Bài này tập trung vào việc phân tích bản chất của người đàn bà dân dã Việt Nam qua những nhận xét về quan hệ lứa đôi như được phản ánh trong ca dao, tục ngữ. Một cách tổng quát dân số vùng thôn quê Việt Nam trước 1975 chiếm khoảng 85% đến 90% tổng số dân số toàn quốc. Hiện nay dân số vùng thôn quê chiếm khoảng 61%. Do đó, phong tục, tập quán của người dân nông thôn xét theo nhiều khía cạnh phải được công nhận như là một phần quan trọng của văn hoá Việt Nam. Mặc dù thế, khi nói đến văn hoá Việt Nam, người ta chỉ thường nghĩ đến những kỉ cương truyền đạt từ tầng lớp trí thức Nho giáo như tam cương, ngũ thường dành cho nam giới; và tam tòng, tứ đức dành cho nữ giới.
Tam cương gồm có (1) quân thần cương, (2) phụ tử cương, và (3) phu phụ (thê) cương. Vua phải yêu thương dân, thần dân phải tuân phục vua. Cha phải yêu thương con cái và con cái phải có hiếu và tuân phục cha. Chồng phải yêu thương, đùm bọc vợ và vợ phải yêu thương và tuân phục chồng.
Ngũ thường bao gồm (1) nhân, (2) nghĩa, (3) lễ, (4) trí, và (5) tín.
Tam tòng bao gồm (1) tại gia tòng phụ, (2) xuất giá tòng phu, (3) phu tử tòng tử. Tứ đức gồm có (1) công, (2) dung, (3) ngôn, và (4) hạnh. Tam tòng, tứ đức trước tiên được bàn đến trong sách Lễ Kí và được Ban Chiêu (45 – 117) thời Đông Hán phát triển thêm ý nghĩa trong cuốn Nữ Giới.
Những phạm trù luân lí này đã được phân tích và thảo luận trong những bài trước đây của Nguyễn văn Thái, “Giáo dục Con Gái”, Giáo dục Con Gái, Bài II”, “Những Mối Tương giao Trong Xã hội”, “Nhân Nghĩa Trong Văn chương Bình dân.” Những phạm trù này được thể hiện qua phần Hình Nhi Hạ của Nho giáo và là kim chỉ nam cho mọi hình thái quản lí nhà nước và các hành vi ứng xử của người dân từ thời Sĩ Nhiếp (137-226) cho đến ngày 28 tháng 12 năm 1918 khi vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ nền Nho học.
Mặc dù Nho học bị bãi bỏ và được thay thế bằng Tây học, nhưng luân lí của Nho giáo vẫn tiếp tục ảnh hưởng rất mạnh, nhất là đối với tầng lớp trung lưu, trong phong tục, tập quán của người dân Việt Nam trong và ngoài nước mãi cho đến ngày nay. Sau năm 1975, khi Đảng CSVN đã xâm chiếm miền Nam Việt Nam thì ảnh hưởng này ở trong nước có thể đã bị suy giảm đi rất nhiều vì lí thuyết cộng sản hầu như đã cố thay thế vị trí của Khổng giáo và, do đó, có lẽ một số khá lớn những người thuộc thế hệ từ 40 đến 50 tuổi trong nước không còn biết đến những phạm trù luân lí của Khổng giáo là gì nữa, hoặc có biết qua nhưng không còn thực hành trong đời sống hằng ngày của họ. Nếu thực sự còn sót lại ảnh hưởng của luân lí Khổng giáo trên thực tế chăng nữa thì cũng được phát sinh từ sự hiểu biết nông cạn và sai lạc về Khổng giáo đưa đến hiện tượng quyền lực độc đoán của người cha và sự thể hiện tình thương của cha mẹ đối với con cái một cách bênh hoạn qua hiện tượng nuông chiều con cái quá mức, nhất là đối với con trai, của những người giàu có “mới” thiếu căn bản văn hoá và giáo dục.
Ảnh hưởng của hệ thống luân lí và đạo đức Khổng giáo suốt gần hai ngàn năm lịch sử của đất nước bắt nguồn từ Sĩ Nhiếp dạy thi thư cho dân Việt. Tuy nhiên, lịch sử của Khổng giáo từ Sĩ Nhiếp đến thời nhà Lí không được rõ ràng, vì thiếu tài liệu, hoặc không được hệ thống hoá mặc dù có chứng tích sử liệu là Khổng giáo được tôn trọng qua các triều đại trước nhà Lí. Mãi cho đến 1075 khi Lý Nhân Tông cho mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn người làm quan thì Khổng giáo mới có thể được coi là được chính thức hoá. Vì Khổng giáo lấy nhân trị hay lễ trị thay vì pháp trị làm căn bản nên việc cai trị chỉ là thi hành luân lí, đạo đức của Khổng giáo. Mục đích chính của sĩ tử Hán học hay Khổng học hay Khổng giáo là học hành, đi thi để được tuyển chọn làm quan. Giáo trình gồm những sách như Nhất Thiên Tự, Sử Học Vấn Tân, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, Minh Tâm Bảo Giám, Minh Đạo Gia Huấn, Tam Tự Kinh; Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung (Tứ thư), và Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu (Ngũ kinh). Những người thi không đỗ hoặc không muốn làm quan thường trở thành thầy dạy học (mà theo truyền thống được gọi là thầy đồ) phần lớn ở vùng thôn quê. Cho đến cuối tiền bàn thế kỉ 20, hầu như làng nào cũng có ít nhất là một thầy đồ.
Cũng mãi cho đến cuối tiền bán thế kỷ 20, nền kinh tế Việt Nam chỉ tuỳ thuộc vào những ngành tiểu công nghệ theo truyền thống gia đình và các ngành tiểu thương thường sinh hoạt ở các thành thị hay gần thành thị nhiều hơn là ở những vùng sâu thôn quê. Mức sống của họ cao hơn mức sống của đại đa số nông dân mà sinh kế chỉ dựa vào canh nông bằng cách canh tác những sào ruộng nhỏ mà họ sở hữu hay làm mướn cho chủ đất giàu có. Một số cư dân thuộc miền duyên hải thì làm nghề đánh cá ven biển, rất nghèo khó. Từ sự nghèo đói này, một số ít con cái nhà nông, ngư phủ muốn đeo đuổi một nghề có danh vọng, ít lao lực hơn hơn nên đã theo thầy đồ học tập với mong ước thành tựu với mộng quan trường. Dĩ nhiên là chỉ một số ít trong số những sĩ tử này thành công. Số còn lại thường bỏ dở công việc học hành, trở về làm ruộng. Nhưng vốn liếng sở học của họ có khả năng lan toả trong quần chúng.
Ảnh hưởng của luân lí và đạo đức Khổng giáo trong lúc rất mạnh và khắt khe đối với những gia đình trí thức Nho học vì sĩ tử được giáo huấn trực tiếp và liên tục, còn ảnh hưởng đối với những gia đình nông dân thì gián tiếp qua các sĩ tử và không liên tục nên dễ được thích nghi, hoà quyện với phong tục, tập quán, và hình thái sinh hoạt kinh tế của họ, do đó có sự khác biệt với những quy phạm chính thống.
Như đã nói trên, phạm vi của bài này tập trung vào sự khác biệt về phương diện ảnh hưởng của những phạm trù luân lí cổ truyền đối với những người con gái thuộc tầng lớp trí thức và những người con gái ở vùng thôn quê.
Đối với những người con gái thuộc những gia đình trí thức Nho giáo thì tam tòng có nghĩa rõ ràng là khi còn nhỏ, chưa lập gia đình thì phải là theo cha, vâng lời và phục vụ cha (tại gia tòng phụ), khi lập gia đình thì phải theo chồng và vâng lời và phục vụ chồng (xuất giá tòng phu), và khi chồng mất thì phải theo con trai trưởng (phu tử tòng tử). Bốn đức tính mà người con gái của những gia đình “có gia giáo” phải theo, dựa vào nội dung của cuốn Nữ Giới1 của Ban Chiêu, là (1) “công” nghĩa là biết nội trợ: nấu ăn, giặt giũ, may vá, thêu thùa chứ không đòi hỏi phải có những kĩ xảo điêu luyện hơn người; (2) “dung” nghĩa là y phục dù cũ hay mới cũng phải giặt cho sạch sẽ, tắm gội đúng lúc, giữ thân thể thanh khiết sạch sẽ, phục sức tươi tắn chỉnh tề chứ không cần phải có nhan sắc mĩ lệ hơn người; (3) “ngôn” là nên suy nghĩ ba lần rồi mới nói, lựa lời hay mà nói, không nói lời khó nghe, cho dù là lời tốt cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói ra, để không khiến người ta khó chịu và không cần phải khéo nói, miệng lưỡi nhanh nhẩu, hùng biện hơn người; và (4) “hạnh” nghĩa là tao nhã, hiền thục, thanh khiết, trầm tĩnh, cung kính, cẩn thận, giữ tiết tháo, cử chỉ đoan chánh, tâm biết hổ thẹn, lời nói, việc làm đều có quy củ, phù hợp lễ nghi.
Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi (1380-1442), trong truyền thống Nho học, đặt nặng tam tòng và tứ đức, phát huy quan điểm của Khổng giáo và của Ban Chiêu. Do đó ảnh hưởng của những phạm trù này trong việc giáo dục con gái rất mạnh đối với những gia đình Nho học. Ca dao và tục ngữ cũng đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến quan điểm tam tòng, tứ đức trong những gia đình Nho học cũng như những gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên vì sự phổ biến trong quần chúng nông thôn một phần vì gián tiếp, giới hạn, không liên tục, và không đi vào chiều sâu vì ảnh hưởng chỉ qua các sĩ tử học hành dở dang; phần khác hoàn cảnh sinh hoạt lao động của nông dân đã thích nghi ý nghĩa của những phạm trù này theo phong tục tập quán của họ. Nông dân có đời sống gia đình bình đẳng hơn những gia đình trí thức Nho học. Công việc canh tác và đồng áng được phân chia đồng đều giữa người đàn ông, người đàn bà, và ngay cả trẻ con khoảng 10, 12 tuổi trở lên trong gia đình và tính hệ đẳng trong gia đình hầu như chỉ dựa trên tình vợ chồng và tình cha con hơn là vai vế quyền lực độc đoán. Người ta hiếm khi thấy những gia đình nông dân có hai hay ba thế hệ sống chung trong một nhà như trong các gia đình trí thức, vọng tộc. Con trai ở nông thôn đến tuổi trưởng thành sẽ kiếm việc làm riêng và tự lập. Con gái chia sẻ đồng đều công việc đồng áng cùng với cha, mẹ cho đến khi lập gia đình thì theo chồng. Người con gái phục vụ cha vì tình thương chứ không phải như những người con gái thuộc những gia đình trí thức Nho học phục vụ cha, ngoài ý nghĩa tình thương, còn có ý thức về bổn phận đạo đức. Người con gái nông thôn chỉ theo chồng (tòng phu) trong ý nghĩa yêu đương vì tình vợ chồng và “đồng lao cộng khổ” chứ không đặt nặng ý nghĩa của bổn phận vâng lời và phục vụ chồng. Người đàn bà nông thôn không theo con trưởng khi chồng chết mà thường vẫn sống tự lập.
Tứ đức trong thực tế không phù hợp với đời sống thôn dã. Nông dân một năm chỉ có một hay hai bộ áo quần sơ sài cho nên kĩ năng thêu thùa may vá, nấu ăn (công) rất thô sơ và ai trong gia đình cũng có thể làm được. Dung, và ngôn cũng không thích hợp với đời sống chất phát của nông dân. Phần lớn nội hàm ý nghĩa của “hạnh” như định nghĩa ở trên cũng không phù hợp với đời sống nông thôn. Thực ra tam tòng và tứ đức trong Nữ Giới của Ban chiêu là để dạy học cho hoàng hậu, những người quyền quý, và các cung nữ theo lời mời của Hán Hoà đế (78-106). Có hai đặc tính của “hạnh” là phần nào được sự lưu ý trong đời sống nông thôn vì được phản ánh trong văn chương bình dân: Đó là trinh tiết và sự giao du giữa trai và gái.
Đối với con gái thuộc những gia đình Nho giáo thì ngoài ca dao, tục ngữ phổ biến những đạo lí tam tòng tứ đức, Gia Huấn Ca được tin là của Nguyễn Trãi (1380-1442) có những chương dành riêng cho việc giáo dục con gái, con dâu, và người vợ. Theo thống kê của Lê Thu Hương2 thì hiện trong kho sách Hán Nôm của Việt Nam có 35 tài liệu về gia huấn và nữ huấn. Nói tóm lại, giới Nho học rất đặt nặng vấn đề giáo dục những thành viên trong gia đình, nhất là người con gái. Theo Gia Huấn Ca thì
370. Phận bồ liễu giá trong như ngọc,
Khéo là khéo bánh trong, bánh lọc,
Lại ngoan nghề dệt vóc, may mền.
Khôn là khôn lẽ phải, đường tin,
Lại trọn đạo nâng khăn sửa túi.
375. Khôn chẳng tưởng mưu lừa chước dối,
Khéo chẳng khoe vẻ lịch, chiều trai.
Xưa nay hầu dễ mấy người,
Miệng khôn, tai khéo cho ai được nhờ.
Phận làm gái này lời giáo huấn,
380. Lắng tai nghe cổ truyện mới nên,
Hãy xem xưa những bậc dâu hiền,
Kiêm tứ đức: dung, công, ngôn, hạnh,
Công là đủ mùi xôi, thức bánh,
Nhiệm nhặt thay đường chỉ mũi kim.
385. Dung là nét mặt ngọc trang nghiêm,
Không tha thiết, không chiều lả tả.
Ngôn là dạy trình thưa vâng dạ,
Hạnh là đường ngay thảo kính tin.
Xưa nay mấy kẻ dâu hiền,
390. Dung, công, ngôn, hạnh là tiên phàm trần.
Và sự giao du trai gái trong những gia đình Nho giáo không được chấp thuận. Con gái trong bối cảnh văn hoá này tuyệt đối phải giữ gìn trinh tiết và phải nghiêm trang trong khi giao tiếp với con trai. Rất nhiều người con gái trong bối cảnh văn hoá cổ truyền thường không biết mặt chồng mãi cho đến khi lập gia đình theo sự sắp đặt của cha mẹ hai bên.
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.
(Lục Vân Tiên)
Đến khoảng cuối tiền bán thế kỉ 20, với ảnh hưởng của văn hoá Tây phương và nền văn học lãng mạn của Pháp, thái độ về giao du trai gái có phần nào dễ dãi hơn. Tuy vậy, sự giao du này thường chỉ được xảy ra trong khung cảnh gia đình, có sự giám sát của người chung quanh, và nếu xảy ra ngoài khung cảnh gia đình thì phần lớn cũng chỉ được chấp nhận một cách miễn cưỡng hoặc xảy ra một cách lén lút.
Ngược lại, con gái thuộc vùng thôn quê đã quen với phong tục, tập quán giao du trai gái, tự do phát biểu, trao đổi tình cảm yêu đương đối với nhau. Họ trao đổi tình cảm yêu đương qua những dịp gặt lúa, hò giã gạo, hát trống quân, hát xoan. v.v…
Tháng Tám anh đi chơi xuân,
Đồn đây có hội trống quân, anh vào.
Trước khi hát, anh có lời rao:
Không chồng thì vào, có chồng thì ra.
Có chồng thì tránh cho xa,
Không chồng thì hãy lân la tới gần.
_Trống quân em lập lên đây,
Áo giải làm chiếu, khăn quây làm mùng.
Đua vui dưới ánh trăng trong,
Có con cũng hát, có chồng cũng chơi.
Con thì em mướn vú nuôi,
Chồng thì em để hát chơi xóm nhà.
Anh ơi! Cất giọng hò cao,
Nếu đứt, em nối; có sao, em bù.
Anh mần thinh mãi, em lo,
Cho em một tiếng “hò dô”, em về.
_Đã đi đến chốn thì chơi,
Đã đi đến chốn tiếc lời làm chi!
Qua cầu gặp hội hát xoang,
Em ở một làng, anh ở một nơi.
Bây giờ mới gặp nhau đây,
Ước làm phu phụ muôn đời nên chăng?
-Gặp nhau đây không chào thì ra câu tình tệ,
Mà chào rồi sự thể bất minh.
Ở xa xôi không đặng rõ sự tình,
Em có đôi rồi, không biết, em một mình cũng nỏ hay.
_Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế,
Trăng non đoài vội xế về Vinh.
Em đây vốn thiệt một mình,
Có ai vô dựng nợ, gá nghĩa chung tình cho vui.
-Gặp lúc đêm thanh trăng tỏ,
Hát đôi câu đặng rõ nhân tình:
Phòng loan thục nữ một mình,
Hay là đã kết duyên tình cùng ai?
-Vẳng nghe ai hát,
Lòng đây bát ngát nỗi phiền.
Cô phòng giữ dạ thuyền quyên,
Chờ nơi nhân đạo em nguyền trao thân.
_Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Thấy em lịch sự, lòng anh cũng mừng.
Đêm trăng sáng chỉ có chừng,
Đôi ta đã gặp thì đừng xa nhau.
_Thấy anh, em cũng muốn thương,
Sợ anh đã có tơ vương chốn nào!
Xuân xanh độ mấy trăng sao,
Yêu nhau, bác mẹ vun vào cho chăng?
Ai vô phân trần tác loạn,
Thiếp gặp đặng chàng đồng bạn xướng ca.
Đêm khuya gió mát trăng tà,
Đợi người tri kỷ hay là tri âm.
-Nón này em sắm ở đâu,
Dọc ngang mấy thước, móc khâu mấy lần.
Em mà đáp được như trần,
Thì anh trả nón, đưa chân em về.
-Nón này em sắm ở chợ Giầu [Bắc Ninh].
Dọc ngang thước rưỡi, móc khâu năm đường.
Nón này chính ở làng Chuông [Hà Tây].
Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khuôn.
Hà Nội thì kết quai tua,
Có hai con bướm đậu vừa xung quanh.
Tứ bề nghiêng nón chạy quanh,
Ở giữa con bướm là hình ông trăng.
Nón này em sắm đáng trăm,
Ai trông cái nón ba tầm [nón vành rộng] cũng ưa.
Nón này che nắng, che mưa,
Nón này để đội cho vừa đôi ta.
Nón này khâu những móc già,
Em đi thử nón đã ba năm chầy,
Anh có muốn cho em chung mẹ, chung thầy,
Thì anh đưa cái nón này, em xin.
Trao đổi tình cảm chưa phải là gắn bó, trai gái miệt quê còn thách thức khả năng hiểu biết thường thức của nhau, nhất là người con gái thách thức khả năng của người con trai.
_Nghe anh là khách tài hoa,
Mời anh đối đáp một và trống canh.
Có cây mà lại có cành,
Có em mà lại có anh mới tình.
-Anh về chẻ lạt bó tro,
Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng.
-Em về đục núi lòn qua,
Vắt cổ chày ra nước thì ta làm chồng.
-Anh về chẻ lạt bó tro,
Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng.
-Em về gọt đá nấu canh,
Thì anh bắc chảo rán sành được ngay.
_Tiếng anh anh học cũng thông,
Lại đây em hỏi làm bánh bò bông bột gì?
_Làm bánh bò bông bằng bột tàn mì,
Trứng gà khuấy lộn nó quỳ bốn tai.
Em đố anh trên trời có mấy ông sao?
Dưới rào có mấy con cá?
Trong nhà: mạ mấy con, đũa mấy đôi, nồi mấy cái,
Giấy mấy tờ, tơ mấy múi, núi mấy hòn?
Trai nam nhơn giải đặng, cặp đào non em trao liền.
-Trên trời có một ông sao,
Dưới rào có một con cá.
Trong nhà: nhất mẹ nhì con, đũa một đôi, nồi một cái,
Giấy một tờ, tơ một múi, núi nọ hai hòn.
Trai nam nhơn đà giải đặng, cặp đào non em mô nào?
-Cây chi trên rừng không lá?
Cá chi dưới biển không xương?
Trai nam nhơn giải đặng, thiếp xin kết nghĩa tào khang với chàng.
-Cây xương rồng trên rừng không lá,
Con sứa dưới biển là cá không xương.
Anh đà đối đặng, em phải kết nghĩa cương thường với anh.
-Con chi trên rừng chỉ ăn không uống,
Con chi dưới ruộng có uống không ăn.
Trai nam nhơn giải đặng, dầu khó khăn em cũng chịu cùng.
-Con mọt trên rừng chỉ ăn không uống,
Con đỉa dưới ruộng có uống không ăn.
Trai nam nhơn giải đặng, chịu khó xin mời về.
_Anh đố em đếm hết sao trời,
Đây anh kết tóc, ở đời với em.
-Trên trời biết mấy muôn sao,
Biết dạ anh ở thế nào mà mong.
-Cái gì anh đổ vào bồ?
Cái gì róc vỏ, phơi khô, để dành?
Cái gì anh thả vào sanh?
Cái gì lắt lẻo trên cành tốt tươi?
Cái gì đi chín, về mười?
Cái gì sống đủ trên đời được tám trăm năm?
Cái gì chung chiếu chung chăn?
Cái gì chung bóng ông trăng trên trời?
-Lúa khô anh đổ vào bồ.
Cau già róc vỏ, phơi khô, để dành.
Con cá anh thả vào sanh.
Bông hoa lắt lẻo trên cành tốt tươi.
Mặt trăng kia đi chín về mười.
Ông Bành Tổ sống đủ trên đời đủ tám trăm năm.
Vợ chồng chung chiếu chung chăn.
Đôi ta chung bóng ông trăng trên trời.
Anh đố em: cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
Cái gì sáng tỏ như sao trên trời?
Cái gì em trải anh ngồi?
Cái gì thơ thẩn, ra chơi vườn đào?
Cái gì mà sắc hơn dao?
Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
Cái gì trong trắng ngoài xanh?
Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng?
Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng?
Cái gì ăn phải, dạ càng tương tư?
Cái gì tháng đợi, năm chờ?
Cái gì em đội phất phơ trên đầu?
Cái gì sắc hơn dao cau?
Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
Cái gì mà đỏ hồng hồng?
Cái gì lòng tựa lòng sung như là?
Anh hỏi em, em giải được ra
Thì anh kết nghĩa giao hoà cùng em.
-Em giảng anh nghe: dưới đất thì thấp, trên trời thì cao.
Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời.
Chiếu hoa kia, em trải anh ngồi.
Con bướm kia hay thơ thẩn, ra chơi vườn đào.
Con mắt anh sắc như dao.
Trứng gà phơn phớt lòng đào, hỡi anh.
Quả đu đủ trong trắng, ngoài xanh.
Gương Tàu soi tỏ mặt em, mặt chàng.
Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, vàng.
Bùa yêu ăn phải, dạ càng tương tư.
Yêu nhau, tháng đợi năm chờ.
Cái nón em đội phất phơ trên đầu.
Con dao lá trúc sắc hơn dao cau.
Quả cau tiện chũm cho nhau ăn cùng.
Son Tàu má đỏ hồng hồng.
Lòng vả cũng giống lòng sung đó mà.
Anh hỏi em, em xin giảng ra.
Thế thì kết nghĩa giao hoà với nhau.
Thách thức kiến thức của người con trai bằng những câu thơ lục bát, người con gái đồng quê còn tăng độ khó của những câu đố bằng cách đòi hỏi người con trai phải vừa biết dùng phép đối vừa chứng tỏ sự hiểu biết về văn hoá bình dân:
-Bánh cả mâm răng gọi là bánh ít,
Trầu cả chợ răng gọi là trầu không?
Trai nam nhi đối đặng thì làm chồng nữ nhi.
-Con cá chưa tra răng gọi là cá móm,
Con cá nằm giữa chợ răng gọi là cá thu?
Nam nhi đà đối đặng, nàng phải làm du [dâu] suốt đời!
Không những người con gái đòi hỏi người con trai phải biết sử dụng phép đối, thông hiểu ngôn ngữ bình dân, mà còn phải biết nói lái trong câu đối:
-Con cá đối nằm trên cối đá,
Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo.
Anh mà đối đặng, dầu khó nghèo em cũng theo.
-Con mỏ kiến nằm trên miếng cỏ,
Con vàng lông đáp giữa vòng lang.
Nay anh đối đặng, xin nàng theo anh.
Anh bứt cỏ ngựa ngồi đầu cửa ngọ [ngõ],
Kẻ bắn con nây [nai] ngồi cội cây non.
Chàng mà đối được, thiếp trao tròn một quan.
-Con cá đối nằm trên cối đá,
Con mèo cụt nằm trên mút kèo.
Trai thanh tân đã đối được, tiền cheo mô nà?
Thách thức những hiểu biết thường thức chưa đủ, người con gái còn thách thức sự thông minh và kiến thức của người con trai về lãnh vực đạo đức:
-“Quân, sư, phụ, tam cang giả”
Qua chiếc đò đầy, sóng ngã cứu ai?
Thiếp hỏi chàng phân ra cho rõ, hai chữ sắc tài thiếp trao.
_Thần hồn bất phụ thể,
Bình địa nổi phong ba,
Vớ đụng ai cứu nấy, về nhà thì hay.
_Tiếng anh ăn học bên Tàu,
Chị dâu té giếng, nắm chỗ nào kéo lên?
Nắm trên đầu thì sợ Trời trên,
Thò tay nắm áo kéo lên tức thì.
_Tiếng anh ăn học cựu trào,
Chị dâu té giếng, anh biết chỗ nào kéo lên?
_Nắm đầu chị, sợ tội Trời,
Nắm ngay khúc giữa lại sợ lỗi thế gian.
Giếng sâu anh phải thông thang,
Kéo chị dâu lên được kẻo chết oan linh hồn.
_Thiếp đố chàng hai chữ chi mà bỏ xuống đất,
Hai chữ chi mà cất lên tra,
Hai chữ chi mà phượng tha không nổi,
Hai chữ chi mà gió thổi không bay.
Trai nam nhi mà đối đặng, thiếp đây theo cùng.
_Hai chữ tiền tài, anh bỏ xuống đất,
Hai chữ nhân nghĩa, anh cất lên tra,
Hai chữ nhớ thương, phượng tha không nổi,
Chữ tình, chữ hiếu, gió thổi không bay,
Trai nam nhi anh đà đối đặng, gái em rày tính răng [sao] đây?
Tiêu chuẩn yêu đương của người đàn bà dân dã là đạo đức, nhân nghĩa, và có ăn học3.
Tìm vàng, tìm bạc dễ tìm,
Tìm câu nhân nghĩa khó tìm bạn ơi!
Tìm câu nhân nghĩa khó tìm bạn ơi!
Chả tham ruộng cả, ao liền;
Tham về cái bút, cái nghiên anh đồ.
Tham về cái bút, cái nghiên anh đồ.
Do đó, trước khi đi sâu vào tình yêu, người con gái thôn dã còn muốn thách thức chữ nghĩa và sở học của người con trai:
_Nghe tin anh học Kinh Thi,
Ba ngang, ba sổ, chữ chi rứa chàng?
_Anh đây đọc sách thánh hiền,
Ba ngang, ba sổ chữ điền, em ơi!
_Thuý Kiều anh đã đọc làu,
Đố anh kể được một câu năm người.
_“Này chồng, này mẹ, này cha,
Này là em ruột, này là em dâu.”
_ Thuý Kiều anh học đã thông,
Đố anh kể được một dòng chữ nho.
_“Hồ công quyết kế thừa cơ,
Lễ tiên binh hậu, khắc kỳ tập công.”
_Thuý Kiều anh học đã làu,
Đố anh kể được một câu kết Kiều.
_“Trăm năm trong cõi người ta,
Mua vui cũng được một vài trống canh.”
Sau đó tình cảm mới được trao đổi ở mức độ sâu đậm hơn:
_Trời mở rộng phong quang,
Giả ơn trời mở rộng phong quang.
Em đánh tiếng thưa sang,
Đêm tàn canh vò võ,
Tay em cầm con bấc đỏ,
Mong bỏ đĩa dầu đầy,
Mời bạn ở lại đây,
Ròng rã tay bắt tay,
Đôi ta đã giở lời rày,
Tình đó với nghĩa đây,
_Giống như đọi nác [tô nước] đầy,
Bưng nhẩn nhẩn trên tay,
Không khuy sơ một hột,
Gió nỏ [không] triềng [nghiêng đổ] một hột,
Công đôi ta thề thốt,
Kể đã mấy niên rồi.
Lòng đã quyết lứa đôi,
Ngãi đã quyết thề bồi,
Nhất ngôn nói hẳn lời,
Đừng bốn chốn, ba nơi,
Đừng trăng gió chào mời.
Trăng nhiều trăng rạng rỡ,
Trăng nhiều đèn rạng rỡ.
Mặc dù phóng khoáng trong việc giao du, người con gái miệt quê thường chỉ biểu lộ tình cảm trai gái trong bối cảnh đám đông tụ họp để lo công việc đồng áng; bên trai, bên gái đối đáp, thách thức nhau như những hình thức giải trí cộng đồng. Và họ cũng đồng thuận về những giới hạn của những cuộc giải trí như thế:
Ai có chồng, nói chồng đừng sợ,
Ai có vợ, nói vợ đừng ghen.
Tới đây hò hát cho quen,
Rạng ngày, ai về nhà nấy, không há dễ ngọn đèn hai tim.
Trinh tiết cũng đã phần nào đi vào đời sống của người con gái nông thôn:
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ,
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
Mẫu đơn nở cạnh bờ ao,
Đôi ta trinh tiết đợi nhau suốt đời.
Anh đi buôn, em cũng đi buôn,
Em ngồi em nghĩ đầu truông một mình.
Anh đi ngang, nghiêng nón làm thinh.
Em kêu, em hỏi: Tâm tình bất biến,
Tương kiến nghiêm phong.
Em đây không phải lang dâm chạ,
Anh đừng đem dạ nghi nan.
Bút sa xuống giấy ngang hàng,
Em đây không phải trốn làng, bỏ đi.
Tuy nhiên, đời sống lao động của người dân thôn quê được phân chia đồng đều giữa mọi thành viên trong gia đình, nghĩa là lợi tức kinh tế gia đình do mọi thành viên trong gia đình mang lại, nên mang tính chất bình đẳng hơn những gia đình trung lưu ở thành thị mà ở đó người cha, chủ gia đình, là người cung cấp mọi phương tiện sinh sống cho cả gia đình và do đó cuộc sống của những thành viên khác trong gia đình đều phải phụ thuộc vào người cha. Bình đẳng trong lao động ở thôn quê đưa đến bình đẳng kinh tế và bình đẳng về cách ứng xử trong tương giao xã hội. Do đó, đàn bà, con gái thôn quê cảm thấy tự do, phóng khoáng trong việc biểu lộ và quyết định tình cảm yêu đương của mình và đặc biệt thường là người khởi xướng phát biểu cảm xúc của mình khi trai gái gặp nhau mà không cảm thấy bị trói buộc bởi những câu thúc, ràng buộc của luân lí Nho giáo như những thiếu nữ khuê các phần lớn ở thành thị hay gần thành thị. Sự tự do của họ còn vượt trội cả sự tự do của người đàn ông trong lãnh vực này như đã được chứng minh qua ca dao, tục ngữ.
Đi lại đằng sau thấy ba lu nước,
Đi ra đằng trước thấy bộ kỷ trà,
Thấy anh có một mẹ già,
Muốn vô phụng dưỡng biết mà được không?
Đất bờ sông lại lở xuống sông,
Con gái chào hỏi đàn ông thiệt gì!?
-Ngọn đèn treo bên Bắc,
Ngọn đèn tắt bên Tây,
Tai anh nghe em ở ngụ chốn này,
Trốn cha, trốn mẹ, anh tới đây kết nguyền.
-Ngọn đèn treo trước gió, ngọn đèn lờ,
Nghe lời anh nói, em mơ tưởng hoài.
_Gần nhà mà chẳng sang chơi,
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu.
_Bắc cầu, anh chẳng đi cầu,
Để tốn công thợ, để sầu lòng em.
Ghe anh mỏng ván, bóng láng nhẹ chèo,
Xin anh bớt mái, nương chèo đợi em.
Cái nón của chàng đẹp lắm chàng ơi!
Chàng cho thiếp mượn che trời nắng mưa.
Nón chàng thiếp đội cũng vừa,
Cái nón cũng đẹp, cái tua cũng giòn.
Ghe em rẽ vô ngọn, anh chẳng đón chẳng chờ,
Ghe anh tách bến, tách bờ, em buồn cho trăng mờ, sao lặn.
Mình lấy nhau chẳng đặng bởi bà mai lưỡi vắn, ít lời,
Mật đường dù chẳng đi đôi,
Chút hương rút lại, một đời chưa quên.
Nhà em công việc bời bời,
Dối thầy, dối mẹ, sang chơi với chàng.
Một ngày năm bảy bận sang,
Thiếp những trông chàng, chàng những trông ai?
Má hồng còn có khi phai,
Răng đen khi nhạt, liệu bài đôi ta.
Hai đường trung hiếu mẹ cha,
Có ai gánh đỡ hay là còn không?
Còn không thì để em chờ,
Hay là có chốn cậy nhờ thì thôi.
Cây vông bông gói chẳng đặng nem,
Tại anh chậm bước nên em có chồng.
Chỉ điều ai khéo vấn vương,
Mỗi người mỗi xứ mà thương nhau đời.
-Anh ngồi bờ cỏ xót xa,
Vô đây, em trải chiếu hoa cho ngồi.
-Chiếu hoa để cha mẹ ngồi,
Phận anh làm rể, không dám ngồi chiếu hoa.
-Anh ơi! Mời anh vô nhà,
Võng đào ra trước, chiếu hoa trải ngồi.
_Vào nhà, cũng muốn vào nhà,
Sợ ông nghiêm cấm, sợ bà cấm nghiêm.
_Cấm nghiêm, em đã thưa rồi,
Mời chàng công tử vào chơi, hát đàn.
Hoa thơm nở vắng trên đèo,
Kẻ chọc, người khoèo, chẳng đặng một bông.
Ớ người đứng giữa thinh không,
Tự nhiên mà gặp một bông hoa lài.
Bông hoa em yếm, yếm còn gài,
Em đây chưa bẻ cho ai một cành.
Thương anh, em bẻ cho anh,
Về nhà mẹ hỏi rằng nhành hoa đâu?
Dại chi em nói hoa nào,
Hoa nở giữa đàng, con bẻ con chơi.
Chơi hoa cho biết mùi hoa,
Cầm cân cho biết cân già cân non.
Mong sao anh biến ra tằm,
Em biến ra nống, ta nằm chung chơi.
Khi nào cho hợp hai hơi,
Nghiêng tai nói nhỏ đôi lời thuỷ chung.
Lạ lùng anh mới đến đây,
Em xin kể hết lời này cho nhanh.
Một mình vò võ bên thành,
Con chim loan phượng đỗ cành cheo leo.
Ví bằng anh có thương yêu,
Thời em không nói những điều xa xôi.
Mắc mối tơ, em quơ mối chỉ,
Thấy anh thuỳ mị, em thương huỷ thương hoài!
Anh ở xóm trong em ở xóm ngoài,
Biết làm sao cho khuy gài liền nút, nút gài liền khuy.
Lác đác lộc hồng,
Em chưa có chồng,
Lấy anh nương tựa.
Anh chưa có vợ,
Lấy em tựa nương,
Kẻo còn đi nhớ về thương.
Hoa thơm ong bướm đang mê,
Thương mình chưa phỉ dạ, sao nở về, bỏ tôi.
Một hai ba bốn, đừng về,
Dắt tay đứng lại, ngồi kề lưng em.
Nhác trông thấy bóng anh qua,
Hình dung chải chuốt thật là xinh sao!
Em mong thấy mặt em chào,
Vắng anh, em những khát khao đêm ngày.
Nhác trông lên mái tam quan,
Thấy người lịch sự, khôn ngoan có tài.
Cho nên em chả lấy ai,
Dốc lòng chờ đợi một hai lấy mình.
Nước chảy đá vẫn chưa mòn,
Ước gì kết ngãi nước non với chàng.
Ước gì tạc đá ghi vàng,
Ước gì em sánh với chàng từ đây.
Ước gì Nguyệt, Lão xe dây,
Xe cho mình đấy, ta đây một nhà.
Mời chàng quý khách vào chơi,
Dần dà rồi sẽ nói lời thuỷ chung.
Đêm khuya nguyệt lặn sao thanh,
Mình với tôi kết ngãi có thành hay không?
Mời chàng vào cửa vào nhà,
Dù ai có hỏi, nói là rể con.
Mời vào nhấp chén quỳnh tương,
Kê cà, nhút nhát ngoài đường làm chi.
Muốn cho sông cạn, đò đầy,
Muốn cho anh chung mẹ, chung thầy với em.
Muốn cho tôi vợ, người chồng,
Cho đẹp lòng thiếp, cho êm lòng chàng.
Dù ai cho bạc cho vàng,
Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay.
Dù ai có nhẫn đeo tay,
Chẳng bằng trông thấy mặt ngay bây giờ.
-Em như bánh lá bóc trần,
Có chi anh phải dò gần, dò xa.
Nhân duyên bởi tại trăng già,
Có nên thời nói “người ta” yên lòng.
-Được như lời ấy thì thôi,
Anh về giết lợn, đồ xôi, cưới liền.
Con chuồn chuồn bay ngang qua đám chợ,
Em hỏi anh rày có vợ hay chưa?
Hay anh còn ở vậy, sớm trưa với mẹ thầy.
Đêm hôm qua nằm chốn nhà ngang,
Rèm thưa gió lọt, dạ càng xót xa.
Em thương nhà anh không có đàn bà,
Phòng khi có khách ai hoà đỡ anh?
Anh cho em ghé lưng vào,
Phòng khi có khách, em chào đỡ anh.
Khách vào, đánh cá nấu canh,
Chanh kia, muối nọ, để dành chàng xơi.
Em bưng ra, cái miệng em cười,
Trước được lòng khách, sau vui lòng chàng.
Đêm qua trời sáng, trăng rằm,
Anh đi qua cửa, em nằm không yên.
Mê anh, chẳng phải mê tiền,
Thấy anh lịch sự, có duyên, dịu dàng.
Thấy anh, em những mơ màng,
Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng kết đôi.
Thấy anh, chưa kịp ngỏ lời,
Ai ngờ anh đã vội dời gót loan.
Thiếp tôi mê mẫn canh tàn,
Chiêm bao như thấy anh chàng ngồi bên.
Tỉnh ra lẳng lặng yên nhiên,
Tương tư, bệnh em nó phát liên miên cả ngày.
Ngỡ ngàng duyên nợ đó đây,
Xin chàng hãy lại chơi đây chút nào.
Cho thiếp tỏ thiệt mới nao!
Chuyến đò còn nhớ nhau thay,
Huống chi phận thiếp bấy lâu nay với chàng.
Cái ruộng năm sào,
Lúa chín sao anh chẳng gặt?
Em đi qua bờ, em ngắt một bông.
Biết bao giờ cho anh có vợ?
Biết bao giờ cho em có chồng?
Buồng không bỏ vắng, luống công em đợi chờ.
Cây tre non chẻ lựa, chàng ơi!
Thiếp phải lòng mặt chớ cười thiếp chi.
Dẫu ai thì cũng một thì,
Sớm hôm thấy mặt, hôm về nhớ thương.
Ruột tằm nên mới tơ vương,
Đã trót dan díu thì thương nhau cùng.
Anh còn son, em cũng còn son,
Ước gì ta được làm con một nhà.
Cây cao có lá tròn vo,
Cho em chung cậu, chung o với chàng.
Cái quạt mười tám cái nan,
Ở giữa phất giấy hai nan hai đầu.
Quạt này em để che đầu,
Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này.
Ước gì chung mẹ, chung thầy,
Để em giữ cái quạt này làm thân.
Rồi ta chung gối, chung chăn.
Chung quần, chung áo, chung khăn đội đầu.
Nằm thời chung cái giường Tàu,
Dậy thời chung cả hộp trầu, ống vôi.
Ăn cơm chung cả một nồi,
Gội đầu chung cả dầu hồi, nước hoa.
Chải đầu chung cái lược ngà,
Soi gương chung cả nhành hoa giắt đầu.
Em là con gái chợ Cơ,
Hái rau lú bú, ngẩn ngơ bên đường.
Ví dù anh có lòng thương,
Mời anh về đất bãi, em muối dưa càng anh xơi.
Em là con gái kẻ Ngâu,
Em đi buôn chỉ dãi dầu sớm hôm.
Cái khăn vuông thâm, nửa đội, nửa cầm,
Khăn đội rơi mất, khăn thâm lập lờ.
Anh ơi! Nhặt giúp em nhờ,
Công anh nhặt giúp bao giờ cho quên.
Anh quên, em chẳng cho quên,
Anh nhớ, em nhớ mới nên vợ chồng.
Chàng ơi! Cho thiếp làm quen,
Thiếp đang lơ lửng như búp hoa sen giữa hồ.
Chiều chiều bướm đậu vườn hoa,
Có cho bướm đậu hay lùa bướm đi?
-Bướm đậu, ai dám lùa đi,
Vườn hoa thêm đẹp, người thì có đôi.
Cây vông đồng, không trồng mà mọc,
Gái đất này, chưa chọc mà theo.
Anh về cho em về theo,
Bác mẹ có đánh, ta leo lên giàn.
Cây cao mấy trượng cũng trèo,
Đường xa mấy dặm cũng theo anh về.
Cầm chàng ở lại đề bài,
Cuộc đương vui thú ai hoài về đi.
Cầm đàn gảy khúc cầu hoàng,
Thiếp xin gõ nhịp cho chàng lựa dây.
Anh thương em, chỉ nói bên ngoài,
Sao mà không nói tận tai mẹ, thầy.
Anh về, dặn thiệt đó nha,
Túi [tối] mai răng [sao] cũng lại nhà em chơi.
Anh về hỏi mẹ cùng thầy,
Có cho làm rể bên này hay không?
Anh về thưa với mẹ thầy,
May chăn cho rộng, ta thì đắp chung.
Cây xanh đang đứng giữa trời,
Tôi khuyên quan họ, nghỉ lại, đêm mai sẽ về.
Một là nên thiếp, nên thê,
Nên chăn nên gối, đi về có nhau.
Ai làm cho áo lìa bâu,
Cho cau lìa mấu, đường đà phân hai.
Ai làm cho dở dang ai,
Kìa như nhan sắc đứng ngoài trời mưa.
Năm thức rau, tôi nấu năm nồi,
Tôi đơm năm bát, đợi người đằng xa.
Năm trống canh, tôi ngủ có ba,
Còn hai canh nữa, tôi ra trông trời.
Trách ông trời sao sớm dựng đông,
Chẳng khuya chút nữa cho lòng thở than.
Thở than chưa kịp hết lời,
Bỗng đâu trống giục ba hồi than canh.
Bây giờ nguyệt lạc, ô đề,
Sương phi, mãn tuyết, anh về kẻo khuya.
Ăn dừa ngồi gốc cây dừa,
Cho em ngồi với, cho vừa một đôi.
_Bây giờ mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
_Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.
Ăn chơi cho hết tháng Hai,
Để làm đông đám cho trai dọn đình.
Trong thời trống đánh dập dình,
Ngoài thời trai gái tự tình cùng nhau.
Anh kia đi ô cánh dơi,
Để em làm cỏ, mồ hôi ướt đầm.
Có phải đạo vợ, nghĩa chồng,
Thì đem ô xuống cánh đồng mà che.
Anh kia lịch sự đi đàng,
Mời anh hãy ghé vào hàng nghỉ ngơi.
Tay nâng chén rượu toan xơi,
Tay gạt nước mắt: Thiếp ơi, chàng về!
-Chàng về, thiếp cũng như mê,
Thiếp ở, chàng về, chàng nghĩ làm sao?
Đôi bên đông liễu, tây đào,
Dạ sầu ngao ngán, làm sao bây giờ!
Anh ngồi xuống đây cho em phân trần sau trước,
Ngày xưa sông Ngân, Ô Thước không bắc được cầu ngang.
Ví dầu duyên nợ cách trở đôi đàng, cầu cho anh sớm thành đôi bạn.
Em có trổ nhuỵ vàng cũng cam tâm.
Biết rằng dạ có vấn vương,
Để tôi cậy mối, tìm đường sang chơi.
Anh ơi! Đi lại cho dày,
Thầy mẹ không gả, em bày mưu cho.
Anh có muốn gần, em vẽ chước cho,
Cầm buồng cau, chai rượu, anh giả đò đến chơi.
Anh chơi hoa mà chẳng biết hoa,
Anh hái không đúng lúc để vườn ba [hoa] chóng tàn.
Anh như táo rụng sân đình,
Em như gái rở đi rình của chua.
Gió vàng hiu hắt đêm thanh,
Đường xa, dặm vắng, xin anh đừng về.
Mảnh trăng đã trót lời thề,
Làm chi để gánh nặng nề riêng ai.
Nước trong, nước chảy quanh chùa,
Không yêu, ta cũng bỏ bùa cho yêu.
Con gái mười bảy mười ba,
Đêm nằm với mẹ khóc la đòi chồng.
Mẹ đập một cái nơi mông,
-Không nằm mà ngủ, chồng chồng chi mi.
-Ranh càng nó bắt mẹ đi,
Khi xưa mẹ nhỏ, cũng thì giống con.
Chàng về thiếp cũng đi theo,
Mẹ chàng đóng cửa, thiếp leo xà nhà.
Trong văn hoá Việt, trầu cau được dùng vào những dịp cưới, hỏi. Ăn một miếng trầu của người con gái thường có ý nghĩa là chấp nhận tình cảm của người mình yêu thích trên đường đi đến hôn nhân. Cho nên, người con gái thường dùng trầu cau để biểu lộ tình yêu và ý muốn được trở thành vợ chồng với người con trai:
Anh về cuốc đất trồng cau,
Cho em trồng ké dây trầu một bên.
Mai sau, trầu nọ lớn lên,
Cau kia ra trái làm nên cửa nhà.
Ôi anh đi cái ô vàng,
Có trầu xin miếng, hỡi chàng đi ô.
Trầu xanh, cau trắng, chay vàng,
Cau trầu bịt bạc, thiếp mời chàng ăn chung.
Trầu em, trầu quế vừa vôi,
Anh ăn một miếng kết đôi vợ chồng.
Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng,
Khác gì như thể phượng hoàng gặp nhau.
Tiện đây ăn một miếng trầu,
Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là?
Xin chàng quá bước vào nhà,
Trước là hỏi chuyện, sau là nghỉ chân.
Tiện đây đưa một miếng trầu,
Chẳng ăn, cầm lấy cho nhau bằng lòng.
Hai ta cùng xóm cùng làng,
Cùng chung bác mẹ, họ hàng đông vui.
Miếng trầu nên nghĩa, chàng ơi!
Chàng mà ưng thuận, thiếp tôi theo cùng.
Trầu đà có đây, cau đà có đây,
Nhân duyên chửa định trầu này ai ăn.
Trầu này, trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu giải yếm, anh ăn trầu nào?
Trầu này thực của em têm,
Trầu phú, trầu quý, trầu nên vợ chồng.
Trầu này bọc khăn tơ hồng,
Trầu này kế nghĩa loan phòng từ đây.
Trầu này, trầu quế, trầu hồi,
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình.
Trầu này, trầu tính, trầu tình,
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình lấy ta.
Trầu này têm tối hôm qua.
Giấu cha, giấu mẹ, đem ra cho chàng.
Trầu này không phải trầu hàng,
Không bùa, không thuốc, sao chàng không ăn?
Hay là chê khó, chê khăn,
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu.
Có trầu mà chẳng có vôi,
Có anh mà chẳng có tôi cũng buồn.
Đấy đây xin tạc chữ đồng,
Để cho mai cúc chung bồn tốt xanh.
Trầu này không phải trầu hàng,
Anh ăn một miếng, tình càng thắm say.
Tối qua trăng sáng tờ mờ,
Em đi gánh nước vô tình gặp anh.
Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Giữa đệm cánh cát, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn, dù lạt, dù cay dù nồng.
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi dăm ba miếng cho lòng nhớ thương.
Vào vườn hái quả cau non,
Bổ ra làm tám, mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Giữa đệm cánh cát, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn, dù lạt, dù cay dù nồng.
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi dăm ba miếng cho lòng nhớ thương.
Vào vườn hai quả cau xanh,
Bổ ra làm tám, chiềng anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Ở giữa độn quế, đuôi đầu thơm cay.
Chiềng anh xơi miếng trầu này,
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng.
Dù chẳng nên vợ, nên chồng,
Thì anh cũng biết tấm lòng cho em.
Vào vườn hai quả cau xanh,
Bổ ra làm tám, chiềng anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Ở giữa độn quế, đuôi đầu thơm cay.
Chiềng anh xơi miếng trầu này,
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng.
Dù chẳng nên vợ, nên chồng,
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.
Cầm lược thì nhớ đến gương,
Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.
Vào vườn, trẩy quả cau non,
Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên.
Hai má có hai đồng tiền,
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa.
-Anh đã có vợ con chưa,
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào?
Mẹ già anh để nơi nao?
Để em tìm vào, hầu hạ thay anh.
Chả tham nhà ngói rung rinh,
Tham về một nỗi anh xinh miệng cười.
Miệng cười anh đáng mấy mươi,
Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm.
Anh về têm một trăm miếng trầu cho tinh tuyết,
Bỏ vào khay thiếc, hộp xà cừ,
Để em thưa với thầy mẹ gã em chừ cho anh.
Một mừng ăn một miếng trầu,
Hai mừng ta gặp nhau đây tự tình.
Ba mừng tài sắc đều xinh,
Bốn mừng bác mẹ sinh thành đẹp đôi.
Năm mừng hẹn ước một lời,
Sáu mừng duyên phận bởi Trời xui nên.
Bảy mừng gặp được bạn hiền,
Tám mừng giãi tấm lòng nguyền thuỷ chung.
Chín mừng tài tử anh hùng,
Mười mừng ta ở cùng chung một nhà.
Mừng chàng, mừng thực mừng thà,
Em nay tri kỷ, không là mừng chơi.
Xin chàng mừng lại cho tôi bằng lòng.
Ăn trầu người như chim mắc nhợ,
Uống rượu người như cá mắc câu.
Thương em chẳng nói khi đầu,
Để cho bác mẹ ăn trầu khác nơi.
Đau lòng em lắm, anh ơi!
Riêng em cứ quyết đợi người đấy thôi.
Sông kia khi lở khi bồi,
Thương anh, lúc đứng lúc ngồi cũng thương.
Mô thức gia đình đậm tính tự do và bình đẳng của vùng nông thôn tồn tại ít nhất cũng đến thời chính phủ CSVN đưa ra chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (sau 1985) mà một trong những hậu quả là việc thu mua đất đai của nông dân: mua với giá rẻ mạt, bán lại với giá cao gấp ngàn lần cho những nhà đầu tư bất động sản, làm đảo lộn đời sống nông dân. Đất canh tác bị thu hẹp. Công việc đồng áng hiện nay phần nào được cơ giới hoá, giảm thiểu số lao công, nhất là đối với phụ nữ. Đàn ông tràn về thành thị để kiếm công ăn việc làm trong các công xưởng mới thành lập, hoặc tìm cách ra nước ngoài lao động. Phụ nữ không có việc làm trở thành những miếng mồi ngon cho những bọn buôn người hứa hẹn công việc làm tốt hay làm vợ người ngoại quốc có tiền của, nhưng thực sự chỉ lường gạt họ làm làm vợ những ông già tàn tật ở nước ngoài hay làm gái giang hồ ở Trung Cộng, Đài Loan, Nam Hàn. Dân số vùng thôn quê trước 1975 chiếm khoảng 85% đến 90%, nay chỉ còn lại khoảng 60%, chủ yếu là do hiện tượng thu mua đất đai và đô thị hoá.
Không biết ngày nay, có còn những toán nông dân trai gái hò giả gạo, hát xoan, hát quan họ, hát trống quân, những cô lái đò hò mái nhì qua giọng Nam ai Nam bình là những dịp vui chơi, giải trí để trai gái đồng quê vừa làm việc vừa tự do trao đổi tình cảm yêu đương hay không. Nhưng văn học bình dân đã để lại dấu ấn của tự do và bình đẳng qua sự kiện con gái thôn dã thoải mái trao đổi tình cảm với con trai và hiện tượng này có thể làm nền tảng cho một xã hội tự do và dân chủ.
Nguyễn Văn Thái
North Wales, Pennsylvania,
Ngày 31 tháng 12, 2022
______________________________________
Chú thích
2https://www.academia.edu/10330721/Dặng_Xuan_Bảng_va_giao_dục_phụ_nữ_qua_Gia_huấn_ca_va_Huấn_nữ_tử
3 Nguyễn Văn Thái, “Tiêu chuẩn Yêu đương của Người Đàn bà qua Thi ca Bình dân”, Philadelphia, Ngày 3 Tháng 9 năm 2019.
Nguồn: https://langhue.org/index.php/van-hoc/but-ky,-but-luan,-dich-thuat/22084-tieu-luan-ban-chat-nguoi-dan-ba-dan-da-qua-quan-niem-lua-doi-nguyen-van-thai.html