User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
bovucvuthaihoa
 
Nàng thở ra một hơi mạnh. Trở mình nặng nề về phía bên kia. Người co rút lại, thảm não như một con tôm kho tàu. Mắt mở trừng trừng ngó ra ngoài. Trời tối mờ. Cả bầu không gian chung quanh nàng như thu hẹp lại, nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Nàng chẳng trông thấy gì ngoại trừ tấm rèm trắng lay động phất phơ trên khung cửa sổ hé mở. Và một chút xíu "hàng xóm" qua ánh đèn nhà vàng nhợt nhạt, thoáng lên sau hàng cây phong xa tít. Nàng cười buồn một mình trong bóng đêm. Lại một ai đó không ngủ được như mình chăng? Lại một kẻ nào đó không gánh nổi gánh đoạn trường trên vai ư? Nàng lơ mơ thầm hỏi và thấy mệt đến ngất ngư. Hai mí mắt nàng nặng trĩu, nhức nhối. Nàng có cảm tưởng như chúng đang sưng húp lên. Căng cứng. Vài ba sợi dây thần kinh nào đó có lẽ đã đình công, không chịu hoạt động khiến một phần đầu nàng mềm nhũn ra, đau điếng. Nàng cứ tưởng mình bị một que nhọn đâm từ mi mắt này, xuyên qua sóng mũi, tới tận mi mắt bên kia. Hay chính sọ não nàng đã nứt tách ra thành hai ba khối. Khối nào cũng ê ẩm giống hệt nhau.
 
Mệt. Lơ mơ. Và ngao ngán. Nàng lẩn thẩn nghĩ tới các bài viết vẫn thường thấy trên báo. Tin tức chiến sự ở Nam Tư. Chính trị lộn xộn ở Nga. Kinh tế chưa hồi phục ở Nhật. Ðộng đất bão lụt ở Trung Hoa. Ðói kém ở Nam Phi. Phe khủng bố. Phe Hồi giáo quá khích. Phe tham chiến. Phe đình công. Loạn xạ. Thêm tin cướp giật. Ðâm chém. Ma túy. Rồi vài ba báo động đỏ. Môi sinh, môi trường. Bịnh liệt kháng. Giá xăng giá dầu. Dân số thế giới...
 
Mặt nàng đột ngột nhăn nhúm lại. Dân số thế giới hiện tại đang tăng lên gần sáu tỉ người. Sáu tỉ! Trái đất sắp sửa nổ tung vì chịu không nổi loại động vật đi bằng chân này trên bề mặt của nó. Trời ơi. Nàng sụp mắt xuống. Cố gắng hết sức để không than to lên đôi câu. Trái đất chịu hết xiết thì còn muốn tự tử! Trái đất già nua xấu xí, lởm chởm, gồ ghề đến là vậy, mà lúc gánh không xong cái món nợ đời, còn muốn nổ banh xác thành bụi, thành vẩn thạch cho khỏe. Trái đất ghê gớm như vậy, mà còn muốn đầu hàng vô điều kiện, còn không thèm đàm phán, hội nghị bàn vuông bàn tròn gì để tìm ra biện pháp cứu vãn. Trong khi đó, nàng, thân phận liễu yếu đào tơ, gầy như cọng tóc vướng chân người của Nguyễn Tất Nhiên, tàn hơi kiệt sức, chịu đựng không nổi, thì lại đành phải cam lòng!
 
Mặt nàng nóng ran lên. Những hơi thở dài khốn khó lại vỡ ra trên môi. Nàng rùng mình. Chẳng biết làm thế nào để thoát ra khỏi nỗi thống khổ. Thò tay kéo tấm chăn lên trùm kín tai, chừa lại đúng hai con mắt nhắm kín, và một cái lỗ mũi để thở, nhưng coi bộ vẫn không ăn thua gì, nàng đành nằm yên không nhúc nhích. Hai tay buông xuống, chắp lại với nhau, kẹp vào giữa hai đùi một cách tội nghiệp. Như thể nàng đang bị trừng phạt. Hằng ngày, thiên hạ vẫn thường léo nhéo bảo sức của con người luôn luôn có giới hạn. Vượt quá cái limit cho phép, hoặc thể xác hoặc tâm trí của người ấy sẽ bị tổn hại. Thỉnh thoảng, cũng vẫn trên những tờ báo lá cải nàng đọc, lại đăng tin nhà thương điên, dưỡng trí viện đang mọc ra thêm khắp nơi trên thế giới. Thống kê y học hằng năm lại la làng chuyện thiên hạ đau tim, đau óc, mát dây, loạn thần kinh bởi vì cuộc sống hiện tại quá nhiều stress, căng thẳng.
 
Ðột nhiên nàng muốn bật òa ra khóc cho đỡ ấm ức. Tủi thân tủi phận nghĩ, chắc thế nào rồi nàng cũng sẽ đau tim, đau màng óc, đau phổi, đau dạ dày, đau gan đau ruột. Với người ta. Y hệt như người ta. Chắc thế nào rồi nàng cũng sẽ vào nhà thương. Thế nào rồi cũng điên. Cũng rối loạn tâm thần. Cũng bất bình thường không tỉnh táo. Một giọt nước mắt ứa ra trên mi mắt nàng. Nàng rên thầm. Chao ơi! Mẹ ơi! Không lẽ sức của người ta có giới hạn, mà sức của nàng thì vô cùng? Ngày xưa mẹ nàng thường dạy đi dạy lại chị em nàng đức khiêm nhường, chịu đựng. Và thường dặn dò. Phải biết im lặng đúng chỗ. Một sự nhịn chín sự lành. Mẹ nàng bảo, "con gà thường ghét nhau tiếng gáy".
 
A ha! Ðầu mũi nàng nồng cay. Con gà ghét nhau tiếng gáy! Con gà, được sinh ra chỉ để làm của tế thần, chỉ chờ ngày lên... bàn nhậu, không biết suy tư âu lo, nên lúc nào cũng dễ dàng sân si, gây hấn với nhau vì tiếng gáy. Nàng bấu ngón tay vào đùi. Thế còn con người? Con người, nhân chi sơ tính bổn thiện, biết nghĩ tới nghĩ lui, mỗi ngày không đọc được một câu trong sách thánh hiền đã đau khổ trăm bề, con người tuyệt đỉnh cao siêu, đứng trên mọi loài, thì chẳng lẽ lại sinh lòng ghét nhau chỉ vì tiếng... ngáy? Con người, cái con người nàng "ăn ở với" -chữ dùng của nàng- gần hai chục năm nay, đang mỗi lúc mỗi phát chứng, mỗi lúc mỗi làm phiền nàng bằng những đoạn hòa âm không thuận tai mỗi tối như thế này thì nàng phải chịu đựng hay sao... Chao ơi! Kkkhư kkkhư kkkhư... Con người. Cái con người...!
 
Nàng co chân thêm chút nữa, giấu tai vào một góc chăn. Lạ nhỉ. Con người này, ngày xưa, ngày xưa đâu có như thế! Tệ như thế! Cái con người này, ngày xửa ngày xưa dẫu đã không tán nàng bằng hoa hồng, dẫu không biết làm thơ làm thẩn, không soạn nhạc, không "mang đàn đến giữa giòng đời", không lãng mạn romantic gì ráo, nhưng chí ít cũng đã biết nở với nàng bằng những nụ cười, bằng đôi ba lời dễ thương, dịu dàng, chứ có phải bằng... những tiếng ngáy như thế này! Con người này, con người này... Nàng chán chường nhắm chặt hai mắt lại. Rầu rĩ nhủ thầm, chắc là phải đếm, đếm từ một tới một trăm, một ngàn, để dỗ giấc, để quên đi cái ám chướng nghiệt ngã. Nhưng đồng thời cũng bật dậy, đi ra ngoài một lát. Tuy nhiên cuối cùng, nàng lại đầu hàng cái ý tưởng ấy. Nàng lao chao rùng mình. Trời có vẻ như đang trở lạnh hơn sức chịu đựng của nàng. Tuyết vỡ đâu đó lắc rắc. Ðe dọa.
 
Nàng lại mở mắt ra nhìn vào bóng đêm. Nàng biết chắc bây giờ mà trở dậy, thế nào cũng có "kẻ" thức giấc chất vấn. Ði đâu mà đi hoài cả đêm! Ði hoài cả đêm! Nàng nhăn mặt. Ối giời, giá mà nàng được đi hoài cả đêm! Giá mà nàng được vướng căn bịnh mộng du! Ðược tự do đi ngang người, đi song song với trần nhà, đi chúc đầu xuống đất, đi xuyên tường, đi như David Copperfield làm ảo thuật, xuất hiện giữa thiên hạ rồi tàng hình biến mất vào một bức tường nào đó của vạn lý trường thành!
 
Nàng chặc lưỡi, cố nghĩ đến một điều gì đó khác. Cố "nhìn" vào cái khoảng không đen kịt trước mặt. Rồi lại bắt đầu từ con số một. Một, hai... Như một đứa con nít tập đếm giữa mớ âm thanh kkhư, kkkhư bên tai. Lát sau, nàng loạng choạng tự hỏi, tới đâu rồi. Và tự trả lời. Tới một trăm con chim mộng về bay đầu giường. Tới vài ba ngàn con chim mộng. Tới tuyết vỡ lắc rắc bên ngoài. Ô hay. Cái thanh âm gì mà lạ quá chừng. Gãy đổ quá chừng. Ngắc ngứ quá chừng. Một thứ thanh âm hoàn toàn chẳng có gì giống tiếng mưa đêm lâm râm ngọt ngào ngày xưa ở bên nhà. Ôi. Ôi. Nàng kêu thầm. Mình đã đếm tới đâu rồi? Tới vô cực. Tới em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây...
 
Nước mắt nàng ứa ra. Ôi ngày xưa. Ôi mơ, ôi mộng, ôi chiêm bao, ôi thiên đường địa ngục... Ôi, sao không thấy cái gì hiện về với mình thế này!
 
Nàng ngồi im ngó ra ngoài trời mưa lất phất. Mưa như mưa phùn ở miền Bắc. Mưa như mưa dầm ở miền Trung. Mưa như mưa dông ở miền Nam. Mưa xám. Mưa tối. Mù mịt những hạt nước chao nghiêng buồn bã. Nàng cứ ngồi im, thật yên, thinh lặng. Ngó vào khoảng không u ám nhưng chừng như chẳng ngó bất cứ khoảng không nào, khung trời nào. Phía bên trong quanh chỗ nàng ngồi, đèn đuốc sáng loáng. Nàng tự hỏi lòng, chẳng biết có hay không, trời đang mưa ở ngoài kia. Có không, lòng nàng đang chập choạng những thứ tình cảm hỗn loạn, không bình thường. Lần gặp gỡ nhau kỳ trước, chàng tặng nàng cuốn sách, kẹp ở giữa lưng chừng bằng một tấm ảnh nhỏ của nàng. Chàng hỏi, hệt như nhân vật nam trong cái truyện ngắn chàng muốn đánh dấu ấy:
 
- Ngoại tình là gì?
 
Nàng làm thinh. Chàng khẽ nhìn nàng, rồi tự trả lời ngay sau đó, cũng bằng lời của nhân vật truyện:
 
- Là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng (Trần Thị Ngh.)
 
Nàng đã ngồi im hỏi lại lòng, có thật nàng không cần phải cố gắng để yêu chàng như thế hay không. Có phải chàng đã đến, tình yêu đã đến, tự nhiên như hồi còn thơ trẻ với nàng, hay nàng đang chìm ngỉm, chết đuối trong thứ ân sủng tuyệt vọng. Ðôi khi nàng thấy run lạnh với cái ý nghĩ. Lẽ ra tất cả những điều ấy, thứ chữ nghĩa ấy, đã không nên có mặt trong đời sống của nàng mới phải. Thiên hạ đã định nghĩa tưng bừng hai chữ ngoại tình. Ngoại tình là gì? Là tuyệt vọng, là yêu lần nữa. Là quan hệ bất chính. Là, eo ơi, thấy mà ghê, là hành động bất trung của một đôi gian phu dâm phụ!
 
Nàng co người, nhăn mặt rúm ró, sợ hãi.
 
Nàng sợ. Sợ muốn chết. Sợ điếng hồn. Sợ tất cả mọi thứ trên đời. Sợ dị nghị. Sợ dư luận. Sợ thiên hạ bá tánh. Sợ mình. Sợ cả chàng. Sợ những thôi thúc gặp gỡ bừng bừng hiện ra một cách quái ác trong trí mỗi lúc nhận được tín hiệu từ phía chàng. Sợ những rủ rê như bao kẻ ngoại tình khác trên đời vẫn rủ rê nhau:
 
- Phải trốn đi. Trốn đi em ạ!
 
Có lần nàng ngẩn ngơ hỏi lại chàng. Trốn đi đâu? Chàng cũng ngẩn ngơ trả lời, anh chẳng biết trốn đi đâu. Chàng nói vậy nhưng rồi chàng vẫn cứ rủ rê. Rủ rê một cách tuyệt vọng như người mù lạc giữa vùng không gian lạ hoắc lạ huơ. Rủ rê như cùng đường, quẫn trí thì buột mồm nói ra một điều gì đó cho bớt khổ.
 
Chàng rủ, rồi chàng về. Hai người cùng về. Cùng trở lại với công việc hàng ngày. Với cuộc sống hàng ngày. Với những thứ bổn phận thường trực hàng ngày. Hoang mang không biết cái thế giới thật sự của mình ở đâu. Lần khác, chàng bảo, chỗ làm của nàng tọa lạc chung quanh toàn là những con đường mang tên các vĩ nhân, trước mặt "là" ông Goethe, sau lưng "là" ông Mozart, bên phải "là" ông Beethoven, xa hơn chút nữa "là" ông Schubert, rồi đến vài ba ông lãnh chúa, ông Lindwurm, ông Maximilian, ông Ludwig... Ông nào cũng là thiên tài, nếu không thì cũng là người có công lớn đối với quê hương đất nước, với nhân loại, thế giới. Chàng chặc lưỡi dụ khị:
 
- Mình nhỏ nhoi, tầm thường, không ai biết mình là ai. Nên anh nghĩ, chỉ cần trốn đến một nơi nào đó, xa hẳn nơi này là coi như xong.
 
Coi như xong. Như không muốn ăn cơm ở nhà thì ra tiệm, không muốn đọc sách thì coi ti vi. Lúc chàng rủ nàng trốn đi, nàng làm thinh. Và nàng cười. Cười, phì cười như nghe một câu nói đùa ý nhị. Nhưng sau đó không lâu, lòng nàng lại bận rộn, lao xao một cách khó chịu. Lại loay hoay tìm kiếm mãi một giải pháp nào đó. Lên miền Bắc, xuống miền Nam, qua miền Tây hay về miền Ðông? Ra nước ngoài, hoặc về lại cố quốc?
 
Có khi nàng dữ dội mơ ước một chân trời, một vạt cỏ, một túp lều, một bờ suối. Thèm rát ruột một thứ trái cấm chua ê răng, chát khô cổ họng. Có khi nàng tự nhủ thầm, cần gì hai người phải trốn đi đến một nơi nào, cần gì phải mang tiếng ngoại tình cho mệt xác. Ở đây, ở cái xứ mà con người ta chỉ cần bỏ ra vài ba ngàn bạc, hay nhiều lắm là chục ngàn, nhờ luật sư làm thủ tục ly dị, rồi sau đó ký giấy tái hôn, là ngang nhiên hòa bình sẽ được tái lập! Là có thể ngang nhiên chung sống với nhau một cách hợp pháp, tỉnh như ruồi trước mọi con mắt nhân gian. Là có thể mua bán, sang nhượng một cái nhà ngay trên những con đường mang tên danh nhân quanh chỗ làm của nàng để cư trú. Hay thậm chí, đến ở sát bên cạnh những kẻ bị bỏ rơi, à không, những kẻ không còn thích hợp với cuộc hôn nhân cũ, thì cũng chẳng ai làm gì được mình. Chắc chắn như bắp rang là luật pháp và công lý sẽ binh vực. Trật tự trị an sẽ được vãn hồi. Biết đâu, tình hình thế giới sẽ có ít nhiều biến chuyển vì thế hệ thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu… gì đó được ra đời từ kết quả của những cuộc tái hôn. Mọi việc, thật dễ như không. Ðơn giản cũng như... đang giỡn! Chẳng có gì để thắc mắc, cù cưa ví dầu với nhau.
 
Nhưng ngẫm nghĩ tới lui, nàng lại nhận ra cái giải pháp nào, quyết định nào, cũng tràn đầy cay đắng, tràn đầy ê chề và tràn đầy phiền phức giống hệt nhau. Chàng cũng như nàng, như bao con người khác nữa trên cái thế giới ảm đạm bạc màu này, khi dính dáng đến một mối quan hệ bất thường nào đó, là con người ta bỗng ớn phải ngồi yên suy xét lại lòng mình. Bỗng không bao giờ dám rạch ròi quyết định, không bao giờ dám dứt khoát tỏ một thái độ lựa chọn nào cả. Thật tình, nếu có phải len lén xách valy ra khỏi nhà một cách đớn hèn nhục nhã, hay hiên ngang anh dũng vác đơn ra tòa, thường cũng chỉ là do đẩy đưa tình cờ, do hoàn cảnh lỡ chợ lỡ quê, hoặc do lòng tự ái... dồn cục sao đó thúc bách. Chứ mạo hiểm, chắc đời chẳng có mấy ai.
 
Nàng, và cả chàng, y hệt như phi hành gia bay lơ lửng giữa khoảng không gian bao la bát ngát. Chết dở sống dở. Chập choạng, ngộp thở với những giằng co, níu kéo. Ðánh đấm tuyệt vọng với cuộc đời bằng bàn tay yếu xìu, không bọc găng của mình.
 
Hồi nhỏ, hồi nhỏ mấy chị em nàng cứ ngồi lại với nhau là gấu ó, gây lộn tùm lum. Chỉ thiếu điều đánh nhau nữa là trọn bộ... Tam Quốc Chí diễn nghĩa! Lớn lên, nhất là lúc cả bọn bắt đầu bước vào đời trong tình trạng gia đình trở nên nghèo, tự dưng đứa nào cũng đổi tính, dễ thương hẳn ra, lo lắng cho nhau hẳn ra. Nhưng quan niệm sống của đứa này đứa kia về hôn nhân, về cuộc đời, và cả về nghệ thuật, thẩm mỹ vân vân, cũng vẫn có vô số chỗ khác nhau. Hồi nàng sắp sửa lấy chồng, khi đem vấn đề hạnh phúc lứa đôi ra mổ xẻ, nói tới nói lui, một trong ba đứa có vẻ không lấy gì hoan nghinh, cổ võ cho lắm, cứ bàn lui, tán ra. mãi Cuối cùng gặng hỏi nhiều lần, nàng mới được nghe lời ậm ừ nhận xét về ông anh rể tương lai:
 
- "Tay" này cũng đường được thôi chứ không có gì đặc sắc. Chờ đám khác tốt hơn.
 
Hai đứa còn lại, binh vực chị:
 
- Trông người ta đàng hoàng ra phết mà chê bai gì nữa. Vào cái thời buổi lộn xộn, chẳng ngô chẳng khoai, một "tay" không cà phê thuốc lá, không nhậu nhẹt, không trai gái lung tung như vậy là được rồi.
 
Tạm được rồi. Hai đứa em nàng biện hộ cho anh rể. Thuận tai. Thuận ý. Ða số thắng thiểu số, nàng sang ngang, không dâu không mận cậy nhờ đám em ở lại trông nom, vẫn có đứa bồi hồi ra đứng tận đầu... đường, "ngùi trông theo chị khuất giàn dâu thưa".
 
Lấy chồng, về ở-với nhiều năm trời, nàng khi vui khi buồn, khi chấp nhận khi bực bội, khi yêu thương khi chán ngán, khi hoan hỉ khi thất vọng. Nhưng tựu chung, cũng chẳng có gì sôi nổi ầm ĩ để nàng bận lòng. Cũng chẳng có gì đáng tiếc trầm trọng xảy ra. Lại cũng chẳng mấy khi sóng gió bão bùng. Hoàn toàn chưa bao giờ có “sự cố” gì khiến nàng phải nghĩ đến chuyện chạy ra tiệm sách kiệu cuốn cẩm nang làm thế nào để giữ vững hạnh phúc về tra cứu. Ðời sống hôn nhân "thường thường bậc trung" của nàng làm đám bạn, đứa đầu tắt mặt tối vì cái sự "nam vô tửu như kỳ vô phong" của đức ông chồng, đứa ngậm ngùi thân cô phụ, đứa dãi dầu mưa nắng phải chép miệng phát biểu một câu tương tự như hai đứa em nàng đã nói. "Ðược rồi!".
 
Ðược rồi. Ðơn giản như vậy là được rồi. Nhiều lần, nàng cũng tự an ủi, đã "được". Nhưng nhiều lúc khác nàng đã tự chất vấn mình, thế nào là được và thế nào là không. Mấy năm trước, nàng đau. Bác sĩ bảo nàng thiếu calcium. Em nàng trêu, hên. Hên, bởi thiếu calcium, con người ta khó có cơ hội bị... dư vôi, hóa sừng. Nàng đã phì cười. Không chỉ vì câu nói giễu, mà vì trong ngần ấy năm trời chung sống, giữa lúc bạn bè, người quen khóc thương bi hận cho những cuộc tình dâu bể, đổ vỡ, thì chừng như cái ý niệm, cái cảm giác sợ hãi mất mát con-người-đang-ở-với chẳng khi nào hiện ra với nàng, làm nàng bận rộn. Lòng nàng cứ dửng dưng, lạnh lẽo một cách kỳ lạ như thể một người không để tâm lo lắng trước những món đồ vật tầm thường mình đang có.
 
Còn cũng được, mà mất cũng không sao.
 
Hồi nhỏ, cũng hồi nhỏ, nàng có một bộ đồ màu xanh lá cây, may kiểu cũ rích, xấu xí và gần như bạc trắng, mỗi bận nàng lôi ra mặc, là thế nào cũng có người trong nhà cằn nhằn, khó chịu. Nàng hay bị la cái tội không chịu mặc quần áo mới đi học hay đi chơi, nên càng bị mắng khi cố tình giữ bộ quần áo cũ kỹ ấy. Về sau, mẹ nàng phải tự tay giấu và vất bỏ. Mất, tìm hai ngày khắp nơi trong nhà không có, nàng khóc rưng rức hết một buổi chiều.
 
Hồi nhỏ, những ý niệm "hoài cổ" lẩn quẩn với nàng, đến khi lớn lên, bỗng biến thành những thái độ, những ứng phó chậm lụt, dụt dè trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường. Nàng thường sợ phải bắt đầu lại từ đầu một công việc, sợ phải thay đổi một cách sống, cách nhìn nhận, cách xem xét một vấn đề. Nàng hay kể lể với em út, với bạn bè về những tình cảm vụn vặt của mình thời thơ ấu. Hay bảo, bộ đồ hồi nhỏ của nàng, xấu nhưng quen mắt, cũ nhưng dễ chịu; và liên hệ một cách cợt nhã rằng đời sống hôn nhân của nàng cũng giống hệt như vậy. Cũ nhưng dễ chịu, thường thường nhưng đỡ nhọc trí. Lúc vui, thường chẳng có ai chấp nê hay để ý câu nói cà tửng của nàng, nhưng khi trà không dư tửu không hậu, nhìn cái gì cũng muốn gây gổ, thiên hạ lại quay ra cấm cảu, tuyên bố một câu xanh dờn là nàng... khùng!
 
Ở đời, nàng nghĩ, mấy ai lại không có khi... khùng. Mấy ai lại không có khi không dám thực hiện điều mình mơ ước. Trong tự điển đời nàng, nàng ghét nhất là hai chữ "nhân dịp". Nàng ngán phải nghe câu, nhân dịp đi thăm người quen, nhân dịp ghé lại nhà bà con, nhân dịp giỗ quảy, hội hè... Lần nào cũng vậy, mới vừa khăn gói ra đến đường, nàng đã vội nghĩ ngay tới lúc trở về nhà, nằm gác tay lên trán, ngẫm lại chuyến đi của mình, thấy đã tiêu phí quá nhiều ngày đàng nhưng chừng như chỉ lẩn quẩn quanh các buổi trà đàm, các tối dài lê thê bàn tán chuyện thiên hạ, chuyện tào lao, hoàn toàn chẳng có một cái "sàng khôn" nào để học, cảnh trí nào để khoe khang với thiên hạ. Thật ra cũng có lúc nàng vẽ vời ra một chân trời, một thiên đường, một khung cảnh mới lạ nào đó, nhưng khi thử phác họa ra vài nét cho chuyến đi, thử tưởng tượng ra vài điều lãng mạn, chỉ được chừng vài ba giây là cơn ngán ngẫm đã nổi lên như đất trời của Ðặng Trần Côn nổi cơn gió bụi. Bạn bè nàng thường chê nàng đã già, đã không còn đủ sinh khí để vui lâu, hăng hái lâu.
 
Riêng nàng thì chẳng biết mình đã già hay chưa, đầu óc và thể xác đã hóa lão hay chưa, nhưng nàng thấy hình như mình mỗi lúc mỗi lười. Mỗi lúc mỗi thấy cái gì cũng khó khăn. Mỗi lúc mỗi gắn chặt vào bốn bức tường câm lặng của đời sống, mỗi lúc mỗi ù lỳ, chai cứng lại như sạn. Hằng ngày nàng đi làm, bằng hai chuyến xe lửa. Bốn lượt ngó thấy tên ông Mozart, ông Beethoven... Hai lượt đi và hai lượt về. Lượt nào đầu óc cũng đòi chấp cánh. Nhưng lượt nào cũng cẩn thận nghe cái câu nhắc nhở quen thuộc của người tài xế xe lửa tốc hành. “Zurueck bleiben bitte”. Làm ơn lùi lại. Và nàng, mặc dầu đang đứng trong toa, mặc dầu cửa đã khép, vẫn luôn luôn lùi lại. Một bước. Theo thói quen. Ðứng dưới nhà ga, đã ở trong vạch mức cho phép, nàng còn cẩn thận lùi lại về phía sau nhiều bước hơn. Hoàn toàn ngoan ngoãn như một đứa trẻ con.
 
Nàng vẫn thường tự hỏi, khi con người ta cho phép mình mạo hiểm, cho phép mình lục lọi kiếm tìm những điều mới lạ, sục sôi hơn những gì đang có trong tầm với, liệu cái giá phải trả có sẽ đắt lắm hay không. Liệu cái "nhân dịp" thật sự có ý nghĩa hơn những "nhân dịp" bình thường của nàng hay không. Liệu cái đóa hồng nhiều gai nhọn có làm rỉ máu trái tim vốn chưa đỏ thắm nhưng cũng chưa hề hằn lên vết sướt như trái tim nàng? Liệu cuộc đời có thật, ở đâu đó, một mối tình?
 
Hằng ngày đi làm, nàng đã phải hết sức cẩn thận để không rơi xuống đường tàu, không để cho bất cứ tai nạn nhẹ, tai nạn khủng khiếp nào xảy ra với mình. Hằng ngày, nàng tự gọi phía dưới đường rây là vực thẳm, nơi chân mình là bờ vực. Và hoàn toàn chẳng thích cái tư thế chông chênh, dễ ngã của một kẻ đang đứng bên bờ vực chút nào. Tuổi như nàng, không cần ai nhắc nhở, cũng thừa hiểu một khi đã rơi xuống, là chắc chắn sẽ chẳng có ai ở gần bên cạnh, dang kịp bàn tay ra để cứu lấy mình.
 
Nàng mở hai mắt thật lớn ngó lên trần nhà, ngậm ngùi thở dài.
 
Nhưng ngay sau đó nàng đã cố hết sức mình như để vớt vát chút hy vọng, nhủ thầm đấy chỉ là hằng ngày, là "ngoài đời", là thật. Người ta phải biết suy lường rõ ràng, phải cẩn thận tính toan. Phải xem có nên hay không nên lao vào chuyện mạo hiểm.
 
Nàng muốn kêu lên!
 
Nhưng đây là mơ. Trong mơ. Trong chiêm bao mộng mị, con người ta thường có thể bay vút lên. Cao ngất tới mây xanh. Con người ta có thể tự cứu được lấy mình. Con người ta có thể chắp đôi cánh chim ưng. Con người ta...
 
Nàng giật mình. Nhưng tại sao trong mơ mà con người ta vẫn không thể thoát nào khỏi cái tiếng động kkkhư kkkhư vẫn vang lên rất gần thế này. Một tiếng động. Không. Hàng ngàn tiếng động đi cùng với nhau mới đúng. Kkkhư… Kkkhư…
*
Nàng cựa mình. Nghẹn tức ngực. Tôi ơi, tôi ơi. Vậy thì tôi phải làm như thế nào đây chứ. Phải zurueck bleiben. Hay sao? Phải lùi lại, lùi lại! Hay sao?
 
Nàng nghẹn ngào. Muốn khóc. Trong mơ, mà cũng phải lùi lại, chứ còn biết làm sao nữa bây giờ!
 
 
Hoàng Nga
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com