Quê Ta Tiếng Người (The Fatherland, The Foreign Tongue. N.Y. 1995). Đây là tác phẩm viết về tâm sự của một cô gái Mỹ gốc Nhật, Susan Kumagai, thuộc về thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Cô gái Phù Tang đã thành tài và từng ấp ủ ước mơ về phục vụ quê hương. Tâm lý Á châu là một khuynh hướng tâm lý chuộng chính danh và định phận. Người nào tiếng ấy rạch ròi. Nhưng đến đâu trên quê cha đất tổ, cô ta cũng bị đồng bào cô nhạo báng, châm chọc và đối xử một cách đầy xa lạ chỉ vì cô không nói đuợc tiếng Nhật, mà chỉ nói được tiếng Mỹ. Ngay tại ngôi làng tổ tiên Hukaido xa xôi của cô, nguời dân Nhật bình thường vẫn kính trọng người Mỹ nói tiếng Mỹ, nhưng lại xa lánh và kỳ thị cô gái Nhật mà lại chỉ có nói tiếng Mỹ. Sau cùng cô gái phải nghẹn ngào, vội vàng từ giã quê cha với lời than thở: “Đâu phải lỗi tại tôi!” (It's not my fault!”).
Thế thì lỗi tại ai? Susan cũng như hầu hết các em bé Việt Nam lớn lên trên đất Mỹ đang quên hẳn hay quên dần tiếng mẹ đẻ đâu phải tại lỗi các em. Các em đều lớn lên như một tờ giấy trắng mà những giòng chữ đầu tiên do cha mẹ và xã hội thay phiên nhau viết những giòng kế tiếp. Các em đã quên tiếng Việt rồi sao? Sao các em lại không biết cất tiếng chào “Thưa Cô, thưa Bác, thưa Chị, thưa Anh?”. Sao các em không có được niềm vui ngày Tết và hình ảnh con trâu trên đồng lúa, con sông xanh ở đầu làng, tiếng ru của mẹ... có gợi cho em thương nhớ gì không? Tất cả những gì đẹp và thiêng liêng trên quê hương giờ đã xa khuất bên kia trời trái đất. Suốt ngày ở trường, ba mẹ đi làm quần quật, có ai giúp cho em gợi nhớ gì đâu?
Lỗi tại ai?
Thưa, tại tôi, tại chị, tại anh, tại chú, tại bác, tại tất cả chúng ta là những người phụ huynh có trách nhiệm đang quay cuồng vật lộn với cuộc sống hàng ngày nơi quê người với biết bao mặc cảm tự hào lẫn chua xót. Rất đông người Việt lớn rất nhanh với kiến thức, bằng cấp, thương mãi, nghề nghiệp, trương mục ở ngân hàng nhưng rất ít ngưới “lớn” theo kịp với đà phát triển của con cháu chúng ta trong cái xã hội Hoa Kỳ phức tạp và đa dạng này.
Để góp một phần rất nhỏ trong việc trình bày, phân tích và nhận định về sự khó khăn của con em chúng ta trong việc duy trì và sử dụng tiếng mẹ đẻ, tôi chỉ xin phép bàn đến một vài khía cạnh rất nhỏ và tiêu biểu trong lãnh vực bao la của ngôn ngữ.
Mặc Cảm Về Ngôn Ngữ
Nếu đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn thì ngôn ngữ là cửa ngõ tư tưởng và tình cảm của mỗi con người. Qua tiếng nói, người ta có thể gây cảm tình, thuyết phục hay chinh phục; hoặc biểu lộ trình độ hiểu biết và thân thế một cách dễ dàng.
Xuất thân từ một đất nước chuộng chữ nghĩa và lời nói, người Việt Nam chúng ta thường mang mặc cảm về ngôn ngữ nặng nề như một cái “khẩu nghiệp”.
Tiếng mẹ đẻ bị phân vùng Trung, Nam, Bắc, cộng thêm mặc cảm nhà quê hay thành thị đến nỗi “Chưởi cha không bằng pha tiếng”. Thêm vào đó, tác dụng của tiếng nói còn bị phụ thuộc nặng nề vào đẳng cấp xã hội như “Miệng nhà quan có gang có thép” và người dân thường thì phải chịu “thấp cổ bé miệng”.
Tự bản chất, tiếng nói là một phương tiện truyền thông như chiếc bè để qua sông. Nhưng với mặc cảm khá nặng nề về ngôn ngữ, tiếng Việt thường xuyên bị thử thách trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với bao nhiêu cuộc bể dâu của đất nước, hết bị Tàu đô hộ, đến Tây xâm lăng, chiến tranh trường kỳ bão liệt. Không ít người Việt đã vội vàng quay lưng với tiếng nói thân yêu của mình để vội vàng chạy theo những ngôn ngữ mới chân ướt chân ráo tiếp thu được khi hoàn cảnh thay đổi.
Thời cận đại, khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, tiếng Tây đã trở thành một thứ ngôn ngữ “cao quý” đến nỗi cứ hễ nói tiếng Việt mà chêm vào đuợc tiếng Tây, bất luận là loại tiếng Tây nào, kể cả tiếng Tây bồi bếp, bâng quơ... cũng được liệt vào hạng “văn minh” và “thông thái”!
Trong giai đoạn này, đã có rất nhiều người Việt Nam theo “Tây học” đã công khai chối bỏ tiếng nói thân yêu của tổ quốc, để chế nhạo, khinh miệt và vùi dập ngôn ngữ Việt Nam như là một thứ tiếng thấp hèn, nghèo nàn, lạc hậu, vay mượn và thiếu sức sống (!).
Khi qua Mỹ, mặc cảm ngôn ngữ tuy không còn gay gắt trong một xã hội đa chủng vì tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ tiêu chuẩn (official language), tiếng Việt chỉ còn là phương tiện riêng tư giữ người Việt với nhau. Thế nhưng cái mặc cảm đó vẫn cứng đầu, ló mặt thường xuyên trong cuộc sống Việt-Mỹ hàng ngày. Tôi đã từng gặp trong lớp học, nơi hội hè ở nhiều nơi những tình huống buồn cười một cách xót xa khi một người Việt mới đến xứ nầy nhưng đã nói được tiếng Anh một cách lưu loát thì người ta cho đó như một điều đương nhiên chẳng ai để ý. Nhưng ngược lại, một người Mỹ học tiếng Việt lâu ngày mà nói được một câu tiếng Việt trọ trẹ thì mọi người lấy làm cảm kích và vỗ tay bôm bốp. Tiếng Việt như một con bệnh nằm liệt giường lâu ngày, nay có người tốt bụng vực dậy làm mọi người hồ hỡi.
Thái độ tiêu cực vì mặc cảm tự ti về ngôn ngữ Việt Nam đã bị thực tế hùng hồn đánh bạt. Với sức sống tự cường của hàng nghìn năm lịch sử, tiếng Việt Nam, qua những người con ưu tú, đã chững chạc vươn lên bằng một hình thức văn tự mới với những phong trào chữ Nôm và Quốc ngữ. Những công trình sáng tác và biên khảo bằng tiếng Việt thuần túy đã phôi thai, khôn lớn và trưởng thành theo sự lớn mạnh và trường tồn của lịch sử dân tộc. Nhìn về lịch sử và văn hóa dân tộc, so với tất cả các nước lân bang ở Á Châu, chúng ta có quyền tự hào về sự phong phú của gia tài ngôn ngữ Việt Nam.
Từng bước một, tiếng Việt đã chiến thắng những loại “chuyển ngữ” Tàu, Tây để đi vào lòng dân tộc. Tùy theo sự phát triển cùng yêu cầu của từng giai đoạn, tiếng Việt đã tự chứng tỏ khả năng mềm dẻo, bao la, phong phú và da dạng trong mọi lãnh vực văn chương, khoa học xã hội và khoa học thực nghiệm.
Trở lại với hiện thực tiếng Việt trên đất Mỹ, chúng ta không thể chối cãi rằng, bên cạnh tiếng Anh, mặc cảm tự ti (cũng có thể là tự tôn nhưng rất hiếm) về tiếng Việt vẫn còn ám ảnh một cách nặng nề trong cộng đồng người Việt như hồn ma Đạm Tiên cứ đeo đẳng mãi Thúy Kiều. Xuất phát từ mặc cảm tự ti về tiếng Việt trước thế mạnh của tiếng Anh, kết hợp với kinh nghiệm xót xa về sự bất đồng ngôn ngữ trên bước đường tỵ nạn, phụ huynh chúng ta ai cũng muốn con em mình cần phải học tiếng Anh càng nhiều, càng nhanh, càng tốt. Đồng thới cũng đã có rất nhiều phu huynh đã dùng sai “đơn vị đo lường” khi căn cứ trên khối lượng và tốc độ nói tiếng Anh của con em mình nói với nhau hàng ngày (không kể là nói gì và nói thế nào) để đánh giá khả năng và trình dộ học tập của con em ở trường học. Tiếng Việt do đó đã trở thành một người bạn lỗi thời “Vắng mợ thì chợ cũng đông, mợ đi trong Quảng ai trông mợ về!”.
Thái độ và phản ứng của phụ huynh đối với vấn đề tiếng Việt của con em tuy có khác nhau về hiện tượng nhưng bản chất cũng chỉ là một. Ai cũng nóng lòng mong muốn, dù phải hy sinh nhiều giá trị quý báu, cho con em mình khôn lớn, được học tập thành tài, và tạo đuợc một thế đứng vững vàng trong xã hội Mỹ. Nếu chúng ta tạm đồng ý với nhau trên quan điểm “tất cả vì thế hệ trẻ con em của chúng ta” đó, hãy thử tiến xa thêm một bước nữa để bàn về mối quan hệ giữa tiếng Việt và khả năng học tập của con em chúng ta. Vấn đề không còn nằm ở mức độ chủ quan và cảm tính vì “cha thích, mẹ thích, con thích, hay dân tộc Việt Nam thích” nữa, mà cần phải căn cứ vào những dữ liệu kh ách quan của các cuộc kiểm nghiệm và nghiên cứu về ngôn ngữ gần đây để trình bày và thảo luận.
Tiếng Việt và Trí Thông Minh.
Dù muốn hay không, người Việt trên đất Mỹ vẫn đương nhiên được xem là nhóm dân tộc thiểu số và tiếng nói vẫn thuộc về lãnh vực Song Ngữ Việt-Mỹ. Nếu chúng ta chỉ dùng tiếng Mỹ để thay thế hẳn cho tiếng Việt thì ở vào trường hợp Song Ngữ Loại Trừ (Subtractive Bilingualism), nghĩa là cái gốc vẫn là song ngữ nhưng khả năng đã mất đi tiếng mẹ đẻ; hoặc dùng song song tiếng Việt và tiếng Mỹ thì ở trường hợp Song Ngữ Cộng Hưởng (Additive Bilingualism).
Thật ra, Mỹ là quê hương của dân di cư, cho nên vấn đề Song Ngữ (Bilingual) và Đa Ngữ (Multi-lingual) đã được đặt ra gần một thế kỷ này. Rất nhiều nhà chính trị và giáo dục Mỹ từ những năm đầu của thập niên 1900 đã băn khoăn trước vấn đề: “Một đứa trẻ học cùng lúc hai thứ tiếng sẽ có kết quả tốt hơn hay dở hơn so với đứa trẻ chỉ học độc nhất tiếng Anh?”. Trong lúc thực tế đã có đến 46.5 triệu người (chiếm 17.5% toàn dân số Mỹ) có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh hiện diện trên đất Mỹ (Wagoner 1996). Đã có tới hàng trăm cuộc nghiên cứu và qua nhiều cuộc hội nghị, thảo luận, tranh luận... ở nhiều tầm mức địa phương, quốc gia và quốc tế để tìm câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này. Bên cạnh những dư luận chống đối về sự hiện diện của chương trình song ngữ vì đặt nặng tính chất chính trị và kinh tế hơn là tính chất văn hóa hay giáo dục của vấn đề, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và giáo dục trên khắp thế giới đã mở ra nhiều chương trình giáo dục thí nghiệm khác nhau để xác định một cách khoa học và thực tiễn tác dụng của hai thứ tiếng cùng một lúc đi vào trí óc của các em. Những công trình nghiên cứu nổi tiếng và gần đây nhất được kể đến là: Tại Ontario và nhiều nơi ở Canada (do Liedtke và Nelson thực hiện năm 1968; Bain 1974; Cummins va Gulustan năm 1974). Tại Thụy Sĩ (Balkan 1970) , Do Thái (Ben-Zeev 1977), Nam Phi (Janco-Worrall 1972), Mỹ (Ben-Zeev 1977; Duncan và De Avila 1979). California (O'Malley, J.M. 1992; National Society for the Study of Education 1994, 1996, 1997). National Clearinghouse for Bilingual Education 1984, 1992, 1997)... kết quả những công trình thăm dò và nghiên cứu này đã rất thống nhất trên luận điểm cơ bản rằng: “Khả năng song ngữ hoàn toàn không có tác hại gì trong khả năng nhận thức và học tập của học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội; ngược lại, khả năng song ngữ giúp học sinh trở thành đa dạng và phong phú hơn trong hầu hết các môn học.”
Giáo sư Kenji Hakuta của đại học Yale đã đi vào cụ thể hon bằng cách chọn nhiều hình thức trắc nghiệm cho học sinh hai nhóm Song Ngữ và Đơn Ngữ trong nhiều năm đã đi đến kết luận rằng: “Chọn một nhóm học sinh biết nói hai thứ tiếng để thi đua với một nhóm học sinh khác chỉ biết một thứ tiếng, cùng lứa tuổi, cùng trình độ, cùng hoàn cảnh xã hội, cùng điều kiện sinh hoạt như nhóm kia. Xong rồi, chọn một biện pháp để đo khả năng nhận thức áp dụng chung cho cả hai nhóm. Kết quả: nhóm song ngữ đạt được luôn luôn sẽ tốt hơn.” (Hakuta. Mirror of Language 1986. Tr. 35).
Cùng nhận xét như trên, hai nhà nghiên cứu về sự quan hệ giữa khả năng song ngữ và trí thông minh, tại Canada là Elizabeth Pearl và Wallace Lambert (1982) sau nhiều công trình tìm tòi đã phấn khởi nhận xét: “Một đứa trẻ có sự hiểu biết về cả hai hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa có được nhiều thuận lợi hơn là một đứa trẻ chỉ biết một ngôn ngữ và một cách sống. Về phương diện trí thức, sự hiểu biết cả hai hệ thống ngôn ngữ dường như đã lưu lại cho nó một sự phóng khoáng về trí óc, một sự ưu tú về tư tưởng và khả năng phong phú đa dạng của lý trí. Trái lại, đứa trẻ chỉ biết một ngôn ngữ thì những yếu tố cấu tạo trí thông minh của nó đơn thuần và hạn hẹp hơn” (Lambert, W.E. và E. Anisfield. 1969. A Note On the Relation-ship of Bilin-gualism and Inte-lligence).
Sự Quan Hệ Mật Thiết Giữa Tiếng Việt và Tiếng Mỹ.
Phụ huynh vẫn thường suy nghĩ đơn giản là cho dù con em mình có giỏi tiếng Việt cũng chẳng có lợi gì cho việc học tiếng Mỹ tại trường. Thực tế và khoa ngôn ngữ học đã chứng minh ngược lại. James Cummins khi bàn về sự liên hệ giữa tiếng mẹ đẻ (tạm ghi ký hiệu là L1: Tiếng Việt và ngôn ngữ thứ hai, L2: Tiếng Mỹ) đã hoàn toàn bênh vực cho khuynh hướng hiện đại và thực tiễn của các nhà ngôn ngữ học khi chứng minh rằng: Có những điểm chung nhất nằm giữa L1 và L2. Những kiến thức đã học trong L1 có thể đương nhiên được chuyển qua cho L2 mà khỏi cần bắt đầu học lại. Ví dụ: trường hợp một học sinh vốn đã thông thạo tiếngViệt khi học tiếng Anh sẽ rất nhanh so với một người bạn Việt Nam khác vốn rất kém cỏi tiếng Việt cùng bắt đầu học Anh văn và ngược lại. Nói một cách cụ thể hơn, ví như khi một học sinh Việt Nam đã hiểu được khái niệm của từ “Dân chủ” trong tiếng Việt chẳng hạn, nếu khi học tiếng Mỹ thì chỉ cần chuyển thành “Demo-cracy” mà khỏi cần phải học lại từ đầu toàn bộ ý nghĩa và khái niệm của từ nầy. Tương tự như thế, tất cả kiến thức, nghệ thuật, khái niệm học được trong tiếng Việt hoặc tiếng Anh đều có sự tác động qua lại và hỗ trợ lẫn nhau. Quan điểm “Sự thông thạo nằm riêng giữa hai ngôn ngữ” (The Separate Underlying Proficiency Model of Bilingual Proficiency) (Xem H1) đã không thể đứng vững trước thực tế: Có “Sự thông thạo nằm chung giữa hai ngôn ngữ” (The Common Underlying Proficiency Model of Bilingual Proficiency) (Xem H2 và H3. - Cummings: Schooling and Language Minority Student: A theoretical Framework. Tr. 23 và 24).
Thêm những bằng chứng rất thực tiễn đã diễn ra trong tập thể người Việt tại Mỹ trong những năm gần đây, đó là trường hợp thành công của đại đa số các con em “H.O” trong nhà trường của Mỹ. Rõ ràng là các em qua Mỹ vào độ tuổi trưởng thành, nên không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải sử dụng song ngữ, nói cùng lúc hai thứ tiếng Việt và Mỹ song song. Thế nhưng trong học vấn, phần đông các em đã tận dụng được kiến thức đã học được từ trong tiếng Việt, chuyển sang tiếng Mỹ một cách vô thức hay hữu thức. Những học sinh, sinh viên Việt Nam mới qua không những “sống còn” mà sống mạnh, sống hùng trong môi trường tiếng Mỹ.
Đưa ra một vài dẫn chứng nhỏ để nói lên sự suy nghĩ của chúng tôi rằng, việc khuyến khích các em học tiếng Việt không phải là vì “thể diện” gia đình hay danh dự hão huyền hoặc muốn làm vui lòng bà con Việt Nam với nhau mà chính là vì quyền lợi lâu dài của con em chúng ta.
Bất cứ xã hội nào, cha mẹ và người thân luôn luôn là những người thầy đầu đời để giáo dục không ngừng về phong cách sống mà còn giáo dục cả một khối lượng kiến thức khổng lồ về mọi mặt. Từ một bài hát, câu hò đến những câu chuyện cổ tích, một lời nói khôi hài, một vài nhận xét khen chê trong cuộc sống sẽ là những bài học có gía trị cho con em sau này. Nếu con em chúng ta không có khả năng về tiếng Việt tức là phụ huynh đã vô tình từ khước cái vai trò thầy giáo trong buổi bình minh làm người của các em rồi đó.
Trong các công trình nghiên cứu xuất bản năm 1986, 1994 đề cập đến sự thành công và thất bại trong trường học của nhóm học sinh thiểu số, giáo sư John U. Ogbu của trường Đại Học Berkely và giáo sư Maria Eugenia Matute-Bianchi của đại học Santa Cruz đã phân tích và nhận định về nhóm thiểu số thất bại thê thảm nhất trong trường học đó là nhóm học sinh người Mễ và nhóm thiểu số thành công trong trường học đó là nhóm học sinh người Trung Hoa. Giải thích về nguyên nhân thành công của nhóm học sinh Trung Hoa trên đất Mỹ, tác giả đã đưa ra những nét tiêu biểu như sau:
1. Người Tàu đã mang theo truyền văn hóa sang đất Mỹ: Hiếu học, tôn trọng sự học vấn, tự hào về nền văn hóa dân tộc của mình.
2. Sự ảnh hưởng sâu đậm của gia đình: Cha mẹ hy sinh tất cả cho con cái ược ăn học và ngược lại con cái biết vâng lời, kính trọng và cố sống xứng đáng với tình thương của cha mẹ khi còn đi học cũng như khi đã ra đời.
3. Ảnh hưởng nền giáo dục gia đình, học sinh Trung Hoa vào trường biết vâng lời, kính trọng thầy giáo và người lớn tuổi, có tinh thần trách nhiệm nên phần đông được thầy giáo và nhân viên nhà trường quý mến và tận tâm giúp đỡ.
4. Mặc dầu chữ Tàu và chữ Anh hoàn toàn khác biệt, ngôn ngữ gia đình thường là tiếng Tàu, cách học ở Mỹ khác hẳn ở Trung Hoa nhưng với sự thông minh, nhạy bén, và cần cù, học sinh Tàu đã làm hết sức mình để vượt qua những khó khăn để đạt những thành tựu xuất sắc trong - trường học. (Beyond Language: Schooling Language Minority Student. 1986. Tr. 73-134).
Chúng ta thấy những yếu tố căn bản giúp học sinh Tàu thành công thì cũng là những nét quen thuộc của phụ huynh và học sinh Việt Nam. Chúng ta sẽ khỏi lấy làm tiếc về sau nếu phụ huynh tăng cường nền giáo dục gia đình và giúp cho con em biết tự hào về truyền thống văn hóa Việt Nam qua việc học và duy trì tiếng Việt.
Từ “Melting Pot” và “Salad Bowl” đến kết luận.
Có nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam chỉ thích làm người Mỹ. Vâng, điều này rất đơn giản vì chỉ cần năm năm thường trú không phạm pháp trên đất Mỹ là các em đã trở thành “người Mỹ” được rồi. Nhưng nếu các em muốn từ “Vietnamese-American” biến thành “Anglo-American” thì đó chỉ là ý nghĩ viễn mơ không biết ta mà cũng chẳng hiểu người. Lịch sử xã hội đã cho thấy rằng, cách đây hơn một nửa thế kỷ, các nhà xã hội học Hoa Kỳ đã đồng ý với thuyết “Melting Pot” nghĩa là nền văn hóa ưu việt của người Mỹ-Anglo sẽ đồng hóa tất cả nền văn hóa của người di dân vào đất nước này trong “cái nồi xúp nóng chảy” đó.
Nhưng qua thực tế, tượng Nữ Thần Tự Do Vẫn đứng song song với Vạn Lý Trường Thành. Rặng núi Rocky Mountains không cao hơn nổi Hy Mã Lạp Sơn và những giòng sông sông Mississippi, Hoàng Hà, Cửu Long vẫn cứ theo giòng riêng tư chảy hoài ra biển, nên dân tộc nào vẫn giữ nguyên nền văn hóa của dân tộc đó trong cái đất nước tự do và hiệp sĩ này. Bởi vậy, vì thấy thuyết “Melting Pot” không có tác dụng nên một thuyết khác ra đời, đó là thuyết “Salad Bowl”. Thuyết này mô tả và chấp nhận xà hội Hoa Kỳ như dĩa xà lách: Có rau có trứng, có tiêu, muối, tỏi, ớt, hành, vị tinh, nước xốt... Mỗi thứ mang một tính chất độc đáo riêng biệt.
Đây là hình ảnh biểu trưng của một xã hội Hoa kỳ gồm nhiều dân tộc khác nhau, có riêng nền văn hóa, sống chung hòa bình để góp phần xây dựng xã hội. Tôi không hiểu trong dĩa xà lách này, dân Việt Nam đóng vai gì trong đó? Là rau? Là muối? Là tiêu? Là hành? Nhưng chắc chắn chúng ta không thể nào biến thành một thứ “siêu nhân” bay vù vù một mình trên đầu các dân tộc khác như trong phim Superman được. Nếu chúng ta là muối? Thì tất nhiên chúng ta phải mặn. Nếu chúng ta là người Việt Nam? Thì phải biết nói tiếng Việt Nam. Muối không mặn: Là muối giả! Người Việt Nam không biết nói tiếng Việt: Chỉ còn là mảnh hình hài Việt Nam ngoài vỏ. Nếu chúng ta không thể xác định mình là chất gì trong dĩa xà lách Hoa Kỳ, không lẽ ta là con ruồi hay cọng rác cần phải vất đi sao?
Câu trả lời đã hiện rõ nét ngay trong câu hỏi.
Trần Kiêm Đoàn