Hoa thiên lý
Ngoài tác dụng trang trí như một loại cây cảnh đẹp mắt, hoa thiên lý còn có thể ăn được, chúng có vị ngọt dịu, mùi thơm nồng đậm dễ ngửi. Đặc biệt giá trị dinh dưỡng trong hoa thiên lý rất cao, với đa dạng các loại vitamin, chất xơ, chất đạm,... Chúng có tác dụng tích cực đến chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, chống viêm hiệu quả,...
Bạn có thể sử dụng hoa thiên lý để chế biến các món xào hay các món canh, hoa thiên lý có thể dễ dàng kết hợp cùng với hầu hết các nguyên liệu mà không phải lo về vấn đề ngộ độc thực phẩm. Hầu như tất cả món ăn từ hoa thiên lý đều mang đến vị ngon khó cưỡng, rất đáng để thử.
Tuy nhiên khi chế biến, bạn không nên để cho hoa thiên lý quá chín để có thể giữ trọn giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị của loài hoa thơm ngon này nhé.
Hoa điên điển
Hoa điên điển còn có tên gọi khác là hoa điền thanh, hoa muồng rút, sinh trưởng và phát triển tại vùng đất đầm lầy, dưới các ruộng nước. Chúng xuất hiện nhiều tại vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi, khu vực phía Bắc như các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, bạn vẫn có thể tìm thấy những bó hoa điên điển vàng rực, bắt mắt.
Khi ăn hoa điên điển thường tiết ra vị ngọt dịu, xen lẫn chút hậu đắng nhẹ, bạn có thể thử thực hiện món hoa điên điển xào tép, hoa điên điển nấu canh chua cá linh,..
Không chỉ đơn thuần là một loài hoa ăn được, hoa điên điển còn chứa thành phần dinh dưỡng cao. Thích hợp dùng để thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và có tác dụng hữu hiệu trong việc an thần.
Hoa của cây hẹ
Hoa của cây hẹ có hương vị đáng ngạc nhiên. Nó được sử dụng rộng rãi trong món salad, mì, trứng tráng. Dùng nó để nấu với cá cũng khá ngon, hoặc dùng để trang trí
Hoa hồng
Hoa hồng từ lâu đã được xem là loài hoa mang vẻ đẹp quyến rũ, lộng lẫy trên từng cánh hoa, nhưng không phải ai cũng biết hoa hồng còn là nguyên liệu cho nhiều bài thuốc điều hòa kinh nguyệt, chữa trị viêm da, hỗ trợ làm giảm mụn nhọt hay trị đau bụng một cách hiệu quả.
Ngày nay bạn có thể thấy nhiều loại sản phẩm trà hoa hồng với nụ hoa sấy khô dùng để pha cùng với nước nóng, khi uống còn có công dụng an thần, giảm căng thẳng. Hoa hồng còn có thể dùng làm siro.
Trong hoa hồng còn có rất nhiều vitamin C và các dưỡng chất khác rất tốt cho cơ thể, do đó bạn có thể thử tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của hoa hồng cũng như các cách sử dụng sao cho thật phù hợp.
Hoa atiso
Ở Việt Nam bạn có thể tìm thấy những đóa hoa atiso tươi mới nhất ngay tại Đà Lạt, Sapa, được người nội trợ ưa chuộng sử dụng như một nguồn thực phẩm mang đến giá trị dược liệu tuyệt vời dành cho cơ thể con người.
Hoa atiso khi dùng chế biến món ăn có thể giúp cơ thể cung cấp thêm nhiều năng lượng, các thành phần chất khoáng, vitamin phù hợp để bồi bổ cơ thể, làm mát gan, rất tốt với người bị bệnh tiểu đường,.. công dụng mà hoa atiso mang lại là khó có thể phủ nhận.
Cùng với cách chế biến đa dạng, bạn có thể dễ dàng thực hiện món canh atiso thanh mát, món mứt atiso ngon ngọt, hay tinh tế với món trà hoa atiso thanh mát.
Hoa bí
Hoa bí là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước. Hoa bí có thể ăn được là hoa bí đực của cây bí rợ, không ra quả. Người miền Bắc thường luộc hoa bí vì có vị ngọt thanh, phần cuối bí có vị giòn dai, ăn rất thú vị. Món canh mùa hè cũng thường được nấu cùng với hoa bí, nêm thêm ít vị chua, cùng với thịt băm
Riêng ở miền Nam, bông bí cũng như các loại bông khác như điên điển, bông so đũa làm thành món "lẩu hoa" đầy màu sắc và ngon miệng. Người miền Nam luộc bông bí chấm nước kho cá, kho thịt hay tương dầm ớt. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu… xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn giòn
Hoa cúc (Chrysanthemum)
Không chỉ mang vẻ đẹp dịu dàng với cánh hoa trắng tinh, khá mỏng và nhỏ, phần nhụy hoa to hơn có màu vàng ươm hút mắt.
Bên cạnh tác dụng trang trí, những đóa hoa cúc còn được biến tấu thành loại nguyên liệu ăn được, mang đến cho người dùng những trải nghiệm hương vị mới lạ.
Trong hoa cúc có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, thúc đẩy quá trình chống viêm trong cơ thể người, chúng được đánh giá là một loại thảo mộc dành để điều trị mất ngủ, rối loạn xương khớp,..
Trà hoa cúc được sản xuất và bày bán khá đại trà, khi nếm thử có mùi thơm thoang thoảng dễ chịu, vị thanh mát. Nếu thích bạn có thể dùng để nhâm nhi cùng với 1 ít bánh ngọt.
Hoa ban
Hoa ban nổi tiếng của vùng núi rừng Tây Bắc, mang vẻ đẹp trong trẻo thuần khiết, cánh hoa mỏng manh, vô cùng đẹp mắt. Bên cạnh đó, hoa ban còn là nguyên liệu chính cho các món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực dân tộc Thái.
Một số món ăn quen thuộc được người phụ nữ Thái chế biến thường xuyên là món xôi hoa ban, hoa ban xào cải, hoa ban còn được dùng để nấu canh thịt hoặc sườn non cực kì hấp dẫn.
Theo Đông Y, nước đun từ hoa ban tươi hoặc hoa ban khô có tác dụng tích cực trong việc hạ sốt, ngừa viêm, trị mụn nhọt, đau bụng và tiêu chảy,...
Hoa thì là
Có thể bạn đã từng nghe đến, rau thì là thường được sử dụng như một loại nguyên liệu tạo mùi thơm cho các món ăn thêm hấp dẫn. Nhưng thật ra cây thì là có thể ăn được từ hoa đến thân lá, khi ăn bạn có thể nhận thấy chúng có mùi vị tương tự như cam thảo, dễ chịu.
Trong hạt của cây có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, cuống hoa có nhiều chất xơ, chúng có chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa, rất có ích với sức khỏe của con người.
Hoa so đũa
Ở phía Nam, ta dễ dàng bắt gặp các món ăn từ bông so đũa. Bông so đũa có vị hơi đắng nhưng lạ miệng. Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông hoa tươi, nhặt bỏ cuống và vị đắng, bỏ đài, sau đó rửa nhẹ rồi chế biến thành những món canh chua cá rô, canh chua với khế, cá lóc, cá linh, tôm sống hoặc làm lẩu chua cùng một số loài ra khác đều rất ngon
Hoa của cây húng quế
Hoa của cây húng quế hoàn toàn có thể sử dụng được như lá của nó. Tuy nhiên những bông hoa có hương vị khá nặng, vì vậy nên chúng ít được sử dụng hơn. Hoa húng quế có thể cho thêm vào món salad, súp hoặc mì ống
Hoa sen
Trong khi những loại hoa khác có thể chế biến thành các món ăn dân dã, thì hoa sen chỉ thích hợp với món ăn tinh tế, vương giả. Hầu hết các bộ phận của cây sen như hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen đều ăn được.
Hoa sen có sẵn vị ngọt, lại lành tính rất tốt cho sức khỏe. Có một món ngon từ hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình là vịt hấp hoa sen. Bên cạnh đó, rất nhiều món ăn có sự kết hợp của hương sen như cơm sen, nộm sen hay chè sen,… tất cả đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.
Hoa chuối
Hoa chuối hay còn được gọi là bắp chuối, là 1 trong các bộ phận của cây chuối mà người Việt Nam ưa thích.
Với một chiếc bắp chuối bạn hoàn toàn có thể thực hiện các món ăn khác nhau từ các món gỏi trộn bắp chuối tôm thịt chua ngọt bắt vị, đến các món canh chua tuyệt vời, hương vị độc đáo, lạ miệng với món hoa chuối kho tiêu mà ngon đến ngất ngây.
Vốn là nguồn nguyên liệu đậm nét mộc mạc nhưng hoa chuối lại chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, có tác dụng hỗ trợ điều trị thiếu máu, điều hòa kinh nguyệt, giảm viêm, còn có tác dụng kích sữa sau sinh,…
Lưu ý về việc sử dụng hoa trong ẩm thực
Chỉ ăn những loài hoa nào bạn đã có đủ thông tin và cơ sở để chắc chắn rằng chúng ăn được. Một số loài hoa tuy khác nhau nhưng lại có hình thức từa tựa nhau và rất dễ nhầm lẫn. Hãy nhận diện thật kỹ loài hoa mình lựa chọn trước khi ăn hoặc chế biến.
Chỉ ăn những bông hoa được gieo trồng một cách sạch sẽ và hữu cơ. Phần lớn hoa được bày bán trong các cửa hàng hoa tươi kỳ thực được phun thuốc trừ sâu vì chúng vốn không được trồng để ăn.
Rửa hoa thật kỹ trước khi ăn sống hoặc chế biến.
Với hầu hết các loài hoa ăn được, cánh hoa là phần an toàn nhất và ngon nhất để ăn.
Nếu bạn không chắc một loài hoa nào đó có ăn được không, hoặc không yên tâm về nó, tốt nhất không nên ăn.
********
Ở Việt Nam có 5 loại hoa vừa đẹp vừa ăn được
Nếu là người sành ăn, chắc chắn bạn đã từng nếm thử hoặc từng nghe nói tới những món ăn độc đáo làm từ hoa dưới đây.
Hoa xuyến chi hay còn gọi là hoa đơn kim, hoa cúc áo là một loại cây dại có hoa trắng nhụy vàng rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Bất cứ bờ cây bụi cỏ nào hầu như cũng có sự xuất hiện của hoa xuyến chi.
Tuy nhiên xuyến chi không chỉ là một loài cây dại đơn thuần, theo Đông y và y học dân gian Việt Nam thì xuyến chi còn là một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Thành phần trong cây xuyến chi có kẽm, magie, sắt, photpho, canxi… rất tốt cho sức khỏe.
Không dừng lại ở việc làm thuốc, làm hoa, hoa xuyến chi còn có thể dùng làm thức ăn. Đây là giống rau mọc dại ở nhiều nơi nên bạn có thể hái về với giá… 0 đồng. Hoa xuyến chi có thể luộc, xào với tỏi, nấu canh chua và làm nộm nữa đấy!
Trong vô vàn món nộm, món gỏi, chẳng ai ngờ rằng lại có món gỏi làm từ…hoa phượng, vừa ngon lại vừa đẹp mắt như thế này. Những cánh hoa phượng có vị chua nhẹ, thanh thanh, được nhiều người sử dụng làm thực phẩm.
Gỏi gà hoa phượng là đặc sản chỉ phổ biến ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ với nguyên liệu chính là thịt gà và hoa phượng. Thịt gà được luộc chín và xé nhỏ, trộn đều với hoa phượng, giá đỗ, rau thơm, lạc rang, hành phi, ớt, chanh và các loại gia vị.
Sắc đỏ bắt mắt và vị chua chua, giòn giòn đặc trưng của những cánh hoa phượng càng khiến món ăn này trở nên hấp dẫn. Đến mùa hoa phượng nở, bạn chỉ cần bẻ 1 cành hoặc nhặt cánh phượng rụng, sau đó rửa sạch là đã có thể chế biến thành món ăn ngon mà “không tốn xu nào”.
Lục bình (bèo tây) là một loại cây mọc dại hoặc được trồng tại nhiều vùng ao hồ, kênh rạch…
Ở nhiều vùng, loại cây này là một loại rau sạch, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như canh bèo tây, nộm bèo tây, bèo tây xào thịt bò hay nhúng với lẩu.
Bèo tây mọc dại nên bạn có thể hái “nguyên liệu” này về nấu nướng với giá chỉ 0 đồng. Cách ăn dễ nhất đó chính là tước ngó non và bông, rửa thật sạch, xào với tóp mỡ hoặc để tươi chấm với mắm, nước cá kho cũng đã đủ thơm ngon.
Ở miền Tây, món bông lục bình chiên giòn hay món canh lươn nấu với lục bình cũng khá được ưa chuộng.
Bồ công anh là loại cây mọc dại chứa nhiều dưỡng chất. Hoa bồ công anh có đường kính 2- 4cm, cánh hoa nhỏ li ti có màu vàng.
Hoa bồ công anh chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh. Bạn có thể dùng hoa bồ công anh để ăn trực tiếp hoặc trộn salad, tẩm bột chiên hoặc dùng làm thạch hay rượu vang. Hoa mọc dại nên bạn có thể hái mà không phải bỏ tiền ra mua.
Không chỉ hoa mà 1 số bộ phận khác của cây bồ công anh có thể ăn được như rễ, thân và lá. Phần rễ cây có thể dùng để pha trà hoặc nấu với các món hầm.
Hoa ban là loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nở rộ vào mùa Xuân sau Tết âm lịch ở khắp các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái…
Ít ai biết, hoa ban còn được dùng để chế biến thành những món ăn ngon như hoa ban xào măng đắng, canh hoa ban, hoa ban nộm, hoa ban hầm móng giò. Chỉ cần hái hoa ban về nhà là bạn đã chế biến được 1 món ngon với chi phí 0 đồng.
(Theo Dân Việt)
Kim phượng sưu tầm & tổng hợp
Nguồn: http://gocnhosantruong.com/