User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

TDL 3

Viết về Hồ Đắc Ngọc mà không nói đến Trần Thị Loan là một thiếu sót bởi vì Loan chính là “hậu phương lớn “của bạn mình. Cô người Cầu Hai,Nước Ngọt. Môt cô giáo thông minh và bản lĩnh lạ thường. Rất nhan sắc về hai khía cạnh: thân xác và tâm hồn. Vì yêu Ngọc mà hi sinh tất cả. Qua ngày tháng cưu mang Ngọc ở Đà Nẵng cô ấy không biết bằng cách nào mà dắt Ngọc qua thấu Mỹ. Được một thời gian vì Ngọc lúc nào cũng “quốc tế” nên họ chia tay nhau. Sau đó Loan sống với Phạm Công Thiện.Họ có một đứa con riêng rồi cũng ok bye tác giả Ngày Sinh Của Rắn này. Một mình đơn thân nuôi con ăn học thành tài và cháu ấy đã thành luật sư. Lần lượt Loan đưa cả gia đình gần 20 người ở VN quá xứ Cờ Hoa. Mấy năm trước Loan có về VN gặp cả Hoàng Đặng và tôi. Nghe cô ấy nói là làm trong một công ty hàng không của Mỹ. Tôi thật bái phục.


Người thứ 4 là Vô Ưu. Vô ưu xuất hiện trên Bách Khoa với những truyện ngắn hay và lạ. Là cây bút trẻ của Đà Nẵng hồi đó. Do yêu thích văn chương mà tôi và Vô ưu quen biết nhau. Vô Ưu học cùng lớp với Lê Thị Ngọc Quý. Là hai hoa khôi của trường Phan Chu Trinh. Từ đó chúng tôi luôn trao đổi với nhau mọi vấn đề, nhất là vấn đề thanh niên trước thời cuộc. Cùng có chung suy nghĩ để cùng sáng tác. Như là anh em thân thiết nên chẳng bao giờ che giấu nhau điều gì. Năm 1973 tôi vào SG. Dần dà Vô Ưu cũng vào SG học đại học. Sợi dây liên hệ vẫn được kết nối. Năm 1974 sắp giải ngủ tôi về phụ giúp lo tờ Văn Học cùng anh chị Phan Kim Thịnh và Lê Vĩnh Thọ. Sang năm 1975. Số Văn Học đang in nửa chừng giới thiệu Vô Ưu với bạn đọc thì biến cố xảy ra. Thật tiếc là tờ báo in chưa xong để thấy cái tâm của tạp chí Văn Học và bài giới thiệu của tôi về Vô Ưu. Bẵng đi một thời gian vì kế sinh nhai tôi không còn gặp được Vô Ưu.
Đến năm 1995, khi xuất bản tập thơ đầu tay Hát Dạo Bên trời tôi đến báo Tuổi Trẻ kiếm Vô Ưu để tặng. Không gặp, tôi đành gửi lại cho tòa soạn. Hôm sau đọc báo Tuổi Trẻ số 106/95 ra ngày 9.9.1995 trang Văn Hóa Nghệ Thuật thấy bài của Vô Ưu( Ngô Thị Kim Cúc) với tựa VỚI THƠ ANH KHÔNG LỖI HẸN. Tôi đọc liền một mạch và rưng rưng cảm động vì tình anh em ngày cũ vẫn chứa chan. Bài viết thật hay và sâu sắc. Chỉ có là người thấu hiểu tôi mới viết được như thế. Sau này do công việc của mỗi người không gặp được nhau nhưng vẫn biết tin và thăm hỏi nhau qua mạng FB. Cô vẫn là một Vô Ưu tài hoa và một Ngô Thị Kim Cúc có những bài viết trên báo mà bạn đọc ưa thích. Tôi mừng vì từ ấy đến giờ Vô Ưu vẫn là chính mình.

Người kế tiếp tôi muốn nói đến là Lý Văn Chương. Chương và Phạm Thị Lộc là cặp bài trùng trong phong trào du ca ở Đà Nẵng mà hai người đầu đàn là anh Trần Đình Quân và Tôn Thất Lan. Không có buổi nào Lý văn Chương và Phạm Thị Lộc hát mà thiếu tôi. Là một người trẻ tuổi say mê ca nhạc đến lạ kỳ.Chính niềm say mê đó đã khiến Chương sáng tác lúc chưa bước chân vào đại học. Lúc đó Chương phổ thơ tôi rồi. Hai bài mà tôi thích là Tình Ca Ngày Về và Đưa Người Đi ( do Ẩn Lan -Phạm Thị Lộc hát ) Sau này qua Mỹ Chương phổ thơ tôi thêm mấy bài. Nhưng tôi ưa nhất là bài Đêm Mưa Nghe Tiếng Đàn Bầu. Gần 30 năm xa quê hương. Có dạo Chương về thăm VN đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Gặp bạn bè, người thân cũ Chương vui quá nên uống suốt ngày dù đang bệnh tiểu đường. Khi về Mỹ Chương qua đời ở tuổi trên 40. Tương lai của Chương khép lại thiên thu. Nếu còn sống chắc Chương còn làm được nhiều việc và sáng tác nhạc sẽ thăng hoa.
Nói đến Lý Văn Chương là phải nhắc đến Phạm Thị Lộc bởi hai người này như hình với bóng từa tựa như nhạc Trịnh Công Sơn phải có Khánh Ly hát vậy. Lộc gốc An Cựu nhưng theo gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. Khi Chương đi rồi cô tiếp tục học lấy cử nhân thanh nhạc để làm việc ở nhà văn hóa. Và đêm đêm, cô vẫn cất tiếng hát như con chim họa mi phải hót giữa trời xanh. Có lần về ĐN, gặp nhau kể chuyện xưa nay không ngớt. Cô cũng phổ thơ tôi mấy bài như Gửi Người Xa Huế, Gửi Người Năm Cũ. Lúc gặp nhau Phạm Thị Lộc đã tròm trèm 50. Vậy mà tiếng hát của cô còn trầm ấm và truyền cảm lạ lùng. Nếu người nghe mà không thấy dung nhan sẽ nghĩ cô còn rất thanh xuân trời ạ !


Một chuyện rất tức cười khi nhắc đến cô cháu Vũ Ngọc Giao ( con gái của Đoàn Huy Giao) xinh đẹp và cá tính. Là vậy: Hơn 3 năm trước, nghĩa là năm 2013 tôi có trang cá nhân FB. Người kết bạn với tôi cũng ngót nghét cả ngàn. Qua thời gian, tôi sàng lọc bớt vì thích những cmt văn chương chứ không thích đùa cợt…Trong số người đó có Vũ Ngọc Giao xin kết bạn mà tôi không Ok. Mấy tháng sau qua tin nhắn chat cô bé kêu tôi chảnh và khai là con gái của bố ĐHG. Tôi sửng người và nói với Giao: “Sao cháu không nói cho chú biết? Nếu nói sớm là chú ok cái rột.Cô bé cười nói là để chú bất ngờ chơi” Chú biết không, lúc còn nhỏ xíu bố Giao đã kể về chú và đọc thơ cho cháu nghe rồi( cũng có thể từ lúc còn trong bụng mẹ !) . Cuối năm 2013 tôi và cháu thỉnh thoảng trò chuyện qua FB hoặc điện thoại. Cháu động viên tôi: Cháu biết thím mất mấy năm rồi. Chú nên kiếm một người để hủ hỉ vì người xưa nói: Con chăm cha không bằng bà chăm ông “ con hiểu điều này nên muốn bố tục huyền cho đỡ hiu quạnh. Giao thấu đáo khi nói vậy với tôi. Nhưng tôi nói với cháu là con gái chú không được như cháu. Vả lại chú quen hiu quạnh rồi. Khi tôi gặp người tri kỷ, báo cho Giao hay cháu rất mừng. Năm 2015 tôi và tri kỷ của tôi về ĐN có hẹn gặp cháu Vũ Ngọc Giao.vCuộc gặp gỡ thật thú vị, sau cà phê Giao đãi tôi bữa bún chả cá Đà Nẵng ngon nhớ đời. Cô bé này trên FB rất cá tính. Hay đưa hình tự chụp mình rất nghệ thuật. Có những bài viết về bố mẹ cảm động. Cô bé thường trích thơ Nguyễn Đình Toàn. Chắc cô ấy quý tác giả này nhất (bởi chính tôi cũng thích thơ của anh ấy) Cũng có lúc tôi điện thoại để nhờ cháu “Gỡ rối tơ lòng” thay thế bà Tùng Long cơ đấy!

Viết đến đây sực nhớ họa sĩ Hoàng Đặng. Anh là người gốc Huế “thiên di” vào Đà Nẵng sống và vẽ. Họa sĩ không gặp thời thì sống được là may. Tôi quen Hoàng Đặng qua Hồ Đắc Ngọc. Anh không bươn chải như người khác nhưng sống cũng “phiêu “ tận cùng. Khi vẽ đam mê bừng cháy. Lúc nhậu cũng tận sáng. Giao du cũng nhiều. Anh có một xưởng vẽ bên Sơn Trà. Năm 2015 tôi về ngủ lại. Thế là chuyện đời, chuyện văn nghệ huyên thuyên. Tuy lận đận nhưng anh cũng có hai cuộc triễn lãm tranh ở nước ngoài. Một lần ở Ireland mà báo Thanh Niên ngày 19.8.2006 giới thiệu:” Để được cầm cọ vẽ, suốt 35 năm Hoàng Đặng lầm lũi làm đủ thứ công việc; thợ hồ, phụ lò bánh mì, dạy kèm, vẽ Pa-nô Xi-nê…Từng phải vào chùa trốn lính để thỏa mãn một đam mê duy nhất trong đời là hội họa.. Đó là chuyện đời, chuyện nghề của họa sĩ Hoàng Đặng, hội viên hội Mỹ Thuật Việt nam. Những ngày này, Hoàng Đặng đang ở Ireland, có lẽ anh là người đầu tiên được mời đến để vẽ và triển lãm tranh tại xứ sở hoa hồng. Và báo Đà Nẵng cuối tuần ra ngày 25.10.2009 chạy tít : TRIỂN LÃM TRANH CỦA HỌA SĨ HOÀNG ĐẶNG TẠI MỸ. Với chủ đề “ Phong Cảnh và Đời Sống VN “ từ ngày 18.10.2009 họa sĩ Hoàng Đặng đã lên đường sang Hoa Kỳ cùng 30 bức tranh với chất liệu sơn dầu và Arcrylic để khai mạc cuộc triển lãm theo lời mời của hai trường đại học St Benedict, St John. Sự thành công của anh cũng có cái giá của nó: Vượt qua gian nan đời sống và đốt hết đem mê của tâm hồn trên ngọn thời gian…
Khi nhắc nhở bạn bè ngoài Hồ Đắc Ngọc, anh thường nói đến Đỗ Toàn. Một nhà điêu khắc đáng quý với cái tâm mà trong giới văn nghệ gọi là Bồ Tát( cùng thời với điêu khắc gia Phạm Văn Hạng - một người rất nổi tiếng và sống đầy chất nghệ sĩ ). Khi vào SG, thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm bạn. Vẫn sống và làm việc không ngừng và cũng chẳng quên rong chơi.


Trái lại, họa sĩ Nguyễn Duy Ninh mỗi ngày một đẹp ra và sống hạnh phúc với vợ conđầm ấm. Anh có những cuộc triển lãm thành công.Tạp chí Sông Hương đã viết về anh: Họa sĩ Duy Ninh là một trong những gương mặt điển hình, thuộc thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975. Suốt nhiều năm qua, Duy Ninh đã có những đóng góp sáng tạo không mệt mỏi, qua nhiều thể loại: sơn dầu, lụa, khắc gỗ…Thế nhưng, đến hiện nay, nhắc đến họa sĩ Duy Ninh, dường như nhiều người nghĩ ngay cái tên anh gắn liền với thể loại thủ ấn họa (monoprint). Bởi đây cũng chính là thể loại mà anh tâm đắc nhất, như có lần anh từng bộc bạch: “Với thể loại này, người nghệ sĩ có thể bày tỏ trên tranh những suy nghĩ sâu kín nhất, hoặc cũng có thể là những ý tưởng bất chợt. Cái hay của thể loại này là sự ngẫu nhiên mà người xem cảm nhận được lại chính là điều tác giả đã sắp xếp trước”. Với Duy Ninh, hẳn lĩnh vực này là một trò chơi lý thú của người khéo tay, vừa là tâm huyết của một họa sĩ trên con đường tìm kiếm tiếng nói của riêng mình. Tranh của anh thường thể hiện qua nhiều đề tài dàn trải phong phú, từ cụ thể… đến trừu tượng, bằng các chất liệu màu dầu, sơn ta, phấn tiên, thuốc nước… trên giấy trắng, giấy dó. Có thể nói, mọi ưu thế phóng túng trong việc sử dụng chất liệu cho thủ ấn họa đã được Duy Ninh khai thác một cách triệt để và hiệu quả.
Năm 1991, Duy Ninh có cuộc Triển lãm cá nhân tại Sài Gòn. Đây cũng là lần đâu tiên Duy Ninh đã đem đến với công chúng một cái nhìn khá đầy đủ về nghệ thuật Thủ ấn họa của mình. Với 51 tác phẩm mang nặng những nội dung suy niệm sâu lắng về những thân phận, những mảnh đời giữa trần gian đầy bất trắc…đã khiến đông đảo người thưởng ngoạn và giới chuyên môn đánh giá cao. Cũng chính dịp này, chương trình nghệ thuật Đông dương (Indochina Art Project) của Hoa Kỳ, do David Thomas đại diện, đã chọn của Duy Ninh 7 tranh (trong tổng số 45 tranh được chọn tại Việt Nam) để trưng bày tại cuộc triển lãm chủ đề Two peoples – One land (Hai dân tộc – Một miền đất) ở Mỹ vào năm 1992…..Tính tình Nguyễn Duy Ninh lại hiền hòa dễ mến. Trước 75 là khóa khăn xanh Thủ Đức. Tôi khóa khăn tím ( khóa huynh trưởng). Hồi ấy học thì ít mà chơi thì nhiều. Buổi chiều gần chạng vạng là tôi, Nguyễn Duy Ninh, Lê Công Đào, Nguyễn Minh Nữu thường kéo nhau lên đồi Tăng Nhơn Phú hát nhạc, đọc thơ cho nhau nghe. Năm 2015 tôi về thăm. Nguyễn Duy Ninh hú gọi bạn bè. Thế là các bạn Lê Công Đào, Hoàng Đặng, Trần Trung Sáng “e” tôi mấy bữa, cà phê, nhậu khắp Đà Nẵng. Bây giờ khi nghe ai nói về ĐN lại nhớ…


Đang viết tự nhiên nhớ đến Hoàng Đăng Nhuận. Một người không học trường lớp nào về Mỹ Thuật lại rất nổi tiếng như sóng lừng do lòng đam mê hội họa ngời ngời. Trước 75 tôi hay lên chơi chỗ họa sĩ Lê Văn Tài ở đường Trần Hưng Đạo Huế. Gặp và quen Hoàng Đăng Nhuận từ đó. Sau năm 1968 anh vào Đà Nẵng sinh sống và làm việc. Nhưng nghiệp hội họa vẫn là chính. Anh có mấy xưởng vẽ nhưng một xưởng vẽ ở Thanh Bồ là ấn tượng với tôi nhất. Lâu lâu anh rủ tôi về đó ngủ lại. Hoàng Đăng Nhuận như một kiếm sĩ trên khung vải và màu. Anh mệt mài không kể giờ giấc đêm ngày. Khu biển có rừng cây và gió hú ở Thanh Bồ có lúc khiến tôi rợn người. Nhưng với anh là bất sá và hiện hình cung cách của một đạo sĩ. Cũng chính nỗ lực nội tại cộng thêm thiên phú anh đã bước vào vườn địa đàng của hội họa 
HỌA SĨ HOÀNG ĐĂNG NHUẬN: GIẤC MƠ TRÀN NGẬP SẮC MÀU
Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 10.10.2015 có giới thiệu như sau:

Nhiều người sinh ra trong khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX nói Hoàng Đăng Nhuận vì mê vẽ tranh mà bỏ nghề thợ vàng, lang thang theo người bạn họa sĩ là Lê Văn Tài để học vẽ từ cuối thập niên 60.
Câu chuyện Hoàng Đăng Nhuận trở thành họa sĩ nổi tiếng cũng có nhiều ẩn khuất được truyền miệng từ các thế hệ cùng thời ông. Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận xét: “Mê thế giới của giá vẽ và màu sắc, nên thời còn rất trẻ, trước năm 1968, Nhuận rời gia đình và sống trong cảnh phiêu lãng với họa sĩ Lê Văn Tài ở Huế, rồi khi Lê Văn Tài trở thành người lính của Mặt trận Giải phóng, đi lên rừng, rồi đi ra miền Bắc, thì Hoàng Đăng Nhuận đã trở thành họa sĩ lúc nào mà cũng chẳng hay. Tự học vẽ, không vào trường Mỹ thuật, vậy mà bước đầu triển lãm thì lại bày tranh với hai họa sĩ rất danh tiếng thời bấy giờ là Đinh Cường và Rừng”.
Tranh của anh triển lãm nhiều nơi và được Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam sưu tập. Sau năm nhiều năm giang hồ, Hoàng Đăng Nhuận cũng đã quay về Huế để sống và vẽ. Cơn tai biến đã khiến anh ngưng vẽ mấy năm. Nghe đâu bây giờ anh đã dần phục hồi sức khỏe và cầm cọ trở lại. Năm 2015 tôi về Huế có ghé thăm. Lúc ấy anh nằm trên giường mừng vui khi thấy lại bạn cũ nhưng đọc trong mắt anh tôi biết anh rất buồn…khi phải tạm ngưng cuộc hôn phối với hội họa.


Thêm một người hiện rõ trong hồi ức tôi: Anh Luân Hoán. Từ thập niên 60 anh đã nổi tiếng và là một người mà tạp chí Văn Học luôn quan tâm. Hai tập thơ của anh được được nhà xuất bản Văn Học Saigon ấn hành năm 1964. Tôi quen biết anh từ năm 1970. Một cây bút tài hoa của đất Quảng.

Trần Trung Thuần đã viết về anh như sau:
Luân Hoán là một người làm thơ có tiếng tăm, điều này ai cũng công nhận – từ thập niên 60 Thế Kỷ 20, các báo miền Nam Việt Nam đều thường xuyên đăng thơ Luân Hoán, anh cũng có nhiều tập thơ xuất bản đàng hoàng ở tuổi khi còn rất trẻ. Luân Hoán nổi tiếng nhờ tài làm thơ mau, hay…và xuất chúng. Anh là người sinh trưởng ở đất Quảng Nam, nơi có nhiều người làm thơ nổi danh nhất Việt Nam mình, cả hai miền Nam - Bắc, nhưng anh là người làm thơ sung sức và trường thọ. Nào Vũ Hữu Định, Hoàng Trúc Ly, Tạ Ký, Bùi Giáng…đều đã chết, họ làm thơ một thời với Luân Hoan đấy thôi. Sau Luân Hoán không bao lâu thì có Hoàng Lộc, Thành Tôn, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Lương Vỵ, Hồ Thành Đức, Thái Tú Hạp, Ý Nga, Bích Xuân…Những người này hay lắm về thơ, tức về “chất lượng”, nhưng “số lượng” thơ thì tùy theo thời tiết, tức không bình thường, nay trồi, mai sụt, nay tăng, mai giảm, tùy hứng mà có thơ! Bền bỉ thi gan cùng tuế nguyệt thì duy nhất Luân Hoán. Anh vốn không “bình thường” về thể chất, chỉ còn một chân, một chân gửi trên chiến trường Quảng Ngãi năm 1969, mà anh làm thơ “bá cháy” và không bài thơ nào của anh bị gọi là “thơ sượng” hay “thơ gượng”. Anh em đọc thơ Luân Hoán đều tấm tắc: “cha này còn ngon”, và ngon thật…ở cái tuổi hết chừng mực rồi, Luân Hoán vẫn có thơ cho…nữ sinh Huế ngày xưa! Luân Hoán…như một người bình thường, làm tròn bổn phận đối với đất nước, với bạn bè (trai và gái), với vợ, với con, với thân thuộc còn ở quê nhà…Tôi không thấy trong thơ Luân Hoán lời ai oán nào, lời than van nào, thơ anh đượm tình và đậm tình…Quả thật xưa nay hiếm vậy!
Đến năm 1973 tôi vào SG thì không còn gặp anh nữa. Năm 1985 anh được gia đình bảo lãnh qua Canada. Trước khi đi anh có ghé thăm tôi. Hai anh em chở nhau lên Lái Thiêu thăm nhà thơ Lê Vĩnh Thọ. Khi qua xứ người, dù mất một bàn chân trái nhưng anh vẫn làm việc cật lực và đã xuất bản thêm nhiều tập thơ nữa. Nhớ và thương anh. Nhất là khi đọc được bài thơ viết cho vợ có những khổ thơ khiến tôi giật mình:


GIẶT ÁO QUẦN CHO VỢ
Trộn chút tình ta vào bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi lo sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em thơm ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau

trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan

vòi nước nhỏ chảy qua từng thớ vải
như chảy vào trong cùng tận lòng ta
em có thấy giọt lệ ta thầm nhỏ
và tan trên màu vải những thiết tha?

… 
đời không giữ giùm ta hai chân đứng
có lẽ nào vô dụng mãi hay sao
giặt giũ làm thơ đọc vài trang báo
hai mươi bốn giờ thường trực chiêm bao

Luân Hoán

Dù ở nơi đâu, chân trời góc bể nào mà cái CHÂN –THIỆN- MỸ ta lấy làm đầu cho văn chương thì thì đó là ĐẠO vậy…

 

TDL 1

 

Hình 1 :Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận bởi Bửu Chỉ
Hình 2: Họa sĩ Hoàng Đặng tại xưởng vẽ
Hình 3 : Họa sĩ Nguyễn Duy Ninh chụp trước tranh của anh

Đà Nẵng là quê hương thứ 2 của tôi nên cũng nhiều bạn bè. Nhớ không hết. Thôi thì nhớ ai nói nấy (chỉ những người có thân tình với tôi)

NHÀ THƠ THÀNH TÔN, TÁC GIẢ THẮP TÌNH

Anh nổi tiếng từ khi đăng thơ trên Bách Khoa, trên Văn và khi xuất bản tập thơ Thắp Tình (1969). Sang Mỹ năm 1996, Thành Tôn vẫn thủy chung với văn chương chữ nghĩa, mặc dầu không làm thơ như xưa nữa. Tập thơ Thắp Tình ra đời cũng đã tạo tiếng vang. Từ văn nghệ chúng tôi tìm gặp nhau khoảng thập niên 70. Anh cùng thời với Luân Hoán. Giọng điệu thơ lục bát của anh nhẹ tênh mà lại ấm áp vô cùng. Thỉnh thoảng anh về SG tôi cũng có gặp. Qua Mỹ, tiếc là anh lớn tuổi nên không vào mạng được. Liên hệ bạn bè qua thư tay là chính.

Nhà thơ Du Tử Lê có những cảm nhận về thơ lục bát của anh:
“ Với tôi,những vần lục bát của Thành Tôn trước hay sau thời điểm THẮP TÌNH 1969 vẫn là chiếc bóng hiu quạnh nhưng chứa chan đôn hậu.Dịu dàng thương yêu.Chúng như một thứ nhân-thân khác của thi sĩ.Do đấy, ở Thành Tôn tôi không nghĩ, có một khác biệt hay đối lập, tách bạch nào giữa chiếc bóng thi ca và nhân thân tác giả.Thành Tôn và chiếc bóng( chữ nghĩa) của ông là một.Người này là “thuộc tính “ là “bản lai diện mục” của kẻ kia.Tôi cho đây là một điều đáng kể và cũng rất đáng quý vì nó nói lên phần nào đó cái nhân cách mà tôi muốn gọi là nhân-cách-thi-ca của một thi sĩ “

THƠ THÀNH TÔN
RANH GIỚI

Vui riêng, cười lẻ, khóc thầm
đời sao sống vậy hồi âm cõi nào
vô ra nhạt bóng lao đao 
co thân thủ thế trông vào những đâu

nhện buồn chỉ đó canh thâu
lưới chăng hồn dựng mắt sầu nhặt thưa
tôi lui chân lạc tay thừa
mẹ cha cũng vậy nên chưa hiểu giùm

xuống lên trời tận đất cùng
anh em ngày một muôn trùng cách xa
máu hồng mạch sẻ lần qua
bàn chân vỉa phố một ta kẻ chờ

dây dưa chắp nẻo ơ thờ
ngọn đèn chứng giám cũng mờ bóng quen
sống không tiếng động thân hèn
lại qua cũng vậy chi bằng thu thân

đi, về bóng lạ bàn chân
dòng sông nghiệp dĩ tiếp dần biển khơi
quanh co nghĩ rộng đất trời
cái tôi hiện hữu một thời vong nô

khép dần cánh cửa hư vô
thân chưa nhập thế cơ hồ cách xa…

Thành Tôn

NHÀ THƠ HOÀNG LỘC

Tôi quen anh qua Đynh Trầm Ca. Thời ấy, anh em văn nghệ rất chí tình với nhau. Biết tên nhau trên báo chí là đã coi như thân thiết lâu năm rồi. Anh ở Hội An. Thường hay rủ tôi và Trường Thi vào chơi. Có khi anh tổ chức đọc thơ ở trường Trần Quý Cáp. Phố cổ Hội An và các em gái ở đó rất quen bóng dáng chàng thi sĩ này. Dù không thân thiết như Đynh Trầm Ca nhưng anh cũng đã để lại dấu ấn trong tôi với những bài thơ tình rất Hoàng Lộc:

TÌNH SAU TÌNH TRƯỚC

 
em chê ta quá nhiều tình trước
nên e dè không dám nhận tình sau
bài thơ lớn, nếu cần, em đọc suốt
ngập ngừng chi dòng cuối với câu đầu ?

đời thơ ta, đời tình ta - lổn nhổn
có cái hay ho, lắm cái chẳng ra gì
biết chừng đâu em là câu thứ bốn
để huy hoàng tứ tuyệt buổi Đường Thi

lớp con gái thời ta xưa hết sạch
mỗi hoa nhường là mỗi biển dâu xanh
khi em đến thơm dòng dòng cổ lục
bên hiên trăng ta quá đỗi nòi tình

em, sách quý – thư phòng ta để bụng
rằng mai kia một nọ chắc em vào
tình như gươm ta chỉ cần chém trúng
thì lần đầu lần cuối khác chi nhau ?

Và bài thơ viết về vợ có những khổ thơ cảm động:

THƠ VIẾT CHO VỢ NHÀ

trong thơ xưa ai gánh gạo đưa chồng
hay vẫn chỉ là em nỉ non tiếng khóc
hay vẫn chỉ là em bốn mùa khổ nhọc
hồn vọng phu đã lội mấy sông đời ?

anh xưa kia vì chút mộng bên trời
mê bắt bóng, khuây cái sầu tan hợp
giữa cõi phù vân đôi lần em chết ngộp
mới hay chiều cố xứ có em trông

người trong thơ xưa lặn lội bờ sông
hay vẫn chỉ là em, cái cò tội nghiệp ?
anh lận đận trong đời do số kiếp
như em tin người tướng sĩ năm nào

ai bảo tim hồng ý biếc ơn nhau
không, ơn của chỉ riêng em trong thời anh mạt vận
chiếc nhẫn cưới bán theo ngày túng quẩn
em thương chồng nên nợ với thi thơ

trong lòng anh, em đứng với người xưa
em hơn hẳn cả người xưa – đã chắc
anh bình sinh chuộng những điều không thật
hạnh phúc thì rất thật giữa tay em

của vợ công chồng nói mãi nghe quen
để lắm lúc anh vô cùng xấu hổ
những thua thiệt riêng em, người vợ khổ
khi trăm dâu trút xuống một đầu tằm

…….
Hoàng Lộc

Anh qua Mỹ vẫn tiếp tục sáng tác. Và những tập thơ khai sinh. Nghe đâu anh sẽ in những tập thơ mới ở quê nhà. Chúc mừng anh.

NGUYỄN TAM PHÙ SA

Từ năm 1970 tôi và Nguyễn Tam Phù Sa đã có duyên văn nghệ khi cùng ở một đơn vị lính cậu.Hồi ấy anh cũng rất thân với Đynh Trầm Ca, Hoàng Lộc…Nhà tuy không khá chi nhưng chị Ân rất chu đáo với chồng con và bè bạn văn nghệ.Quan niệm của anh là” Chơi trớt “ và dĩ nhiên là anh say thơ nhạc nào khác gì tôi.Không có buổi hát nhạc, đọc thơ nào ở Đà Nẵng mà anh thiếu mặt.Cả những buổi đọc thơ ở trường Trần Quý Cáp Hội An.Tuy chưa thành danh sớm nhưng anh có những tiềm ẩn thi ca mà tôi thấy được. Năm 1972 Nhà xuất Bản Da Vàng Đà Nẵng đã ấn hành cho anh tập thơ đầu tay: MƯA SƯƠNG TRONG VƯỜN TÌNH CŨ.Sau 75 cũng như những bạn bè cùng thời.Anh vô SG sinh sống.Có lúc cũng phải đạp xích lô và làm những công việc lao lực.Rồi anh và gia đình cũng đi qua được với thời gian .Sau này tôi ít gặp anh, song thơ thì tôi vẫn đọc của anh. Có những bài thơ đầy cảm xúc và thơ sau này sâu sắc và khéo dụng ngữ:

THƠ NGUYỄN TAM PHÙ SA
TIẾNG KÊU THẦM

Sao ba không về với mẹ ba ơi! 
gần gũi thế mà xa xôi qúa vậy
giàn mướp trắng lỡ thời không kết trái
cau đúng mùa mấy vụ chẳng ra hoa

mẹ neo đời trên bến sông xa
ngày tháng lợp tình cao như ngọn núi
chữ trăm năm chạm trầm chưa đủ tuổi
để đời con đứt rễ giạt xa nguồn

đêm chập chờn nghe tiếng vạc kêu sương
quanh chiếu gối chạm chỗ nào cũng ướt
lòng mẹ lòng con ai biết được
tiếng kêu thầm trêu cợt cõi nhân sinh

ba ở nơi nào, sao ba mãi lặng thinh! 
con nhớ lắm khát thèm vòng tay mở
con ước được nhận nơi ba một phần hơi thở
một chút thương yêu vừa đủ ấm bờ môi

bao nhiêu năm mẹ lạc giọng phía bìa trời
dang tay đứng che đời con côi cút
có phải ba mẹ nợ đời nhau từ kiếp trước
tạc lại hình con run rẩy trái tim người. 
Nguyễn Tam Phù Sa

Hay một bài lục bát thật dễ thương:

LỤC BÁT CUỐI NĂM

Cuối năm ngồi quán một mình.
Rượu vừa đủ nướng trái tình giắt lưng
Say buồn lòng bỗng rưng rưng
Em xưa giờ hóa người dưng mất rồi
Mưa pha rượu níu thơ ngồi
Nhìn đâu cũng cụng đất trời đìu hiu
Hạn tình cháy phía sau Kiều
Anh không đủ sức cõng chiều qua đêm
Phố người nguồn cội đênh đênh
Tết về đâu, biết về đâu bây giờ ?

Nguyễn Tam Phù Sa

TDL 5

Hình 1: Thành Tôn

Hình 2: Nguyễn Tam Phù sa
Hình 3: Hà Nguyên Dũng

Nói đến Nguyễn Tam Phù Sa tôi liên tưởng đến Hà Nguyên Dũng. Anh cũng là một trong số nhiều người làm văn nghệ lao đao và bệnh tật. Tôi nghĩ kiếp thi nhân Trời sinh ra để lưu đày ở cõi nhân sinh bởi có được mấy ai cất lên lời hạnh phúc ? Nhưng họ vẫn làm kiếp tằm nhã tơ cho đời .Vẫn yêu người yêu đời như một nhà văn Đức đã kêu lên: “Dù khổ đau quằn quại tôi vẫn yêu trần gian điên dại này “ Sau 75 Hà Nguyên Dũng vào SàiGòn sinh sống. …có lúc phải đẩy xe mì đi bán cùng vợ để lo cho con. Anh có một đứa con trai khuyết tật đó là gánh nặng trên vai. Tuy vậy ,anh cũng lần theo dòng chảy của thi ca để bày tỏ nỗi niềm mình…khi cho ra mắt bạn đọc tập thơ Quê Tình. Điều đặc biệt là anh đã đoạt giải nhất về thơ của bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay …..Trong thơ anh luôn nhắc đến địa danh Hà Mật thân yêu của mình. Anh Hà Khánh Quân đã viết những giòng sau về Hà Nguyên Dũng:
Mỗi một cá nhân, dù trong thành phần xã hội nào, đa số cũng có những chuyến ra đi, dừng lại rồi trở về. Cuộc mưu sinh là một dòng chảy tự nhiên. Những người sinh hoạt văn học nghệ thuật, hình như có phần sinh động hơn, trong những chuyển dịch theo cuộc sống. Điều đáng quí ở họ, là sự trải lòng theo những bước chân thăng trầm của mình. Những lần ra đi bất luận dài, ngắn tính theo không gian, thời gian, đều trở thành những chuyến giang hồ thú vị, nếu chúng ta biết ươm trên bước đường những kỷ niệm buồn vui. Kỷ niệm không hình dạng, không màu sắc. Nhưng có cội rễ tiềm ẩn, và có sức sống mãnh liệt, trong tim người gieo trồng. Sự hiện diện của kỷ niệm, thường được bắt gặp rõ nét trong âm nhạc và văn chương. Thi ca có lợi thế bởi tính chất cô đọng, nên kỷ niệm thường trở nên trong sáng, thân thiết. Đọc thơ Hà Nguyên Dũng, là cơ hội có thể gặp lại những kỷ niệm của mình. Hơn thế nữa, có thể vay mượn kỷ niệm của nhà thơ, để hình dung, để nhìn ra một địa danh, một hoàn cảnh mình chưa được mục kích, trải nghiệm.

Hà Nguyên Dũng, người Quảng Nam, tên ông là Nguyễn Dũng, được sinh ra năm 1946, tại Hà Mật. Đơn vị hành chánh cấp xã này, còn được gọi, hoặc nằm trong con đất mang cái tên mộc mạc Gò Nổi, thuộc huyện Điện Bàn. Một huyện gồm mười chín xã và thị trấn Vĩnh Điện.

Và những bài thơ nói về vùng đất anh sinh ra:
Qua đò một chuyến đi mười năm
nay mới đáo về quê cũ thăm
gió tạnh, lòng rung làm động bóng
bèn hỏi, thân mười năm trước chăng ?

mười năm trở lại đâu tìm ra
bạn xưa như những đám mây xa
em xưa chẳng khác vầng trăng mấy
lặn-mọc-khuyết-tròn khuất cõi ta

mười năm trở lại ra sông ngồi
trông đò ngang lại ngắm đò xuôi
đò về mấy chuyến khoang đầy gió
đành bụm nước sông mà thấm môi

mười năm trở lại nom thấy bóng
trong lòng giếng cổ một mình ta
nhặt viên sỏi bể ta toan ném
cành khế rùng mình chiếc lá sa

mười năm trở lại buồn như khói
ngun ngút trong lòng mí mắt cay
thương đất quê nhà pha cát sỏi
hạt cơm phải cõng lát khoai dày !
(Mười Năm Trở Lại – Quê Tình)

Đời thêm một cuộc chia ta ngậm ngùi!
Xin chào Đà Nẵng - sông Hàn
tôi như bèo giạt theo ngàn sóng đau
có trầu mà chẳng có cau
thêm vôi cũng lạt, gặp nhau cũng rồi

Cùng trong một cõi pha phôi
hang sâu núi cả tình tôi chưa tàn
đò em buộc bến sông Hàn
dẫu tôi đứng gọi đến ngàn năm không

Lấy thơ mà gói nỗi lòng
trèo lên lưng sóng mặc giòng sông đưa
đường dài và nắng và mưa
co ro trong nỗi tình xưa buốt đời

Khuất nhau mấy chục năm trời
và bao nhiêu cuộc luân hồi nữa đây
ơi em lỡ chuyến đò nầy
đời thêm một cuộc chia tay ngậm ngùi!

Hà Nguyên Dũng

Và bài thơ được giải nhất của Hà Nguyên Dũng:


HOA ỔI
Mảnh vườn xưa như một mảnh lòng 
Có giếng nước, cội mai và lùm cỏ... 
Có những nắng, những mưa và những gió 
Ấm lạnh buồn vui theo những tháng ngày...

Xưa em thường lén mẹ chạy qua đây 
Vịn cành hái một vài hoa ổi trắng 
Làm rơi xuống áo em vài vạt nắng 
Con ong bay tha chút mật ngon lành

Giếng nước tròn như một vầng trăng thanh 
Trong văng vắt ngọt ngào và mát rượi 
Hai chiếc bóng kề bên nhau in ở dưới 
Ngó nhau cười trong mắt bóng nhau in...

Theo ngày mưa, ngày nắng em lớn lên 
Em theo ghe xuôi về trường tỉnh học 
Anh gửi lòng theo từng con đò dọc 
Về trường em những nhớ, mộng mơ thầm

Mỗi năm em về quê một vài lần 
Mùa mai nở, mùa ve kêu ra rả 
Trái ổi chín nằm nép bên cuống lá 
Ở trên cao, em sợ - bảo, đừng trèo

Anh cầm sào nhón gót, nhướng cổ khèo 
Trái ổi rớt, dập bầm - trầy trụa 
Bốn bàn tay thọc vô gầu nước rửa 
Cánh môi em thơm ngọt ổi quê nhà...

Vườn quê xưa...là mảnh vườn đã xa 
Mẹ cứ trách hai ta đi biền biệt 
Anh trở lại vườn quê ngày giáp tết 
Trái ổi tròn mà mộng ước không tròn

Mẹ bảo em giờ lận đận chồng con 
Anh lỡ dỡ mộng đời không kết trái 
Hoa ổi trắng như tấm lòng thơ dại 
Chút hương xưa giờ chắc nhiễm hương đời... 


Hà Nguyên Dũng

 
Những năm sau này anh bị bệnh tim hoành hành. Và bây giờ ở nhà quẩn quanh chẳng đi đâu được nữa. Tay run, mắt mờ , anh không còn lên computer nên rất buồn…


PHAN THANH CƯƠNG VÀ NHỮNG BÀI THƠ LAY DỘNG…


Rời mắt Hà Nguyên Dũng tôi lại chạm vào thơ của một người đau đáu quê hương. Đó là Phan Thanh Cương. Cương xuất hiện nhiều trên trang Hương Xưa và sớm được bạn đọc yêu thích. Trong thơ Cương hình ảnh con đèo là nỗi ám ảnh khôn nguôi:
THƠ PHAN THANH CƯƠNG

 
ĐÈO LE 1
Anh ở bên này, em ở bên kia,
Đèo Le chia thương nhớ hai nơi.
Thương bên này anh nhìn lên núi, 
Nhớ bên kia em ngước trông đèo.

Em thấy trước mặt trời buổi sáng,
Anh bên này chờ đợi sương tan. 
Thung lũng sớm còn trong giá lạnh, 
Đổi sương mai anh được nắng vàng.

Đèo Le ngăn bên kia - bên này, 
Nếu là chim anh dang cánh bay. 
Chim nối trời chân ta nối đất,
Đất nối trời, đèo cao vươn mây.

Nắng lên trước ngực nắng sau lưng, 
Mồ hôi thành giọt nắng xuân rơi. 
Em cứ lấy bước chân mình đo được nắng, 
Nắng theo nhau, ngày tháng, nắng song đôi.

Đường bên đèo dựa vào vách núi,
Ta băng đèo ta dựa vào nhau.
Suối Nước Mát dựa vào khe đá,
Mà chảy xuôi tươi mát, miệt mài.

Lên đỉnh đèo ta ngồi trông bao la,
Em có thấy đôi mình như bé lại?
Phút ngập ngừng làm em trẻ mãi,
Đường quanh queo dường như không xa.

Nước Nóng bên này bên kia Nước Mát,
Ấm lạnh bình thường em tôi ơi!
Em nói ngày mai trời bão giông trên thác, 
Anh có còn nói được “ bình thường thôi”?

 
ĐÈO LE 2
“Bình thường thôi”, anh về qua bên núi, 
Lá trôi xuôi – đầu suối – những chia lìa.
Anh châm thuốc bên đường, lửa tắt,
Che tay bên này, gió thổi bên kia.

Dốc qua đèo bên xuôi, bên ngược. 
Giữa lưng đèo tình như xiêu nghiêng!
Nghiêng bên nào cũng rơi xuống vực,
Có ai cùng, anh vớt tình lên?

Em bên đông, anh ở bên tây, 
Bão bên em tạt qua bên này. 
Đá bên đường vừa lăn xuống dốc, 
Có chút gì vừa rơi qua tay...

Mưa trên quê ta nhiều lúc quá dư thừa, 
Anh cũng cầm bằng như nắng thưa.
Hong lên tình ái nhiều mưa bão,
Cũng cầm bằng như không, như chưa...


ĐÈO LE 3

Em có chồng xa bỏ lại đèo,
Anh cũng xa nhà mang vợ theo.
Chồng em, vợ anh – nào ai thấy, 
Một giải khăn mây vắc qua đèo.

Đèo quanh co, lòng người cũng vậy. 
Em có chồng xa mấy dịp qua đèo? 
Bên kia, bên này - hai người đi vắng, 
Đến bao giờ đèo thôi cheo leo.

Nắng nhẹ hơn xưa, nhạt cỏ cây,
Đường hoa hời hợt nở hôm nay. 
Mây cứ lôi đèo, trôi trôi mãi,
Nước Nóng chiều lên thở khói dài.

Lời em trả anh mời gió hứng,
Gió vật vờ trên chóp lá đầu cây.
Rượu em trả anh mời trăng uống, 
Trăng là ngà, dường như trăng say.

Đường qua đèo, dốc lên, dốc xuống, 
Em một đời, lúc ngược, lúc xuôi. 
Xưa em đếm mình bao nhiêu bước?
Mà dạo hoài trong ký ức nhau…


Phan Thanh Cương

Cương có đến 6 bài thơ nói về con đèo quê hương và mối tình thời trai trẻ của mình : Dang dở…
Đọc 3 bài thơ trên tôi đã thấy se lòng đến khiếp. Hèn gì Hồ Dzếnh đã mượn thơ nói thay lòng mình: …Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ.Cho ngàn xưa lơ lững với ngàn sau..” 
Không dám đọc tiếp 3 bài thơ Đèo Le nữa của Cương. Tôi sỉa vào bài thơ lục bát của Cương với ý, tứ, từ rất mới:
TÓC EM


Tóc em những sợi dây đàn
Không âm mà vẫn tình tang với mình
Kéo từng sợi nắng lung linh
Vào đêm chải xuống, tóc mình hoá đêm

Ôm vai để lại vai mềm
Đưa tay nhau nối dài thêm sợi tình
Rủ anh làm bướm vờn xinh
Để anh mê mãi tìm mình xưa-sau

Gần nhau bóng ngã sông sâu
Bước lên xanh thẳm một màu thời gian
Tay em vuốt khẽ cung đàn
Ngân theo lời mẹ khẽ khàng ý cha

Đêm nằm gối sợi phong ba
Sáng ra tóc rối ngã ba duyên trần
Đường dài lệch lạc bước chân
Có cây bồ kết chết dần trong nhau
.
Nhớ xưa bóng ngã sông sâu
Nay ai còn đứng xem màu thời gian?
Sài Gòn 03.11.2012


Phan Thanh Cương

 
Thảo nào bên HX có nhiều cô đăm đắm thơ của Phan Thanh Cương!


NGUYỄN TẤN LỰC

 
Phan Thanh Cương và Nguyễn Tấn Lực cùng thời với nhau nhưng thơ thì một bên là đêm. Một bên là ngày. Lực ở phía hừng đông vì thơ Lực nói về hạnh phúc nhiều hơn. Có lẽ Lực ít nhức nhối trong tình yêu và cuộc sống như Cương. Lực cũng xuất hiện trên trang Hương Xưa. Lực và Cương tôi xem như hai đứa em mà tôi hằng quý mến bởi sống chân tình. Thơ Lực vậy này:

MÙA ĐÔNG SAI GON

Mùa đông Sài Gòn làm duyên con gái
Cái lạnh se se má đỏ môi hồng
Áo tím áo vàng rộn ràng xuống phố
Thành phố muôn màu chào đón mùa đông

Mùa đông Sài Gòn cùng em đi lễ
Vương Cung Thánh Đường rực rỡ đèn hoa
Giáng Sinh lại về tưng bừng khúc nhạc
Thiên thần hát vang mừng Chúa ra đời

Lất phất mưa bay nhòa trên tóc rối
Tay ấm trong tay dạo phố Sài Gòn
Vào quán Bạch Đằng nhìn người qua lại
Kem dâu kem dừa ngọt như môi hôn

Hồi chuông nửa đêm vang lên giục giã
Mình sánh vai nhau về phía giáo đường
Cùng quỳ bên nhau thì thầm khấn nguyện
Cầu xin duyên mình thắm mãi trăm năm

Nguyễn Tấn Lực

TRỞ VỀ MỸ KHÊ

Tôi lại về Mỹ Khê
Vùng biển trời quen quen là lạ
Ai đem hoàng hôn giấu sau ngàn lá
Cho biển thay màu tím ngắt mênh mông
Chiều dần trôi tôi vẫn ngóng trông
Trông em đến cùng vui đùa trên cát
Cơn gió chiều nao tóc bay thơm ngát
Tôi hát bài tình ca thuở mười tám em tròn
Từ Sơn Trà đỉnh núi chon von
Tôi tìm em nhìn về bãi Rạng
Ngũ Hành Sơn bừng lên ngời sáng
Nhớ ngày đầu nói tiếng yêu em
Em xinh tươi với cánh môi mềm
Tình tôi bao nhiêu trao em tất cả
Gió động ngàn xanh rừng xao xác lá
Chiếc lá thu bay vào nỗi nhớ vô cùng …


Nguyễn Tấn Lực

Thơ chính là người. Anh chàng kỹ sư Cầu Đường này luôn biết gìn giữ hạnh phúc. Tôi rất vui cùng. Nếu ai cũng như cặp đôi này thì thế gian này đâu còn rụng tiếng than nơi cửa miệng đắng cay nhỉ

Trần Dzạ Lữ 

 

( Còn tiếp ) 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com