User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Quang Dung

Nhà thơ Quang Dũng. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Đọc một số bài viết về nhà thơ Quang Dũng, nhất là bài viết của những người có quen biết ông, hay từng gặp ông, người ta thấy một chi tiết thường được nhắc đến: những bài thơ chép tay của thi sĩ. Nhiều bài viết kể rằng đi đến đâu gặp bạn thi sĩ cũng có thể chép ngay cho bạn một bài thơ, sở dĩ như thế là từ khi làm bài Tây Tiến, sau ngày trung đoàn Thủ Đô đã rút khỏi Hà Nội sau kháng chiến bùng nổ 19 Tháng Mười Hai, 1946, bài thơ đã được truyền tụng, được ngâm được đọc, được lưu truyền rộng rãi khắp nơi. Nên một khi gặp được thi sĩ, là dịp người ta đọc người ta ngâm, và Quang Dũng lại chép cho người này, đọc cho người kia nghe thơ của mình. Không hẳn thi sĩ thuộc hết thơ mình, chắc là không, nhưng thơ ở trong túi ông, trong túi ông có một cuốn sổ chép thơ.

Hầu như lúc nào ông cũng có một cuốn sổ tay trong người. Ở đây, ở kia, ông làm thơ, chép thơ trong cuốn sổ tay ấy. Ngoài thơ ra, ông còn vẽ. Quang Dũng vẽ đẹp. Thế và, đi đây đi đó, gặp những nơi thích ý, những người mến mộ, ông thường để lại một vài bài thơ. Có khi vài, có khi chỉ một… Kèm đây là một bài thơ do chính Quang Dũng chép tay.

Thế mà ông đã từng nhóm lửa đốt thơ mình, đốt những cuốn sổ tay ấy. Quang Dũng vừa nổi lửa, thì từ ngoài sân ngửi thấy mùi giấy khét, người bạn thân chạy vào, kịp lấy ấm nước sắp sôi dội tắt. Vài phút trước đó, Quang Dũng đã nói với bạn: “Đã có thằng thất sở tan đời về mấy bài thơ trong sổ tay đấy thôi!” (Theo nhật ký của bác sĩ trung đoàn Tây Tiến viết về Quang Dũng) (1) Tại miền Bắc, trước khi có kế hoạch cởi trói, đổi mới năm 1987, Quang Dũng còn sợ hãi khi có người nói đến thơ mình, đã thế càng có ít người muốn giữ thơ ông, trừ một hai bạn thân. Những người Hà Nội từng ngạc nhiên khi thấy miền Nam yêu thơ Quang Dũng, và nhiều thơ Quang Dũng. Đây là một chuyện khác thường, người viết cũng chỉ còn nhớ rất mơ hồ…

Cuối năm 1973 tại Chợ Lớn tôi xuất bản nguyệt san Thời Tập, chủ trương mỗi số một chủ đề. Tháng Giêng, 1975, chủ đề là Quang Dũng. Chủ đề được loan báo trước, nên một hôm, có người ghé tòa soạn, ở số 51/51B đường Nguyễn Trãi, lúc ấy tôi không có mặt, nên người khách trao lại cho tòa báo một xấp tài liệu, với dòng chữ lưu ý: “Những bài thơ chưa từng phổ biến của Quang Dũng.” Bài viết ký tên LHT, một cái tên xa lạ thời đó, và cho tới cả bây giờ, nhưng sau tôi được biết, đó là bút hiệu tạm của ông Lê Khải Trạch, bạn thân của Quang Dũng thời kháng chiến… (Sau 1975 một thời gian rất ngắn, ông Lê Khải Trạch bị công an tới tận nhà ở đường Bùi Thị Xuân gần nhà thờ Huyện Sĩ bắt đi và mất tích từ đó. Gia đình cụ Lê trong có anh Lê Khải Hải tôi gặp ở quận Cam, California Hoa Kỳ, cho biết họ Lê đã chọn ngày cụ bị bắt đi làm ngày giỗ).

Bút tự Quang Dũng chép một bài thơ. (Tài liệu riêng của Viên Linh do cô PT, con gái Quang Dũng, gửi cho)
Bút tự Quang Dũng chép một bài thơ. (Tài liệu riêng của Viên Linh do cô PT, con gái Quang Dũng, gửi cho)

Chúng ta chưa biết thật xác thực những gì đã xảy ra cho Quang Dũng từ 1945 đến khi ông bị giải ngũ, 1951. Có suy luận hợp lý rằng Thơ Quang Dũng được ngưỡng mộ truyền đọc, ông trở thành một cấp chỉ huy quân sự được đồng ngũ yêu, mà lại không phải là đảng viên, nên ông phải bị giải ngũ, lúc đang là đại đội trưởng trong trung đoàn Tây Tiến. Có sĩ quan đại đội trưởng nào bị giải ngũ vào tuổi 30? Ngoài Quang Dũng? Hay chính vì đại đội trưởng đó là tác giả bài Tây Tiến, một bài thơ thuộc dòng hùng sử thi khích động lòng yêu nước cao nhất, hiệu quả nhất, trước mọi thi sĩ nòng cốt của guồng máy, tổ chức, trên mọi đảng viên, cán bộ. Cho nên, tất cả những gì thuộc về Quang Dũng phải bị dập tắt ngay. Quang Dũng bị giải ngũ.

Thời kỳ sau khi giải ngũ, Quang Dũng viết bài Tiễn Bạn để chia tay với người bạn (Lê Khải Trạch) dinh tê vào thành vào cuối năm 1952. Lúc ấy Quang Dũng đã biết số phận mình rồi, nhưng quyết định đi đến cùng:

Dẫu biết là vô vọng
Đã đem chơi cuộc đời,
Thì đi cho hết nước
Sống thử ít con người…
(Tiễn Bạn, Thời Tập, Tháng Giêng, 1975)

Điều này giải thích vì sao Quang Dũng thúc giục mẹ và chị vào Nam, và cả hai đã vào Sài Gòn năm 1954, mà ông và vợ con ở lại đất Bắc.

Mỗi giai đoạn một định mệnh, trong giai đoạn kháng chiến Quang Dũng gánh chịu định mệnh của sự đọa đầy, chối bỏ. Sự chối bỏ xảy ra ngay, sự đọa đầy xảy ra từ 1951 đến khi ông nhắm mắt, tổng cộng 38 năm. Chỉ nội sự nuôi thân mình, ông cũng không lo nổi. Các giai thoại về Quang Dũng, phần nhiều là giai thoại đói. Ông được qui định một khẩu phần nhất định:13kg rưỡi gạo một tháng. Ở Miền Bắc, đó là khẩu phần dành cho tù lao động. Quang Dũng không đến nỗi phải tự sát như hai thi sĩ cách mạng nổi tiếng thế giới của Liên Xô, thi sĩ xuất thân nông dân, được mệnh danh là “thi sĩ của quần chúng” Sergey Essenin (1895-1925), treo cổ chết trong một quán trọ; và Vladimir Mayakovsky (1893- 1930), kẻ hô hào cách mạng quá khích, đã tặng cho sự lầm lẫn của lòng tin của mình một viên đạn. Một mới 30, một mới 37. Quang Dũng lìa đời khi bụng đói. Hôm ấy là ngày 13.10.1988. Người viết này may mắn có bản sao một số trang của Sổ Tay Quang Dũng do cô giáo PT, con gái nhà thơ, từ Hà Nội gửi cho.

Và đây là bài thơ ngắn của Quang Dũng làm ở Vân Nam:

Trở rét

Gió bấc trở về tim bỗng lạnh
Ngoài kia mây nước khóc gì nhau?
Bỗng thương bỗng nhớ từ đâu lại?
Hồn lắng nghe im khúc nhạc sầu.
(Vân Nam, 1944, Bùi Đình Diệm (Quang Dũng. Tài liệu Viên Linh)

Tây tiến

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây tiến mùa Xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Phù Lưu Chanh, 1948

 Viên Linh

(1) Xem Phan Thanh Hoài, y sĩ Trung đoàn Tây Tiến trong bài viết “Hương Cố Nhân” đăng độc quyền trên Khởi Hành số 44 Tháng Sáu, 2000.

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com