Mùa Hè năm nay, 2019, nhà văn Ngô Viết Trọng đã cho ra đời tác phẩm thứ 13 và cũng là tác phẩm thứ 7 lấy lịch sử làm đề tài tại hải ngoại: cuốn Tuyển Tập Truyện Sử. Nếu 6 tác phẩm trước (Lý Trần Tình Hận; Công Nữ Ngọc Vạn; Dương Vân Nga: Non Cao & Vực Thẳm; Trần Khắc Chung; Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc; Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng) là truyện dài lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, thì Tuyển Tập Truyện Sử là một tập truyện gồm 15 truyện ngắn lịch sử.
Thoạt lướt qua tác phẩm độc giả có thể nghĩ tác giả họ Ngô đã “tung hoành” trong kho tàng lịch sử ta và Tàu một cách thoải mái. Tôi dùng từ “tung hoành” là hàm ý tác giả có rất nhiều tự do, rất ung dung trong việc chọn đối tượng ưa thích trong lịch sử để làm đề tài, nghĩa là tác giả lựa chọn bằng cảm hứng chứ không theo một tiêu chuẩn hay áp lực nào cả. Thích gì viết nấy. Không phải sao? Bởi tác giả thích gì viết nấy nên người đọc có một thực đơn đến 15 món để thưởng thức và cũng vì thế thích gì đọc nấy, không nhất thiết phải theo thứ tự của mục lục. Xem hết truyện mở đầu Chú Tiểu Chùa Cổ Pháp kể chuyện Lý Công Uẩn đã lập nên cơ nghiệp nhà Lý như thế nào, độc giả có thể gấp sách lại — không cần phải làm dấu đọc tới đâu — châm điếu thuốc hít một hơi sảng khoái, chiêu một ngụm trà, xong lại giở sách ra, trúng truyện Ông Già Chém Đá, thì hãy cứ đọc đi; truyện kể về cuối đời lưu vong trên đất Tàu của tướng Tôn Thất Thuyết, đầy bi tráng nhưng cũng vì thế mà hương vị thịnh suy của cuộc đời lại càng thấm thía trong tâm người đọc.
Sự lựa chọn đề tài của họ Ngô cũng khá lạ, có lúc làm tôi không khỏi ngạc nhiên, bối rối và thắc mắc. Chẳng hạn truyện Liệt Nữ Nguyễn Thị Niên. Thường thì các tác giả truyện sử, dù dài hay ngắn, đều chọn những nhân vật hay biến cố ít nhiều có tiếng tăm trong sử để độc giả dễ nhận ra mà tìm đọc, thế nhưng ở đây lại là chuyện của bà Nguyễn Thị Niên; không khỏi tự hỏi bà Niên nào vậy cà, sao mình không biết (làm như mình chi cũng biết !!)? Tôi đọc hết truyện một cách tò mò, rồi lần vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tìm đọc thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê và nhà Lê trung hưng, mới bắt gặp nhân vật Nguyễn Thị Niên, vợ của tướng Bùi Văn Khuê. Khi biết nhân vật Nguyễn Thị Niên là có thật chứ không phải sản phẩm của tưởng tượng, mới đọc lại cái “truyện ngắn” mà dài đến 33 trang này (tr.75-tr.108, khổ 5.5” X 8.5”với kiểu chữ Time New Roman cỡ 12) một lần nữa. Bèn chịu tác giả quá. Chịu là vì tác giả đã chịu khó tìm đọc để mang ra ánh sáng một nhân vật hầu như không ai để ý nhưng có hành trạng đặc biệt khác thường, rất đáng khâm phục. Chịu là vì chỉ với một mẩu information khá nghèo nàn nhưng với óc tưởng tượng phong phú, tác giả đã vẽ ra câu chuyện có đầu có đuôi, hợp tình hợp lý và… hấp dẫn.
Dù Tàu hay Việt, hễ nghe nói đến Tần Thủy Hoàng thì ai cũng biết và nghĩ đó là một bạo chúa, từng dùng binh lực tiêu diệt 6 nước, thống nhất nước Trung Hoa xưa, lập ra nhà Tần với các thành tích ít có như xây Vạn lý trường thành, đốt sách, chôn sống học trò, bóc lột sức dân xây cung A Phòng mà Hạng Võ đốt phải 3 tháng cháy mới hết, v.v. Nhưng bước qua thế kỷ 21, có người dám vận động một ngân khoản lên tới 31 triệu dollars để làm phim ca ngợi công trình thống nhất nước Tàu của Tần Thủy Hoàng. Ai đã từng xem những phim cổ trang vĩ đại của Mỹ như Ben Hur hay Cleopatra, sẽ chịu phim Hero do Trương Nghệ Mưu (Zhang Zimou) đạo diễn bởi sự hoành tráng trong dàn dựng của nó với thiên binh vạn mã, quân sĩ trùng trùng điệp điệp và những màn võ nghê siêu quần như thần thoại. Tất cả chỉ để nói lên sự khâm phục cái công thống nhất đất nước của Tần Thủy Hoàng hai ngàn năm trước mà hai ngàn năm sau có người cũng làm được như thế, là Mao Trạch Đông!
Truyện ngắn hay truyện dài lịch sử, cũng như điện ảnh, là một ngành của nghệ thuật. Nghệ thuật phát xuất từ nhân sinh nhưng cũng ảnh hưởng trở lại trên nhân sinh. Tôi muốn nói: khi viết truyện lịch sử, với tư cách là một tiểu thượng đế, nhà văn có thể diễn giải sự thật lịch sử một cách khác, theo định kiến của mình. Như Trương Nghệ Mưu với phim Hero chẳng hạn. Ở tác phẩm này, Trương Nghệ Mưu như đã tận dụng tài nghệ của mình để làm thay đổi một quan điểm cố hữu mà gần như cả nhân loại đã đồng nhất trải hơn hai nghìn năm qua về nhân vật Tần Thủy Hoàng.
Tác phẩm của Ngô Viết Trọng không có sự “chế biến” lịch sử quá táo bạo như ở tác phẩm Hero của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Có người nghĩ Ngô Viết Trọng chỉ tìm hiểu lịch sử rồi làm sáng tỏ các sự kiện và nhân vật thêm, như khi nhiếp ảnh gia “zoom in” hình ảnh trong ống kính nhằm giúp người xem thấy rõ hơn những chi tiết thú vị mà thôi. Nhưng ở bài “Thay Lời Tựa” chính Ngô Viết Trọng đã tự nhận khi xây dựng một tác phẩm tác giả thường nhắm đến một phương hướng, một mục đích hẳn hoi chứ không phải viết mông lung giải sầu. Nói như thế cũng có nghĩa là tác giả muốn gởi gắm một thông điệp trên tác phẩm của mình. Vậy thì làm sao tác giả tránh khỏi việc “chế biến”, thêm thắt chút nào chi tiết ở nguồn sử để củng cố thông điệp ấy? Như vận dụng cả chuyện mộng mị (Tôn Thất Thuyết mộng gặp Hồ Quí Ly và Bùi Bá Kỳ) trong truyện Ông Già Chém Đá chẳng hạn… Về những thông điệp mà tác giả đã gởi gắm trên các truyện ngắn ấy là gì, ra sao thì xin để tùy độc giả nhận định.
Cứ mỗi lần đọc Ngô Viết Trọng, tôi lại không khỏi nhớ đến những tiểu thuyết lịch sử đã từng làm tôi mê mẩn một thời niên thiếu. Nào Cái Hột Mận của Lan Khai, Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật, Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, Gia Long Tẩu Quốc, Gia Long Phục Quốc của Nguyễn Chánh Sắt (?)…, những truyện đã gieo mầm thích sử trong tôi, giúp tôi tiếp cận dễ dàng với những nhân vật và biến cố của quá khứ, dễ nhớ và nhớ dai là đàng khác, hơn cả những bài học khô khan phải nhồi nhét trên ghế nhà trường. Thế mới biết tầm ảnh hưởng của truyện sử, của tiểu thuyết lịch sử quan trọng tới chừng nào. Những Đông Chu liệt quốc, Tây Hán chí, Tam quốc chí, Thủy Hử…thực chất không phải là sách sử mà chỉ là tiểu thuyết lịch sử, thế nhưng chúng đã không những thấm sâu kiến thức lịch sử trong mọi tầng lớp dân Tàu mà còn ảnh hưởng rộng ra các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nho học, trong đó có Việt Nam. Hỏi ai trong chúng ta lại không nhớ một hai mẩu chuyện trong Tam Quốc hay Đông Chu để đem ra bàn luận trong lúc trà dư tửu hậu? Những loạt phim bộ Trung Quốc đang chiếu hàng ngày trên hệ thống truyền hình của VNCS hầu như đều lấy đề tài từ lịch sử nước Tàu khiến nhiều người hiểu biết phải lên tiếng báo động, e rằng với cái đà này thì người Việt thuộc sử Tàu hơn sử Việt!
Nói như thế để thấy cái công của những nhà văn viết truyện sử, trong đó có Ngô Viết Trọng. Chưa nói tới việc “văn dĩ tải đạo”, chỉ một việc tác phẩm của họ không nhiều thì ít đã giúp mang lịch sử gần với mọi người, bổ sung kiến thức, khơi dậy tư duy, từ đó biết yêu đất nước hơn, quyến luyến quê hương hơn, cũng đáng cho chúng ta ủng hộ. Trong tinh thần đó, xin trân trọng giới thiệu Tuyển Tập Truyện Sử của Ngô Viết Trọng.
(L/L với tg Ngô Viết Trọng: trong27767@yahoo.com)
Võ Hương An