Vấn đề an toàn hàng không liên quan kỹ thuật 5G đang được tranh luận gay gắt (ảnh: John McArthur/Unsplash)
Covid-19 đã thay đổi đáng kể kỹ nghệ hàng không và từ đầu năm tới, có thể còn nhiều thay đổi hơn. Những thay đổi mới có thể khiến nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc phải chuyển hướng, ảnh hưởng đến hàng chục triệu hành khách và hàng trăm nghìn chuyến bay. Tất cả bắt nguồn từ cuộc chiến “nặng mùi chính trị” liên quan đến 5G, một công nghệ dịch vụ di động thế hệ tiếp theo, đã bắt đầu được hỗ trợ trong các đời điện thoại thông minh mới nhất.
Những mối quan tâm chính đáng
Các nhà quản lý giao thông vận tải lo ngại rằng phiên bản 5G được các nhà mạng kích hoạt vào Tháng Giêng 2022 có thể ảnh hưởng đến một số thiết bị máy bay. Nhiều tổ chức hàng không cũng chia sẻ lo ngại đó dù các cơ quan quản lý viễn thông liên bang và các nhà cung cấp dịch vụ không dây cố gắng trấn an họ. Cụ thể, Cục Hàng không Liên bang (Federal Aviation Administration-FAA) sợ các antenna di động 5G gần một số sân bay (không phải thiết bị di động của khách hàng) sẽ làm mất các hiển thị từ một số thiết bị trên máy bay.
Những máy đo độ cao radar (altimeter) sử dụng trong suốt chuyến bay được xem là thiết bị quan trọng. Máy đo độ cao radar khác với máy đo độ cao tiêu chuẩn ở chỗ nó dựa vào kết quả đo áp suất không khí chứ không dựa vào tín hiệu vô tuyến (radio) để đo độ cao. FAA lo lắng đến nỗi, trong Tháng Mười Hai, họ đã ban hành một lệnh khẩn cấp “cấm phi công sử dụng thiết bị đo độ cao dùng áp suất xung quanh sân bay”. Quy định mới này có thể ngăn máy bay đến một số phi trường mà phi công không thể hạ cánh an toàn bằng thiết bị đo độ cao khác mà không dùng altimeter. Hiện chưa rõ quy định mới sẽ ảnh hưởng đến những phi trường nào.
Lúc ban hành qui định, FAA cho biết sẽ lên danh sách các sân bay bị ảnh hưởng sau khi có thêm thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ không dây về vị trí đặt cơ sở hạ tầng (trạm) 5G. Theo dự kiến, ngày 5 Tháng Một 2022 các nhà mạng không dây sẽ kích hoạt dịch vụ 5G trên các tần số vô tuyến (radio frequencies) mà FAA đang lo lắng. Theo bản đồ triển khai dịch vụ 5G của Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission-FCC), các khu vực lớn như California, Florida, New England, Texas và miền Trung Tây sẽ được phủ sóng 5G trước. Nhưng các tổ chức hàng không cảnh báo “5G có thể gây nguy hiểm cho một số sân bay lớn nhất của quốc gia, bao gồm cả Los Angeles, New York và Houston”. Mâu thuẫn hé lộ: FCC muốn triển khai nhanh 5G, FAA muốn thẩm tra kỹ. Kỹ nghệ hàng không và ngành viễn thông chưa tìm được tiếng nói chung.
Tháp 5G của Verizon tại Orem, Utah (ảnh: George Frey/Getty Images)
Tín hiệu 5G sẽ truyền qua các tần số vô tuyến được gọi chung là C-Band. Dải sóng (band of airwave) này hấp dẫn các nhà cung cấp dịch vụ không dây vì nó tạo sự cân bằng tốt giữa “phạm vi phủ sóng di động” (cellular range) và “khả năng phủ sóng” (capacity), hai tính năng then chốt của bất kỳ mạng không dây nào (các dải sóng khác cũng được sử dụng cho mạng 5G nhưng cuộc tranh luận hiện tại chỉ tập trung vào C-Band).
Trên phổ tần số vô tuyến (spectrum of radio frequencies) được sử dụng cho liên lạc không dây, C-Band nằm sát bên cạnh dải tần sử dụng cho máy đo độ cao của máy bay. Hai dải tần này được tách ra bởi cái gọi là “vách bảo vệ” (một vùng sóng trống) để chống nhiễu vào nhau. Nhằm ngăn ngừa bất kỳ rủi ro nào cho máy bay, Tháng Mười Một 2021, Verizon và AT&T (tập đoàn sở hữu WarnerMedia) thông báo sẽ hạn chế sức mạnh antenna 5G của họ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khác (trước đó, hai công ty cũng đồng ý hoãn kích hoạt 5G từ ngày 5 Tháng Mười Hai 2021 sang ngày 5 Tháng Một 2022).
Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ xoa dịu mối quan ngại của FAA, nơi “danh sách sân bay ban hành vào giờ thứ 11” sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đến kỹ nghệ hàng không. Cách nay một tuần, giám đốc điều hành của hai tập đoàn Boeing và Airbus đã viết thư gửi Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, trong đó cảnh báo: “Sự can thiệp của 5G có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng hoạt động an toàn của máy bay”.
Bức thư trích dẫn một ước tính được công bố bởi tổ chức hàng không Airlines for America cho thấy “Các hạn chế mới của FAA sẽ làm gián đoạn 345,000 chuyến bay chở khách, 32 triệu hành khách và 5,400 chuyến bay chở hàng” (FAA ước tính có 6,800 máy bay Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi qui định mới cùng với 1,800 máy bay trực thăng). Đã có nhiều chần chừ về 5G vì lo sợ rủi ro an toàn hàng không, một vấn đề mà FCC đã dành nhiều năm nghiên cứu trước khi giao C-Band cho 5G trong một quyết định đưa ra vào năm ngoái. Trong một thư ngỏ vừa gửi FCC, Liên minh kỹ nghệ hàng không nhấn mạnh: “Ngoài những thay đổi tự đề xuất, các nhà mạng không dây cần phải làm nhiều hơn nữa, chẳng hạn giảm mức năng lượng 5G (5G power level) và phải chắc chắn là các antenna đều được hướng xuống dưới đường chân trời”.
5G ở các quốc gia khác
Các chuyên gia công nghệ nói rằng mặc dù antenna 5G về mặt lý thuyết có thể dẫn đến nhiễu sóng xung quanh sân bay, nhưng khả năng gây nhiễu là hiện tượng luôn có ở tất cả phương tiện truyền thông không dây chứ không chỉ 5G. “Cho đến nay các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới đã xử lý rất tốt vấn đề này” – ông Harold Feld, chuyên gia viễn thông tại tổ chức người tiêu dùng Public Knowledge, đã viết như thế trong một bài đăng trên blog cá nhân vào Tháng Mười Một – “Nhật Bản hiện đang vận hành các mạng 5G gần với dải tần đo độ cao hơn nhiều so với dải phân cách 220 MHz được FCC thông qua. Nhưng cho đến nay, chưa có báo cáo nào tại Nhật về bất kỳ sự can thiệp có hại nào của máy đo độ cao. Theo tôi, chắc chắn FCC đã mắc sai lầm trong vấn đề này. Các cơ quan quản lý hàng không ở 40 quốc gia khác nhau chưa có động thái nào như FCC”.
Trong thực tế, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc vận hành 5G chỉ ở một phần nhỏ mức năng lượng cho phép ở Mỹ. Canada có quy định tạm thời yêu cầu antenna phải nghiêng xuống. Còn ở châu Âu, dải tần bảo vệ phải rộng hơn 100 megahertz. Tuy nhiên, các quốc gia như Nhật Bản chỉ áp đặt giới hạn nguồn điện đối với những tần số mà Mỹ không có kế hoạch sử dụng cho 5G. Đến năm 2023, khi 5G được triển khai đầy đủ hơn trong C-Band, sẽ có nhiều phổ trống (blank) hơn so với chỉ có dải bảo vệ tách lưu lượng di động khỏi các hoạt động của máy đo độ cao (tổng cộng là 400 MHz) như FCC qui định hiện nay. Khi đó mọi người sẽ có nhiều thời gian hơn để đánh giá mọi rủi ro trong thế giới thực và cách thích ứng.
Hành khách đi máy bay có nên quá lo lắng?
Vậy bên nào đúng? Và những người đi máy bay có cần phải lo lắng không? Harold Feld viết: “Các kỹ sư đưa ra quyết định về quang phổ của FCC là những người rất hiểu rằng nếu họ sai nhiều người có thể chết! Mâu thuẫn giữa FAA và FCC ít liên quan đến mối nguy hiểm thực tế đối với an toàn công cộng hơn là kiểu đấu tranh quyền lực quan liêu ngày càng trở nên phổ biến trong chính phủ liên bang” (về phần mình, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã dè dặt về 5G trong hơn một năm).
FAA không phải là cơ quan duy nhất đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về khả năng gây nhiễu từ những thay đổi trong cách nước Mỹ sử dụng sóng không dây của mình. Năm 2019, Ngũ Giác Đài nói rằng việc mở một dải tần số khác để sử dụng 5G (một tập hợp sóng được gọi là L-Band) có thể gây nhiễu các hệ thống định vị GPS quân sự. Và trong một cuộc chiến đỉnh cao khác, FCC đã mâu thuẫn với NASA và NOAA về tác động mà 5G có thể gây ra đối với các vệ tinh thời tiết. Trong một tuyên bố đầu tháng này, FAA cho biết vẫn làm việc với FCC và các công ty viễn thông để tìm ra giải pháp tốt nhất. Vì các nhà cung cấp dịch vụ không dây đã đề xuất một số thay đổi và kỹ nghệ hàng không kêu gọi phải làm nhiều hơn nữa, nên việc “mặc cả” dường như tập trung vào việc “các công ty viễn thông cuối cùng sẽ phải nhân nhượng tới đâu?”.
Đàm phán cũng phản ánh cách tiếp cận rủi ro của ngành hàng không Mỹ trong một lĩnh vực kinh doanh được xem là sinh tử, không có chỗ cho những sai sót nhỏ nhất. FCC, FAA và tất cả những người liên quan phải tìm ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực phát sinh từ qui định mới của các FAA sau khi FAA công bố các sân bay cụ thể bị ảnh hưởng dựa vào dữ liệu cơ sở hạ tầng do các nhà mạng cung cấp. Lúc đó FAA cũng sẽ kêu gọi các nhà sản xuất máy đo độ cao thử nghiệm các đời máy sao cho đáp ứng đúng các điều kiện hoạt động mới do ngành viễn thông đề xuất. Đồng hồ đo độ cao cần được chứng minh là không bị ảnh hưởng, thậm chí là an toàn để sử dụng tại mọi phi cảng.
Tín hiệu lạc quan là đầu tuần này, các quan chức ngành viễn thông và hàng không đã đưa ra một tuyên bố chung: “Chúng tôi rất vui vì sau các cuộc đàm phán hiệu quả, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau, chia sẻ dữ liệu từ tất cả các bên để xác định vấn đề nào cần quan tâm nhất. Các chuyên gia kỹ thuật giỏi nhất từ hàng không và viễn thông sẽ cùng làm việc để xác định bước đi tiếp theo, phối hợp với FAA và FCC”. Trong một tuyên bố, FAA khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng không và các công ty không dây “hãy kiểm tra máy đo độ cao vô tuyến hoạt động như thế nào trong môi trường 5G công suất cao (high-powered 5G environment) tại Mỹ”.
Ernesto Falcon, một chuyên gia viễn thông tại Electronic Frontier Foundation, một tổ chức bảo vệ quyền của người dùng kỹ thuật số, khẳng định: “Những người đi máy bay không cần lo lắng về nhiễu sóng 5G nếu FCC giải quyết xong vấn đề, bởi vì cơ quan này dày dạn kinh nghiệm về ngăn nhiễu sóng có hại”.
Lê Tây Sơn