Cuộc đời Napoléon Bonaparte (1769-1821) lãng mạn, sôi nổi, lắm thăng trầm đã để lại nhiều giai thoại lý thú.
Từ một thanh niên đảo Corse, ông đã tới Pháp, học trường sĩ quan, có tài quân sự, rồi đảo chánh thành công, trở nên chính khách thủ lãnh và mở đầu chinh phục Âu Châu. Ông đã biến một nước Pháp trì trệ và bảo thủ trở thành đạo quân ngang dọc khắp Âu Châu, một dân tộc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi tư hữu và thừa kế nay trở nên hào phóng, hy sinh tất cả cho tổ quốc. Thời đó quân đội là một giai cấp đặc quyền và Napoleon đã làm lơ để cho thuộc hạ sống bừa bãi, phóng túng hầu giữ họ lại dưới cờ. Bản thân nhà chính khách mị dân này, trong cuộc sống riêng tư buông thả cũng đã là một tấm gương xấu cho sĩ quan và binh lính.
Thoạt đầu ông chỉ là một người tình rụt rè và có phần vụng về. Ông không mấy thành công khi ở gần phái nữ. Có lúc ông đã nghĩ đến chuyện leo lên bằng một cuộc hôn nhân có tính toán với một thiếu nữ 16 tuổi. Nhưng khi có quyền hành trong tay ông đã thay đổi cung cách ứng xử. Phụ nữ đối với ông cũng giống như thuộc cấp. Ông ra lệnh cho họ đến gặp ông; nếu họ từ chối ông ra lệnh bắt giữ.
Ông gần họ một đêm, vài tuần, nhiều lắm là mấy tháng, rồi trả họ về sau khi đã thỏa mãn. Nếu có đàn ông nào là chướng ngại cản đường, dù đó là chồng của người ông chọn, ông tìm cách đẩy đi xa, giống kiểu vua Néron ngày xưa.
Ông gần họ một đêm, vài tuần, nhiều lắm là mấy tháng, rồi trả họ về sau khi đã thỏa mãn. Nếu có đàn ông nào là chướng ngại cản đường, dù đó là chồng của người ông chọn, ông tìm cách đẩy đi xa, giống kiểu vua Néron ngày xưa.
Cũng có kha khá ông chồng được nhờ, nhưng nói chung Napoleon không rộng lượng lắm đối với các tình địch. Trong cuộc viễn chinh ở Ai Cập, bắt buộc phải dừng chân ở Caire nơi ông không thích, ông ra lệnh cho sĩ quan hầu cận dẫn đến ông vợ của một Trung Úy Pháp mà ông gặp khi cưỡi ngựa ngoài đường. Vì người đàn bà yêu chồng và không muốn hiến thân cho ông Tướng, Napoleon liền phái viên Trung Úy đáng thương đi làm công tác nguy hiểm: anh phải dùng tàu nhỏ phá vòng vây của Anh để tới Malte. Tất nhiên ngay sau đó anh bị quân Anh bắt làm tù binh, và Napoleon nhờ vậy có thể lặng lẽ kín đáo đến an ủi vợ của thuộc cấp.
Khi đã trở thành Hoàng Đế uy quyền tuyệt đối, ông không còn cần đến lạm quyền vì phụ nữ đổ xô đến ông. Với các diễn viên, ca sĩ và cả những phu nhân địa vị cao, mục đích tối thượng của họ là được chung chăn gối một đêm cùng con người đầy quyền lực. Nhưng ngay trong thời kỳ này, Napoleon vẫn giữ sở thích kỳ quặc là săn đuổi phụ nữ ngoài đường phố. Nhờ vậy mà một thiếu nữ ở Berlin đã lọt vào mắt ông, mặc dù nói chung ông thích phụ nữ miền Nam hơn.
Sau khi tiến vào Berlin, Napoleon ra lệnh tổ chức một cuộc diễn binh lớn. Các biện pháp an ninh được thực hiện thật nghiêm ngặt, nhưng một thiếu nữ có mẹ đi kèm đã đến được gần Hoàng Đế để trình một thỉnh nguyện. Napoleon đưa mắt nhìn cô con gái, một thiếu nữ đẹp khác thường, và chỉ thế là đủ để buổi chiều, qua trung gian của Constant, người hầu phòng, nàng được mời đến lâu đài Charlottenbourg.
Người mẹ phải đợi ở phòng ngoài, chỉ một mình con gái được dẫn vào gặp Hoàng Đế. Cuộc tiếp kiến kéo dài tới sáng sớm hôm sau và kết thúc bằng việc Hoàng Đế đền bù cho cô gái 200 đồng vàng. Hoàng Đế không ngại kể với hầu phòng là nàng đã làm ông hứng thú rất nhiều, nhưng dần dần ông hơi bực mình vì nàng không biết đến lấy một tiếng Pháp.
Người mẹ phải đợi ở phòng ngoài, chỉ một mình con gái được dẫn vào gặp Hoàng Đế. Cuộc tiếp kiến kéo dài tới sáng sớm hôm sau và kết thúc bằng việc Hoàng Đế đền bù cho cô gái 200 đồng vàng. Hoàng Đế không ngại kể với hầu phòng là nàng đã làm ông hứng thú rất nhiều, nhưng dần dần ông hơi bực mình vì nàng không biết đến lấy một tiếng Pháp.
Mấy tháng sau Constant gặp lại thiếu nữ này ở Paris tại một đường phố gần Palais-Royal nơi hành nghề của gái giang hồ. Nàng kể hắn nghe một chuyện khó tin: Một Đại Tá Pháp đã cưới nàng, rõ ràng với hy vọng nàng có thể giúp ông thăng tiến; nhưng vì nàng không giúp được gì cho ông, ông đã bỏ rơi nàng khiến nàng phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách. Napoleon cũng muốn gặp lại người đẹp Berlin, nhưng ông từ bỏ được ý định, và gửi cho nàng 4000 quan, bảo nàng trở về Berlin ngay.
Danh sách phụ nữ được Napoleon ban ân thì dài lên đến hàng mấy chục. Nguời ta biết rõ điều này nhờ cuộc đời ái tình của ông đã được nhiều tác giả nghiên cứu kỹ, cũng như qua chính những tiết lộ của ông. Ông thường thuật lại với thuộc hạ chẳng chút ngại ngùng những cuộc tình của mình; đôi khi ông công bố kết quả của ngay đêm vừa qua… dĩ nhiên toàn là những thắng lợi. Không phụ nữ nào được ông để mắt tới có thể cưỡng lại ông. Không phải vì ông được trời phú cho có nét hấp dẫn gì, mà phụ nữ phục tùng ông là do tham vọng, do sợ sệt, hoặc do hy vọng kiếm được lợi lộc khi quan hệ với người quyền lực nhất Âu Châu.
Napoleon là kiểu người yêu cuồng nhiệt, mãnh liệt. Có trước mặt một phụ nữ mới ông ôm choàng lấy nàng như một kẻ khát tình. Nhưng ông cũng biết tỏ ra dễ thương và quyến rũ đàn bà bằng sự dịu dàng. Ông viết cho nàng những là thư tình nóng bỏng, hỏi thăm sức khỏe khi có dịp, quan tâm rõ ràng đến quyền lợi riêng tư của nàng. Chỉ khi bị quấy nhiễu quá ông mới trở nên khó chịu và có khi tàn nhẫn.
Với phụ nữ cũng như thuộc cấp, ông luôn luôn thích chinh phục và chỉ huy. Ông đã để lại bộ luật Napoleon trói buộc phụ nữ Pháp suốt trong gần 150 năm. Ông giải thích: “Thiên nhiên đã tạo ra phụ nữ để làm nô lệ cho chúng ta! Người chồng có quyền bảo vợ, thưa bà, bà không được đi ra ngoài! Thưa bà, bà không được tới rạp hát! Thưa bà, bà không được gặp ngừơi này, người nọ! Nghĩa là, thưa bà, bà thuộc về tôi cả trái tim lẫn linh hồn!”
Nhưng Napoleon không có tính ác dâm. Ông không thích thú khi thấy người khác đau khổ. Người bạn chăn gối phải coi đêm ân ái với ông là một kỷ niệm đẹp. Ông đầy quyền hành nhưng không độc ác. Trong những cuộc phiêu lưu tình ái đôi khi ông liều lĩnh như trẻ con. Hồi còn thanh niên, ban đêm ông leo qua cửa sổ để đến với người tình. Ông muốn là một Don Juan, nhưng ông vẫn chỉ là Napoleon. Ông chinh phục phụ nữ không phải nhờ sức cường tráng, đẹp trai quyến rũ mà vì ông là người đầy quyền lực. Đó là thảm kịch sâu kín của đời sống ái tình của Napoleon.
Rõ ràng ông không là thần tượng của phái đẹp, ông phải làm tất cả những gì có thể để tự chứng minh và chứng minh với phụ nữ về sức cường tráng của mình. Trong nhiều năm đêm nào ông cũng gần đàn bà, mỗi lần một người. Ông ghét những cuộc truy hoan tập thể vốn đang là cái mốt thịnh hành. Khá ngạc nhiên là cuộc sống tình dục mãnh liệt khác thường này lại có thể đi đôi với một hoạt động tất bật do nhiều chức vụ đảm nhận: Tổng Chỉ Huy quân đội, Quốc Trưởng, Thủ Lãnh một đế quốc lớn…
Tuy nhiên dù là thiên tài xuất chúng cũng cần phải ngủ. Cô George thuộc hý viện Pháp, người tình lâu dài của Napoleon đã kể lại những đêm ân ái: Khi dục tính đã thỏa mãn ông quay ra ngủ “bình yên như một đứa trẻ”, đầu gối lên ngực người tình và buổi sáng thức dậy khoan khoái tươi rói.
Mặc dù Napoleon cũng thích qua vài đêm với những người tình cũ, thay đổi tình nhân đối với ông là nhu cầu tuyệt đối. Nhưng điều này không cản trở ông gắn bó trong nhiều năm với 3 phụ nữ: Joséphine, nữ Bá Tước Ba Lan Maria Walewska, và Marie-Louise dòng họ Habsbourg Áo.
Joséphine gốc đảo Martinique là vợ góa của Tử Tước Beauharnais, đang tìm an ủi trong những cuộc tình liên tiếp. Một tình nhân là Tử Tước Barras quyền hành và giàu có nhất trong thời Chấp Chính đã bị bà Tallien, bạn thân của Josephine, cuỗm mất. Josephine được hai người đền bù bằng một viên Tướng Pháo Binh trẻ là Napoleon, lúc đó còn nghèo vừa lên Paris tìm cách tiến thân, bỏ lại đằng sau mối tình đầu với nàng Désirée. Trong vòng tay điêu luyện của người đàn bà hơn mình 6 tuổi Napoleon tìm thấy một tình yêu tinh nhã chưa từng nếm trải, những nhục cảm đã để lại những dư vị tuyệt vời không thể nào quên.
Trăng mật được hơn một tuần thì Napoleon đã phải lên đường vào chiến dịch Ý ngày 20/03/1796. Thư từ cho thấy rõ mối tình cuồng nhiệt, sôi nổi lúc đó: “Em đang làm gì vào lúc này? Em hẳn đang ngủ, và anh không có ở đó để cảm nhận cái hơi thở của em, chiêm ngưỡng dung nhan em, và âu yếm vuốt ve em. Xa em đêm thật dài, buồn và vô vị. Gần bên em thì anh lại tiếc đêm không kéo dài bất tận.” Ngày 24/04/1796 ông gửi cho nàng “một cái hôn chỗ tim em và rồi thấp xuống nữa, xuống nữa.” Và trong thư khác ngày 21/11/1796 ông viết: “Em biết rất rõ rằng anh không thể quên những khám phá nho nhỏ; em biết rất rõ, khu rừng đen nhỏ. Anh gửi nó 1 ngàn cái hôn và nôn nóng chờ đợi được ở đó.”
Nhưng Josephine thì đã lại lăng nhăng ngay sau khi xa ông, với viên Đại Úy tóc vàng Hippolyte Charles cũng như nhiều người khác sau này. Có lần Napoleon tức giận không thấy nàng đến Milan theo dự tính khiến cho da phát sinh dị ứng viêm phồng. Mãi đến năm 1799 ông mới biết rõ vợ ngoại tình lung tung, cũng như nhận hối lộ để ban phát những hợp đồng cung cấp cho quân đội; nhưng đến năm 1809 ông mới quyết định ly dị. Tại đảo Sainte-Hélène sau này, ông đã kết luận về Josephine: “Nàng có cái vưu vật đẹp nhất thế giới, nhưng nàng nói dối như cuội.”
Maria Walewska mà ông gặp ở Varsovie năm 1807 là người đàn bà định mệnh, người duy nhất có ảnh hưởng chính trị đối với ông, đã lôi kéo ông vào chiến trường phương Đông, khởi đầu bằng chương trình Giải Phóng Ba Lan khỏi ách Nga Hoàng, và kết thúc thảm hại ở Moscow. Chắc chắn không phải nét quyến rũ của người đẹp Ba Lan đã khuất phục được ông, nhưng qua nàng ông đã có bằng chứng về khả năng sinh con của mình: nàng đã thai nghén cho ông một đứa bé. Không lâu trước đó một người tình khác của ông cũng đã sinh một đứa bé có thể là con ông. Nhưng mẹ nó vốn là người rất nhẹ dạ, lại là vợ của một tên lừa đảo vừa mới thụ án 2 năm về tội lường gạt. Tuy vậy Napoleon vẫn phong cho đứa con nghi ngờ của mình chức Bá Tước với một tài sản xứng đáng, nhưng ông không công khai thừa nhận tư cách phụ hệ.
Với Maria Walewska ông không thể nghi ngờ. Đứa bé trai chỉ có thể là con ông. Từ nay vấn đề triều đại được đặt ra một cách gay gắt. Mười hai năm qua cuộc hôn nhân của ông với Josephine đã không đơm hoa kết trái. Josephine đã có con với chồng trước, cho nên vô sinh hình như rõ ràng là lỗi của ông. Thắc mắc này hằng đè nặng tâm trí ông nay đã được giải tỏa. Ông quyết định ly dị Josephine và thành hôn với một Công Chúa thuộc một trong những dòng họ quý tộc lớn để có người thừa kế ngai vàng mang dòng máu quý tộc. Các nhà ngoại giao trách nhiệm thương thảo cuộc hôn nhân thoạt đầu nghĩ là Công Chúa Nga 16 tuổi, em của Nga Hoàng Alexandra. Nhưng trong khi ở Petersbourg người ta đang còn lưỡng lự thì Metternich lo ngại một liên minh Pháp-Nga có thể thành hình, đã đi trước một bước, đề nghị con gái 17 tuổi của Hoàng Đế Áo Francois I.
Marie-Louise rõ ràng không phải mẫu thiếu nữ Napoleon ưa thích. Nàng hơi cứng và cao hơn ông chồng tứ tuần một cái đầu, nhưng rồi cũng được chấp thuận “bàn giao.” Hôn ước kết thúc tốt đẹp, giống như người ta đang tiến hành chuyển giao một món hàng. Hôn lễ cử hành ở Vienne theo kiểu ủy nhiệm, nghĩa là vắng mặt chú rể. Marie-Louise được đưa lên xe ngựa của triều đình và chuyển đến Paris. Dù cho Napoleon có chú ý đến cuộc hôn nhân này, ông không cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Đây là lần đầu tiên trong đời ông lấy một thiếu nữ mà chỉ mới biết được qua hình ảnh và báo cáo…., hơn nữa lại là một Công Chúa chính hiệu.
Điều này đối với ông có vẻ mới mẻ. Ông chưa với cao lắm với những cuộc tình của mình. Số đông phụ nữ từng qua đêm với ông đều là gái giang hồ, diễn viên, ca sĩ, vũ nữ – cả vũ nữ leo dây múa rối – con gái tiểu tư sản, vợ của thuộc cấp, phu nhân trong triều, hiếm có phụ nữ dòng dõi quý tộc. Ông chưa bao giờ tìm thú vui ái tình với các Công Chúa của những triều đình nhỏ bé này mà sự tồn vong tùy thuộc vào tính khí bất thường của ông. Nói cách khác, ông đã luôn luôn nghiêm khắc tách rời tình dục khỏi chính trị. Walewska rõ ràng là một phụ nữ không có tước vị chính thức, không có gì ràng buộc được ông. Nhưng lần này, đời sống tình dục của ông phải phục tùng quyền lợi đất nước, phải thích nghi tối đa với lề thói Tây Ban Nha-Áo ngay cả trong phòng ngủ.
Như vậy là quá đáng với Napoleon, một người dù trong quan hệ vợ chồng vẫn không ngừng đóng vai kẻ chinh phục và chiến thắng. Ông không chịu để cho người ta đưa cô dâu đến tận nhà. Ông muốn thành vợ chồng trước khi tiếng chuông lễ cưới vang lên ở Paris. Ông bất thình lình đến gặp Marie-Louise, nhảy vào xe của nàng đang chạy trên đường, và đêm động phòng diễn ra ngay tại lâu đài Compiègne, chẳng cần nghi lễ đạo hay đời. Napoleon rất khoái trá về cú ra tay bất ngờ này. Ngày hôm sau ông trở lại đám thuộc hạ. Ông viết cho một người thân; “Hãy cưới một em Đức, bạn thân mến! Đó là những phụ nữ tuyệt vời của trần gian; họ ngon lành, ngây thơ và tươi mát như hoa hồng.”
Nhưng sự ngây thơ của Marie-Louise không kéo dài lâu. Khi Napoleon bị lưu đày ở đảo Elbe, nàng rơi ngay vào vòng tay của Tướng kỵ binh Áo, Adam Adalbert von Neipperg, mà gia đình nàng đã phái đến để đón nàng về. Lúc này hãy còn là vợ chính thức của Napoleon, nàng đã sinh một đứa con ngoại hôn. Rõ ràng nàng có hơi lo ngại về hậu quả của cuộc ngoại tình, nhưng triều đình Vienne thì không lấy làm điều. Neipperg vẫn được tìn nhiệm và còn được khen thưởng, như để cho thấy họ không còn dính líu gì với vị Hoàng Đế bị truất phế.
Napoleon cũng tìm cách tự giải sầu. Mặc cho định mệnh khắc nghiệt, trái tim ông vẫn trẻ trung và khao khát yêu đương. Ở Elbe ông có 3 người tình; và ngay cả ở đảo Sainte-Hélène, đau ốm, ông vẫn nuôi quan hệ thân mật thoạt tiên với con gái người gác cửa, rồi với vài phụ nữ khác. Lúc này ông vẫn giữ được phong độ vương giả. Ông di chúc để lại cho Marie-Louise những đăng-ten và trái tim của mình – trái tim phải được bảo trì trong rượu cồn và gửi tới hoàng hậu để chứng tỏ “rằng ta yêu nàng tha thiết và không bao giờ ngừng yêu nàng.”
Phạm Đức Thân
(tổng hợp nhiều tài liệu Anh, Pháp)
(tổng hợp nhiều tài liệu Anh, Pháp)