User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Đức Khổng Tử (551 TCN-479 TCN) đã dạy: làm trai phải tôn trọng
 
- Tam Cương:
 
- quân thần cương: bổn phận đối với Vua. Nay, hết chế độ quân chủ rồi, ta thế bằng bổn phận đối với Tổ quốc.
 
- phụ tử cương: bổn phận đối với Cha / đạo cha con.
 
- phu thê cương: bổn phận đối với vợ / đạo vợ chồng.
 
-  Ngũ Thường: nhân, nghỉa, lể, trí, tín. Ta thử thiếu một trong năm chữ vừa kể, nhứt là chữ tín, xem còn ai muốn giao thiệp với mình nữa không.
 
Đến nay, sau hơn 2500 năm, bốn chữ "Tam Cương Ngũ Thường" vẫn bất di, bất dịch. Tàu cộng vẫn còn phải nhìn nhận Đức Khổng Tử là "vạn thế sư biểu", đang có chiến dịch dựng tượng Khổng Tử ở nhiều nơi.
 
Năm 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông (của Nam Kỳ Lục Tỉnh) Biên Hoà, Gia Định, Định Tường. Triều đình Huế giao cho Đại thần Phan Thanh Giản một sứ mạng hết sức khó khăn: thương lượng, điều đình với giặc Pháp xin chuộc lại ba tỉnh đã mất. Thất bại. Năm sau, 1863, lặn lội sang Paris, chờ hai tháng trời mới được Napoleon III tiếp kiến, khó nhọc sang Espagne yết kiến nữ hoàng Isabella II (vì có năm ba chiến thuyền Tây Ban Nha liên kết với Pháp).
 
Dĩ nhiên thất bại nữa. Thực dân ngày xưa, khi đã cướp được rồi, mong gì chúng nhả ra ...
"Những tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba..." (Đại thần Phan Thanh Giản than.)
 
PhaiBoPhanThanhGian
Phái bộ Phan Thanh Giản gặp Hoàng Đế Pháp
 
Biết rằng trước sau gì Pháp cũng gây hấn nữa, vua Tự Đức muốn trốn trách nhiệm, muốn tránh tiếng đã làm tan nát non sông Việt Nam, nên xuống chiếu chỉ thị Đại thần Phan Thanh Giản làm Kinh Lược, bảo vệ ba tỉnh miền Tây. Sứ mạng của ông lần nầy không phải hết sức khó khăn nữa, mà là "vô kế khả thi". Mission impossible. Triều đình Huế bất lực, quan văn / võ bất tài......
 
Văn thánh trồng thông, võ thánh trồng bàng
Sơn hà, xã tắc hai hàng mù u.
 
Quân lực Pháp quá tân tiến. Làm sao giữ được.
 
Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây: Long Hồ (Vĩnh Long), An Giang, Hà Tiên. Bao nhiêu trách nhiệm đổ trên đầu Đại thần Phan Thanh Giản. Chỉ có cái chết mới bảo toàn thanh danh: Liêm, Bình, Cần, Cán. Phan thanh Giản tuẫn tiết.
 
Cụ Nguyễn đình Chiểu đã khóc:
 
Non nước tan tành hệ bởi đâu
Ngùi ngùi mây bạc cõi Ngao Châu (quê quán Cụ Phan)
Ba triều công cán vài hàng sớ (Cụ Phan đã gánh vác việc quốc gia dưới ba trào Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức)
Sáu tỉnh Cương Thường một gánh thâu
Ải Bắc còn trông tin nhạn vắng
Thành Nam hiu quạnh tiếng quyên sầu
Minh tinh chín chữ lòng son tạc (Cụ Phan dặn con cháu: trên tấm liển đừng ghi Đại thần, Tiến sĩ, Kinh lược... chức tước gì hết, chỉ ghi chín chữ "hải nhai, lão thư sinh, Phan  tính chi cửu")
Trời đất từ đây mặc gió thu.
 
Phan Thanh Gian
Chân dung cụ Phan Thanh Giản
 
Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân người tỉnh Mỹ Tho. Sau "biến cố" 1862, Ông chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Nhưng gươm giáo làm sao chống lại súng đạn. Thất bại. Ông bị Pháp bắt giam một thời gian ngắn. Được thả ra, Ông liền mộ quân, đông hơn, đánh Pháp gắt hơn.
 
Lại thất bại. Pháp đày Ông đến đảo Réunion, một hòn đảo tí teo, Đông Nam Madagascar (sau nầy Pháp cũng đày hai vua Thành Thái và Duy Tân ở Réunion). Năm 1871 Pháp đưa Ông về Saigon, "giam lỏng" trong dinh của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương (đường Tổng Đốc Phương. Dinh nầy, đến năm 1975 vẫn còn, chỉ vì con cháu thừa kế giòng họ Đỗ đã bán đất phía trước mặt và hai bên hông dinh, người ta xây nhiều cao ốc che khuất, nên nếu không biết và không để ý thì không thấy). Ngày ngày, Ông chăm chỉ dạy học cho con, cháu của Tổng Đốc Phương, cốt ý cho Tổng Đốc Phương tưởng là Ông đã bỏ ý chí chống Pháp.
 
Ông lặng lẽ rời khỏi dinh Tổng Đốc Phương, chiêu mộ nghĩa quân tiếp tục đánh giặc Pháp. Đánh hùng dũng hơn, mặt trận kháng chiến rộng hơn. Nhơn hoà: Có, địa lợi: Có, thiên thời! Hỡi ôi, Tổ Quốc Việt Nam đang gặp lúc "Sơn hà nguy biến". Giết được một số giặc, nhưng cuối cùng cũng thất bại, Ông lại bị bắt.
 
Pháp biết không thể lay chuyển lòng Trung quân Ái quốc của Ông, nên quyết chở Ông bằng ghe từ Mỹ Tho về Bến Tranh (quê quán) để hành quyết. Pháp đặt Ông ngồi trước mũi ghe, mang gông cùm cốt ý gây sợ hãi cho Ông và "bà con cô bác" đứng hai bên bờ sông.
 
Pháp lầm to: đồng bào càng kính phục, xót thương Ông, càng căm thù giặc Pháp. Ông Thủ Khoa hoàn toàn bình tĩnh, mỉm cười, không một chút sợ hãi, xuất khẩu một bài thơ. Sau khi để cho vợ con làm lễ "tế sống", Ông ngang nhiên nhận cái chết của một anh hùng dân tộc Việt Nam.
 
Hai bên thiên hạ thấy cùng không
Một gánh Cương Thường há phải gông
Oằn oại đôi vai quân tử trúc
Nghênh ngang một cỗ trượng phu tòng
Thác về đất Bắc danh còn rạng
Sống ở trong Nam tiếng bỏ không
Thành bại doanh thu Trời đã định
Phản thần đ... mạ đứa cười ông.
 
ThuKhoaNguyenHuHuan
Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân
 
Tôn Thọ Tường (cùng với Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương, Tổng Đốc Trần Bá Lộc...) theo phò Pháp cai trị dân Việt Nam. Để chữa tội cho mình, Tôn thọ Tường mượn bài thơ "Tôn phu nhơn quy Thục"
 
...Ai về nhắn với Châu công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
 
Anh đâu mà anh, chồng đâu mà chồng. Thà mất lòng dân (dân nghèo đóng thuế ói máu luôn), đặng bụng "thầy tăng" (thằng tây)
 
Phan Văn Trị, trong khối chống Pháp, hoạ lại bài "Tôn phu nhơn quy Thục" và mắng thẳng Tôn Thọ Tường.
 
Cài trâm, xóc áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
Khói toả rừng Ngô ung sắc trắng
Duyên xe về Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh Cương Thường nợ núi sông
Anh hởi Tôn Quyền (ám chỉ Tôn thọ Tường?) anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng.
 
Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký (LPK), khoảng năm 1952-53, thời Hiệu Trưởng Phạm Văn Còn, Cụ Ưng Thiều (vai “ông” của Vĩnh Thuỵ) dạy hán văn, có viết hai câu đối rất chỉnh, ý nghĩa thật trong sáng, cao cả... lại rất thiết thực:
 
Khổng Mạnh Cương Thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm. (*)
 
CongtruongTHPetrusKy 
Hai câu nầy được viết bằng dầu sơn trên hai cột, cổng chánh của trường. Đến khoảng cuối 1962, đầu 1963, thời Hiệu Trưởng Phạm Văn Lược, hai câu đối được đắp nổi bằng ciment (tôi có thể sai về năm tháng... và Hiệu Trưởng. Nguyễn Thanh Liêm? Trần Ngọc Thái? Kính xin độc giả nào còn nhớ rõ sửa giùm... cho hậu thế.)
 
khunoitrupetrusky
Khu nội trú Trường Petrus Ký
 
Những tưởng hai câu sẽ trường cửu với hồn thiêng sông núi, với ý chí nghiêm chỉnh và cầu tiến của Người Việt Quốc Gia...
 
Trân trọng kính xin quý vị trưởng thượng, uyên bác... có thấy trong hai câu đối chữ nào là "tư bản", là phản dân tộc không?

Vậy mà  Hiệu Trưởng tiếp thu Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, LPK "vang bóng một thời "... ra lịnh đục bỏ hai câu đối của Cụ Ưng Thiều.

BS Nguyễn Sơ Đông
                   
Ghi chú:
(*) Nguyên văn chữ Hán:
孔 孟 綱 常 須 刻 骨
西 歐 科 學 要 銘 心
Khổng Mạnh Cương Thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.
 
tạm dịch:
 
Đạo lý cương thường Khổng Mạnh nên khắc ghi vào xương cốt
Tri thức khoa học Tây Âu cần ghi nhớ trong tâm trí.
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com