Mùa Xuân Bên Cửa Sổ – Tranh (minh họa): Bảo Huân
1.-
Bà Lam đưa bạn ra cửa vừa lúc chiếc xe màu tím bạc ghé sát lề. An Nhiên bước xuống, lễ phép cúi đầu:
- Con chào bác. Bác có khỏe không?
- Cám ơn con, bác khỏe lắm. Khỏe mới lái xe đến đây thăm má con được. À! nghe Julie nói con định mua nhà trong khu nó đang ở phải không?
- Dạ, hôm trước tụi con đến nhà Julie dự tiệc tân gia, anh Tân khen khu nhà khang trang, yên tĩnh nên chồng của Julie cho biết gần đó còn vài căn nhà mới chưa bán và rủ tụi con về ở gần cho vui.
- Con có thích không?
- Dạ, thích chứ. Nhà với thiết kế sang trọng, đẹp mắt…
An Nhiên đưa tay vén những sợi tóc lòa xòa trên trán rồi nhìn bà Lam, tươi cười:
- Nếu má nhìn thấy chắc cũng phải mê.
- Thế thì phải quyết định nhanh lên, không thì người khác mua mất. Hai đứa ở gần nhau bác mừng lắm.
Khách vừa đi hai má con vội vã quay vào nhà. An Nhiên lăng xăng bày biện chén dĩa, chuẩn bị cơm chiều. Suốt bữa, An Nhiên tíu tít kể hết chuyện này đến chuyện kia. Tân thỉnh thoảng góp lời với tiếng cười ròn rã nhưng khi An Nhiên đề cập đến chuyện nhà mới thì Tân giơ tay ngăn lại:
- Em nói nhiều quá, tai anh lùng bùng rồi, “stop” là vừa.
An Nhiên quay sang bà Lam. Với dáng vẻ vô tư, cô con dâu nũng nịu:
- Má xem, anh Tân ăn hiếp con kìa.
Bà Lam đứng lên, cười hiền từ:
- Má mệt rồi chẳng muốn làm trọng tài đâu. Hai đứa cứ tự do đấu đá nhau.
Tân nhìn theo. Nụ cười kém tươi của bà Lam không qua được đôi mắt tinh tế của cậu con trai hiếu thảo.
2.-
Bước vào phòng ăn, nhìn quanh không thấy bà Lam, Tân khẽ hỏi:
- Má đâu?
An Nhiên vừa so đũa, vừa trả lời:
- Chiều nay má ăn cơm ở nhà bác Quyên và sẽ ngủ lại bên ấy.
Tân ngạc nhiên:
- Ủa, từ xưa đến nay đâu bao giờ má ngủ xa nhà. Có chuyện gì sao?
An Nhiên gắp miếng thịt chiên bỏ vào chén Tân:
- Chuyện xưa… xưa rồi Diễm. Hồi đó có ba, nay chỉ còn một mình thì má cũng nên hưởng thú vui gặp bạn bè để thầm thì “tâm sự loài chim biển”, nhất là khi có chuyện buồn.
Tân thấp thỏm:
- Buồn chuyện gì?
Thái độ của Tân khiến An Nhiên phì cười:
- Đó chỉ là ví dụ thôi, chứ em thấy má và các bác gặp nhau vui lắm. Em đã từng ao ước sau này khi lớn tuổi, con cái không thể gần gũi mình nữa thì em sẽ có được những người bạn như má. Anh biết nhóm bạn của má gặp nhau làm gì không? Các bác mở “you tube” cùng học anh văn để cải thiện trí nhớ, cùng học nấu ăn để khoe tài làm bếp, cùng xem các “clip” chỉ dẫn tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. Điều hay nhất mà em nhìn thấy là các bác không xì xầm chuyện người khác, không rủ nhau đi “shopping” hay đi đánh bạc. Thỉnh thoảng, các bác kéo nhau đến “casino” nhưng chỉ để xem ca nhạc. Đã có lần má nhờ làm tài xế nên em mới biết nhóm bạn này dễ thương như thế nào.
Tân gật gù:
- Giờ thì anh hiểu vì sao má thường nói “Má ao ước được sống ở đây đến hết đời. Vừa gần chùa và nhà thờ, lại vừa gần chợ và trung tâm sinh hoạt cao niên. Nhất là dễ dàng liên lạc với những người bạn tốt. Cứ “A lô” một tiếng là có mặt ngay tức thì không phải chạy đi xa.
- Nhưng khu nhà này đã cũ rồi…
An Nhiên chưa dứt lời thì có chuông điện thoại reo inh ỏi. Tân búng khẽ lên mũi vợ rồi bước lên cầu thang, thở phào nhẹ nhõm. Cả tháng nay, sau khi đến nhà của Julie, An Nhiên cứ ao ước rồi òn ỉ, thuyết phục Tân đổi nhà mới. Đây cũng là chuyện bình thường vì hai vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện ước muốn này nhưng làm sao An Nhiên hiểu được những băn khoăn trong lòng Tân!.
3.-
- Ái chà! ai mà xinh thế này?
An Nhiên đứng dậy, dang tay ôm choàng bà chủ quán.
- Lâu lắm con mới gặp lại bác. Bác vẫn đẹp như xưa.
Với nụ cười hài lòng, bà nghiêng đầu ngắm An Nhiên rồi nói bằng giọng trách móc:
- Hừ! lấy chồng xong là biệt tích luôn. Hạnh phúc quá nên chỉ lo vui với chồng mà quên mất mẹ.
- Bác nói oan cho con, vì bận công việc nên con…
Vỗ nhẹ lên vai An Nhiên, bà nháy mắt với bà Khiêm:
– Mày với Tịnh Thư nhà bác có khác gì nhau. Hai bà già này biết tỏng chúng mày rồi cần gì đính chính. Sao! lần này về đây ăn Tết với mẹ phải không?
An Nhiên ngập ngừng:
- Dạ… cũng… chưa chắc… nhưng điều chắc chắn là con sẽ được thưởng thức món bánh chưng, dưa món độc đáo có một không hai của bác. Lâu rồi con không được ăn, nhớ ơi là nhớ. Chuyến này con phải mua thật nhiều để đem về nhà ăn tết và sẽ để dành ăn suốt năm luôn cho đã thèm.
- Ha!ha! con bé này giờ cũng môi miếng gớm. Thôi, hai mẹ chọn món ăn đi nhé, bác phải vào bếp đây.
An Nhiên vừa lấy khăn giấy lau muỗng, đũa vừa đảo mắt nhìn quanh cái quán ăn nho nhỏ, đơn sơ, nơi đã gắn liền với tuổi thơ của mình.
- Con nhớ, hồi đó cứ khi nào bố có công việc phải đi xa thì hai mẹ con mình lại đến đây. Bố vắng nhà bao nhiêu ngày là từng ấy ngày mẹ khỏi phải nấu ăn, mình tha hồ đi “shopping”, xem phim, đến nỗi bố thắc mắc, sao cứ mỗi lần bố đi xa về là thấy hai mẹ con tròn trĩnh hơn, tươi tắn hơn. Vui ghê hở mẹ?
- Ừ, vui nhất là đến bây giờ cái bí mật này chưa hề bị bật mí.
Sau bữa ăn trưa với những món ngon quen thuộc trở về nhà, dù đôi mắt đã nhíp lại nhưng An Nhiên chưa vội vào phòng mà cố lò dò bật điện thoại tìm tin nhắn. Vẫn những dòng chữ mang nội dung giống hệt ngày hôm qua, hôm kia “Mong em khỏe. Nhớ em nhiều”. Người gì mà kiệm lời, An Nhiên lẩm bẩm một mình rồi đặt ngón tay lên màn hình “Không khỏe. Không nhớ. Ghét!!!”. Chẳng thể hình dung được nét mặt của Tân ra sao nhưng An Nhiên cảm thấy “đã” giận khi gõ chữ cuối cùng.
Buổi tối, bố vào phòng sớm còn An Nhiên và mẹ kéo nhau ra vườn sau. Trên chiếc bàn con, dưới ánh sáng dịu dàng của ngọn đèn nhỏ cùng mùi hoa dạ lý thoang thoảng, hai mẹ con đắm mình trong tiếng nhạc. Cả không gian tươi mát như rót từng giọt hạnh phúc xuống hai mái tóc, một già một trẻ đang tựa vào nhau.
- Cám ơn mẹ đã cho con một ngày tuyệt vời. Đến giờ này, trong lòng con vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi khi bước vào ngôi trường cũ. Kỷ niệm như ùa về, con nhớ bạn bè quá, nhất là Alice với mái tóc vàng, cặp mắt xanh biếc và Tom, thằng con trai mập lù hay bị con mắng nhiếc mỗi khi tìm con xin chuối “ăn để trị bệnh đau bắp chân” như nó thường diễn tả bằng bộ mặt thảm não. Mẹ có nhớ bọn nó không?
- Có phải hai đứa thường xin đến nhà mình ăn Tết để được bao lì xì của bố không?
- Vâng, tụi nó đó mẹ. Ra trường, lên Đại Học mỗi đứa đi một nơi dần dần mất liên lạc luôn. Ước gì được gặp lại bạn cũ, rủ nhau về trường xưa để nhắc nhớ những ngày vui vẻ hồn nhiên của tuổi học trò.
- Không ngờ con gái mẹ lại thuộc tuýp người hoài cổ.
Rồi bà đổi giọng ngọt ngào:
- Con luôn sống với kỷ niệm, còn má chồng con lúc nào cũng lưu luyến quá khứ. Sao hai người giống nhau thế. Mẹ mừng vì con có má chồng rất tốt. Lúc con hư thai, bà lo cho con tỉ mỉ, chu đáo như ngày xưa bà ngoại lo cho mẹ khi sinh con. Mẹ rất biết ơn bà và con cũng đừng quên điều đó. Bây giờ, bà đã lớn tuổi. Đời con còn rất dài nhưng bà thì chẳng còn bao lâu, nếu có thể làm điều gì cho bà vui thì con nên làm.
An Nhiên ngước nhìn mẹ với ánh mắt dò hỏi. Bà Khiêm cười nhẹ:
- Con có thể giấu được mẹ sao? Tự dưng con về một mình rồi còn bảo mẹ phải nói dối là đang bệnh và cần con ở lại đây để chăm sóc. Mẹ biết có chuyện không ổn nhưng con không nói nên mẹ không hỏi.
- Và… mẹ đã hỏi Tân, phải không?
Bà Khiêm gật đầu. An Nhiên vùng vằng:
- Mẹ… kỳ thật!
- Con mới kỳ. Chỉ vì bất đồng ý kiến về việc mua nhà mà lại đùng đùng bỏ đi. May mắn cho mẹ là con còn biết xin phép má chồng để mẹ không bị mang tiếng không biết dạy con và may mắn cho con là Tân đã tế nhị và khéo léo che giấu sự nông nổi của con để tình cảm mẹ chồng, nàng dâu vốn đã tốt đẹp bấy lâu nay không bị sứt mẻ. Chuyện gia đình con mẹ không xen vào nhưng chỉ mong con biết đặt mình vào vị trí của Tân, đứa con trai hiểu thấu được suy nghĩ của má mình. Con thử đem niềm mong ước của má chồng đặt vào tâm tình của con thì con sẽ thông cảm và hiểu thấu được vì sao Tân không ủng hộ quyết định của con.
Trước khi bước vào nhà, bà Khiêm vuốt tóc An Nhiên khẽ nói:
- Mẹ muốn chia sẻ với con một ý tưởng rất hay vừa đọc được “Điều quan trọng không phải là chúng ta có gì trong đời mà là chúng ta có ai trong đời” (*). Chúc con ngủ ngon.
Thả tầm mắt vào khoảng trống mênh mông, An Nhiên nhớ lại những gì đã xảy ra tối hôm đó trên đường trở về từ nhà của Julie.
Với sự háo hức, An Nhiên kể cho Tân nghe những dự tính của mình về cách trang trí nội thất thật mới mẻ và đẹp mắt mà cô đã say mê tìm tòi, học hỏi trên mạng để chuẩn bị cho căn nhà trong tương lai. Với ý nghĩ “Không bao lâu nữa mình sẽ có cơ hội thực hiện”, An Nhiên cảm thấy niềm hân hoan dường như tràn ngập cõi lòng khi quay sang hỏi Tân bằng giọng phấn khởi:
- Anh có tưởng tượng ra nó đẹp như thế nào không?
- …
- Ủa, sao chẳng nghe anh có ý kiến gì cả hay là anh không thích căn nhà đó?
Tân thở dài:
- Nhà mới ai mà chẳng thích. Nhưng em có biết má rất yêu căn nhà ba đã để lại với biết bao kỷ niệm vui buồn không? Má là người gắn liền với quá khứ nên mình sẽ trở nên vô tâm khi tách rời má ra khỏi kỷ niệm. Má đã vất vả, hy sinh để cho anh có đủ điều kiện đạt được ước mơ của thời tuổi trẻ. Bây giờ, anh cũng muốn đem đến cho má một cuộc sống an nhàn, vui vẻ ở nơi chốn má đã từng gắn bó. Cho nên… anh nghĩ… mình tạm thời gác lại ý định này.
An Nhiên bất mãn:
- Thế sao từ đầu anh không nói rõ là anh không muốn để em đừng vẽ vời, toan tính. Giờ bạn bè trong hãng ai cũng nghĩ em sắp mua nhà mới. Anh làm cho em bỗng trở thành một người khoe khoang khoác lác, chỉ nổ để sướng miệng chứ thực chất khả năng chẳng bằng ai. Em biết giấu mặt ở đâu cho đỡ xấu hổ đây?
Tân gãi đầu, nhăn nhó:
- Thì em cứ giải thích với họ như những gì anh vừa trình bày với em.
An Nhiên gạt phắt đi:
- Em không muốn bạn bè nghĩ rằng trong căn nhà này em là một cái bóng mờ, chỉ biết cúi đầu vâng dạ chứ không có tiếng nói.
Tân cười thành tiếng:
- Trời! nhà mình mà không có tiếng nói của em thì buồn chết.
Rồi bằng giọng nhẹ nhàng, Tân tiếp lời:
- Đừng làm khó anh. Anh biết em thương má, lúc nào cũng muốn cho má vui và em cũng sẵn lòng giúp anh làm tròn chữ hiếu, phải không?.
- Nếu em nói không thì sao? Bỏ nhà nhỏ để mua nhà to hơn, đẹp hơn là để chứng minh sự thành công của mình chứ đâu có gì sai. Có thể, mới đầu má buồn nhưng rồi má sẽ quen. Nếu má không đồng ý thì…
Tân nghiêm mặt:
- Đừng nói với anh hãy để má ở lại trong căn nhà cũ. Anh nói một lần nữa…
An Nhiên cao giọng, cướp lời Tân:
- Em cũng nói với anh một lần nữa, em vất vả kiếm tiền là để tận hưởng những tiện nghi vật chất mà em yêu thích trong khả năng của mình và căn nhà đó là ước mơ lớn nhất của em bây giờ. Anh không có quyền phá vỡ mơ ước của em.
Câu nói cứng rắn ấy là một lời khiêu chiến, nên ngày hôm sau An Nhiên xin phép má chồng về thăm mẹ với lý do chính đáng nhưng không đúng sự thật “Mẹ con bệnh bất ngờ”” cũng là một cách chứng minh với Tân sự quyết tâm của mình.
4.-
Một ngày đã trôi qua với nhiều niềm vui nhưng cũng không ít băn khoăn sau cuộc trò chuyện với mẹ. Khi An Nhiên khép nhẹ đôi mắt, cố loại bỏ những ý nghĩ không vui ra khỏi đầu óc cũng là lúc cơn buồn ngủ kéo đến. Bước vào phòng, thả mình xuống giường, kéo chiếc chăn êm lên tận ngực, An Nhiên tưởng mình sẽ chìm vào giấc ngủ rất nhanh, nhưng không biết từ đâu cái cảm giác nao nao lại lăn tăn trong hồn dẫn cô trôi về quá khứ. Cái quá khứ không xa lắm nhưng rất tươi đẹp và ngập tràn hạnh phúc vẫn còn đọng lại và đậm nét trong căn phòng xinh xắn với màu tường vôi do An Nhiên chọn rồi tự mình sơn phết, với cả những chòm sao dán đầy trên trần nhà, tạo thành những đốm sáng thật đẹp trong đêm tối, mang đến cho cô những giấc mơ đẹp. Chiếc ghế nệm màu vàng đậm và chiếc bàn con nâu nâu bên cạnh cửa sổ, nơi An Nhiên thường ngồi ngắm từng hạt mưa rơi tí tách trong những ngày trời bước sang thu. Tủ áo với khung kính tròn trĩnh, trên đó dán đầy những hình ảnh là chỗ An Nhiên điệu đà soi dáng trước khi bước ra đường với trang phục trẻ trung, nhí nhảnh.
Ngay phút giây này An Nhiên cảm thấy hình ảnh căn phòng -cái thế giới bé nhỏ đáng yêu- chưa bao giờ bị lãng quên trong tâm trí của mình. Và cũng chính trong khoảnh khắc ngắn ngủi này An Nhiên mới thấm thía lời nói của mẹ “đem niềm mong ước của má chồng đặt vào tâm tình của con”. An Nhiên ngồi bật dậy, hồi hộp mở điện thoại với hy vọng sẽ có dòng tin nhắn ngọt ngào của “ai đó” để cô có thể dẹp bỏ tự ái và nhẹ nhàng gửi lời xin lỗi.
5.-
An Nhiên cởi bỏ bao tay, nhìn thành tích của mình qua căn phòng còn tươi rói màu sơn thanh nhã một cách thích thú. Bà Lam hân hoan giơ cao điện thoại đi quanh phòng.
- Đẹp quá! má phải quay hình để gửi cho Tân. Chắc Tân cũng không tin đây là phòng khách nhà mình. Chỉ thay đổi vị trí đồ đạc, tranh ảnh mà tất cả như được đổi mới. Con dâu của má giỏi quá.
An Nhiên ngã người ra sau cười sung sướng. Niềm sung sướng dâng cao không phải vì tài trang trí vốn đã có từ bé mà vì niềm vui An nhiên mang đến cho má chồng. “Điều quan trọng không phải là chúng ta có gì trong đời mà là chúng ta có ai trong đời”, câu nói này của mẹ đã khiến An Nhiên suy nghĩ nhiều. Đúng lúc đó lại có tin nhắn tin của Tân “Má đã đoán biết mọi chuyện và bảo anh phải chiều ý em nên anh không dám cãi lời má. Em thu xếp về sớm, vì anh đang “Một mình thẩn thẩn, thờ thờ. Một mình ngẩn ngẩn ngơ ngơ nhớ nàng” (*). An Nhiên trề môi, lẩm bẩm “Già đầu rồi mà cái gì cũng má, còn dám ‘cóp bi’ thơ của người khác nữa chứ”, nhưng nước mắt lại rơi xuống, thấm ướt cả đôi môi đang rạng rỡ nụ cười. Thế là vé máy bay được đổi ngày ngay buổi sáng hôm sau. Vòng tay ôm xiết với đôi mắt đẫm lệ của má chồng khi cánh cửa bật mở khiến An Nhiên vui mừng trong niềm xúc động vì quyết định sáng suốt và đúng lúc của mình.
Bữa cơm sum họp đã diễn ra thật vui vẻ trong căn nhà mà khi còn ngồi trên phi cơ, An Nhiên đã nghĩ đến chuyện tân trang lại vài chỗ, vì đó sẽ là nơi trú ẩn ấm áp, dài hạn cho cả ba người.
Trưa hôm sau, trước khi lên đường theo nhóm Tình Thương của Hội Y Sĩ để làm công tác thiện nguyện một tuần, Tân đã ôm An Nhiên rất lâu trong vòng tay âu yếm:
- Em có biết là anh yêu em đến chừng nào không, nhưng làm buồn lòng má cũng là điều anh không muốn. Cám ơn em đã hiểu và giúp anh làm tròn lời hứa với ba trước khi nhắm mắt là sẽ yêu thương, chăm sóc và mang đến cho má một cuộc sống an vui trong quãng đời còn lại.
Tiếng chuông nhạc lôi An Nhiên về thực tế. Vói tay lấy điện thoại, cô áp tai nghe rồi reo lên trong sự ngạc nhiên:
- Có thật không mẹ?
Chưa nghe câu trả lời, An Nhiên đã quay sang má chồng:
- Má ơi, tuần sau bố mẹ con sẽ sang đây ăn tết với gia đình mình.
Bà Lam ồ lên thích thú:
- Vậy thì vui quá. Năm nay nhà mình ăn Tết lớn nha con.
Bỗng nhiên An Nhiên lại thắc mắc:
- Ủa! mẹ đã từng bảo, con không về thăm mẹ thì thôi, sao mẹ phải thăm con. Thế mà lần này… hình như có cái gì “sai sai” đấy mẹ.
Biết con gái đang giở giọng trêu ghẹo, bà Khiêm buông giọng thong thả:
- Chẳng có gì sai sai, đúng đúng ở đây mà chỉ là tôi muốn được ngắm mùa xuân trong căn nhà cũ của cô thôi. Được chưa?
An Nhiên chào mẹ trong tiếng cười khúc khích. Tết chưa đến nhưng bà Lam nghe như có tiếng pháo vang vang trong niềm hạnh phúc ngọt ngào.
Ngân Bình