Ngày mai 1 tháng 4, 1975, ngày cưới đã định từ lâu của tôi và Văn, kết quả ba năm mối tình đầu. Suốt đêm nay tôi không chợp mắt được, không vì niềm vui đến, niềm hạnh phúc hằng mong mà đang lo âu, sợ hãi, vì mãi giờ này chẳng thấy anh về. Không riêng tôi, cả hai bên gia đình bồn chồn lo lắng ra mặt.
4:30 sáng ngày cưới. Tôi mệt mỏi rã rời ngồi dậy, từ hôm qua tôi đã nghe, nhận ra những xáo trộn bất thường, các đơn vị địa phương nhốn nháo, tôi nghe được hai bên đánh nhau tại đèo Phượng Hoàng rất gần đơn vị của anh. Để vơi đi nỗi mong chờ anh về, tôi tự trang điểm, cố gắng lùa mái tóc dài vào vành khăn vàng cô dâu hợp với chiếc áo dài cùng màu, chẳng muốn nhìn gương soi, tự nhủ sao cũng được. Gia đình tôi và anh vẫn tiếp tục công việc dang dở cho lễ cưới. Đã 7:00 sáng vẫn chẳng thấy anh về. Tôi lo quá, thẫn thờ nhưng tự bảo mình phải mạnh mẽ lên, tôi cố gợi nhớ lại mối tình của những ngày đầu, ôn lại kỷ niệm, rồi tự nhắc mình phải làm gì, nói sao giữa đám đông, mong bớt đi nghĩ điều tệ hại sẽ đến.
Tôi gặp Văn năm 17 tuổi, đầy mộng mơ. Năm 1972 chiến trường cao điểm, Văn lên xe đò tại bến Nha Trang về quê chờ ngày nhập ngũ, còn tôi vừa học xong lớp hè về quê chuẩn bị cho năm học mới trường Huyền Trân, vô tình chúng tôi ngồi cạnh nhau và định mệnh an bài từ đó. Tôi nhận lá thư của Văn từ Pleiku nơi anh đóng quân. Cầm trên tay là thư đầu đời, tôi không rõ là mình vui hay lo, với tuổi còn trẻ đang đi học, thư thế này là thư yêu đương? Anh ấy tỏ tình? Tôi yêu Văn? Suy nghĩ mông lung đầy hồi hộp, nhẹ nhàng mở đọc từng chữ, từng lời đến mấy lần. Sau cân nhắc đắn đo tôi viết thư cho anh, lá thư đầu đời viết nắn nót từng câu chữ, lời nhẹ nhàng trong sáng trong tình yêu, đọc dò kỹ rồi mới dám gởi đi.
Năm 1973, Văn mời tôi đến thăm anh tại Lam Sơn. Văn là huấn luyện viên. Một lần khác nữa gần cuối năm 1974, tôi gặp anh nơi khu rừng bãi tập lính, thăm anh và sẵn đưa giấy tờ của tôi cho Văn nộp hồ sơ theo qui định kết hôn với sĩ quan. Khoảng đầu tháng 2 năm 1975, chúng tôi gặp nhau tại Nha Trang, Văn khoe tôi giấy phép kết hôn và bốn tuần nghỉ phép. Anh cũng trao cho tôi mấy hộp thiệp cưới vừa in xong. Tôi im lặng nhìn anh, mở thiệp cưới trong niềm hân hoan, e thẹn. Tôi lúc này vẫn còn cắp sách đến trường, nên tâm trạng lâng lâng khó tả, nhẩm đếm từng ngày vui đang đến. Chúng tôi ra quán uống sinh tố và ôm nhẹ chia tay vì anh cần về lại đơn vị.
Làm sao tôi ngờ được ngày 1 tháng 4 năm 1975, ngày cưới mà hằng bao tháng năm mong chờ, lại rơi đúng ngày đau thương này. Tôi cũng không ngờ phải chịu cay nghiệt từng ngày sau đó. Trong nỗi lo tôi gần như tuyệt vọng từ ngày qua đến sáng nay, để xoa dịu tâm trí, tôi cố ôn lại chuyện tình của tôi và quả quyết muốn tin rằng rằng Văn đang trên đường về nhà.
Đã 7:30 sáng, tôi thêm bối rối và nóng lòng, đúng lúc lo âu nhất thì anh về. Văn mặc quần jeans, áo pullover trắng, bao quân trang cột ở yên sau chiếc Honda. Văn cười nhẹ với tôi và trấn an mọi người, nhưng tôi đã hiểu sự rối rắm hiện lên nét mặt anh. Văn về lại gia đình anh, chỉ cách nhà tôi hơn 500 mét. Bên ấy cũng chuẩn bị, đang mong anh về cho kịp giờ rước dâu gần đến.
10:00 sáng, lễ rước dâu không đông đủ như dự tính. Văn áo dài khăn đống đen trông như cụ; còn tôi áo dài, khăn đầu cô dâu vàng. Lễ vu quy và tiệc cưới bên nhà tôi khoảng 1 giờ, tuy nhiên nghi lễ truyền thống đã nhắc nhớ chúng tôi về bổn phận vợ chồng. Mọi người thân dù trong tâm trạng bồn chồn nhưng vẫn khen tặng tôi và Văn “xứng đôi vừa lứa”, làm chúng tôi thêm chút ấm áp trong lúc này. Cuộc rước dâu dù vắng nhưng đoàn người đi bộ hàng một nên trông cũng không đến nỗi buồn tẻ. Bên gia đình Văn, có họ hàng đông nên khung cảnh đón chào cô dâu về nhà chồng có phần ấm áp.
Văn và tôi luôn bên nhau mọi lúc, như cứ sợ khoảng cách chia xa bất cứ lúc nào. Tôi cứ nhìn anh và muốn ôm anh cho thỏa bao nỗi nhớ, muốn hôn lên má anh ngay từ lúc sáng mà có dám đâu, lúc nào cũng có người thân bên cạnh, chỉ biết nhìn anh mà cười mỉm thôi. Nhớ có lúc hơi ngượng, tôi đi rót hai ly nước mát, tôi và anh nâng lên cùng uống như ngầm hiểu từ nay chúng ta săn sóc cho nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, ngụm nước rót vào cổ sao mà mát lịm như dòng suối đẩy trôi đi những chướng ngại chực chờ nhường chỗ cho chút tuyệt vời ngắn ngủi. Tôi mong thời gian được ngừng lại.
Lễ thành hôn bên gia đình Văn đơn giản, đi thẳng vào phần tuyên bố chấp thuận con dâu và lạy tạ ông bà, cảm tạ cha mẹ. Chẳng bao lâu, khi mọi người ngồi vào bàn tiệc, tiếng la ó ồn vang trước cửa, một số khách vội vã chia tay, nhiều khách hơ hãi rời đi chưa kịp lời chúc. Ngoài đường đủ loại xe chạy ào ào, mặt hớt hải. Người chạy ngược lên Quốc lộ 1, kẻ chạy xuống hướng biển, cảnh tượng thật hỗn loạn. Buổi tiệc cưới kết thúc sớm không lời giã biệt, gia chủ không lời cám ơn vì nhìn quanh chỉ còn là người thân của hai bên gia đình.
Lúc này chúng tôi có thời gian bên nhau. Tôi và Văn vào phòng riêng chẳng muốn đóng cửa, dựa vách ôm nhau hồi lâu như cùng nhận ra con đường trước mặt phủ dần màng mờ đục cuộc đời. Tôi quá mỏi mệt vì thiếu ngủ, lo âu, sợ hãi từ ngày qua, nay hỗn loạn xảy diễn càng làm tôi kiệt sức. Văn cũng vậy. Mặt anh lộ hẳn nỗi lo. Tôi thầm trách ông trời tại sao hoa trái tươi xanh chúng tôi lại rơi rụng đúng thời điểm này? Tình hình càng lúc càng đáng sợ. Văn lấy lại bình tĩnh một giờ sau đó, quyết định đi theo đơn vị về Cam Ranh.
Văn lấy Honda chở tôi chạy nhanh hướng biển mong gặp ghe lớn để thuê đi nhưng chỉ còn vài chiếc ghe đi câu nhỏ. Chúng tôi đành quay về. Đêm tân hôn chúng tôi ngồi bên nhau im lặng. Tôi nép vào anh, nỗi lo âu quá lớn chiếm hết nguồn yêu đương của tôi và Văn. Tôi mệt mỏi lấy khăn tắm gội, làn nước dội xuống như gột rửa, rũ bỏ nỗi buồn đời con gái và giúp tôi tỉnh táo hơn để có sức đối diện những cam go sắp đến. Văn khẽ hôn nhẹ vào má tôi. Tôi an tâm, không e thẹn bên anh đêm tân hôn như suy đoán vì nỗi đau thương chung đã khỏa lấp rồi.
Để đề phòng bất trắc, ba ngày đêm chúng tôi bên nhau là ba lần thay đổi nơi ở. Ngoài đường vẫn còn hỗn độn, tiếng súng loạn xạ, tiếng nện cửa nhà tôi thất thường cả ngày đêm, tiếng la ó hò reo… Đêm đến, mệt mỏi quá, có lúc tôi thiếp đi với những cơn chập chờn ác mộng, giật mình dậy giữa cơn đen, đen hơn bóng đêm. Tôi mở mắt rồi nhắm lại. Có lần tôi nhận ra như có nguồn sáng lạ chiếu soi đời mình, nguồn lực giúp tôi phải biết chịu đựng, ứng xử cần thiết để giúp Văn vượt qua điều cay nghiệt sẽ đến. Tôi như thêm tự tin, bản lãnh hơn và thầm thốt lên “đời là vô thường”.
Ngày 4 tháng 4 năm 1975, ngày thứ tư sau ngày cưới, kẻ thắng cuộc mang anh cùng khoảng bảy người nữa đem đi tập trung không biết nơi nào. Tôi và các bà vợ khác cùng hỏi thì họ chẳng trả lời! Tôi thẫn thờ lê bước về nhà, ngồi thệt lên thành giường bất động. Tâm trạng tôi lúc này lạ lùng lắm, chắc vì tôi mất anh đột ngột trong thời gian quá ngắn, chợt đến chợt đi. Tôi ngồi im lặng, khóc mà nước mắt không rơi. Hằng ngày tôi phải chịu đựng cặp loa lớn treo góc đường ra rả đêm ngày. Nhạc tiến quân đầy máu lửa, biêu xấu người thua cuộc. Tôi lấy bông gòn nhét tai. Âm thanh văng vẳng cũng làm nhói tim tôi. Tôi không có cơ may được hưởng niềm vui là người vợ một Sĩ Quan, chưa có nụ cười tươi khoe chúng bạn, người thân như ước mơ thì tôi đã thành vợ một quân nhân bại trận trong ngày cưới, vợ của “ngụy quân”, vợ tù cải tạo.
Sau hơn năm tháng dò la, tôi biết ngày thăm tù. Lần đầu thăm Văn, đi cùng các chị vợ những tù binh khác đến điểm hẹn ở khu rừng Đồng Trăng mất hai ngày đường, nào xe đò, xe ba bánh, tôi gánh đồ không nhiều nhưng đi hơn một ngày toàn đường mòn rừng núi hoang vu thật vất vả. Tôi ngồi cùng anh bên con suối cạn. Tôi và Văn ngồi bên nhau, im lặng nhìn nhau trong đôi phút mà dường như chúng tôi có thêm một tình yêu khác to lớn hơn, bổn phận và quyết tâm hơn. Tôi nhìn anh thay đổi, nét mặt u buồn, cơ thể ốm yếu, ít nói. Anh cho tôi biết, không riêng anh, tất cả bạn tù đều sốt rét, thiếu ăn, lại việc làm nặng nhọc, nguy hiểm. Làn da anh tái xanh. Trông anh thê thảm quá. Tôi với tay ôm anh. Văn ra dấu hiệu.
Tôi nhìn quanh, bộ đội kè kè tay súng, mắt không rời nhóm tù. Tôi và anh chỉ có thể nắm tay nhau truyền nghị lực trong yêu thương. Cả hai bàn tay Văn chai cứng sần sùi. Tôi nhìn bàn tay nứt nẻ dọc ngang mà lòng đau xót. Tôi chợt nhớ mới sáu tháng trước, anh gặp tôi trong bộ quân phục oai nghiêm. Giờ anh ra thế này sao! Sao cuộc đời chúng tôi tang thương thế này! Chúng tôi không thể nói nhiều được, ngoài những lời Văn bảo tôi kiên nhẫn đợi chờ. Một giờ thăm đã hết, anh tặng tôi cành lan rừng mang theo tự bao giờ và tượng đá hai hình bán thân bạo chúa và nữ tu do anh đẽo gọt. Tôi đứng dậy lặng lẽ nhìn anh, nhìn mãi bóng anh mất hút sau lùm cây.
Lần thăm nuôi thứ hai, tôi gặp anh dưới chòi tranh khu đất trống. Tôi không cưỡng nổi nhớ thương vội ôm nhẹ vai anh mà mắt liếc chừng cán bộ trại lăm lăm tay súng vừa bước qua. Vài phút sau đó tôi nghe giọng Bắc kỳ lanh lảnh “không được làm trò đê tiện, nói thì thầm, ẻo lả nhé, quán triệt chưa”. Tôi và Văn phải chứng kiến cảnh đau xót này. Lần này tôi nhận ra anh lạ lắm, gầy hơn mà mặt lại căng ra, làn da xám xanh. Anh bị phù thủng. Một giờ thăm lại qua, anh đi vào lại trại tù, không gian lại trả tôi về trong cô đơn tàn nhẫn, lần nhẹ bước về nhà. Ước chi tôi được mang thai với Văn. Nỗi an ủi lớn sẽ còn sót lại nếu anh có mệnh hệ gì!
Tôi bước qua tuổi 20, đất nước thay đổi, người dân miền Nam oằn uốn theo nhịp sống chế độ mới. Tôi bơ vơ, trở thành vợ tù tàn binh. Tôi cùng gia đình chồng về sống dưới quê, hằng ngày trồng rau khoai sinh sống qua ngày. Cực về thân xác không sao, nhưng tôi lại cam chịu những lời mỉa mai “nó có chồng cải tạo”, nghe như muối xát vào làn da rách. Những lúc bế tắc, tôi lại được tia sáng lạ nhắc nhớ tôi hãy nhớ đến anh, nếu một mai Văn ra tù không có tôi sẽ ra sao? Tôi phải mạnh mẽ và cần sống tin anh vào một ngày mai nào đó.
Lần thăm nuôi thứ ba, gặp nhau trong rừng sâu, chúng tôi ước muốn tỏ chút yêu thương nhau bên vách núi mà đành chịu vì bọn canh tù chờn vờn tay súng liếc dọc ngang. Tôi ôm anh thật nhanh, anh cũng hôn vội lên trán tôi, thầm thì “kiên nhẫn đợi chờ”… Sau gần hai năm tù đày, anh trở về, mang bao chứng bệnh, nghiệt ngã nhất là sốt rét. Hai chúng tôi sống ở vùng quê hẻo lánh trong căn nhà mà cha mẹ anh lo sẵn. Văn dù còn yếu cũng cố trồng rau, khoai, lúa. Tôi ra chợ bán rau khoai và rất mát tay nuôi lợn nên cuộc sống cũng tạm ổn. Căn nhà nhỏ cũng luôn đầy tiếng cười đùa của các con chúng tôi. Thực tế người tù cải tạo sau khi được phóng thích phải nói là khó sống, khó hòa hợp vào chế độ mới.
Nghĩ về tương lai, chúng tôi chỉ còn cách chọn liều thân vượt biển. Tôi và Văn cố làm thật nhiều tiền để tìm đường thoát. Đã biết bao lần thất bại, mất của. Tháng 7 năm 1986, đêm tối cả nhà tôi đến điểm hẹn bãi dầu chờ ghe. Văn và ba con lên được ghe lúc quá nửa đêm; tôi và hai con nhỏ loay hoay trong đêm tối bị lạc, đến gần sáng lén lút về nhà bị công an bắt giam hơn hai tuần tại huyện đội. Bồng hai con về nhà, bao chán chường tan biến ngay vì nghe được tin chuyến đi của chồng trót lọt, dù trải qua nhiều trận bão tố trôi giạt gần Phillipines và được tàu Anh vớt sang Okinawa. Tôi khóc mà lòng tràn nỗi vui mừng. Gia đình tôi lúc đó sống ở ba quốc gia cách biệt. Đứa con trai gần 9 tuổi ở Palawan, Philippines, đi năm 1985; chồng và ba con gái đi năm 1986, đang ở Okinawa, Nhật; còn tôi ở quê hương Việt Nam.
Sau gần bốn năm xa chồng con, tôi quyết định vượt biên, bất chấp người thân khuyên bảo chờ chồng bảo lãnh. Hậu quả là tôi bị bắt giam thêm ba lần nữa. Tuổi tôi mới quá 30, sao lại chịu nhiều cay đắng thế? Cuộc vượt biển cuối tháng 4 năm 1989, mẹ con tôi được ông Trời phủ bóng nên trót lọt, được tàu Na Uy vớt đến Nam Hàn, vài tháng sau chuyển sang Philippines chờ định cư đoàn tụ. Tháng 12 năm 1990, chúng tôi gồm tám người, được đoàn tụ tại Hoa Kỳ nhân ngày Đại Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh. Cả gia đình dự lễ trong niềm hạnh phúc tuyệt vời. Tôi ôm hôn anh nồng nàn nhất sau 15 năm, nơi vùng trời mới đang tiết trời se lạnh mà tâm hồn tôi thật ấm áp an bình.
Chúng tôi đến Tượng Đài Chiến Sĩ. Tôi và Văn chụp hình kỷ niệm. Thế thôi cũng đủ làm tôi mãn nguyện. Các con tôi nay đã lớn và lập gia đình. Giờ đây tôi vẫn còn đi làm 40 giờ mỗi tuần. Tôi sẽ còn đi mãi những bước đi cần thiết cho gia đình trong niềm hạnh phúc. Tôi, cô gái trẻ yếu mềm năm xưa, giờ là một phụ nữ tuổi tròn 65, hiện tại được trọn vẹn hạnh phúc bên chồng con. Tôi luôn hãnh diện là vợ của Văn tù binh, vợ người vượt biển, mẹ của sáu con, bà nội, ngoại của tám cháu. Điều trân quý nhất là toàn gia đình được Thiên Chúa dẫn đưa sống đời thiện tâm.
Orange County, ngày 28 tháng 4 năm 2021
Hoa Trinh (Jessica Lê)
Nguồn: SGN