User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

nhavan

Có khá nhiều nhà văn gốc Việt được độc giả thế giới đón đọc, và trên hết họ được văn đàn thế giới công nhận và vinh danh tại các giải thưởng Văn học quốc tế. Dưới đây Bookaholic xin tổng hợp lại 10 nhà văn gốc Việt chủ yếu tại các quốc gia Âu Mỹ đã và đang tỏa sáng tại văn đàn thế giới.

1. Nguyễn Thanh Việt (Mỹ)

viet thanh nguyen

Sinh ra tại Buôn Ma Thuột, Nguyễn Thanh Việt theo gia đình di cư sang Mỹ từ năm 1975. Sau khi tốt nghiệp bằng danh dự ngành tiếng Anh và Nghiên cứu dân tộc học tại ĐH California – Berkeley, ông theo đuổi bằng Tiến sĩ cũng ở trường này, lấy bằng năm 1997. Hiện ông là giáo sư tại Đại học Nam California. Ngoài giảng dạy và viết lách, ông còn là một nhà phê bình văn hóa cho tờ The Los Angeles Times.

Giải Pulitzer công bố hôm 18/4/2016 đã mang đến sự chú ý của cả thế giới dành cho tác giả gốc Việt – Nguyễn Thanh Việt – chiến thắng ở hạng mục tiểu thuyết với tác phẩm The Sympathizer.

The Sympathizer (Cảm tình viên) là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thanh Việt. Câu chuyện nói về chiến tranh dưới góc nhìn của nhân vật chính – một người đàn ông mang hai dòng máu Việt – Pháp.

Trước khi chiến thắng Pulitzer, sách từng thắng giải tiểu thuyết đầu tay Center for Fiction 2015, huy chương Carnegie cho Tiểu thuyết xuất sắc của Hiệp hội Thư viện Mỹ, giải Tiểu thuyết văn học châu Á/ Thái Bình Dương của Hiệp hội Thư viện châu Á – Thái Bình Dương, giải thưởng PEN/ Faulkner hạng mục Tiểu thuyết và giải PEN/ Robert W. Bingham hạng mục Tiểu thuyết đầu tay.

2. Linda Lê (Pháp)

lindale

Trước tiên phải kể tới nữ nhà văn người Pháp gốc Việt – Linda Lê (sinh năm 1963) – một nữ tiểu thuyết gia đã gây được tiếng vang trong văn đàn Pháp, từng lọt vào tới vòng chung kết của giải thưởng văn học uy tín hàng đầu của Pháp – giải Goncourt năm 2012 – với cuốn tiểu thuyết Lame de fond (Sóng Ngầm).

Các nhân vật trong “Sóng Ngầm” đều thể hiện một phần tính cách, nội tâm của tác giả và thể hiện kín đáo mong muốn kết nối với quê hương Việt Nam của Linda Lê. “Sóng Ngầm” của Lê xoay quanh nhân vật Văn – một người đàn ông Pháp gốc Việt.

Trước tiên phải kể tới nữ nhà văn người Pháp gốc Việt -

Sau khi qua đời vì một tai nạn xe hơi, khi nắp quan tài đã đóng lại, người đàn ông chưa đầy 50 tuổi này bắt đầu nhìn lại cuộc đời mình. Văn, nhân vật chính của truyện, ngoài vợ con, anh chỉ còn hai người bạn chí cốt là Rachid và Hugues, hai “tri kỷ” là rượu và thuốc lá.

Văn không còn mối liên hệ nào với Việt Nam từ năm anh 18 tuổi, sau khi mẹ đẻ Văn qua đời. Anh chỉ tìm thấy bóng dáng quê hương trong một vài quán ăn Việt ở Paris và cái tên Việt của chính mình.

Linda Lê hiện là cái tên được nhắc tới nhiều nhất ở mảng văn học “Francophone Vietnamese Literature” (Văn học Pháp do nhà văn Việt sáng tác). Cái tên Linda Lê đã rất quen thuộc và được độc giả Pháp cũng như độc giả của nhiều quốc gia khác biết tới và yêu mến.

Tác phẩm của cô đã được dịch ra các thứ tiếng như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Tại Việt Nam, những cuốn đã được xuất bản gồm có “Vu Khống”, “Lại Chơi Với Lửa”, “Thư Chết”…

Linda Lê không chỉ được độc giả yêu mến mà còn được giới phê bình công nhận với hàng loạt những giải thưởng văn học Pháp.

Một điều khá đặc biệt ở Linda Lê là cô luôn lẩn tránh báo giới, trong khi nhiều nhà văn coi đây là bệ phóng để giới thiệu, quảng bá cho những tác phẩm của mình, Linda Lê lại luôn sống khép kín, tự nhận mình là “con gấu núp trong hang”.

3. Lại Thanh Hà (Mỹ)

LAI THANH HA book award copy large

Nữ nhà văn người Mỹ gốc Việt -
Nữ nhà văn người Mỹ gốc Việt – Lại Thanh Hà (sinh năm 1965) cũng từng đoạt giải thưởng văn học danh giá của Mỹ – National Book Award hồi năm 2011 với cuốn tiểu thuyết đầu tay được viết bằng thơ – “Inside Out & Back Again” (Đi Rồi Cũng Lại Về). Cuốn tiểu thuyết như một cuốn hồi ký về chính cuộc đời tác giả được kể lại bằng 121 bài thơ.

“Inside Out & Back Again” kể về một bé gái 10 tuổi cùng gia đình rời quê hương đến Mỹ. Bước vào một thế giới mới và chưa thể hòa nhập, cô bé khao khát quay về thế giới thân thuộc của mình xưa kia bằng những ký ức ngày càng trở nên mơ hồ nhưng vẫn đầy ám ảnh trong trí nhớ, giữa thực tế cuộc sống khắc nghiệt nơi xứ lạ mà cô đang phải đối diện.

4. Kim Thúy (Canada)

kimthuyru1

Nữ nhà văn người Canada gốc Việt – Kim Thúy (sinh năm 1968), cô được biết tới nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết “Ru”. Kim Thúy từng đoạt giải thưởng văn học Grand Prix RTL-Lire 2010 ở Liên hoan sách Paris, giải thưởng văn học danh giá của Canada – The Governor General’s Literary Awards 2010, lọt vào chung khảo giải Văn chương năm châu 2010 (Prix des 5 continents 2010) dành cho các nước nói tiếng Pháp… với cuốn tiểu thuyết “Ru”.

Nữ nhà văn người Canada gốc Việt -

“Ru” cũng là một trong 15 tác phẩm lọt vào sơ khảo giải Man Asia Literary 2012 – một giải thưởng văn học Châu Á uy tín được tổ chức hằng năm. Cuốn tiểu thuyết “Ru” kể lại những ngày tháng lưu lạc của Kim Thúy và gia đình từ khi cô còn nhỏ. “Ru” là một tựa đề đa nghĩa, bởi trong tiếng Pháp, “Ru” còn có nghĩa là dòng suối nhỏ.

5. Nguyễn Hoài Hương (Pháp)

hoaihuongnguyen

Nữ nhà văn người Pháp gốc Việt – Nguyễn Hoài Hương (sinh năm 1976) với cuốn tiểu thuyết đầu tay “L’ombre douce” (Bóng mát dịu êm) đã đoạt giải nhất Văn học Bỉ năm 2013. Cuốn sách được hội đồng chấm giải đánh giá rất cao, đặc biệt nổi trội trong 20 tác phẩm được đề cử. Tác phẩm kể về chuyện tình lãng mạn nhưng nhiều bi kịch giữa Mai và Yann, một cô gái Việt Nam và một người lính Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Nữ nhà văn người Pháp gốc Việt -

Tác phẩm đưa lại một góc nhìn khác về chiến tranh, thông qua lăng kính tình yêu. Tuy sinh trưởng tại Pháp nhưng Nguyễn Hoài Hương cho biết cô luôn cố gắng học tiếng Việt, luôn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. “Hình ảnh Việt Nam luôn hiện hữu trong tâm hồn tôi. Và tôi đã chọn con đường văn học để thực hiện những hoài bão của mình” – Hoài Hương từng nói.

6. Trần Minh Huy (Pháp)

tranminhhuy

Nữ nhà văn người Pháp gốc Việt – Trần Minh Huy (sinh năm 1979), hiện là trợ lý tổng biên tập tạp chí Văn học Pháp – Le Magazine Littéraire. Trần Minh Huy từng được trao giải thưởng văn học Pháp – giải Gironde hồi năm 2008 – dành cho những cây bút mới với cuốn tiểu thuyết “La Princesse et le Pêcheur” (Công chúa và người đánh cá – 2007), lồng ghép giữa chuyện tình cổ tích Trương Chi – Mỵ Nương và một câu chuyện tình yêu ở thời hiện đại.

Nữ nhà văn người Pháp gốc Việt -

Ngoài ra, Trần Minh Huy còn có một số tác phẩm nổi bật khác như, “Le lac né en une nuit et autres légendes du Vietnam” (Đầm Nhất Dạ và các truyền thuyết khác của Việt Nam – 2008), hay “La double vie d’Anna Song” (Cuộc đời song đôi của Anna Song – 2009).

7. Monique Truong (Mỹ)

moniquetrong

Monique Truong, sinh năm 1968, là nhà văn người Mỹ gốc Việt. Bà sinh ra ở Sài Gòn nhưng sang Mỹ định cư trước năm 1975. Truong, đã tốt nghiệp Đại Học Yale và Columbia, là tác giả cuốn tiểu thuyết The Book of Salt (2003) – một trong những tác phẩm ăn khách nhất tại Mỹ năm 2003.

Năm 2012, Nhà văn gốc Việt Monique Truong được giải thưởng Man Asian mời vào Hội đồng giám khảo. Tại mùa giải năm đó, Maya Jaggi là trưởng ban giám khảo. Jaggi, người Anh, là nhà báo, nhà phê bình văn học nổi tiếng. Bà từng được mời làm giám khảo nhiều giải thưởng văn học lớn như Orange, Commonwealth Writers… Còn Vikram Chandra là tác giả người Ấn Độ. Ông từng đoạt giải thưởng văn học của Khối Thịnh vượng chung với cuốn Red Earth and Pouring Rain. Tác phẩm “The Garden of Evening Mists” (tạm dịch “Khu vườn sương đêm”) của nhà văn người Malaysia Tan Twang Eng đã giành được giải thưởng văn học danh giá nhất châu Á “Man Asian Literary Prize” 2012 trong đêm trao giải 14/3, tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc).

Được thành lập từ năm 1997, Man Asian là giải thưởng văn học dành cho các tác phẩm viết bằng tiếng Anh hoặc đã được dịch sang tiếng Anh của các nhà văn châu Á. Đối tượng dự giải là những sáng tác xuất bản trong năm trước.

8. Nam Lê (Úc)

namle

Nhà văn Lê Nam sinh năm 1978 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Khi vừa được ba tháng tuổi, cậu bé Nam đã cùng gia đình rời quê hương sang định cư tại thành phố Melbourne, Australia.

Nam Lê đã lớn lên và được đi học như những đứa trẻ bản xứ khác. “Tôi luôn băn khoăn về nguồn gốc của mình và gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè”, anh kể. Dù vậy, Nam Lê đã nỗ lực không ngừng và luôn là một trong những học sinh giỏi của trường. Nam Lê đã tốt nghiệp trung học với phần thưởng là một học bổng để anh học tiếp lên đại học tại trường Đại Học Melbourne.

Tập truyện ngắn The Boat của Nam Lê, tuy là tác phẩm đầu tiên được xuất bản, nhưng đã được giới phê bình tán thưởng. Tập truyện ngắn này bao gồm 7 truyện lấy bối cảnh ở bảy nơi khác nhau trên thế giớI, trong đó có biển Đông. Ở đây cũng xin mở ngoặc là gia đình của Nam Lê đã vượt biên sang trại tỵ nạn ở Malaysia vào năm 1978, trước khi được định cư ở Úc. Khi công bố giải thưởng Dylan Thomas năm 2008, chủ tịch ban giám khảo Peter Florence đã ca ngợi Nam Lê là ”một tài tăng văn chương phi thường”.

9. Nuage Rose (Pháp)

Nuage Rose tên thật là Bùi Thị Hồng Vân, bà sinh năm 1960 tại Hà Nội. Năm 1964, khi Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, cô bé Hồng Vân chỉ mới hơn bốn tuổi đã phải cùng gia đình rời căn nhà trên phố Triệu Việt Vương để về sơ tán tại Hải Dương. Trois Nuage au Pays des Nesnuphars (Ba áng mây phiêu dạt xứ bèo) tái hiện lại khoảng thời gian hơn 10 năm xa Hà Nội đi sơ tán (1964-1975).

Nuage Rose tốt nghiệp khoa tiếng Pháp – Đại học Tổng hợp. Khi còn là sinh viên bà rất yêu thích văn chương. Năm 1984, tác giả sang Pháp định cư. Hơn ba mươi năm sống trên đất Pháp, bà đã làm nhiều công việc khác nhau như nhân viên tòa thị chính, nhân viên bộ Tư pháp, hiện tại bà đang làm việc trong một ngân hàng ở Paris. Chưa bao giờ Nuage Rose làm công việc liên quan đến văn chương hay nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn.

Năm 2008, trong một lần về Việt Nam và tới thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP HCM, Nuage Rose nung nấu ý định phải viết lại những câu chuyện mà mình đã trải qua trong chiến tranh. Ba áng mây phiêu dạt xứ bèo được viết trong gần 5 năm. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện của một cô bé gái về những điều mình đã phải trải qua trong cuộc chiến, nó còn ẩn chứa cả những cảm nhận của một người trường thành về những trang sử hào hùng của dân tộc, tái hiện một giai đoạn lịch sử đáng nhớ. Để viết nên tác phẩm này tác giả cho biết bà đã phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ của các học giả người Pháp và cả người Việt mà bà có thể tìm được ở Paris.

10. Anna Moï (Pháp)

annamoi

Anna Moï tên thật là Trần Thiên Nga, bà sinh năm 1955, trong một gia đình gốc Bắc vào Nam từ năm 1954. Suốt thời thơ ấu bà đã đi và sống ở nhiều vùng đất như Sài Gòn, Buôn Mê Thuột và Hội An. Những năm 1970, bà sang Paris học lịch sử tại trường Đại Học Nanterre. Nhưng sự nghiệp của Anna Moï rẽ sang một hướng khác sau cuộc gặp gỡ với hai nhà tạo mẫu Agnès Troublè và Philippe Guibourgé. Bà quyết định trở thành nhà thiết kế thời trang. Do yêu cầu của công việc tạo mẫu, những năm 1980 tác giả đã có khoảng thời gian dài sống và làm việc tại Nhật Bản và Thái Lan. Chính vì thế, Anna Moï có thể sử dụng 5 thứ tiếng: Pháp, Việt, Anh, Nhật và Thái Lan.

Sau một thời gian dài sinh sống và làm việc tại Pháp với vai trò là nhà tạo mẫu, năm 1992, chị quyết định quay về TP.HCM để bắt đầu sự nghiệp sáng tác. Cho đến nay, chị sở hữu 8 tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết và ký bằng tiếng Pháp, trong đó tác phẩm “Lúa đen” (Riz noir).

Tác phẩm kể về những ngày tháng bi thương của 2 cô gái, 1 người trong đó là bạn học phổ thông của chị khi bị giam giữ và tra tấn tại nhà tù Côn Đảo những năm 1960 của thế kỷ trước. Tác phẩm này khi ra đời đã tạo nên tiếng vang và khiến tên tuổi nhà văn gốc Việt được biết đến nhiều hơn trong giới văn chương Pháp. Vấn đề bản sắc và hội nhập cũng là rào cản khiến cho nhiều tác phẩm nổi danh ở các thị trường sách trên thế giới nhưng lại gần như không được bạn đọc Việt Nam biết đến.

Các tác phẩm của Anna Moï Trần Thiên Nga mặc dù hướng về quê hương và khai thác những vấn đề của Việt Nam đương đại nhưng chưa được dịch sang tiếng Việt. Và thế là, dù đã có trong tay một số lượng tác phẩm tương đối lớn, nhưng những tác phẩm của chị vẫn chỉ thành công ở Pháp và độc giả thường biết đến chị như một tác giả người Pháp hơn là một nhà văn gốc Việt.

Theo Bookaholic.vn

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com