User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
omicron 3Một điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại trung tâm Berlin, Đức, ngày 21/12/2021. AP – Michael Sohn
 
Được phát hiện cách đây một tháng tại Nam Phi, biến thể Omicron  đang làm cho không khí lễ hội mùa Giáng sinh và đón năm mới ở khắp nơi, đặc biệt là châu Âu, trở nên u ám nặng nề, tạo cho thế giới cái cảm giác về một đại dịch không hồi kết. Sau một tháng Omicron hoành hành khắp nơi trên thế giới, các nhà khoa học đã hiểu thêm được gì về biến thể virus mới này?
 
Những ngày qua, ở các nước châu Âu, Hoa Kỳ, từng là những tâm dịch của thế giới, đều liên tục ghi nhận những số ca nhiễm mới kỷ lục vượt những đỉnh dịch trước đây. Khắp nơi trên thế giới, mọi người đang nhớn nhác tính cách trở lại với những biện pháp hạn chế phòng dịch, nghiêm ngặt nhất là phong tỏa. Omicron có thực sự nguy hiểm hơn các biến thể trước, nguy cơ nhập viện của người nhiễm, hiệu quả của vac-xin hiện và mức độ lây nhiễm thế nào?  Chúng ta cùng điểm lại vài nét nhận diện cơ bản của biến thể Omicron, kẻ thù số 1 của thế giới lúc này, qua một số nghiên cứu khoa học mới nhất và từ những kinh nghiệm của những nước đang phải hứng chịu nặng nề làn sóng dịch thứ 5 này.
 
Biến thể lây nhanh như bệnh sởi?
 
Lây lan mạnh chắc chắn là một đặc tính nổi bật nhất của Omicron. Ngay từ giữa tháng 12, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã báo động về khả năng lây nhiễm đáng sợ của Omicron.
 
Biến thể này đang lây lan «với nhịp độ mà chúng ta chưa từng thấy ở biến thể khác», các chuyên gia của WHO đã cảnh báo. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ CNN, bác sĩ Jonathan Reiner, giáo sư Y khoa thuộc Đại học George Washington, Hoa Kỳ, quả quyết rằng «Omicron là virus lây nhiễm mạnh chưa từng biết đến (…) Có lẽ đây là virus lây nhiễm mạnh nhất mà nền văn minh của chúng ta phải đối mặt». Theo giáo sư người Mỹ, Omicron «có khả năng lây nhiễm mạnh như virus gây bệnh sởi».
 
Trên khắp thế giới, ngay cả ở những nước hiện đã đạt độ phủ tiêm chủng rộng nhất, số ca mới, mà đa số là nhiễm Omicron, đều tăng ở mức độ kinh hoàng. Vương Quốc Anh hôm 12/12, trong một ngày ghi nhận thêm 106 nghìn ca, một kỷ lục kể từ đầu dịch.
 
Tại Pháp, bộ trưởng Y Tế Olivier Veran dự báo số ca nhiễm thường nhật từ nay đến cuối tháng sẽ vượt con số 100 nghìn. Con số đó hôm qua đã là trên 93 nghìn ca. Hôm 23/12, ông Arnaud Fontanet, thành viên hội đồng cố vấn khoa học cho chính phủ Pháp cảnh báo, nước Pháp sẽ có thể có « hàng trăm nghìn » ca nhiễm mới mỗi ngày trong tháng Giêng tới.
 
Trên diện rộng hơn, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhận định biến thể Omicron sẽ là virus chủ yếu ở châu Âu từ nay đến giữa tháng Giêng.
 
Tuy nhiên, những thông tin đến từ Nam Phi, nước đầu tiên tìm ra biến thể, lại có phần an tâm. Tại tỉnh Gauteng, tâm dịch của nước này, bao gồm hai trung tâm dân cư lớn là Johannesburg và thủ đô Pretoria, người ta chỉ còn ghi nhận 3.300 ca nhiễm Omicron hôm 21/12, trong khi trước đó 10 ngày, con số này là 16 nghìn ca. Dù vẫn cần phải thận trọng, nhưng giả thuyết làn sóng dịch thứ 5 này ngắn hơn các làn sóng dịch trước đang làm dấy lên le lói hy vọng trong giới khoa học.
 
Omicron không nguy hiểm bằng Delta
 
Nhiều nghiên cứu công bố vài tuần gần đấu có vẻ như có cùng quan sát của các bệnh viện tại Nam Phi: Biến thể Omicron có thể có ít khả năng gây ra các thể bệnh nặng.
 
Thí dụ, như ở nước Anh, Imperial College London đã so sánh các ca nhiễm Omicron với các ca nhiễm biến thể Delta trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến 14/12 vừa qua. Kết quả : Các cá nhân dương tính với biến thể Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn từ 40 đến 45% so với những người nhiễm biến thể Delta.
 
Hôm qua, 23/12, những dữ liệu nghiên cứu mới nhất được đưa ra từ nước Anh cũng theo chiều hướng quan sát trên. Theo phân tích của Cơ quan An toàn Y tế Anh, các bệnh nhân nhiễm Omicron có nguy cơ phải nhập viện giảm từ 50% đến 70%. Tuy nhiên, cơ quan y tế Anh cũng tỏ ra thận trọng, vì trên thực tế tại Anh Quốc, nơi biến thể Omicron đã chiếm chủ yếu, trong những tuần qua số người phải nhập viện vẫn tăng 78%.
 
Viện nghiên cứu quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi cũng nêu quan sát là mức độ nguy hiểm đối với 80% các ca nhiễm Omicron không đáng kể. Những quan sát đáng mừng như vậy chỉ là tương đối, theo các nhà khoa học, bởi vì dân số Nam Phi trẻ hơn nhiều so với dân Châu Âu hay dân Mỹ. Mặt khác, từ 60% đến 70% dân Nam Phi đã có thể nhiễm virus, nên đã có thể tạo được miễn dịch cộng đồng khá rộng.
 
Cho dù nguy cơ phát triển thể nặng khi nhiễm Omicron có vẻ thấp, nhưng các bệnh viện vẫn không tránh được làn sóng bệnh nhân trong nhưng tuần tới. Con số nhiễm mới tăng quá nhanh đến mức viễn cảnh các bệnh viện quá tải trong mùa đông này là khó tránh khỏi.
 
Kháng cự mạnh hơn với vac-xin
 
Theo những dữ liệu hiện nay, phác đồ tiêm chủng hai liều có lẽ không đủ để làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện sau khi bị nhiễm biến thể Omicron. Theo các nhà virus học, đó là vì có quá nhiều đột biến gien trên cấu trúc protein «spike», được coi như là chìa khóa để virus SARS-CoV2 xâm nhập vào tế bào của chúng ta.
 
Nhiều kết quả nghiên cứu đưa ra những ngày qua cho thấy Omicron có khả năng đặc biệt để đánh lừa hệ miễn dịch của chúng ta, kể cả sau khi đã tiêm vac-xin. Theo Cơ quan Quốc gia về An toàn Y tế của Anh, phác đồ 2 liều vac-xin Astra Zeneca sau hơn 15 tuần sẽ không hiệu quả nữa.
 
Một nghiên cứu khác công bố hôm 16/12 của Viện Pasteur Pháp cũng khẳng định sự suy giảm sức chống chịu của kháng thể ngay cả ở những người đã tiêm đủ 2 liều vac-xin. Trái lại, nghiên cứu trên chỉ ra rằng 75% virus bị vô hiệu hóa bởi liều tiêm nhắc lại bằng vac-xin theo công nghệ ARN thông tin.  
 
Sau Pfizer/BioNTech và Moderna, AstraZeneca hôm 23/12, đã bảo đảm liều tiêm nhắc lại của họ làm tăng rõ rệt khả năng bảo vệ trước virus. Nhưng có điều vẫn còn thiếu các dữ liệu để biết khả năng bảo vệ đó kéo dài trong bao nhiêu lâu.
 
Hãng Janssen vẫn chưa công bố dữ liệu với vac-xin của họ, nhưng những nghiên cứu đang tiến hành có xu hướng cho thấy đa số những người đã tiêm loại vac-xin một liều này không phát triển được kháng thể để ngăn chặn biến thể Omicron.
 
Nhưng trước tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vac-xin trên thế giới, lãnh đạo tổ chứcTổ Chức Y Tế thế Giới hôm thứ Tư vừa qua đã phải cảnh báo đừng nên ảo tưởng tiêm liều vac-xin thứ 3 là đủ để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
 
(Theo AFP và france24.com)
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com