nhi, đấng anh hùng, đấng thánh...

8. Nhà: Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà buôn, nhà nông, nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà ái quốc, nhà cải cách, nhà trồng tỉa, nhà trí thức, nhà hiền triết...

9. Bản: Bản sao, bản chính, bản danh sách, bản phụ, bản chép tay, bản báo cáo, bản liệt kê, bản cáo trạng...

10. Quả: Mạo từ quả thường dùng trước tất cả mọi thứ quả. Ví dụ như quả cam, quả táo, quả hồng, quả bưởi, quả xoài riêng v.v...

Nhưng cũng gọi quả bóng, quả núi, quả đất, quả địa cầu, quả tạ, quả đấm (để mở cửa), quả pháo, quả cười, quả lừa.

Không biết khi dân ta bắt đầu gọi đất là quả (hay trái, theo tiếng miền Nam), thì có hình dung ra cái hình cầu của nó chưa? Và nếu đã biết nó tròn, thì liệu có biết mặt trời mặt trăng cũng tròn (hay ít là có hình cầu) không, mà lại gọi là mặt trời và mặt trăng? Phải chăng ông cha ta gọi vậy vì nhìn từ quả đất thấy chúng dẹp lép và có hình thù như một khuôn mặt thân thiết nào đó chăng.

Chữ quả còn áp dụng cho cả một thứ không cụ thể và không hình dáng, hình thù gì cả. Đó là quả cười và “quả lừa”(!)

11. Cây: Cũng như quả, cây đứng trước tất cả mọi thứ cây, từ cây vườn đến cây rừng, như cây bứa, cây quế, cây tre, cây xoan, cây chôm chôm, cây cau, cây cam, cây quít, cây hồng, cây táo, cây ổi, cây xoài v.v... trăm thứ cây (vườn bách thảo).

Ngoài ra cây còn đứng trước một số chữ không phải thuộc loại cây nào cả. Ví dụ: Cây đàn, cây vàng, cây cầu, cây viết, cây bút, cây bài (cây bát sách, cây cửu vạn...), cây hề, cây hài hước....

12. Tấm: Tấm bánh, tấm ván, tấm vải, tấm áo, tấm phản, tấm bảng, tấm danh thiếp, tấm bình phong, tấm huy chương, tấm thân, tấm lòng, và cả tấm ... chồng.

13. Chiếc. Chiếc lá, chiếc khăn, chiếc gối, chiếc nón, chiếc bánh, chiếc máy bay, chiếc phi cơ, chiếc đồng hồ, chiếc đũa, chiếc giầy, chiếc xe (ở đây ta thấy đồng hồ, phi cơ và xe là những vật vật có động chứ không tĩnh, đáng lẽ phải gọi là con đồng hồ, con tầu bay (hay con phi cơ) và con xe, như thường gọi con thuyền, con tầu.... Nhưng không ai gọi thế, mà cứ gọi là chiếc. Lại một thứ luật trừ nữa?

Tôi xuýt quên: Còn chiếc bóng nữa. Và đây mới là điều quan trọng. Và 2 từ chiếc bóng thường đứng trước hai chữ lẻ loi. Điều này nhắc chúng ta rằng trong chữ chiếc, có hàm ý không có đôi. Cho nên đáng lý ra chỉ những thứ gì có đôi mới nên dùng mạo từ chiếc, khi nó thiếu đôi. Chiếc bóng lẻ loi vì chỉ có một người hoặc góa vợ, góa chồng, hay vắng người yêu. Cũng như giầy phải có đôi, dép phải có đôi, đũa phải có đôi. Khi nói chiếc đũa, chiếc giầy, chiếc dép là có ý chỉ đũa, giầy, dép lẻ loi, dép nửa đôi (*)

Nhìn lại 13 chữ (hầu hết đều là những danh từ) được dùng làm mạo từ trong tiếng Việt, người ta có thể bảo rằng tiếng Việt không có loại mạo từ riêng biệt như tiếng Anh và tiếng Pháp, mà phải mượn một số danh từ cho chúng đóng vai trò mạo từ (hay mạo tự). Cho nên với những mạo từ này người đọc không phân biệt được danh từ nào mà nó đứng trước thuộc số nhiều hay số ít, giống đực hay giống cái. Phải chăng đó là một khuyết điểm lớn của tiếng Việt? Nói về mạo từ có nguồn gốc là danh từ thì hai chữ quả và cây là rõ ràng nhất, khiến người ta khó chấp nhận chúng là những mạo từ. Ba tục ngữ sau đây chứng tỏ điều đó: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn cây nào rào cây nấy. Xem quả thì biết cây. Những tiếng quả và cây trong ba ngạn ngữ ấy rõ ràng chỉ là danh từ mà thôi. Chúng không cần có mạo từ nào đứng trước. Có người ngoại quốc nào mới học tiếng Việt nói “Hãy ăn con quả này đi, mình ơi” không nhỉ? Nhưng nếu có ai nói: “Hãy nhổ cái cây này đi”, thì lại nghe rất xuôi tai. Chữ Cái ở đây đi với chữ cây không phải với tư cách mạo từ, mà nó đi với chữ Này sau chữ Cây để làm thành một tính từ chỉ định là Cái Này. Người ngọai quốc mới học tiếng Việt có thể sẽ nói: cái này cây (this tree) thay vì cái cây này.

Điều đó cũng cho thấy một ưu điểm mà những mạo từ trong các ngôn ngữ khác không có. Đó là ý nghĩa tiềm ẩn, tinh vi, tế nhị, phức tạp trong mỗi loại danh từ mà những mạo từ đó gợi nên trong tâm trí người nói, người nghe hay độc giả.

Trước khi chấm dứt, chúng tôi xin nhắc lại rằng đây không phải một tài liệu nghiên cứu. Chúng tôi cũng không dám đưa ra một đề nghị nào cho các nhà viết văn phạm tiếng Việt.

Trong số 7 loại từ, danh từ, tính từ, động từ, phó từ, dại danh từ, mạo từ và thán từ, chúng tôi đã chỉ nói phớt qua chưa được một nửa. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tính từ. Nhưng cũng chỉ lướt qua được một phần nhỏ. Duy có phần mạo từ là đã dám đi sâu vào. Nhưng càng vào sâu thì càng không thấy có lối ra. Vì nó phức tạp quá. Phức tạp đến nỗi đọc kỹ rồi thì đâm ra hoang mang tự hỏi, không biết có nên kết luận: tiếng Việt không có mạo từ không? Nếu không thì lại phải nhận rằng tiếng Việt có nhiều mạo từ quá phức tạp, khó có thể phân định và xếp nó thành quy luật được. Xin để tùy sự phán đoán của độc giả và sự lựa chọn của các nhà văn phạm.

Dầu sao thì trong phạm vi một bài tản mạn, chúng tôi đã cố gắng trình với bạn đọc những gì nghe được trong đời sống hàng ngày, và đọc được trên một số bài viết hay tác phẩm văn học. Tất cả đều là kinh nghiệm hiểu biết thông thường, hoàn toàn không thuộc phạm vi nghiên cứu văn học hay văn phạm Việt Nam. Mong bạn đọc thứ lỗi cho nếu những hàng trên làm rối trí quý bạn, hay chưa đáp ứng sự mong đợi của quý bạn.

Riêng về phần tính từ, chúng tôi hy vọng đã nêu lên được tính đa dạng và sự phong phú mà có lẽ hiếm có ngoại ngữ nào có. Những từ mà chúng tôi nêu làm ví dụ, chỉ là một phần nhỏ. Hơn nữa phần nhiều chúng gồm những chữ mà phụ âm đầu đều giống nhau. Ví dụ: chúng tôi giới hạn trong chữ vui vẻ, mà không nêu ra những chữ vui tươi, vui cười, vui nhộn v.v..., hay chỉ nêu sắc sảo, mà không nêu thêm sắc bén, sắc nhọn, sắc cạnh v.v... hay chỉ nêu ngang ngược, mà không nêu ngang tàng, ngang bướng, v.v.... Vậy mà bảng danh sách (ở phần phụ lục) đã dài đến như vậy. Và dám chắc sau khi đọc những tính từ được nêu lên trong bài này, bạn đọc sẽ còn tìm thấy rất nhiều từ để bổ túc. Hy vọng đó sẽ là một niềm vui văn vẻ trong ngày Xuân. Hay ít nhất cũng khuây khỏa được nỗi buồn do những ký ức về một cái Tết cách nay gần 50 thập kỷ.

09.12.2016
Minh Võ

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com