Thức ăn thường ngày của người Việt cần một lượng lớn rau gia vị. (Hình: Noel Celis/AFP via Getty Images)
Tôi nhận thấy rằng, thói quen ăn uống và ẩm thực Việt chịu nhiều thử thách trong những lúc ngặt nghèo hạn chế đi lại.
Một số người có thói quen ăn tiệm nhiều hơn ăn nhà sẽ không nhận thấy rằng, cơ thể họ đã quá quen với việc tiếp nhận lượng gia vị nhiều hơn mức hợp lý, và trở nên nghiện những gia vị mạnh và gia vị tổng hợp. Chẳng hạn, thèm một tô phở ở tiệm đó, thèm một cái bánh bao ở quận 5, tô cháo lòng quận 8, nhưng bánh xèo mãi tận quận 3.
Thức ăn thường ngày của người Việt cần một lượng lớn rau gia vị, và phải là rau tươi… hành lá là một thí dụ. Tô canh mây đơn giản mà không có hành lá, thì chỉ có… vứt (như nhiều người thường nói). Tất nhiên là lúc này đâu có vứt được, nhưng mà không có vui!
Nếu bạn trong ngành nhà hàng, bạn sẽ biết là đầu tư một cái bếp cho nhà hàng Việt luôn cần diện tích nhiều hơn nhà hàng Tây, dù món ăn ra đơn giản nhưng nó đòi hỏi quá nhiều khâu chuẩn bị và sự kết hợp của 108 loại nguyên liệu.
Đếm nhé, tô bún mắm cần mắm giữ trong tủ mát, xương heo, xương cá tủ đông, sả cây sả bằm tủ mát, hành tỏi khô, băm nhỏ, giữ lạnh; ớt tươi giữ lạnh mà ớt khô giữ mát… Nấu xong nồi súp thì để lắng trong, lọc nước, rồi lại đun nóng khi phục vụ…
Gọi là bún, nhưng ngoài bún phải có đủ thứ rau thái sợi từ bắp chuối, rau muống, rau súng, rau sam, rau đắng, rau thơm (trong rau thơm thì có bạc hà, lá quế, kinh giới, rau răm lại thêm cả hành tây, hành lá, hành gốc…). Topping nhân ấy mới khủng: cá; có cá basa tươi nguyên khoanh hay cá lóc phi lê, chả cá, mắm cá lại thêm ớt dồn chả cá chiên. Mực, có râu, có mình, có bạch tuộc nguyên con; heo quay da giòn bên cạnh tôm tươi cả vỏ (chẹp chẹp…).
Song, với kinh nghiệm phỏng vấn ẩm thực làm tư liệu cá nhân, thì tôi nhận thấy người Việt là ít thích thức ăn fusion. Không chỉ đơn giản là không thích, nhiều người còn “chì chiết” ác cảm với bất kỳ một món ăn cách tân nào.
Phải rất sành ăn, người ta mới vui thú ăn một món mới lạ và nhận ra đầu bếp đã phát triển công thức ấy hay dở thế nào, và độ am hiểu món truyền thống ở cấp độ nào. Người phương Tây, nhìn chung ít trộn lẫn cảm xúc khi đánh giá. Họ có thể tức giận vì món ăn nào đó không ngon theo khẩu vị riêng, nhưng không gán nó là một tội đồ phá hoại món truyền thống nếu từ đầu họ đã được thông báo đây là một món fusion.
Người Việt ít dám dùng khẩu vị riêng để… xử, mà thích viện đến những lý do “cao siêu” hơn bằng việc đem nền ẩm thực truyền thống vào luận tội; suy sụp cả tinh thần khi ăn một món không đúng! Thức ăn thì chỉ nên có ngon hay dở; đúng sai là việc của khoa dinh dưỡng rồi.
Sự thủ cựu dẫn đến việc khả năng thích nghi với thức ăn từ vùng miền khác, đất nước khác của chúng ta kém đi và khi chúng ta không vui với thức ăn là chúng ta đang đánh mất đôi phần công lực vì giảm phẩm chất cuộc sống đáng kể. Chẳng hạn, làm việc kém hiệu quả, hẹn hò kém hăng say, sức khỏe sa sút, tinh thần thiếu tập trung…
Nếu các đồng nghiệp xứ khác nô nức kéo nhau khám phá những nhà hàng danh tiếng trong thành phố khi đi công tác, thì nhiều người Việt muốn nhanh nhanh về phòng khách sạn để ngâm mì ly nhét đầy trong vali (lại phải nhắc lại ý 1, mì ăn liền là món gây nghiện thành công rực rỡ trong lòng người Việt, một món ăn công nghiệp nghiễm nhiên trở thành món quốc hồn quốc túy thì nền ẩm thực ấy không thể quá tự hào được).
Tiện đây, trong mùa dịch, xin đề nghị cách cai nghiện mì gói thành công của bản thân: dùng mì gói nấu các món khác như mì xào mềm, mì trụng trộn trứng lòng đào, mì bò viên, mì trộn… nhưng không dùng gói gia vị đi kèm, tự nêm nếm. Sau đó dùng qua các loại mì khác nhau, sau đó chọn qua mì tươi, bún, bánh đa khô… Và trộn thật nhiều giá, bắp cải, su su, cà rốt sợi…
Cai nghiện mì gói… chọn qua mì tươi, bún, bánh đa khô… (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ngoài ra, khi tiếp cận với thức ăn “Tây” chúng ta hay mang thành kiến như: béo quá, toàn bơ sữa lại thêm kem rồi phô mai, ngán quá… Dở quá, toàn giống giống nhão nhão như nhau. Chúng ta cũng nhầm lẫn đánh đồng thức ăn Tây chỉ là fast food. Món mì Ý chúng ta ăn ở một nhà hàng Việt, ở một tiệm thức ăn nhanh, ở những nhà hàng buffet sẽ khác với nhà hàng Ý nấu, và càng khác với đĩa mì Ý chúng ta ăn từ bếp của một người Ý nấu. Tất nhiên là ai cũng có quyền thích hoặc không thích món ăn, món đồ, hay người nào đó. Nhưng sẽ rất đáng tiếc cho chính chúng ta khi vội không thích một điều mà chúng ta chưa thật sự hiểu và biết về nó.
Quay lại việc phải làm gì với quy định chỉ được đi chợ đôi lần trong tuần. Để giúp bạn vui hơn trong tình thế này, với những ai trước nay không thích nấu nướng mà hay nghe mình “xúi dại” thì đi chợ bạn hãy mua những thứ này:
Sả:
Bạn có thể nấu cà ri heo, bò, gà, chay chỉ bằng sả và bột ngũ vị hương. Sả bằm có thể làm 108 món khác nhau mà không cần thêm rau gia vị nào khác. Còn nếu làm món muối sả thì xem như bạn để dành được nửa tháng lương khỏi mua thức ăn mất công!
Hành khô:
Hãy quên hành lá và nhiều loại gia vị đi. Đây là bí quyết giúp bất kỳ món ăn Việt nào cũng ngon đậm đà: hành tím phi thơm với dầu, đổ nước mắm vào và rắc tiêu lên… bất kì thịt thà, cá mú, rau tươi, đậu hũ, thậm chí củ chuối bỏ vào cũng ngon nữa.
Tỏi phi vàng:
Ngược lại tỏi phi vàng, rắc lên bất kỳ món gì bạn muốn, nhất là những món thiếu rau gia vị. Bí quá, rắc tỏi phi lên cơm nguội rồi chan một muỗng nước mắm nguyên chất lên, rắc chút ớt bột rồi ngồi trầm ngâm, nhai một muỗng cơm 72 lần sẽ thấy nó ngon vô cùng.
Muối chua:
Bất kỳ rau củ gì, dưa chua, cà rốt củ cải ngâm chua, cà pháo, cà mắm, dưa leo, củ kiệu, ớt ngâm chua… tất cả những loại muối chua đều khiến một món khô khan hoặc thiếu nguyên liệu đều trở nên… tươm tất hơn! Một đĩa xôi gà thiếu pate mà có đồ chua cũng này nọ kia lắm! Đĩa cơm tấm thiều sườn, thiếu bì, thiếu chả… mà có cà rốt, củ cải chua với cái trứng ốp la chan nước mắm cay cay, thì cũng mát lòng mát dạ lắm đa.
Những loại muối chua đều khiến một món khô khan hoặc thiếu nguyên liệu đều trở nên… tươm tất. (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)
Đừng phụ thuộc vào gạo, vì cơm khiến người Việt mình thèm đủ thứ món mặn, lại thêm rau cỏ, hành lá, ớt tươi. Hãy thêm những loại sợi khô sẵn tiện như bánh đa, phở khô, bún khô, miến, mì… làm món nước đơn giản với thịt bằm, và chút giá đỗ tự ngâm hay vài đọt rau lang mót ngoài hàng rào, rắc muỗng tỏi phi cũng xong, mà ngon vì lạ miệng.
Quan trọng nhất, nói ra cũng hơi ngại, mà tôi chơi với đủ thứ sắc dân, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường (khác chăn) với họ cũng nhiều mà tôi không thấy ai bận tâm về cái ăn… như tôi (là một người Việt)… Ý là, nếu có khách đến mình sẽ rất băn khoăn làm gì cho họ uống, nấu gì cho họ ăn, mua sẵn thức gì cho họ nhâm nhi mỗi khi họ buồn miệng.
Nói chung là chúng ta cũng khá quan tâm cho họ ăn gì, thay vì để họ ăn mình. Đừng có nghĩ bậy nha… ý là mình chơi với họ này nọ kia, chứ gặp nhau không nhất thiết là cứ phải ăn mà phải… chơi nữa chứ. Bạn để ý, mỗi khi gia đình Việt tụ tập và các gia đình dân tộc khác tụ tập bạn sẽ thấy. Nhưng tôi không phản đối, tôi thấy cùng nhau nấu ăn hay ăn, cùng lo thức ăn cho người già, trẻ em, ông bố, bà mẹ… cũng là văn hóa, cũng là quan tâm, là tình thương. Chỉ có điều trong tình hình này, thì chúng ta nên suy nghĩ một chút để đem những hoạt động khác vào cho quên… cơn đói. Vì đói mà không có sẵn thức ăn, mà lại nghĩ đến tem phiếu hai tờ một tuần còn thêm nguy cơ lây nhiễm.
Cái này bí mật, đừng nói ai: hẹn hò online, viết thư tình, chơi game và xem phim drama, tám chuyện với bạn thân, thậm chí “giải trí cá nhân” cũng đều giúp chúng ta qua cơn thèm ăn. Và những lúc không thèm ăn, hãy ăn một món thật đơn giản như mẩu bánh mì, hay tô canh là qua ngày mà vẫn vui hừng hực như thường!
Hôm nay viết dài, có lẽ tạm ngừng đây chứ giờ thấy hơi đói đói; phân vân quá không biết nên đi nấu bún mắm, hay… đi tắm cho qua ngày!
(*) Canh mây: Canh trứng nấu với cà chua
Chương Đặng
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/