User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Ngày Tết, ngoài thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ thì trên ban thờ gia tiên các gia đình luôn có một mâm ngũ quả. Dù miền Bắc hay miền Nam, mâm ngũ quả cũng được bày trang trọng ở chính giữa ban thờ gia tiên. Vậy mâm ngũ quả gồm những quả nào và ý nghĩa của mâm ngũ quả là gì? Cách bày mâm ngũ quả chuẩn theo phong thuỷ để tăng tài lộc trong năm mới?
 
mamnguqua
 
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là cầu mong một năm may mắn, bình an, an khang, thịnh vượng trong dịp Tết đến Xuân về
 
Cũng là mâm ngủ quả nhưng trong văn hoá ở mỗi miền lại có những loại quả khác nhau và cách bày trí khác nhau. Mỗi loại quả khi bày trên ban thờ đều có ý nghĩa riêng, vì vậy các gia đình cần hiểu và nắm rõ để gửi gắm ước nguyện, cầu mong của mình trong năm mới.
 
Theo Phong Thủy: mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau.
 
Con số 5 thể hiện ước muốn của người Việt Nam sẽ đạt ngũ phúc lâm môn: Phú, quý, thọ, khang, ninh – những thứ mà con người ước ao và mong muốn tìm cầu. Ý nghĩa của số 5 ý nghĩa về năm phương quần tụ, đồng thời cũng gắn với hạnh phúc của nhà Phật tỏa đi năm phương được thể hiện trong mâm ngũ quả.
 
Số 5 cũng biểu thị cho ngũ hành, cho sự trọn vẹn và đầy đủ của trời đất. 5 màu sắc thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương đưa về kính lên tổ tiên.
 
+ Nải chuối: có màu xanh tượng trưng Đông phương,
 
+ Quả bưởi có màu vàng tượng trưng Trung phương,
 
+ Quả hồng có màu đỏ tượng trưng Nam phương,
 
+ Quả lê có màu trắng tượng trưng Tây phương
 
+ Một loại quả có màu sẫm khác tượng trưng Bắc phương.
 
Năm màu sắc này cũng tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Con số 5 trong mâm ngũ quả còn thể hiện lịch sử tín ngưỡng dân tộc. Ví dụ, đạo Phật có ngũ giới, tức 5 điều quy định của đạo Phật. Đạo Lão với ngũ hành. Đạo Khổng là ngũ thường.
 
Nên ngũ quả ở đây không nhất thiết phải là 5 loại quả hay năm quả mà nó được hiểu theo nghĩa biểu trưng của sự trọn vẹn và đầy đủ của con cháu dâng cúng tổ tiên, và những ước nguyện của con người gửi gắm ước mong.
 
Nguyên nhân chọn ngũ quả thay vì chọn các yếu tố khác bởi người xưa quan niệm hoa quả có nhiều hạt, múi, chùm. Điều này thể hiện mong ước sang năm mới sẽ sinh sôi phát triển cả trong sản xuất lẫn cuộc đời.
 
Ngoài ra, mâm ngũ quả còn có:
 
Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
 
Hồng, quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
 
Lê (hay mật phụ): ngọt, thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
 
Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
 
Đào: thể hiện sự thăng tiến.
 
Mai: do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
 
Táo (loại trái to màu đỏ tươi): có nghĩa phú quý.
 
Thanh long: ý rồng mây gặp hội.
 
Quả trứng gà có hình trái đào tiên: lộc trời.
 
Dừa: có âm tương tự như là “vừa”, có nghĩa là không thiếu.
 
Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
 
Đu đủ: mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
 
Xoài: có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
 
Phật Thủ: Phật thủ tượng cho hai bàn tay của đức Phật. Mang ý nghĩa chở che và trí tuệ.
 mamnguqua1
 
Mâm ngũ quả 3 miền Bắc – Trung – Nam
 
Miền Bắc:
 
Người miền Bắc và Trung có thói quen tùy vào thổ nhưỡng và điều kiện của địa phương mà đưa ra lựa chọn. Ví như miền Bắc chuộng trái Phật thủ, kết hợp với các sản vật phổ biến khác như roi, đu đủ, hồng, hồng xiêm, lê… Quy tắc kết hợp, tương tự đã nói ở trên: màu sắc, mùi vị để đảm bảo đủ 5 màu, cân bằng vị, hòa hợp tính chất, khi ăn không gây ra bệnh hay sự cố sức khỏe. Nhìn chung, người Miền Bắc cho rằng hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, kể cả quả ớt, miễn sao đẹp mắt là được.
 
Miền Trung:
 
Đến xứ hoa nắng miền Trung, sự khắc nghiệt của khí hậu và cằn cỗi đất đai hình thành tính cách không quá câu nệ hình thức cho mâm ngũ quả mà quan trọng nhất là sự thành tâm. Mâm cúng mỗi nhà mỗi khác, nguyên liệu đều có sẵn ở quê hương. Do đó, bên cạnh trái Phật thủ, người miền Trung thường trưng nải chuối vì hình dáng tương tự bàn tay Phật, mang ý nghĩa cho sự che chở, thương yêu. Nải chuối ôm lấy các loại quả khác như hàm ý cưu mang, bảo bọc mà con người ở chốn đồng chua nước mặn này dành cho nhau. Ngoài ra, các loại quả khác thường dùng đều dễ dàng tìm thấy tại địa phương như cam, dưa hấu, nho…
 
Ngày nay, với sự phát triển của hạ tầng giao thông và giao thoa văn hóa vùng miền, mâm ngũ quả của miền Bắc, Trung đã có những biến đổi. Các loại trái cây đặc trưng miền Nam như dứa, thanh long, dừa, măng cụt… bắt đầu xuất hiện. Họ cũng kết hợp nhiều sản vật khác vào mâm ngũ quả.
 
Đối với người Miền Nam:
 
Mâm ngũ quả miền Nam được biến thể theo 2 lối: trong chuẩn và ngoài chuẩn. Biến thể trong chuẩn vẫn duy trì được cốt lõi của nguyên tắc “Ngũ”, tức đủ 5 quả, nhưng không quan tâm đến màu sắc. Đặc biệt người Nam Bộ rất chuộng chưng mâm ngũ quả lối biến âm hay còn gọi là đọc trại âm. Thế nên mâm ngũ quả thường được biến tấu, ghép tên quả thành những câu nói gửi gắm điều nguyện ước. Ví dụ như: cầu sung vừa đủ xài (mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài), cầu dư vừa đủ xài (mãng cầu, dưa hấu, dừa, đu đủ, xoài)…
 
Cũng chính từ lối biến âm từ vựng khiến người miền Nam có nhiều kiêng kỵ trong việc chọn các loại trái cây. Chẳng hạn như không chưng những trái: chuối (chúi đầu, chúi cổ, xụi bại); cam (cam chịu); quất (miền Nam gọi là tắc, liên tưởng đến sự tắc nghẽn); lê (lê lết); táo Mỹ (trong miền Nam gọi là bom, dễ liên tưởng đến cháy nổ, hỏa hoạn)…
 
Bên cạnh đó, trong đời sống, với bản tính phóng khoáng, người miền Nam đã tạo ra nhiều biến thể thú vị, hài hước, mang đậm dấu ấn thời đại, không bị bó buộc trong hệ thống quả, gọi là các biến thể ngoài chuẩn. Đơn cử như mâm ngũ quả: cầu dư xài líp baga (líp, baga là bộ phận xe đạp – tức cầu mong nhiều của cải), cầu dư xài ẩu (ẩu là ổi, tức xài thoải mái)… Sinh viên trước mùa thi lại bày biện mâm quả của riêng mình: cầu vừa đủ qua môn (trái khổ qua, củ khoai môn)…
 
Trong thời gian gần đây, nhằm cầu tài lộc, giàu sang, nhiều gia đình có thói quen chưng dầu ăn kết hợp với các loại quả để trở thành mâm ngũ quả “cầu giàu” (dầu ăn đọc trại âm thành giàu). Mâm ngũ quả phổ biến là: cầu giàu vừa đủ xài (mãng cầu, chai dầu ăn, dừa, đu đủ, xoài). Dầu ăn vốn là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc, đồng thời khi Tết đến, dầu ăn còn có ý nghĩa biểu tượng của sự hanh thông, giàu có (có màu vàng óng tượng trưng cho phú quý, tài lộc). Do đó ngay khi tháng Chạp vừa chạm ngõ là nhà nhà lại mua dầu ăn để dự trữ hay biếu tặng nhau. Dầu ăn còn là yếu tố cần và đủ cho khai bếp đầu năm – một nghi thức bắt nguồn từ tục giữ lửa. Đây cũng là nghi thức hội đủ yếu tố ngũ hành, là cơ sở để vạn sự hạnh thông, khởi nghìn tài lộc năm mới. Cụ thể hơn, dầu ăn có màu vàng óng, sóng sánh đại diện cho hành thủy (chất lỏng), kết hợp cùng hành mộc (đũa tre), hành hỏa (lửa trong bếp), hành kim (nồi niêu xoong chảo), hành thổ (yếu tố trung tâm – người đứng bếp).
 
Tiêu chuẩn chọn chuối để bày mâm ngũ quả
 
Chuối là một thứ quả dân dã và phổ biến của Việt Nam. Nải chuối có nhiều quả gắn kết với nhau tượng trưng cho sự quây quần, sum vầy bên nhau. Nải chuối giống hình bàn tay, nếu cúng hai nải chuối thì sẽ thành hai bàn tay nâng niu những gì tinh túy, thanh khiết và tấm lòng thành của con cháu dâng cúng tổ tiên.
 
Nải chuối cũng mang ý nghĩa của sự che chở và hứng lấy may mắn, phúc đức của tổ tiên.
 
Nải chuối để bày mâm ngũ quả phải là chuối xanh, còn nguyên cuống, không bị đứt gãy. Xưa kia các cụ chọn chuối cúng thường đếm số quả theo (sinh – lão – bệnh – tử) và chọn số quả kết thúc vào chữ sinh hay lão. Nhưng ngày nay cũng không còn quá cầu kỳ về số quả, tâm thành là được.
Cách chọn bưởi để bày mâm ngũ quả
 
Quả bưởi nên chọn quả căng mọng, tròn đều, không cần quá to nhưng màu bưởi phải vàng tươi biểu thị cho Phúc đức.
 
Khi bày mâm ngũ quả, quả bưởi nên đặt giữa nải chuối, ở vị trí trung tâm của mâm ngũ quả – biểu thị cho Phúc đức cân bằng, vững chãi, mang theo uớc vọng một năm an khang thịnh vượng.
Lưu ý những loại quả không nên bày ngày Tết:
 
Theo các cụ truyền lại, trong ngày tết không nên bày những loại quả có gai, quả nhanh hỏng, quả chua, cay. Những loại quả có mùi quá nồng cũng không nên bày cúng.
 
Quan trọng nhất khi bày mâm ngũ quả

Đồ cúng đúng là cái tâm thành ta dâng. Đừng cầu kì bày vẽ chuyện mà đi vào sự tín sai mê muội. Ta đủ thành tâm, lòng ta đủ chân ái, lễ ta đủ kính cẩn. Thế là đủ.
 
Còn mấy thứ đồ cúng, đủ là được, có là được. Không nên sa vào mê cung của sự cầu kì. Căn bản của đồ cúng khi xưa là con cháu có gì ngon nhất, quý nhất trong nhà thì dâng lên các cụ ngự thần. Sau đó con cháu thụ lộc. Đấy là lòng thành, chứ không phải các cụ hiện về đánh chén thật đâu.
 
Mấy chục năm trước ra vườn bắt con gà, tự chặt buồng chuối, bánh trái chẳng có, hoa quả không nhiều. Mà có sao đâu ạ. Vậy nên đừng quá lo lắng không đâu. Tâm không an lại đâm ra hoảng hốt.
 
Muốn thêm phúc thì thêm hành thiện
 
Muốn thêm tài lộc thì thêm lao động hăng say
 
Muốn thêm may thì thêm hoan hỉ với đời
 
Chứ không phải đếm chuối ra số lẻ, cúng kiếng theo cái tên là có được hết đâu. Nếu cuộc sống mà chuyển xoay dễ thế, đời làm gì còn ai phải vất vả bộn bề.
 
Tâm linh là nơi ta gửi gắm lòng thành, dựa vào mà vơi đi mỏi mệt rồi thêm phấn đấu trong cuộc đời. Không phải chốn mê muội để ta đắm chìm và mong tự nhiên sự thành tiến tới.
 
Như vậy, tùy theo điều kiện vùng miền, hoàn cảnh, mâm ngũ quả có thể được bày trí và chọn lựa các nguyên liệu khác nhau. Điều quan trọng nhất, cần đảm bảo ý nghĩa mỹ học, tính ứng dụng, đặt vào đó tất cả sự thành tâm, vun vén nguyện ước cho một năm mới tràn sung túc, đầy tài lộc.
 
 
Tamlinh.org (Tổng hợp)
 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com