User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
1235 Da Lat
 
Hồ Xuân Hương trong bản đồ thành phố Đà Lạt hiện thời
Một mai mai một Xuân Hương 
Đà Lạt còn gì... là đạt? 

Lược sử nút giao thông lớn nhất Đông Dương

Lần nọ ở Hà Nội, một nghệ sĩ chính gốc "36 phố phường" đưa tôi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm và tủm tỉm nói:

- Sài Gòn mở những nút giao thông lớn như Hàng Xanh, Phú Lâm. Nhưng khắp cả nước mình, thậm chí toàn Đông Dương, chả có nút giao thông nào lớn hơn hồ Gươm đâu nhé.

Bạn tôi đã nêu một "khám phá" thú vị, song chưa chính xác lắm. Nếu bảo hồ Gươm tức hồ Hoàn Kiếm (người Pháp từng gọi Petit Lac – hồ Nhỏ) là vòng xoay giao thông tại thủ đô thì so ra, vẫn chưa thể to hơn hồ Xuân Hương của thành phố Đà Lạt. Hồ Gươm hiện có chu vi chỉ non 1,8km, với tổng diện tích mặt nước 15ha, chứa khoảng 180.000m³ nước. Trong khi đó, hồ Xuân Hương có chu vi vượt quá 5km, rộng những 38ha, thể tích xấp xỉ 700.000m³. Và như thế, danh hiệu nút giao thông lớn nhất Đông Dương ắt phải trao cho hồ Xuân Hương mới xứng.

Nằm ngay giữa Đà Lạt, hồ Xuân Hương trở thành giao lộ của hơn chục trục đường. Đó là các con đường chạy quanh hồ hoặc đổ về hồ, gồm Trần Quốc Toản, Yersin, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thái Học, Lê Đại Hành, Hồ Tùng Mậu, Sương Nguyệt Anh, Trạng Trình, Nguyên Tử Lực, Trần Nhân Tông, Đinh Tiên Hoàng, Bùi Thị Xuân, Ánh Sáng.

Là hồ nước rộng nhất và đẹp nhất trong phạm vi đô thị cao nguyên này, hồ Xuân Hương từng được ví von lắm kiểu. Nào là "công viên nước trời cho", "viên ngọc bích khổng lồ", "lẳng hoa lớn của thành phố hoa", "tấm gương thiên nhiên vĩ đại treo ngay đại sảnh thiên đường du lịch", v.v.. Quan sát hình dạng qua bản đồ lẫn không ảnh, có kẻ bảo hồ Xuân Hương từa tựa "nàng tiên ngủ trong rừng" hay "bầu rượu lớn cong dài"; riêng bản thân tôi lại liên tưởng câu Kiều thứ 1.638:

Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.

Một chữ 心 – âm Hán Việt phát Tâm – xanh biếc thể hiện bằng nét thảo "siêu đại tự" giữa lòng phố núi. Tuyệt xiết bao!

Chính chữ Tâm kia đã phát xuất địa danh Đà Lạt. Nguyên xưa, hồ Xuân Hương là một đoạn của dòng suối Đạ Lạch khởi lưu từ ngọn núi You Boggey cao 1.642m ở phía Tây. Đạ, cùng các biến âm đa / đà / đác / đăk / đức trong ngôn ngữ nhiều dân tộc Đông Nam Á, là từ dùng để chỉ nước. Lạch còn gọi M’lat, là tên một trong những bộ tộc lớn của người K’ho – cộng đồng cư dân gắn bó với vùng đất này tự đời nảo đời nao. Năm 1893, vị bác sĩ tài ba người Pháp gốc Thụy Sĩ Alexandre Yersin (1863 -1943) thám hiểm cao nguyên Lang Bian / Lang Biêng / Lâm Viên và đặt nền móng tạo lập khu nghỉ mát tại đây cho Pháp kiều ở Đông Dương; từ đấy trên bản đồ xuất hiện cái tên Dalat / Đà Lạt. Tên ấy do phiên âm thủy danh Đạ Lạch vốn có từ lâu với nghĩa gốc: "Nguồn nước của người Lạch". Ngày nay, phần đông các nhà nghiên cứu địa danh học (toponymie) nhất trí cách lý giải đó. Chứ giả thuyết cho rằng Dalat / Đà Lạt xuất phát bởi các từ ngữ Latinh viết tắt (Dat Aliis Laetitium, Aliis Temperiem = cho người này niềm vui, người nọ sức khỏe) rõ ràng bộc lộ sự gán ghép khiên cưỡng.

Nhưng suối Đạ Lạch, đoạn chảy ngang trung tâm Đà Lạt, vì sao hóa nên hồ Xuân Hương? Theo bộ sách Địa chí Lâm Đồng do Trần Sỹ Thứ chủ biên (NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2001), thì trung tâm đô thị Đà Lạt được thành lập năm 1916; ba năm sau, kỹ sư công chánh Labbé xây đập từ nhà hàng Thủy Tạ băng qua hội quán Hướng Đạo cũ, ngăn dòng Đạ Lạch, tích nước vào thung lũng thành hồ. Vậy Xuân Hương là hồ nhân tạo.

Tháng 3-1932, một trận bão tố kinh hồn quét qua đã phá vỡ đập nói trên. Trong hai năm 1934 – 1935, kỹ sư Trần Đăng Khoa tái thiết đập kiên cố hơn và gọi là cầu Ông Đạo. Ông Đạo là ai? Là Phạm Khắc Hòe (1901 – 1995), một thời làm Quản đạo Đà Lạt, sau được điều về triều đình Huế làm Đổng Lý Ngự Tiền văn phòng cho vua Bảo Đại. Tài liệu Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh (NXB Thuận Hóa, Huế, 1996) cho hay: từ năm 1903, đạo Đà Lạt lệ vào tỉnh Ninh Thuận.

Thuở mới chào đời, hồ được người Pháp đặt tên trên "giấy khai sinh" là Grand Lac (hồ Lớn). Dân chúng đương thời thường gọi hồ Đà Lạt, hoặc vắn gọn là hồ Lạt. Mãi tới năm 1953, niên điểm đánh dấu thị xã Đà Lạt trở thành thủ phủ đặc khu "Hoàng triều cương thổ" (theo Monographie de Dalat - Địa phương chí Đà Lạt), chủ tịch hội đồng thị chính Đà Lạt bấy giờ là ông Nguyễn Vỹ chính thức đổi tên thành hồ Xuân Hương. Xung quanh cái tên mới này, cũng có khối cách giải thích. Rằng thì là "mùi thơm của mùa đầu tiên trong năm". Rằng do "hồ tỏa mùi thơm quyến rũ nhất dịp tân niên". Tuy nhiên, ý kiến sau đây nếu đúng thì rất... văn học: hồ được đặt tên như vậy bởi ông Vỹ say mê tác phẩm của bà chúa thơ Nôm.

Có lẽ nên chua thêm rằng khắp nước ta, không chỉ Đà Lạt "độc quyền" cái tên hồ Xuân Hương. Theo tôi biết, ít nhất còn một hồ nước nữa trên dải đất miền Trung cũng mang tên y hệt. Đó là hồ Xuân Hương ở thị trấn Hai Riêng, huyện lỵ Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nơi hằng năm vẫn diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống.

1920 Dalat2 indochine5s

Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt nửa cuối thập niên 1920 

1968

Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt năm 1968.  Ảnh: Bill Robie  

3458 dalat1970 7s

Một góc hồ Xuân Hương ở Đà Lạt năm 1970

Mùi xưa màu cũ bây giờ ra sao?

Tất nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là hồ Xuân Hương hình chữ Tâm soi bóng núi Lang Bian. Hồ này được công nhận danh thắng cấp quốc gia năm 1998.

Kể ra, từ rất lâu, trong tâm thức nhiều thế hệ công dân Đà Lạt, hồ Xuân Hương đã trở thành biểu tượng "bất khả phân ly" của thành phố mộng mơ. Đông đảo du khách gần xa lên xứ hoa đào ít lâu rồi dời gót, cảnh đẹp đầu tiên và cuối cùng gây sự đáng nhớ nhất về Đà Lạt ắt cũng là hồ Xuân Hương. Một hồ nước trong văn vắt với dãy thông xanh, ngô tùng, bạch tùng, phượng hồng, phượng tím, tràm bông đỏ (dân gian vẫn quen gọi liễu rũ) trồng chen mai anh đào lẫn mimoza mọc tươi tốt ven bờ, trải dài theo các con đường quanh co uốn khúc thấp thoáng các ngôi biệt thự kiểu Tây, thỉnh thoảng ngân vang tiếng xe ngựa lóc ca lóc cóc; và trong không khí se lạnh, dăm chiếc thuyền buồm, pédalo, périssoire bồng bềnh ẩn hiện trên sóng lăn tăn. Cứ ngỡ khung cảnh một điểm du lịch sinh thái nào đấy ở châu Âu hiện hữu giữa xứ nhiệt đới. Cùng đồi Cù trước kia (nay đã rào cao bao bọc để làm sân golf!), hồ Xuân Hương luôn là điểm hẹn lý tưởng cho bao mối tình đằm thắm – kể cả tình bằng hữu lẫn tình yêu lứa đôi. Vì vậy, trong vô số áng thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh, điện ảnh liên quan đến Đà Lạt bấy lâu, hồ Xuân Hương thường xuất hiện đạt tần suất cao là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Mới rồi, tôi lại ghé thăm thành phố ngàn hoa, được các đồng nghiệp ở địa phương trao cho xấp tài liệu về Hội nghị chuyên gia đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Đà Lạt do Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, UBND thành phố Đà Lạt và Sở Xây Dựng tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức ngày 16-3-2004. Tôi chú mục tới ý kiến của GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính trao đổi với báo giới:

- Quỹ vật chất của các đô thị Việt Nam không lớn lắm. Chỉ có Huế và Đà Lạt là hai thành phố có thể xem là những đô thị - di sản. Phải biết duy trì và kế thừa, phải kết hợp được nét kiến trúc bản sắc và kiến trúc hiện đại. Đơn cử hồ Xuân Hương giữa lòng thành phố sau 110 năm vẫn sạch và không bị bao vây bởi các công trình kiến trúc, là điểm nhấn đặc biệt, rất hiếm hoi trên thế giới.

Trước khi phát biểu điều đó, chẳng rõ phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam có lướt xem các tài liệu sử địa liên quan và nhất là đã khảo sát hiện trạng thực tế của hồ Xuân Hương chưa nhỉ?

Như bài viết này đã đề cập, Xuân Hương là hồ nhân tạo, hình thành từ năm Kỷ Mùi 1919, tính tới năm Giáp Thân 2004 mới 85 năm.

Điều quan trọng hơn là gần cả năm qua, du khách lẫn dân địa phương trót tạt ngang hồ Xuân Hương thì mắt chẳng muốn ngắm nhìn, còn mũi phải cố... nín thở! Nước hồ đã biến sắc, trên mặt loang lổ lềnh phềnh váng xanh, váng lục, trông gớm chết! Ngán nhất là mùi hôi thối bốc lên từ hồ, chao ôi, "đậm đà khó quên" vô cùng tận! Đài phát thanh và truyền hình, báo chí đã nhanh chóng loan tin về hiện tượng đáng buồn đáng bực kia.

Thật ra, với hồ Xuân Hương, hiện tượng như thế từng xuất hiện đôi lần. Theo bà Trần Thị Thùy Dương – chuyên viên phòng Quản lý môi trường, trực thuộc Sở Khoa học, công nghệ và môi trường tỉnh Lâm Đồng – thì năm 2000, sau đợt sửa chữa, tôn tạo quy mô lớn, hồ Xuân Hương bất ngờ bị... ô nhiễm! Nói rõ hơn, đó là tình trạng nhiễm tảo. Theo nhận định bước đầu, tảo phát triển khi nước hồ lâm vào trạng thái phú dưỡng – nghĩa là hàm lượng nitrogene và phosphore bị tích trữ khá cao nhưng hồ không thể tự điều hòa nổi. Sở đã có kế hoạch xác định mức độ ô nhiễm, tìm nguyên nhân gây ô nhiễm và biện pháp khắc phục, song chưa đủ điều kiện tiến hành.

Lần này, hồ Xuân Hương ngày càng bị ô nhiễm nặng nề! Trung tuần tháng 5-2003, toàn bộ nước hồ ngả màu xanh rêu bóng nhợn và cực kỳ nặng mùi. Thạc sĩ sinh học Lâm Ngọc Tuấn – giảng viên Đại học Đà Lạt – nhận định:

- Theo thuật ngữ chuyên môn, đây là hiện tượng nước nở hoa (water bloom), thường xuất hiện khi nước bị ô nhiễm hữu cơ trầm trọng. Cần cảnh báo rằng loài tảo đang tấn công mặt hồ là tảo độc!
Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy: loài tảo xâm chiếm mặt hồ được quốc tế định danh khoa học là Mycrocystic aeruginosa, có khả năng làm rối loạn tuần hoàn gan và gây tác hại hệ thần kinh người! Hãy thận trọng, bởi nước hồ Xuân Hương liên thông với hàng loạt ao, hồ, thác, suối, khe, sông ở trong lẫn ngoài thành phố Đà Lạt. Đó là suối Cam Ly (tức suối Đạ Lạch), thác Cam Ly, hồ Đa Thiện, hồ Than Thở, hồ Chiến Thắng, hồ Tuyền Lâm, v.v., rồi nguồn nước sẽ hợp lưu với sông Đạ Dâng / Đạ Đờng tít tận huyện Lâm Hà.

Đoàn cán bộ khoa học liên Viện – gồm Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững, cùng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường – được mời tới để khảo sát hồ Xuân Hương. Phân tích mẫu thu được, kết quả còn đáng ngại hơn: nước hồ đã nhiễm 14 loài tảo lam, trong đó có loài Mycrocystic aeruginosa; ngoài ra còn phát hiện thêm 2 loài tảo lục tỏa mùi khó chịu. Xét mật độ nhiễm tảo, ông Phạm Văn Miên – trưởng phòng Sinh thái học thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững – trình bày ngày 9-7-2003 bằng phép so sánh: tính bình quân mỗi mét khối nước, năm 1995 hồ Xuân Hương bị nhiễm cỡ 1 triệu tế bào tảo độc, năm 2000 là vài chục triệu, còn năm 2003 thì con số đó đã hơn 100 triệu! Hầu hết các loài tảo ấy không chỉ làm tàn tạ cảnh quan, mà chúng đều tác hại sức khỏe con người!

Căn cứ vào các báo cáo khoa học, UBND TP. Đà Lạt chính thức kết luận: tảo độc bùng phát ở hồ Xuân Hương chủ yếu vì ô nhiễm nước do chất thải từ nhiều cơ sở sản xuất và dịch vụ, như nhà máy bia Lado, sân golf trên đồi Cù, khách sạn Vietsopetro, công ty chế biến thực phẩm Điền Trung, công ty Hoa Dalat Hasfarm, các trạm sửa và rửa xe; bên cạnh đó còn có rác sinh hoạt xả bừa bãi từ cả ngàn hộ dân. Phần lớn nguồn rác rưởi hầm bà lằng kia liên tiếp tuồn về ba hồ lắng đầu nguồn – gồm hồ Đội Có (phường 2), hồ Cầu Sắt (phường 9), hồ Hồng Lạc (phường 10) – suốt hơn... 19 năm qua!

Tháng 9-2003, cơ quan chủ quản hồ Xuân Hương là Ban Quản lý và khai thác công trình thủy lợi TP. Đà Lạt bắt tay áp dụng biện pháp khắc phục đầu tiên: thả bèo dày đặc xuống ba hồ lắng kia. Tháng 11-2003, Ban còn mướn công ty trách nhiệm hữu hạn Sóng Thần từ TP.HCM tới nạo vét 30.000 m³ đất ở đoạn suối Cam Ly mạn thượng lưu. Lắm cách, sao vẫn thấy hồ Xuân Hương... ngắc ngoải? Thời điểm này lại ngay trước thềm lễ hội kỷ niệm 110 năm Đà Lạt tổ chức từ 25-11 đến 1-12-2003. Trớ trêu thay!

Mãi tới tháng 4-2004, được sự đồng ý của các cấp thẩm quyền, Ban bèn ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và quản lý môi trường TP.HCM tiến hành xử lý nước 3 hồ lắng đầu nguồn. Hợp đồng này có tổng giá trị đầu tư là 292 triệu đồng. Trước mắt, phải tập trung công sức làm sạch hồ Đội Có – hồ lắng chỉ cách hồ Xuân Hương chưa đầy chục mét. Liên tục trong ba tháng, cả loạt giải pháp được tiến hành đồng thời: nước hồ Đội Có trước khi đổ vào hồ Xuân Hương sẽ được xử lý bằng hệ thống máy sục khí, thiết bị điện từ Cleaner, kết hợp dùng hóa chất. Sau một thời gian, kết quả đạt được tương đối khả quan: nước hồ Xuân Hương trong dần, mùi hôi cũng bớt hẳn. Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 6-5-2004 ghi nhận: "Đây là tín hiệu đáng mừng cho một thắng cảnh quốc gia trước khi mùa du lịch hè 2004 bắt đầu."

dalatcachet

 Hãy nhìn mặt hồ Xuân Hương ở Đà Lạt tháng 10-2008.  Ảnh: Huỳnh Khắc Luân

  dalatTayNguyen

Ngày 17-10-2011, khảo sát hồ Xuân Hương ở Đà Lạt,  phát hiện tảo lam có chỗ dày 3cm.  Ảnh: Tây Nguyên  

dalatmicrocystis Aeruginosa

Hình dạng tảo lam Mycrocystic aeruginosa

Đề phòng nguy cơ mới!

Kỳ thực, mùa du lịch hè 2004 đã khởi động với đợt "trốn nóng" cao điểm từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm nay: ước tính trên 70.000 khách lũ lượt dồn tới miền đất lạnh. Tôi cũng có mặt trong số đông đảo ấy và lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh đêm ngày quanh bờ Xuân Hương, sát bên các tấm biển cấm câu cá vẫn ngất ngưởng những tay ngồi buông cần hòng kiếm... mồi nhậu!

nguyen ngoc chinh
 Ung dung câu cá bên biển "Cấm câu cá" nơi hồ Xuân Hương ở Đà Lạt.  Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính

Một "cần thủ" nói tỉnh queo:

- Muốn thoải mái thì mua vé vô Câu lạc bộ câu cá Cảm Giác, bên dưới vườn hoa thành phố chút xíu. Dân đây toàn câu cá chui hà. Không nhiều bằng hồ Tuyền Lâm hay hồ Ròn, nhưng cá trắm, cá mè, cá chép ở hồ Xuân Hương thường bự con. Nghe thiên hạ nói hồ nhiễm tảo độc, vậy mà cá vẫn sống nhăn răng kia kìa, chắc nó hổng bị gì (?). Mí lị, cá câu được, đem về nấu nướng chín mới xơi, độc điếc bốc hơi tuốt luốt (!).

Người bạn nghệ sĩ mà tôi nhắc ở đoạn mở đầu bài viết này, từ Hà Nội điện thoại vào Đà Lạt, than:

- Cơ khổ! Hồ Gươm ngay giữa thủ đô cũng đang nhiễm tảo độc!

Trên mạng Netnam ngày 30-3-2004 có thông tin: hồ Hoàn Kiếm đã nhiễm tảo khá lâu, song từ đầu năm 2004 tới nay, tảo phát triển với tốc độ phi mã. Theo PGS.TS. Đặng Đình Kim - phó Viện Công nghệ môi trường, trực thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - thì tảo trong hồ Hoàn Kiếm cực kỳ nguy hiểm, độc tính mạnh gấp từ 50 tới 100 lần nếu so với hợp chất cyanure! Mà không chỉ hồ Hoàn Kiếm, cả hồ Bách Thảo ở Hà Nội cũng đầy tảo. Cần lưu ý rằng đấy chính là tảo lam Mycrocystis, cùng chi vi sinh vật với giống tảo quấy nhiễu hồ Xuân Hương ở Đà Lạt.

Với hồ Xuân Hương, từ ngày tảo độc bùng phát dữ dội đến nay đã một năm ròng. Suốt năm qua, cứ đều đặn mỗi sớm tinh sương, thường có một người chạy xe gắn máy vòng vòng quanh bờ, đoạn dừng lại, đứng ngắm nhìn giây lát, rồi bước hẳn xuống hồ, thò tay múc lọ nước. Mẫu nước được đưa về phân tích ở phòng thí nghiệm đặt trong khuôn viên Giáo Hoàng Học Viện cũ, nép bên đồi Cù. Người đó là TS. Trần Quế - trưởng phòng Công nghệ sinh học, trực thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Trần Quế cho biết:

- Có nhiều nhà khoa học hiện được phân công theo dõi kỹ "sức khỏe" hồ Xuân Hương, tùy từng chuyên môn khác nhau, chứ đâu riêng mình. Từ nhiều tháng qua, mình lập nhật ký hồ khá chi tiết về mặt sinh học môi trường. Hiện thời, tình hình tương đối khả quan: tảo lam giảm mạnh, tảo lục bị triệt tiêu đáng kể, do đó nước hồ Xuân Hương dần trong lại, và mùi khó chịu đã được cải thiện rõ rệt.

Giọng anh Quế vụt trĩu xuống:

- Tuy nhiên, sáng hôm nay, mình vừa phát hiện một dấu hiệu mới đáng lo ngại.

Đó là sáng Thứ Sáu 7-5-2004. Chở tôi xuống cây cầu chữ Y be bé nhoài ra ngoài hồ Xuân Hương, đối diện công viên Yersin, anh Quế trỏ tay xuống mố cầu. Trên các phiến đá xanh, nổi bật những "vật thể lạ" màu hồng bám chặt thành từng đám.

Cái gì thế? Đích thị trứng một loài động vật ngành thân mềm, lớp chân bụng, sinh sôi nẩy nở lẹ làng hàng đống hàng đàn và phá hoại mùa màng hết sức "tàn bạo", đã khiến dân chúng nhiều địa phương bấy lâu nhọc công diệt trừ mãi vẫn chưa xong: ốc bươu vàng.

Thương thay hồ chữ Tâm vốn lừng danh "sắc nước hương trời" của cao nguyên Lâm Viên! Hồ đã bị vi sinh vật có độc tấn công, nay lại thêm động vật có hại lăm le xâm lấn. Tảo lam, tảo lục gây ô nhiễm chưa được giải quyết dứt điểm, giờ tiếp tục nạn ốc bươu vàng đe dọa.

Bao giờ sẽ phục hồi bền vững nguyên trạng mùi cũ màu xưa, hỡi Xuân Hương? 

hoadaodalat

 Mai anh đào, loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, ven hồ Xuân Hương.  Ảnh: Phanxipăng

Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 500 (1-7-2004)

Phanxipăng

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com