Cuối cùng chị Ánh cũng giúp tôi tìm ta chỗ ở của Minh Thao.
- Thôi, vậy cũng tạm ổn. Bây giờ cứ để con bé ở với cô của nó. Chị cam đoan, chẳng mấy chốc nó sẽ nhớ mẹ mà mò về. Nhưng em cũng nên gọi điện thoại cho Minh Thao mỗi ngày. Nó không trả lời thì nhắn vào máy để bà chị chồng không có cơ hội thọc gậy bánh xe chia rẽ hai mẹ con.
Trước khi ra về, chị ôm xiết lấy tôi an ủi:
- Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Đừng buồn, ráng giữ gìn sức khỏe.
Tôi bật khóc trên vai chị Ánh:
- Em phải làm sao bây giờ?
- Thì đành… tới đâu tính tới đó, suy nghĩ nhiều làm chi cho đau đầu. Hãy cầu nguyện để giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt. Có cần gì thì gọi chị.
- ….
- À! mà em có kể chuyện này cho Kế nghe không?
- Dạ có!
- Kế nói sao?
Tôi ngần ngừ một lúc rồi thở dài:
- Kế nói tại em chiều quá nên con hư. Anh ấy bảo cứ bỏ măc, quan tâm nhiều đến nó, nó sẽ làm tới.
Giọng chị Ánh thoáng chút bất mãn:
- Em nghĩ sao về lời nói của Kế?
- Có lẽ… Kế còn giận Minh Thao, vì lần gặp trước nó hỗn với Kế, nên mới nói vậy.
Chị Ánh nhìn tôi một lúc rồi đứng lên, đi ra cửa. Tôi bước theo với một chút ngượng ngùng khi chợt nhận ra, hình như mình đang biện minh cho Kế.
Trở vào nhà, tôi nhìn lên chiếc bàn thờ trống trơn, lòng buồn khôn tả. Có lẽ, Minh Thao không bao giờ nghĩ đến việc mang theo bức ảnh của ba nó khi rời khỏi nhà, nếu không có người xúi biểu. Tôi còn lạ gì tính tình của người chị chồng khe khắt, bủn xỉn. Lúc Phú còn sống, vợ chồng tôi cũng có lần suýt chia lìa cũng vì chị. Sau khi Phú qua đời trong một tai nạn tại đột ngột, chị bắt đầu to nhỏ với Minh Thao “Dòm chừng mẹ mày, không thôi nó lại đem tiền bảo hiểm bồi thường cho trai ăn hết”. Câu nói ác độc đó được thốt ra giữa lúc tôi quá đau đớn và suy sụp vì sự ra đi đột ngột của Phú đã khiến Minh Thao phản ứng kịch liệt. Con bé nói như hét vào mặt người chị của ba nó “Cô không được quyền nói xấu mẹ con”. Nhưng bây giờ, khi Minh Thao buộc tôi phải trả lời câu hỏi “giữa con và ông ta, mẹ chọn ai?” thì chính nó đã lặp lại câu nói đó với thái độ giận dữ. Tôi chỉ biết khóc chứ không biết làm thế nào để Minh Thao tin rằng, tất cả số tiền ấy đều nằm trong trương mục của riêng Minh Thao và tôi thề không bao giờ đụng đến.
Minh Thao là đứa con gái ngoan, từ bé đến lớn chưa bao giờ cãi lời mẹ bất cứ chuyện gì. Nhưng từ khi tôi quen biết với Kế sau khi Phú qua đời được tám năm thì nó luôn tỏ ra ương ngạnh và đối nghịch với tôi. Thỉnh thoảng, khi từ nhà chị của Phú trở về, Minh Thao lại hạch sách tôi đủ điều về lý lịch, thân thế của Kế và mạnh dạn kết luận, người đàn ông này đến với tôi vì tiền, và anh ta đang dòm ngó phần tài sản Phú để lại, gồm căn nhà trị giá bảy trăm ngàn đã trả xong, chiếc xe hiệu đắt tiền và một tiệm giặt.
Thật sự, tôi chưa thể đánh giá Kế một cách chính xác. Sự ra đi đột ngột của Phú giữa khi tình yêu đang mặn nồng đã để lại trong lòng tôi một khoảng trống vắng, cô đơn vô tận. Tôi chới với trong nỗi nhớ nhung xao xiết. Nhớ vòng tay ấm áp, nhớ nụ hôn ngọt ngào và những âu yếm, chìu chuộng trong cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc mà Phú đã mang đến cho tôi. Suốt tám năm dài, trong cuộc hành trình đơn độc, quạnh hiu tôi đã sống với nỗi sầu đau bất tận. Đêm từng đêm tôi trằn trọc trên chiếc giường thênh thang để quay hồn về kỷ niệm có Phú, có những phút giây đam mê, cuồng nhiệt và ao ước mình được yêu thương nồng nàn. Tôi gọi tên Phú với những giọt nước mắt mang vị đắng của sự lẻ loi, vị mặn của niềm khao khát. Và trong tâm trạng cô đơn, lạc lõng ấy, tôi đã chấp nhận sự có mặt của Kế trong đời sống tình cảm của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Lần đó, tôi gặp Kế trong một tiệm sửa xe để làm “inspection”. Khi nghe tôi bối rối thở than với người thợ:
“Chết thật, tôi bỏ quên bảo hiểm xe trong cái xách tay khác rồi, làm sao bây giờ?”.
Kế đứng gần đó quay sang góp ý:
“Có gì khó đâu, cô cứ bấm điện thoại gọi ông xã là xong ngay”.
“Những chuyện này ngày xưa ông xã tôi làm hết, bây giờ anh ấy không còn nữa tôi mới khổ sở thế này”.
Kế nói lời xin lỗi với cái nhìn như thấu suốt tâm tư của người góa phụ tuổi bốn mươi.
Qua những lần gặp gỡ kế tiếp -không biết có phải là tình cờ như Kế nói- tôi được biết Kế đã có vợ và một con trai, nhưng hai vợ chồng đang trong giai đoạn tiến hành thủ tục ly dị. Kế nói:
“Anh là người đàn ông coi trọng gia đình, nhưng vợ anh thì không. Đối với bà ấy chỉ có tiền. Suốt hai mươi lăm năm trong cuộc sống hôn nhân, chưa một lần bà ta dành cho anh những lời ngọt ngào hoặc cử chỉ âu yếm. Anh lãng mạn bao nhiêu thì bà ấy lại khô khan bấy nhiêu. Vì con, anh đã cố gắng chịu đựng, cố gắng sống như một người chồng gương mẫu, lúc nào cũng quan tâm, chăm sóc vợ con, nhẹ nhàng trong cách đối xử để thằng con vui, vì nghĩ rằng nó đang sống trong một gia đình rất hạnh phúc. Nhưng bà vợ hung dữ của anh thì sẵn sàng làm mất mặt anh trước đám đông bằng những lời lẽ nặng nề, cay cú. Bây giờ, con anh đã tốt nghiệp, có việc làm tốt thì cũng đến lúc anh phải tìm cái hạnh phúc đích thực cho mình. Anh đã bước qua tuổi năm mươi, cuộc sống đâu còn bao lâu nữa”.
“Vậy thì anh hãy mau mau về Việt Nam cưới một cô vợ trẻ để hưởng phước như mấy ông vẫn thường hay nói”.
Kế lắc đầu:
“Anh là loại đàn ông thích đồ cổ, chứ không dại gì rước của nợ về đây để chờ ngày bị đá”.
Tôi chống cằm nhìn Kế, người đàn ông có đôi mắt đa tình và lối nói chuyện thật cuốn hút. Thời đại bây giờ, giữa đám đàn ông nhăng nhít mà đa số là trâu già ham cỏ non thì sự thán phục và ngưỡng mộ tôi đang dành cho Kế chắc không có gì quá đáng. Từ buổi ấy, tình cảm tôi dành cho Kế như dâng tràn trong tim -một con tim đang vui trở lại.
Trong lúc tâm hồn tôi rộn ràng niềm vui mới thì ngược lại, nụ cười đã mất dần trên đôi môi hồng xinh xắn của Minh Thao, đứa con gái yêu quý nhất đời tôi. Minh Thao luôn vùng vằng và đôi khi vô phép đối với Kế mỗi khi gặp mặt. Tôi còn biết làm gì ngoài việc xin lỗi:
“Anh đừng giận, kể từ ngày ba con bé qua đời, tâm lý nó không được cân bằng, hay buồn, hay giận kể cả những chuyện rất nhỏ nhặt”.
“Nếu em muốn tìm hạnh phúc thì nên cho nó về sống bên nội, chứ cái kiểu kỳ đà cản mũi thế này thì không ai dám đến với em đâu”.
Câu nói này có phải là một cách gián tiếp Kế đặt tôi trước một sự lựa chọn. Lòng tôi xốn xang vì ý nghĩ thiếu độ lượng của Kế. Dẫu sao, Minh Thao cũng là đứa con gái vừa mới lớn, mồ côi cha, đang lo sợ tình thương của mẹ dành cho nó sẽ bị chia xẻ. Dẫu sao, Kế cũng đã từng vì thương con mà chấp nhận, chịu đựng sự bất hạnh để tiếp tục sống trong một mái gia đình không êm ấm, nhưng sao lại muốn tôi phải rời bỏ con vì hạnh phúc riêng tư? Chẳng lẽ Kế muốn tôi trở thành một người mẹ vô trách nhiệm? Từ đó, tôi cảm thấy trên con đường tình mình đang đi, mỗi bước chân dường như có cái gì vướng víu, trăn trở.
***
Tôi tìm thấy Minh Thao khi con bé đang hì hục đẩy chiếc xe chứa đầy thực phẩm. Nhìn đôi mắt tròn vo đầy ngạc nhiên của tôi, Minh Thao chỉ người đàn bà đứng cạnh bên với cánh tay phải bó bột treo ngang ngực bằng sợi dây máng trên cổ, giải thích:
- Con thấy cô đẩy xe có một tay nên giúp cô.
Người đàn bà chào tôi bằng nụ cười đôn hậu:
- Cháu thật ngoan và dễ thương.
Tôi không có thói quen bắt chuyện với người lạ, nên chào đáp lại bằng một nụ cười và nói:
- Khi nào cô mua xong, con đẩy xe ra ngoài quầy tính tiền chờ mẹ ở đó.
Sau tiếng dạ, Minh Thao quay sang liến thoắng trò chuyện với người đàn bà xa lạ. Tôi nhìn theo con, lòng thoáng chút xốn xang khi chợt nghĩ, có phải tôi đang lừa dối đứa con bé bỏng bằng một lời hứa mà tôi không dám chắc mình sẽ thực hiện được. Nhưng, nếu không có lời hứa này thì có thể Minh Thao sẽ không về với tôi như lời đe dọa cứng rắn của nó. Nghĩ đến Kế và tình cảm ngày càng đậm đà, gắn bó, tôi không nén được tiếng thở dài. Với số tuổi và ngoại hình tầm thường, dễ gì tôi tìm được một người tốt lành như Kế trong lúc đàn ông lớp lớp đua nhau trở về Việt Nam tìm vợ. Tình mẫu tử và tình yêu đôi lứa, đối với tôi, cả hai đều cần thiết và quan trọng như nhau. Nếu đến lúc phải quyết định, tôi phải sẽ chọn bên nào? Tôi không thể là một người mẹ nhẫn tâm, nhưng cái viễn ảnh vò võ đêm tiếp đêm, ngày tiếp ngày khiến tôi héo hắt cả ruột gan. Thôi thì đành theo lời khuyên của chị Ánh, tới đâu tính tới đó.
Khi đến gần quầy tính tiền tôi chỉ thấy người đàn bà chứ không thấy Minh Thao, nên vội vào phía trong để tìm con. Đi được vài bước, tôi nghe phía sau lưng có tiếng quát tháo vang lên giữa đám người lao xao mua bán.
- Làm cái gì mà chết dí trong đây, tới giờ này cũng không chịu ra.
Vừa quay lại, tôi vội vàng nép mình vào cái kệ bánh bên cạnh. Có tiếng chị thâu viên vang lên, tuy vui vẻ nhưng có chút trách móc khéo léo:
- Ủa! anh Kế, nãy giờ ở đâu? ngồi ngoài xe đọc báo như mọi khi hả? Bữa nay bà xã anh thành độc thủ đại hiệp, sao không vào đẩy xe giúp mà còn rầy la, nạt nộ vậy “ông nội”.
Nhìn cái tướng quày quã bước đi cùng nét mặt đằng đằng sát khí của Kế, tôi như vừa bị hụt chân xuống hố trong sự ngỡ ngàng. Có thật là Kế, người đàn ông đang đi vào trái tim tôi bằng hình ảnh đẹp đẽ đầy phong cách, vui vẻ, tế nhị, ngọt ngào? Vợ Kế, người đàn bà có cánh tay băng bột, người đàn bà đã được Kế vẽ lên trí tưởng tượng của tôi bằng hình ảnh xấu xí, hung dữ đang nhẫn nhục nói lời xin lỗi với nụ cười hòa hoãn, chịu đựng. Một điều trái ngược với tất cả những gì Kế đã kể lể với tôi. Vợ chồng Kế đi rồi chị thâu ngân viên tiếp tục câu chuyện với những người đang sắp hàng chờ tính tiền:
- Tội nghiệp chị Cẩm Lệ, xinh đẹp, hiền lành mà gặp phải ông chồng cộc cằn, lười biếng, chỉ biết moi tiền vợ. Đã vậy, lại còn bay bướm, lăng nhăng. Vậy chứ ra đường gặp đàn bà, con gái thì nói năng ngọt xớt, chưa kể là mỗi khi muốn tán tỉnh cô nào thì lại giở chiêu bài sắp ly dị vợ, rồi thì ta thán đủ mọi thứ về số phận không may của mình. Thật là thứ đàn ông không ra gì.
Tôi thẫn thờ nhìn theo chiếc xe quen thuộc vừa khuất dạng mà tưởng chừng như vừa trải qua một cơn mơ. Suýt chút nữa tôi đánh mất tình mẹ con vì một tình yêu không có thật. Suýt chút nữa tôi trở thành con cừu non khờ khạo, vô tình vạch thêm một vết cắt lên nỗi bất hạnh của người đàn bà tội nghiệp, đáng thương.
Tôi bước ra khỏi chợ với tâm trạng hỗn độn. Thất vọng. Mất mát. Buồn bã. Nhưng hình như giữa mớ hỗn độn đó tôi lại cảm thấy như mình vừa trút được gánh nặng khi Minh Thao ôm xiết lấy cánh tay tôi, hỏi bằng giọng nũng nịu, đầy tin tưởng:
- Mẹ sẽ vì con mà bỏ tất cả như mẹ đã hứa phải không mẹ?
- Phải, vì chỉ có con mới yêu thương mẹ bằng tất cả tấm lòng.
Có lẽ Minh Thảo không hiểu được tận cùng ý nghĩ của tôi trong câu nói đó. Con bé ngả đầu vào vai tôi:
- Con hứa sẽ không làm mẹ buồn nữa, vì con biết, mẹ cũng yêu thương con bằng tất cả tấm lòng.
Tôi hôn lên mái tóc dài có những sợi màu xoắn xít của Minh Thao rồi thì thầm với chính mình “từ nay mẹ sẽ không còn bị ray rứt vì một sự lựa chọn”. Nghĩ như thế nhưng tôi vẫn nghe lòng mình hụt hẫng, xót xa. Nỗi xót xa, hụt hẫng của người đàn bà đã sống hơn nửa đời người mà còn dại dột trao trái tim chân thật của mình cho người chỉ biết đùa giỡn với tình yêu. Và biết đâu, trong đó có cả một âm mưu lợi dụng mà tôi chưa kịp nhận ra.
Đau!!!!
Ngân Bình