User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
cay mit
 
Có lẽ ai ai cũng biết tới cây mít và trái mít, nhưng nếu hỏi nguồn gốc cây mít là từ nước nào, bạn có trả lời được không? Chúng tôi gợi ý cho bạn 3 chọn lựa:
 
1- Cây mít xuất xứ từ Ấn Độ
 
2- Cây mít xuất xứ từ Nam Mỹ
 
3- Cây mít xuất xứ từ Việt Nam
 
Thưa câu trả lời đúng là cây mít có xuất xứ từ Ấn Độ, sau này mới lan tỏa ra trồng ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cây mít thuộc loại cây gỗ, cao khoảng từ 8 đến 15 mét. Cây sẽ cho ra quả sau khoảng ba năm trồng. Mít được coi là loại cây ăn trái với quả chín lớn nhất trong các loài thảo mộc. Mít có nhiều loại như mít mật, mít ướt, mít dai, mít tố nữ, mít dừa… sau này ra hải ngoại thì biết thêm các giống mít Thái Lan, Mexico, Jamaica…
<!>
Mít không những ăn tươi như các loại trái cây, mà còn được chế biến thành mít sấy khô, làm kẹo, chế biến các món ăn, lấy nước ép, làm sinh tố, bánh kẹo… Mít được xuất khẩu trên thị trường của nhiều quốc gia. Thân cây mít cũng được xem là loại gỗ có giá trị cao.
 
Quả mít có vỏ sần sùi và có gai nhỏ bao bọc, bên trong có nhiều múi. Trái mít có trọng lượng từ 5 – 30kg, nhưng không kể mít tố nữ nhé. Trái mít tố nữ mà nặng 5 ký thì thành tố… nam mất rồi. Lá mít cũng có thể dùng làm thức ăn cho gia súc và chế biến thành phân bón. Các bài thuốc từ lá mít dùng để trị hen suyễn, chữa mụn nhọt, chữa tưa lưỡi cho trẻ con, giúp an thần là các bài thuốc dân gian khá thông dụng trong đời sống. Cũng như nhiều loại cây trái khác, mít có hoa đực và hoa cái. Trái mít non còn gọi là dái mít, hình thành từ hoa đực không thể lớn lên thành trái nhưng cũng có thể ăn được. Ở vùng quê, con nít hái dái mít chấm muối ớt, ăn chát chát bùi bùi cũng rất thú vị. Phụ nữ mang thai ăn dái mít để có thêm sữa.
 
Hồi trước, để chỉ một đời sống khá giả, ông bà ta có câu thành ngữ "Nhà ngói, cây mít". Nhà lợp ngói, có sân rộng trồng được mít đúng là nhà trên trung bình. Gỗ của cây mít còn được dùng để sản xuất dụng cụ âm nhạc, đặc biệt ở Indonesia có các loại chiêng, cồng, trống, đàn nổi tiếng làm từ gỗ mít. Ở Việt Nam, gỗ mít rất được ưa chuộng trong việc đẽo tạc các tượng thờ. Đã có những ngôi chùa nổi tiếng với các pho tượng làm từ thân cây mít, chẳng hạn bức tượng Phật ngồi trên tòa sen bằng gỗ mít thếp vàng, cao 2,5 m được vua Gia Long dâng cúng cho chùa Khải Tường ở Sàigòn để cảm tạ ngôi chùa đã che chở cho gia đình mình.
 
Trái mít bên trong có nhiều nhựa, còn gọi là mủ, người ta thường dùng một thanh gỗ vót nhọn một đầu, đem đóng vào cuống mít cho chảy bớt nhựa, mau chín. Có lẽ ai cũng biết tới bài thơ Quả Mít của Hồ Xuân Hương:
 
“Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó sù sì, múi nó dày
Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay”
 
Có một công dụng khác từ cây mít, mà người ta không khuyến khích chút nào. Đó là việc dùng mủ của lá mít để ăn cắp tiền trong các thùng từ thiện. Để quyên góp tiền, người ta thường đặt các thùng với cái khe nhỏ để khách bỏ tiền vô nhưng không lấy ra được trừ người chủ có chìa khóa. Các tay trộm vặt bèn nghĩ ra cách dùng một cái que dài, ngoài đầu trét mủ mít rồi thọc vào thùng tiền qua khe hở. Tiền giấy bị dính mủ mít, đương sự rút que ra sẽ “chôm” được khá dễ dàng. Đúng là “bần cùng sinh đạo tặc”.
 
Trong ca dao tục ngữ, đã có nhiều câu liên quan tới cây mít này:
 
“Trời sinh trái mít có gai
Con hư tại mẹ dẫn trai vào nhà”
 
Riêng tại Quảng Nam đã có câu nhắn:
 
"Ai về nhắn với bạn nguồn,
Mít non chở xuống cá chuồn chở lên"
 
Hoặc câu:
 
“Cây mít ướt trồng bờ ao cũng ướt
Cây ớt cay trồng nơi ang nước cũng cay”
 
Có một chữ cũng liên hệ tới mít, nhưng món này ăn không được, cũng không ai muốn bị nói tới, đó là khi bị mắng “Đồ mít đặc”, tức là đồ dốt, ngu ngốc, ngớ ngẩn, khờ khạo, chậm tiêu chậm hiểu. Trong cuốn Quốc văn Giáo khoa thư do Trần Trọng Kim biên soạn, đã có bài học thuộc lòng cho trẻ em như sau:
 
“Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi
Con người ta có khác gì
Học hành quý giá, ngu si hư đời
Những anh mít đặc thôi thời
Ai còn mua chuộc đón mời làm chi”!
 
Còn khi cười người dốt mà hay khoe chữ, người ta hay bỉu môi: "Chữ nghĩa không đầy ba lá mít". Thật ra thì có nhiều loại lá còn nhỏ hơn lá mít nhiều, mà người ta lại dùng lá mít để ví von cho sự nhỏ nhoi ở đây, chắc vì lá mít có liên quan đến chữ mít đặc bên trên.
 
Bây giờ mời bạn nghe tâm sự của cô gái đã lỡ thời mà còn được thương, còn có cơ hội làm lại cuộc đời:
 
“Thân em như tấm mít xơ
Chó chê không cạp, ai ngờ anh thương”!
 
Chuyện vợ lẻ vợ hai, thậm chí hai chị em lấy chung một chồng ngày xưa không phải là hiếm. Vì thế ông bà đã có câu: “Mít ngon anh chén cả xơ, chị đẹp, em đẹp, anh rờ cả đôi”
 
Bài đồng dao dưới đây cũng rất phổ biến:
 
“Ngó lên cây mít ít trái, nhiều xơ
Con gái lẳng lơ, trai kia bậy bạ
Con gái đàng hoàng, trai nọ dám đâu
Còn duyên buôn nhãn bán hồng
Hết duyên bán mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Còn năm ba hột mít để lùi cho con”
 
Ông bà ta còn có câu thành ngữ "Cùi mít gặp cùi thơm" để chỉ sự gặp gỡ của những kẻ không ra gì.
 
Danh từ “mít ướt” để chỉ người tình cảm yếu đuối, hay khóc cũng khá thông dụng. Giống trái mít ướt rất mau chín, ăn mềm dễ mắc nghẹn. Khi chín cây rất dễ tự động rơi rớt, nên nếu người nào mau nước mắt, người ta thường trêu là “đồ mít ướt”, hay khóc nhè. Tiện đây cũng xin mở ngoặc là khi ở Tây Ninh, ba má tôi có trồng mấy cây mít. Lạ cái là má tôi lựa hột tốt của giống mít khô, mà khi trồng lớn lên lại ra mít ướt. Bà tiếc công trồng không chặt đi, báo hại chị em tôi phải ăn mít ướt suốt thời thơ ấu ớn muốn chết. Nhà tôi khi ấy khá nghèo, nhưng cũng thuộc loại “nhà ngói, cây mít” theo nghĩa đen. Góc nhà bên kia may mắn trồng được cây mít khô, má tôi thường bán trái cho lối xóm để có tiền tiêu vặt. Nhà tôi toàn là con gái, má phải mướn thằng bạn cùng trường leo lên hái rồi trả cho hắn chút tiền công. Tôi phần thì ghét thằng này, phần thì tiếc tiền công, nên dù leo trèo khá dở vẫn giành làm cái “job” này. Tôi leo lên cây, dùng sợi dây thừng buộc vào cuống mít như cái ròng rọc, rồi cầm dao cắt cuống để quả mít được đưa xuống đất an toàn không bị hư dập. Công việc leo trèo thì tạm ổn, chỉ có vấn đề là trên cây có nhiều kiến vàng, chúng cắn vừa đau vừa hôi. Vừa leo vừa xoa đuổi bọn kiến gan lì mà không té, còn sống lành lặn tới ngày nay cũng thật là… có phước. Ngày ấy cũng có một trái mít dai mọc kẹt giữa hai cành cây, nó méo mó xấu xí nên má tôi không bán được, xẻ ra cho chúng tôi ăn. Ôi chao nó ngon, vì bị “kềm kẹp”, trái mít phần này không có hột, chỉ toàn múi là múi ngon vô cùng.
 
Thôi tôi xin đóng ngoặc không kể chuyện riêng nữa. Người ta cũng ví von “Tiêu tiền như lá mít” vì cây mít có rất nhiều lá xanh um không thể đếm được. Nếu có tiền nhiều để xài phí “như lá mít” thì sung sướng biết mấy.
 
Trong dân gian cũng có một số câu đố vui rất phổ biến như câu:
 
Da cóc mà bọc trứng gà. Bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn. Là quả gì?
 
Khoác ngoài chiếc áo toàn gai, Quả gì chia múi hương bay ngọt ngào – Là quả gì?
 
Dĩ nhiên câu trả lời là quả mít.
 
Khi các cô gái đến tuổi dậy thì, xinh đẹp thì người ta khen “thơm như múi mít”.
 
Vào thời Minh Mạng năm 1837, nhà vua đã ra chiếu chỉ truyền cho dân trồng cây mít trên khắp đất nước. Lệnh này thì chỉ nhà khá giả mới thi hành được, nhà nghèo không có tấc đất thì lấy gì mà vâng lệnh vua.
 
Các bạn có nhớ hình phạt phải quỳ gối gai mít không. Hình phạt này rất ác, hy vọng không có ai thực hiện vì gai mít rất nhọn, sẽ làm đầu gối chảy máu và đau đớn rất nhiều, còn có thể bị nhiễm trùng sau đó.
 
Tôi lại mở thêm dấu ngoặc ở đây kể chuyện riêng, nhưng chuyện này không xảy ra ở Việt Nam mà ở hải ngoại cơ. Rằng thì là những năm đầu mới tới Toronto, chắc khoảng năm 1984, 1985 gì đó, trái cây Việt Nam ở Canada rất là khan hiếm. Lúc ấy 1 ký mít (tính cả vỏ, xơ, hột) khoảng $10 đô Canada, người ta cắt ra từng miếng nhỏ để bán. Nếu dám mua nguyên trái thì giá rẻ hơn. Vì xa quê nhà, chúng tôi thèm và nhớ hương vị quê hương quá, nên liều mua nguyên trái giá khoảng hơn $100 đô. Đem về nhà giữa tuần thì mít chín, nhưng chúng tôi ráng để dành tới cuối tuần khi đại gia đình tụ họp rồi mới khui ra ăn chung. Hỡi ơi, khi bổ ra thì trái mít chín quá mùi trở nên thâm đen, hầu như không ăn được múi nào, chỉ ngửi được chút mùi hương thoang thoảng. Cả nhà vừa tiếc tiền vừa uổng công háo hức chờ đợi, thật là một kỷ niệm khó quên. $100 đô cách đây gần 40 năm là số tiền khá lớn so với bây giờ.
 
Ngày nay để mít mau chín, người ta dùng hóa chất tẩm vào, trái dù còn xanh cũng đổi màu vàng mau chóng, nhưng ăn vào dĩ nhiên là độc hại. Nói tới sự gian dối, bán thức ăn không lành mạnh, hại sức khoẻ thì không biết bao nhiêu thứ, bao nhiêu trang giấy mới nói hết.
 
Trong múi mít có chứa hột mít, cả hột mít lẫn trái mít đều có hình dáng tròn trịa, nên khi nói ai phát tướng, người ta thường ví "ú na ú nù như hột mít", “hột mít biết đi”, hoặc nói kỳ này cái mặt tròn vo như hột mít. Thúy Vân trong chuyện Kiều của cố thi hào Nguyễn Du thì được tả “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Nét đẹp này có lẽ không còn bao nhiêu phụ nữ thời nay thích nữa, vì ai cũng thích mình thanh tao, mình hạc xương mai để mặc quần áo cho dễ. Giá mình sanh vào thời mà quan niệm phụ nữ đẹp là phụ nữ tròn trịa như hột mít, thì sướng biết mấy, tha hồ ăn. Bạn tôi than “Ta đã sinh ra lầm thế kỷ!”
 
Bây giờ xin bàn đến các món ăn chế biến từ mít. Người ta liệt kê tới gần 500 món, ở Huế có món mít trộn với tôm, hành, nước mắm ăn kèm với bánh tráng nướng. Quả mít non có thể sử dụng như rau để nấu canh, kho với cá, xào với thịt hoặc trộn chua ngọt làm gỏi. Mít xanh khi đậy nắp hầm nhừ cả xơ lẫn hột non, thành một màu đỏ bầm, để nguội xé sợi làm món ăn chay rất thịnh hành. Xơ mít có thể dùng làm dưa muối gọi là nhút. "Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn" là hai đặc sản vùng quê Nghệ An khá nổi tiếng. Hạt mít cũng ăn được và có giá trị dinh dưỡng, người ta có thể đem rang, luộc, hấp, kho cá, hoặc nghiền nhỏ làm thành bột cho dễ nuốt hoặc đem nấu chè.
 
Hột mít có nhiều chất bột, ăn xong thì dễ đầy hơi cần trung tiện nên mới có câu: “Hột mít lùi tro, ăn no té địt”. Vì thế người ta hay nói tiếu lâm: Ăn hột mít có thể gây mất đoàn kết vì nội bộ nghi ngờ lẫn nhau. Chuyện ăn hột mít đã được khoa học giải thích rõ ràng là quá trình tiêu hóa các thực phẩm giàu tinh bột và gây trướng bụng như hạt mít sẽ sinh ra khí hydro và metan, gây hiện tượng đầy hơi, phải thoát ra ngoài bằng hậu môn. "Khí thải" từ hột mít sở dĩ có mùi hôi là vì mang khí hydro sunfua, khí mercaptans chứa lưu huỳnh.
 
Sau phẫu thuật, nếu bệnh nhân không đại tiện được, bị căng bụng đầy hơi, các thầy thuốc đông y thường cho ăn hột mít để giúp giải quyết. Điều khá lạ là sách báo bảo hạt mít rất tốt cho phụ nữ, nó làm giảm nếp nhăn trên mặt, giúp da mặt tươi tắn mịn màng, duy trì độ ẩm cho da. Hãy đem phơi khô và nghiền hột mít thành bột mịn, sau đó trộn với mật ong và sữa chua để thành hỗn hợp sánh dẻo rồi đắp như mặt nạ. Tôi thì hơi nghi ngờ cách làm đẹp này, ăn xong múi mít thì vứt hột không thèm chế biến món gì. Các bạn gái thử loại mặt nạ hột mít này rồi cho tôi biết kết quả nhá. Nếu da có tốt hơn thì tôi nghi là nhờ mật ong và sữa chua, hột mít chỉ là chất bột để có thể đắp thành lớp trên da mặt thôi, nếu dùng bột gì cũng vậy. Ấy chết, đừng nghe tôi bàn lui nhé!
 
Trở lại các món ăn làm từ mít, người ta đã sáng kiến ra món mít sấy, ăn giòn như “chip” là món ăn vặt được nhiều chợ khắp nơi bán, kể cả các chợ “Tây”. Ngoài ra còn có đủ các món sữa chua mít, xôi mít, kem mít, rau câu mít, bánh ít mít, mít chín nhồi thịt hấp, xơ mít xào chua ngọt, pate chay làm từ hột mít. Tới cùi mít người ta cũng không bỏ đi, mà đem chế biến thành món chay, làm bánh taco... Nhờ mùi thơm nên rượu mít cũng là món quý rất được ưa chuộng.
 
Món “ngoại” từ mít còn có Gudeg là món ăn truyền thống ở Jogyakarta miền trung Java của Indonesia, ngoài ra còn có Lodeh, Sayur Asam, cơm cà-ri mít ở Sri Lanka…
 
Nói chuyện món ăn ngon xong, tản mạn chuyện mít thì cũng phải nói tới loại ký sinh trùng gớm ghiếc có tên là sán xơ mít. Con giun này sống trong bụng người ta và thú vật, thân dài và trắng giống như sợi xơ mít nên mới được mang tên này.
 
Ăn nói trắng trợn, vô căn cớ làm anh em mích lòng, phật ý, chữ “mích” phát âm theo kiểu miền Nam cũng nghe như chữ mít, đồng âm chỉ khác “spelling”. Tôi luôn nhủ lòng đừng làm ai mít lòng, một câu nhịn chín câu lành, gây gỗ tạo thêm kẻ thù làm chi.
 
Một chữ bắt nguồn từ tiếng Anh, “Meeting” là cuộc hội họp để biểu tình hay làm việc gì, chữ này được Việt hoá thành mít-tinh, rất phổ biến đa số đều hiểu. Hồi sau 30 tháng Tư 1975, nhà nước đã bắt dân chúng đi mít-tinh thường xuyên, phải phát biểu ca ngợi Bác và Đảng, nghĩ lại thời gian này thật là sợ và chán.
 
Cái mi-cờ-rô để khuếch đại âm thanh, cũng được gọi tắt là cái míc. Một số người lại có bệnh ghiền cầm cái “mít” này. Trong các buổi họp, chương trình văn nghệ thường nói liên tục vừa dài vừa dở, nhưng chớ hề cho ai giành lại được cái mic này.
 
Người Việt còn nói đùa mình là dân "mít", vì nhại âm Annamite của người Pháp. Dân Mít mình cần cố gắng hơn để không đi trễ, không quan liêu, không đấu đá với nhau trong khi “hèn với giặc”. Dân Mít mình cũng đừng để bị chê là “dốt mít đặc cán mai” hoặc người đâu mà đầu óc tịt mít thế, hỏi gì cũng tịt mít, không trả lời được.
 
Một vài địa danh có chữ “Mít” là Làng Mít nằm ở Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 47 km. Trong Nam gần Tây Ninh có Ngã ba Mít Một và Truông Mít, cũng là những địa danh hay được nhắc tới. Hà Nội 36 phố phường nay lại có thêm một con phố nữa là phố “Hàng Mít”. Dĩ nhiên con phố này bán rất nhiều mít và sản phẩm của nó.
 
Vấn đề là ăn nhiều mít có tốt cho sức khỏe hay không. Ông bà ta hay khuyên mít ăn nhiều sẽ bị “nhiệt”, khó tiêu, chỉ cho trẻ em ăn mỗi lần vài múi. Thật ra các trái cây đều tốt, không có loại nào là “nóng”, tuy nhiên việc ăn quá nhiều mít hay bất cứ thức ăn nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Bạn không nên ăn loại quả này trong lúc đói vì sẽ làm cho lượng đường trong máu đột ngột tăng cao. Mít rất giàu vitamin và khoáng chất, cũng chứa nhiều chất sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, nên bạn có thể an tâm ăn nhiều nhiều chút nhé. Chúng tôi cũng rất hảo mít, người bạn thân cũng tự nhận mình là “đạo mít”, từ ngày mít Mễ được nhập cảng dễ dàng, chúng tôi đã mua không biết bao nhiêu trái. Cũng có lần xui xẻo mua một trái thật to 60 pounds. $60 đồng nhưng bổ ra trắng nhách, không ăn được. Nhưng cứ như bị cám dỗ, hể đi chợ thấy mít là lại hớn hở mua về, run run chờ xem kết quả của sự lựa chọn của mình.
 
Cây mít quả là loại cây cho nhiều ích lợi, đầy kỷ niệm hồn quê. Hiện trong nhà tôi đang có vài cây mít, dù ở xứ Canada lạnh cóng. Bạn nghĩ tôi nói “chảnh” cho vui hả. Thật đấy, bắt đầu năm ngoái vì nạn dịch Covid, chúng tôi có thêm thì giờ bắt đầu làm vườn, trồng cây. Dù tôi đã can ngăn, nhưng ông xã vẫn vui vẻ ương mấy cây mít. Mùa hè thì để ngoài sân, mùa đông thì đem vào nhà. Nay chúng cũng khá lớn, bạn bè tới nhà chơi nhìn lá cũng nhận ra ngay là lá mít. Dĩ nhiên chúng không thể lớn và ra trái, nhưng ông xã bảo để anh thực hành câu “nhà ngói, cây mít”, trồng để đỡ nhớ nhà và biết đâu sẽ là phong thủy tốt. Tôi thì dự định sẽ lén cắt vài cái lá mít làm thành con trâu, như trò chơi lúc còn bé ở quê nhà. Hiện cây mít con có ít lá quá, cắt đem chơi ông xã sẽ biết ngay, nên tôi “rắp tâm” chờ chúng mọc kha khá chút nữa thì sẽ thi hành kế hoạch.
 
Vâng, bài đã dài, ý đã cạn, tôi xin ngưng. Chúc bạn luôn là một người dân Mít thật tốt lành, thành công, đem lại niềm vui, hương thơm trong gia đình và xã hội.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com