User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

hobieuchanh

Trong bài nầy, chúng tôi thử tìm hiểu ngôn ngữ người Nam kỳ lục tỉnh như đã được tác giả Hồ Biểu Chánh đưa vào trong tiểu thuyết, từ đó hiểu tại sao tiểu thuyết của ông được người đương thời yêu thích và người hôm nay tìm đọc lại. Tác phẩm là một toàn bộ cấu trúc ngôn ngữ và qua toàn bộ hàm súc này, tác giả dựng nên một ý nghĩa, một tổ chức. Nhà phê bình làm công việc nối kết ẩn dụ với hiện thực, tâm lý, ý nghĩa thật, qua ngôn ngữ của tác phẩm. Qua ngôn từ và cách dùng văn, nhà văn bày tỏ cách thế sống của mình, cho thấy những mối liên hệ giữa tác giả với thế giới. Nhà nghiên cứu phê bình qua phân tích sẽ xác định lại những liên hệ và cách thế của tác giả. 

Trước hết, ai cũng biết ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, một phương tiện giao tiếp mà ý nghĩa cũng như sự sử dụng có lịch sử cũng như nguyên do. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng của con người, nên khi đưa vào tiểu thuyết, ngôn ngữ ấy cho thấy tương quan xã hội! Nói ngôn ngữ có tính xã hội là nói rằng tiếng nói đó có biến hóa theo địa lý và thời gian - chúng tôi nói biến hóa mà không nói là tiến hóa, vì nghiên cứu ngôn ngữ là tìm hiểu nguồn gốc, trạng thái, biến hóa, ảnh hưởng, v.v. hơn là cho rằng đúng hay sai, cao hay thấp! Chúng tôi không xét về giá trị của ngôn ngữ sử dụng, không đánh giá đúng sai, mà chỉ xét về mặt văn hóa và văn học của ngôn ngữ sử dụng trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Hồ Biểu Chánh là tác giả khởi đầu sự nghiệp văn hồi đầu thế kỷ XX và là một trong những nhà văn mà tác phẩm đã góp phần làm vững mạnh nền móng sơ khởi cho nền văn học chữ quốc ngữ. Ông được xem là nhà văn sở trường đưa vào trong trong tiểu thuyết tiếng nói thường ngày - còn được gọi là bạch thoại và khẩu ngữ, của người Nam kỳ. Một lựa chọn có ý thức, vì ông theo truyền thống viết như nói, nói như thật nói, nói xuôi, tức không kiểu cách.

Ngôn ngữ là một sản phẩm có tính xã hội, từ ngôn ngữ và qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, người đọc và nghiên cứu sẽ nhận ra một xã hội Nam kỳ buổi giao thời đất nước mất chủ quyền; với những kẻ tai mắt hoặc có quyền hành mới, xã hội của những điền chủ, quan quyền, hội đồng ở thôn quê, của ông Phủ, ông Phán, ông đốc tờ, thầy Thông, cô Ký ở chốn thành thị, bên cạnh những kẻ bán hàng rong, tài xế, những kẻ làm công, cu li, lục lộ, làm công nhật các công xưởng, bàn giấy, cũng như giới điếm đàng, bụi đời, v.v. Với phương tiện ngôn ngữ, Hồ Biểu Chánh ghi lại cái đẹp, cái hay cũng như phơi bày mặt trái của xã hội trưởng giả, những lường gạt, phung phí, những chuyện loạn luân, giết người, cướp của, đoạt gia sản, v.v. bên cạnh những nhân quả, rủi may, chuyện con cái những kẻ sang giàu phải chịu nhiều nỗi gian truân, như những Cẩm Vân trong Vì Nghĩa Vì Tình, Phi Phụng trong Nhơn Tình Ấm Lạnh, Thu Hà trong Khóc Thầm, Bạch Tuyết trong Ai Làm Ðược... Người nghèo cuộc sống thật đáng thương như Trần Văn Sửu trong Cha Con Nghĩa Nặng, Hương Hào Ðiều trong Khóc Thầm, Phục trong Nợ Ðời, v.v.

Vậy, bối cảnh của gần toàn bộ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là các vùng đất thôn quê và thành thị, những nơi chốn khác nhau của miền lục tỉnh. Ngôn ngữ, nhân vật, tâm lý cũng là của con người sống chết với miền đất mới! Bối cảnh tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng là những nơi ông đã sống và làm việc, do đó một mặt tác giả có nhiều ấn tượng, cảm hứng để viết, mặt khác có những nhận xét, hiểu biết thực tế; vì thế nên khi tả cảnh tả người ông đã ghi nhận được những nét tinh tế, linh động và đặc thù địa phương! Ngay từ tiểu thuyết văn xuôi đầu tay Ai Làm Ðược, khởi thảo từ 1912 (được sửa và in năm 1922), ông đã chọn Cà Mau, là nhiệm sở làm việc, làm bối cảnh cho tiểu thuyết. Một chi tiết khác tuy nhỏ nhưng không kém phần đặc biệt là ông đã ghi lại ở cuối tất cả các tiểu thuyết nơi và thời điểm sáng tác.

1. Cá tính ngôn ngữ địa phương

Ngôn ngữ là tín hiệu, nghĩa là có những nét đặc thù, được dùng để nói ra và nói lên điều gì, trong một môi trường, ngữ cảnh (context). Tiếng láy, tiếng dùng ngắt câu hay cuối câu, v.v.  đều là những phương tiện và nằm trong diễn trình biểu hiện, trình bày, ... cũng như những tiếng kiêng kị (thí dụ ánh / yến: yến sáng, yến mặt trời). Hồ Biểu Chánh đã sử dụng ngôn ngữ bình dân, giản dị nhưng không kém phần độc đáo của riêng ông vừa tượng hình, tượng thanh, vừa diễn tả được tâm trạng, tình cảm của nhân vật. Xin ghi lại một số chữ dùng trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: buồn nghiến, huỡn bước, lóng nầy, lẹo chẹo, thẳng búng, nằm dàu dàu, nằm không cục cựa, chau vau, ngồi ngó cững, ngồi chồm hỗm, ngồi xo ro, bươn bả, đi riết, đi nhầu, bươn bả đi tuốt, đi lầm lũi, đứng xớ rớ, đứng dụ dự một hồi, nói mờ ơ, dụ dự không muốn nói, nói bứt, ngó chừng xăn văn xéo véo, ngủ nhầu, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, rụt rịt bên chơn, ngộ, hai bàng tang, ngó chằng chằng, v.v.

Văn giản dị được bổ xung bởi những từ láy, những từ ngữ tiếp âm đơn hoặc ghép, riêng nhưng đầy lí thú của Nam Bộ, gây sống động và đồng thời gợi hình qua âm thanh, hình ảnh: mày mạy, sơ sịa, sâu sia, quanh quứt, tàm làm, nhụt nhụt, râu lún thún, nhảy xoi xói, v.v.

Ngôn ngữ của con người Nam kỳ là một phương ngữ phản ảnh chân dung, hình ảnh địa phương đồng thời phản ánh quá trình lịch sử của sự phát triển một vùng đất, của tiến trình Nam tiến. So với miền Bắc, phương ngữ Nam không có nhiều ngữ âm địa phương, nghĩa là khá thống nhất. Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, nếu ngôn ngữ có khác biệt là do không gian thị tứ hoặc thôn quê. Toàn bộ tác phẩm của ông cung cấp khá nhiều và đa dạng phương ngữ của Nam kỳ. Ngôn ngữ thường nhật và sinh động: ba láp, bãi buôi, hà rầm, nói phang ngang, hỏi phăng, giằn thúc, lượt bượt, láng cháng, lẹo chẹo, mày mạy, trót giờ, gió máy, v.v.

Tiếng nói của thôn quê, rẫy ruộng khá nhiều trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: Nợ Ðời, Lòng Dạ Ðàn Bà, Cha Con Nghĩa Nặng, Con Nhà Nghèo, Lời Thề Trước Miễu, ... Cảnh nghèo bi thương được tả trong Chút Phận Linh Đinh (1928): Thu Vân nghèo đói quá, phải giấu tông tích tìm đến nhà ông Hội Đồng là ba của Chí Ðại là người yêu nhưng không được cưới nàng vì con nhà nghèo, xin việc. Không được đành xin làm gạch sống qua ngày:

" … - Mẹ con tôi nghèo khổ không có chỗ làm ăn, nghe nói ông Hội Đồng giàu có mà lại nhơn đức, nên đến đây xin làm công việc cho ông mà nhờ hột cơm tư. Không biết có ông Hội Đồng ở nhà hôn chú? (…)  Chú làm ơn cho tôi vô, tôi lạy ông, tôi ở ông bắt làm việc chi cũng được miễn là mẹ con tôi có cơm ăn một ngày hai bữa thì thôi.

 - Không có được. Hễ tôi nói không được là không được. Chị đừng có cãi mà. 
(…)

- Tôi muốn làm gạch quá, không biết họ mướn không bà há?

Bà già ấy day lại ngó nàng rồi đáp:

- Mướn, chớ sao lại không mướn.

- Không biết họ mướn một ngày bao nhiêu hở bà?

- Thuở nay có lò gạch nào mướn làm ngày bao giờ. Mình làm trăm làm thiên rồi tính tiền chớ.

- Làm một trăm là bao nhiêu?

- Một trăm gạch là một cắc, đại tiểu gì cũng vậy. Còn ngói một trăm thì tính một cắc hai.

- Một ngày bà làm được mấy trăm?

- Không có chừng, ôm đất, nhồi đất thì lâu, chớ in mà bao lâu. Nếu trời nắng, một ngày làm tới hai, ba trăm.

- Không biết mấy người làm đây họ ăn ngủ ở đâu bà há?

- Ai có nhà nấy chớ.

- Còn mấy người ở xa, không có nhà tại đây họ làm sao?

- Kia kìa, có mấy cái chòi đó, vô đó mà ở. (…)

Nàng dòm coi trong chòi trống trơn; phía tay mặt thấy có một cái chõng mà cái chõng lại khác hơn cái chõng của người ta: sáu cây nạng đóng xuống đất làm chơn, trên gác ba cây ngang rồi phủ vạt tre thưa thưa. Có một chiếc đệm cuốn bỏ trên chõng chớ không thấy mền mùng chi hết. Phía trong có dụm ba cục gạch làm ông táo. Gần đó có để một cái nồi, hai cái ơ, với vài cái chén, vài cái dĩa đá. Tài vật trong chòi chỉ có bao nhiêu đó mà thôi.

Thu Vân thấy quang cảnh như vậy thì nàng đau đớn trong lòng, song nàng chúm chím cười. Vì nàng nghe con nhỏ hồi nãy kêu bà già ấy là "Bà Sáu" nên nàng dắt chước kêu mà nói rằng:

- Cha chả, chòi nhỏ quá như vầy mẹ con tôi ở đây thì cực cho bà lắm, bà Sáu há?

Bà Sáu day lại cười mà đáp rằng:

- Cực giống gì, ăn nhiều chớ ở mà hết bao nhiêu.

- Tối chỗ đâu mà ngủ?

- Có một cái chõng đó chi! Lo dữ hôn.

- Cái chõng nhỏ quá ngủ sao đủ?

- Ngại gì. Như có chật thì tôi để cho hai mẹ con ngủ đó tôi ngủ dưới đất cũng được mà.

- Ai mà nỡ để cho bà ngủ dưới đất…"

Dưới thời thuộc Pháp, thôn quê là nơi bị giao động và thay đổi nhiều nhất, từ nếp sống đến công việc làm và cả đời sống gia đình. Nơi thị tứ, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã ghi lại ngôn ngữ thành thị của đủ giới người, cả giới giang hồ, anh chị bến xe, nhà ga, v.v. cũng như cuộc sống lam lũ nơi các xóm lao động v.v. , trong Nợ Ðời, Ông Cử, Lạc Ðường, .. 

Giới trí thức có tân học hoặc chí khí, có lòng với dân với đất nước, được tác giả trình bày trong Ý Và Tình, Một Ðời Tài Sắc, Tân Phong Nữ Sĩ, Bức Thư Hối Hận, … Hãy nghe một tranh luận về đường lối khai hóa xã hội giữa Vĩnh Thái, một trí thức du học Pháp về, và Lê Hưng Nhơn, đại diện những thức giả nơi thủ đô Nam kỳ, trong Khóc Thầm (1929):

"… - Tôi mới hiệp với mấy ông bạn đồng chí mà lập tờ Quốc Dân báo. Vì tôn chỉ tờ báo chúng tôi là khai thông trí thức bảo thủ lợi quyền kết giải đồng tâm chấn chỉnh phong hóa cho quốc dân (...).

Vĩnh Thái ngồi chim bỉm mà nghe, chừng Lê Hưng Nhơn nói dứt rồi, chàng đáp rằng:

- Ông nói nghe hay lắm, mà theo sở kiến của tôi, thì nhựt trình quốc ngữ in uổng giấy mực, đọc mất ngày giờ chớ không có ích chi hết. (…). Từ hồi nào cho đến bây giờ tôi nhứt định không thèm đọc nhựt trình quốc ngữ. Ðọc đã thất công, mà còn phát giận nữa, để thì giờ lo làm việc khác có ích hơn nhiều.

- Cậu lo làm việc gì mà gọi là có ích hơn? Trong thời kỳ này người Việt Nam ai có chút tâm huyết, ai có chút học thức, cũng đều chăm nom khai hóa nước nhà. Cậu thuộc trong bực thanh niên tân học mà sao cậu không để ý vào việc công ích chút nào hết vậy?

- Ông đừng có nói những tiếng khai hóa và công ích. Tôi đi du học bên Pháp tôi về, mà tôi chưa dám nói khai hóa, tôi quyết chí hy sinh tánh mạng tôi cho xã hội, mà tôi chưa dám nói công ích. Tôi tưởng phải lo làm là tốt hơn chọn lời mà nói. Nói không được thì nói làm chi.

- Té ra cậu đi học bên Pháp mới về sao?

- Phải.

- Tưởng là cậu học lôi thôi, nên cậu không biết lo khai hóa nước nhà, chớ cậu đã có xuất dương du học, thì cái trách nhiệm của cậu đối với xã hội còn nặng hơn của anh em chúng tôi nhiều lắm. Cậu chẳng nên công kích báo quốc âm, cậu phải giúp với chúng tôi, cậu phải đấu cật đâu lưng với chúng tôi mà dìu dắt đồng bào lên con đường tấn hóa..." 

Trong Tân Phong Nữ Sĩ, cô Tân Phong, nhân vật chính, tổng lý báo "Tân Phụ Nữ", đã từ chối lời cầu hôn tuyệt vọng của Vĩnh Xuân, một trí thức tân học:

"…- Ông yêu em, mà ông biết trọng em, thiệt em cảm tình lắm. Phải người có học thức cao mới có thái độ cao như vậy. Em không dám lấy thái độ thấp mà đối với ông, nghĩa là em không dám phỉnh phờ gạt gẫm ông. Đã vậy mà em lại là gái tân thời, hễ nghĩ thế nào thì cứ nói ngay ra, chớ không ưa nói quanh quẹo. Ông hỏi như vậy, em xin trả lời rằng: “Em cảm tình ông lắm, nhưng mà em không thể làm vợ ông được ”.

(…)

- Ông là một nhà bác học, không lẽ em dám cãi việc đời với ông. Nhưng mà theo trí mọn của em con người có nhiều mục đích, chớ không phải hễ làm trai chỉ biết lo cưới vợ hễ làm gái chỉ biết lo lấy chồng đặng lập gia thất rồi sanh con đẻ cháu mà nối dòng, tuy em thuộc trong hạng gái tân thời nhưng em chưa có cái tư tưởng quá khích đến nỗi đạp đổ cả gia đình là cái gốc của xã hội. Song em nghĩ mình đi đường hễ gặp khúc chông gai, thì mình tránh mà kiếm ngã khác bằng thẳng mà đi. Ông đi học thành danh rồi, ông tính cưới vợ để hưởng hạnh phúc. Nếu ngã đường ấy không làm cho ông thấy hạnh phúc được, thì ông bỏ mà đi ngã khác, chớ sao ông lại ngã lòng thối chí, ông lại tính tự vận mà làm uổng cái công phu ăn học của ông, và làm cho cha mẹ buồn rầu thương tiếc…".

Nơi thành thị, bên cạnh là giới trung lưu hoặc buôn bán (Những Điều Nghe Thấy, Tiền Bạc Bạc Tiền, …)  hoặc thầy thông thầy ký làm việc với chính quyền thuộc địa Pháp (Nhơn Tình Ấm Lạnh, Tơ Hồng Vương Vấn,…). Trong Thầy Thông Ngôn (1926), thầy thông Trần Văn Phong quịt tình ái gái quê, cô Sáu Lý:

"… - Té ra thầy nhứt định bỏ tôi mà đi hay sao? Vậy mà hôm trước thề thốt dữ chớ!

- Hôm trước tôi có dè cha mẹ cản trở như vậy đâu.

- Vậy mà dám xưng là trượng phu, xưng là quân tử. Vậy mà dám nói rằng hễ vắng mặt tôi thì buồn rầu chắc phải chết. Trượng phu quân tử gì mà gạt gẫm đàn bà con gái như vậy. Thầy bỏ tôi mà đi Long Xuyên thầy không sợ buồn rầu rồi chết sao?

Thầy thông Phong hổ thẹn không biết sao mà trả lời nên ngồi gục mặt mà chịu. Cô Sáu Lý đứng dậy mà nói rằng:

- Thầy thúi lắm. Làm trai như vậy nên lắt cái mặt mà quăng đi. Tôi biết rồi, thầy gạt tôi, sợ ở đây tôi chửi, nên xin đổi đặng trốn tôi chớ gì. Tôi nói cho thầy biết, thầy gạt tôi không dễ gì đâu.

Cô nói dứt lời liền quày quả đi vô buồng giở rương lấy cái khăn với phong thơ của thầy đưa hôm nọ mà liệng trúng ngay mặt thầy và mắng rằng:

- Đồ khốn nạn! Trả khăn với thơ cho mầy đó. Đi đâu thì đi cho mau. Đừng ngồi đó nữa. Thứ vầy mà cũng xưng là thầy thông! Thông gì! Thông khoan.

Thầy hổ thẹn, mặt mày tái xanh, không nói được một tiếng, thò tay lượm cái khăn với phong thơ, rồi riu ríu ra về. Thầy ra tới ngoài đường rồi, mà cũng còn nghe có tiếng lầm bầm mắng nhiếc…". 

Ngữ khí, một nét đặc biệt của khẩu ngữ, được Hồ Biểu Chánh dùng ở cuối câu hoặc để nhấn mạnh "nà, giống, hôn"mắc giống gì, sợ giống gì, làm giống gì?, sướng giống gì?, còn ức nỗi gì?, bất nhân hôn, dữ hôn, v.v. Dùng để tả số lượng: đa đa, lắm đa, lung lắm, lung lắm đa, v.v. Việc lập lại một từ như mỗi căn ông mỗi dòm vô, và may và hỏi rằng, v.v. cũng trong cùng mục đích để nhấn mạnh.

Khi đối đầu với những từ mới biểu tả những sự vật mới thì Hồ Biểu Chánh theo khuynh hướng miền Nam thường Việt hóa như "bao thơ, nhà dây thép, nhà thơ, bót, nhà đèn, ...". Ông ít dùng chữ Hán dù ông đã để ra ba năm học các sách Tứ Thư và dịch truyện Tàu từ hai tập Tình Sử Kim Cổ Kỳ Quan (1) trước khi khởi sự viết văn. Dù ít nhưng Hồ Biểu Chánh vẫn dùng chữ Hán được Việt hóa theo cách của ông. Thật vậy, tản mác trong các tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh đã dùng những từ Hán: tỵ trần, bài sanh ý (môn bài), đà công (lái ghe), khắc kỳ (định kỳ), phiền ba (phồn hoa) đô hội, tư lương (suy tính), đương môn hộ đối (trong ALÐ) hoặc đương môn đối hộ (trong ÐHT), lộ đồ, lịch duyệt nhân tình, gái trâm anh phiệt duyệt, động dung, v.v. Tác giả Hồ Biểu Chánh còn dùng tiếng bình dân gốc từ tiếng Triều Châu như tía (cha), khị (nó, ông ấy), v.v.

Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nhiều từ xuất phát từ tiếng Pháp là điều không thể tránh được: bu rô, sa lon, áo bành tô, bon, phắt tơ, ba-ton, súp lê, nô te, sô-de, síp-lê, ê-sạt, cu-ly, đít-cua, xẹt, sa-bô-chê, măng sông, săn-đá, cà-ra-hoách, náp, lơ, ... được thực sự sử dụng nhiều vào thời ông. Xin mở ngoặc để ghi nhận là miền Nam thời 1954-1975 đã Việt hóa những từ đó, hoặc dùng từ Hán Việt từ Bắc đưa vào với cuộc di cư 1954 (điểm, diễn văn, chưởng khế, bưu điện, ...), hoặc Việt hóa hẳn (bàn giấy, người đưa thư, ...). Trong khi đó, người miền Bắc vẫn giữ thói quen phiên âm tiếng nước ngoài (thường là vì chưa có tiếng Trung quốc tương đương), gần như trở lại thời của cụ Hồ Biểu Chánh: bốt (poste), com lê (complet), ga tô (gateau), măng tô (manteau), công tơ (compteur), mô típ (motif), li xen sơ (lisence), v.v.

2. Ngôn ngữ một thời

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã ghi lại ngôn ngữ Nam kỳ của một thời cố cựu và đã góp phần tái dựng nên bức tranh xã hội của thời điểm đó. Ngôn ngữ đó được phát xuất từ những con người mộc mạc, thẳng ruột ngựa nhưng tế nhị, thừa biết ăn ở cho phải đạo! Ngôn ngữ ở đây nói chung có tính lạc quan, tính chân thật và ít phức tạp. Chân thật trong cách phát âm theo phương ngữ, dùng từ láy và ngay cả khi phát âm hay viết sai vì phải biến-chế theo hoàn cảnh biến. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã ghi lại nhiều dấu vết có ý nghĩa về diện mạo ngôn ngữ ở một vùng đất và xuyên qua toàn bộ tiểu thuyết của tác giả, đã đánh dâu các chặng đường phát triển của tiếng nói dân tộc nơi đó. Trong số có những chữ tiếng hay cách nói ít gặp hoặc nay hết được dùng: lộn chồng, òn ý, từ mớ, từng khạo (cai), áo củn, chiết báng, dui dụt, ô-dề, mái chính, chạy tờ, giằn thúc, nôm vợ (lấy người đã có chửa làm vợ), hốt tốc (hấp tấp), bam bù, má đụng (=lấy) cậu, nóc giận (nuốt giận, hết giận), xạc lơ (xuội lơ), cượng (chống), v.v.

Trích một cuộc đối thoại trong Đóa Hoa Tàn (1936):

… Ông Bình ngồi uống nước. Bà kéo ghế ngồi ngang đó mà hỏi rằng: "Bữa nay thầy nó đi hầu việc gì vậy?". Ông Bình cười. Ông uống hết bốn chén nước rồi mới đáp rằng:

- Quan Chánh kêu tôi lên mà quở tôi.

- Có chuyện gì mà quở?

- Ngài nói theo tờ của quan Chủ quận thì mấy tháng nay tôi cứ lo việc nhà, không lo thuế vụ nên trễ nải.

- Quan chủ quận chạy tờ hay sao? Có lẽ nào ngài làm như vậy!

- Có thiệt chớ, chạy tờ kín.

- Ngài mới lên ăn cơm với mình hôm chúa nhựt đây mà.

- Ăn cơm thì ăn, còn chạy tờ thì chạy, hai việc đó khác nhau.

- Quan Chủ quận chạy tờ như vậy, rồi quan lớn Chánh nói sao?

- Quan Chánh nói ngài biết tôi có nợ nần nhiều, nên tự nhiên tôi mắc lo nợ mà phải bê trễ công việc. Vì vậy nên ngài không trách gì; song nếu tôi mắc bận việc nhà, không kham chức Cai tổng nữa, vậy thì tôi nên từ chức Cai tổng đi, đặng rảnh rang mà lo việc nhà.

- Ngài nói như vậy, nghĩa là ngài muốn xô đuổi mình chớ gì. Không biết ý thầy nó thế nào, chớ theo tôi thì cũng nên thôi phứt cho rồi, đặng khỏi tiếng nặng nề giằn thúc.

- Bà nó hiệp ý với tôi lắm. Quan lớn Chánh khuyên tôi như vậy thì tôi trả lời tôi cám ơn ngài, rồi tôi ra bàn bếp hầu tôi viết một lá đơn xin từ chức mà đưa cho ngài liền. …"

Trích một đoạn trong Con Nhà Giàu (1931) về chuyện hỏi vợ cho con:

"… -  Má thấy con đó hay chưa?

- Mà (á) nghe họ nói chớ chưa ngó thấy. Họ nói con nhỏ đó giỏi lắm khéo léo lắm.

- Không được đâu má. Con gái vườn quê mùa khó chịu lắm. Tôi muốn má nói con ông Phán Hương má cưới cho tôi. Cô ấy ngộ mà dễ thương lắm …". 

Ngoài ra, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có những câu văn cổ kính do truyền thừa Nho học, cũng như xen lẫn một số lối nói bóng bẩy và có vần có đối của thời ông. Ðây là lời tâm sự của một cô gái, Bạch Tuyết, với người bạn Chí Ðại lâu ngày gặp lại:

"Con gái người ta có cha yêu, mẹ mến, từ mới biết đi biết nói cho tới chừng khôn lớn nên người, trong nhà sẵn có mẹ dạy dỗ, cha răn nghiêm, tự nhiên quen thói tục cao sang, tự nhiên nhiễm gia phong thuần hậu. Ông ngoại tôi, thì trìu mến yêu thương, mà một vài tháng mới gần gũi được một lần, hễ gặp mặt thì ông ngoại tôi khóc hoài, nên cũng không dạy dỗ chi được…" (Ai Làm Ðược).

3. Cách dùng chữ

Hồ Biểu Chánh có những hình dung từ đặc biệt kết hợp với thể trạng từ đã làm đậm sắc thái của nghệ thuật dùng chữ bình dân trong tiểu thuyết của ông: sáng hoắc, bầu trời xanh lét, đơm bông vàng khè, đỏ trõm lơ, đen thui, đen nhùn nhục, đỏ hực hỡ, chau vau, dục dặc; hoặc có những phối hợp giữa danh từ và hình dung từ để nhấn mạnh một hình ảnh độc đáo hay một tình trạng éo le nào đó: mặt chừ bự, đầu chơm bơm, đầu cổ chờm bờm, lỗ tai lùng bùng, cặp mắt cháng váng, trong lòng xốn xang, nước da mởn, xũ xọp, ké né, v.v. Chữ dùng màu mè một cách giản đơn, nhưng vừa hài thanh vừa tượng hình bằng kỹ thuật dùng những tiếng đôi, tiếng tư điệp âm, như trong Cha Con Nghĩa Nặng (1929): áo đen nhùng nhục, gò má nó tròn vìn, (Thị Lựu) tánh bồng chành, bốc chách, trâu đi dưới ruộng ní na, ní nần, mấy đứa chăn cỡi trên lưng hát rấm ra rấm rít, v.v. 

Bình dân trong cách đặt tên cho nhân vật: Thằng Ðược, Thằng Cu, Con Lựu, Lê Văn Ðó, Lê Văn Ðây, v.v. hoặc tên theo vai vế thường dùng trong Nam: Ba Ðiệp, Sáu Lý, Hai Liền, ... - bên cạnh cách tác giả đặt tên theo phẩm tính, đạo đức như Trần Bá Vạn, Hiếu Liêm, Chánh Tâm, Thủ Nghĩa, Châu Tất Ðắc, Võ Lộ, Nguyễn Tự Cao, ... 

Hồ Biểu Chánh đặc biệt trong việc sử dụng tiếng xưng hô bằng từ biến thể trong trạng thái hợp âm: thẩy (thầy ấy), cổ (cô ấy), cỏn (con ấy, HBC chỉ dùng để gọi vợ của em trai hay vợ của con trai), thẳng (thằng ấy, cũng như cỏn, chỉ dùng để gọi chồng em gái hay chồng con gái), bây (ngôi hai, số nhiều và ít), v.v. hay những tiếng thường dùng trong Nam: tía, má nó, sắp nhỏ, má sắp nhỏ, qua (ngôi thứ nhất), hay trong giới theo Tây, xưng gọi là toa, mỏa, ma femme (ngôi thứ ba), v.v. Một bà Phủ kêu con làm hội đồng: "Hội đồng, thức dậy nào. Có anh Cai với cỏn qua với tao đây nè!" (Tỉnh Mộng); hay một bà mẹ khác là Kế Hiền, bình dân hỏi con trai Thượng Tứ: "Không có cỏn về hay sao?" (Con Nhà Giàu); hay một hỏi thăm khác: "Này, còn chuyện của sắp nhỏ, chú thím liệu sao?" (Một Ðời Tài Sắc), v.v. 

Ngôn ngữ rõ là chân phương và giàu hình ảnh cụ thể, trực tiếp, cả để diễn tả những tình cảm, tư tưởng (buồn nghiến), v.v. Chân phương để phản ánh đúng cách nói của người Nam Kỳ mà Hồ Biểu Chánh đã dùng thật nhiều từ chuyển hóa như phiền ba (phồn hoa) hiệp ý (hợp ý) xao xiến (xao xuyến), chính chiên (chính chuyên) hoặc dùng từ đọc trại vì sự kiêng kỵ hay do ảnh hưởng của phương ngữ: yên (an), hường (hồng), nhơn (nhân) tình, đờn (đàn), … Ðối với người vùng khác thì nghĩ đấy là những chữ viết sai!

4.  Ngôn ngữ và kỹ thuật tiểu thuyết

Hồ Biểu Chánh dùng chất liệu tiếng nói của dân chúng hằng ngày sử dụng ở nhiều vùng đất rộng lớn để xây dựng ngôn ngữ tiểu thuyết với phương tiện kỹ thuật tiểu thuyết và cách hành văn trong sáng của Tây phương, từ đó sáng tạo nên ngôn ngữ của nghệ thuật làm khác ngôn ngữ của cuộc sống. Hơn nữa Hồ Biểu Chánh đã khéo léo lồng ngôn ngữ, lời nói, lối nói của các nhân vật trong một khung cảnh tiểu thuyết, phân bố cục chặt chẽ chứ không trống trơn, bỏ rơi theo lối kể chuyện. Như vậy nói ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu cũng có nghĩa là văn nếu trau chuốt quá độ sẽ thành giả tạo, xa hiện thực cuộc sống - như văn Mai Thảo thời Sáng Tạo hay văn thơ hũ nút hoặc dùng nhiều điển tích không ăn nhập gì đến thực tại được nói đến! 

Ngôn ngữ và kỹ thuật diễn tả tình yêu. Một cảnh tình tứ sau cơn giông bão ghen tương trong Ái Tình Miếu (1941):

"… Phúc thấy vợ đương ngồi bình tịnh, sắc mặt buồn hiu, cặp mắt ướt rượt, thì kéo ghế ngồi khít một bên, rồi nắm tay vợ mà nói: "Qua xin em tha lỗi cho qua. Vì qua thương em quá nên nổi ghen, rồi nghi bậy làm phạm đến danh giá trong sạch tiết tháo cao thượng của em. Từ rày anh sẽ thương em bội phần, thương dư như vậy đặng đền bồi cái lợt lạt của qua mấy tuần nay. Em sẵn lòng tha thứ cho qua hay không?

Cô Lý nhích miệng cười chúm chím, sắc mặt sáng lòa. Cô đưa bức thơ của Phúc lên mà ngó rồi xếp lại, thủng thẳng xé to xé nhỏ mà quăng trước mặt. Phúc thấy cử chỉ ấy thì biết vợ đã hết phiền mình, nên hớn hở nói:

- Phải, em xé bức thơ khốn nạn của qua mà bỏ đi, để làm gì. Bức thơ của em mới đáng dể dành. Qua để trong túi áo đây. Qua sẽ cất kỹ để làm bùa trừ chứng bịnh cũ của qua và để kỷ niệm sự tái sanh ái tình của vợ chồng ta."

Cô Lý thơ thới trong lòng nên dựa đầu vào vai chồng. Phúc lấy khăn mu xoa mà lau nước mắt vợ…".

Còn đây là ngôn ngữ của kẻ cướp lộng hành nơi thôn dã, trích Ngọn Cỏ Gió Ðùa (1926):

"- Có con nhà ai ngộ quá bây; áp bắt nó đem về trại. May dữ hôn, tao chưa có vợ, vậy để tao bắt con nầy làm vợ chơi (…) Tha cái gì? Ta bắt về làm vợ, chớ ai chém giết gì hay sao mà biểu tha. (…)" 

Thật vậy, chính ngôn ngữ sử dụng đã giúp Hồ Biểu Chánh khám phá con người cùng tâm lý, tư tưởng. Cùng với ngôn ngữ, các cử chỉ, diện mạo, thái độ, hành động, v.v. của nhân vật đã giúp tác giả diễn tả nội tâm và lột trần được tâm lý các nhân vật - điển hình trong Ngọn Cỏ Gió Ðùa, Nợ Ðời, Tiền Bạc Bạc Tiền, Chút Phận Linh Ðinh, v.v. dù tỏ ra chưa đủ bề sâu trong một số ít tiểu thuyết khác. Tình tiết thường thật thà, nhẹ nhàng và cá tính nhân vật đơn điệu - có thể vì con người thời tác giả như vậy, chưa phức tạp, rối rắm hàng hai hàng ba hay muôn mặt như sau này? Trong trường hợp Hồ Biểu Chánh, rõ ràng là ngôn ngữ của nhân vật đã ảnh hưởng đến lời văn diễn tả của tác giả, đến kỹ thuật dựng truyện. Lời văn thiệt thà như tiếng nói của người dân thời đó nhất là ở những chốn thôn quê và miệt vườn, và kỹ thuật của một tác giả có lòng nhân ái! Ngôn-ngữ thực là cách tả chân khéo nhất, hình thức có đơn sơ thì cũng vì con người đơn sơ! Thực vậy, Hồ Biểu-Chánh không chú trọng làm văn-chương thuần túy. Lấy Ai Làm Ðược làm thí dụ, ông gọi đó là "tiểu-thuyết tả chân", trong khung cảnh đất Cà-Mau, một thử nghiệm đầu tiên sau khi đọc Thầy Lazarô Phiền, Phan Yên Ngoại Sử và Hoàng Tố Oanh Hàm Oan như chính ông đã kể lại trong hồi ký (2). Thật vậy, trong tiểu-thuyết Hồ Biểu-Chánh, văn chương giản dị, tác-giả kể chuyện hơn là tả chuyện, làm văn hoặc khai thác tình tiết rối rắm. Không rối rắm lắm vì ở ông, tình tiết, diễn tiến thường được thuận theo lý-giải hoặc lẽ Trời, lẽ đương nhiên, nhân quả, thiện thắng ác dù trễ tràng và tình gia-đình, tình người luôn thắng thế. Thời gian diễn tiến thường theo chiều thuận. Nói chung, kết có hậu và thường tác-giả không quên "thưởng phạt" các nhân-vật! Truyền thống "thiện ác đáo đầu chung hữu báo" khiến lúc nào cũng có hai phe phía thiện-ác được thể hiện qua ngôn-ngữ cũng như hành động của nhân-vật. Hai loại nhân-vật lẫn trong tập thể các nhân-vật thuộc nhiều giai-tầng xã-hội, tức trong đơn điệu (lưỡng đầu) vẫn có đa dạng, nhờ cách dùng chữ và ngôn-ngữ đã làm phong-phú tình tiết, diễn-tiến và nội-dung.

Từ Trương Vĩnh-Ký, Hồ Biểu-Chánh đã tiến thêm một bước, tự nhiên hơn, trơn tuột hơn. Trong các đối thoại đã có dàn dựng, có kịch tính; bàn tay tác-giả đã phong phú hóa ngôn-ngữ và tương-đối đã văn-chương hơn, bớt luộm thuộm, bớt Tàu quá! So với Nguyễn Trọng Thuật (Quả Dưa Ðỏ, 1925) và Hoàng Ngọc Phách (Tố Tâm, 1925) hoa mỹ, cầu kỳ, trừu tượng và cả thi vị ra sao thì Hồ Biểu-Chánh tự-nhiên và giản dị bình dân bấy nhiêu. Ngôn-ngữ tiểu-thuyết của Hồ Biểu-Chánh sẽ được những Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, ... tiếp nối đến gần tiếng Việt thống-nhất của cả nước, theo đó, những tiếng dùng cuối câu dần biến mất. Thật vậy, ngôn-ngữ văn-chương Việt Nam được Tây phương hóa rồi hiện đại hóa, từ Phan Khôi, Tự-Lực văn-đoàn đã đi đến nhóm Sáng-Tạo rồi trở về căn bản Việt Nam đồng thời liên tục tiếp tục đón nhận những trào-lưu văn-chương mới. Vậy, phải chăng tự nhiên, giản dị là thấp kém và văn-chương hoa mỹ cao quý hơn? Hồ Biểu-Chánh tự nhiên và giản đơn của con người có văn-hóa thời đại của ông chứ không phải là thô-thiển, hạ cấp! Các nhân-vật thấp hèn trong tiểu-thuyết của ông có người ác-độc hay cộc cằn ở một hoàn cảnh nào đó nhưng không thô lỗ và mục đích của tác-giả không ở chỗ gợi dục vọng và đề cao cái ác!

5. Truyền-thống hành văn như lời nói và tiếng Việt ròng

Như đã nói, văn Hồ Biểu-Chánh thuộc truyền-thống hành văn trơn tuột như lời nói. Lối viết trơn tuột này thể hiện trong ngôn-ngữ đối thoại của các nhân vật đã đành, mà còn cả trong văn truyện và mô tả cảnh tình, tả tâm lý. Truyền thống "nói thơ Vân Tiên" đặc-thù của miền Nam, rồi các truyện thơ và vè bình dân như Thơ Thầy Thông Chánh, Thơ Cậu Hai Miêng, v.v. tức những văn nói và trình diễn, với đám đông. Văn phong của Hồ Biểu Chánh là từ truyền-thống đó, căn bản trên tiếng nói mà dân chúng phía Nam thường dùng hàng ngày. Dù lúc đầu và thỉnh thoảng trong tác-phẩm ông dùng lối văn biền ngẫu, như trong Ai Làm Ðược(1912), Nhơn Tình Ấm Lạnh (1925), v.v. và đã khởi nghiệp văn với truyện thơ lục bát, U Tình Lục (1909, xuất-bản 1913) và Vậy Mới Phải (1913)!

Trích Ai Làm Ðược, tiểu-thuyết văn xuôi đầu tay viết năm 1912, để thấy rõ đặc tính:

"- Thưa bác, lời bác nói rất phải, tuy vậy cháu là kẻ hèn hạ, lại tuổi đáng con cháu, nên cháu đâu dám đồng bàn với bác.

- Ối ! Còn luận tuổi tác mà làm gì! Tôi mời thì trò em cứ việc ngồi, cung kính bất như phụng mạng.

Cậu trai ấy ké né kéo ghế ngồi sụp phía sau, Khiếu Nhàn không cho, một hai cứ biểu ngồi ngang mà thôi."

Một đoạn khác trong cùng tiểu-thuyết:

"Ông (Quan Phủ) vừa đánh vừa nói rằng:

- Mầy lấy thằng Chí Ðại làm nhục nhã tao, tội ấy tao chưa nói, bây giờ tao định gã(ả) mầy cho mầy khỏi mang tiếng xấu, mầy lại làm hơi khôn lanh, muốn chống cự với tao nữa à." 

So sánh với những đối đáp trong Con Nhà Giàu (1931), giữa bà Kế Hiền xúi con trai là Thượng Tứ lấy vợ giàu hơn:

"- Tôi nghèo cực gì mà phải chui đầu theo bên vợ đặng ăn chực? Tôi không thèm đâu.

- Con đừng có nói dại. Con giàu mà được vợ giàu nữa thì càng quí chớ"

(...)

"- Cơm nước rồi, thôi con sửa soạn đi về bển đi. Con đi từ hồi hôm cho đến bây giờ, anh chị không biết con đi đâu, chắc là anh chị trông lắm.

- Trông thì trông, có hại gì mà má lo.

- Vậy chớ hồi hôm con đi, con có nói con về bên nây hay không?

- Không.

- Con không nói cho người ta hay, con đi biệt như vầy, người ta lo chớ.

- Họ lo giữ tiền, chớ có biết lo giống gì.

- Con nói sao vậy! Dầu mà họ có lo giữ tiền đi nữa, ấy là cái phước của con, chớ sao con lại trách người ta. Cần cho họ giữ đặng ngày sau có mà để lại cho vợ chồng con chớ.

- Má cứ ham tiền hoài! Tại má ham tiền nên tôi mới mắc một con vợ như vậy đó!

- Vợ sao? Cha chả! Vợ như vậy, con còn chê nỗi gì! Phải, nó đen đúa thiệt, nhưng mà coi mặn mòi, chớ không phải xấu xa gì đó.

- Tốt với má chớ tốt với ai. Ði ra thấy người rồi dòm lại nó mà mắc cỡ...".

Ðây là khuynh hướng khởi từ những nhà tiền phong khởi xướng nền văn học chữ quốc ngữ: Trương Vĩnh Ký với Chuyện Ðời Xưa (1866), Nguyễn Trọng Quản (Thầy Lazarô Phiền, 1887, "dụng lấy tiếng thường mọi người hằng nói"), Trần Thiên Trung (Hoàng Tố Oanh Hàm Oan, 1910, "dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu đặng"), v.v. - nếu chỉ xét văn bản có tính văn-chương như truyện và tiểu thuyết thời tiền phong này. Trương Vĩnh Ký bước đi bước đầu khi chủ trương viết tiếng "An Nam ròng" áp dụng trong tập Chuyện Ðời Xưa với ngôn ngữ ngoài đời, với những đối thoại và cách ngắt câu! Tiếng "An Nam ròng" này, chúng tôi đã có lần chứng minh không phải là tiếng "nhà Chung" như có người vẫn hiểu lầm (3)! Nói như Linh Mục Thanh Lãng, "Chủ trương của Trương Vĩnh Ký cũng là chủ trương của các văn gia miền Nam: chống đối văn đài các miền Bắc ...)"(4).  

Nam tiến và hội nhập đã khiến tiếng nói lưu dân nơi vùng đất mới đã phải cập nhật theo hoàn cảnh sinh hoạt và môi trường địa lý mới và khác. Những "hội nhập" này khiến chữ viết Nôm trong Nam đã có những biến hóa, cấu trúc khác đi theo phát âm, lối viết và phương ngữ Nam kỳ, ngay cả chữ Hán cũng bị Hoa-hóa và Nam-hóa. Từ đó như tạo thành một "thứ" tiếng Việt của miền Nam lưu dân mà từ lâu nay vẫn bị xem là bên lề, chưa chuẩn, không chính thức! Mặt khác, cùng trường hợp với văn học Việt Nam trước khi có chữ quốc ngữ đã có hai dòng bình dân và bác học "nói chữ", nếu tiếng Việt trước 1920 đơn giản, bình dị thế nào thì tiếng Việt canh tân sau 1920 trừu tượng hơn nhiều, dù từ những thế kỷ XVII đã có nhu cầu sáng chế nhiều từ Hán Việt và từ Tây phương hóa (phiên âm theo tiếng Tây phương) để theo kịp đà tiến hóa và tiếp xúc với Tây phương. Nhưng với Nam Phong tạp chí và Phạm Quỳnh thì trừu tượng đến làm tối tiếng Việt, cũng như khuynh hướng dùng chữ của Trung quốc ở trong nước từ nhiều thập niên qua! 

Nghiên cứu ngôn ngữ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã vô tình làm công việc ngôn ngữ học lịch sử và nghiên cứu về con người lục tỉnh. Ngôn ngữ được tác giả dùng để viết tiểu thuyết, để tiểu thuyết hóa một tình huống, để kể lại cái gì, nhắm điều gì. Sự việc nói ra, cách nói, phát ngôn, trong một văn cảnh mà thành câu chuyện, tiểu thuyết, tức trở thành văn bản. Ngôn ngữ còn là một cấu trúc tinh thần vì là biểu hiệu hiện thực của một hệ thống ký hiệu, não trạng, là hiện thực trực tiếp của tư tưởng, là bề mặt của một nội dung, bề sâu! Ngôn ngữ ở đây được nghiên cứu như một tổng hợp có ý nghĩa. Ngôn ngữ là một hệ thống xuất phát từ nhiều yếu tố siêu hình và thực tại. Tất cả khiến cho tiếng nói có những đặc điểm riêng và chung. Áp dụng cách phân tích đó vào tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã là một thích hợp đáng kể!

Ngôn ngữ tiểu thuyết ghi chép lại lời nói và sinh hoạt của con người ở một hoàn cảnh và địa lý! Ngôn ngữ có cái giá trị văn hóa, vì ý nghĩa thay đổi tùy vùng, tùy sự sử dụng. Do đó có khác biệt về mục đích cũng như hiệu quả tùy theo người viết  hay nói và cũng từ đó mới có phân biệt những loại văn bản hay tiếng nói dùng nhiều tiếng cổ, tiếng Hán-Việt, tiếng nôm na, hoặc tiếng phường tuồng, cải lương, giới anh chị, nhà quê, thượng lưu quí phái, lai căn, v.v. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, làm văn hóa với người đồng thời, cả với người trước và sau, các thời đại trước sau! Lời nói ra nếu không thành ngôn ngữ tiểu thuyết hoặc một hình thức sao chép, nghệ thuật hóa khác, như tục ngữ, ca dao chẳng hạn, thì đã biến mất với thời gian và đã không ảnh hưởng gì đến xã hội cũng như tiến hóa văn học!

Ngôn ngữ như vậy rõ là dấu ấn của con người, địa phương, xã hội cũng như quốc gia! Ngôn ngữ là sản phẩm của quá khứ để lại, nên hôm nay nếu người đọc thưởng thức tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, họ sẽ tìm thấy một thời đại đã qua với con người cũng như văn hóa, tâm lý, cư xử, ... của con người thời đó! Một số tiểu thuyết tiêu biểu của Hồ Biểu Chánh gần đây cũng đã được diễn thành phim bộ như Ngọn Cỏ Gió Ðùa, Con Nhà Nghèo, Nợ Ðời, Chúa Tàu Kim Quy, ... trong đó các nhà làm phim đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Các cách phát âm đặc thù như rung lưỡi, những âm V (W), DZ (J), những phát âm sai, lẫn (nếu so với tiếng Việt nguyên thủy hoặc từ Ðàng Ngoài) đã được diễn viên cố tình duy trì, đã tạo nên nét đặc thù của miền đất. Ngôn ngữ xưa mà vẫn thu hút người đọc (và người xem) như tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, phải chăng do ở những cái đã mất mà thân thương, đã cũ nhưng dấu ấn và vết tích hãy còn có thể nhận ra, phát hiện lại, hay phải chăng do phong vị hãy vương vấn đâu đó, như ngôn ngữ trong các tiểu thuyết đó?

Nếu văn hóa là nền tảng của tinh thần thì ngôn ngữ là biểu hiện của cái nền tảng đó. Chất Việt Nam ở tinh thần đạo lý chuyển tải, ở mục đích giáo dục quần chúng, dạy điều đại nghĩa, điều nhân, điều phải và tốt! Ngôn ngữ của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã có những tác động văn hóa ở thời của ông mà cả ngày nay với hiện tượng trở về, tìm về tiểu thuyết của ông.

Chữ Hán ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ đã là ngôn ngữ văn hóa và văn học gần như duy nhất, đến khi người Pháp chiếm nước ta bắt đầu từ miền Nam đã muốn phân biệt, kỳ thị hai thứ chữ: một bên chữ Hán được xem là ngôn ngữ của văn hóa và văn học, là gia tài văn hóa, đạo lý chung của Á châu và Việt Nam, bên kia là chữ quốc ngữ bị xem là chữ bình dân thông dụng (đọc công văn!). Nhưng điều đã xảy ra, đó là Hồ Biểu Chánh tiếp nối các vị đi trước như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Trần Thiên Trung, v.v. và đã thành công biến thứ chữ "thấp kém" đó thành chữ của văn hóa và văn học qua các công trình báo chí, biên khảo và sáng tác. Ngoài ra, khuynh hướng giáo dục quần chúng do đó đã lộ rõ trong nhiều tác phẩm của thời khởi đầu này. Hồ Biểu Chánh kể trong "Ðời của tôi về văn nghệ" rằng ông viết tiểu thuyết với ý muốn cảm hóa quần chúng theo con đường chính trực (5). Giáo dục quần chúng, đề cao những giá trị truyền thống của dân tộc như lễ nghĩa, nhân đạo, thuyết nhân quả. Ðối với Hồ Biểu Chánh và một số nhà văn tiền phong miền Nam, tác phẩm được viết không cốt yếu để đưa ra những lý thuyết cao siêu trừu tượng, những diễn văn dao to búa lớn rỗng nội dung, mà như chỉ để chứng minh những truyền thống, tư tưởng luân lý ngàn đời hãy còn sống động và có giá trị, cũng như để vẽ chân dung những nếp cũ phong hóa đặt trong môi trường giao-động, giả-chân của một thời buổi phải tiếp-xúc đối đầu vớ văn-minh Tây-phương trong vị-thế yếu . 

Vậy một mặt không thể cho rằng tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là những áng văn chương toàn mỹ cho người viết và đọc thời nay, nhưng mặt khác phải nhìn nhận tiểu thuyết của ông vẫn hấp dẫn một phần người đọc hôm nay vì tác giả đã thành công phản ánh thời đại của ông, vì ông đã vẽ lại, đã bỏ vô bộ nhớ của lịch sử, những con người và nhân vật Nam kỳ thời đầu thế kỷ XX. Hơn nữa, có thể xem như Hồ Biểu Chánh đã đóng góp tích cực cho diễn trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đem ngôn ngữ nói thường ngày vào văn chương. Khi viết tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh đã tự hào truyền thống văn hóa đồng thời chủ ý canh tân; bình dân dễ hiểu nhưng đặt trong khung cảnh văn học, tiểu thuyết! Ngôn ngữ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có tính cách hệ thống nhưng tự nhiên, đã đáp ứng lòng mong đợi của độc giả thời ông mà còn cả cho sau này. Từ ngôn ngữ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, người đọc hôm nay có thể nhận diện ra được con người của một thời đại.

Như vậy, tiểu thuyết của Hồ Biể -Chánh rõ là có mục đích văn hóa, giáo dục chứ không phải là văn chương tiêu thụ. Hồ Biểu Chánh viết cho đồng bào Nam kỳ của ông, họ cần cả văn và đạo (trong khi Hồ Biểu Chánh làm báo và viết nghị luận là nhắm đồng bào khắp Nam - Bắc!). Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có thể xem là một bộ lịch sử phong tục về một miền Nam kỳ lục tỉnh thời của ông vì qua đó ngoài những phản ánh đạo đức luân lý, truyền thống tập quán, người đọc đời sau còn hiểu được quá trình quan hệ với nước ngoài qua bình diện ngôn ngữ, tức là qua những từ ngữ ngoại lai mượn từ Hán tự, Hoa ngữ truyền khẩu và Pháp ngữ phiên âm. Cái làm nên phong-cách tiểu-thuyết Hồ Biểu-Chánh đó là ngôn-ngữ sử-dụng, câu văn viết, từ ngữ riêng và phương-ngữ và ở lối tả chân và tự nhiên! Tất cả đã góp phần tạo nên ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh! Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của chập chững dò dẫm bước đi với những văn bản quốc ngữ đầu tiên, phôi thai, đơn sơ, nếu Nguyễn Trọng Quản Tây phương nhanh hơn con người thời đại, thì Hồ Biểu Chánh đã vững bước hơn, vừa Tây hóa kỹ thuật, vừa bảo tồn sắc thái dân tộc cũng như địa phương, vừa mô phỏng (những tiểu thuyết phỏng dịch) vừa sáng tạo, chính là nhờ ngôn ngữ sử dụng trong tiểu thuyết của ông vậy! Do đó, muốn hiểu con người và văn hóa miền Nam, không thể bỏ qua tác phẩm của Hồ Biểu Chánh!

Nguyễn Vy Khanh, 2-2005

Chú thích:

1- Sau xuất-bản với tựa Tân Soạn Cổ Tích (1910) cùng Giáo Sỏi Ðỗ Thanh Phong.

2. Nguyễn Khuê. Chân Dung Hồ Biểu Chánh (Sài Gòn: Lửa Thiêng, 1974), tr. 32.

3. Nguyễn Vy-Khanh.  "Tiếng Việt qua một số tác-phẩm". Văn-Học Và Thời Gian (Westminster CA: Văn-Nghệ, 2000), tr. 62-91.

4. Thanh Lãng. "Hồ Biểu Chánh". Văn (Sài Gòn), 80, 15-4-1967, tr. 16.

5. Nguyễn Khuê. Sđd. Tr. 33.

Nguồn: Hồ Biểu Chánh – người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2006, TPHCM.

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com