Quyển “Hai Mươi Nhà Văn Hai Mươi Truyện Ngắn,” Ngọc Linh soạn, Phù Sa Sài Gòn xuất bản 1963. (Hình: Viên Linh cung cấp)
Cuốn sách có nhan đề “Tuyển Tập Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995” dày tới 890 trang khổ giấy viết thư gấp đôi (8.50 x 11 phân Anh), được phát hành trong năm 1995, ít được biết tới vì sách bán hết ngay sau đó vài tháng, và chưa từng được in lại.
Lý do khác là sách do một hội đoàn đứng tên xuất bản, và tên tác giả in ngoài bìa không phải một người mà hàng chục người, tức là các tác giả có truyện ngắn in trong sách. Đã thế, “Lời Mở Đầu” của cuốn “Tuyển Tập Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại” (một trong bốn cuốn dùng để viết bài này) dài hai trang không ký tên ai, mà ký tên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại; bài mở đầu cuốn sách cũng thế, dài tám trang, cũng ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
Mặc dù là do tôi viết, song việc thu thập bài vở do hai cây bút nữ thực hiện, đó là Cao Mỵ Nhân và Ngọc Anh, lúc ấy hai cô ở trong ban chấp hành của Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ, tức là Văn Bút Nam California; một trong 12 trung tâm thuộc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, gồm 12 trung tâm ở rải rác từ Âu Châu (Pháp, Đức, Đan Mạch), Bắc Mỹ (Canada: Montréal, Toronto; Hoa Kỳ: Virginia, Houston, California [Orange County, Los Angeles, San Jose, San Diego]…). Cuốn sách trên do tôi viết tựa và viết bài tổng quan, cũng như trình bày bìa.
Trường hợp cuốn trên chỉ là một phần tài liệu dùng để viết bài này, vì để đi tìm 100 truyện ngắn hay nhất, người ta sẽ phải cần đến vài cuốn tập hợp lại. Bài này viết ra vì tôi ao ước thực hiện một “Tuyển Tập 100 Truyện Ngắn Hay Nhất” – dĩ nhiên là truyện ngắn Việt Nam, của các tác giả Việt Nam vừa ở trong nước (vì bắt đầu từ 1954) hay ở hải ngoại (những năm sau 1975), kể cả ở trong nước lẫn hải ngoại.
Bài này viết ra dựa vào bốn tuyển tập của bốn hay năm soạn giả là Ngọc Linh, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Đông Ngạc và Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ, chi tiết sẽ kể ở phần cuối.
Hôm nay tình cờ thấy lại được “Tuyển Tập Truyện Ngắn Văn Bút 1975-1995,” là tuyển tập dày nhất, tôi mới có may mắn có tài liệu để viết bài điểm sách này: một tuyển tập có tới 49 tác giả, có lẽ là dày nhất từ xưa tới nay ở hải ngoại, lại không có thơ chỉ có truyện, đó lại là một đặc sắc khác của cuốn sách. Ta đã có một tuyển tập truyển ngắn thật phong phú về lượng, chưa nói tới phẩm thuộc lãnh vực văn chương.
Tôi mạn phép để kể ra đây tên các tác giả có truyện in trong sách trước khi đi vào chi tiết; không vì sợ dài dòng mà chúng ta bỏ ra một số tên, trái lại, vì nhan đề của nó là “Tuyển Tập Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-1995),” tôi nghĩ ta nên ghi lại cho công bằng, biết đâu nhờ thế mà có khi khiến nảy sinh một cuốn thứ hai kế tiếp cho những truyện ngắn từ 1995-2015?
Sau đây là kiểm kê những cuốn đã có trong quá khứ:
1- “Hai Mươi Nhà Văn Hai Mươi Truyện Ngắn,” Ngọc Linh soạn, Phù Sa Sài Gòn xuất bản 1963.
2- “Tuyển Tập Truyện Ngắn Việt Nam,” Nguyễn Mạnh Côn soạn, Văn Hữu Á Châu xuất bản 1963, 12 truyện của 12 tác giả: Linh Bảo, Nam Cao, Khái Hưng, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Thạch Lam, Nhất Linh, Võ Phiến, Đỗ Tốn, Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, và Nguyễn Tuân.
3- “Tuyển Tập Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại,” Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ xuất bản, Little Saigon, California 1995, gồm 49 truyện ngắn của 49 tác giả, gần 900 trang.
Danh sách 49 tác giả, theo thứ tự con chữ đầu của bút hiệu abc:
bùi bích hà . bùi vĩnh phúc . cao mỵ nhân . diệu tần . du tử lê . duy lam . duy năng . đặng phùng quân . đặng trần huân . định nguyên . hà thúc sinh . hàn song tường . hoàng mai đạt . hoàng thị đáo tiệp . hồ đình nghiêm . hồ minh dũng . hồ trường an . kiệt tấn . lệ hằng . mai kim ngọc . mai thảo . ngọc anh . nguyễn bá trạc . nguyễn đức an . nguyễn mộng giác . nguyễn ngọc ngạn . nguyễn sỹ tế . nguyễn tấn hưng . nguyễn thạch kiên . nguyễn thị long an . nguyễn văn sâm . nguyễn xuân hoàng . nhã ca . phan thị trọng tuyến . quên di . song thao . thái tú hạp . the giang . trần diệu hằng . trần hồng châu . trần long hồ . trần mộng tú . trần vũ . trùng dương . tưởng năng tiến . viên linh . võ đình . võ phiến . xuân vũ.
Trang lý lịch sách vừa chữ Việt vừa chữ Anh cho biết cuốn sách này in tại Annam Printing nhà xuất bản Phương Đông, 2901 S. Main St., Suite A, Santa Ana, CA 92707. Sách không ghi năm xuất bản nhưng có ghi “Copyright @ 1995 by Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ.”
Cuốn thứ ba này gồm 49 truyện, vậy với ba cuốn tuyển tập trên đây ta có tổng cộng 20+12+49 = 81 truyện.
Tới đây còn thiếu 19 truyện nữa, tôi đề nghị dùng các truyện trong tuyển tập toàn tác giả phụ nữ “Mười Hoa Trổ Sắc” của nhà xuất bản Kim Anh, phát hành trong năm 1967, trong in 10 truyện ngắn của 10 nữ sĩ là Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Minh Quân, Minh Đức Hoài Trinh, Vân Trang, Trúc Liên, Đỗ Phương Khanh, Thụy Vũ, Trùng Dương, Hoàng Hương Trang; tới đây ta có 91 tác giả.
Mục đích đi tìm 100 truyện ngắn hay, vậy ta còn phải tìm chín tác giả nữa. Ta có thể tìm trong bộ báo Giữ Thơm Quê Mẹ của nhà xuất bản Lá Bối nghiêng về Phật Giáo và bộ Trình Bày của nhóm Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung nghiêng về Đạo Chúa. Nhóm trên có thể tìm thấy Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Hoài Khanh, Võ Hồng, Nguyễn Đức Sơn…
Trên tạp chí Văn Nghệ xuất bản khoảng 1957, 1958 trở đi, chủ nhiệm là nhà văn Đoàn Tường Lý Hoàng Phong, anh ruột thi sĩ Quách Thoại tức Đoàn Thoại, nổi tiếng với những bài thơ ngợi ca Thiên Chúa và Mẹ Maria trên tờ báo này cũng như ở vài nơi khác nữa.
Năm 1960 tạp chí Thế Kỷ kế tiếp tờ Văn Nghệ – cả hai tờ này có chung các thư ký tòa soạn chủ biên và họa sĩ trình bày là Hoàng Phong và Ngọc Dũng, nên đương nhiên có được sự cộng tác của các cây bút đạo Chúa như Lê Tôn Nghiêm, Lý Chánh Trung, Thanh Lãng…
Như thế, ta có thể tìm ra 100 truyện ngắn Việt Nam chọn lọc từ bốn tờ báo hay tuyển tập người ta đã đăng những truyện ấy, tức là đã được lựa chọn nhiều lần rồi trong quá khứ. Với suy luận như thế, danh sách 100 truyện ấy sẽ được tóm tắt và phổ biến lại, hy vọng quý bạn đọc góp thêm ý kiến, để “Tuyển Tập 100 Truyện Ngắn Việt Nam Chọn Lọc” sẽ có thể trở thành một tác phẩm giá trị điển hình, ít nhất là trong giai đoạn từ 1954 cho tới nay.
Viên Linh
(Nguồn: nguoi-viet.com)