Ở HUẾ
Từ thập niên 60, nghĩa là lúc đó tôi khoảng 14 tuổi.Vậy mà không hiểu sao tôi luôn trăn trở về phận người và mê hai câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương như điếu đổ:
….Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ , giống nòi khinh…
Và càng thấm thía hơn khi ghiền “Đoạn Trường Tân Thanh” của thi hào Nguyễn Du.
Càng đọc càng soi và càng thấy:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…( truyện Kiều )
Thời gian này chiến tranh đang manh nha để gặm nhấm hai miền Nam Bắc.
Tôi ở vùng “xôi đậu” nên đêm đêm phải lên ngủ nhờ nhà anh Lê Bá Lăng, là thầy giáo, là bạn văn nghệ của tôi ở Vỹ Dạ.Thời gian này anh tôi thành lập Thi Văn Đoàn Mây Ngàn.
Báo tự chép tay quy tụ một nhóm bạn bè Quốc Học. Nội dung họ viết là những thao thức đầy nhân bản về Tình yêu Quê Hương, Đất Nước.Thấy họ nhóm họp, trao đổi văn chương mỗi cuối tuần mà tôi háo hức đến lạ.Thế rồi một ngày tôi đưa bài thơ cho anh ấy xem. Anh gật đầu rồi cho tôi vào nhóm. Ngoài nhóm bạn của anh, tôi còn biết đến những người làm văn nghệ như Mường Mán, Từ Hoài Tấn, Nguyễn Miên Thảo, Lê Bá Lăng, Hồ Minh Dũng, Lương Viết Khiêm, Võ Quê, Tần Hoài Dạ Vũ…
Nhờ trái tim và đầu óc trời cho mà chỉ hai năm sau là tôi thay thế chỗ anh tôi để miệt mài lo tờ báo viết tay ấy.Vừa học, vừa đi dạy kèm vừa sáng tác, tôi đã tự mình đi vào các tạp chí thời ấy như Văn Học,Văn, Thời Nay, Bách Khoa…mà không thông qua một người nào giới thiệu. Thật hạnh phúc khi thấy báo đăng thơ mình vừa phát hành còn thơm mùi giấy mực…
Đặc biệt là ba người rất ấn tượng với tôi. Đó là chị Lê Thị Ái Niệm, anh Lê Bá Lăng và anh Lương Viết Khiêm. Chị Niệm là chị con cô ruột của tôi. Hồi đó chị cũng tập tành làm thơ và cũng tham gia thi văn đoàn Mây Ngàn. Hai chị em thương yêu nhau như là tri kỷ. Lúc đó chị học trường nữ Trung Học Đồng Khánh. Nhà ở quê chỉ đèn dầu tù mù nhưng đêm đêm tôi và chị thường trao đổi chuyện thơ văn. Có khi say mê viết, muỗi cắn không cần biết. Sau năm 68 chị theo gia đình vào Đà Nẵng nhưng không quên đứa em con cậu ruột.Thơ chị viết bằng trái tim nên dễ đi vào lòng người đọc:
Thơ Lê Thị Ái Niệm
TIỄN ĐƯA
Tin em đi chị bỗng buồn như biển
Trời thu mưa hiu hắt mấy dặm xa
Áo sờn vai mưa thơ em có ướt
Bến sông nào em dừng nhớ quê xưa?
Mai em đi gầy gò thân lữ thứ
Tiễn đưa em có lá rụng ven sông
Em đi rồi ai làm thơ chị đọc
Suốt một đời chị làm bến trông mong
Dăm ba người thân bỏ đi trăm ngả
Mùa thu nào cũng vàng lá chia ly
Chị ngồi lại bên bờ thương nhớ cũ
Giọt nước mắt nào thầm đưa tiễn người đi
Mai em đi vui với khung trời rộng
Đem tim lòng hòa điệu với đại dương
Hát vỡ cổ những khúc tình ca biếc
Hãy yêu người như chị đã yêu em…
Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là anh Lê Bá Lăng. Nhà anh ở chợ Vỹ Dạ. Quen nhau cũng nhờ đọc báo cọp ở nhà sách đối diện chợ Vỹ Dạ. Nơi này tôi còn gặp và quen cả Viêm Tịnh,Võ Công Liêm. Nhà sách này là của bố hai anh ấy(vừa là tiệm vàng vừa nhà sách). Anh Lăng là nhà giáo rất nghiêm túc nhưng tâm hồn thì rất phóng khoáng. Nhà anh là chỗ trú cho anh em văn nghệ mà tôi là “ủy viên thường trực” ngủ nhờ…Tôi còn nhớ Hồ Minh Dũng (em rễ của anh) Lê Khắc Cầm, Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ, Trần Hoài Thư. Hồi ấy có thanh niên nào lớn lên mà không trăn trở về Quê Hương, Đất Nước khi không bình yên nhỉ? Kỷ niệm khó quên nhất là có một đêm Trần Hoài Thư từ Quy Nhơn về thăm rồi ngủ lại. Sau khi nhâm nhi cà phê, nhắc chuyện văn nghệ, ba anh em ( LBL, THT và tôi ) cùng viết bài gửi cho tạp chí Văn ở SG. Và cả ba đều được Văn giới thiệu trang trọng. Mẹ và anh Lê Bá Lăng rất thương tôi. Suýt là em rễ anh ấy. Điều tôi không tin mà đã chứng nghiệm. Có lần tôi rủ L, em gái anh Lăng lên chùa Thiên Mụ …và sau đó thì chia xa biền biệt!
Anh LBL không chỉ làm thơ mà còn viết truyện nữa. Truyện thì không thể trích ra đây nên tôi post một bài thơ của anh:
Lê Bá Lăng
NUÔI
bây giờ ta nuôi tình yêu em bằng nỗi nhớ
nỗi nhớ đã khiến ta nhắc tên em nhiều lần
mỗi ngày mỗi đêm
mỗi khi ăn cơm
mỗi lần uống nước
mỗi khi cầm súng đứng canh
mỗi khi nằm ngủ dưới hào
mỗi lần soi gương
mỗi khi muỗi cắn
bây giờ ta nuôi ước vọng ta bằng mồ hôi
mồ hôi đã làm mỏi tay ta
đã làm sạm mặt ta
đã giết chết thơ ta
đã làm hôi hám ta
bây giờ ta nuôi căm thù cho quê hương ta bằng nước mắt
nước mắt đã khiến ta phiền muộn
đã làm ta đau thương
nước mắt đã làm cho ta khóc bạn bè
khóc mẹ cha
khóc nhà tan cửa nát
và bây giờ ta chỉ còn biết nuôi tình yêu em bằng nỗi nhớ
nuôi ước vọng ta bằng mồ hôi
và nuôi căm thù cho quê hương ta bằng nước mắt.
Sau anh Lê Bá Lăng, tôi không thể không nhắc đến anh Lương Viết Khiêm. Cũng là một nhà giáo nhưng sống hết mình. Cháy hết mình khác nào que diêm sinh chờ ngún, mà tôi và bạn bè hay đùa là M.113.
Anh học giỏi và là người đi dạy rất sớm. Khi tôi đang còn mài đũng quần ở trường Nguyễn Tri Phương thì anh đã là giáo sinh vào thực tập ở đây. Một buổi thực lớp đệ ngũ A2 anh hỏi: Ở đây có em nào viết trên tạp chí Văn lấy bút hiệu là Trần Dzạ Lữ? (Tôi đoán không lầm là anh hỏi báo chí) Tôi rụt rè giơ tay. Anh bước đến bắt tay và giới thiệu với cả lớp: Em này làm thơ hay đấy. Từ buổi thực tập tôi và anh có những giao tình cũng rất hay. Nhà ba mẹ anh ở Vân Dương nhưng anh có một căn phòng riêng ở sát bờ Đập Đá. Tôi cũng thường hay lui tới. Hồi ấy nghe đâu anh cũng đã có một nhóm văn nghệ với nhà văn Trần Duy Phiên. Tôi cũng có một mối tình không may với LTTB, em gái của anh. Thơ anh cũng như người anh đầy triết lý hiện sinh. Anh khoái J.P Satre là thế. Tôi thích những bài 4 câu của anh ý tại ngôn ngoại :
Người thì làm thơ thật
Ta thì làm thơ chơi
Mượn tạm trang giấy trắng
Cho thơ có chỗ ngồi ( Bài Tự Bạch )
Hay:
Ta thả tình ta xuống biển em
Mênh mông sóng nước biết đâu tìm
Cuối nẻo trần gian sông biển cạn
Ta vớt tình lên đâu thấy em( Bài Thả Tình )
Hoặc:
Dừng ngay từ dấu hỏi
Vì không thể trả lời
Đã đánh mất tiếng nói
Tôi gật đầu với tôi ( Bài Độc Thoại )
Tôi thích tính cách của anh. Nhân hậu và bao dung. Vì thế anh rất nhiều bạn.
Một người tôi muốn nhắc đến là Võ Quê. Bạn ở Quảng Trị song gốc gác là làng Chuồn-An Truyền (vào Huế học). Cũng tham gia vào tờ Mây Ngàn. Thơ bạn ấy đầy lửa đấu tranh. Lúc giao tình bạn hay nhắc về nhà thơ Ngô Kha (bạn mê anh Ngô Kha thì đúng hơn) Chúng tôi hay ngồi cà phê Lạc Sơn. Có khi gặp cả anh Ngô Kha ( anh cũng rủ tôi tham gia tranh đấu) Tôi cười cười bảo là thích thuần túy văn nghệ thôi. Võ Quê có chí hương riêng. Tôi vẫn tôn trong bạn. Và thích bài thơ:
Thơ Võ Quê
Thừa Phủ Ơi! Lòng Ta Hồng Biển Lửa!
khi mùa đông rớt xuống vai người
chiếc lá vàng khô chết hồn vui
lòng em có đau ơi người tù thiếu nữ
manh áo nâu bùn em
nép mình đằng sau cánh cửa
những cánh cửa chua ngoa
giam hãm bóng chim hiền
giọt nước mắt em rưng rức từng đêm
ta biết em đang vo thành lửa bỏng
ngày em đến đây
ngờ nghệch vô cùng
tội tình gì
một sáng ven sông
lũ chúng bạo hành em
lưỡi lê ghìm đầu súng
mẹ rên xiết gào lên uất hận
con tôi! tội nghiệp con tôi
Hai ơi con đã đi rồi
vườn hoang cỏ cháy mẹ ngồi khóc con
từ đó không còn bay áo mỏng
trên quê hương hào khí ngất Trường Sơn
trong khám lạnh lòng càng cao căm phẫn
em lớn khôn theo chí căm hờn
em đang mơ ngày bứt xiềng bạo lực
đời hồn nhiên hoa bướm thong dong
sau cánh cửa nhà giam nụ cười thơm giấy mực
tiếng hát em về réo rắt giòng sông
ơi người tù thiếu nữ trưa nay
đang quét lá khô rơi trên vỉa hè Lê Lợi
hồn em đau trong từng nhát chổi lạnh lùng
ta biết lòng em đang rực hồng biển lửa
chờ gió ngày bão lớn thổi bùng lên
Chí Hòa Tân Hiệp Côn Sơn
cuồng phong Thừa Phủ cuốn tan ngục tù
mắt em sáng nắng mùa thu
tình long lanh ý ngoc
em đang mơ ngày bạo quyền ngã gục
xác chúng phơi trên ngưỡng cửa đề lao
kiêu hùng tóc biếc bay cao
em tung nón rách
em gào tự do!
ngày mai trên những chuyến đò
có cô con gái học trò sang sông
áo bay thơm má em hồng
cờ vươn cao ngọn gió
Thừa Phủ ơi! Thừa Phủ ơi!
Lòng ta hồng biển lửa!
Và có một chàng trai gốc Quảng Nam khiến tôi khó quên đó là Tần Hoài Dạ Vũ. Thập niên 60 anh về Huế học Quốc Học. Đệ Tam là anh đã có thơ đăng trên các tạp chí ở SG. Đặc biệt là thơ tình. Lúc này mà giọng điệu thơ anh như vậy là rất mới và thi cảm đầy hồn vía. Tôi rất thích.Huể nhỏ nên đi lui đi tới rồi cũng quen nhau. Tôi thích nhất là 2 bài Di Ngôn và Hẹn Về Với Huế.
Thơ Tần Hoài Dạ Vũ
Di Ngôn
Rồi anh sẽ gối đầu lên giấc mộng
ngủ quên đời trong giường mộ bình yên
em hãy khuấy hai tay làm biển động
che giùm anh tiếng đại bác vang rền
Xin em hãy liệm anh bằng tiếng hát
đắp mặt anh bằng mái tóc em buồn
cho anh quên những xác người tan nát
những kẽm gai còn rào kín tâm hồn
Em có nhớ, thắp hương bằng nước mắt
ngọt vô cùng anh sẽ uống no say
để anh quên chuyện trần gian đói khát
chén cơm đen muối mặn nuốt qua ngày
Và em hãy viết thư bằng cổ tích
đừng nhắc chuyện quê hương chinh chiến hận thù
anh sẽ tưởng hồn anh không xiềng xích
bay tìm em dù gió cát, sương mù
Anh sẽ dựng nhà với chân tay làm cột
giăng mùng cỏ xanh ngồi đợi em về
hai chúng mình sẽ bắt đầu hạnh phúc
tủi nhục này rồi con cháu quên đi!
1965
Hẹn Về Với Huế
Em có sầu thương không hở em
xa nhau rồi mắt có buồn thêm
tên anh có viết đầy trang vở
có gọi thầm nhau trong những đêm?
Trời chắc còn sương trong tóc em
nắng vàng hanh đẫm nét môi mềm
hương cau còn thoảng trong vườn vắng
áo lụa em còn phơi trước sân?
Và những chiều mưa em có trông
khi hoàng hôn rụng kín con đường
bàn tay lạnh những ngày xa cách
còn biết tay nào tay nhớ thương?
Anh sẽ về một sáng mùa thu
sông Hương còn trắng những sương mù
áo em trắng nhịp cầu thương nhớ
bóng ngã lòng anh câu hát ru
Anh sẽ giong thuyền trên nước xanh
chở trăng Gia Hội vào Nội thành
soi nghiêng mái tóc thề Tôn nữ
thiếp giữa một vùng hương mỏng manh
Bài thơ này chắc nhiều cô Đồng Khánh chép tay lắm. Tình bạn khiến tôi cảm động sau năm 1975 tôi là người sa cơ- Lúc này anh là hiệu trưởng trường Thành Nội Huế- Gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng…Tình nghĩa hay không lúc gian nan, thất thế…chứ không phải lúc giàu sang.
.Cùng thời gian này, trái tim của tôi lại ngã vào tình yêu với người con gái áo xanh trường Kiểu Mẫu tên L. Nàng có đôi mắt ướt lạ lùng như thơ của Tuệ Sỹ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Nàng quen tôi qua một người bạn học của tôi ở gần nhà Nàng. Nàng nói thấy tôi giống ông thầy dạy văn chi lạ! Mới học đệ Ngũ nên cách yêu thương cũng trong sáng. Thư tình tôi nhờ người bạn chuyển. Nàng cũng vậy. Tội nghiệp nhất là khi viết thư tình cho tôi, nàng phải viết trong mùng lúc đi ngủ, phải dùng cây đèn pin. Ông già phát hiện là xong om…
Ở quê, nhà nghèo làm gì có xe đạp mà đi. Có lần hẹn Nàng tôi phải lượn chiếc Velo Solexcủa Hiền Bản (hồi ấy có xe này là oai ra phết ) để chở nàng lên chùa Thiên Mụ ngắm sim tím. Gặp nhau trò chuyện nhưng chỉ dám cầm tay. Tay cầm tay. Tôi thì bối rối. L đỏ bừng hai má. Ngắm sim rồi đi về mà chưa biết nụ hôn đầu là gì. Thảm quá! Cuộc tình ấy đúng là chưa có nụ hôn đầu thì phải chia tay nhau khi Ông già Nàng phát hiện lá thư tình chưa kịp gửi. Nàng bị đòn roi 3 ngày không ăn uống. Nàng phải chấp nhận một trong hai điều: Một là ra khỏi nhà. Hai là chia tay tôi và học hành đàng hoàng…Dĩ nhiên là nàng phải chấp nhận điều thứ hai. Tôi quay quắt như điên khi phải chấp nhận thế. Đấy là lần đầu tiên thực sự tôi biết thất tình…như thế nào.
Huế, Huế là chiếc nôi nuôi tôi, ru tôi lớn lên. Tôi có thể nào quên? Nơi đây công ơn dưỡng dục của Cha Mẹ mãi mãi khó phai mờ. Mẹ tần tảo bán buôn. Cha tôi làm công chức để lo cho 7 anh em tôi. Lúc chưa hiểu ra, Cha rất xem thường. Nhưng cụ Thượng (Thượng Thư) nói Cha tôi mới biết tôi làm thơ. Từ đó ông thương tôi hơn. Nhưng rồi Cha mẹ cũng đột ngột qua đời để lại khoảng trống vô cùng lớn lao trong lòng tôi. Từ đấy tự mình bươn bả vào đời…
Ở ĐÀ NẴNG
Năm 1968 tôi bỏ học vào ĐN để trốn lính…Ở nhà người cậu được một thời gian rồi cũng bị bắt đưa vào TTHL Hòa Cầm. Số gặp may được quý nhân giúp đỡ tôi trở thành lính cậu mà không phải ra mặt trận. Vô cùng cảm ơn Trời Phật. Những ngày tháng ở Đà Nẵng từ 1968 đến 1973 là những xâu chuỗi kỷ niệm tràn đầy tôi mang vào hồn đăm đắm. Ở đấy tôi gặp gỡ các bạn bè như những đốm lửa kết nối thân thương: Trường Thi( đã có bài viết riêng về anh), Đynh Trầm Ca, Hoàng Đặng, Hồ Đắc Ngọc, Đoàn Huy Giao, Hà Nguyên Thạch, Trần Quang Lộc, Vũ Hữu Định, Trần Thị Loan, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Hạ Quốc Huy, Lý Văn Chương, Phạm Thị Lộc, Lê Thị Ngọc Quý, Vô Ưu, Cao Bá Minh, Nguyễn Tam Phù Sa, Nguyễn Gia Hữu, Phạm Phú Hải, Trần Trung Sáng…và sau này là Nguyễn Ngọc Hạnh, Gia Nguyễn, Nguyễn Duy Ninh, Vũ Ngọc Giao, Lê Công Đào…
Một thời đáng nhớ vì tình bạn trong văn nghệ chân tình, không ganh ghét đố kỵ nhau. Những quán cà phê ở ĐN là nơi để anh em hẹn hò đọc thơ, hát nhạc cho nhau nghe. Từ đó khơi nguồn, thúc giục nhau trong sáng tác. Đặc biệt là Vũ Hữu Định. Luôn kêu tôi về ngủ lại với anh trong căn nhà nhỏ ở chợ Cồn. Nhà nghèo nhưng anh và vợ anh (chị Vân) rất tốt bụng. Khi nào tôi về chị Vân cũng đi ngủ riêng để tôi và VHĐ nằm trò chuyện, đọc thơ, hát nhạc…một chút mà đến sáng ! Trước đó VHĐ viết cũng nhiều, lấy tên là Hàn Phong Lệ. Anh khoe với tôi bài thơ Còn Một Chút gì Để Nhớ viết ở tận Pleiku. Tôi đọc xong vỗ đét một cái. Hay. Rất Hay. Chưa ai viết về Pleiku hay như thế.Vậy là tôi xúi anh gửi bài cho các tạp chí và động viên anh vào SG gặp nhạc sĩ Phạm Duy.
Sau đó anh giang hồ và vào gặp Phạm Duy thật. Ông ta khoái chí nên phổ bài thơ. Từ đó tên tuổi anh bắt đầu nổi…
Thơ Vũ Hữu Định
Còn Một Chút Gì Để Nhớ
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
Bài thơ được phù thủy âm nhạc Phạm Duy chắp thêm cánh cho thơ bay lên cao cùng âm nhạc. Rất nhiều người nghe, thuộc và hát. Vậy mà có một dạo trên FB, có người tự nhận mình là tác giả bài thơ trên. Tôi đã lên tiếng thì người đó lặn mất tăm. Buồn cười thật!
Tôi mừng cho anh. Từ đó anh cũng “đi bụi” nhiều hơn. Để chị Vân gánh vác hết mọi chuyện. Thấy tình cảnh chị, tôi thật se lòng. Càng "đi bụi " thơ anh càng hay và sâu sắc hơn nữa. Năm 1981 anh qua đời trong một bữa rượu tại nhà em trai anh. Tôi chẳng hay. Sau này Lữ Thưọng Thọ vào SG gặp tôi mới hay.Thọ nói với tôi là trước khi chết VHĐ có làm hai bài thơ thật cảm động. Đó là một bài thơ viết cho vợ và một bài viết cho tôi. Thọ đưa bản thảo chép tay cho tôi. Tôi đọc mà lòng rưng rưng nỗi nhớ thương bạn. Bạn qua đời. Con cái lớn lên làm ăn khấm khá. Chị Vân được hưởng an nhànTôi mừng vì gần hết đời người chị khổ vì chồng vì con mà chẳng bao giờ buông ra một câu than thở…
Người thứ hai ở Đà Nẵng tôi nói đến là Đynh Trầm Ca (tên thật là Mạc Phụ) Anh ở con phố nhỏ là Vĩnh Điện. Gặp nhau anh hay rủ tôi vào chơi. Cuối tuần đến hẹn lại lên. Con phố buồn hiu. Hồi ấy chưa có đèn điện. Đêm xuống anh giăng mùng xong là ôm đàn hát cho tôi nghe từ nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn rồi nhạc anh sáng tác. Anh sớm nổi tiếng bởi bài hát Ru Con Tình Cũ qua giọng hát của Lệ Thu. Nghe anh hát tôi se lòng không chịu nổi bởi nỗi buồn cứ quấn chặt lấy trái tim không buông tha:
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay
Cho lòng này dài những cơn đau
ĐK:
Ôi ba năm qua rồi
Đời chưa nguôi gió bão
Người xa xôi phương nào
Người có trách gì không?
Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa
Đời em như rong rêu tội tình
Xin gục đầu ghi dấu ăn năn
Thôi đừng buồn em nữa nghe anh ...
( Nhạc và lời Đynh Trầm Ca )
Đynh Trầm Ca sống chân tình và hết lòng vì bè bạn. Sau năm 75 anh lưu lạc phương Nam và lấy một người con gái Cần Thơ nhỏ hơn anh cả con giáp. Anh vẫn âm thầm sáng tác cả nhạc cả thơ. Cuối cùng vợ chồng anh cũng quay về Vĩnh Điện mở quán cà phê làm kế sinh nhai…Nhiều năm rồi tôi chưa gặp. Lúc có dịp tôi ra đó anh lại đi Cần Thơ. Nhưng thế nào rồi tôi cũng sẽ gặp.
Người thứ ba tôi muốn nhắc đến là Đoàn Huy Giao. Một người làm thơ đầy trăn trở về phận người. Thơ anh viết một cách rất riêng. Tính cách cũng rất lạ nhưng là người có trái tim nhân hậu. Chúng tôi quen biết nhau ở tòa soạn tuần báo Thời mới ở ĐN do anh Nguyễn Hương Nhân làm chủ bút. Đoàn Huy Giao biên tập bài vỡ. Ở đây tôi cũng quen luôn anh Thiếu Khanh, Ngy Xuân Sơn( Phạm Sĩ Sáu )
Sau năm 1975 anh làm cho đài truyền hình. Hết làm việc anh cất công lên tận Tây Nguyên tìm tòi những dấu tích văn hóa …và xây dựng được một Bảo Tàng bên núi Sơn Trà. Một kỳ công thầm lặng nhưng đáng bái phục. Một chuyện nhỏ song tôi cũng khó quên. Số là sau năm 1975, tôi đem vợ về quê ở Ngọc Anh làm ruộng. Tuy làm ruộng mà vẫn thiếu gạo ăn vì tôi được giao ruộng “đốt lóng" tức là ruộng xấu nhất. Thu nhập không bao nhiêu thì phải đóng cho Hợp tác xã. Một ngày nọ vợ chồng tôi đang ở ngoài ruộng thì có người báo tin là có hai người vào nhà nhà chờ. Tôi tất tả chạy vào. Ngó quanh quất chẳng thấy ai. Một chặp Đoàn Huy Giao và Vũ Hữu Định tung mền dậy cười ngặt nghẽo. Để tạo bất ngờ, hai bạn vào giường ngủ của vợ chồng tôi nằm. Nhà thiếu gạo ăn, trống huơ nên đâu sợ trộm mà đóng cửa? Thấy bạn mừng muốn chết! Hai bạn đưa ra một bao cát gạo khoảng 10 ký tặng tôi. Hồi đó còn ngăn sông cấm chợ, không biết bằng cách nào mà Giao mang gạo ra Huế được cũng là chuyện lạ!
Cặp kè với Đoàn Huy Giao là Hồ Đắc Ngọc. Anh này thật đúng là quái kiệt. Bất cứ nơi đâu, làm gì miệng anh luôn lẩm bẩm QUỐCTẾ ( ý nói mình là cỡ quốc tế) Tôi và Ngọc quen nhau qua Đoàn Huy Giao. Lúc này anh đã nổi tiếng trên tạp chí Văn qua hình minh họa bìa bằng bút sắt. Anh cũng trốn lính, vào ở một ngôi chùa gần phi trường.Tôi tới chơi với anh thì gặp một người nữ rất Huế tên Loan (sau này mới biết là tình nhân của nhau) ăn nói dịu ngọt và duyên dáng lạ kỳ. Có lần Loan đến, tôi đang ngồi chơi thì Ngọc xua đuổi tôi ”Mi về đi.Mi về đi…” Thế là tôi biết mình phải như thế nào rồi. Loan yêu da diết Ngọc có lẽ từ bức tranh anh triễn lãm ở Trung Tâm Văn Hóa Hoa Kỳ.
Bức sơn dầu anh vẽ thiếu nữ áo vàng đẹp mê hồn. Anh không bán mà để dành tặng cho Loan thì phải. Mối tình giữa chàng họa sĩ và cô giáo gốc Cầu Hai đẹp như cổ tích. Sau 75 cô ấy đưa Ngọc qua Mỹ. Một thời gian nghe đâu hai người chia tay.Vẫn còn biết tin Trần Thị Loan nhưng Hồ Đắc Ngọc thì biệt vô âm tín. Không biết anh chàng “quốc tế “ ấy bây giờ ra sao? Cứ mỗi lần xem lại hình bìa bút sắt tôi lại mường tượng ra bạn: Một con người thật kỳ lạ !
( còn tiếp)
Hình ảnh tôi và họa sĩ Duy Ninh Nguyen