“Ôm em trong tay
mà đã nhớ em ngày sắp tới”
Ngày Thứ Tư breaking news, khi tin tức các báo và Internet đã chuyển đi là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã mệnh chung vào lúc 10:30 giờ sáng (PST hay giờ Cali), vào ngày 22-3-2006 tại tiểu bang Minnesota, vì chứng bệnh ung thư phổi. Tôi được tin nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã khuất bóng, mà lòng buồn và nuối tiếc vì thêm một nhân tài của nền văn học Việt Nam lại ra đi theo luật thiên nhiên. Tôi nhớ những bài thơ vô cùng lãng mạn của ông.
“Ôm em trong tay
mà đã nhớ em ngày sắp tới”
Tôi sinh hoạt trong Văn Đàn Đồng Tâm do hai nhà văn niên trưởng Doãn Quốc Sỹ và Tạ Xuân Thạc sáng lập tại Houston. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ kể tôi nghe về nhóm Sáng Tạo khi xưa do ông và các thân hữu thành lập sau khi di cư vào miền Nam. Trong các thân hữu của ông thì có nhà văn và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Và rằng Thanh Tâm Tuyền là một trong người cổ xúy cho phong trào thơ mới, theo thơ của các nhà thơ Pháp như Apollinaire, Beaudelaire, Lamartine, Alfred de Musset,... Đôi nét về tiểu sử của Thanh Tâm Tuyền thì ông có tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 15-3-1936, ra đời tại Vinh tỉnh Nghệ An, từ Bắc di cư vào Nam năm 1954. Ông là cựu sĩ quan VNCH, và là cựu tù nhân chính trị định cư tại Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ. Các tác phẩm tiêu biểu của Thanh Tâm Tuyền gồm “Tôi Không Còn Cô Độc” (1956), các tuyển tập “Bếp Lửa” (1957), “Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” (1964), “Khuôn Mặt” (1964), "Ba Chị Em" (1967), “Tiếng Động” (1970) và “Thơ Ở Đâu Xa” (1990).
Sau tin buồn về Thanh Tâm Tuyền, tôi có may mắn nhận được ấn bản in lại cuốn Giai phẩm Văn xuất bản tại Sài Gòn năm xưa, tức tháng 10 năm 1973, một tuyển tập viết đặc biệt về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền do nhóm chủ biên Nguyễn Đình Vượng ấn hành, sách dầy 112 trang, gồm những bài do chính Thanh Tâm Tuyền và các thân hữu viết. Nhà văn Trần Hoài Thư từ New Jersey cho tái bản lại như nguồn tài liệu hiếm quý chỉ để tặng bạn bè. Trong Giai phẩm Văn, ở trang 16 có bài viết rất lý thú của nhà văn Nguyễn Quốc Trụ tựa đề là "Đọc Thanh Tâm Tuyền". Trong phần nhận định tác phẩm "Bếp Lửa" của Thanh Tâm Tuyền, tác giả nhận định là:
"Trong số những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa có lẽ đã làm phiền tác giả cũng như người đọc nhiều nhất, mặc dù cuốn sách được "viết một hơi, khoảng đâu hai ba tháng, được in ngay sau khi viết, không có một quảng cách dể kịp lùi, nhìn lại"...."
Và lời của Thanh Tâm Tuyền thố lộ nơi trang 19 vào tháng 3, 1973, ông viết là: "Mười bảy năm qua, kinh nghiệm dạy cho tôi lời của Malraux là đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một cuốn sách. Lần này tôi quyết định đề là ấn bản chung quyết. Tôi hiểu là đã đến lúc nên viết những quyển sách khác", (Bếp Lửa, Tựa lần bốn). Bởi vì do câu nói của Malraux: "Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết".
Thanh Tâm Tuyền đọc nhiều tác giả mà ông dẫn dụ trong văn ông từ André Breton đến André Malraux. Nhà văn André Malraux vốn là mẫu người trí thức chủ trương hành động, say mê phiêu lưu, một nhà văn hóa, và cũng là nhà triết tư tưởng học. André Malraux sáng tác rất nhiều tác phẩm văn chương thượng thặng, rất đa diện, thuộc nhiều lãnh vực chuyên môn, ông đào sâu thân phận bi thương, tinh thần cao cả của con người và những giá trị về tình đoàn kết giữa người và người, ông cũng đề cao lòng quả cảm và sự đạo đức lương tri. Vì thế nên Thanh Tâm Tuyền viết lên những điều vì lòng quả cảm, vì lương tri con người như nỗi niềm của ông như trong bài "Sợ Lửa", viết Bạt cho sách Doãn Quốc Sỹ được đăng trong tờ báo Sáng Tạo, số 4 tháng Giêng năm 1957 thì hai câu thơ lồng sự phẫn nộ giận dữ, khi sự bất mãn khiến thơ đầm đìa nước mắt:
"Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest"
Thanh Tâm Tuyền tỏ vẻ giận dữ khi đoàn xe tăng Liên Sô đàn áp sức chống cự của nhân dân Budapest, ông buông những dòng thơ oan khiên:
"Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp"
Thanh Tâm Tuyền có ý thức chống cộng cao độ trước và sau năm 1975, ông vẫn thế và là người say thơ và đã đọc thơ của nhiều người. Từ thơ phản kháng của Nguyễn Chí Thiện hay Thanh Tâm Tuyền đều nói lên nỗi lòng sâu xa nhất của người làm thơ. Thơ làm cho người ta giải tỏa nỗi buồn trong cuộc sống hay để yêu cuộc sống hơn, thiết tha với sự sống hơn. Nếu thơ không gây ra những cảm nhận hứng thú thì không còn giá trị của nó nữa. Như đã nói Thanh Tâm Tuyền đọc sách Pháp ông thích dòng thơ lãng mạn Pháp và triết học Tây phương. Thơ ông chứa đựng cái nhìn của hệ phái siêu thực, tiềm ẩn lối nhìn tâm linh. Mà hệ phái siêu thực bên triết học ông nói về tính chất siêu thực trong văn chương. Từ những ý niệm của André Breton, Thanh Tâm Tuyền đã cho chúng ta thấy sự lãng mạn tràn trề trong thơ của ông. Hệ phái triết siêu thực, một mặt dựa vào triết học trực giác của Henri Bergson, mặt khác dựa vào phân tâm học của Sigmund Freud. Ý niệm siêu thực có nguồn gốc từ chủ trương lãng mạn huyền bí từ nước Đức, nhất là Novalis, và một số nhà thơ như Comte de Lautréamont (hay Isidore Ducasse), Guillaume Apollinaire và họa sĩ Giorgio De Chirico. Nhưng chủ nghĩa siêu thực chỉ thực sự hình thành với André Breton và các bạn của ông. Thanh Tâm Tuyền là nhà thơ siêu thực lãng mạn, hãy xem bài thơ "Bài Ngợi Ca Tình Yêu“:
«Em gối đầu sương xuống
Chuyện trò bằng bóng hình
Tôi đẹp như hình tôi
Như cuộc đời
Như mọi người
...
Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương
Em là cánh hoa là khói sóng
Đêm màu hồng»
Sự lãng mạn thơ Thanh Tâm Tuyền mang âm hưởng thơ Pháp về lối đặt câu, cấu trúc thơ mới mà ông là người áp dụng lề lối mới này khá nhiều. Ví dụ khi xét bài "Hãy Say Đi" của thi sĩ Charles Beaudelaire:
"Hãy say,
Nào hãy say đi
Đất trời còn đó
Ngại gì không say
Tiếc chi giữa thế gian này
Bao nhiêu gánh nặng, bấy nhầy trên vai
Xác thân run rẩy từng ngày
Hãy say,
Quên kiếp đọa đầy nhân sinh
Say… thơ,
Say… rượu,
Say… tình,
Say lòng nhân cách tuyết trinh trong đời…"
(Bài "Hãy Say Đi" - Charles Beaudelaire. Bản dịch của Nguyễn Tâm Hán)
Hệ phái siêu thực chọn chủ nghĩa biểu tượng (symbolisme) là nhìn thấy "dưới một sự giả trang này hoặc giả trang khác ở các thi sĩ giầu óc tưởng tượng lớn" (Arthur Symons), hay là nghệ thuật "khêu gợi đối tượng từng tý một đến chừng bộc lộ ra một tâm trạng, hoặc ngược lại, là nghệ thuật tuyển chọn một đối tượng và rút ra từ đó một "trạng thái tâm hồn".(Mallarmé -1891). Đây là một phong trào thi ca chịu nhiều ảnh hưởng của lý tưởng thuần khiết (nền tảng Platonic) của triết lý hiện sinh, nghĩa là thơ tượng trưng tìm cách khéo lồng vào tư tưởng với một hình thức dễ cảm nhận. Dòng thơ của Thanh Tâm Tuyền chuyên chở cái lãng mạn của Lamartine, Musset, và cái nhìn siêu thực của Rimbaud, Beaudelaire, Paul Eluard,… Nét chấm phá của thơ ông có một chút nào đó thơ của đại thi hào Paul Verlaine mà người đời thường ca tụng Verlaine đã phá vỡ gông cùm ác nghiệt của phép làm thơ. Thật vậy, thơ tự do (vers libre) là trọng tâm của nhiều thơ tượng trưng.
"Tiếng đàn ai đó lê thê
Vĩ cầm réo rắt ê chề lòng đau
Bơ vơ chuông đổ đồng hồ
Lòng như héo hắt thu tàn năm xưa
Bao kỷ niệm theo gió đưa
Cuốn theo lệ đổ chưa vừa xót xa
Bao năm lữ thứ xa nhà
Giang hồ phiêu bạt lá vàng tả tơi..."
(Thu Ca - Paul Verlaine, qua bản dịch của Lãng Du)
Tình yêu trong thơ Thanh Tâm Tuyền còn là tình nhân ái, là lời yêu thương cho những con người cô độc, lẻ loi, trong màn đêm lệ thấm giọt sầu rơi. Thi sĩ khi nghĩ đến cuộc lang thang, nỗi cô đơn của chính lòng mình.
«Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi»
("Lệ Đá Xanh“)
Trong ngôn ngữ tình yêu của Thanh Tâm Tuyền thật mượt mà, những sợi tóc em không còn chỉ là những sợi tóc đen nhánh như một chuỗi cười. Những giọt lệ nhớ nhung như mưa lệ rơi, như những viên đá xanh. Thơ nâng niu môi em là làn mật ngọt và vùng ngực em mang như đồi thơ bao la, bát ngát, tôi cho là nhà thơ đã diễn đạt cái nội tâm sâu kín nhất của ông:
"Đêm hiền từ nhỏ to trên trán
Màu đen sáng đủ ngó vào nụ cười
Có đấy không này em mưa chan hoà
Trên ngực trên ngực em bát ngát"
Sự lãng mạn hơn nữa khi thi sĩ mô tả làn da trắng toát của người yêu thật xác thực ý nghĩ, hỡi đôi mắt trần gian đăm chiêu với dục vọng, hôn em như muốn cắn môi cho vơi đi nỗi nhớ nhung:
"Da trắng như tiếng hát ở trên trời...
Anh cúi xuống hôn cánh môi tím màu đêm mà thương nhớ...
Đừng trói anh vào trần gian bằng mắt em nhìn kia...
Người đàn bà rũ tóc thành một cơn bão mặn
Hương nồng chiều dòng kinh mùa hè..."
(trích thơ Thanh Tâm Tuyền)
Đôi mắt em là mộng chiều tưởng nhớ, là cửa sổ của tâm hồn tương tư. Đôi môi em là chiều vương kỷ niệm, khi những con tim đi tìm sự đồng lõa của tâm hồn khi tình nồng trao nhau:
"Cửa sổ trời những mắt chưa quen
trán hoang đồng cỏ
run đường môi kỷ niệm
đi qua những thành phố đầy tim
cười đổ mưa một mình"
(Bài "Của Em“, Thanh Tâm Tuyền)
Trong bài "Sầu Khúc" Thanh Tâm Tuyền tả về tình yêu như đám lau buồn, như tư lự về tuổi ấu thơ như hòn cù lao xa khuất trong tiềm thức cũ. Ta nghe tình yêu của sự lãng mạn nhẹ nhàng. Thi sĩ mơ về những ngày xa xưa tắm sông có tiếng cười thầm của người tình ru ông về kỷ niệm:
"Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa khuất
Và tình yêu như đám lau buồn
Vàm sông nước xoáy như tiếng cười thầm
Ở sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi"
("Sầu Khúc“, Thanh Tâm Tuyền)
Thơ Thanh Tâm Tuyền mang nụ hôn lãng mạn, có những đắm đuối bờ môi, có thiên nhiên hiền hòa mộng mị khi hò hẹn, và cũng có những nỗi đau của thú yêu đương. Khi thi sĩ mơ say em như say thơ cùng men rượu, có một chút Paris để mơ về nửa đêm Hà Nội, rồi ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. Tôi thích bài "Dạ Khúc" lắm, hồn thơ Thanh Tâm Tuyền đã bay vào văn học sử với những lời thơ bất hủ này:
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội...
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới."
«Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng đuợc nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...»
(Lời Vĩnh Biệt, Apollinaire, Bản dịch của Bùi Giáng)
Tình yêu trong thơ Thanh Tâm Tuyền, chịu ảnh hưởng của dòng thơ văn lãng mạn Pháp chất chứa bao ý tưởng phóng khoáng ra khỏi lằn ranh nho học trong cổ văn, và hình như được cho thấy nhà thơ diễn tả tâm tư mình trong nỗi gian truân, dang dở, không vẹn toàn. Tình yêu của nỗi chia ly muộn màng như:
"Điếu thuốc bỗng trở niềm hắt hủi
Khói tím buồn
Vì chiều theo chân em sang bên kia đồi
Nụ cười mang theo
...
Em có biết sau lúc em từ biệt
Điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết
Hơi nóng khô nhành củi gãy tàn..."
Tình yêu trong thơ Thanh Tâm Tuyền cho tôi cảm nhận rằng nó không mang giới hạn của tình yêu đôi lứa, tình yêu mến thiên nhiên mà còn bao trùm cả tình yêu giữa con người và con người, tình đồng loại bị trói buộc bởi gông cùm của sự đàn áp, bất công và tủi nhục…, và nhiều ý tưởng rất nhân bản. Bởi lẽ tất cả mọi thứ tình yêu đều thuộc phạm trù trừu tượng, bởi con người, vì con người và cho con người:
"Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những dòng nước mắt Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lời rừng mãi trống không…"
(bài "Đen", Thanh Tâm Tuyền)
Trong phần bài viết "Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay" của Thanh Tâm Tuyền, ông đề cập về thơ mới. Ông viết vào năm 1955 khi chưa đầy 20 tuổi: "...thơ hôm nay không hoàn toàn về hình thức tự do của nó. Thơ không vần, không điệu, thơ xuôi nếu quả thật là thơ - nghĩa là đạt được đến ngôn ngữ mầu nhiệm, không chỉ chuyên chở ý tưởng mà còn ám ảnh vang vọng mãi trong tâm hồn - thì sớm muộn gì người đọc cũng tìm thấy và quen dần với một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với thứ nhịp điệu đơn giản rút gọn... Tôi thường nghe người ta nói "thơ mới" là một cuộc cách mạng trong thơ Việt Nam. Sự thực "thơ mới” chỉ là sự biến dạng của "thơ cũ" mà thôi, trong "thơ mới" cái tâm hồn người thi nhân của quá khứ vẫn còn được lưu truyền."
Đó là lời của Thanh Tâm Tuyền còn in trên giấy trắng về "thơ mới", mà ông là một trong những thi sĩ tiên phong khai phá, phiêu du vào cánh đồng thơ mới. Trong bài ông đề cập đến nhà thơ thân hữu Quách Thoại, một trong những nhà thơ sáng tác thơ mới tuyệt vời. Ông còn đề cập triết gia Nietzsche khi phê bình vở bi kịch Hy Lạp qua hai xu hướng nghệ thuật Dionysos khác hẳn với quan niệm Apollon, vì "nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm".
Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, ta đi vào những thiên đường của dĩ vãng, của hoài niệm và ký ức. Thơ ông có lúc là tiếng gọi của nhịp tim yêu thương gõ vào ký ức đã qua. Ông quả thật là mang tâm hồn thi sĩ đa tình, mẫn cảm. Dòng thơ của ông đem đến cho ta muôn vàn cảm xúc giản dị và gần gũi. Như André Breton đã từng định nghĩa: “tính cách siêu thực là cái tính cách tự động thuần túy xét trên mặt tâm linh, qua đó, nó được diễn tả ra hết sức rõ ràng - bằng chữ viết, hoặc bằng bất cứ một thể thái nào khác - cái tiến trình tư duy thật sự của con người. Đây là tiếng nói của bất cứ một hình thái thẩm mỹ hay đạo đức nào.”, và dòng thơ của ông cũng là dòng thơ trí tuệ mang nhiều màu sắc như những bức tranh trừu tượng. Bút pháp của ông với cung cách khai phá chữ nghĩa và nghệ thuật tương phản như những đường nét họa tài tình của Picasso kích thích lòng hiếu kỳ của người xem khiến cho họ phải tự đi tìm tòi nội dung mà tác giả muốn diễn đạt. Thơ ông mang nhiều nhạc tính tuy rằng thể thơ tự do của ông không bị gò bó trong vần điệu như các thể thơ nho học, cổ văn. Xét cho cùng nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam những dòng thơ tràn ắp thi vị thi ảnh, được viết lên từ những khát vọng của tự do, từ những cái nhìn linh cảm về những chặng đường của cuộc đời mà ông đã đi qua, như Musset đã nói:
«Đó là tiếng nói và hơi thở của trái tim
Đang rung động qua những dòng thơ văn»
(A.Musset)
Vào tháng 12-1956, Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ mang tên “Nhịp Ba” đã nêu lên lòng ước muốn lúc nào cũng nóng bỏng trong tâm tư thầm kín của ông, đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do. Xin xét đến bài thơ “Nhịp Ba” của Thanh Tâm Tuyền viết tặng nhà văn Doãn Quốc Sỹ như sau:
Nhịp Ba
(Tặng Doãn Quốc Sỹ)
«Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
...
Nhịp ba, nhịp ba, nhịp ba
Tình yêu, tự do, mãi mãi
Sóng bồi phù sa
Ruộng lúa trổ hoa
Núi cao uốn cây rừng
Nhịp ba, nhịp ba, nhịp ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Đất nước ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội, Huế, Sàigòn
Ôm nhau nức nở
...
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do
mãi mãi anh ơi”
Doãn Quốc Sỹ và Thanh Tâm Tuyền gặp nhau trong văn chương, hai ông chia sẻ những ngày sinh hoạt văn học trong nhóm Sáng Tạo, hai ông cũng chia sẻ nỗi thao thức quê hương và hai ông đã chia chung định mệnh của những năm tháng tù đày của chế độ Cộng Sản. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong bài diễn văn tiễn đưa nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong buổi Lễ Tưởng Niệm “Dạ Tâm Khúc” tại Houston, ông nói:
"Thanh Tâm Tuyền! Chắc hẳn anh còn nhớ vào năm 1956 – cách đây đúng nửa thế kỷ - khi tập truyện cổ tích “Sợ Lửa” của tôi ấn hành lần đầu, ông bạn Nguyễn Sỹ Tế của chúng ta viết TỰA và chính anh Thanh Tâm Tuyền là người viết BẠT. Với tinh thần tri âm tri kỷ, cũng chính anh Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ mang tên “NHỊP BA” đã nêu lên lòng ước muốn thường xuyên nóng bỏng trong tâm tư thầm kín của tôi: đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do!....
Anh Thanh Tâm Tuyền! Những câu thơ mà anh đã tặng thật chân tình nên tôi vẫn hằng ghi nhớ, hôm nay tại chiều Dạ Tâm Khúc tưởng niệm anh, tôi xin được phép vừa đọc lên để anh, quý vị và các bạn vì lòng quý mến anh đã đến đây cùng thưởng thức, trước khi tôi có lời chào vĩnh biệt anh. Và chúc anh thân tâm an lạc ở cõi Vĩnh Hằng."
Đó là tình bằng hữu, tình bạn văn của hai vị văn hữu đã đóng góp cho vườn văn học Việt Nam những áng văn thơ qua bao năm rồi.
Tôi đọc tiếp Giai phẩm Văn trên tay, tập san văn học này số đặc biệt về nhà thơ mà tôi đang viết thì trang 2 có bài bình luận văn học khá dài, bài do tác giả Lê Huy Oanh phân tích thơ Thanh Tâm Tuyền, trong bài "Ký Sự Về Một Chuyến Đi Kỳ Thú Vào Vùng Rung Cảm", và tôi xin chỉ trích dẫn đoạn của bài viết mà lời Lê Huy Oanh nhận xét như sau: "Thế giới huyền hoặc của Thánh Kinh, thế giới đầy nhục cảm của Beaudelaire, hoặc của Anna de Noailles. Thế giới say sưa đầy mộng, đầy mơ của Verlaine hay Gerard de Nerval. Tâm hồn tôi miên man rung động với những cảnh trí giầu sang kỳ diệu như thế. Đầu óc tôi ngất ngây, say đắm nhưng thuật tình chưa hề bàng hoàng, kinh ngạc. Cho tới lúc tôi đọc thơ Thanh Tâm Tuyền..."
Tại sao em thích gọi tên hoa
nào ngày mai của chúng ta buông từng cành
xuống vai trần
viền cỏ
bồng tóc nâu
em sẽ gọi tên anh
mùa hoa hôm nay..."
(bài Hoa, thi tập "Tôi Không Còn Cô Độc", Thanh Tâm Tuyền)
…
Để rồi nhà văn Lê Huy Oanh đi đến kết luận sau những giòng văn dẫn chứng dài trong bài viết:
"Có thể thơ Tuyền chứa đựng cả những cái hay nhất và những cái dở nhất, nhưng điều đó có hề chi, tôi có thể giải quyết dễ dàng điều đó bằng cách quên đi những cái dở và chỉ nhớ tới những cái hay. Điều quan trọng là thơ Tuyền đã tạo được một sinh khí mới trong văn chương Việt, đã truyền được những tình cảm cao quý sang tâm hồn rất đông các bạn trẻ yêu thơ, đà khiến tôi ghét anh lắm lắm, rồi lại yêu anh thật nhiều, cả tình ghét lẫn tình yêu đều là những hành trang tư tưởng quý báu đối với một kẻ vốn ham thích văn chương như tôi; thơ Tuyền đã là một động lực thúc đẩy tôi, đã đưa tôi vào một cuộc phiêu lưu kỳ diệu để tới thăm những vùng mới khai phá của tâm linh và nghệ thuật. Trong cuộc phiêu lưu ấy tôi đã gặp những người bạn thật giàu tình cảm, rất yêu đời, rất ham sống, rất công bình trong phạm vi nhân sinh quan riêng của mình và nhất là giầu tình thương, giầu lòng bác ái, rất mực thiết tha với những chân lý cần thiết cho nghệ thuật và tư tưởng xác thực của con người."
Trong sự gom góp thơ Thanh Tâm Tuyền để nhớ về ông, tôi muốn mượn lời nhận xét của Lê Huy Oanh xin được chấm dứt bài viết này.
Xuân 2006
Việt Hải Los Angeles