User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
trangthoichieusang
Minh họa: Conscious Design/Unsplash
 
Một
 
Bà ngồi trên chiếc ghế dựa đan ca rô bằng những sợi dây plastic màu trắng và màu xanh xen kẽ nhau được mấy đứa con kê sát vào bức tường có cái ô cửa hình bán nguyệt. Bức tường ngăn phòng khách và phòng ngủ của bà. Gọi là phòng nhưng khôn­g có cửa, phía bước xuống bếp thì có nhưng cũng chẳng đóng hay khép lại. Có đóng chăng là khi phát hiện có chuột, mấy đứa con trai đóng lại chặn lối thoát của chúng để dễ đập. Chuột đâu mà lắm thế không biết. Buổi tối mà không chặn kỹ cổng ra vào là chúng chạy vào nhà ngay. Cũng phải thôi, ngay ngoài đầu hẻm bên bờ tường cao của căn nhà mặt tiền đường, vào buổi tối, góc khuất, mọi người cứ vứt rác thành đống, còn phía trong là cái lò heo mà phía sau lò dẫn ra con rạch Nhiêu Lộc ngày càng hẹp dòng và dơ bẩn, những rác là rác, cứ vứt thẳng xuống rạch, có người còn khiêng thùng rác ra đứng ngay trên thành cầu Ông Tạ mà đổ thẳng xuống kinh nữa chứ. Thật là chẳng biết giữ gìn vệ sinh chung.
 me vn 1 1
Minh họa: Đinh Trường Chinh
 
Bà yếu lắm rồi. Căn bệnh tiểu đường trầm trọng cộng với huyết áp cao dẫn đến cơn tai biến não khiến miệng bà bị méo sang một bên rồi một nửa người bên trái, tay chân không còn cử động được. Việc đi đứng, nói năng bây giờ đã trở thành nỗi khó khăn, khổ sở. Mới trước đó ít lâu thôi, mỗi buổi sáng bà còn cùng ông đi bộ ra công viên và ghé thăm mấy người bạn già. Bây giờ bà chỉ có thể bó chân trong chiếc ghế dựa và im lặng đưa mắt nhìn quanh. Sáng sáng, mấy đứa con bật chiếc ghế rồi dìu bà ra ngồi. Có đứa thấy mẹ đi khó nhọc quá muốn ẵm mẹ ra thẳng chỗ ghế nhưng bà ra dấu rồi thều thào: “Để mẹ tập đi”. Chỉ có mươi bước ngắn thôi mà sao xa thế. Khi xưa, đôi chân bà đã đi từ Bắc vào Trung rồi vào Nam mang theo cả đàn con. Ngoài Bắc bà sanh mấy đứa, vào Trung cũng sanh mấy đứa, rồi khi vào đến Sài Gòn sanh còn nhiều hơn. Tổng cộng có đến một tá.
 
Miền Trung từ Huế vào đến Nhà Trang, tỉnh nào bà cũng đã từng ở. Làm vợ lính mà, cứ sáu tháng, một năm lại di chuyển, khi thì ở trong Trại Gia Binh, khi thì nhà ngoài phố. Sau tháng Tư Năm Bảy Lăm, ông bị bắt đi tù, bà còn lặn lội đến tận tất cả trại cải tạo ông bị giam giữ, gần xa không sót trại nào. Có lần thăm nuôi, mấy đứa con sợ mẹ không khỏe không cho đi, để chúng đi thay nhưng bà không chịu, mỗi gia đình cho hai người thì bà luôn luôn ưu tiên một suất. Chúng nó bảo: “Mẹ là number one! Number one của bố”. Bà cười rồi cũng đưa ngón tay lên: “Ừ! Mẹ là number one”. Có khổ mấy bà cũng đi, cũng chỉ muốn gặp mặt ông và ông cũng chỉ thế. Bỏ lại làng quê miền Bắc, bà làm bạn đời với ông, đến nay đã hơn 45 năm, và cùng đi với nhau suốt chiều dài đất nước. Không một người thân thuộc. Chỉ hai vợ chồng và đàn con đông đúc. Nhà đông con như thế thì nghèo là phải, được cái con bà đứa nào cũng ngoan.
 
Chỗ bà ngồi có thể nhìn ra chiếc cổng sắt luôn được đóng chặt, một khoảng sân hẹp, chỗ có cái đồng hồ nước. Cái đồng hồ nước nằm trong chiếc hộp bằng nhôm chẳng chạy bao giờ vì có nước chảy đâu mà quay số, mà chạy. Nước nôi gì mà phải đợi đến khuya mới nhỏ giọt. Bà lầm bầm: “Cứ như chuột đái”. Rồi càng ngày càng tệ, cũng chẳng còn nhỏ giọt. Con bà khi lấy nước phải đưa miệng vào vòi mà hút. Hút đến phát ho sặc sụa. Trông xót cả ruột. Lấy được đủ nước dùng trong ngày cũng đến quá nửa đêm. Bà cũng nhìn thấy được gốc cây hoa giấy. Mùa mưa, những cành hoa giấy xanh mướt mọc đầy trên cái hàng rào bằng kẽm gai phía trên bờ tường cao. Khi bà mới dọn lên căn nhà này, chỗ đấy chủ trước trồng một cây ngọc lan, hoa nở về đêm thơm ngát.
 
Mãi khi Sài Gòn có phong trào nuôi gà, cây ngọc lan bị chặt bỏ để bà lấy chỗ kê một dãy chuồng gà hai tầng. Những con gà Mỹ lông trắng, lông nâu hay cái giống gì lông màu xám đen, bà nuôi có con to nặng đến ba ký và những quả trứng lăn ra phía ngoài máng. Bà cầm chiếc rổ ra nhặt trứng, được chừng dăm chục thì gọi người vào bán. Khi ánh nắng chói mắt bà xoay nhẹ đầu nhìn về phía phòng khách. Cái phòng khách nhà bà rất đơn sơ phù hợp với sự cũ kỹ của căn nhà. Chỉ có bộ ghế salon tiếp khách và cái tủ buffet. Cái tủ để ly bát cao ngang tầm bụng bằng ván ép bọc mi ca mà một bên hông con bà khi bé đã nghịch ngợm cạy bong ra, phải lấy băng keo dán lại.
 
Còn lại là bộ ghế salon với kiểu dáng đơn giản và mấy chiếc đệm mút ngồi lâu cũng đã xẹp, không còn vuông vức nữa. Bộ ghế này cũng do người bạn của ông đâu trên Long Khánh hay Phước Tuy gì đó tặng cho. Ông nhà bà sao thanh liêm quá sức, người ta biếu cái gì có giá trị một chút là ông từ chối ngay. Bộ ghế này mà to lớn hơn và chạm khắc đầu lân, đầu rồng cầu kỳ, chắc là ông cũng không nhận. Bà thì chẳng bao giờ can dự vào việc của chồng. Việc của bà là trong gia đình, con cái và cơm nước.
 
Có tiếng đập cửa. “Chắc đứa nào về”, bà muốn lên tiếng gọi con ra mở cửa nhưng giọng nói yếu ớt chẳng đi xa. Tuy thế, con bà đang ở dưới bếp cũng nghe và đã chạy ra rút chốt mở cửa. Cũng đã trưa rồi, mấy đứa con đi làm lần lượt về. Mấy đứa cháu nội nữa, nhà sẽ ồn ào lên cho mà xem. Bước vào nhà, đứa nào cũng thưa to rồi ngồi xuống bên bà và hôn lên má, lên tay bà. Bà ngửi thấy mùi nắng trên tóc con và mùi mồ hôi trên thân thể chúng. Chúng nó làm việc siêng năng và biết lo cho gia đình. Đi làm lãnh lương là đưa hết cho mẹ, mười đứa như một. Bà cảm thấy hạnh phúc. Có khi để trêu bà cười, chúng còn dụi mặt vào ngực bà rồi nói: “Ôi! Hai quả mướp”. Bà mắng yêu: “Phải! Cả mười hai cái miệng các anh chị rúc vào nhay thì làm gì mà chả mướp”. Thế là cả nhà cùng cười vang, rồi mấy cái miệng lại châu vào hôn bà. Cuộc đời bà chỉ mong gia đình vui vẻ đầm ấm như thế thôi.
 
Sao hôm nay, giờ này mà ông chưa về? Nắng quá! Con cái đã về hết rồi. Bà đưa mắt nhìn mấy đứa con rồi mấp máy môi. Có đứa ghé tai vào nghe rồi trả lời: “Chắc bố cũng về đến nơi rồi đấy”. Có tiếng động ngoài cửa. Ông dắt chiếc xe đạp vào sân, phía sau thấy có chiếc xích lô đạp chở một cái bàn tròn to và chồng ghế sắt. Bước vào nhà ông nói: “Bố mua cái bàn để ngồi ăn cơm. Không ngồi dưới đất nữa”. Nhà đông người, mỗi lần ăn cơm là dọn và ngồi xuống nền gạch bông, gặp khi có khách đến cũng bất tiện.
 
Sau khi đi tù về, vốn được chính quyền cộng sản mệnh danh đẹp đẽ là “học tập cải tạo”, thấy gia đình khó khăn, ông lại đạp xe đi tìm bè bạn cũ để tìm việc làm. Được người bạn chia cho công việc làm sổ sách kế toán cho các gia đình sản xuất nhỏ của người Hoa trong Chợ Lớn, ông có thể phụ với các con và nguôi ngoai nỗi buồn thời cuộc. Từ khi lập gia đình, ông là trụ cột và cáng đáng tất cả mọi việc. Có bao giờ ông để vợ con phải lo lắng. Khi xưa, hàng ngày ông đi làm có xe Jeep đưa đón, nay cọc cạch chiếc xe đạp đội nắng đội mưa. Dù ông có nhà hay trong trại cải tạo hơn sáu năm trời, ông vẫn là trụ cột, là chỗ dựa cho vợ con. Ông quay sang nắm lấy hai tay bà, lắc lắc rồi hỏi thăm. Ông cũng hay hỏi đùa để bà cười. Ông nói bà có cặp mắt và nụ cười rất đẹp. Chẳng thế mà ông yêu bà ngay chỉ một lần tình cờ gặp trên phố Hà Nội. Tấm ảnh bà chụp ngoài Đà Nẵng chẳng phải là bằng chứng hùng hồn hay sao?
 
Hai
 
Mùa Vu Lan đến. Nhớ ngày xưa Mẹ siêng đi chùa. Hồi ở bên quận Tư, Mẹ hay dẫn con cái đến Kim Liên Ni Tự. Khi chưa có trận hỏa hoạn kinh hồn năm 1963, khuôn viên chùa rất đẹp nhờ có dòng suối nhỏ chảy qua. Những ngày Rằm, cứ vào chùa thế nào cũng được ăn cơm chay do các sư cô nấu rất ngon, tôi thích nhất là món kiểm, ăn không chán, ăn đến khi bụng to như cái trống mới chịu thôi. Và anh chị em chúng tôi đã quy y Tam Bảo trong ngôi chùa sư nữ nhỏ đẹp và nhiều tình thương mến đó. Cả ba anh em trai đều được đặt pháp danh với cùng chữ Đức đứng trước như hàm ý sống sao cho có đức. Sau trận cháy, cả một vùng rộng lớn bị thiêu rụi, tôi và các bạn lang thang trên nền đất bị cháy đen. Ngôi chùa cũng biến mất trên vùng đất dường như cũng vẫn còn âm ỉ nóng nhưng dòng suối vẫn còn và tôi thấy những con cá vàng bơi lội trong đó như bằng chứng của sự sống mạnh mẽ và kỳ diệu.
 
me vn 5
Minh họa: Đinh Trường Chinh
 
Khi gia đình dọn lên sống ở vùng Ông Tạ, Mẹ hay đi chùa Khuông Việt gần nhà. Sư cụ trụ trì người nhỏ bé nhưng có nụ cười tươi. Đến khi sự cụ mất, một đệ tử lên thay để chăm sóc chùa. Một hôm rằm, Mẹ không vào chùa Khuông Việt lễ Phật mà lại sang chùa Hiển Quang bên ngõ Vinh Sơn. Hỏi Mẹ sao không đi chùa Khuông Việt nữa, Mẹ bảo nhìn các bà cứ xoắn lấy Thầy trụ trì, cười cười, nói nói, mất cả sự trang nghiêm, Mẹ ghét lắm. “Ngứa cả mắt!” – Mẹ kết luận. Ai cũng bảo Mẹ hiền nhưng nghiêm nghị, Mẹ rất tốt bụng nhưng cũng rất ghét sự dối trá. Chùa Hiển Quang cũng là chùa do các Ni trông nom, có Thầy Nhất và Thầy Nhì, chẳng hiểu sao chúng tôi lại gọi các sư nữ là Thầy. Thầy Nhất là người miền Nam, còn Thầy Nhì là người miền Bắc. Cả hai Thầy trông rất hiền từ và phúc hậu. Thế là chúng tôi lại theo Mẹ đến lễ Phật tại chùa nữ này. Mẹ rất được hai Thầy quý mến. Ngày Mẹ mất, các sư cô đến tụng kinh liên tiếp trong nhiều ngày. Hài cốt của Mẹ khi mang vào chùa gửi cũng được đặt ở một vị trí trang trọng. Các sư cô thỉnh thoảng vẫn nói với chúng tôi: “Bà cụ rất đẹp và hiền”.
 
Sau Tháng Tư Năm Bảy Lăm, chẳng được mấy ngày Bố bị bắt đi cải tạo rồi anh Tư cũng lại bị bắt giam cả năm trời vì dính líu đến chuyện phục quốc! Mẹ và các chị cáng đáng mọi chuyện trong gia đình, từ ăn mặc đến tiếp tế thăm nuôi. Cực khổ trăm bề. Các em học hết Trung Học, vì lý lịch có cha là Sĩ Quan “ngụy” không vào được Đại Học – trừ Tám Hà vào được Cao Đẳng Sư Phạm để trở thành cô giáo – phải vào đời lao lực để phụ giúp Mẹ. Mẹ thật thà như đếm chẳng chạy chợ buôn bán gì được nhưng Mẹ chẳng lo gì cho thân mình, cứ dồn hết tất cả cho con nên con lại càng thương Mẹ.
 
Đi làm cuối tháng được lĩnh lương lại mang về đưa hết cho Mẹ. Sự sống của gia đình trong cơn suy vong của đất nước được các con cùng hy sinh chống đỡ dưới chiếc bóng gầy và đầy tình thương của Mẹ. Chị Hai và Chị Ba cố gắng bám vào nơi làm việc là trường học để gia đình được mang tiếng là “Gia đình có người là công nhân viên” để được có thêm một số lương thực ít ỏi. Chị Ba chăm chút cho gia đình từng món hàng nhu yếu phẩm. Chị Hai, với cương vị nhân viên kế toán đã bao lần liều lĩnh trong chuyện tài chính để cứu nguy gia đình. Hai chị như hai cánh tay phải và trái của Mẹ.
 
Cuối cùng chị Hai cũng phải rời bỏ cái danh xưng “Công nhân viên Nhà nước” để lao vào việc chạy chợ buôn hàng chuyến. Mất ăn, mất ngủ rồi nhiều chuyến hàng bị bọn công an, bọn quản lý thị trường tịch thu làm mất hết vốn liếng, chị lại chạy vạy vay nợ. Mẹ nhìn đứa con cả gian khổ mà xót xa. Có lần chuyến hàng thất bại, bế tắc trong cách giải quyết, chị em to tiếng với nhau, Mẹ chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Những dòng lệ của Mẹ khiến chị em bình tâm lại và lại cùng nhau đưa vai gánh vác chuyện nhà. Chắc chắn Mẹ chẳng bao giờ mong các con của Mẹ to tiếng hay cãi vã nhau chứ đừng nói đến… Sau đó đến lượt các em khác làm việc và lo lắng cho gia đình đến độ quên cả bản thân mình. Sự hy sinh cho gia đình của mọi anh chị em đều bắt nguồn từ hình ảnh hy sinh vì đàn con của Bố Mẹ.
 
Sau 16 năm chịu đựng từ ngày tháng đen tối, Mẹ đã quyết định thêm một sự hy sinh cuối cùng. Đó là chính cuộc sống của Mẹ. Nếu Mẹ tiếp tục sống, các con và những đứa cháu nội, cháu ngoại sau này sẽ không có cơ hội được làm người đích thực. Chúng tôi đưa Mẹ vào đất lạnh với cõi lòng tan nát. Ngày linh cốt của Mẹ được vào chùa Hiển Quang nằm yên trong làn khói hương trầm thơm thanh tịnh và linh hồn Mẹ siêu thoát theo tiếng chuông, tiếng mõ khuya sớm, những đứa con phương xa của Mẹ cũng nhẹ lòng vì nhục thân của Mẹ đã biến thành làn gió mát bay đến với các con. Có bao giờ làn gió mát Mẹ hiền của chúng ta đã biến thành mưa lệ như Mẹ đã từng khóc một lần?
 
Vu Lan năm nay tôi sẽ làm nhiều việc: viết một bài văn sám hối và viết tiếp những giòng này, về một Vầng Trăng Mẹ trong tôi đã Thôi Chiếu Sáng; tôi sẽ đến một ngôi chùa gần nơi ở cũng do hai vị Ni già trụ trì để cùng các Phật tử khác sơn lại chùa; sẽ đọc bộ Kinh Địa Tạng để hiểu thêm về chữ Hiếu. Chủ Nhật tuần sau chùa cũng có buổi đọc kinh sám hối. Tôi sẽ đi.
 
 
Vancouver, 18-4-2021
Lê Khánh Long
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com