Người Việt mình ai cũng thích bóng tròn, ấy vậy mà cách nay hơn trăm năm, đội bóng Cercle Sportif Saigonnais người Pháp lại chơi bóng bầu dục (rugby). Sân banh thuở đó chính là sân Jardin de la Ville tức sân Tao Đàn ngày nay. Mà tôi cũng không hiểu sao người Pháp lại lấy bóng bầu dục làm môn thể thao quần chúng. Có lẽ lúc đó dân Annam cũng chẳng biết môn bóng tròn chơi ra sao, luật lệ như thế nào. Các trận tập dượt, thi đấu giữa các đội quân đội với dân sự Pháp chỉ có người Pháp và một ít quan chức người Việt xem. Đội bóng tròn Ngôi Sao Gia Định lúc ấy chưa ra đời.
Trận bóng bầu dục giao hữu với nước ngoài đầu tiên tại Sài Gòn là giữa người Pháp với người Anh, nguyên là thuỷ thủ trên chiến hạm King Alfred kỳ họ ghé thăm Sài Gòn năm 1905. Có lẽ các quan chức thể thao Pháp thấy môn bóng bầu dục chẳng thu hút sự quan tâm của quần chúng cho nên một năm sau đó ông E. Breton, uỷ viên Pháp trong Hội Liên hiệp Thể thao Pháp (L’Union des Sociétés Françaises des Sports Athlétiques) mới đem bóng đá sang Việt Nam phổ biến, tổ chức đội bóng câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais, và xây dựng các đội bóng quân đội và công chức tại nhiều nơi.
Thấy môn thể thao này hấp dẫn, nhiều câu lạc bộ bóng tròn tại Sài Gòn được thành lập để luyện tập và đấu giao hữu với nhau. Nào là Infanterie, Saigon Sport, Athletic Club, Stade Militaire, Taberd Club, Gia Ðịnh Sports, Thị Nghè, Tân Ðịnh, Chợ Quán, Khánh Hội, Phú Nhuận, Gò Vấp, Chợ Lớn… Các giải bóng đá cũng bắt đầu có từ đó. Ðội Cercle Sportif Saigonnais, nhờ được tổ chức và huấn luyện chuẩn mực, nên đã đứng ra tổ chức các giải đấu trong những mùa kế tiếp. Kể từ đấy môn bóng tròn lan rộng đến các tỉnh miền Nam như Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Ðéc, Gò Công, Châu Ðốc, Mỹ Tho…
Phong trào bóng tròn bắt đầu nổi lên mạnh mẽ tại Sài Gòn. Các sân banh như Gia Ðịnh, Hoa Lư, Tao Ðàn tuần nào cũng kín mít người đi xem các trận giao hữu giữa những đội Việt và Pháp. Người Việt nhanh nhạy, chơi bóng khá hay. Các cầu thủ người Pháp vì cũng chỉ là dân chơi tài tử nên một số về sau sang đầu quân cho các đội An Nam. Hai đội bóng lớn thời ấy là Gia Ðịnh Sports do ông Ba Vẻ, Phú Khai dẫn dắt, và Ngôi Sao Xanh do ông Huyện Nguyễn Ðình Trị làm ông bầu. Cả hai đội, thành lập vào năm 1907, đều có dàn cầu thủ hùng hậu. Do quyết tâm có được một đội bóng hùng mạnh có khả năng hạ các đội bóng người Pháp, mấy ông bầu quyết định sáp nhập hai đội này làm một, lấy tên là Ngôi Sao Gia Ðịnh và giao cho Huyện Trị dẫn dắt.
Đội bóng tròn Ngôi Sao Gia Định
Xin nói thêm một chút về ông Nguyễn Ðình Trị, làm quan đến chức Tri Huyện (sau này là thành viên của Hội đồng Dinh Xã Tây Sài Gòn). Ông có hai cô con gái gọi là cô Nhất và cô Nhì. Cô Nhất, tức Nguyễn Thị Châu, người tự lấy Tú Tài Pháp tại Sài Gòn rồi sang Pháp du học. Sau đó cô trở về làm giáo viên trường Nữ Sinh Áo Tím (Gia Long) rồi trở thành người phụ nữ Annam đầu tiên giữ chức Hiệu Trưởng. Còn cô Nhì, tên Nguyễn Thị Kiêm, nổi tiếng đấu tranh cho nữ quyền đồng thời còn là nhà thơ và nữ ký giả đầu tiên của làng báo chí Sài Gòn với bút hiệu Manh Manh.
Ông Trị mua một miếng đất trước Lăng Ông ở Bà Chiểu để lập sân riêng, rồi thuê huấn luyện viên cho cầu thủ. Dưới sự dẫn dắt của bầu Trị, đội Ngôi Sao Gia Ðịnh gần như năm nào cũng đạt thứ hạng cao của giải, trên cả đội bóng Cercle Sportif Saigonnais của người Pháp–cái nôi bóng tròn được huấn luyện bài bản hơn ai hết. Năm 1917, Ngôi Sao Gia Ðịnh đoạt chức vô địch. Từ đó Ngôi Sao Gia Ðịnh được coi như một trong “tứ hùng”, gồm hai đội Pháp–Stade Militaire, Cercle Sportif Saigonnais, và hai đội Việt–Saigon Sport và Ngôi Sao Gia Ðịnh. Sau này Cercle Sportif Saigonnais và Cercle Sportif Annamite lập ra ủy ban liên-câu-lạc-bộ, gọi là Commission Sportive Interclubs (C.S.I) để tổ chức các giải lớn như giải Vô Ðịch Nam Kỳ.
Sân Tao Đàn năm 1905
Theo nhà văn Sơn Nam viết trong “Người Sài Gòn”, thời đó thì nhựt báo, sân khấu cải lương, và bóng tròn là ba nhu cầu lớn của người Sài Gòn. Chuyện đội bóng Ngôi Sao Gia Ðịnh đạt chức vô địch, thắng các đội Pháp đã đem lại niềm tự hào cho người Việt. Năm 1924 đội này lại một lần nữa đoạt chức vô địch. Ðến lúc đó người Pháp phải chính thức công nhận các đội bóng người Việt, và buộc họ phải vào trong hệ thống chỉ đạo của Tổng Cục Bóng Tròn (TCBT) do người Pháp cầm đầu. Có nhiều nguồn tin cho biết ông bầu Trị nhất định không chịu tham gia TCBT, nhưng vẫn thi đấu tại các giải lớn như giải Vô Ðịch Nam Kỳ.
Từ đó các sân bãi được mở rộng và làm mới nhiều thêm, như sân Citadelle (sân Hoa Lư), sân Renault tức sân Thống Nhất (sau này xây dựng quy mô thành sân vận động quốc gia năm 1931), sân Fourières (Bà Chiểu), sân Mayer (trên đường Hiền Vương), sân Marine ở quận 3. Tuần nào cũng có những trận banh giữa các đội người Việt. Các đội bóng ở tỉnh lẻ cũng đưa cầu thủ lên Sài Gòn thi đấu giao lưu. Người Sài Gòn ngày càng mê đá banh, nhất là kể từ khi danh thủ Paul Thi của Ðội Ngôi Sao Gia Ðịnh đấu với Cercle Sportif Saigonnais bị treo giò vĩnh viễn do trọng tài thiên vị. Từ năm 1929 các đội bóng người Việt được phép xuất ngoại thi đấu giao lưu ở các nước Singapore, Thái Lan.
Sự hâm mộ bóng tròn của dân chúng ngày càng cao, nhưng các giải trong nước (Nam kỳ) hay bị gián đoạn, không diễn ra hằng năm. Nhưng những đội tham gia các giải lớn lại ít ỏi vì yếu kém, chỉ có 6 đội người Việt và 3 đội người Pháp tranh tài với nhau. Ngôi Sao Gia Ðịnh tuy mất Paul Thi nhưng vẫn còn nhiều cầu thủ tài giỏi khác như Sách, Thơm, Nhiều, Quý, Tịnh, Xường, Trung, Vi, Mùi, Tiếc, Rớt, Tài, Út, Danh, Giỏi, Quang. Giải đầu câu-lạc-bộ vẫn tổ chức thường xuyên ở Sài Gòn; Ngôi Sao Gia Ðịnh đăng quang 8 lần vô địch.
Sơn Nam viết: “Sân Thống Nhứt khánh thành năm 1931. Tư nhân, hoặc tổ chức tư nhân, lần lượt đứng ra lập giải, đội người Việt vẫn trên chân đội của người Pháp. Chiến thuật sắp đội hình theo chữ W.M được du nhập từ năm 1937, do một hội tài tử Anh quốc sang viếng Sài Gòn. Lúc đầu ta thua, nhưng vài ngày sau ta học nhanh chóng, dùng chiến thuật ấy để đánh trả lại hội người Anh và đã thắng. Năm sau, Hội tuyển Nam kỳ mở chuyến viễn du, đấu với Hương Cảng rồi qua Phi-líp-pin”.
Ngôi Sao Gia Ðịnh tiếp tục giữ vững danh hiệu là một trong những đội mạnh của Sài Gòn những năm sau đó. Lúc Ðệ Nhị Thế Chiến đến Ðông Dương, Người Nhật vào Sài Gòn rồi lại bị giải giáp, tình hình chính trị rối ren. Khi người Pháp trở lại thì phong trào thể thao nói chung ở Nam kỳ đang lắng đọng. Các giải thi đấu cũng rời rạc, ngoại trừ một số tuyển thủ được tập hợp lại gọi là Ðội Tuyển Quốc Gia để thi đấu quốc tế.
Ngôi Sao Gia Ðịnh giải tán năm 1954; các cầu thủ gạo cội của đội đầu quân các đội banh lớn như AJS (Association de la Jeunesses Sportive), Cảnh Sát, Quan Thuế, Việt Nam Thương Tín, Tổng Tham Mưu… Các đội này tuyển chọn cầu thủ quốc gia tham gia giải Ðông Nam Á Vận Hội đầu tiên—SEAP Games 1959 tại Bangkok, và đoạt Huy Chương Vàng.
Ngày nay, Ngôi Sao Gia Ðịnh chỉ còn là một cái tên để dân Sài Gòn ghi nhớ công lao khai phá môn bóng tròn, mang lại vẻ vang cho người Việt. Nó là chiếc cầu nối tạo ra những cầu thủ sau này thời VNCH với những cái tên Rạng, Ngôn, Tam Lang mà giới trung niên hầu như ai cũng biết.
Trang Nguyên