Hình 1: Những người “lính thợ” Việt Nam (Nguồn: “L'EMPIRE, L’USINE ET L’AMOUR. «TRAVAILLEURS INDOCHINOIS» EN FRANCE ET EN LORRAINE (1939-2019), DE PIERRE DAUM ET YSÉ TRAN AUX ÉDITIONS CRÉAPHIS, 2019)
Vào giữa thế kỷ thứ 19, chừng 15,000-20,000 người Tàu đã dùng sức lao động trong những điều kiện khắc nghiệt để xây dựng phần phía Tây dài 700 dặm của đường xe lửa xuyên lục địa Mỹ (1), qua dãy núi Sierra Nevada, giữa Sacramento (California) và Utah. Người Tàu bị giới hạn gắt gao không được vào Mỹ qua đạo luật ngăn chặn người Trung Hoa (Chinese Exclusion Act) năm 1882 và luật này chỉ được nới rộng từ năm 1965 qua Đạo luật Nhập cư (1965 Immigration Act).( 2)
Vai trò người di dân Tàu trong việc xây dựng đường xe lửa xuyên ngang nước Mỹ ít khi được nhắc tới cho tới những năm gần đây.
Cũng tương tự như vậy, người Việt đã từng ra nước ngoài- tự nguyện hoặc cưỡng bách- góp sức mình vào công cuộc xây dựng một số công trình trên thế giới mà ít khi được lịch sử ghi công.
Có lẽ nhóm lao động Việt đầu tiên được thực dân Pháp đưa ra nước ngoài là nhóm được gởi qua đảo Réunion ở Ấn Độ Dương, một thuộc địa của Pháp từ thế kỷ 17, hiện là một vùng hải ngoại của Pháp. Đảo này cũng cũng là nơi mà vua Duy Tân và thân phụ là vua Thành Thái bị lưu đày vào đầu thế kỷ thứ 20.
Vào giữa thế kỷ thứ 19, sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ năm 1848, nhân lực cho các đồn điền trồng mía trên đảo trở nên khan hiếm. Những đoàn người Ấn Độ được tuyển mộ tới đây từ năm 1849 không còn đủ nữa. Phải tìm cách đa dạng hóa nguồn nhân lực, và những nhà cai trị đảo Réunion muốn nhanh chóng huy động nguồn lực từ Việt nam mà nước Pháp vừa chinh phục, để tăng cường những tuyển dụng từ các nước Á Châu, Châu Phi và Océanie (Nam Thái Bình Dương). (Hình thức trưng dụng này gọi là “engagisme”, có lẽ cùng nghĩa với từ Việt Nam “chân đăng” áp dụng cho người Việt ở Tân thế giới sẽ nói đến sau và trưng dụng người Việt theo hợp đống được mô tả là “engagisme vietnamien”).
Theo Daniel Varga, một sử gia người Pháp (3), người tuyển mộ của chính quyền đảo Réunion tên Hippolyte Dizac đến Sài Gòn năm 1862 và đưa được nhóm thợ đầu tiên ra đi. Họ không phải là những người phu tình nguyện lựa chọn xuất ngoại có thời hạn, mà phần lớn họ là các phạm nhân chính trị, quân nổi dậy hay trộm cướp, hoặc tù binh hay những người yêu nước mà chính quyền Pháp đánh giá “ít nguy hiểm”. Trong năm 1863, có 4 chuyến tàu chở người Việt đến Réunion, khoảng 454 người theo ước tính của Daniel Varga. Tính đến năm 1868, tổng cộng 1.287 người Việt được gửi đến Réunion từ Sài Gòn. Tuy nhiên nhà nghiên cứu lưu ý rằng để đánh giá đúng con số này thì phải so sánh với số lao động tuyển mộ từ Ấn Độ, Trung Quốc hay Madagascar lên tới gần 65.000 người. Những người lao động này được phân tán khắp nơi trên đảo. Hoàn cảnh của họ hết sức khó khăn: bị hành hạ, ngược đãi nhưng họ không thể hủy bỏ hợp đồng một khi đã ký vào đó, hay thay đổi người chủ.
Hình 2: Phòng ngủ nơi cách ly những người thợ Việt Nam lúc mới đến đảo. (Le dortoir du lazaret de la Grande Chaloupe, où les travailleurs engagés étaient mis en quarantaine à leur arrivée (photo Louis Raymond). (Nguồn: https://www.clicanoo.re/article/societe/2022/09/11/au-19eme-siecle-des-vietnamiens-engages-a-la-reunion)
Tuy nhiên, theo kinh tế gia Hồ Hải Quang, người đã sống ở Réunion từ năm 1990, “chế độ mộ phu không phải là chế độ nô lệ, chế độ nửa nô lệ hay chế độ nô lệ mới, bởi đặc trưng của chế độ nô lệ là chủ nô có quyền sở hữu đối với người nô lệ. Còn ở đây, hợp đồng có thời hạn 5 năm, được gia hạn tùy ý. Họ có quyền hồi hương miễn phí, bao gồm cả vợ và con cái. Mặc dù vậy, đây là một chế độ trả công lao động cưỡng bức, không có thỏa thuận tự do”.(4)
Nhóm kế tiếp là những người lao động Việt Nam, gọi là “chân đăng”, được gởi đến Nouvelle Calédonie ở nam bán cầu, gần Úc Châu. Nhóm đầu tiên đến năm 1891, trên tàu Chéribon gồm 768 người Việt Nam, trong đó có 479 tù nhân từ nhà tù Poulo Condor. Chín mươi sáu người trong số họ chết trong khi họ vẫn còn ở nơi lưu trú và các chủ nhân lao động miễn cưỡng thuê họ vì nguồn gốc của họ. Từ năm 1895, các phu mới được tuyển thẳng từ Hải Phòng với hợp đồng thời hạn 5 năm, gia hạn một lần. Họ chủ yếu là người Bắc Kỳ (Tonkinois) đến từ đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, những khu vực đông dân cư với mức sống rất thấp và nạn đói hoành hành. Những người đến New Caledonia làm việc trong các mỏ crôm và niken, trong khi những người đến từ New Hebrides làm việc trong các đồn điền cacao và cà phê.
Ở New Caledonia, người Việt Nam, giống như những người lao động định cư khác (người Indonesia, người New Hebrides) phải tuân theo chế độ “indigenat”. Bị giam giữ trong doanh trại của họ, họ không thể tự do di chuyển, cuộc sống ở thủ phủ Noumea phải theo quy định. Theo bản chất của cam kết, họ không thể tự phá vỡ hợp đồng của mình. Người Bắc Kỳ tự gọi mình là Chân Đăng, hay tiếng Pháp “pieds engagés’ (“chân” bị “cột“ hay cam kết). Ngay khi đến nơi, mỗi công nhân được cấp cho một con số để gọi họ, kể cả trong các tài liệu chính thức, tên của họ được coi là quá khó phát âm đối với người Pháp.
Sau Thế chiến thứ 2, một số chân đăng chọn hồi hương. Việc về nước bị gián đoạn vào thập niên 1950 nhưng rồi tái tục vào những năm 1960-64. Những người ở lại dần hòa nhập vào xã hội Caldoche, lập gia đình với người bản xứ. Con cháu của họ cho đến nay vẫn còn giữ lại ít nhiều nét văn hóa người Việt tuy đại đa số không còn nói được tiếng Việt nữa. Hiện nay còn chừng 3000 người. (Theo Wikipedia)
Một nhóm rất đông người Việt rời khỏi quê hương là khoảng năm 1914-1918 của Thế Chiến Thứ Nhất lúc 50 ngàn thợ thuyền và 50 ngàn lính Đông Dương (Việt Miên Lào) được gởi qua tăng cường cho lực lượng lao động và quân sự Pháp.
Tuy nhiên đa số những người nay hồi hương sau chiến tranh. Trong thập niên 1920 chỉ còn chừng 8000 người Việt ở lại Pháp đa số là quân nhân.(5)
Đợt kế đến xảy ra vào năm 1939, theo kế hoạch Mandel, được đặt theo tên của Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa, dựa trên kinh nghiệm nói trên Thế Chiến Thứ Nhất, dự trù đem 300.000 công nhân thuộc địa, trong đó có 100.000 người Đông Dương vào Pháp để hỗ trợ cho nổ lực chiến tranh chống Đức.
Ngày 29 tháng 8 năm 1939, một sắc lệnh ấn định việc mở quyền trưng dụng các “lính thợ” ở Đông Dương. Vào ngày 20 tháng 10, con tàu đầu tiên rời Hải Phòng với 1.200 người Bắc kỳ và đến Marseilles một tháng sau đó, vào ngày 21 tháng 11 năm 1939. Mười bốn con tàu nối tiếp nhau cho đến khi Pháp thất trận, đầu hàng Đức vào tháng 6 năm 1940. Tính đến ngày này, 27.000 người Đông Dương đã đến Pháp: 7.000 người chiến đấu (tirailleurs) và 20.000 thợ (travailleurs). Sau khi Pháp thất trận, 4.500 người trong số này được hồi hương nhưng bị hải quân Anh chặn đường, chỉ một phần đến được Đông Dương. Hơn 15.000 công nhân vẫn bị mắc kẹt ở Pháp. Tình trạng lộn xộn của thời kỳ sau khi Pháp đầu hàng Đức (dưới Chính phủ Vichy của Thống Chế Pétain) và các biến cố lúc nước Pháp được quân đội Đồng Minh Anh Mỹ giải phóng năm 1945 làm trì hoãn việc hồi hương của các lính thợ và việc hồi hương của họ chỉ kết thúc năm 1952.(6)
Trong số những người di dân bất đắc dĩ này ở lại Pháp, có Lê Bá Đảng, sang Pháp năm 1939 trong phong trào "Lính thợ", đã tham gia vào những đội quân chống phát xít của nước Pháp, bị Đức Quốc Xã bắt làm tù binh. Sau đó ông học tại Học Viện Nghệ Thuật Toulouse và trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở Châu Âu, có triển lãm đầu tiên ra mắt tại Paris năm 1950. Năm 2006, họa sĩ cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại số 15 đường Lê Lợi, thành phố Huế.
Một trường hợp thú vị về giai đoạn này là Phạm Duy Khiêm,(7) học giả và văn sĩ viết tiếng Pháp nổi tiếng, từng tốt nghiệp Thạc Sĩ ở Pháp năm 1935, và cũng là người anh lớn của nhạc sĩ Phạm Duy. Lúc Pháp sắp bị Đức tấn công, ông đã tình nguyện sang Pháp chiến đấu chống Đức, một quyết định mà ông giải thích bằng bổn phận của người quân tử, lúc trước được sống và học ở Pháp thì nay phải có bổn phận cứu nước Pháp đang lâm nạn. Ông trở về Việt Nam năm 1941.
Cũng giống như người Trung Hoa xây dựng đường sắt xuyên lục địa của Mỹ, vai trò của người Việt trong công cuộc thiết lập các ruộng lúa nước ở miền Nam nước Pháp hồi thế chiến thứ 2, dưới chế độ Vichy (chế độ đầu hàng Đức và cộng tác với Đức quốc xã do Thổng Chế Pétain lãnh đạo) cũng đã bị lịch sử Pháp lãng quên, cho đến những năm gần đây.
Theo nhà báo tiếng Pháp Alexis Ferenczi viết về những người lính thợ Việt từng tiên phong trong công cuộc thiết lập trồng trọt lúa gạo vùng Camargues nổi tiếng của Pháp(5) những người nông dân đến từ miền Bắc Việt Nam là những người đầu tiên trồng lúa vùng Camargue mà chúng ta biết ngày nay. Bị Chính phủ Đệ Tam Cộng Hòa Pháp trưng dụng cưỡng bách, họ đi từ Hải Phòng và cập cảng Marseilles vào cuối mùa đông năm 1939 để phục vụ chiến tranh chống Pháp, sau một chuyến hải trình kinh hoàng trong các hầm chứa hàng hóa của một chiếc tàu chạy bằng hơi nước. Đa số chưa bao giờ thấy biển và chưa biết gì về khí hậu rất lạnh có khi xuống độ âm đang chờ đợi họ ở Provence, miền Nam nước Pháp.
Họ được “khai trương” nhà tù Les Beaumettes mới xây xong và bắt đầu một cuộc sống ở Pháp “trong tình trạng nhà cửa tồi tàn, thiếu dinh dưỡng, bị đánh đập, bỏ tù và thậm chí bị giết hại một cách lạnh lùng và bị bóc lột có hệ thống bởi chế độ Vichy. 20.000 công nhân Đông Dương sẽ trải nghiệm điều mà nhà sử học Gilles Manceron mô tả như một trường hợp độc đáo về "sự di dời từ tình trạng thuộc địa qua cuộc sống ở mẫu quốc." («transposition de la condition coloniale en métropole»).
Không được trả lương, “lực lượng lao động bản xứ” (“main-d’œuvre indigène“) này được giao cho những công việc nguy hiểm và vô bổ nhất. Một phần chính được gửi đến Lorraine để tăng cường hàng ngũ công nhân Pháp trong các nhà máy sản xuất vũ khí và thuốc súng. Sau khi Đức chiếm Pháp, hàng trăm ngàn người Pháp đã bị trưng dụng để phục vụ trong các nhà máy ở Đức từ năm 1942 đến năm 1944 (STO hay Service du travail obligatoire/dịch vụ lao động cưỡng bách) nên những nhà máy ở Pháp thiếu nhân công.
Một nhóm người Việt khác, nhỏ hơn, được giao làm công việc nông nghiệp; thu hoạch nho và sulphat hóa cây nho, làm giàn tựa cho cành cây cà chua - đặc biệt là ở Hérault. Khoảng 500 người trong số họ chịu trách nhiệm xây dựng nền tảng trồng lúa ở Camargue.
Từ lâu vẫn là một "điểm mù của lương tâm người Pháp đương đại", câu chuyện và nỗi đau khổ của những người Việt này chỉ được nhắc đến vào những năm 2000. Tiếng nói của những người sống sót sau đó được nhà báo Pierre Daum thể hiện trong một tác phẩm đầu tiên: “Những người nhập cư cưỡng bách, công nhân Đông Dương ở Pháp (1939-1952)” do Actes Sud xuất bản. Cuộc khảo sát và các lời khai thu thập được cho thấy vai trò thiết yếu của họ đối với việc sản xuất gạo của Pháp.
Người Pháp muốn trồng lúa ở Camargue từ ít nhất là thế kỷ 19, nếu không muốn nói là từ thế kỷ thứ 16-17, thời vua Henri IV. Nông dân gieo hạt trên những mảnh đất nhất định trong một hoặc hai mùa để khử muối cho đất, nhưng người Camargue chưa bao giờ thành công trong việc trồng lúa mà con người có thể ăn được.»
Hình 3: Lính thợ gánh thùng trong trại Les Bécassières (không rõ ngày tháng)
Người Hoà Lan vào thế kỷ 17 đã đắp đê bảo vệ để giữ khô vùng đầm lầy, giúp cộng đồng Arles có thể trồng trọt được nhưng chỉ có củ cải hoặc nho là mọc được. Ruộng lúa chỉ giúp điều hòa độ mặn của đất và dành cho heo ăn hoặc bỏ thối rữa trong các khe núi.
Vào năm 1940, có nguy cơ thiếu lương thực ở Pháp. Chính phủ Vichy quyết định ký hợp đồng với khoảng mười lăm chủ đất - trong đó có Pierre Dulac, Thị Trưởng Arles theo phe thân Đức quốc xã của Thống Chế Petain. Chính phủ Pháp cung cấp lao động Đông Dương và hạt giống, mua từ Ý. Đổi lại, người Camargue dành một số mảnh đất nhất định cho “nỗ lực trồng lúa cuối cùng” (dernière tentative de culture du riz) này. Họ cũng cam kết bán lại toàn bộ vụ thu hoạch của mình cho Nhà nước với giá do nhà nước quy định.
Những người Việt Nam đầu tiên đến Camargue vào mùa thu năm 1941. Vì các mảnh đất vẫn chưa sẵn sàng, họ bắt đầu san lấp đất bằng tay. Công việc mệt mỏi này dẫn đến việc cấy lúa vào mùa xuân năm 1942 và sau đó là vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 9 cùng năm. Việc này thành công và chính từ đó mà ra đời loại gạo Camargue có thể ăn được mà chúng ta biết đến ngày nay.
Thành công được phe Vichy ăn mừng: vào năm 1943, một nhóm phim thời sự Pháp (France Actualités) đã đến các cánh đồng lúa cùng với Annie Pétain, vợ của Thống Chế, để quay phim mùa màng và ca ngợi lúa gạo của Pháp. Đó cũng là lúc nhiều người có cơ hội làm giàu. Một số chủ sở hữu không giữ cam kết và chỉ khai báo một phần thu hoạch của họ với chính phủ, bán lại phần còn lại trên thị trường chợ đen với giá thật cao.
Hình 4: Cấy mạ tại Camargue khoảng năm 1942 (Nguồn Collection Vũ Quốc Phan)
Sau chiến tranh, chế độ nhà nước ưu tiên thu mua đã biến mất nhưng nhu cầu vẫn rất lớn và các nhà sản xuất gạo tiếp tục bán hợp pháp với giá cao tột cùng. Chỉ còn lại những người lao động Đông Dương là bị bỏ rơi, đa số đã hồi hương. 2.000 đến 3.000 người trong số họ sẽ định cư lâu dài tại Pháp.
Chuyện này không được nhắc đến cho đến chừng 20 năm nay. Một mặt, xã hội Pháp, giống như hầu hết các cường quốc thuộc địa cũ, tránh đề cập đến quá khứ thuộc địa đáng xấu hổ của mình.
Đối với những người trong cuộc, họ không bao giờ thực sự có phương tiện để cảnh báo dư luận. Phần lớn họ trở về nước lúc Việt Nam đang chiến tranh - bắt đầu từ năm 1946 và sẽ kéo dài đến năm 1975. Những người ở lại Pháp đã phải rời các trại. Họ được cơ hội trở thành công nhân tự do, tìm việc ở những nơi có việc làm, tìm một phụ nữ Pháp và có con. Họ không nhất thiết cảm thấy có quyền kể lại những đau khổ họ đã trải qua mà chính phủ Pháp đã gây ra vì con cháu họ nay đã là người Pháp “sẽ bị giằng xé giữa tình yêu và lòng căm thù đối với một đất nước tuy là của chúng nhưng lại từng đã khiến cha của họ rất đau khổ.“ (Pierre Daum)
Hình 5: Đế quốc, nhà máy và tình yêu. “Công nhân Đông Dương” ở Pháp và Lorraine (1939-2019), văn bản và tài liệu của Pierre Daum, Ysé Tran, Pierre Manceron và Dominique Rolland, Créaphis, 2019.(Pierre Daum et Ysé Tran, L’empire, l’usine et l’amour. «Travailleurs indochinois » en France et en Lorraine (1939-2019), textes et documents de Pierre Daum, Ysé Tran, Pierre Manceron et Dominique Rolland, Créaphis, 2019.)
Hình 6: Tượng đài tưởng niệm các lính thợ ở Salin de Giraud, Camargue (Tượng của họa sĩ Lê Bá Đảng, trước đây là một lính thợ) - https://tuoitre.vn/khanh-thanh-dai-tuong-niem-nguoi-lao-dong-dong-duong-656464.htm
Hiện nay, “Gạo vùng Camargue”(Riz de Camargue) là một danh xưng về vùng điạ lý được bảo vệ (IGP: Indication Géographique Protégée) gồm 60 giống lúa khác nhau. Được công nhận vào tháng 6 năm 2000, IGP “Riz de Camargue” là nhãn chất lượng cho phép bảo hộ tên hiệu “Riz de Camargue” trên toàn Liên minh Châu Âu. Sự khác biệt này tưởng thưởng những người nông dân trồng lúa vì họ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và sản xuất gạo có phẩm chất cao. Gạo phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và khắt khe.
Năm 2017:
- 80.000 tấn thóc được sản xuất (rất nhỏ so với 27 triệu tấn của Việt Nam)
- 25% lượng tiêu thụ gạo hàng năm của Pháp
- 98% sản lượng gạo của Pháp
- 2% sản lượng của Châu Âu
- 10% nông dân trồng lúa ở Camargue làm nông nghiệp hữu cơ
Vùng trồng lúa này đóng vai trò quan trọng về môi trường. Trồng lúa nhanh chóng trở thành thiết yếu đối với vùng Camargue và giúp chống lại muối trong đất. Nó làm dịu bớt vùng đất đặc biệt này, bằng cách đổ gần 500 triệu m3 nước ngọt (từ sông Rhône) vào đất. Sự đóng góp này bảo tồn đa dạng sinh học nhờ nó hạ thấp độ mặn của đất canh tác. Nông dân trồng lúa cũng luân phiên trồng lúa mì cứng (blé dur), khoai tây hoặc các loại cây rau màu khác.(8)
Càng ngày càng có những dấu vết lớn nhỏ của người dân Việt để lại trên mọi vùng thế giới. Gạo Camargue cũng là một kỷ niệm đau thương của người lao động Việt nhưng cũng là một thành tích thú vị đáng nhắc lại và đáng tự hào cho các thế hệ sau.
Hiện nay, “xuất khẩu lao động” là một nguồn lợi lớn giúp Việt Nam giải quyết vấn đề thất nghiệp và kiểm ngoại tệ. Theo Tổ chức Lao động Thể giới (ILO): ““Tổng cộng có khoảng 80.000 người Việt Nam rời đất nước đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Khoảng 400.000 lao động Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dòng tiền hàng năm của người di cư lao động đạt khoảng 2 tỷ USD trong những năm gần đây, cho thấy ý nghĩa kinh tế của di cư lao động.
Thật không may, cũng có những vấn đề đáng kể liên quan đến việc di cư lao động (labor migration): người sử dụng lao động vi phạm quyền của người lao động, người lao động vi phạm hợp đồng và đào ngũ, mạng lưới tuyển dụng bất hợp pháp, và đáng kể nhất là vi phạm các quy định của chính phủ về thủ tục tuyển dụng.”(9)
Chú thích và tham khảo:
7) Alexis Ferenczi https://www.vice.com/fr/article/k7aewn/les-pionniers-oublies-de-la-riziculture-en-france
BS Hồ Văn Hiền
Ngày 25 tháng 9 năm 2022
Nguồn: https://www.advite.com/Gao_Camargue_Cua_Phap_Va_Lao_Dong_Viet_O_Ngoai_Quoc_Trong_Thoi_Phap_Thuoc.htm