Tôi bước lên thềm nhà khi chiếc xe màu mạ non khuất sau khúc quanh có ngả rẽ về hướng xa lộ. Dì Cát từ bên hông nhà chạy ra, trên tay còn cầm cái xẻng nhỏ dùng để xúc đất:
- Cháu lên tới rồi à? Khai đâu?
- Dạ! Khai về rồi… anh ấy bận… không ở lại được.
Tôi lúng túng trả lời.
- Ừ! lâu lâu sống một mình như người độc thân cũng thú lắm chứ!
Cái nhìn tự nhiên, không chút thắc mắc cùng tiếng cười thoải mái của Dì Cát làm tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Đưa tôi vào căn phòng màu tím nhạt có khung cửa sổ hướng về mặt hồ phía sau nhà, dì Cát dặn dò tôi vài câu trước khi ra bếp chuẩn bị bữa ăn trưa.Tôi mở vali lấy quần áo sắp vào tủ và đặt một ít đồ đạc thường dùng lên bàn.Tựa cửa, nhìn ánh nắng chập chờn nhảy múa trên mặt nước sáng loáng, tôi có cảm tưởng như trong lòng đang có những đợt sóng lăn tăn. Những ngày hôm trước, tâm trí tôi căng đầy những ý nghĩ hỗn tạp, bây giờ sao tự dưng lại trống vắng một cách lạ lùng -một sự trống vắng tràn đầy buồn bã và bi quan.Bắt đầu hôm nay tôi sẽ sống những ngày không có Khai bên cạnh.Tự dưng nước mắt ứa ra, tôi đưa tay lau thật nhanh khi nghe tiếng dì Cát vọng vào phòng:
- Tiểu cô nương ơi, ra ăn cơm.
Bữa cơm thật nhạt nhẽo dù thức ăn toàn là những món tôi ưa thích từ thuở bé. Tôi nhìn quanh căn nhà, thoáng chút bùi ngùi lẫn trong câu hỏi:
- Dì ở đây một mình không buồn sao?
- Mới đầu cũng buồn, nhưng dần dần rồi quen và bây giờ thì dì yêu cái không gian tĩnh lặng này lắm.
Tôi buông đũa, chống tay nhìn dì Cát một lúc rồi hỏi tiếp:
- Dì làm gì cho hết một ngày… buồn tênh!
- Chẳng có giờ để mà buồn đâu Tiểu cô nương. Đây này, buổi sáng dì đón bình minh ở hiên sau, vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm mặt trời ló dạng trên mặt hồ. Sau đó ra vườn, ăn sóc,tưới táp những chậu rau, những khóm hoa. Loay hoay một tí là phải vào bếp nấu ăn. Ăn xong, đọc vài trang sách đã đến giờ nghỉ trưa. Thức dậy nghe dăm bản nhạc, sau đó mở computer đọc điện thư hoặc xem vài mẩu tin là đến bữa cơm chiều. Tối thì xem TV hoặc vài tập phim Hàn quốc trước khi đi ngủ. Thấy không, dì cũng bận rộn lắm chứ bộ.
Không biết sau nụ cười tươi đầy vẻ mãn nguyện, dì Cát có còn cất giấu nỗi buồn đau vì dượng đột ngột từ giã cõi đời khi hai người đang mặn nồng hạnh phúc hay không, nhưng tôi thấy dì có vẻ tươi tắn và xinh đẹp hơn lúc trước nhiều.
Dọn rửa xong hai dì cháu nói chuyện đến khuya. Trước khi vào phòng, dì Cát nhìn tôi bằng ánh mắt tinh ngịch:
- Hy vọng đêm nay sẽ không có đứa khóc vì nhớ chồng.
- Dì biết hết, làm cháu xấu hổ quá đi.
Tôi nghiêng đầu cười thật tươi để che dấu lòng mình. Làm sao dì Cát biết được trong chén canh hạnh phúc ngọt ngào mà tôi và Khai cùng nhau nhấm nháp bốn năm qua đã bắt đầu lẫn vài hạt sạn. Tuy rất nhỏ nhưng đôi khi nó cũng làm xốn xang miệng lưỡi. Khởi đầu là sự thiếu vắng những quan tâm, âu yếm mà từ lâu hai đứa vẫn dành cho nhau. Có lẽ, bắt đầu từ lần bác sĩ cho biết, tôi rất khó thụ thai sau khi đứa con đầu lòng bị hư mất vào tháng thứ năm. Tôi biết Khai hụt hẫng trước tin buồn đó, nhưng tôi còn đau đớn, thất vọng hơn anh nhiều. Và, thay vì an ủi tôi bằng cái nắm tay như Khai vẫn thường làm, anh lại lặng lẽ cúi đầu đi một mạch ra bãi đậu xe, mặc cho tôi lủi thủi bước từng bước nặng nề ở phía sau. Suốt buổi tối hôm đó Khai không nói một lời và ngủ lại trong phòng làm việc. Thái độ của Khai làm cho tôi có cảm giác mình là người có lỗi. Đây chẳng phải là điều tôi muốn và sự bất hạnh này đâu chỉ dành cho Khai mà cho luôn cả tôi. Có thể nói, bất hạnh của tôi còn lớn gấp mấy lần Khai thì tại sao anh lại đối xử với tôi như thế? Nửa đêm, tôi bật dậy, lên xe lái quanh quẩn hết đường này sang đường khác với tâm trạng gần như tuyệt vọng. Bốn giờ sáng điện thoại reo, nhìn thấy tên Khai, tôi quăng điện thoại ra băng sau và quyết định đến nhà Tố Minh cách thành phố tôi đang ở hơn hai tiếng lái xe.
Ngày kế tiếp tôi vẫn không bật máy để nghe tin nhắn của Khai. Tố Minh cảnh cáo tôi:
- Ngốc ạ! mày đang tạo cơ hội để chồng có cớ thay lòng đổi dạ đó, biết không?
Tôi cười -nụ cười méo mó đầu tiên sau một ngày khóc vùi không ăn, không ngủ.
- Không bao giờ có chuyện đó.
- Mày thật sự nghĩ như thế?
Tôi gật đầu trước ánh mắt ngờ vực của Tố Minh. Thật ra, trước khi kết hôn tôi và Khai đã giao kết, nếu một trong hai người cảm thấy tình yêu dành cho nhau không còn nữa thì nên thẳng thắn đề nghị chia tay, đừng lừa dối, đừng ngoại tình, dù chỉ trong tư tưởng. “Anh mong rằng trong tự điển tình yêu của chúng ta sẽ không bao giờ có hai chữ phản bội. Đó là điều tồi tệ nhất không nên có giữa hai người đã từng nắm tay thề hứa sẽ mãi mãi giữ lòng chung thủy với nhau dù bất cứ hoàn cảnh nào”.
Khi nghe tôi kể lại điều này, Tố Minh gật gù:
- Mày biết vì sao Khai đưa ra cam kết này không?
- Vì Khai là một người thẳng thắn, thành thật, thủy chung nên ghét sự gian dối, bội bạc.
- Theo tao, nguyên nhân chính là nỗi ám ảnh mà người tình đầu tiên để lại vẫn còn đè nặng trong tâm trí của Khai. Ngày đó, hai người đang yêu nhau thắm thiết, nồng nàn thì đùng một cái cô ta bỏ đi lấy chồng. Cái đau là Khai chỉ biết tin ấy trước đám cưới một ngày. Có nghĩa là Khai bị cô ta lừa dối suốt một thời gian dài mà không hề hay biết.
Tôi tròn mắt kinh ngạc:
- Sao khi biết tao lấy Khai mày không kể chuyện này?
- Thì tao cũng chỉ biết ngay hôm đám cưới mày khi tình cờ gặp lại đứa bạn thời trung học mà nó là bà con với Khai. Nhưng tao nghĩ, chuyện đó chẳng có gì đáng nói, quan trọng là tình yêu của mày và Khai. Dù sao, cái cam kết đó cũng rất công bằng đối với mày, phải không?
- Ừ! tao cũng cùng quan niệm với Khai. Sự thành thật tuy có tàn nhẫn, nhưng vẫn đáng kính trọng hơn là lén lút, lừa dối. Tao hoàn toàn tin tưởng Khai sẽ không bao giờ vi phạm điều đã cam kết.
Hai ngày sau tôi trở về nhà trong sự vui mừng của Khai. Anh chạy đi mua thức ăn -những món tôi ưa thích- và chăm sóc tôi từng ly, từng tý. Tôi cũng giữ thái độ nhỏ nhẹ, hòa nhã. Cả hai tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện đã xảy ra. Nhưng sau ngày ấy, chừng như cái khoảng cách giữa chúng tôi bắt đầu tượng hình. Ánh mắt trìu mến ngày nào được thay thế bằng cái nhìn có chút lạt lẽo, xa lạ. Những lời đối thoại mất dần âm hưởng tình tứ, ngọt ngào mà thay vào đó là những câu nói cụt ngủn, khô khan, đôi khi sẵng lè khiến cả hai phải chau mày khó chịu. Chiếc giường ấm cùng ngày trước tôi và Khai luôn quấn quýt lấy nhau, giờ hai đứa quay lưng lại, lẻ loi tìm giấc ngủ. Và cứ như thế từng mảng yêu thương như giòng nước lặng lẽ chảy dần ra biển cả, đến khi tôi giật mình nhìn lại thì một bàn tay đã thôi nắm một bàn tay. Mỗi ngày, hình như người này chờ người kia nói một câu, hay làm cái gì đó để phá vỡ tảng băng ngày càng dày, che chắn con đường hạnh phúc đang dần dần thu hẹp, nhưng không ai muốn bước một bước trước.
Cuối cùng, không chịu được bầu không khí gia đình ngày càng lạnh lẽo, nặng nề , tôi ngỏ ý đi xa một thời gian ngắn để hai vợ chồng, mỗi người có dịp nhìn lại mình, lắng nghe tiếng nói của trái tim mình và nếu thật sự tình yêu đã dứt áo ra đi thì có lẽ cả hai cần đối diện với sự thật để xem có nên duy trì cuộc hôn nhân này không? Đề nghị của tôi được Khai tán đồng – nhưng thay vì hài lòng, tôi lại nghe có một chút tổn thương trong lòng. Một mâu thuẫn lạ lùng!!!- Tôi chọn nhà của Dì Cát làm nơi trú ngụ. Một căn nhà ở vùng ngoại ô, có sông, có núi. Hy vọng khung cảnh yên lành này sẽ giúp tâm hồn tôi được bình an để đi đến một quyết định quan trọng.
***
Cuối cùng, một con bé chưa đầy ba mươi tuổi làm sao giấu được những xao động, bất ổn trong lòng mình dưới đôi mắt dò xét tinh tế của dì Cát. Tôi vừa khóc, vừa kể lể trong vòng tay vỗ về của người dì thân yêu.
- Thì ra, cả hai đứa đều bị nhốt kín trong bốn bức tường tự ái cao vòi vọi. Khai giận cháu vì câu nói “Em không sinh con được nữa thì anh có cơ hội để cưới một người vợ khác mà mẹ anh sẽ vừa ý hơn”. Khai cho rằng cháu gieo tiếng ác cho mẹ Khai và đánh giá Khai quá thấp. Còn cháu thì nghĩ rằng Khai bỏ mặc cháu trong lúc cháu cần được yêu thương và an ủi nhất. Đứa nào cũng cảm thấy bị tổn thương nên chuyện bé xé ra to. Rồi thay vì nói ra những khúc mắc trong lòng để hiểu và thông cảm nhau thì hai đứa lại dấu kín và hành xử theo cảm tính của mình lúc đó, đến nỗi hạnh phúc vợ chồng bị hao mòn. Thật là vô lý!
Chắc dì Cát đã gọi Khai để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Vậy mà mấy ngày nay tôi cứ làm ra vẻ vui tươi, hồn nhiên trước mặt dì, dù trong lòng đang lao xao, bồn chồn giữa nhớ thương và hờn giận. Tôi xấu hổ cúi đầu, dần dừ một lát mới dám thú nhận với dì Cát chính tôi là người muốn đi, nhưng khi Khai đồng ý tôi lại hụt hẫng. Tôi nghĩ, có lẽ Khai chẳng còn hứng thú gì khi ở cạnh tôi, nên thay vì giữ tôi lại bằng câu nói ngọt ngào “anh không muốn xa em chút nào” thì Khai lại vui vẻ lái xe đưa tôi đến tận nơi này. Điều đó làm tôi càng giận Khai hơn.
Dì Cát nhìn tôi lắc đầu. Trong nụ cười trìu mến có cả sự chế nhạo.
- Mẹ cháu thường nói, không ai ngang ngược bằng con Tiểu Phụng. Câu nói này quả không sai chút nào. Thật ra, quyết định đi xa của cháu rất hợp lý. Bởi vì, khi giữa hai vợ chồng có sự mâu thuẫn đến nỗi không thể tìm được tiếng nói chung thì việc chọn lựa một khoảng lặng giữa hai người là một lựa chọn khôn ngoan.
Tôi thút thít:
- Mới đầu cháu cũng nghĩ vậy, nhưng những ngày không có Khai bên cạnh cháu lại nghĩ khác. Khoảng lặng đó hình như là dấu hiệu của sự phai nhạt trong tình yêu, là sự chán chê của đời sống vợ chồng.
- Có lẽ Khai không nghĩ như cháu.
- Sao dì biết?
Dì Cát không trả lời câu tôi hỏi mà hỏi ngược lại tôi:
- Cháu có đọc những điện thư Khai gửi cho cháu từ hôm ấy đến nay không?
Tôi mím môi, ương ngạnh lắc đầu. Dì Cát vỗ tay lên trán, cắn môi, nhíu mày lẩm bẩm:
- Lạy trời, sao cháu tôi trẻ con và cố chấp đến như thế. Tiểu Phụng à! trong đời sống hôn nhân, nếu mỗi người biết quên mình một chút thì hạnh phúc sẽ bền lâu. Hãy nói với Khai những điều cháu cần nói, hãy nghe từ Khai những điều cháu cần nghe. Mọi chuyện rồi sẽ ổn khi cả hai đều mở lòng ra bằng thái độ thành khẩn và tràn đầy yêu thương.
Dì Cát xoa vai tôi với nụ cười hiền hòa rồi đứng lên, bước ra ngoài. Còn lại một mình tôi tựa lưng vào thành giường, ôm chặt chiếc gối mềm mại trong cánh tay với một chút xấu hổ vì đã nói dối. Dì Cát ơi! một con bé lóc chóc, nóng nảy như cháu làm sao có thể bình thản, không nôn nóng, không tò mò tìm đọc tâm trạng của Khai. Nhưng cháu không muốn dì thắc mắc, tại sao đã đọc điện thư của Khai mà không trả lời. Nếu như dì đang nhớ nhung người nào đó bằng nỗi nhung nhớ dài vô tận mà suốt năm ngày chỉ nhận được vài chữ ngắn ngủi, dì có buồn, có giận không? Này nhé, Ngày thứ nhất không có một dòng chữ. Ngày thứ hai cũng trống không. Ngày thứ ba “Nhà vắng vẻ quá”. Ngày thứ tư “Buồn”. Ngày thứ năm “Nhớ….”.
Có người chồng nào kiệm lời như thế không? Tôi biết, nếu câu hỏi này được đặt ra, thể nào câu trả lời của dì Cát cũng sẽ là “Ủa! Tiểu cô nương biết giận, bộ người ta không biết giận sao?”. Ừ! thì để xem ngày thứ sáu, cái giận của Khai đi đến đâu. Tôi bật máy và đôi mắt như mở to hơn ngày thường trước những dòng chữ…
*Ngày thứ sáu
“Nhớ em quá Tiểu Phụng ơi! Hôm nay anh quyết định dẹp bỏ tự ái để nói với em rằng, anh yêu em hơn bao giờ hết và mơ ước lớn nhất của anh là được cùng em đi đến cuối cuộc đời. Chính cái khoảng lặng mênh mông bao trùm căn nhà bé nhỏ của mình đã giúp anh cảm nghiệm được tình cảm trung thật nhất anh đang dành cho em. Dù từ ngày ấy đến nay không có một câu trả lời nào từ phiá em, anh vẫn tin rằng trái tim em đang cùng một nhịp đập với anh, phải không em? Ngay giây phúy này anh thèm được ấp ủ bàn tay ấm áp của em và thèm được ôm xiết em vào lòng để nói với em “đừng bao giờ mình xa nhau nữa dù chỉ là một phút ngắn ngủi nghe em!”.
Những dòng chữ đều đặn bỗng nhòe nhạt trong dòng nước mắt. Bao nhiêu giận hờn dường như tan biến hết. Tôi quýnh quáng tìm lại trang nhà của mình – với cảm giác như Khai đang đứng phía sau tôi và sẽ đọc được tất cả- nhanh tay xóa hết những lời trách móc, những lời chia tay cay đắng đã viết trong mấy ngày qua nhưng chưa gửi đi để viết một chữ “nhớ anh” thật to mà nghe lòng nhẹ hẫng.
Ước gì, ngay phút giây này tôi được trở về căn nhà thân yêu của mình, nơi đó có tình yêu, có hạnh phúc mà vì một phút nông nổi chúng tôi suýt làm đổ vỡ vì không biết “quên mình một chút” như dì Cát đã ân cần khuyên nhủ.
Ngân Bình