Người con lai có cha là gốc châu Phi với nét pha trộn nòi giống và màu da mới nhìn thật đẹp, vẻ đẹp sương gió của ngôi tượng cổ thời Cleopatre. Nhưng khi nói chuyện lâu thì những nét man dại hồn nhiên dần dần hóa thành thô thiển và vụng về của một lối ứng xử thường thấy qua các trẻ em đường phố, lông bông, thiếu học. Đó là vẻ thoạt nhìn về Amy, người khách hàng mà tôi được phân công thụ lý hồ sơ “trẻ con bị ngược đãi hay bỏ phế” (child abuse) của cơ quan Bảo Vệ Con Trẻ (Children’s Protective Services = viết tắt CPS) mà bất cứ tại địa phương thành phố hay quận hạt nào trong 50 tiểu bang của Mỹ đều có.
- Chú ơi! Cho con giữ bé bi trong bụng của con chú nhá!
Vừa bước vào “công viên vô gia cư” ngay giữa trung tâm thành phố Sacramento, nơi đây là chỗ tụ họp khá đông những thành phần tương đối trẻ ở trong cái lều vải đơn sơ dựng lên một cách bất chấp và ngang bướng tại một địa điểm du lịch nóng bỏng của thành phố thủ phủ tiểu bang California, tôi đã bị cô gái lai Mỹ-Á từ trong lều vải nhảy xổ ra ôm vai và kêu gào xin xỏ. Vâng, cô gái đó không xa lạ với tôi vì đây là lần thứ ba tôi “tác nghiệp” tới gặp cô…
Amy là một cô gái Mỹ lai, lý lịch cũng như tông tích của người cha không rõ. Mẹ là một phụ nữ Việt Nam. Theo lai lịch trong hồ sơ thì cha mẹ Amy đều đã chết hay mất tích. Amy được nhận làm con nuôi của một gia đình Việt Nam từ khi cô ta mới 3 tuổi, cha không được xác định là ai. Mẹ cho người khác làm con nuôi và hoàn toàn mất tin tức liên lạc. Khi có chương trình cho phép qua Mỹ định cư theo diện con lai Mỹ Á (Amerasian), nhờ có Amy là con lai mà tất cả 12 người trong gia đình cha Mẹ nuôi đều được phép “ăn theo” để định cư tại Hoa Kỳ.
Đến Mỹ, Amy được đi học mấy năm nhưng sau đó bỏ học và trốn nhà cha mẹ nuôi để sống lêu lổng với bạn bè ở những nơi dọc đường, hè phố. Ba năm trước, tôi được CPS phân công thụ lý điều tra và giải quyết hồ sơ của Amy Nguyen theo báo cáo của bệnh viện UCD với nội dung: Amy, 17 tuổi, mang bầu 7 tháng, nghiện hút xách các loại thuốc gây nghiện rất nặng làm cho đứa trẻ trong bào thai lâm nguy. Hồ sơ kết thúc với đề nghị là Amy, bà mẹ vị thành niên mang thai, cần phải được lập tức đưa vào viện “Drug Anonymous…” để cai nghiện và thai nhi đặt dưới sự kiểm soát và theo dõi thường xuyên của bác sĩ và bệnh viện. Tuy nhiên, trong thời gian nhập viện, Amy đã trốn nhiều lần để hút xách. Kết quả, sinh được một bé trai và lập tức bị “PC” – danh từ chuyên môn về việc đưa nạn nhân trẻ con vào nơi Canh giữ Bảo hộ (Protective Custody).
Năm sau, Amy lại có bầu sinh một bé gái nhưng cũng bị đem vào “PC”.
Bây giờ ở tuổi 21, Amy mang thai lần thứ ba, không biết cha của đứa bé là ai và cũng trong tình trạng nghiện ngập và biện pháp để chữa lành vết thương xã hội của xứ nầy vẫn lập lại như cũ.
Trước mắt mọi người, Amy ôm chầm lấy tôi, gào khóc nức nở và vừa réo lên bằng tiếng Việt và tiếng Anh chữ trúng chữ trật của dân hè phố:
- Chú ơi, chú ơi… cứu con với! Con mồ côi, con không có gia đình, nhà cửa, không có ai hết. Con đã mất hai đứa con rồi, chừ còn đứa nầy trong bụng mà mất nữa là con đâm đầu cho xe cán chết cả mẹ, cả con luôn. Cho con giữ đứa con trong bụng con lần nầy nhe chú… “Please, please uncle, don't move my kid out my tommy. Please help me. You take away my kid, I kill me self…”
Tuy cũng có chút “kinh nghiệm chiến trường” trong thế giới phức tạp Bảo vệ Con trẻ bị ngược đãi – Chương trình Ứng phó khẩn cấp (CPS-ER) của xã hội Mỹ nhưng lần nầy tôi bị xao xuyến và nao núng quá vì biết rằng mình đang trực tiếp giải quyết một ca CPS -ER nghiêm trọng liên quan đến tính mạng của cả hai người, người mẹ hè phố nghiện ngập và thai nhi trong bụng. Khả năng tồi tệ nhất có thể xảy ra là người mẹ có thể chết bất cứ lúc nào vì hút xách xì ke ma túy đủ loại, đủ kiểu, đủ cách quá đà và đứa con trong bụng cũng khó toàn mạng. Tôi liên lạc ngay với sếp Nick… gã supervisor đang trực ở trung tâm CPS-ER. Quyết định của Nick hợp với cách suy nghĩ của tôi, rằng là, phải đưa ngay người mẹ mang thai vào viện cai nghiện trị liệu. Và như thường lệ, tương tự như những ca ứng phó khẩn cấp trong công việc thường ngày của tôi, cảnh sát được gọi tới để hỗ trợ. Khi hai xe cứu thương và cảnh sát hú còi đỗ lại, Amy càng cố gào lên cầu cứu:
- Chú ơi, chú ơi! Cứu con với. Ở đây chỉ có chú và con là người Việt Nam biết nhau để cứu nhau thôi. Tụi Mỹ ác lắm, đã bắt hai đứa con của con đi hết rồi, giờ muốn bắt thêm đứa con trong bụng con lần nầy nữa. Con khổ quá, con chết mất… chết mất chú ơi!
Tiếng gào của người mẹ trẻ – cháu bé lai Amy – giữa lúc cảnh sát áp giải Amy lên xe chở về viện chữa trị theo đúng quy định khiến lòng tôi quặn lại. Đúng là trong thế giới giữa công viên Mỹ nầy chỉ có hai người Việt Nam, tôi là người thụ lý giải quyết sự việc theo nghiệp vụ và luật pháp; đồng thời, đối tượng đang cần được giúp đỡ là cháu bé Amy lạc loài bụng mang dạ chửa. Nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác trong lúc nầy ngoài nhiệm vụ bắt buộc là phải bảo đảm an toàn cho chính mình và cho đối tượng thân chủ hay khách hàng của mình trước đã.
Về nhà, qua một đêm trăn trở khó ngủ, hôm sau tôi vào văn phòng làm việc như thường lệ. Vai trò của người làm công việc như tôi là phải biết chạy đuổi theo mỗi hồ sơ mình thụ lý chỉ có ba bước: Giải quyết vấn đề theo tiêu chuẩn chuyên ngành và luật định, viết báo cáo, đưa ra giải pháp cụ thể, nộp lên cho cấp trên và đóng hồ sơ, phủi tay chờ ca tiếp.
Cả buổi sáng, tôi cứ mường tượng tiếng gào xin thảm thiết, khuôn mặt man dại và đầm đìa nước mắt của Amy rồi liên tưởng những đứa con gái của mình cùng lứa tuổi đang hưởng một nếp sống an vui và lành mạnh bởi may mắn có được một gia đình hạnh phúc.
Gia đình là một khái niệm và hình ảnh bình thường hầu như ai cũng có, nhất là đối với người Việt Nam. Nhưng trong xã hội Mỹ, hai trong ba đứa trẻ của những gia đình có hồ sơ mà tôi thụ lý là con của những cặp vợ chồng ly dị, gia đình đổ vỡ. Nền móng gia đình bị lung lay đến độ có người định nghĩa: “Gia đình là một đơn vị gồm có một người và một con chó hay một con mèo!”
Với trường hợp Amy, thân phận thê thảm là hậu quả tan tác của một gia đình trong chiến tranh. Bữa ăn trưa tôi chỉ uống một ly cà phê sao bỗng thấy no. Bởi áp lực công việc quá bận rộn với số hồ sơ càng ngày càng cao, nhiều lúc tôi phải làm việc như một cái máy để giải quyết những hướng đi cấp thời cho con người nên hệ quả đáp ứng thường đáp ứng sự chu toàn bề mặt cấp thời mà không tới được bề sâu lâu dài. Hồ sơ Amy kể như xong. Cả hai nạn nhân mẹ và con sẽ được đưa vào viện cai nghiện.
Qua trải nghiệm thực tế mà tôi đã đi qua trong nhiều năm thì khả năng người mẹ bỏ ma túy, được phép sinh con và giữ nuôi con tuy thực tế tỷ số thành công chưa tới 50%; nhưng sau đó là gì… thì vẫn là con đường thất bại của ngành phục vụ sức khỏe và con người (health and human services) trên tòan nước Mỹ. Hậu quả trực tiếp là số người mẹ độc thân nuôi con (single mom) dựa trên nguồn trợ cấp xã hội (welfare) tăng vọt trích ra từ đồng tiền đóng thuế mồ hôi nước mắt của người dân vẫn đang là nỗi trăn trở của toàn xã hội Hoa Kỳ. “Nghĩ lớn làm nhỏ” là thực tế giới hạn của tôi trước mắt để sống còn với việc làm công bộc của mình. Tôi đã ghi dấu “closed case” (hồ sơ hoàn tất) của Amy Nguyen và nộp cho xếp Nick, rồi phủi tay ca nầy, bắt tay vào ca khác.
Tôi đã bỏ thùng đóng hồ sơ rồi, nhưng cứ mường tượng đến khuôn mặt đau khổ của đứa con lai Việt Nam bất hạnh nhỏ hơn tuổi và trùng tên gọi với con gái của mình đang may mắn ngồi trên ghế Đại học Nha khoa UCLA tôi lại phân vân và nhớ câu thơ của Brad Hensley “Gia đình là phép lạ; chữa khỏi mọi niềm đau…” Và, chân mình như phép lạ, tôi nghĩ đến gia đình, rút lại hồ sơ Amy Nguyê và đi ngay tìm vào hệ thống máy điện toán thuộc hệ thống chính phủ ở tòa nhà information bên cạnh mà ngành chúng tôi được phép sử dụng để truy tìm hồ sơ, lai lịch của khách hàng. Nơi đây chỉ cần biết số an sinh xã hội là rất có thế tìm ra toàn bộ hồ sơ lý lịch của người nhập cư từ lúc vào làm thủ tục hải quan nhập cảnh đầu tiên đến thời điểm hiện tại. Tôi hơi hồi hộp với chút hy vọng và nỗi mệt mề của ngày qua còn đọng lại, đưa tên và số an sinh xã hội của Amy Nguyen mà tôi đang có trong tay vào máy và kích hoạt. Màn ảnh hiện lên nội dung hồ sơ chi tiết của cả gia đình 13 người. Một tiếng reo thầm lặng nhưng vỡ bờ dấy lên trong lòng tôi: Gia đình! Phải rồi chỉ có gia đình mới cứu được trường hợp đứa con lai lạc loài đang chao đảo vì bị nhiễm độc trong cô độc của một xã hội thực dụng và lý tính vật chất như Mỹ.
Tôi tìm xếp Nick và nói cần thêm thời gian để làm Case plan (giải quyết hồ sơ) cho trường hợp của Amy. Nick đồng ý và tôi đi ngay làm Home visit (tiếp xúc gia đình) theo địa chỉ có trong hồ sơ. Qua nhiều bước, mất gần nửa ngày chỉ qua chỉ lại, cuối cùng tôi cũng đến gặp được ông bà Nguyễn, cha mẹ nuôi của Amy. Gia đình ở trong một khu nhà sang trọng nổi tiếng nhất tại một thành phố lân cận.
Ông Bà Nguyễn đều đã già nhưng khi nghe nói đến con Mi Mi (Amy) cả hai ông bà như bị điện giật, vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ hiện lên hai khuôn mặt già nua, phôi pha mà nhân hậu. Bà Nguyễn khóc mừng kể lể rằng, cả nhà đều cố sức tìm tông tích của Amy lâu nay nhưng không tìm ra. Cả hai ông bà kể lại rằng, trước đây, ông bà đã có 5 con gái mà không có con trai để “nối dõi tông đường”. Họ đi tới nhiều am miếu, đình chùa nổi tiếng linh thiêng để cầu tự, cuối cùng được “ơn trên mách bảo” rằng, phải kiếm con nuôi mới mong có con trai. Gặp lúc có cô gái quê lên thành phố lánh nạn chiến tranh phải làm bồi phòng để sinh sống, rồi không may mang thai vô thừa nhận, sinh ra đứa con gái da đen bị mọi người ruồng rẫy, khinh khi và xua đuổi; cuối cùng, người đàn bà bất hạnh phải cho đứa con mới ba tháng tuổi. Gia đình ông bà Nguyễn không muốn nuôi con lai, nhất là bé Mỹ đen; nhưng vì thấy hoàn cảnh người mẹ quê mùa quá thương tâm nên đã cho người mẹ một số tiền và nhận nuôi đứa bé đặt tên là Mi Mi. Năm sau, ông bà Nguyễn may mắn sinh được con trai. Anh con trai cầu tự ra đời sau ngày Mi Mi thành con nuôi của gia đình là Dr. Bảo, người Việt trẻ tuổi thành công đang làm chủ một hệ thống y khoa tư nhân nổi tiếng. Bởi vậy, theo ông bà Nguyễn thì Mi Mi là một ân nhân của cả gia đình. Nhờ Mi Mi mà hai ông bà sinh được cậu con trai quý tử và cũng nhờ lai lịch Con Lai của Mi Mi mà cả đại gia đình được qua Mỹ định cư, con cháu có cơ hội học hành thành đạt và xây dựng được cuộc sống sung túc như ngày nay.
Thông tin nhanh như điện. Rõ ràng là cả nhà đều hết sức quan tâm và xúc động thật tình khi nghe tin đã tìm được Mi Mi đã bị thất lạc mấy năm qua. Với thân thế có đẳng cấp cao trong xã hội Hoa Kỳ, việc cả gia đình ông bà Nguyễn nhiệt tình mở rộng vòng tay và lòng thương yêu đầy ân nghĩa đối với Amy chỉ còn là thủ tục pháp lý trong tầm tay của họ để giúp cho Amy và các con sớm đoàn tụ gia đình.
Ba tháng sau, gặp chiều thứ Sáu cuối năm, sau giờ bãi sở, xếp Nick và tôi rủ nhau nhâm nhi cốc Red wine – Napa Valley ở Vine Valley như để tự chúc mừng mình về một ca làm việc chung thú vị “cay đắng mà ngọt ngào” nhất trong năm. Chúng tôi cùng trao đổi với nhau thư mời của gia đình ông bà Nguyễn về việc dự tiệc “Tất niên Gia đình Đoàn Tụ” và quyết định cùng đến tham dự.
***
Ngày hẹn đến, chúng tôi đi xe chung đến thăm nhà ông bà Nguyễn. Khu nhà vườn với sân bãi quá rộng, tôi và xếp Nick phải đậu xe xa ngoài phía cổng để đi bộ vào nhà. Vừa bước chân qua khỏi cổng lớn, một người mẹ trẻ tuổi dắt hai trẻ nhỏ xinh đẹp, đằng sau có người đẩy một chiếc xe nhỏ có trẻ sơ sinh, tất cả cùng vội vội, vàng vàng ùa chạy đến phía hai chúng tôi. Khi khoảng cách ngắn lại đủ để thấy mặt nhau, tôi nhận ra Amy. Người mẹ trẻ tuổi ôm chầm lấy tôi và hôn lên má tôi với tất cả tình cảm chân thành và sự hồn nhiên như đứa con gái ngoan hôn người cha lâu ngày gặp lại. Nhìn Amy nước mắt ràn rụa, nói với giọng thổn thức tôi không dấu được niềm xúc động dâng trào có cả tình người, tình đồng bào dân tộc, tình ân nghĩa giữa người chết đuối và kẻ cứu hộ được an toàn.
- Chú ơi con đây! Tụi con được gia đình đoàn tụ rồi. Cám ơn chú, cám ơn chú đã cứu con… Thank you, thank you with all my heart!
Và tiếp ngay sau đó là một màn giới thiệu, người mẹ trẻ sung sướng trong nước mắt, giới thiệu hai đứa bé gái xinh đẹp là hai đứa con đã bị chương trình Bảo Vệ Con Trẻ CPS-ER bắt đi hai năm trước cùng đứa bé trai trong xe đẩy là bé trai vừa được 3 tháng tuổi. Nay tất cả ba mẹ con đã được gia đình bảo lãnh trở về đoàn tụ chung một mái nhà.
Thật khó nói hết những nỗi xúc động đầy ý nghĩa tình người của đám người tíu tít thăm gặp, hỏi han nhau.
Ngôi nhà sang trọng và khu vườn tươi mát đầy bóng cây Bonsai được cắt tỉa rất nghệ thuật với những bàn tiệc được bày biện khéo léo làm tăng thêm vẻ ấm cúng và trang trọng của một buổi tiệc gia đình. Chúng tôi được cả đại gia đình đón tiếp với cung cách thượng khách nhưng ấm áp nhiệt tình. Buổi tiệc kéo dài trong không khí gia đình trìu mến.
Trong phần chuyện trò thân mật với gia đình, ông bà Nguyễn cũng như nhiều thành viên khác cùng nhà vẫn băn khoăn với nỗi thắc mắc là tại sao nhân viên xã hội lại có quyền bắt trẻ con ra khỏi nhà hay cụ thể nhất là trường hợp hai đứa con của Amy đã được quyết định đưa ra khỏi quyền làm mẹ ngay từ khi chưa sinh. Nick thay tôi, giải thích cho những người lớn trong gia đình ông bà Nguyễn những nét căn bản về chương trình bảo vệ trẻ em của toàn đất nước Hoa Kỳ như sau:
Luật pháp và xã hội Mỹ coi việc bảo vệ trẻ em từ lúc thai nhi đến 18 tuổi là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội. Cha mẹ hoặc người giám hộ bỏ bê việc nuôi dạy con cái và ngược đãi trẻ con là tội phạm ở mức độ tiểu hình (misdemeanor) hay đại hình (felony).
Bởi vậy, tại Mỹ câu nói mang tính chất hờn dỗi, bất chấp của cha mẹ hay người có trách nhiệm nuôi dạy con cháu từ khi mang thai đến 18 tuổi, đại khái như “nó hư lắm, tôi nuôi nó không nổi, ai muốn nuôi nó thì cứ mang đi”, hình như không có lý do tồn tại trong xã hội Hoa Kỳ. Trẻ em vị thành niên đến tuổi luật định mà không được đi học hay bị bệnh tật không được chữa trị, ăn uống thiếu dinh dưỡng… nếu có báo cáo của bất cứ ai hay các người báo cáo theo sự quy định bắt buộc của pháp luật (mandatory reporter) như thầy giáo, bác sĩ, tu sĩ, luật sư, quan chức nhà nước… thì đứa trẻ bị ngược đãi (abused child) sẽ lập tức trở thành đối tượng điều tra khẩn cấp trong vòng 2 giờ bởi cảnh sát hay nhân viên CPS trong chương trình ứng phó khẩn cấp (Emergency Response = Viết tắt CPS – ER) như tôi đang làm. Ngay sau đó, tùy mức độ “bị ngược đãi” để thụ lý hồ sơ và ứng xử như lập tức đưa đứa trẻ đó vào Trung Tâm Bảo Vệ (receiving home) và đề nghị khả năng giải quyết nội vụ có thể áp dụng vào một trong ba biện pháp: Đưa đứa trẻ hay tất cả các con trẻ trong cùng một gia đình, có cha mẹ hay người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng ra khỏi gia đình và gửi vào trung tâm nuôi trẻ của chính phủ nếu trong quá trình điều ta có bằng chứng rõ ràng như xâm phạm tình dục (sexual abuse), đánh đập (physical abuse), khủng bố tinh thần (mental abuse), bỏ rơi (neglect)… Nếu ở mức độ nhẹ hơn thì sẽ theo dõi điều tra trong vòng 7 ngày và tùy theo bằng chứng cùng sự kiện tìm ra để cho đứa trẻ hay đám trẻ bị bắt được trở về đoàn tụ với gia đình (family reunification) hoặc dàn xếp cho gia đình khác nuôi dưỡng hay làm con nuôi (adoption). Đã có không ít những gia đình người Việt mới qua Mỹ định cư mất con, gia đình ly tán vì cha mẹ hay người giám hộ chưa hiểu hết luật bảo vệ con người của xứ nầy rất khác với tập quán và văn hóa gốc của xứ họ.
Trên đường về, Nick nói với tôi mà như nói với chính mình: “Phần thưởng trong việc làm CPS-ER của bọn mình thật hiếm hoi. Người cứu hộ khẩn cấp cũng như người lính trên chiến trường, chỉ thấy toàn khói lửa. Nhưng khi sóng yên biển lặng thì chẳng còn ai nhớ những chiến sĩ vô danh.” Tôi cười buồn mà vui: “Cái huy chương có ý nghĩa nhất là niềm vui thầm lặng trong lòng mình.” Qua Mỹ, tôi đã làm việc trong chương trình CPS-ER nầy của County Sacramento song song với việc dạy học ở các trường Cao đẳng và Đại học. Nếu ghi lại chuyện vui buồn của công việc nầy trong suốt 19 năm e sẽ thành cuốn “bách khoa toàn tập” của một thế giới tình cảm hỗn độn giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, thành viên gia đình vốn không phải là một dòng chảy êm đềm mà là một suối nguồn đầy sóng gió. Qua Mỹ là bước sang một thế giới khác; vẫn là thế giới con người nhưng não trạng và tâm hồn phải chuyển đổi và hội nhập cho hài hòa điệu sống có người mà cũng có ta và ngược lại.
Trần Kiêm Đoàn
(Trích trong tập ký sự Qua Mỹ sắp xuất bản)