Nửa thế kỷ đã trôi qua, cựu quân nhân VNCH vẫn còn nhớ mãi Ngày Quân Lực. Khắp mọi nơi đều tổ chức họp mặt... bởi vì.. "Hồn lính còn vương trên tóc bạc, anh nhớ sa trường, em có hay..."
Ý nghĩa và lịch sử
Lịch sử miền Nam Việt Nam của chúng ta ngoài bất hạnh to lớn là ngày mất nước tan hàng 30 tháng 4-1975 còn có những bất hạnh nhỏ cũng khá đau thương.
Nếu chúng ta có những ngày ghi dấu rõ ràng như giỗ Tổ Hùng Vương, Hai bà Trưng, rồi trải qua các triều đại anh hùng chiến đấu chống Bắc phương của thời xưa thì ngày tháng lịch sử của một trăm năm qua có nhiều điều phiền muộn.
Không thể kể đến các ngày tháng mà phe cộng sản ồn ào tưởng niệm, riêng miền Nam chúng ta vẫn còn nhớ ngày 20 tháng 7-1954 chia đôi đất nước. Rồi đến 30 tháng 4-1975 mất nốt miền Nam. Đó là hai ngày quốc hận. Chúng ta có đến 2 ngày Quốc Khánh nhưng chẳng ngày nào được coi là toàn quân toàn dân đồng thuận. Ngày 26 tháng 10 của nền Đệ Nhất Cộng Hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng phải trả giá mở đầu bằng cuộc truất phế ông vua cuối cùng của triều Nguyễn trong chức vụ Quốc Trưởng và chấm dứt bằng cái chết của chính vị Tổng Thống đầu tiên. Qua nền Đệ Nhị Cộng Hòa của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã ra đời bắt đầu bằng một ngày Quốc Khánh mới 1 tháng 11. Ở giữa 2 nền Cộng Hòa có ngày 19-6-1965. Ngày mà ông Thủ Tướng Kỳ gọi là ngày quân đội lên cầm quyền. Đó là ngày được chọn là Ngày Quân Lực, chúng ta vẫn tưởng nhớ và kỷ niệm cho đến nay. Tại hải ngoại đây là Ngày Quân Lực lần thứ 50.
Mặc dù không thích cái ý nghĩa nguồn gồc lịch sử của Ngày Quân Lực, nhưng không phải vì vậy mà chúng tôi không tôn trọng nó. Đây chính là điều hẹn ước, đây chính là một sự thỏa hiệp. Đây là cái cây của tình chiến hữu, phải chăm sóc mới tồn tại và phải tưới nước bón phân mới sống được. Sau cùng, khi nói chuyện cũ vẫn có anh em trẻ hỏi rằng tại sao ngày xưa không lựa chọn một ngày nào khác có ý nghĩa và không hệ lụy với biến chuyển thời sự cuả các triều đại. Bèn kể lại chuyện lịch sử ngày Quân Lực như sau:
50 lần Quân Lực, viết cho đời lính.
Tôi đã từng đọc biết bao lần về lịch sử Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi lần đọc là một lần khắc khoải, nhưng rồi bụng lại bảo dạ, thôi không than thở nữa. Lần này vào dịp Quân Lực 19 tháng 6 năm 2015, lại xin gửi đến các chiến hữu một chút tâm sự.
Cũng như quý vị, chúng tôi không thích cái ý nghĩa nguyên thủy của Ngày Quân Lực mà ông Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã khoe rằng, ông là cha đẻ. Chẳng phải bây giờ mới nói ra cái chuyện cũ kỹ đó, chúng tôi đã từng viết ra cảm nghĩ ray rứt ngay từ 50 năm về trước. Ngay từ ngày đó Giao Chỉ cũng đã vất vả về cây bút. Số là ngay sau khi đảo chính ông Diệm, tôi là sĩ quan đại diện Quân Khu I từ miền Đông lên họp Tổng Tham Mưu về đề tài đi tìm một ngày ghi dấu cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Anh em trong ủy ban các cấp ngồi bàn thảo. Lấy biết bao nhiêu ngày tháng lịch sử từ Bắc vào Nam, từ 1950 đến 1965 để đưa ra lựa chọn. Suốt cả chiều dài của lịch sử đều là những ngày tháng có liên quan đến việc hình thành quân đội quốc gia, nhưng chẳng chọn được ngày nào cho trọn vẹn ý nghĩa. Cái đắng cay của vấn đề là giai đoạn trước di cư 54, nghị định văn thư và hồ sơ thành lập đơn vị Việt Nam đều bằng tiếng Pháp và từ Bộ Tư Lệnh quân đội Viễn Chinh đưa xuống. Lệnh cho thành lập BVN gọi là các Tiểu Đoàn Việt Nam cũng bằng Pháp văn. Lệnh cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù Việt Nam vào Điện Biên Phủ cũng do Tướng Pháp ký. Tiểu Đoàn Trưởng cũng là người Pháp. Đọc lịch sử quân đội quốc gia trước thời 1954, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn chưa tìm được một ngày cho đủ ý nghĩa của Quân Lực. Sau 1954 thì cũng có một số ngày tháng được trình lên để duyệt xét.
Bản phúc trình có ghi lại một số dữ kiện mà ký ức mòn mỏi của tôi còn hình dung được một vài chi tiết như sau: Thời kỳ 46 – 47, quân đội Liên Hiệp Pháp bắt đầu tuyển mộ tân binh Việt Nam, các đơn vị bổ túc ra đời, các Đại Đội Nhảy Dù lính Việt do sĩ quan Pháp chỉ huy. Hiệp ước Hạ Long ngày 6 tháng 6-1948, Vua Bảo Đại nhân danh Quốc Trưởng ký với Pháp có điều khoản thành lập Quân Đội Quốc Gia.
Ngày 1 tháng 6-1949, khóa sĩ quan Việt Nam đầu tiên mở ra tại Huế. Bốn Tiểu Đoàn Việt Nam thành lập. Trong Nam là Tiểu Đoàn 1 Bạc Liêu và Tiểu Đoàn 3 Rạch Giá. Ngoài Bắc, Tiểu Đoàn 2 Thái Bình và Tiểu Đoàn 4 Hưng Yên. Tiểu Khu Hưng Yên ngày đó là thời kỳ các sĩ quan trẻ gặp nhau. Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu, Trung Úy Cao Văn Viên và Đại Úy Trần Thiện Khiêm. Cao cấp nhất là Đại Úy Nguyễn Khánh sau thăng cấp Thiếu Tá. Sau này các sĩ quan ngày xưa trở thành Quốc Trưởng, Tổng Thống, Thủ Tướng và Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng. Đến khi tập hợp vào miền Nam.
Quân Đội Quốc Gia gia tăng dần lên 60,000 quân nhưng chưa có được một ngày quân lực mang ý nghĩa rõ ràng. Phía chính phủ trước đó thì đã có ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 tổ chức duyệt binh hàng năm ghi dấu Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau đó là đến thời kỳ đảo chính và những năm xáo trộn giữa các tướng lãnh với cả chục lần binh biến. Tuy nhiên, sau cùng miền Nam đã gượng gạo nhận ngày cách mạng 1 tháng 11 làm ngày Quốc Khánh mới.
Tiếp theo, với sức ép của Hoa Kỳ và đòi hỏi của dân chúng, các vị Tướng lãnh của thời kỳ hỗn loạn chính trị ở miền Nam đã miễn cưỡng lập ra một chính phủ dân sự tạm thời với cụ Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng và ông Phan Huy Quát làm Thủ Tướng. Tuy nhiên, các vị chính khách dân sự này không đủ bản lãnh để lãnh đạo đất nước trong một hoàn cảnh rất đen tối và phức tạp. Biết bao nhiêu tranh chấp giữa các đảng phái, các tôn giáo và rất nhiều khó khăn trong hoàn cảnh chiến tranh ngày một gia tăng và Mỹ ào ạt đổ quân vào Việt Nam để chặn đứng làn sóng đỏ. Thêm vào đó, Quốc Trưởng và Thủ Tướng lại bất đồng ý kiến nên nội các dân sự bèn tuyên bố bỏ cuộc, trao quyền lại cho các tướng lãnh. Các tướng lãnh niên trưởng của chúng tôi rất vui mừng họp bàn để nhảy ra chính trường gọi là nhận trách nhiệm lịch sử. Một cách hết sức khách sáo, các xếp vẫn nói là muốn rửa tay chính trị, không ham quyền lực nhưng tình thế bắt buộc phải ra nhận lãnh.
Nhân danh quân đội, các đàn anh chúng tôi vẫn đeo sao trên cổ áo, họp hội nghị tranh cãi suốt ba ngày, đưa ông Thiệu, ông Kỳ ra cai trị đất nước gọi là ngày quân đội đứng lên làm lịch sử 19 tháng 6-1965. Không bao giờ tôi quên được ngày 19 tháng 6 đó. Tình cảm chân thành với quân đội thì luôn luôn gắn bó, nhưng bảo cái ngày đó là ngày toàn quân đứng lên làm lịch sử thì việc này chỉ có các xếp làm với nhau chứ đâu có ăn nhập gì đến toàn quân.
Với bút hiệu Lính Chiến, tôi viết báo Chính Luận cho tổng thư ký Từ Chung qua mục “Một tuần vòng chân trời quân sự”. Tôi đã đưa ra quan điểm như trên. An Ninh Quân Đội của Quân Khu I ở Thủ Đức đã mời lên hỏi thăm sức khỏe. Gặp anh bạn quen nói rằng, “Thôi ông ơi, ông làm ơn nghỉ viết lách cho chúng tôi nhờ. Thời ông Diệm lên thì có 26 tháng 10. Đến thời ông Minh thì 1 tháng 11. Bây giờ ông Kỳ thì chọn 19 tháng 6.
Tuy nhiên, ngày đó các xếp đã chọn thì cứ coi như một hẹn ước giữa anh em mình. Bàn làm gì chuyện xa xôi cho thêm phiền. Viết lách làm gì cho rắc rối. ”Đó là anh bạn Đại Úy An Ninh Quân Đội đã nói chuyện với tôi đầu năm 1966. Năm đầu tiên có Ngày Quân Lực. Cho đến năm nay là 50 năm. Đúng như vậy, anh bạn cũ nhân danh An Ninh Quân Đội ngày xưa tra vấn tôi, nay đã qua đời. Đó là Đại Tá Trần Duy Bính. Nhưng lời chiến hữu nói ra vẫn còn ở lại.
Quả thật, 19 tháng 6 hàng năm đối với chúng tôi chỉ là một ngày hẹn ước để gặp nhau. Người tự nhận là khai sinh cho 19 tháng 6 là ông Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ nay đã ra đi. Vị chủ tịch ký giấy ban hành nghị định 19 tháng 6 là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, cũng trở thành người thiên cổ.
Vậy thì, nếu đã nhìn thấy những cay đắng của lịch sử như thế thì cái ý nghĩa của ngày 19 tháng 6 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nằm ở chỗ nào. Nghĩ như thế mà sao mỗi năm đến 19 tháng 6 vẫn thấy lòng rung động. Kỷ niệm 19 tháng 6 lần thứ nhất vào năm 1966 làm trong Bộ Tổng Tham Mưu.
Năm sau 1967, duyệt binh lớn ở đường Trần Hưng Đạo. Rồi từ đó mỗi năm là có Ngày Quân Lực. Lúc làm quy mô, lúc thì thu hẹp. Cho đến năm 1973, sau khi vừa ký hiệp định Paris thì Tổng Tham Mưu tổ chức một cuộc duyệt binh vĩ đại đã được ghi vào bộ phim lịch sử ngày nay vẫn còn có dịp coi lại trên DVD. Năm đó chúng tôi tham dự trong ủy ban tổ chức tại Bộ Tổng Tham Mưu. Xin nhắc lại một vài kỷ niệm đáng ghi nhớ. Trước đó một tuần, anh hùng quân đội từ các đơn vị được chào đón tại thủ đô, dẫn đi thăm các danh lam thắng cảnh, các công xưởng quân đội, sau cùng còn du ngoạn Đài Loan.
Ngày nay, tại San Jose chúng ta vẫn còn các bạn anh hùng quân đội đại diện Không Quân Trung Tá Nguyễn Quan Vĩnh và Đại Tá Ngô Văn Định của TQLC. Thời đó các đoàn thể và thương gia khoản đãi đại tiệc suốt tuần. Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và phái đoàn chính phủ lên làm lễ tại Nghĩa Trang Biên Hòa.
Khu Nghĩa Trang Quân Đội vào đầu tháng 6-1973 đã là nơi yên nghỉ gần 15 ngàn chiến sĩ, chiếm một nửa toàn thể khu vực dự trù cho 30 ngàn phần mộ. Các trận đánh khốc liệt từ 1968 Mậu Thân đến 1972 Mùa Hè Đỏ Lửa đều có đại diện Hải Lục Không Quân về nằm dưới lòng đất lạnh. Tiếp theo ngày 19 tháng 6-1973, các đơn vị Hải Lục, Không Quân, các quân đoàn, các binh chủng, Địa Phương Quân, Nhân Dân Tự Vệ, Xây Dựng Nông Thôn, Thiếu Sinh Quân và Nữ Quân Nhân đều có mặt tham dự một cuộc diễn hành lịch sử được coi là xuất sắc nhất. Và cũng thật đau thương, đây là cuộc diễn hành cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đoạn phim được dân Hà Nội coi lén sau 1975 hết sức trầm trồ là đoàn diễn hành nữ quân nhân. Nhịp bước quân hành của các thiếu nữ trong quân phục đã làm cho rung động cô sinh viên Văn Khoa Nông Thị Thanh Nga. Sau khi xem diễn hành ở đường Trần Hưng Đạo, cô ghi tên vào học niên khóa 1973-1974 để về sau ra trường trở thành Thiếu Úy huấn luyện viên cho đến lúc tan hàng tháng 4-1975. Ngày nay cô Thiếu Úy của quân đội Sài Gòn trở thành quả phụ bán hàng rong ở vỉa hè chợ Tân Định. Hàng năm đem vàng hương lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nhớ về ngày 19 tháng 6.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy trở lại với Ngày Quân Lực năm 1973. Sau buổi diễn hành, Tổng Thống đãi tiệc buổi trưa các anh hùng quân đội tại Dinh Độc Lập. Buổi chiều Thủ Tướng khánh thành khu triển lãm của Hải Lục Không Quân và các công xưởng tiếp vận. Buổi tối là cuộc rước đuốc và xe hoa. Hàng ngàn ngọn đuốc sáng rực đô thành Sài Gòn hoa lệ tưởng chừng như hòn ngọc viễn đông sẽ vĩnh viễn sống mãi với Việt Nam Cộng Hòa. Cùng buổi tối, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng tiếp tân tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, toàn thể nội các, ngoại giao đoàn, phái đoàn quốc hội và các anh hùng quân đội tham dự đêm văn nghệ của Biệt Đoàn Trung Ương. Ngày vui quân lực của cả một thời xưa xa cách 50 năm tưởng chừng như mới hôm qua.
Bây giờ năm 2015 đã trải qua 50 năm quân lực. Nếu ngày 19 tháng 6-1975, đất nước mà còn giữ được thì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa sẽ có lễ khánh thành đợt sau cùng với Nghĩa Dũng Đài hoàn tất cao ngất từng không, rực rỡ hàng đèn hai bên lối đi. Khu mộ chí tướng lãnh nằm ở vòng trong, rồi đến sĩ quan các cấp và hàng binh sĩ. Nhưng rồi Ngày 30 Tháng Tư 2015 chợt đến, ai là người còn nhớ về thắp hương tại nghĩa trang Biên Hòa.
Nghĩa Dũng Đài. Ảnh VH
Khu nghĩa trang xưa trên 120 mẫu năm 1975 tính đến năm 2015 diện tích nghĩa trang thu hẹp lại chỉ còn trên 50 mẫu. Các gia đình đã cải táng di chuyển 5,000 và vẫn còn 11000 ngôi mộ với cỏ gai lấp đầy lối vào. Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 2015 vừa qua, phong trào hải ngoại về trùng tu nghĩa trang đã hoàn tất được tổng cộng gần 2000 ngôi mộ, khu Nghĩa Dũng ĐDài đã được dọn sạch. Cây cối được chính đốn lại và các con đường đuợc tu sửa. Các tổ chức hoàn toàn tự nguyện và hoạt động riêng biệt nhưng rất hữu hiệu.
Không phối hợp nhưng cùng chung mục đích. Anh em đã về từ Úc châu, từ Pháp quốc và từ Hoa Kỳ. Hồ sơ nghĩa trang quân đội Biên Hòa đã có mặt tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam. Có mặt tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nói và Sài Gòn. Tại văn phòng huyện ủy Bình Đường và thủ tướng Hà Nội. Đặc biệt hơn nữa hồ sơ cũng luôn luôn trong tay vị Đại Tá Hoa Kỳ gốc Việt Tùy Viên Quân Sự Mỹ tại Hà Nội.
Trong khi đó các Việt Kiều về thăm quê hương cũng đã có chương trình thăm Nghĩa Trang Biên Hòa. Như vậy, trên phương diện chính thức, dù hoang phế điêu tàn nhưng Nghĩa Trang Quân Đội tại Biên Hòa vẫn còn tồn tại như một chứng tích của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Với những biến chuyển thời sự hiện nay, tuy muộn màng nhưng chắc chắn nghĩa trang sẽ trở thành vĩnh cửu cũng như lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa.
Các di vật của Liên Đội Chung Sự và của quân lực đã thu về Viện Bảo Tàng tại San Jose. Ngày Quân Lực năm nay, Việt Museum sẽ đón chào các cựu chiến sĩ ghé lại thăm. Đặc biệt các vị từ nơi xa về thăm sẽ có dịp ghi dấu hình ảnh ý nghĩa tại San Jose với tượng đài anh hùng và hàng ngàn di tích lịch sử. Các hội đoàn quân đội họp mặt xin liên lạc với chúng tôi để thu xếp thăm viếng chung và có thể tổ chức Picnic cho từng khóa anh em trong tinh thần thực sự huynh đệ chi binh./
Giao Chi San Jose
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. (408) 316 8393
Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ in 3, 4, 5 đến 12.
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai sau.