Đó là chỗ cửa thông từ phòng khách qua bếp.
Ngồi phệt dưới đất ngay đó, gió từ sân sau thổi lên, từ sân trước thổi xuống, mát vô cùng. Thời quạt điện biến thành “cơm”, mùa nắng nóng, cả nhà tôi cứ giành nhau ngồi ngay ngạch cửa này hóng gió. Ngạch rộng vỏn vẹn một thước hai, một người ngồi phải co chân mới đủ chỗ, người bên cạnh chỉ được hưởng gió thứ phẩm.
Mẹ hay ngồi chỗ này vá quần vá áo, đơm khuya thùa khuyết, nhớ nhất là những hôm mẹ cầm cuốn truyện “Ngàn lẻ một đêm” kể cho lũ trẻ nghe. Giọng bà nhè nhẹ, trong veo, thanh thoát. Trẻ con nhìn sách dày đã ngán, lại không có hình vẽ, dù nghe nhiều người khen hay cũng không đủ can đảm ôm nó trên tay mà đọc.
Không sao, có mẹ là mình sẽ “khè” được mấy đứa bạn “Truyện này tao biết. Vậy nè…vậy nè…” Tiếng mẹ lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm nhưng luôn rõ ràng. Mấy anh em nằm ngồi lổn nhổn xung quanh, thằng út sướng nhất chui gọn lỏn vào lòng mẹ, tay ôm gối, đứa nào cũng mở to mắt, dỏng ra đa hết cỡ nghe truyện. Ai giữa chừng mắc tè hay khát nước là lúc mẹ được nghỉ giải lao vài phút.
Khi mẹ đọc thật chậm, nhấn dài từng chữ là “phim” sắp hết, đến giờ lên chuồng.
Mọi người đều biết từng cái kết trong “Ngàn lẻ một đêm” là lời mở đầu cho một truyện khác, ngưng giữa chừng chịu sao nổi, lũ trẻ nhao nhao, nhì nhằng “Mẹ kể tiếp đi mà. Một truyện nữa thôi.” Có hôm mẹ ráng, hôm thì than “Mẹ mệt quá rồi. Đi ngủ!”
Khi dọn về Làng Báo Chí, bố mẹ tôi chung tiền với bác Bằng, nhà ở xê xế trước mặt, gắn đồng hồ nước và đồng hồ điện. Bố mẹ tôi bảo cứ gắn hai thứ đó bên nhà bác trước, mai mốt gắn bên nhà tôi sau.
Tổ trác! Binh biến khói lửa, cả nước tuôn đi lánh nạn. Bác Bằng may mắn thoát khỏi Việt Cộng ngay những ngày đầu, nhà tôi chạy tứ tán nhưng thất bại. Điện nước xài được ít lâu thì bị cắt. Mẹ tôi xin câu nước nhà bên cạnh bằng cách mỗi ngày bắc vòi từ nhà tắm của họ sang nhà mình, cách một bức tường, xin đổ đầy hai hồ nước lớn và nhỏ, còn điện, chịu chết!
Nhìn nhà người ta sáng choang, rực rỡ, thấy họ giàu có, sang trọng mà ham. Đã cơ cực, sống dưới ngọn đèn dầu tù mù lại càng thấy mình xui xẻo, thất thế.
Bao nhiêu đêm sống tối om tối mò, một hôm bác hàng xóm cách nhà tôi hai căn sang bảo với mẹ “Anh đi vắng, tôi thấy nhà mình sáng mà để nhà chị tối, tôi không đành lòng. Tôi đồng ý để chị bắc một cái bóng đèn cho các cháu.”
Bố tôi ở tù, ông anh còn nhỏ dại, chả lẽ mẹ leo lên mái nhà bắc dây? Tôi không hiểu làm thế nào cuối cùng điện kéo qua, nhà tôi có một cái đèn neon sáu tấc treo ngay ngạch cửa này.
Ngày điện bật sáng trong đêm, mình cứ tưởng như thiên đàng mở cổng. Học bài không phải nheo mắt, muỗi mòng ít dám léo hánh bu chân bu cẳng, cả nhà thức khuya hơn chuyện trò, bàn tán, đời lên hương thấy rõ.
Đèn treo tại đây vì phòng khách và bếp là chỗ sinh hoạt nhiều nhất. Bên trái ngạch cửa là buồng ngủ thứ nhất, sáng choang. Bên phải, xa hơn là buồng thứ hai, ánh sáng hắt qua chút chút là đủ, nhà tắm cũng vậy. Ngạch cửa thành chỗ hội họp, sôi nổi nhất trong nhà. Mâm cơm đặt trên cái ghế gỗ hình vuông gần đấy cho mát, cả gia đình ngồi hết dưới đất như người Nhật, ăn uống, chuyện trò rôm rả. Đây cũng là chỗ mẹ thường ngồi bắt chí cho mấy anh em, cột tóc hai chùm cho con gái, sau này lớn lên, đến phiên tôi vạch đầu mẹ nhổ tóc bạc, hai mẹ con rù rì đủ việc trên trời dưới đất.
Vì mẹ thường quanh quẩn nơi này nên mấy bác hàng xóm bạn mẹ đến chơi cũng sà vào đấy tỉ tê việc chồng con, gạo củi mắm muối, có người tâm sự với mẹ đến khuya, nước mắt lã chã.
Một đêm tối, bà lò dò đi vệ sinh, chân nam đá chân xiêu thế nào mà bà ngã lăn đùng, tay níu vào thùng gạo cao để gần ngạch cửa, vì gạo cạn, thùng nhẹ nên đổ theo mẹ. Tôi nghe tiếng động lớn chạy ra, thấy mẹ nằm sóng soài bất tỉnh, thùng gạo vẫn còn lắc lư bên cạnh. Hình ảnh ấy hằn vào trí óc tôi mãi. Tôi sợ bà chết.
Việc lớn nhất đối với tôi, tại ngạch cửa này là hôm tôi phải bẩm báo với hai cụ một việc hệ trọng và táo bạo.
Cả ngày tôi không kiếm được lúc bố mẹ ở cùng một chỗ, có mẹ thì không có bố mà mình thì không đủ can đảm để mở mồm nói lần thứ hai. Tôi đắn đo, hồi hộp và căng thẳng vô cùng. Khi cơ hội đã hờm hờm thì tôi lại đi ngang qua các cụ luôn, không dám dừng lại “vô C”.
Thế nào rồi cũng phải nói. Thấy mẹ ngồi hóng mát bên ngạch cửa trò chuyện bâng quơ với ông già, thu hết nội công, tôi xề vào giữa hai cụ…thưa chuyện se tơ kết tóc.
“Tụi con muốn … lấy nhau”
Tôi chỉ dám dùng chữ “lấy” không dám dùng chữ “ cưới”. “ Lấy” nghe nhẹ nhàng hơn, chậm rãi hơn, bình thường hơn chứ “Cưới” sẽ vẽ ra cả một đám tiệc, rồi họ hàng hai bên, rồi chung sống con cái… Tôi không rõ mình có đủ sức để gánh vác những thứ như vậy nếu bố mẹ tôi căn vặn. Hơn nữa, “Cưới” có bốn mẫu tự, “Lấy” chỉ có ba nên chữ thứ nhất nặng hơn chữ thứ hai, tôi chọn vác thứ nhẹ, đúng quá còn gì.
Thật ngạc nhiên khi các cụ không cật vấn, tra hỏi – có ai nghĩ như tôi không nhỉ?- Mẹ hơi nhướng mày nhìn bố, còn bố chỉ nhẹ nhàng:
“ Ừ, lớn rồi cũng phải có bầu có bạn. Kêu nó đến gặp bố mẹ.”
Cái ngạch cửa đã làm chứng cả việc khởi đầu trăm năm của tôi như vậy đó.
&&&&&&
Nhà của bố mẹ tôi bên Mỹ là căn hộ nhỏ, bếp liền với phòng khách, không ngạch cửa. Nếu có, khi nào chúng tôi sẽ ngồi bệt xuống chỗ đó để ăn uống, bắt chí, nhổ tóc sâu cho nhau? Hàng xóm liệu muốn xề đít nơi đây, nhỏ to tâm sự? Điên!
Hai mươi mấy năm mẹ tôi ở Mỹ, trong cái cõi mơ hồ quên nhiều hơn nhớ, thỉnh thoảng bà lại nói với chồng “Mình về đi anh.” tức là về căn nhà cũ ở Làng Báo Chí. Hai mươi mấy năm trôi qua, căn hộ nhỏ, trong tiềm thức vẫn không phải là nhà của bà. Bao nhiêu buổi tối bà vẫn chờ để làm một việc cuối cùng trong ngày – Về- nhưng không thành, hẳn bà bứt rứt lắm. Ai cứ thử đi năm non bảy đỗi, đến tối vẫn chưa về nhà xem, khó chịu cỡ nào.
Mẹ ơi, có biết đường bay về căn nhà cũ, tìm lại những người thân thuộc? Nếu được, mẹ nhớ ngồi chỗ đó, áp tai xuống đất, gõ ba tiếng, ngạch cửa sẽ biết ám hiệu, lên dây cót, kể lại cho mẹ nghe chuyện nhà mình từ lúc dọn vô cho đến ngày bố mẹ ra đi, nhắc tới cái thời đói no xấc bấc xang bang, nhớ lũ con nhỏ nằm bò lổn nhổn xung quanh nghe mẹ đọc truyện đời xưa…
Mẹ ơi, giờ mẹ ở đâu?
Nguyễn Đình Phượng Uyển
24/4/21