Những ai thích tranh Tết Việt Nam chắc đều biết hai tấm Đám Cưới Chuột và Trạng Chuột Vinh Quy.
Hai tấm tranh cùng mô tả một đám rước có đủ cả cờ quạt, kèn trống, lễ vật. Giữa đoàn rước là hai nhân vật chính, chàng chuột đội mũ cưỡi ngựa đi trước, nàng chuột ngồi kiệu theo sau. Sừng sững giữa đường, một lão mèo già hung dữ ngồi cản lối, giơ vuốt dọa nạt.
Tùy theo trong tranh có chữ nghênh hôn, chú rể, hay tiến sĩ, vinh quy người ta gọi là tranh Đám Cưới Cuột hay Trạng Chuột Vinh Quy.
Phân tích ý nghĩa của tranh, các học giả nhận xét rằng:
- "Đề tài (tranh Đám Cưới Chuột) giống tranh Trạng Chuột Vinh Quy: phải đút lót đám quan lại"(1).
- "Thoáng nhìn tờ tranh "Trạng Chuột Vinh Quy" còn gọi là tranh "Đám Cưới Chuột", ta thấy bức tranh diễn tả một đám rước quan trạng chuột vinh quy rất vui. Cũng kèn trống, cờ quạt, mũ mãng, cân đai chỉnh tề, "Chuột anh" cưỡi ngựa hồng đi trước, "Chuột nàng" ngồi kiệu theo sau, đám rước tiến hành trong không khí trang nghiêm, nhưng thực ra họ nhà chuột vẫn có vẻ lo sợ, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét nhìn trước nhìn sau. Thực tế chuột rất sợ mèo, không phải là kẻ dễ dàng để chúng đi lại tự do, nghênh ngang như vậy. Nên muốn được yên thân thoát khỏi nanh vuốt "mèo già", họ nhà chuột đã phải trịnh trọng kèn trống rước lễ vật dâng biếu chú mèo đang vểnh râu, trừng mắt ngồi chờ, nào là chim câu béo, cá chép to là những thứ mèo ưa thích nhất, nhưng đồng thời cũng là những lễ vật người dân lao động xưa thường phải đem biếu xén đút lót cho bọn cường hào quan lại.
Tính độc đáo của tranh "Trạng Chuột Vinh Quy" là biểu hiện sự chống đối tích cực của nhân dân về tệ nạn tham ô, ăn đút lót của bọn thống trị, là tiếng cười hóm hỉnh mỉa mai sâu cay của nhân dân lao động đối với chúng. Mặc dù trong tranh không chú thích cụ thể về ý đồ phản ánh của tác giả, nhưng nhân dân vẫn hiểu rõ cái chất đả kích của tranh" (2).
- "Tranh Chuột đỗ Trạng Nguyên vinh quy bái tổ, ngựa anh đi trước, kiệu nàng đi sau. Và đám rước vinh quy này mang chim, mang cá tới biếu chú mèo. Trên bức tranh có đề mấy hàng chữ:
Thử bối đệ ngư: chí, chí, chí, nghĩa là đàn chuột dâng cá kêu chí, chí, chí.
Miêu nhi thủ lễ: mưu, mưu, mưu, nghĩa là chú mèo giữ lễ: meo, meo, meo.
Lại có hàng chữ nôm ở góc trái phía trên:
Tác lạc: nghĩa là làm vui
Khôn khôn khôn đã có dễ
Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời
Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời
Bức tranh này còn gọi là tranh Đám Cưới Chuột (3).
Các nhận xét về ý nghĩa của tấm tranh đều giống nhau. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tại sao cùng một tấm tranh vẽ một đám rước, hay nói đúng hơn là hai tấm tranh có cùng nội dung, bố cục mà lại có thể lúc thì là đám cưới, lúc khác lại là đám rước vinh quy? Như vậy hóa ra hai đám rước giống nhau? Điều này còn có nghĩa là các học giả mặc nhiên công nhận rằng dù cưới hỏi hay vinh quy, vô danh tiểu tốt hay bảng vàng bia đá, trong cả hai trường hợp các đương sự đều phải đút lót, hối lộ cho quan chức địa phương?
Sau lũy tre xanh ngày xưa, đám chuột đồng, chuột nhắt sợ cụ mèo nanh vuốt là chuyện bình thường, dễ hiểu. Nhưng đến cả hàng chức sắc cũng phải sợ hạng chức dịch trong làng thì quả thật là chuyện khó hiểu, khó tin.
E rằng tấm tranh có vấn đề, cần phải đem ra bàn.
Trước khi bàn, chúng ta hãy cùng nhau trở về xem Rước Dâu và Rước Trạng Nguyên của xã hội ngày xưa. Hy vọng rằng sau đó chúng ta sẽ rút ra được một kết luận.
Rước dâu
Tục lệ cưới hỏi ngày xưa ở nước ta bắt chước tục của Tàu nên rất rườm rà, phiền toái. Đại để có 6 lễ:
- Nạp thái: nhà trai và nhà gái đính ước.
- Vấn danh: nhà trai hỏi tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ của cô gái.
- Nạp cát: tuổi tác, ngày sinh đôi bên thuận hợp, nhà trai chấp nhận đính ước.
- Nạp tệ: nhà trai làm lễ hỏi.
- Thỉnh kì: nhà trai xin làm lễ cưới.
- Nghênh hôn: lễ cưới, rước dâu.
Đến đời Lê và đời Nguyễn thì tục lệ cưới hỏi đã dần dần được thay đổi, bớt nặng nề tốn kém, rút ngắn thời gian chờ đợi. Ngày nay từ thôn quê đến thành phố chỉ còn giữ lễ hỏi và lễ cưới. Có khi cả hai lễ được gồm chung, tổ chức cùng ngày cho tiện.
Rước dâu nghĩa là nhà trai đến nhà gái để làm lễ rước cô dâu về nhà chồng.
"Về vùng hương thôn với nhau, cưới thường đi về đêm. Lúc đi, phải chọn giờ hoàng đạo mới đi, và phải có một người đàn ông dễ tính ra đón ngõ trước, khi ra thì reo ầm cả lên rằng gặp giai, để cho mọi việc được dễ dàng mau mắn. Trong đám cưới có một ông già (kén ông nào hiền lành, mà vợ chồng còn song toàn, lắm con nhiều cháu mới tốt) cầm một bó hương đi trước, rồi đến các người dẫn lễ, kẻ đội mâm cau, người khiêng lợn rượu v.v... Chú rể thì khăn áo lịch sự, có một đám thân thích dẫn đi. Khi đến nhà vợ, dàn bày đồ lễ, người chủ hôn nhà gái khấn lễ gia tiên rồi thì người rể vào lễ (...).
Sáng hôm sau thì đưa dâu, nhà trai nhà gái cùng ăn mừng, làm cỗ bàn mời bà con khách khứa (...).
Đưa dâu, nhà gái cũng kén một ông già cầm bó hương đi trước, rồi bà con họ hàng dẫn cô dâu đi sau. Đến nhà trai rồi thì một vài bà già dẫn cô dâu vào lạy gia tiên, rồi đưa đi lễ nhà thờ đôi bên bố chồng mẹ chồng (...) (4).
Xưa kia, nước ta không có sổ giá thú, thay vào đấy có lễ nộp cheo cho làng. Trước khi cưới, nhà trai phải nộp cheo cho làng của nhà gái. Nộp bằng tiền hay bằng phẩm vật, nhiều hay ít, tuỳ theo lệ của từng làng. Nộp cheo có giá trị như khai báo sổ sách ngày nay.
Dọc đường đến nhà gái, thỉnh thoảng nhà trai lại bị trẻ con chăng dây chắn lối, phải cho tiền chúng mới cởi dây cho mọi người đi qua. Lại có đám xin tiền bằng bánh pháo mừng, hoặc bày hương án giữa đường...
Nộp cheo, chăng dây, bày hương án cũng là dịp để các chức dịch, người làng, mè nheo, vòi vĩnh tí ti.
Đón dâu và rước dâu ngày xưa toàn đi bộ. Sang đầu thế kỉ 20, tại một vài thành phố lớn bắt đầu dùng xe tay, xe song mã. Ngày nay nhiều nơi dùng xe hơi. Phương tiện tuy có thay đổi theo thời, nhưng từ xưa tới nay chưa nghe nói có đám cưới nào có chú rể cưỡi ngựa đi trước, cô dâu ngồi kiệu theo sau, xung quanh nào cờ, nào quạt như trong tranh vẽ!
Phải thừa nhận rằng tranh Đám Cưới Chuột mô tả không đúng một tục lệ quan trọng ngày xưa!Chẳng lẽ nghệ nhân dân gian lại sai lầm như vậy?
Rước Trạng Nguyên
Trạng nguyên là người đỗ đầu kì thi cao nhất của khoa cử ngày xưa.
Cho tới đầu thế kỉ 20, thi cử ở nước ta được tổ chức mỗi 3 năm một lần. Có 3 kì thi chính là thi Hương, thi Hội, thi Đình.
1- Trước khi thi Hương, tất cả sĩ tử phải qua kì sát hạch. Ai đỗ sát hạch mới được ghi tên dự thi Hương.
Thi Hương, được tổ chức ở một số tỉnh lớn như Thừa Thiên, Gia Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội (về sau Nam Định và Hà Nội nhập làm một thành Hà Nam), gồm có 4 kì. Phải đủ điểm kì trước mới được vào kì sau. Ai đủ điểm qua được 3 kì đầu thì được vào dự kì chót là kì phúc hạch. Cộng điểm cả 4 kì, điểm cao được đỗ Cử Nhân, thấp thì đỗ Tú Tài.
Các ông tân khoa cử nhân được quan trường ban thưởng một bộ áo mũ, một cái lọng xanh, được mời ăn yến. Chờ đến năm sau đi thi Hội.
2- Thi Hội: Các ông Cử Nhân, Tú Tài, Giáo Thụ, Huấn Đạo, được quyền ghi tên thi hội, tổ chức tại kinh đô.
Thi Hội cũng chia ra làm 4 kì. Ai đủ điểm thì được vào thi Đình.
3- Thi Đình: đây là kì thi sau cùng để sắp hạng cao thấp, tổ chức tại sân trong cung điện nhà vua. Thi Đình được nhà vua ra đầu bài và chứng kiến cuộc thi. Các quan trường chấm bài, đệ lên vua duyệt lại.
Điểm cao thì được đỗ Tiến Sĩ, thấp thì đỗ Phó Bảng. Đời Lê, ba ông Tiến Sĩ đỗ đầu được gọi là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Những người đỗ Tiến Sĩ được xướng danh. Tên tuổi, quê quán được ghi khắc vào bảng vàng, bia đá.
Các ông tân khoa Tiến Sĩ được nhà vua ban cho mũ áo, cân đai, được mời ăn yến. Các ông còn được cưỡi ngựa xem hoa ở vườn thượng uyển, dạo chơi thăm phố xá kinh kỳ.
Trong lúc các ông tân khoa còn vui chơi nơi cung điện, phố phường, thì các chức dịch ở làng được lệnh phải tổ chức đón rước các ông về vinh quy bái tổ.
"Đỗ Tiến Sĩ được nhà vua ban cho áo mũ xiêm ủng, và ban cho cờ biển vinh qui. Cả hàng tổng hoặc nơi trọng văn học thì cả hàng tỉnh phải đem đồ nghi trượng sự thần đi rước.
" Ông tân khoa Tiến Sĩ mặc áo thụng lam, cưỡi ngựa, che đôi lọng, cha mẹ, vợ và ông thầy dạy học mỗi người ngồi một cái võng trần, che một lọng rước vinh qui về làng, thiên hạ kéo nhau đi xem, lại vinh hiển hơn Cử Nhân nhiều" (4).
Nhiều người trong chúng ta còn nhớ đám rước Thời trước:
...Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem...
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem...
Nguyễn Bính
Anh chồng trong câu chuyện tuy chỉ đỗ Tú Tài hay Cử Nhân, chị vợ chưa được ngồi võng, thế mà đám rước cũng đã có vẻ khá long trọng, có lính dẹp đường, có cả làng ra xem. Rước Trạng Nguyên, Tiến Sĩ chắc hẳn còn linh đình, rầm rộ hơn nhiều, có cả tổng, cả tỉnh đi xem!
Kể từ kì thi lều chõng đầu tiên tổ chức năm 1075, cho đến kì cuối cùng năm 1919, trong suốt gần 9 thế kỷ xã hội phong kiến Việt Nam đã tôn giới nho học lên hàng đầu tứ dân (sĩ, nông, công, thương), dùng khoa cử để tuyển chọn nhân tài. Các ông Trạng, ông Nghè (Tiến Sĩ), ông Cử, ông Tú chia nhau nắm giữ quyền hành. Trạng Nguyên, Tiến Sĩ là biểu tượng của thành công, phú quý, là mẫu người lý tưởng của các chuyện cổ tích có hậu. Các ông thuộc tầng lớp cao nhất của giới quan lại.
Từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721) về sau, "Duy có chức Ngự Sử là chức quan đứng đầu trong việc giữ phong hóa pháp điển, chức sứ thần là người có trách nhiệm ngoại giao, tất phải kén người đỗ Tiến Sĩ, quan tiến triều thì không được dự"(5).
Đời Lê, Trạng Nguyên được cấp 55 người tuỳ hành (những người hầu hạ, sai bảo), Bảng Nhãn được 50 người, Thám Hoa chỉ được 45 người. Trạng Nguyên, Tiến Sĩ còn được quyền chọn đất trong tổng để làm nhà.
Hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà
Chọn chỗ nào, hàng huyện phải cho người tới làm cổng, hàng tổng phải cắt người tới đắp nền xây nhà tại chỗ đó. Đặc ân to lớn như vậy nên mới có cảnh:
Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng
Chưa đỗ Tiến Sĩ mà đã vậy, huống hồ đỗ Trạng Nguyên thì phải biết! Xem thế thì đủ thấy rằng các chức dịch trong làng, các quan lại địa phương dù có gian ác, hống hách đến mấy cũng chỉ dám bắt nạt, hà hiếp đám dân thường thấp cổ bé họng, chứ không ai lại dại dột đụng vào gia đình, họ hàng các ông quan lớn tương lai của triều đình.
Cho dù có điếc không sợ súng, cũng chả có mèo già nào dám chơi trò vuốt râu hùm, ra ngồi cản đám rước vinh quy của vợ chồng quan Trạng. Lớ quớ thì chỉ có nước tù mọt gông!
Nói rằng gia đình, họ hàng Trạng Chuột phải lo sợ, thấp thỏm, mắt lấm la lấm lét nhìn trước nhìn sau, đem lễ vật đi đút lót, hối lộ mèo già, là không có căn cứ. Có chăng là chính mèo già phải lo sửa soạn chạy chọt, đút lót gia đình, họ hàng quan Trạng để được một chân điếu đóm!
Chẳng lẽ người vẽ tranh Trạng Chuột Vinh Quy lại tỏ ra không hiểu gì về uy quyền của quan Trạng? Tôi không dám nghĩ có chuyện lạ như vậy!
Nhưng rõ ràng là tranh Đám Cưới Chuột và Trạng Chuột Vinh Quy đều không tả đúng tục lệ ngày xưa. Vậy phải hiểu tấm tranh ra sao?
Phân tích bố cục của tấm tranh chúng ta thấy dường như tranh được chia thành hai phần, lằn chia khá rõ nét:
- Nửa dưới vẽ một đám rước Trạng Nguyên vinh quy. Đoàn rước đi trên đường cái, hoặc đường làng đã được dọn sạch cỏ, có cờ biển, "ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau".
- Nửa trên vẽ một đám rước ở thôn quê, hai bên đường cỏ mọc. Đám rước có kèn trống, lễ vật, bị mèo già chắn lối.
Đám rước Trạng Nguyên được vẽ đúng như sách vở mô tả, dễ hiểu. Còn đám rước bị gặp khó khăn, thì thật là khó hiểu. Cảnh này xảy ra ở đâu?
Trong kho tàng văn hoá truyền thống Liễu Đôi có bài thơ ngụ ngôn Đám Cưới Chuột (6):
Mẹ chuột cũng quyết một lòng
Chỉ còn một nỗi sợ ông mèo già.
Mèo già tính khí la cà,
Này rượu hàng hũ, này gà hàng con.
Ông mà đã nóng máu lên,
Thì thôi tan nát chả còn thứ chi!
...
Cưới chuột thì thật là to,
Dãy dài dãy ngắn giăng bờ như nêm.
Bỗng dưng dừng lại phía trên,
Hai họ ngơ ngác ngó lên sự gì?
Một đàn mèo xám mặt bì,
Cầm dao, cầm gậy lại thì cản ngăn.
Mèo Già nhảy đến nhe răng:
- "Tao thì lột xác không thằng nào tha!
Chúng mày ăn uống la đà,
A! Quân xỏ nõ, khinh già nhơn nhơn!"
Chuột Trùm mới vái lạy luôn:
- "Xin ngài độ lượng rộng lòng thương cho!
Sông sâu còn lúc vắng đò,
Bởi vì con trẻ biết lo liệu gì!
Mong ngài phù hộ độ trì,
Chúng con biết rõ mình thì thật hư!"
...
Một trời nước biếc non xanh,
Đàn chuột lũ lượt vòng quanh bờ dài.
Đi đầu là họ nhà trai.
Chú rể áo dài quần áo thướt tha.
Chỉ còn một nỗi sợ ông mèo già.
Mèo già tính khí la cà,
Này rượu hàng hũ, này gà hàng con.
Ông mà đã nóng máu lên,
Thì thôi tan nát chả còn thứ chi!
...
Cưới chuột thì thật là to,
Dãy dài dãy ngắn giăng bờ như nêm.
Bỗng dưng dừng lại phía trên,
Hai họ ngơ ngác ngó lên sự gì?
Một đàn mèo xám mặt bì,
Cầm dao, cầm gậy lại thì cản ngăn.
Mèo Già nhảy đến nhe răng:
- "Tao thì lột xác không thằng nào tha!
Chúng mày ăn uống la đà,
A! Quân xỏ nõ, khinh già nhơn nhơn!"
Chuột Trùm mới vái lạy luôn:
- "Xin ngài độ lượng rộng lòng thương cho!
Sông sâu còn lúc vắng đò,
Bởi vì con trẻ biết lo liệu gì!
Mong ngài phù hộ độ trì,
Chúng con biết rõ mình thì thật hư!"
...
Một trời nước biếc non xanh,
Đàn chuột lũ lượt vòng quanh bờ dài.
Đi đầu là họ nhà trai.
Chú rể áo dài quần áo thướt tha.
Chuột Trẻ cho chí Chuột Già,
Những là áo lượt quần là tốt tươi.
Chuột Vàng dâng quả, đội cơi,
Miếng trầu thơm miệng đỏ môi họ hàng (...).
Những là áo lượt quần là tốt tươi.
Chuột Vàng dâng quả, đội cơi,
Miếng trầu thơm miệng đỏ môi họ hàng (...).
Nửa trên của tấm tranh chính là minh hoạ của phần đầu Đám Cưới Chuột này.
Nếu đúng là tấm tranh có hai phần như vậy thì chúng ta lại phải trả lời câu hỏi vì sao nghệ nhân lại vẽ hai đám rước khác nhau trên cùng một tấm tranh?
Căn cứ vào lời chú trong tranh Bằng Liệt tân khắc lão thử thủ tân (Bằng liệt mới khắc lại chuột già lấy vợ), chúng ta được biết rằng tấm tranh này mới được khắc lại, không rõ năm nào. Đây chỉ là một trong số nhiều dị bản (Durand đưa ra 3 bản (1), Trung quốc có 4 bản (7), mới đây Nguyễn Đăng Chế lại "phục hồi vốn cổ", khắc thêm 1 bản). Các dị bản được nghệ nhân sửa đổi tuỳ hứng. Ngày nay chúng ta có tranh ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ.
Tôi cho rằng trong quá trình tái tạo, có nghệ nhân nào đó đã đem ghép hai tấm tranh cùng vẽ đám rước - rước dâu và rước vinh quy - để làm thành một tấm mới. Việc làm gán ghép này đã vô tình tạo ra một nội dung "đầu mèo đuôi chuột" khó hiểu. Các nghệ nhân đời sau tiếp tục chép lại tấm tranh ghép này, không thắc mắc gì cả.
Trường hợp ghép tranh như vậy còn được thấy ở tấm Du Xuân đồ trong sách của Durand (1). Ai đó đã ghép hai tấm tranh Tết biệt lập của bộ tranh Oger, đồng thời sửa đổi cả các câu thơ nôm của chính bản.
Chúng ta có thể tạm kết luận rằng tấm tranh Tết nổi tiếng của ta đã được ghép từ hai tấm tranh khác nhau, nửa trên là Đám Cưới Chuột, nửa dưới là Trạng Chuột Vinh Quy. Các chữ trong tranh đã được người đời sau sửa đổi, thêm bớt một cách tuỳ tiện.
Nguyễn Dư
(5/1/2000)
(5/1/2000)
Tài liệu tham khảo
1- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, Paris,1960
2- Nguyễn Bá Vân-Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, NXB Văn Hóa, 1984
3- Toan Ánh, Làng xóm Việt Nam, NXB Xuân Thu, Hoa Kỳ
4- Phan Kế Bính,Việt Nam phong tục, NXB Tổng hợp Đồng Tháp,1990
5- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Quan chức chí), NXB Sử học, Hà Nội,1961
6- Bùi Văn Cường-Nguyễn Tế Nhị, Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi, NXB KHXH, Hà Nội, 1982
7- Văn Ngọc, Tranh khắc gỗ dân gian, Diễn Đàn số 88, Paris, 1999
1- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, Paris,1960
2- Nguyễn Bá Vân-Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, NXB Văn Hóa, 1984
3- Toan Ánh, Làng xóm Việt Nam, NXB Xuân Thu, Hoa Kỳ
4- Phan Kế Bính,Việt Nam phong tục, NXB Tổng hợp Đồng Tháp,1990
5- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Quan chức chí), NXB Sử học, Hà Nội,1961
6- Bùi Văn Cường-Nguyễn Tế Nhị, Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi, NXB KHXH, Hà Nội, 1982
7- Văn Ngọc, Tranh khắc gỗ dân gian, Diễn Đàn số 88, Paris, 1999