Abstracts
Vietnamese in their majority practice a syncretism of 3 religions, namely confucianism, bouddhism, taoism and where ecology is omnipresent. Following general introduction about ecology in section 1, section 2 discusses about the ecological crisis of the world today, as it gets hotter, stormier, crowded and less biodiverse. Section 3 addresses ecology from three perspectives in the nature conservation:
* In Confucianism, we refer to the interrelation of Heaven, Earth, and Humans which are the basis of all creatures: Heaven gives them birth, earth nourishes them and humans complete them with rites and music.
* In Buddhism, spirituality is based upon an ecology of mind and body as well as environment. Compassion implies that all life forms are mutually interdependent, thus we should not destroy the fauna and indirectly the vegetation cover which constitutes their natural habitat. Insatiable human deire will lead to the over-exploitation of natural resources. The threefold path, namely morality, mindful awareness, wisdom as well as living with no greed plays a central role in preserving biodiversity and sustainability of resources. By the causal principle of interdependence, all individual entities are relational and interconnected thus living in harmony with nature is helping our Mother Earth from destruction.
* In Taoism, everything is composed of two opposite forces known as Yin and Yang; the world is governed by the 5 following elements (Water, Metal, Wood, Soil, Fire) which interact and balance together under the Dao supreme principle which is the natural course of everything. Overexploitation of one of these elements is destroying the nature equilibrum, thus we should cultivate the way of no-action and let nature be itself.
Section 4 discusses how to be in harmony with nature, and discusses the concepts of ecological footprint and entropy.
Finally, in the concluding remarks in Section 5, the author mentions that these 3 religious perspectives can make important contribution to environmental ethics, helping people care more about our common Earth which supports us.
1. Nhập đề
Sinh thái học dịch từ danh từ ecology. Chữ ecology, có gốc từ hai chữ Hi Lạp: oikos (nơi ở) và logos (môn học). Cái nơi ở của con người có đất mẹ, núi mẹ, sông mẹ, biển mẹ nhưng càng ngày nơi ở của nhân loại đang đứng trước sự mất thăng bằng giữa tài nguyên thiên nhiên với con người, gây ra phá rừng, ô nhiễm môi trường sống, gây nên sự thay đổi khí hậu, tạo tiền đề cho các bất ổn của thế giới ngày nay.
Thế nhưng, hàng ngàn năm trước, triết học Đông Phương với 3 tôn giáo chính là Nho giáo, Phật giáo, Lăo giáo đã suy ngẫm sâu xa về các vấn đề này.Trong một thế giới càng ngày càng toàn cầu hoá, một thế giới phẳng, đang phải đối đầu với sự biến đổi khí hậu, với ô nhiễm môi trường như hiện nay thì các tư tưởng trong Tam giáo đáng cho ta suy nghĩ và từ đó tìm lại được những chân lý bị bỏ rơi trong quên lãng.
Bài tham luận này nêu lên các vấn nạn môi trường do sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu, sau đó tìm hiểu tư tưởng Tam giáo trong vấn đề môi trường.
2. Các biến đổi khí hậu do sự mất thăng bằng các yếu tố sinh thái
Với cuộc cách mạng kỹ nghệ, loài người đã thụ hưởng được nhiều tiện nghi vật chất như xe hơi, máy bay, vật liệu tiêu dùng. Nhưng huy chương có hai mặt vì đằng sau các tiện nghi ấy thì khí hậu cũng thay đổi do những khí độc như Co2 từ xe cộ, từ các nhà máy phun khói và thải các khí độc trên bầu trời làm trái đất nóng lên. Các khí độc đó thường dược gọi là khí nhà kiếng là vì khi các bức xạ mặt trời phản chiếu từ mặt đất lên sẽ bị các khí độc này ngăn chận lại làm trái đất càng ngày càng nóng tương tự như trong một nhà kiếng trong đó người ta trồng rau, trồng hoa ở các xứ lạnh vào mùa đông.
Xưa kia, trên trái đất này dân cư không đông như ngày nay. Với tiện nghi y tế cao nên tỷ lệ trẻ em chết lúc sơ sinh giảm đi rõ rệt nên ngày nay dân số tăng nhanh:
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bòng bế nhau lên nó ở non
(Tú Xương)
Bòng bế nhau lên nó ở non
(Tú Xương)
Dân số đông đòi hỏi năng lượng để nấu ăn, để đun nước, để tắm giặt. Dân số đông đòi hỏi có nguyên liệu để làm nhà cửa, làm bàn ghế. Dân số đông đòi hỏi nhiều nhà máy để sản xuất ra điện, ra vật liệu tiêu dùng. Dân số đông đòi hỏi xe cộ di chuyển đi làm. Dân số đông đòi hỏi lương thực mà muốn có lương thực trên đất càng ngày càng ít dần thì phải dùng phân bón và muốn có phân bón lại phải có năng lượng và nguyên liệu từ sản phẩm dầu hoả và hơi đốt.
Và năng lượng để sản xuất ra các tiện nghi là từ dầu hoả và hơi đốt, phát thải các khí nhà kiếng làm khí hậu trái đất nóng dần gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt loài người mà sau đây là những hậu quả:
* dâng cao mực nước biển khiến cho những vùng thấp duyên hải sẽ bị ngập và dân cư sẽ mất chổ ở. Riêng ở Việt Nam, các vùng thấp ven biển nhất là miền châu thổ sông Hồng và châu thổ Cửu Long sẽ bị ngập, de doạ dến an ninh lương thực vì lụt lội làm đê biển không chịu được khi nước biển dâng;
* nước đại dương ấm lên cũng tạo nên nhiều cơn bão mạnh với sức tàn phá khủng khiếp như ở Miến Điện tháng 5 vừa qua (2008), gây ra nạn lủ lụt, kéo theo hàng chục ngàn người chết, phá hoại cả một vùng châu thổ trồng lúa lâu nay. Dĩ nhiên mọi cái đều tương quan vì lủ lụt sẽ kéo theo nạn nghèo đói vì lương thực sẽ khan hiếm.
Ý thức được việc này, ngay từ năm 1997, nhiều nước đã họp lại ở Kyoto (Nhật Bản) để ký chung một thỏa ước nhằm giảm lượng khí thải CO2 và các khí khác gây hiệu ứng nhà kiếng, sau này được biết là Nghị Định Thư Kyoto. Trong Nghị Định Thư này cũng đòi hỏi các nước bớt sử dụng than đá, khí đốt, xăng dầu chuyển sang năng lượng sạch như mặt trời, gió v.v.
Sau đây, ta sẽ lần lượt phân tích vài ảnh hưởng các bộ môn ấy trên tư tưởng sinh thái để thấy các học thuyết Đông Phương luôn đề cao thiên nhiên:
3. Sinh thái học theo Tam Giáo
3.1. Sinh thái học trong Nho giáo
Trong lịch sử Trung Hoa, chúng ta biết rằng sau thời kì Xuân Thu Chiến Quốc (từ năm 770 đến năm 220 trước Công nguyên) kéo dài mấy trăm năm đầy loạn lạc, tranh chấp thì vào đời nhà Hán muốn tái lập lại kỷ cương, các danh nho đã đề nghị ra ba giềng mối là Tam Cương (Quân, Sư, Phụ) và năm đức của cá nhân gọi tắt là Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trung, Tín). Riêng vũ trụ quan thì luôn luôn đề cao sự hài hoà của 3 yếu tố Thiên, Địa và Nhân.
Thiên có nghĩa nôm na là ông Trời.. Khi nói về Trời, ta nghĩ ngay đến bầu trời, mây, các sao ban đêm, gió thổi, tóm lại những thông số về khí hậu, về trái đất: bão, lụt, động đất, núi lửa. Chẳng thế mà người nông dân thường nhìn trời để cầu cho mưa thuận gió hoà.
Ơn trời mưa nắng phải thì, Nơi thì cày cạn, nơi thì bừa sâu hoặc: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày v.v.
Chữ Trời được nhắc đến mấy chục lần trong các câu Kiều; nó đồng nghĩa với God, với đấng Tối Cao. ‘Trời làm chi cực bấy Trời’; nhạc sĩ cũng nói đến Trời: ‘lạy Trời mưa tuôn, hạt mộng vươn lên’; ‘trời ươm nắng cho mây hồng’…
Địa có nghĩa là đất với sông, suối, hồ, ao, núi, rừng, cây cỏ, cỏ cây, sa mạc, đất liền, biển cả
Và giữa hai cảnh giới Thiên và Địa là Nhân.
Nhân là người, nhưng phải hiểu theo nghĩa rộng là mọi sinh vật trên trái đất.
Vào đời Hán, và đặc biệt dưới triều Hán Võ đế (140-87 trước Công nguyên), Đổng Trọng Thư nhận rằng con người có địa vị trọng yếu, giúp sức trời đất mà ‘hoàn thành’ vạn vật.Ông viết: ‘Trời, đất và người là cái gốc của vạn vật .Trời sinh vạn vật, đất nuôi vạn vật, người làm thành vạn vật’. Quan niệm ‘thiên nhân tương quan’, ‘thiên nhân hợp nhất’ là một đặc điểm của triết học Trung Hoa. Có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là trời và người giống nhau còn nghĩa thứ hai là trời và người ‘thông’ với nhau, nghĩa là quan hệ mật thiết với nhau. Trong nho học, các câu như ‘thiên nhân vô nhị’ (trời và người là một), ‘thiên tắc nhân, nhân tắc thiên’ (trời là người, người là trời), ‘vạn vật nhất thể’ v.v. đều cho rằng thiên nhiên và con người có liên hệ lẫn nhau cho nên cần giữ sự cân bằng vạn vật, ‘đạt đến trung dung hài hoà, trời đất nằm ở đó, vạn vật nhờ đó mà được nuôi dưỡng vậy (chí trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên). Như vậy, theo Nho học, con người phải hoà mình với vũ trụ, không cưỡng hiếp vũ trụ vì trung hoà là luật điều hoà, luật quân bình của vũ trụ, nó chi phối mọi hoạt động từ trời, đất đến vạn vật và con người.
Thiên cũng còn có nghĩa những đấng tối cao, vô hình. Quan niệm Thiên Địa Nhân kéo theo các khái niệm như làm việc gì cũng phải Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà. Nếu có tai ương thì có Thiên tai như bão lụt, hạn hán, Địa tai như động đất, đất chuồi, Nhân tai là các tai ương do người tạo ra như phá rừng v.v. Như vậy, về vũ trụ quan, cái tam thức (trinome) như Thiên Địa Nhân có hàm ý rằng nên sống theo ‘đạo trời’ hay ‘thiên đạo’ tức phải sống hài hoà với trời và đất. Suy ra thì ngày nay, vì con người đã không tôn trọng bầu trời nên đã xảy ra nhiều biến đổi khí hậu, gây ra tai trời ách nước và cũng vì con người không tôn trọng trái đất nên đã có những hiện tượng như sa mạc hoá, khủng hoảng lương thực.
3.2. Sinh thái học trong Phật giáo.
Trong Tứ Diệu đế của học thuyết Phật giáo, chữ Khổ là chữ đầu tiên. Ngoài cái khổ theo nghĩa thông thường như đau ốm, bệnh tật, già yếu, có thêm cái khổ khác do biến đổi khí hậu với thiên tai, bão lụt, hạn hán tóm lại cái khổ do sự suy thoái của môi trường sống như nước biển dâng, thiếu hụt lương thực, ô nhiễm môi trường với những dòng sông đã qua đời, với núi trọc, với mịt mù đồi cát v.v.
Diện tích rừng mỗi ngày mỗi co cụm, với phá rừng bừa bãi thì lấy đâu mà hoá giải được khí nhà kiếng, ngăn chận lũ lụt, giảm bớt sức nóng. Ở Việt Nam thì nạn lâm tặc hoành hoành, phá hết rừng già. Đây lại là một chuyện cười ra nước mắt.
Dưới đầu đề ‘Rừng Quảng Nam kêu cứu’, nhà báo viết: ‘Lâm tặc vẫn ngang nhiên dùng xe ô-tô, xe máy, xe bò chở gỗ liên tục giữa ban ngày; lâm tặc kết gỗ thành từng bè, mảng, phao cao-su chờ đêm tối cho xuôi theo dòng sông Bung, sông Vu Gia về tập kết tại huyện Đại Lộc, biến địa phương này thành ‘chợ gỗ lậu’ lớn nhất của tỉnh: để kéo gỗ từ rừng ra đường cho xe tới chở về xuôi, cả hàng ngàn con ‘trâu tặc’ tham gia. Người ta còn trồng từng ruộng cỏ cho ‘trâu tặc’ ăn, nhiều người không biết, còn khen vùng này chăn nuôi phát triển mạnh! (báo Thanh Niên ra ngày 11 tháng 6 năm 2008).
Trong Ngũ giới của nhà Phật thì giới đầu tiên là không sát sanh. Như vậy cũng có nghĩa là không săn bắn hoang thú. Điều này cũng có nghĩa là phải bảo tồn rừng rú vì nếu không có rừng thì loài thú hoang, chim muông sẽ không nơi trú ẩn. Tục ngữ ta cũng có nói đến hai tội lớn trong môi trường: đó là Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá. Phá sơn lâm thì không còn rừng rú khiến đất đai bị xói mòn, chuồi đất lụt lội. Vô hình chung, đạo Phật qua điều răn trong ngũ giới đã khuyến cáo sự đa dạng sinh học (biodiversity).
Đức Phật trong kinh Pháp Cú cũng khuyên không nên đốn rừng mà phải ‘đốn rừng dục vọng’ vì chính dục vọng làm môi trường hiện nay bị huỷ hoại:
Đốn rừng ‘dục vọng’, chớ đốn cây,
Vì cảnh rừng này gây sợ hãi (Kinh Pháp cú: Phẩm Đạo)
Vì cảnh rừng này gây sợ hãi (Kinh Pháp cú: Phẩm Đạo)
Với rừng rú được bảo tồn, sức khoẻ con người được tăng lên vì rừng toả ra oxy qua hiện tượng quang hợp và hút bớt các khí độc do khói nhà máy, khói xe hơi hàng vạn chiếc suốt ngày đêm di chuyển phát ra. Đó là các khí nhà kiếng (green house gas) làm đảo lộn khí hậu trái đất.
Rừng là nguồn gen thực vật. Nhờ quỹ gen đó mà có thể thay đổi hay cải thiện các giống hiện có, bằng cách lai giống, ghép cây, để tạo ra các giống mới thích nghi với môi trường mới, kháng sâu hơn, giúp tăng gia nông phẩm. Sự đa dạng sinh học là điều kiện cần thiết để có một quỹ gen phong phú. Vì rừng chứa nhiều loại thực vật khác nhau nên đó là một kho gen vĩ đại; muốn tháp gen thì phải có gen nào cần như có cây có gen kháng mặn, kháng bệnh thì đưa gen đó vào loài cây muốn cải thiện. Như vậy rừng là vàng xanh vì rừng chứa một kho gen vĩ đại mà công nghệ sinh học (biotechnology) luôn luôn cần có để nghiên cứu, tìm tòi tạo ra thuốc mới, cây mới, giúp cho nhân loại. Ngày nay, bảo vệ sự đa dạng sinh học là một trong những chủ đề quan trọng trong sự bảo vệ môi trường. Thực vậy, với sự gia tăng dân số, con người đã phá hủy luôn môi trường sống, kéo theo đó là sa mạc hoá, mặn hoá, phá rừng và từ sự huỷ hoại môi trường sống lại ảnh hưởng ngược lại đến đời sống con người với nạn đói kém, nạn lụt lội.
Sức khỏe không chỉ có nghĩa là phải ‘vai u thịt chắc’ mà sức khỏe tâm linh cũng rất quan trọng. Rừng giúp con người thư giãn, tìm lại sự im lặng, tĩnh mịch:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.
Người khôn người đến chốn lao xao.
Thực vậy, vào rừng, thở không khí trong lành, nhìn sao ban đêm, nhìn suối, nghe nước róc rách, bướm lượn nhởn nhơ, chuồn chuồn, nghe côn trùng rỉ rả, mặt trăng lên, sao đêm nở đầy trời, giúp ta tránh được các căng thẳng của cuộc sống máy móc đô thị, giúp ta quên đi những nỗi nhọc nhằn của thể chất và phục hồi lại các giá trị tâm linh. Thực vậy, chúng ta biết rằng bán cầu não bên trái là khu vực lý trí, tư duy của khoa học còn bán cầu não bên phải là mảnh đất của nghệ thuật. Chính nhờ sự phân bố chức năng của hai bán cầu não nên khi làm việc suy tư mệt mỏi thì thư giãn ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây (thơ Hồ Dzếnh), sẽ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi lại khả năng trí tuệ và sức làm việc.
Ta cũng thấy trước cảnh vật bao la của vũ trụ rằng con người chỉ là một thành phần nhỏ bé và từ đó cảm thấy khiêm tốn hơn. Thiếu đức khiêm tốn thì con người dù rất tiến bộ về vật chất và kỹ thuật đã trở nên con người dã man và tàn ác. Ta đi chùa, đi giáo đường chính ý thức được gia sản thiêng liêng của mình, vì nhận thức rõ giá trị cao quý của con người cũng như biết rõ tính tự cao tự đại cố hữu của con người. Nếu không nhờ vào một quyền lực mạnh mẽ từ bên ngoài, chúng ta có thể ngã trở lại vào cái hố tự cao tự mãn ấy một cách dễ dàng.
Còn nhớ trước đây Thủ Tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpaqyeetrong tháng 8/2001 đã thu băng đọc thơ của mình cho Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trong số các bài thơ viết bằng tiếng Hindi của chính mình, có một bài được nhiều người ưa thích ‘Heights‘. Bài thơ kết thúc bằng câu:
Lạy Chúa, đừng để con trèo quá cao đến nỗi không thể cúi xuống ôm hôn kẻ khác. Đừng đem đến sự cao ngạo cho con’`My Lord, Never let me climb so high that I can’t bend down to embrace another human. Deliver me ever from such arrogance.’
Trong cụm từ Từ, Bi, Hỉ, Xả thì chữ Từ đứng đầu tiên. Ai cũng biết là Đạo Phật chủ trương từ bi, lấy Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh làm chủ yếu. Tâm trong sáng gọi là Tuệ tâm, tâm thanh tịnh thì gọi là Thanh tịnh tâm, tâm rộng lớn thì gọi là Đại tâm, Tâm chân thật thì gọi là Chân tâm, tâm bao dung thì gọi là Từ Bi tâm. Mọi đức tính trên của Tâm đúc kết vào chữ Bồ đề Tâm.
Khi tâm ta từ bi, thì trời đất cũng từ bi với chúng ta. Trong khi tâm ta không từ bi với cây rừng như đốn rừng bừa bãi, không từ bi với muông thú thì tự nhiên loài người mất nguồn gen quý giá cần cho sự cải thiện thực vật, mất đi sự đa dạng sinh học (biodiversity), mất nguồn lợi cho du lịch sinh thái.
Khi tâm ta từ bi thì tự nhiên ta xem môi trường như người bạn, như người thầy, môi trường sẽ để ta yên ổn, không có lụt lội vì rừng cây đã giúp giảm bớt cường độ của nước, không có nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tóm lại, tìm lại hài hoà với vũ trụ.
Một thế giới dựa vào các giá trị như Từ, Bi, Bác Ái, như vậy thì mọi người, mọi sinh vật sống an lạc. Với thế giới như vậy thì sẽ không còn hận thù, không còn ganh ghét, không còn khổ đau. Thực vậy, chìa khoá của kiếp nhân sinh là cái Tâm: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Một thế giới dựa vào các giá trị như Từ, Bi, Bác Ái, như vậy thì mọi người, mọi sinh vật sống an lạc. Với thế giới như vậy thì sẽ không còn hận thù, không còn ganh ghét, không còn khổ đau. Thực vậy, chìa khoá của kiếp nhân sinh là cái Tâm: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Tâm có một nội hàm rộng lớn vì bao gồm tâm thức (lĩnh vực nhận thức, có ý thức), tâm cảnh nghĩa là dùng các ý về cảnh để tả tình cảm như trong câu Kiều:
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người
Một trời thu để riêng ai một người
hoặc:
Bến Tầm dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
tâm niệm, tâm tư, tâm tính, tâm sự, tâm pháp (mọi phương pháp tác động lên tâm lý, từ tác động lên ý thức như giáo dục và công tác tư tưởng đến tác động lên vô thức như tâm lý liệu pháp), tâm cảm, tâm trạng, tâm hồn, tâm linh, tâm xúc, tâm bệnh. Bấy nhiêu đủ thấy tâm phức tạp, mà phức tạp cũng đúng vì tâm do hàng ngàn neuron trên não bộ tác động lên nhau, v.v. và có thể nói tâm chính là nội dung môn học gọi là tâm lý học.
Khi tâm an và biết hướng thiện thì chẳng những mình được hạnh phúc mà còn hoà đồng được với cái tâm đại ngã của vũ trụ.
Tâm bao dung rộng lượng của người tù cải tạo, dù ‘mười năm mặt sạm soi khe nước, ta hoá thân thành vượn cổ sơ’ nhưng vẫn sẵn sàng phá chấp:
Ta về cúi mái đầu sương điểm/Nghe nặng từ tâm lượng đất trời/ Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/Giải oan cho cuộc biển dâu này (Ta Về của Tô Thùy Yên)
Quan niệm Phật giáo với tâm từ bi với mọi sinh vật ‘nhất thiết chúng sinh giai cộng thành Phật đạo’ là quan niệm viên dung. Chúng sinh đồng một thể, mình và người không khác, lợi người là lợi mình, giết hại kẻ khác là giết mình.
Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: ‘Tâm như hoạ sư năng hoạ nhất thiết hình tượng’ nghĩa là tâm ta như người nghệ sĩ có thể vẽ ra vô vàn cảnh vật, hiện tượng đẹp, xấu khác nhau. Tâm chúng ta có thể tạo ra Thiên đường, có thể xây nên Địa ngục. Tâm thiện thì thiên hạ an vui; tâm sân hận thì chiến tranh. Vì thế sự hiện hữu của tâm thức chính là sự hiện hữu của hai mặt trái ngược nhau trong tâm thức con người, sự thấp kém và sự cao thượng. Nếu tư tưởng của ta vẩn đục, ích kỷ thì đời sống của ta trở nên nhỏ nhen, thấp kém. Nếu tư tưởng của ta rộng lớn, bao dung và hỉ xả thì đời sống của ta sẽ trở nên cao đẹp, thanh thoát. Khi tâm hồn đã thanh thoát trong sáng thì cảnh vật trở nên chan hoà. ‘Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’. Vậy chuyển hoá tự tâm là con đường gột sạch tư tưởng thấp kém để mở ra con đường cao thượng.
Tư tưởng Hoa Nghiêm cũng nói là tâm là nguyên nhân mọi vạn pháp. Tâm vọng (còn gọi là vọng niệm) thì mọi vạn pháp thay đổi, mang tính chủ quan, (subjectivity) mang tư duy nhị nguyên đối đãi (dualistic), nghĩa là phân định và tách rời cái A khỏi những cái phi A. Thái độ vọng niệm phân biệt này làm ta có cái thái độ so đo, tính toán, hơn thua. Lúc đó, trạng thái an tịnh của tâm sẽ không còn nửa và tâm lý về cái cá biệt gia tăng, tác động xấu đến phong cách hành xử của con người: phân biệt màu da, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, vị trí xã hội. Tâm thanh tịnh thì ta có cái nhìn không phân biệt, theo đó thì ta và các vật khác từ thực vật đến động vật đến dòng sông, giăy núi, mọi cái đều tương giao, tương trợ, tương nhập (interconnected) với nhau.
Phật giáo dạy rằng không có cái nào đứng riêng rẽ được hết vì mọi việc đều tương quan tương thuộc với nhau và đó là thuyết trùng trùng duyên khởi (principle of Conditioned Arising, (paticcasamuppada). Vạn vật nương nhau mà sống vì cái này có vì cái kia có. Loài người nhờ cây cỏ mà cây cỏ nhờ đất để cho dưỡng liệu mà muốn các dưỡng liệu hoà tan thì phải có nước v.v. Như vậy bảo vệ môi trường tức là bảo vệ con người.
Các vấn nạn hiện nay trên thế giới chỉ có thể giải quyết bằng cái Tâm. Nhờ bối cảnh yên tĩnh, tâm hồn mới yên tỉnh để suy tư cùng vạn vật. Có suy tư cùng vạn vật mới có thể nhìn vạn vật bằng tâm tưởng:
‘Trong niềm im lặng vô ngôn đó, những vang vọng, ý nghĩ, nhựa sống của ngôn từ, của hành động, của ý nghĩa càng tràn bờ để xóa bỏ mọi biên giới mà tắm gội, bao dung lấy hết thảy (Doãn Quốc Sỹ trong Vào Thiền)
Trong đạo Phật, có khái niệm Tam độc: tham, sân, si.
Lòng tham vô đáy khiến ta tiêu thụ nhiều, tổn hại đến môi trường tài nguyên. Trong xã hội Tây phương, nhiều nhà có đến 3 hay 4 xe hơi, chưa kể đến trung bình 3 cái máy truyền hình, thêm vào là các máy DVD, máy điện toán rồi điện thoại di động do đó tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất như sắt, kẽm, thiếc, đồng, chì đều mất dần. Mặc dù có tái chế biến nhưng nghĩa trang xe hơi, nghĩa trang máy computer, lẫn lộn với máy tập thể dục vứt đi đầy rẫy.
Muốn được giải thoát khỏi khổ đau do sự huỷ hoại của môi trường sống, con người cần phải nhận thức là Đất Mẹ, Sông Mẹ, Núi Mẹ, Biển Mẹ có tài nguyên hữu hạn mà sự tham lam con người là vô hạn. Người Phật tử là người sống thiền, sống tri túc chứ không sống chớp giật, tìm một phút huy hoàng rồi sau đó đau khổ triền miên như trong thơ: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm’. (Xuân Diệu). Trái lại, người Phật tử đưa ra một cách sống tỉnh thức, tìm chuyển hoá các khổ đau thành hạnh phúc, chuyển thất vọng thành nghị lực:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Thiện căn tức khi ta làm được 3 nghiệp lành như thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp là ta đã gieo được một thiện căn tốt. Thiện căn chưa phải là Phật tính vì thiện căn có nội, có ngoại, có hữu lậu, -nghĩa là còn vướng phiền não-, có vô lậu, tức hết phiền não, có thường và có vô thường còn Phật tánh thì không có nội, không có ngoại, không hữu lậu, không vô lậu v.v.
Phật giáo dạy Chánh mệnh nghĩa là không ăn trộm, không giết, không ma túy nghiện ngập. Tham thì vô đáy, không giới hạn nên làm tài nguyên cạn dần. Con đường thoát khổ cũng nằm trong nhận thức chân chính, tức chánh kiến. Chánh mệnh và chánh kiến là các chữ trong Bát chánh Đạo.
Theo đức Phật, chỉ có con đường trí huệ tức nhận thức chân chính mới giúp con người giải thoát khỏi bể khổ. Vô minh là nguyên nhân chính gây ra khổ đau. Như vậy, muốn được giải thoát, con người cần phải thoát ra ngoài vòng ái ngã, nguyên nhân chính của khổ đau và như vậy cuộc sống mới an lạc. Cũng như vạn vật, cái ngã chỉ do duyên hợp và sẽ biến hoại. Cuộc đời theo chu kỳ sanh, diệt như một bánh xe luân hồi, từ xưa đến mãi về sau. Nhà nhạc sĩ không nói đến bánh xe, nhưng ví như hòn sỏi đá lăn:
Hòn đá lăn bên đồi/ Hòn đá rớt xuống cành mai/ Rụng cánh hoa mai gầy/ Chim chóc hát tiếng qua đời, đến một ngày nọ, nhìn lại mình, chợt một chiều tóc trắng như vôi, người ta bổng thấy ‘nghe tiền thân về chào tiếng lạ, những mai hồng ngồi nhớ thiên thu ‘(Cỏ xót xa đưa).
Như vậy, bài toán môi trường phải giải quyết từ mỗi cá nhân, từ mỗi hành động: biết đủ là đủ, không tiêu thụ quá sá vì biết rằng con người hôm nay phải để lại cho con người ngày mai các tài nguyên. Không còn tài nguyên thì nhân loại sẽ khổ đau, loạn lạc, gây thêm nạn di dân môi trường.
3.3. Sinh thái học trong Lão giáo
Gọi là Lão giáo, vì cha đẻ của học thuyết này là Lão Tử. Theo học thuyết này thì cái căn nguyên đầu tiên của vũ trụ chi phối mọi việc trên Trái đất này là một cái gì vô hình, vô sắc không có tên; Lão tử gọi là cái Đạo nên học thuyết này còn gọi là Đạo giáo. Chính cái Đạo này làm cho trái đất có 4 mùa, có ngày, có đêm, biển có thuỷ triều, nước lên nước xuống, tóm lại Đạo là luật tự nhiên của Trời Đất, là nguồn gốc của vũ trụ, có trước vũ trụ. Mà cái đạo, tức cái luật tự nhiên, là không cần tranh mà hay thắng, không cần nói mà hay ứng nghiệm, không cần mời mà các vật vẫn theo về, lờ mờ mà hay mưu tính. (Thiên chi đạo, bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng, bất triệu nhi tự lai, thiện nhiên nhi thiện mưu).
Theo Lão Tử, trời đất với người là một, đều do đạo sinh ra cả. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà Người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo thì tự nhiên nhi nhiên. (Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên).
Lão giáo với thuyết âm dương, ngũ hành. Mọi vật đều có hai trạng thái âm dương. Âm dương chỉ là thuộc tính mâu thuẫn nằm trong tất cả mọi sự vật; nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn, chi phối mọi sự biến hoá và phát triển của sự vật. Nói chung, phàm gì có tính chất hoạt động, hưng phấn, ở ngoài, hướng lên, sáng chói, nóng rực đều thuộc về dương và ngược lại là âm. Trong thiên nhiên, mặt trời, ban ngày, phía trên, phía ngoài là Dương còn mặt trăng, ban đêm, phía dưới, phía trong là âm… Âm dương tuy bao hàm ý nghĩa mâu thuẫn, đối chọi nhưng còn bao hàm cả ý nghĩa nguồn gốc ở nhau mà ra, hỗ trợ, ức chế nhau mà tồn tại. Trong âm có mầm mống của dương và trong dương có mầm mống của âm.
Còn ngũ hành là 5 chất căn bản Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ. Các yếu tố này cũng tác động tương quan với nhau, theo cả hai nghĩa tương sinh và tương khắc. Khắc và sinh đều cần thiết cho sự quân bình tạo hoá.
Sau đây là vài ví dụ về sự tương sinh và lực lượng đối trọng của nó:
Thủy sinh Mộc: nhờ nước mới có cây mọc nhưng Mộc sinh Thủy: nhờ rừng nuôi dưỡng nguồn nước.
Mộc sinh Hoả: Cây cối làm mồi cho lửa đỏ nhưng Hoả sinh Mộc: tro tàn giúp cây phát triển.
Hoả sinh Thổ: Tro tàn tích lại làm ra đất nhưng Thổ sinh Hoả: dưới lòng đất là những núi lửa.
Thổ sinh Kim: Lòng đất tạo nên kim loại nhưng Kim sinh Thổ: các đá phún xuất lâu ngày sẽ tạo nên đất.
Và đây là vài ví dụ về tương khắc và lực lượng đối trọng:
Mộc khắc Thổ: Rễ cây đâm xuyên lớp đất còn Thổ Sinh Mộc: đất nuôi cây.
Thổ khắc Thuỷ: Đất đắp đê cao ngăn nước lũ còn Thủy sinh Thổ: dòng nước chở phù sa bồi lắng.
Thuỷ khắc Hoả: Nước dập được lửa còn Hoả sinh Thủy: kim loại nóng sẽ chảy thành nước.
Hoả khắc Kim: Lửa nung chảy sắt thép còn Kim sinh Hoả: các kim loại trong lòng đất phun ra lửa, tạo nên núi lửa.
Kim khắc Mộc: Thép cứng do chặt cây còn Mộc sinh Kim: cây rừng che chở cho các kim loại dưới đất.
Tương sinh trong ngũ hành:
Tương sinh nói lên mối quan hệ giữa hai vật hỗ trợ thúc đẩy, xúc tiến, bảo vệ lẫn nhau. Quy luật tương sinh trong Ngũ hành như sau:
Thủy sinh Mộc: Thủy là nguồn sinh trưởng của cây cối.
Hỏa sinh Thổ: Hỏa có thể thiêu đốt vạn vật thành đất.
Thổ sinh Kim: Kim thuộc là vật chất được tôi luyện từ trong bùn đất.
Mộc sinh Hỏa: Mộc có thể dùng để đốt lửa..
Kim sinh Thủy: Kim thuộc về chất rắn, sau khi được làm nóng chảy sẽ từ thể rắn chuyển sang thể lỏng, chất lỏng thuộc Thủy
Tương khắc trong ngũ hành:
Tương khắc là giữa hai vật có tác dụng cản trở, phá hoại và làm suy thoái lẫn nhau. Quy luật tương khắc của Ngũ Hành như sau.
Kim khắc Mộc: Những công cụ kim loại có thể chặt gãy cây cối.
Thủy khắc Hỏa: Nước dập tắt lửa.
Thổ khắc Thủy: Nước đến đất ngăn.
Hỏa khắc Kim: Lửa làm tan chảy kim loại.
Mộc khắc Thổ: Cây cối phá đất mà ra, gốc của cây nằm trong bùn đất, có thể làm đất tơi xốp, vì vậy khắc Thổ.
Nếu ứng dụng thuyết ngũ hành vào môi trường học thì:
Phá rừng (Mộc) sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ nước (Thuỷ) làm lụt lội nhiều hơn, phá vỡ sự hài hoà giữa 2 chất này. Trồng rừng sẽ làm lưu lượng nước nhiều hơn
Đào bới cát (Kim) làm thay đổi chế độ thuỷ văn của dòng sông (Thủy)
Cháy (Hoả) cũng tác động đến rừng (Mộc) và làm đất khô cằn (Thổ)
Bồi bổ đất bằng phân hoá học (Kim) làm hoa màu thêm tốt tươi (Mộc). Để đất dốc bị xói mòn (Thổ) sẽ làm mùa màng (Mộc) bị hư hại.
Trong sự biến đổi khí hậu hiện nay, chính vì các nhà máy và xe cộ (Kim) phát thải nhiều khí nhà kiếng trên bầu trời (Hoả) làm nhiệt độ Trái đất tãng nên các tảng băng ở Bắc cực và Nam cực chảy làm mặt nước biển dâng (Thuỷ), làm nhiều vùng đất duyên hải bị ngập (Thổ), không thể trồng hoa màu, lấp cây rừng ngập mặn (Mộc).
Sau đây ta thử phân tích ảnh hưởng của vài yếu tố nói trên:
1. Ảnh hưởng trên Thuỷ
–trên các dòng hải lưu: Ở điều kiện bình thường, các dòng hải lưu nóng (như Gulf Stream) khi chảy vào vùng ôn đới sẽ giải phóng nhiệt, làm không khí ở vùng này ấm lên. Sau đó các dòng hải lưu lạnh dần và chìm xuống tầng nước thấp hơn (do nước lạnh thường nặng hơn nước nóng) rồi chảy trở về vùng xích đạo. Nhưng khi nhiệt độ tăng sẽ làm các tảng băng ở hai cực tan nhanh, khiến độ mặn giảm đi và cơ chế trên sẽ bị xáo trộn.. Do nước biển càng ít mặn thì càng nhẹ nên các dòng hải lưu khi đã lạnh đi vẫn không thể chìm xuống. Các dòng hải lưu ngừng chảy. Hàng loạt sinh vật biển tuyệt chủng. Biển mất khả năng hấp thụ các loại khí gây hiệu ứng nhà kiếng. Bắc Âu từ trước đến nay, nhờ dòng hải lưu Gulf Stream nên ấm; nếu vậy thì Bắc Âu không còn nhận được dòng không khí nóng từ xích đạo lên sẽ trở thành lạnh.
–trên đại dương: Khí hậu thay đổi khiến đại dương ngày càng ấm và lớp không khí trên bề mặt đại dương ngày càng nóng ẩm hơn. Bão lớn vì thế ngày càng xuất hiện nhiều hơn: miền Trung xưa kia vài năm mới có một trận bão; ngày nay chỉ riêng năm 2007 đã có 6 trận bão liên tiếp, kéo theo lụt lội, đường hư, nhà sập.. Nói khác đi, nhiệt độ nước biển càng tăng, bão nhiệt đới càng dữ dội.
2. Ảnh hưởng trên Thổ: Từ sự ấm lên của Trái Đất, nước biển dâng cao sẽ làm nhiều vùng thấp ven duyên hải bị ngập nước mặn, làm mất đi diện tích canh tác nông nghiệp.
3. Ảnh hưởng trên Mộc: Khí hậu nóng lên cũng gây hạn hán, kéo theo cháy rừng làm mất đi sự đa dạng sinh học. Và khi không còn rừng che phủ thì xảy ra xói mòn đất đai (Thổ), thay đổi chế độ thuỷ văn với lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng núi, gây lụt miền đồng bằng (Thuỷ), đe doạ đến an ninh lương thực (Mộc).
Như vậy, nếu theo suy nghĩ của Lão giáo, vì con người đã làm trái với thiên nhiên như hàng ngày lấy lên từ lòng đất, từ lòng biển hàng triệu thứ từ hột xoàn, kim cương đến nhôm, sắt, khí đốt làm chế biến rồi lại thải ra hàng triệu tấn chất độc mới lại gây lầm than qua thiên tai, bão lụt, hạn hán. Trái lại nếu ta dùng các nguồn năng lượng thuận theo thiên nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thuỷ triều v.v. thì không có gây hậu quả tai hại vì không làm cho khí Co2 tăng lên.
Đó là những năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được. Trồng rừng cũng giúp giảm được khí Co2 vì rừng giúp hút bớt chất Co2 trong không khí, xuyên qua sự quang hợp, tức sự đồng hoá diệp lục tố.
Theo Lão Tử, làm gì cũng theo luật thiên nhiên vì cái tự nhiên rất huyền diệu. Đó là căn bản của thuyết vô vi vì vô vi không có nghĩa là không làm mà chỉ có nghĩa là không làm gì trái với tự nhiên. Thực vậy, vì chủ trương vô vi mà Lão Tử trọng những đức như khiêm, nhu, đề cao sự tiêu diêu, sự hoà đồng với vũ trụ:
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trên đời
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trên đời
Lão giáo cũng khuyên ta sống cuộc đời giản dị, đơn sơ nghĩa là bớt tiêu thụ mà bớt tiêu thụ cũng đồng nghĩa với giảm bớt nhu cầu năng lượng. Thực vậy, Lão Tử khuyên là ‘Hoạ không gì lớn hơn bằng bất tri túc, lỗi không gì lớn hơn bằng muốn cho được, cho nên đủ mà biết đủ thì thường thấy đủ’ (Hoạ mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc, cố tri túc chi túc thường túc hĩ.)
4. Tìm sự hài hoà giữa người và môi trường
Ngày nay khung cảnh thiên nhiên càng ngày càng nhỏ dần với sự phá rừng. Sự suy giảm diện tích rừng do dân số tăng, do di dân tự do bùng phát, đã làm suy giảm tài nguyên rừng, tác động xấu đến đa dạng sinh học gây nên hoang mạc, khiến đất đai bị mất phì nhiêu, lụt lội xảy ra liên tiếp hoặc hạn hán. Và khi không còn thảm thực vật rừng thì khả năng tích nước cũng bị giảm và làm quá trình bốc hơi nước từ mặt đất mạnh mẽ hơn, khiến cây cối không đủ nước để sinh trưởng. Phá hủy thiên nhiên là phá hủy luôn con người vì con người sau những giờ làm việc suốt tuần cũng cần có không khí trong lành, nghe lại tiếng chim muông, tiếng suối reo, mặt trăng lên, nhìn mặt trời lặn, để tìm chất lượng của đời sống để có chỗ giảm bớt căng thẳng vốn là một nhân tố giết người nhiều nhất (stress killer). Stress có thể làm tăng huyết áp, rối loạn tiêu hoá, làm khả năng chống bệnh giảm đi, cũng như kéo theo một lô bệnh của thời đại: lo âu, buồn rầu vô cớ, rồi từ đó là trầm cảm. Tuy nhiên khí nhà kiếng tăng là do các hoạt động của con người trong thế kỷ 20 này. Thực vậy, với các tiến bộ về y tế, tỷ lệ sinh đẻ cao trong khi tỷ lệ trẻ em chết càng ngày càng giảm, tuổi thọ con người cũng tăng, do đó ngày nay dân số trên thế giới càng ngày càng đông, không phải chỉ chừng 1 tỷ người như vài thế kỷ trước mà nay trên 6 tỷ trong đó có 2 nước Á châu là Ấn Độ và Trung Quốc đã trên 2 tỷ.
Slow is beautiful.. để nhái lại tựa đề một cuốn sách nổi tiếng ‘Small is beautiful’! Con người ở thời đại công nghiệp này có tâm trí luôn luôn bị động như robot suốt ngày, làm việc lắp ráp các bộ phận trong dây chuyền sản xuất từ máy điện toán đến ráp xe hơi, máy bay, mọi công đoạn đều lớp lang, có thời lượng quy định. Con người không ai biết nhau, xong việc là về nhà. Tâm lý bị dồn ép. Sự tiến bộ kỹ thuật từ nhiều thập niên gần đây với sự tăng tốc, cái gì cũng Express, nào là ExpressPost, Fast food, Café Express.. làm phá vỡ cấu trúc các xã hội cổ truyền, lối sống.
Thế giới thay đổi quá nhanh, con người không kịp thích nghi với các chuyển biến của thời đại sinh ra mất thăng bằng về tâm lý.. Do đó, trước đây người ta nói không bệnh tật là sức khỏe. Ngày nay, quan điểm về sức khỏe đã mở rộng hơn vì sức khỏe phải gồm 3 phần: sức khỏe cơ thể: khỏe mạnh; sức khỏe tâm thần: vui đời, lạc quan; sức khỏe xã hội: hòa hợp với xã hội, cộng đồng. Tìm hài hoà và an lạc cho tâm hồn chính là đạt đến sự quân bình sinh thái giữa 3 thành tố trên. Trong Phật học thì hoàn cảnh tự nhiên bên ngoài, xã hội nhân văn là y báo còn thân tâm con người là chánh báo. Chánh báo tương ứng với y báo.
Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã đem đến cho nhân loại xe hơi, nhà máy nhưng ngày nay, thế giới có đến 6 tỷ người, chen chúc trong các đô thị lớn (New york, Tokyo, Paris, Mexico city, Thượng Hải v.v…), với xe cộ ngổn ngang chạy bằng xăng dầu, với nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, với các khu kỹ nghệ toả ra mỗi ngày trên bầu trời hàng triệu tấn khí độc.
Con người đang sống vượt xa ngưỡng cho phép. Trong môi trường học có một khái niệm thường gọi là dấu chân sinh thái (ecological footprint) theo đó thì nhu cầu môi trường của con người (để ăn, mặc, ở v.v.) là 21.9 ha/người trong khi năng lực sinh thái của Trái Đất (đất đai, nước, rừng v.v.) chỉ có thể cung cấp trung bình 15.7 ha/người.
Với dân số đông dĩ nhiên sẽ kéo theo tiêu thụ về thực phẩm, về năng lượng, về nước, về rừng, về khoáng sản v.v. trong khi đó thì tài nguyên thiên nhiên không những suy thoái về lượng (rừng ít đi, đất đưa vào xây cất, nước ngầm thấp xuống v.v.) mà còn về phẩm (sa mạc hoá, mặn hoá, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí) và đến một lúc khi tiêu dùng trong kinh tế vượt quá sức sản xuất của vốn tạo hoá sẽ để lại entropi sinh thái càng ngày càng lớn và trở thành vấn đề toàn cầu. Entropi là một khái niệm nằm trong định luật thứ hai của nhiệt động học theo đó hệ thống nào cũng phải du nhập từ ngoài vào năng lượng và vật chất có chất lượng cao (thức ăn, thức uống, v.v.) nhưng cũng phế thải ra ngoài năng lượng và vật chất có chất lượng thấp thì mới tồn tại được. Cũng phải nói thêm là năng lượng và vật chất bị phế thái này không thể trở lại trạng thái ban đầu. Ví dụ: ta sản xuất ra 100 tấn giấy đòi hỏi điện, cây rừng, chất hoá học và cũng phải xả ra ngoài sông suối, ra ngoài không khí các phế thải và dĩ nhiên các phế thải này không thể còn dùng để làm ra giấy nữa.
Tóm lại, tài nguyên trái đất này là hữu hạn và con người phải thích nghi với môi trường sống càng ngày càng suy thoái. Chợt nhớ vài vần thơ trong bài Biển Cả của Phùng Cung với nhiều câu thơ tuyệt vời:
Hỡi biển cả/ Diện tuy rộng nhưng thiếu những giác quan cần thiết/ Lòng tuy sâu mà chứa đầy mầm xanh mặn chát!./ Ôi, bao im lặng thanh cao/ Đều chìm lắng trong thét gào man rợ! Vậy dẫu có vô cùng lớn lao gì đó/ Ta chỉ yêu cầu phải hài hoà với vô cùng bé nhỏ mà thôi!
5. Kết luận
Với các phân tích trên nghĩa là Thiên, Địa, Nhân trong Khổng giáo, Ngũ hành theo Lão giáo, trùng trùng duyên khởi cái này có vì cái kia có trong Phật giáo, ta nhận ra rằng mọi phạm trù khí quyển, thủy quyển, địa quyển, thổ quyển, sinh quyển, mọi cái ‘quyển’ đó đều liên quan mật thiết với nhau tạo ra hệ sinh thái (ecosystem) theo đó thì Một là tất cả và tất cả là Một (Oneness). Chữ Một này vốn đã nằm tiềm tàng trong các thành ngữ như thiên nhân hợp nhất, tâm vật dung hợp, nội ngoại không cách biệt, vạn vật đồng nhất thể. Và chính vì mọi vật trong môi trường đều tương liên, tương thuộc, tương tác nên cần giữ trạng thái cân bằng, hài hoà, nếu không môi trường sẽ mất thăng bằng và cạn kiệt. Đó chính là đạo lí môi trường nằm tiềm tàng trong cả 3 học thuyết/tôn giáo nói trên.
Loài người phải nhận thức rằng hành tinh Trái Đất ta ở đang có xu hướng gặp thảm họa do dân số tăng, do sự kiệt quệ các tài nguyên tự nhiên như đất, nước, dầu mỏ, sự xuống dốc môi trường sống và tình trạng thiếu lương thực.
Con người phải ý thức chúng ta đang sống trên một con thuyền . Thuyền chìm thì nhân loại cũng chìm theo. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người và của mỗi người.
Cũng y hệt như tiền trong trương mục ngân hàng, con người của thế hệ hôm nay chỉ có quyền sử dụng phần lời, đừng đụng chạm đến phần vốn, vì vốn (vốn đất, vốn rừng, vốn nước…) phải dành lại cho các thế hệ mai hậu.
Thái Công Tụng
Tài liệu tham khảo sơ lược
Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. Đại cương triết học Trung Quốc
Grenier L’esprit du Tao. Flammarion 1973
Nguyễn Thanh Liêm. Lão giáo trong Đồng Nai Cửu Long số 7.Tháng 9, 2007
Nguyễn Thành Long. Ô nhiễm và thanh tịnh môi trường. Pháp Âm số 81. Tháng 1/2005
Nguyễn Đăng Trúc. An hoà trong Tam giáo trong Việt Nam: Văn hoá và Môi trường. Khai Trí Cali sắp xuất bản
Nguyễn Ước. Đạo học đại cương, Nho học đại cương trong www.talawas.org
Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh. Tư tưởng Á Đông trong Tập san Y sĩ số 163 Montreal tháng 10, 2004