Little Sài Gòn (Nam Cali) đã bắt đầu chuyển qua thời tiết nóng. Hơn một tuần nay luôn có những trận mưa rào lớn và nhỏ, thiệt giống miền Nam Việt Nam. Mưa không làm ngập lụt phố xá, nhưng đủ để làm đất ẩm ướt, tơi xốp, không khí mát mẻ. Nhờ vậy mà dưới gốc cây ổi ở khoảnh sân nhỏ trước nhà, những kẽ hở giữa các viên gạch vuông lót đường đi vô phòng của tôi mọc tràn lên rất nhiều cây bồ công anh, lá nào lá nấy nõn nà, xanh mướt… nhìn thấy thèm, làm cho tôi “động lòng” ham ăn, bèn xách cái rổ ra hái đầy một rổ lá bồ công anh bự chà bá.
Bồ công anh còn có tên là rau bồ cóc, rau diếp hoang, rau mũi mác hoặc rau lưỡi cày. Nó thích mọc ở chỗ đất tơi xốp, ẩm ướt, mát mẻ, nhiều ánh sáng mặt trời. Nhưng ướt quá cũng không được, ẩm quá cũng không được, nóng quá cũng không được, vì vậy, vào thời điểm bắt đầu sang Xuân này tôi đi đâu cũng thấy bồ công anh mọc khắp nơi, cứ chỗ nào có đất trống là nó mọc xanh rờn.
Ở Việt Nam bồ công anh mọc nhiều nhất là Ðà Lạt và các tỉnh phía Bắc. Ban đầu chúng mọc hoang, hiện nay thì dân ở các nơi đó họ trồng bồ công anh như trồng rau, trồng cây thuốc và rao bán rất nhiều trên mạng internet. Sài Gòn và miền Tây Nam bộ mưa nhiều, nóng cũng nhiều, không thích hợp cho bồ công anh phát triển, nên tôi chưa bao giờ thấy cây bồ công anh nó ra làm sao, chỉ khi tôi sống ở Nam Cali mới thấy bồ công anh mọc hoang nhiều quá trời trời luôn.
Theo Ðông y dân gian, sắc nước lá bồ công anh khô uống điều trị bịnh sưng vú, tắt tia sữa, đau dạ dày, ăn khó tiêu, giải độc mát gan, lợi mật, tăng bài tiết dịch mật, tan sỏi thận, tiểu tiện khó, suy thận, tăng cholesterol trong máu, xơ vữa động mạch, béo phì, chặn sự phát triển của ung thư… Hoặc lấy lá tươi rửa sạch vẩy cho ráo nước rồi giã nhỏ đắp lên mụn nhọt đang sưng mủ hay chỗ rắn cắn. Tôi không biết những công dụng dược học của bồ công anh có đúng như “giang hồ đồn đại” không, riêng tôi ăn bồ công anh như một thứ rau có mùi vị lạ hấp dẫn và tác dụng nhuận tràng như chúng ta vẫn ăn các loại rau xanh có nhiều chất xơ vậy, lại là “rau sạch chăm phần chăm” mà không tốn đồng nào, quả là “nhất cử lưỡng tiện” á.
Năm ngoái, anh bạn ở Little Sài Gòn khoe với tôi ổng mua rau bồ công anh organic đóng gói trong chợ Nam Hàn ăn ngon lắm, tốt cho sức khỏe, rau trồng nên mùa nào cũng có, chợ Việt, chợ Mỹ không bán loại này. Tôi vô coi thấy bịch rau 2 lbs mà giá 8$ nên chê mắc không mua, sức tôi ăn thì phải hai bịch rau đó cho một ngày, chưa kể thịt, cá, trứng, gia vị… thì tiền đâu chịu cho thấu. Tôi bèn trả lời ổng để chờ mùa Xuân tới xung quanh nhà nó mọc lên thì hái ăn cho đỡ tốn, cũng “organic” đàng hoàng, sạch sẽ tinh tươm láng mướt chớ giỡn chơi à. Ông bạn nghe tôi nói xong chỉ còn biết vái tôi làm “sư phụ” độc môn hà tiện.
“Khổ qua” là tên chữ Hán- Việt (khổ là đắng, qua là dưa), người miền Nam kêu đúng tên gốc, người miền Bắc dịch trại ra là mướp đắng. Trái khổ qua thì nhứt định phải có vị đắng, không đắng không phải khổ qua. Khổ qua ngon có vị đắng nhân nhẩn, đắng quá cũng không ngon, mà không đắng cũng không ngon. Rau đay cũng có hai loại: loại lá và cây toàn màu xanh kêu là rau đay trắng, loại lá màu xanh nhưng thân cây, gân lá màu đỏ tím kêu là rau đay đỏ. Rau đay trắng có độ nhớt, vị lạt. Rau đay đỏ cũng có nhớt và hơi đắng nhân nhẩn, mùi nồng hơn. Tôi thích rau đay đỏ chính vì vị đắng nhân nhẩn của nó, đó cũng là đặc điểm để nhận biết mình đang ăn rau đay, chớ không phải đang ăn đậu bắp hay thứ gì khác. Tôi cũng bị bồ công anh cuốn hút bởi vị đắng nhân nhẩn mà không giống bất cứ vị đắng của thức ăn nào khác, lá mềm, hơi dai dai, giòn giòn, nhai sần sật giữa hai hàm răng, tất cả làm nên sự riêng biệt thật thú vị khi chúng ta ăn rau bồ công anh.
Bồ công anh có hai loại: Loại thứ nhứt phiến lá hai mặt đều xanh lục thuôn dài hoặc dạng mũi mác, đầu lá nhọn, cuống lá và gốc có màu tím đỏ, loại này cách bố trí lá hơi giống cây ngò gai ăn phở nhưng mép lá không có răng cưa gai như ngò gai. Loại thứ hai mép lá xẻ thùy răng cưa lớn, mặt trên xanh lục, mặt dưới xanh xám, gốc và cuống lá cũng có màu tím đỏ. Lá hái ăn được là khi mới bắt đầu mọc lớn hoặc mới bắt đầu nhú nụ bông, vì vậy khó để nhận biết đó chính là bồ công anh hay cỏ dại. Ðến khi nó đã trổ bông vàng ra rồi thì lá đã già, không ăn được, chỉ dùng bông, lá, rễ của nó làm thuốc mà thôi.
Nếu mua bồ công anh bán ở chợ hoặc tự hái thì nên lựa loại lá dài chừng một gang tay thì nó ở độ ngon nhất, nhiều dinh dưỡng nhất, non quá thì nó mềm mụp, mà già quá thì nó nhiều xơ nhai không đứt. Thành ra hái cây mọc trong sân nhà mình nên hái từ dưới lên, dưỡng lá non cho mọc dài ra để hái tiếp những lần sau.
Ðơn giản chỉ cần luộc như luộc rau muống và ăn với cá kho, thịt kho, hoặc chấm mắm tôm. Lá bồ công anh bị già thì chỉ làm món luộc là phù hợp nhứt, phải luộc hai lần để xả bớt vị đắng và cũng để cho lá mềm, dễ ăn hơn. Bắc nồi nước lên bếp, vặn lửa lớn cho sôi bùng lên rồi thả rau vô nồi, để rau ngập trong nước sôi hai phút, sau đó vớt lên rổ cho ráo nước. Nấu nồi nước mới, chờ nước sôi thả rau vô luộc tiếp lần thứ hai cũng hai phút rồi vớt ra rổ để ráo.
Cầu kỳ hơn thì trộn ăn sống như ta trộn dầu giấm rau xà lách, rau càng cua vậy. Ăn món trộn nên dùng loại lá trung bình hoặc lá non. Thêm tôm luộc đã lột vỏ, xắt làm hai theo chiều dài con tôm, thịt ba rọi ngon luộc xắt miếng mỏng, lỗ tai heo luộc xắt miếng mỏng, trứng vịt luộc cắt làm tư, rắc thêm đậu phộng rang vàng giã nhỏ để thêm mùi thơm hấp dẫn hơn.
Tôi thích ăn bồ công anh xào tỏi hơn, nếu xào thì lựa lá rau dài chừng một gang tay, không non quá cũng không già quá. Trước hết cũng trụng rau qua nước sôi rồi vớt lên rổ, để ráo nước. Dùng hai củ tỏi khô, lột bỏ vỏ. Trước hết lấy cái chảo lớn sâu lòng bắc lên bếp, vặn lửa vừa phải, cho vài tép tỏi bằm nhỏ để phi dầu ăn cho vàng và thơm. Sau đó vặn lửa lớn lên, cho hết phần tỏi còn lại vô chảo và một ít thịt ba rọi tươi xắt miếng mỏng hoặc thịt heo xay vô xào cho thịt săn lại, như vậy phần tỏi bỏ vô sau sẽ chín và có màu trắng mà không bị cháy vàng. Nêm gia vị (muối, bột ngọt, hạt nêm) hoặc cho vô chút mắm tôm, bột ngọt. Tiếp tục xào cho thịt thấm đều gia vị và chín rồi cho rau đã luộc vô xào đều khoảng từ ba đến năm phút, ăn thử thấy rau thấm dầu và gia vị, vừa đủ mềm là xong, đừng để chín quá rục rã ăn mất ngon.
Xúc rau xào còn nóng ra dĩa, ăn ngay với cơm nóng thì không gì ngon và lạ miệng bằng. Cũng có thể vắt thêm vô dĩa rau một tí nước chanh tươi, dùng đũa trộn rau thấm đều nước chanh, hoặc trộn thêm chút ớt bằm, chút củ hành tây (xắt sợi ngang) để mùi vị thêm lạ miệng hơn.