User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
lochocon
Hình minh họa: Tanaphong Toochinda/Unsplash
 
Theo một nghiên cứu, đa số những đứa trẻ xuất sắc đều lớn lên trong bầu không khí gia đình tự do, không bị cha mẹ “nâng như nâng trứng” hoặc “lo từng li từng tí’ quá đáng.
 
Hãy để con tự giác
 
“Bi… Leo lên giường mau! Có thay đồ mà cũng lâu.” “Bi, có ăn nhanh lên không, trễ giờ rồi!” Cu Bi không còn là đứa con nít. Cậu bé đã học lớp Sáu, sắp đến tuổi dậy thì, nhưng người mẹ để ý từng li từng tí mọi “nhất cử nhất động” của cậu, và la toáng lên mỗi lúc cậu hơi chậm trễ.
 
Không ít các bậc cha mẹ cũng giống như mẹ của Bim, thích để tâm và thúc giục con cái. Nhưng điều này đôi khi lại phản tác dụng.
 
Lắm lúc Bi cũng bực mình, gắt với mẹ: “Mẹ cứ từ từ, con có bao giờ trễ đâu chứ!” Thế là một “tràng liên thanh” lại nổ ra từ người mẹ “thương con hết mực hết lòng” (như lời bà nói.)
 
“Trời ạ, tôi nuôi nó ăn học to xác thế này, giờ nó trả treo với tôi. Làm cái gì cũng lề mề, đụng đến thì to tiếng với mẹ. Mày là ai?”
 
Mỗi lần như thế, cậu bé Bi chỉ biết câm lặng. Còn chuyện “lề mề” thì không thay đổi, nhưng đúng như Bi nói, tính của em là thế, và chưa bao giờ chậm trễ.
 
Mỗi đứa trẻ đến với thế giới này đều có nhịp điệu riêng. Nếu cha mẹ luôn đòi hỏi con phải theo nhịp điệu của người lớn thì đó sẽ là một kiểu gây hại cho thể chất và tinh thần của trẻ. Các chuyên gia tâm lý cho rằng cha mẹ cứ để con tự giác trong giờ giấc. Cứ để con trễ một lần, hoặc gặp bất trắc vì sự trễ nải, con sẽ tự biết mình phải sửa đổi ra sao, và quản lý thời gian thế nào mà cha mẹ không cần kiểm soát quá kỹ.
 
Tôn trọng con cái
 
Nhà trị liệu tâm lý người Đức nổi tiếng Bert Hellinger từng nói: “Một gia đình tốt phải có ý thức về ranh giới.” Ý thức về ranh giới được hiểu là bố mẹ nên tôn trọng không gian và ý tưởng của con cái, đồng thời cho con tự do suy nghĩ và bày tỏ quan điểm cá nhân, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất. Nếu gia đình thiếu ý thức về việc này, thứ chờ đợi họ phía trước là một bi kịch.
 
Con gái bà Ly Trần ở thành phố Ventura đã học lớp Chín, nhưng bà luôn nghĩ đó là “con gái bé bỏng lớp Hai” nên bà chăm cho bé từng chút một. Thậm chí, đến giờ ăn mà con bé chưa ra, bà đem đến tận phòng. Nhưng điều này khiến cô bé không bằng lòng, và nói thẳng: “Mẹ, sao mẹ vào phòng con mà không gõ cửa. Lần sau mẹ đừng làm thế nữa nhé!” Bà Ly bị sock và buồn gần nửa tháng trời, cho đến khi có người nói cho bà biết rằng bà cần tôn trọng không gian riêng tư của trẻ. Nhiều lúc con cái chỉ muốn ở một mình.
 
Những cha mẹ không có ý thức về ranh giới, không chỉ xâm phạm không gian riêng tư mà xâm phạm tới quyền được suy nghĩ tự do của con cái. Theo Los Angeles Times. Đây là lý do khiến trẻ mất đi lý tưởng thực sự của chúng. Khi trẻ nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
 lochocon1
Nhiều lúc con muốn ở một mình. Hình minh họa: Eliott Reyna/Unsplash
 
Khuyến khích sự tự tin của con
 
Theo nghiên cứu của đại học Iowa State University, trung bình mỗi đứa trẻ nhận được hơn 400 lời nhận xét tiêu cực mỗi tuần. Trong khi đó, những lời nói của cha mẹ dành cho con cái mỗi ngày chỉ có 20% nội dung khích lệ mang tính tích cực. Sau khi nghiên cứu này được công bố, nhiều người nói rằng, đây là một sự thật khủng khiếp.
 
La mắng, đe nẹt thường được nhiều phụ huynh (nhất là người Việt) coi là phương pháp giáo dục nghiêm khắc để con ngoan ngoãn, biết vâng lời. Tuy nhiên theo các nhà tâm lý học đại học Iowa State University, những biện pháp trên không mang tính giáo dục, chưa nói đến ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của trẻ. Cách nhanh nhất hủy hoại một đứa trẻ là hủy hoại lòng tự trọng và “biến” trẻ thành người vô giá trị. Nhà giáo dục người Ý Maria Montessori từng nói: “Mọi khiếm khuyết về nhân cách đều do một hình thức ngược đãi nào đó đã trải qua trong thời thơ ấu.” Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đay nghiến luôn có sẵn tâm lý xẩu hổ và tội lỗi. Các cháu cảm thấy mình là người vô dụng, không làm nổi việc gì. Một khi lối suy nghĩ này sẽ ăn sâu vào tâm trí khiến trẻ trở nên tự ti. Cách tốt nhất để giúp con tự tin là hãy khuyến khích và đừng tiếc những lời khen khi con làm được việc tốt, dù nhỏ.
 
Đừng quá kỳ vọng để rồi nuối tiếc
 
Cha mẹ luôn thương yêu đứa con mình dứt ruột đẻ ra, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” và luôn đặt mọi kỳ vọng vào con. Ngay từ khi con lọt lòng, các bậc cha mẹ đã lên kế hoạch, nào là học mẫu giáo, tiểu học, trung học rồi đại học ở đâu. Con sẽ học ngành nào, rồi làm việc ra sao, chừng nào lấy vợ/chồng… Quá trình này chứa đựng nhiều sự so sánh, nỗ lực, hy vọng rồi thất vọng, tiếc nuối…
 
Thực tế, sự kỳ vọng quá cao không chỉ gây áp lực cho cha mẹ, mà bản thân con cái cũng mệt mỏi khi cha mẹ cứ dõi theo từng bước chân của mình. Nếu cha mẹ có thể nhìn vào bản chất vấn đề này và từ bỏ mọi kỳ vọng về danh tiếng, địa vị, tài sản của trẻ trong tương lai. Thay vì thế, quan tâm nhiều hơn tới sự an yên, hài lòng trong tâm hồn con và chính mình. Các bậc phụ huynh nên kìm nén cái tôi của bản thân, kìm nén băn khoăn, lo lắng để trẻ được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải có tầm nhìn dài hơn, nên quan tâm đến tính cách, kỹ năng, suy nghĩ, hành động, cách ứng xử với các tình huống xảy ra trong cuộc sống của con.
 
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu cha mẹ khôn ngoan biết tạo điều kiện cho con có tính tự lập, tự chủ động trong hành vi của mình, con sẽ có nhiều triển vọng thành công hơn ở tương lai. Cũng giống như diều có bay được lên cao hay không phụ thuộc vào việc người thả diều có chịu nới lỏng sợi chỉ ở tay hay không.
 
 
Đoan Trang

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com