User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
canhchua3
 
Bốn năm rồi tôi chưa gặp lại ông, có thể là sau cái Tết ấy, đúng hơn là sau bữa cơm trưa ấy, lúc đó tôi đang sửa nhà, ông tới, bà xã tôi mời thợ nghỉ trưa sớm, bắt tay nấu cơm và phân vân chưa biết đãi ông món gì thì ông bảo, “Em bận bịu con nhỏ, để hai anh em ta ra chợ mua con cá lóc, nếu có bát canh chua cá lóc thì đã lắm đó.”

Vậy là tôi và ông đi chợ, mua con cá lóc và đồ nấu canh chua, nàng ở nhà chuẩn bị sẵn cơm và những món khác. Lần đó, hình như cũng là lần sau cùng ông về quê, thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ.

Ông ở Quán Rường, qua giới thiệu của một người bạn, tôi đón ông và cùng đi chơi với ông trong thời gian ông về quê. Ông có những người em khá thành đạt, sống chừng mực và nổi tiếng là những người sống tử tế trên xứ Quảng, ông có người mẹ hiền từ, chịu thương chịu khó, và khi đến gia đình ông, điều mà người ta hay bàn tán với nhau nhiều nhất là người em kế ông bị chứng điên loạn, người ta nói rằng dòng họ của ông quá thông minh, thông minh đến độ nếu không thành đạt và bất đắc chí thời cuộc thì chắc chắn phải điên bởi năng lượng không biết dành vào đâu...

Ông là người đặc biệt ở quê xứ, bởi ông bỏ nhà đi bụi đời khá sớm. Và, nói về nghệ thuật, ông là người khởi xướng mở câu lạc bộ guitar cổ điển Tân Bình, sau này, rất nhiều nhân tài guitar Việt Nam ra đời từ lò Tân Bình. Ông cũng là người hát rong sớm nhất Sài Gòn, những ngày rảnh rỗi, ông rủ ca sĩ Trà Trang, một cô ca sĩ người Chăm Pa cùng đi hát phòng trà với ông. Ông đánh đàn và hát bè, hát đôi với Trà Trang, những năm đầu thập niên 1990 ở Sài Gòn, người ta xem ông và Trà Trang là cặp đôi Lê Uyên Phương tân thời. Thế rồi không rõ vì lý do nào, ông từ bỏ mọi chức sắc, sự nghiệp tại Việt Nam, bằng mọi giá sang tị nạn trên đất Mỹ. Một cuộc đời mới với bưng bê, rửa chén, dọn nhà hàng của ông.
 
canhchua2
Tom/ Viễn Đông)

Tôi nhớ, lần đó, vừa ăn cơm, vừa nhâm nhi lát thơm trong bát canh cá lóc, ông rươm rướm kể về quãng đời trên đất Mỹ đầy đau khổ của ông. Vừa sang đến đất Mỹ chưa được bao lâu thì gia đình ông tan vỡ, ông tứ cố vô thân theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Công việc bưng bê, dọn dẹp cho nhà hàng bắt đầu. Nhà hàng của ông chủ yếu phục vụ khách Việt, có người phát hiện ra thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ đang dọn bếp, xin phép chủ nhà hàng cho ông cùng lên giao lưu và đọc thơ, chủ nhà hàng vui vẻ nhận lời nhưng ông từ chối. Ông nói rằng thân phận của ông bây giờ là một người rửa chén bát, một người phụ việc, xin hãy vui vẻ cho ông làm hết trách vụ và phận sự của mình...

Tôi hỏi ông rằng có khi nào đó là mặc cảm, là cách tự giấu mình vào vỏ ốc của mình. Ông lắc đầu, ông nói rằng cuộc đời ông không có khái niệm mặc cảm. Vì trước khi chọn một việc gì, quyết định điều gì, ông luôn suy nghĩ rất kĩ. Thời tuổi trẻ, tham gia hoạt động chính trị, ông cũng suy nghĩ rất chín chắn, đến khi ông rời bỏ mọi thứ, ông cũng suy nghĩ rất chín chắn. Chỉ có lần duy nhất ông không suy nghĩ gì cả nhưng vẫn phải rời bỏ, đó là lần ông trở thành tứ cố vô thân, ông đón nhận nó như một định mệnh có phần cay nghiệt nhưng không oán trách bất cứ điều gì.

Và cũng từ đó, hằng năm, cứ đến dịp hè, Tết, nếu năm nay hè thì năm sau Tết, miễn khi nào mua được vé máy bay giá rẻ thì ông về thăm quê, tiền dành dụm được cả năm chỉ dành cho mục đích duy nhất: Về thăm quê. Nhưng, về để làm gì? Đôi khi ông nói với tôi như vậy, vì trong hàng ngàn lý do để về quê, đâu cũng là lý do rất hay và nặng tình, về thăm mẹ già, về thăm các em, về thăm nơi chôn nhau cắt rốn để thấy mỗi ngày đời sống mỗi khác, vật đổi sao dời. Nhưng vẫn cứ phải hỏi về để làm gì, bởi mỗi khi người mẹ già hỏi ông “Sao vợ con con không về?” Ông lại phải cười thật tươi để nói với mẹ “Gia đình con bên đó bận lắm mẹ ơi! Năm sau lại về đầy đủ...” Thế rồi cái năm sau ấy kéo tận mãi đến bây giờ. Khi mà chúng tôi, những người bạn vong niên của ông nhận được tin ông giã từ chúng tôi, giã biệt chúng tôi mà đi, chỉ những câu thơ ở lại, với mẹ già mắt đã mờ, không còn nhận ra con chữ ngược xuôi…

Và cái ngày ấy, cái ngày ông hứa với chúng tôi rằng ông sẽ tự tay nấu một bữa canh chua theo tuyệt chiêu của ông để đãi cho chúng tôi, đặc biệt là đãi cho người đẹp trong gia đình tôi bởi nàng quanh năm suốt tháng chỉ nấu đãi chúng tôi mà chúng tôi chưa đãi được gì cho nàng. Cái ngày ấy hình như không đến và không đi. Chúng tôi lại nấu bát canh chua cá lóc, trước khi ngồi ăn cơm lại dâng một niệm về anh, cầu mong anh sớm an vui nơi cõi mới!
 
canhchua1
(Tom/ Viễn Đông)

Một bát canh chua cá lóc thời khốn khó, cũng chẳng có gì cho đặng, vài lát cà chua, nửa trái me chín bóc vỏ được chừng ba hạt dính cơm (me), một lát thơm nhỏ, một bẹ môn ngọt tướt đi vỏ lụa bên ngoài, một ít măng chua, một lát đậu hũ chiên xắt lát vuông ô bàn cờ, thêm con cá lóc nữa là chuẩn.

Cá lóc làm sạch vảy, nếu lớn thì cắt lát, nếu nhỏ để nguyên con, phi một chút dầu hành tỏi cho thơm, rồi cho cà chua (xắt lát), măng, thơm (xắt lát), bẹ môn (xắt khúc), me, đậu hũ, thêm chút nước mắm, chút muối, chút tiêu vào tao sơ cho thấm gia vị, sau đó cho nửa chén nước sôi vào, đợi sôi thì cho cá lóc vào, nấu khoảng 2 phút cho cá chín, rồi lại thêm khoảng gần 2 chén nước vào. (Nếu quý vị thích mùi thơm của cá tươi thì nấu theo cách này, hoặc không cũng có thể chiên óm cá lóc trước, thêm nước mắm, ớt tỏi vào rồi thêm các gia vị nấu kèm như cà chua, măng, đậu hũ… vào sau nếu thích vị cá đậm đà). Chừng mươi phút, nước sôi thì dùng vá vớt các bọt trắng bên trên nồi canh và tắt bếp, múc ra bát và cho thêm vài cọng rau ngổ điếc hoặc ngò tây, ngò ta vào. Như vậy là đã có bát canh chua cá lóc mộc mạc nhưng lại rất bén cơm, mát lòng mát dạ. Vị chua ngọt của me chín quyện với vị chua của thơm, cà chua, thấm vào thịt cá lóc, cộng thêm các gia vị, mỗi bẹ thơm và miếng măng luộc lại chứa tinh túy của nước cá lóc và các loại thực phẩm còn lại. Rất thú vị!

Kính chúc quí vị ngon miệng và có bữa cơm vui vẻ, một ngày mới may mắn!
 
Tom

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com