User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ntl
 
Tình trạng giáo dục ở Việt Nam hiện nay (với kiến thức của học sinh, sinh viên tốt nghiệp thấp hơn nhiều so với các nước chung quanh, kèm theo một trình độ đạo đức, luân lý ở mức độ đáng lo ngại) đã khiến nhiều bậc phụ huynh cùng nhiều thức giả lên tiếng bày tỏ mối lo âu. Ngay cả ở trong nước, nhiều lời than phiền với hàm ý luyến tiếc đã nhắc tới “giáo dục thời Việt Nam Cộng Hoà.” Nhưng Việt Nam Cộng Hòa thuộc về quá khứ đã 40 năm (1975-2015). Giáo dục thời ấy như thế nào, cách tổ chức ra sao, tôn chỉ cùng tinh thần có điểm gì đáng chú ý, ít ai còn nhớ rõ.
 
Nhân loại đang sống trong một thế giới với khá nhiều bất trắc. Tương lai cư dân trên địa cầu sẽ đi về đâu? Các ý niệm tự do, dân chủ phải chăng sẽ thắng thế để nhân loại cùng xây dựng những xã hội dân chủ tiến bộ, cùng sống trong hòa bình, như nhà chính trị, kinh tế học Francis Fukuyama đã phác họa trong cuốn The End of History and the Last Man xuất bản năm 1992? Hay những khác biệt về văn hóa và tôn giáo sẽ càng ngày càng trầm trọng, đưa tới những xô xát thật lớn như nhà chính trị học Samuel Huntington đã dự phóng một cách lo ngại trong cuốn The Clash of Civilizations and the Remaking of World Orderxuất bản năm 1996? Trong một thế giới đầy bất trắc như thế, tương lai đất nước và dân tộc Việt sẽ ra sao?
 
Sau biến cố 1975, hơn ba triệu người Việt lìa quê hương tới định cư tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới (một số lượng đáng kể ở trên 30 quốc gia). Trong tiến trình hội nhập vào những môi trường xã hội và văn hóa khác với quê hương cũ, người Việt, nhất là gia đình Việt, có những vấn đề gì? Trẻ em Việt sẽ có những khó khăn cùng tiềm năng ra sao? Đó là những câu hỏi mọi người Việt đều quan tâm.
 
Với một lãnh thổ dài và hẹp, ba miền của Việt Nam có nhiều nét khác nhau. Miền Nam là vùng đất tương đối mới. Văn hóa đồng bằng sông Đồng Nai - Cửu Long có những điểm gì khác miền Trung, miền Bắc? Ngay các địa phương của miền Nam cũng có những sắc thái khác nhau. Số người hiểu rõ những chỗ khác nhau ấy để có thể trình bày lại một cách vừa thấu đáo, uyên bác, vừa giản dị, dễ hiểu, không nhiều.
 
Với hơn 30 năm trong ngành giáo dục của miền Nam (20 năm dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa), qua các giai đoạn là học sinh, sinh viên, giáo sư, Hiệu trưởng Trung học, lãnh đạo ngành giáo dục ở trung cấp, rồi cao cấp, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã chứng nghiệm, quan sát, suy nghĩ, và đã viết rất nhiều. Những bài “Giáo dục ở Nam Việt Nam từ xưa tới hết Đệ Nhất Cộng Hòa,” “Giáo dục Việt Nam từ đầu thập niên 1970 đến tháng 4 năm 1975” cung cấp những thông tin giá trị từ một “người trong cuộc” rất có thẩm quyền. Bài “Vai trò của các trường Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Petrus Ký, Gia Long hồi tiền bán thế kỷ XX” cho ta những kiến thức vừa mang tính cách giáo dục vừa mang tính cách lịch sử. Bài “Một vài ưu tư về giáo dục ở Việt Nam” mang nặng tâm huyết của một người lúc nào cũng thiết tha với giáo dục và luôn luôn nghĩ tới quê hương.   
 
Những bài “Trật tự thể giới thế kỷ 21,” “Chiến lược của Hoa Kỳ,” “Trung Quốc trước khúc quanh nguy hiểm” … đưa ta tới với một thức giả đọc và suy nghĩ rất rộng. Nhà giáo dục cũng là một trí thức uyên bác, cần hiểu rõ môi trường sống cùng địa bàn sinh hoạt của mình cũng như của dân tộc mình trong hiện tại cũng như trong tương lai.
 
Những bài “Trẻ em Việt Nam trong tiến trình xã hội hóa vào xã hội, văn hóa Mỹ” và “Vấn đề văn hóa giáo dục cho con em ở hải ngoại” được viết với kiến thức chuyên môn của một Tiến sĩ ngành Giáo dục am hiểu xã hội Hoa Kỳ, nhưng vẫn mang tâm thức một nhà văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam.   
Tác giả càng tỏ ra uyên bác khi viết về văn hóa miền Đồng Nai - Cửu Long. Từ những bài tổng quát như: “Những biến đổi trong văn hóa Việt Nam,” “Tìm hiểu văn hóa Đồng Nai - Cửu Long,” “Lối vào văn hóa Đồng Nai - Cửu Long,” “Vị trí của Đồng Nai - Cửu Long trong lục địa Đông Nam Á” cho tới những bài riêng về mỗi địa phương như lịch sử khai phá vùng Gia Định; Tây Ninh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Định Tường - Mỹ Tho; Vĩnh Long; Rạch Giá – Hà Tiên; Cà Mau..., tất cả đều cung cấp những kiến thức giá trị và hữu ích. Không riêng gì người Việt từ các miền Trung và Bắc, ngay cả nhiều người sinh trưởng ở miền Nam cũng sẽ thấy những công trình biên khảo ấy hấp dẫn và lý thú.   
 
Tác giả đã viết những bài ấy trong hơn mười năm qua, ở tuổi 70 tới 80, và chọn lọc, đưa đi in khi đã trên 80. “Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ.” Câu chuyện văn chương, tư tưởng, vẫn là tấc lòng gửi lại muôn đời. Một nhà văn lớp trước có câu,“Hướng ngàn thuở gửi hoàng hôn tùy bút.” Được đọc trước bản thảo do vị niên trưởng khả kính trao cho, nguời viết những dòng này không tránh khỏi bâng khuâng. Sau một cuộc đời sinh động, Nguyễn Công Trứ được “cáo lão hồi hưu” ở tuổi 70, và sau khi về hưu, ông thung dung, nhàn tản với “hàn cốc, thanh sơn” trong tâm trạng:
 
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục...
 
Cùng mang họ Nguyễn, cùng sinh ra ở nước Việt Nam, xét về phương diện tinh thần, Nguyễn Thanh Liêm ở tuổi trên 80 đã không được hưởng những ung dung, thanh thản của Nguyễn Công Trứ ở tuổi 70. Không ai có thể nói là Nguyễn Công Trứ không nặng lòng với quê hương, đất nước. Nhưng tại sao ông có được những năm thật sự “hưởng nhàn” so với một trí thức họ Nguyễn khác ra đời sau ông 150 năm? Có lẽ đó là cũng là hoàn cảnh và nỗi niềm không của riêng Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm mà còn chung cho thế hệ chúng ta, những người Việt trưởng thành trên đất nước trong nửa sau của thế kỷ 20.
Trần Từ Mai (Tháng 3-2015)
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com