- Quế Trâm à! mẹ mới tìm được chỗ làm hoa rẻ lắm. Này nhé, năm lọ hoa trong nhà thờ, cộng thêm bốn mươi lăm lọ trên bàn khách, tính luôn cả hoa trên bàn tiếp tân và bàn thức ăn nhẹ ngoài “hallway” cộng thêm một giàn hoa ở chỗ chụp hình, tất cả chỉ có sáu ngàn thôi. Rẻ quá phải không con?
Trong khi hai chữ “sáu ngàn” được mẹ chồng tương lai của tôi diễn tả một cách nhẹ nhàng thì tôi choáng váng đến nỗi “á khẩu”.
- Sao? Con thấy được không để mẹ trả lời cho người ta ngay bây giờ. Người làm hoa là bạn của mẹ, họ đắt khách lắm, không giữ chỗ trước là bị mất đấy.
Tôi hít một hơi thật sâu và thở ra chậm rãi để lấy lại sự bình tĩnh:
- Dạ! để con hỏi thêm vài chỗ xem giá cả ra sao rồi mới quyết định nha mẹ.
- Hả? ừ !… cũng được… nhưng phải nhớ chọn loại hoa đẹp, sang và đắt tiền, đừng có xài loại rẻ tiền, quê mùa làm mất mặt tôi đấy nhé!
Tiếng gác máy thật mạnh dội vào tai tôi tiếng cụp khô khan. Khô khan như tấm lòng thiếu vắng sự thương xót con cái của mẹ Lộc. Bà muốn nở mặt, muốn khoe khoang tiền của, nhưng không phải là tiền của bà. Nghĩa là tất cả mọi chi phí đều do tôi và Lộc trang trải. Trước khi quyết định kết hôn, tôi và Lộc đã thỏa thuận với nhau, đám cưới tổ chức thật đơn giản, ít tốn kém và toàn bộ số tiền mừng của khách sẽ dùng vào việc từ thiện để giúp nạn nhân bão lụt tại Philippines và trẻ em mồ côi tại quê nhà. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã đảo lộn. Số khách dự trù khoảng hai trăm đã lên đến bốn trăm rưỡi. Nhưng nào có phải là bạn bè của tôi và Lộc đâu, mà chỉ toàn là những người quen biết sơ sài của bà đến độ tôi phải ngỡ ngàng khi nghe chị bạn đồng nghiệp nói -mẹ chồng của em “kiếm khách” hay thiệt, chú thím của chị đâu có thân thiết gì, chỉ gặp có một lần trong tiệc sinh nhật của người quen mà cũng được bà mời… “đóng hụi”. Dù đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng tôi ngượng chín cả người. Chiều hôm đó, khi đưa bà đi cắt tóc, tôi không giữ được sự im lặng như đã tự dặn dò mình trước đó.
“Sao mẹ lại mời những người không thân thiết làm gì?”.
Chắc hẳn bà cảm nhận được sự khó chịu của tôi trong câu hỏi này, nhưng lờ đi bằng tiếng cười thích thú.
“Con thấy mẹ giao thiệp giỏi không? đâu phải ai cũng mời được nhiều khách như thế”.
“Nhưng Lộc và con muốn đám cưới của tụi con chỉ trong vòng thân mật”.
“Càng đông càng vui con ạ! đây là đám cưới đầu tiên trong gia đình, nên mẹ muốn phải hoành tráng, vĩ đại cho thiên hạ lé mắt chơi”.
Tôi muốn nói “chẳng biết thiên hạ có lé mắt hay không, chứ con của mẹ có lẽ sẽ nổ tung đôi mắt khi nhìn thấy số chi phí cao ngất ngưởng”, nhưng nghĩ đến Lộc, tôi đành nén sự bực bội vào trong lòng.
Sau cuộc trò chuyện, có lẽ bà không an tâm nên ngày hôm sau bảo Lộc đưa sang nhà tôi để “bàn tiếp” chuyện đặt hoa. Cả nhà tôi im lặng để nghe bà thao thao bất tuyệt về đám cưới của con bác sĩ Thẩm “cả một rừng hoa lộng lẫy, kiêu sa gần cả chục ngàn”. Rồi đám cưới con ông bà chủ tiệm vàng “khách bước vào phòng tiệc mà cứ tưởng như lạc vào thiên thai với đủ loại hoa sặc sỡ, ngát hương”. Và câu kết luận của bà cũng là:
- Tiền hoa của mình sáu ngàn là rẻ lắm rồi.
Tôi đưa mắt nhìn Lộc. Lộc bối rối cúi đầu vân vê bàn tay -chắc cũng đang lạnh ngắt như bàn tay tôi. Quay sang ba má tôi, bà phân bua:
- Vả lại, tôi đã chọn lựa xong xuôi rồi, bây giờ hồi lại coi sao được, phải không anh chị?
Rồi không cho ba má tôi có cơ hội phát biểu ý kiến, bà đổi sang đề tài khác:
- Quế Trâm à! mẹ nghĩ, mẹ với má con mỗi người cũng phải có hai cái áo dài cho ban ngày. Một, để mặc lúc làm lễ gia tiên. Một, cho lúc dự thánh lễ trong nhà thờ. Rồi phải thêm hai cái áo đầm cho buổi tối nữa. Một cái dành cho lúc lên sân khấu giới thiệu bà con hai họ, cái còn lại để đi chào bàn. Ngày cưới, mọi người đều phải đẹp đẽ, xinh tươi. Cũng không hao tốn bao nhiêu đâu con, hà tiện quá người ta chê cười thì bẽ mặt.
Má tôi từ tốn từ chối:
- Xin lỗi chị, tôi quê mùa lắm, không quen mặc đồ tây, đồ đầm. Thôi để Quế Trâm sắm cho chị, phần tôi một cái áo dài là đủ.
Bà gật gù cười ngọt:
- Vậy cũng được. À! còn thiệp cưới đã in xong chưa? Chỉ còn sáu tuần, coi chừng gửi không kịp. Nhớ lời mẹ dặn nhé. In một thiệp tiếng Anh riêng, một thiệp tiếng Việt riêng. Bạn bè mẹ nói, nhìn cái thiệp lẫn lộn hai thứ tiếng biết ngay là cô dâu, chú rể thuộc hàng keo kiệt. Thêm có bao nhiêu tiền đâu mà không làm hai loại để tỏ ra tôn trọng khách, phải không con?
Chắc chắn sẽ còn những cái “không hao tốn bao nhiêu” mà chúng tôi phải điên đầu vì tính toán? Tôi ngán ngẫm dựa lưng vào thành ghế giấu tiếng thở dài. Trước khi Lộc đưa mẹ về, ba tôi nhỏ nhẹ nhắc lại yêu cầu của ông:
- Phiền chị nhớ giùm, những lễ vật mang đến ngày rước dâu xin loại bỏ con heo quay.
Mẹ Lộc rùng vai, bĩu môi:
- Sao anh chị tin dị đoan thế. Nghi lễ mà không có heo quay thì làm sao gọi là rình rang được?
Ba tôi ôn tồn:
- Thưa chị, đây không phải là dị đoan, nhưng tôi muốn mọi sự giản dị và nhất là đừng sát sinh.
- Hứ! thú vật là để nuôi sống con người. Mình không ăn thì cả triệu triệu người khác cũng ăn. Một mình anh không sát sinh thì nhằm nhò gì!
Ba má tôi nhìn nhau bằng ánh mắt ngầm chứa sự ngao ngán của người thua cuộc. Tôi cảm thấy hình như gia đình tôi luôn lép vế trước những đòi hỏi của bà. Tôi biết, vì hạnh phúc của tôi mà ba chấp nhận lùi một bước trong việc đồng ý cho tôi theo đạo, dù trong lòng ba có thể không vui khi ông ăn chay, tụng kinh, gõ mõ mỗi ngày. Có lẽ nhận thấy sự áy náy của tôi nên ba nhẹ nhàng tháo gỡ “Không sao đâu con, đạo nào cũng dạy mình ăn ngay ở lành mà”.
Tôi đưa mẹ con Lộc ra xe với cõi lòng nặng trĩu. Đối với tôi, ngay phút giây này, hình như ngày cưới không còn là nỗi nôn nao, háo hức chờ đợi trong niềm hân hoan, hạnh phúc mà chỉ còn lại tâm trạng nặng nề, lo lắng. Sự lo lắng lớn nhất của tôi là thái độ im lặng đến thụ động của Lộc. Tôi nhận ra một điều mà suốt bốn năm dài yêu nhau tôi không nhìn thấy nơi Lộc là anh cúi đầu an phận với mọi sự sắp đặt của mẹ anh -người mẹ coi trọng vật chất và ngày càng lộ ra sự đua đòi, khoe khoang đến lố bịch. Mỗi bước chân trở vào nhà là một câu hỏi đặt ra làm tôi rơi vào nỗi hoang mang. Cuộc hôn nhân này sẽ đưa tôi về đâu? Hạnh phúc hay đau khổ?
Ba đứng ngay ngạch cửa nhìn tôi với nụ cười hiền lành nhưng có chút gì xót xa, lo lắng:
- Nhắm kham nổi không con?
****
- Quế Trâm à! mẹ muốn đặt hoa chỗ nào thì để mẹ làm cho yên chuyện, em xen vào chi cho thêm rắc rối.
Nỗi tức giận đè nén bấy lâu chợt bùng lên ngùn ngụt, tôi hét trên điện thoại:
- Đây là đám cưới của em hay của mẹ anh? Ngay cái áo cưới em cũng không được quyền chọn lựa mà phải theo ý thích của mẹ anh, thì ai là người xen vào?
Giọng nói của Lộc ỉu xìu như không còn sinh khí:
- Thì … em chiều mẹ một chút có sao đâu? Anh thấy bông hoa đâu có gì quan trọng đến nỗi…
- Không quan trọng mà phải bỏ ra sáu ngàn, anh có thấy là quá phung phí không? Nếu mình giàu có như ông bà bác sĩ bạn của mẹ anh thì em cũng chẳng so đo làm gì. Đằng này, khả năng mình có giới hạn thì quan tâm làm gì chuyện thiên hạ khen chê. Người ta khen cũng một tiếng, chê cũng một tiếng. Có ai ngồi đó mà khen cả đời cho mẹ anh nở mũi hoài đâu. Em nói thiệt, mình là con ếch mà ráng phình bằng con bò thì có ngày bể bụng oan mạng. Em nhất định không đồng ý với mẹ khoản này.
- Trâm! anh năn nỉ em mà. Suốt ngày hôm qua mẹ giận dỗi, la mắng anh cũng vì chuyện này. Dù sao…. mẹ cũng có cái lý của mẹ.
Tôi nóng nảy gạt ngang:
- Nhưng cái lý của người thích “nổ” hoàn toàn không phù hợp với em, anh biết không?
Không một tiếng trả lời từ đầu dây bên kia. Chợt nhớ đến khuôn mặt lấm lét của Lộc mỗi khi chạm phải ánh mắt sắc như dao của mẹ anh, tôi thở hắt ra buồn bã rồi nhẹ nhàng đóng máy. Suốt đêm đó, tôi trằn trọc tự hỏi, có phải tôi đang bước vào con đường hầm đầy chông gai, tăm tối mà người bạn đời bên cạnh có thừa lòng yêu thương nhưng lại thiếu sự mạnh mẽ và quyết tâm để bảo vệ tôi trong lúc tôi phải đối đầu với những thử thách, khó khăn. Như thế, có phải cái hạnh phúc tôi từng vẽ vời, mơ ước chỉ là ảo tưởng xa vời và tôi sẽ sống như thế nào với một người chồng yêu đuối, nhu nhược, bờ vai không đủ rắn chắc để tôi nương tựa những khi gặp sóng gió trong cuộc đời?
Ngày hôm sau, tôi lặng lẽ tháo chiếc nhẫn đính hôn, bỏ vào chiếc hộp màu đỏ thắm cùng mảnh giấy màu tím nhạt có ghi hàng chữ “Mình chia tay anh nhé” mà tôi đã biết bằng nước mắt và bàn tay run rẩy trên từng nét bút. Tôi hình dung được nét mặt bàng hoàng, thảng thốt của mẹ Lộc vì thiệp cưới đã được phát đi và thiệp hồi đáp gần như đã nhận đầy đủ.
Nước mắt tôi trào ra khi nghĩ đến nét mặt đau khổ của Lộc và cả trái tim đau đớn của chính mình. Nhưng!… đành thôi Lộc ơi, vì em đã có câu trả lời chính xác nếu ba hỏi em một lần nữa.
“Con không kham nổi ba ơi!”.
Ngân Bình