User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
NguyenChiThienGiaDinh pic
 
Một trong 3 bức hình kèm bản thảo Hoa Địa Ngục gửi tòa đại sứ Anh ngày 16/7/1979.
(Hình chụp năm 1958, khi NCT 19 tuổi, cùng song thân và 2 cháu.)
 
Tác giả Hoa Địa Ngục qua đời ở tuổi 73. 

Trừ đi 17 năm sống ở hải ngoại - từ ngày 01/11/1995 đến ngày 02/10/2012 nhà thơ có 56 năm sống trên quê hương. Trong nửa thế kỷ ấy, các nhà tù cay nghiệt của chế độ cộng sản cướp mất của ông 27 năm tức gần phân nửa thời gian.

Nhưng nếu trừ thêm 22 năm đầu đời trước khi bị tống vào tù thì thời gian thực sự có mặt trong cuộc sống bình thường của Nguyễn Chí Thiện chỉ vỏn vẹn 7 năm mà phải chia thành 3 đợt sau 3 chặng đi tù.

Do đó, dù thời điểm Đông tàn Xuân tới luôn dễ khơi gợi thi hứng cho mọi nhà thơ vẫn không dễ tìm ra một điểm chung hợp với Nguyễn Chí Thiện. Từ đây, nhìn lại mùa Xuân qua thơ Nguyễn Chí Thiện cũng là cách tìm về một nét đặc trưng trong thi ca của tác giả.

Qua thi phẩm Hoa Địa Ngục, Nguyễn Chí Thiện đến với thi ca rất sớm. Bài Mắt Em được ghi sáng tác năm 1957, tức khi nhà thơ mới 18 tuổi.

Chỉ ba năm sau đó, năm 1961, không gian sống của Nguyễn Chí Thiện luôn bị khuôn hạn giữa bốn bức tường phòng giam kéo dài cho tới cuối năm 1991.

Thi phẩm Hoa Địa Ngục chỉ có hai bài Vết Mây Hồng và Bóng Hồng Dương Thế ghi sáng tác năm 1996 là thời điểm Nguyễn Chí Thiện đã có mặt tại hải ngoại. Tuy nhiên chính Nguyễn Chí Thiện đã cho biết bài Bóng Hồng Dương Thế viết khi nhà thơ đang ở trại tù Phong Quang chỉ được chỉnh lại vào năm 1996. Như thế có thể bảo hầu hết sáng tác của nhà thơ đều hình thành giữa không khí nhà tù, ngoại trừ một số bài sáng tác khi bắt đầu đến với thi ca trước năm 1961 và bài Vết Mây Hồng sáng tác sau khi rời Việt Nam.

Chi tiết này dễ dàng nhắc nhở bóng dáng mùa Xuân trong cõi thơ Nguyễn Chí Thiện khó thể hàm chứa những màu sắc dịu dàng, những âm thanh êm ả, những nhạc điệu thiết tha... khơi gợi các cảm xúc lâng lâng thoải mái hay đầm ấm thân thương, dù mỗi dịp Xuân về, con tim nhà thơ vẫn rung động giữa những lóp sóng cảm hoài dồn dập. Bởi với chi tiết này, hướng nhắc nhở của mùa Xuân đối với Nguyễn Chí Thiện không thể là gì khác hơn những nghịch cảnh trầm luân, những mưu toan tàn ác... đã gieo tai rắc họa lên đời sống an hòa của hết thảy những con người lương thiện trên đất nước Việt Nam.

Nói cách khác, mùa Xuân đối với Nguyễn Chí Thiện đã trở thành một lực tác động mãnh liệt thúc đẩy con tim dâng lên niềm thương nhớ nhũng người thân và nỗi xót xa cho hết thẩy đồng bào đang bị xô vào cảnh huống đọa đày. Trong phần Những Ghi Chép Vụn Vặt, đoạn 68 trong thi phẩm Hoa Địa Ngục, nhà thơ đã ngậm ngùi vẽ lại các biến động lớn nơi tâm hồn ông thời khoảng mười năm, giữa tuổi 16 và tuổi 26.

Ở tuổi trăng tròn, hồn thơ phơi phới, lòng người trai mới lớn rộn ràng chào đón những đóa hoa muôn màu muôn sắc giữa trời Xuân đua cười trong nắng. Nhưng tới Mùa Xuân thứ 26, sau ba năm rưỡi bị cộng sản đẩy vào tù lần thú nhất, trước mắt và trong đáy hồn nhà thơ, Xuân về Tết đến chỉ còn là cảnh tượng hoa tàn, nắng nhạt:

Tuổi tôi, Xuân ấy, Xuân mười sáu, 
Đời nắng vàng hoa mơ cưới thơ 
Tuổi tôi, Xuân tới, Xuân hăm sáu, 
Nhạt nắng, tàn hoa, thơ khóc mơ!

Đọc tiểu sử thi sĩ, năm 1961, Nguyễn Chí Thiện bị kết án hai năm tù vì một tội mà những người sống ngoài thế giới Cộng Sản không bao giờ ngờ tới.

Đó là trong lần giúp người bạn bị bệnh bất ngờ, đứng dạy 2 giờ môn sử địa tại một lớp học. Với tính tình ngay thẳng, yêu chuộng sự thật, Nguyễn Chí Thiện đã nhắc nhở đám học sinh về một chi tiết bóp méo lịch sử trong sách giáo khoa của đảng và nhà nước cộng sản(*) cố tình phủ nhận vai trò Hoa Kỳ và đồng minh để trắng trợn ghi Liên Xô là tác nhân khiến Nhật Bản phải đầu hàng trong thế chiến thứ hai!

Chuyện chỉ đơn giản có thế và là chuyện mà bất kỳ một người tự trọng tối thiểu nào cũng phải làm đã khiến Nguyễn Chí Thiện bị bắt giải tòa để lãnh hai năm tù với tội danh “phản tuyên truyền, đầu độc tuổi trẻ!”

Thực tế còn đi xa hơn nữa là Nguyễn Chí Thiện đã bị giam ba năm rưỡi, mãi tới năm 1964 mới được trả tự do, một thứ tự do có giới hạn vì hàng tháng vẫn phải trình diện công an. Như thế, nhà thơ đã trải qua ba mùa Xuân trong nhà tù trong đợt giam đầu tiên này.

Một số bài thơ Xuân của tác giả sáng tác thời khoảng ấy đều nói lên tâm trạng ngậm ngùi, uất nghẹn trước cảnh Xuân về trong ngục tù - có những lúc gần như ông mất hết hy vọng ở ngày mai, không còn thiết sống nữa. Và trong những phút giây bị nhận chìm trong đớn đau tuyệt vọng ấy, hình ảnh người ruột thịt lại trở về tra vấn tâm não người thơ:

Ngày Xuân tới hồi sinh muôn vật, 
Sao lòng ta khô héo chẳng tươi màu? 
Ta nhớ khi xua - Ôi thuở ban đầu! 
Bao náo nức, bao niềm mơ, nỗi ước! 
Nhưng buồn, giận, 
Đau thương 
Theo mãi ta từng bước 
Biết nói sao và biết làm chi? 
Hy vọng ư, nhưng hy vọng làm gì? 
Khi đã rõ khổ đau là định mệnh 
Đất ơi, ta muốn nằm yên trong lòng đất mát 
Để không còn khao khát sống tươi vui 
Kiếp thê lương năm tháng ngậm ngùi 
Ta sợ lắm những đêm dài nung nấu 
Những trưa buồn không hiểu vì đâu? 
Bao bóng hình thương mến mất từ lâu 
Lại trở lại hành hình tâm não...

Giữa giây phút giao thừa, năm cũ vừa qua và mùa Xuân đang trở về, nhưng nhà thơ chỉ cảm thấy lòng mình tả tơi, tan tác như xác pháo của ai kia vừa đốt từ xa vọng về để chào đón những giờ phút linh thiêng đầu tiên của một năm mới. Hiện ra trước thắt trong giây phút này chỉ là hình ảnh cha già mẹ yếu đang vò võ đợi chờ đứa con trai xa vắng.

Cùng với lòng nhớ thương cha mẹ là cái mặc cảm mình chỉ là đứa con hư không giúp được gì cho song thân mà còn là mũi nhọn đâm thấu tim gan các người! Từ đây, mối oán hận bản thân đã dồn trút hết vào thơ để lên án cái căn nguyên đưa đẩy biết bao lương dân Việt Nam vô tội vào vòng lao lý.

Đêm nay giao thừa, lòng ta tả tơi xác pháo 
Nỗi niềm riêng đầy đọa tâm tư 
Cha Mẹ ơi, đừng giận đứa con hư 
Hãy coi nó như là đã chết 
Tình thương xót không bao giờ hết 
Của Mẹ Cha làm tan nát lòng con 
Dù cuộc đời đau khổ chất thành non 
Còn Cha Mẹ, con còn phải sống 
Là niềm vui, là tất cả của Mẹ Cha 
Biết bao nhiêu tội lỗi những ngày qua 
Con đã mắc, khiến Cha buồn, Mẹ khổ! 
Con đã biết đời con tan đổ 
Không thể làm gì báo đáp Mẹ Cha 
Dù cho năm tháng phôi pha 
Mối hận ấy con xóa nhoà sao nổi?

Giữa giây phút khổ đau cùng cực, ngắm nhìn cảnh sắc tiêu điều, xơ xác của trời Xuân trong cảnh tù đày, nhà thơ chỉ còn biết giãi tỏ nỗi lòng:

Đêm nay, Giao Thừa 
Ngoài sân gió thổi 
Lá bàng rơi, xơ xác cành khô... 
Sương rắc bụi mờ 
Ta ngồi viết mấy vần thơ 
Giãi niềm oan khổ! 
(Ngày Xuân Tới - 1961)

Theo nhịp chuyển thời gian, hàng năm Xuân luôn trở về đúng kỳ, đúng hạn. Trong khi ấy, non nước vẫn bao trùm một màu tóc tang, ảm đạm khiến nỗi đau đớn, xót xa càng thêm nặng.

Đếm lại bước đi của ngày tháng trong nỗi cảm hoài nhớ tới bạn bè kẻ còn người mất, nhìn vào cảnh ngộ cá chậu chim lồng của chính mình, nhà thơ bâng khuâng tự hỏi: Trước cảnh Xuân về nên mừng hay nên tiếc? 

Hiển nhiên ai không yêu mến, mê say mùa Xuân với cảnh sắc xanh, hồng, tím, biếc. Nhưng khi mùa Xuân không còn những cảnh sắc đó vì đã bị nhận chìm xuống bùn đen nhơ nhớp cùng với thân phận rẻ mạt của con người thì tâm trạng người thơ ra sao?

Xuân này chẳng khác những mùa Xuân 
chỉ thấy đôi chân nặng bước dần 
Đường sống không còn xa lắm nữa 
Nên mừng? nên tiếc? phân vân... 
Lòng trót yêu hồng, xanh, tím, biếc 
Đêm dài thương tiếc thêm đen 
Bạn quen chết dần từng đứa 
Thêm mùa xuân cay đắng nữa trôi qua 
Uổng phí tài hoa 
Chờ trông hóa đá 
Bao xanh hồng óng ả bùn pha 
Tắt lụi... 
Niềm tin gác núi 
Nhạt màu... 
Con tàu quá khứ 
Đêm buồn 
Ga vắng 
Trầm tư...
(Xuân Này Chẳng Khác - 1961)

Với bản án tù 2 năm, Nguyễn Chí Thiện sẽ được trở lại đời sống bình thường vào đầu năm 1963.

Nhưng khi mùa Xuân 1964 trở lại, Nguyễn Chí Thiện vẫn tiếp tục phải hãm mình giữa bốn bức vách phòng giam vì không có lệnh tha.

Cho nên bài thơ viết về mùa Xuân 1964 - bài Khắp Non Sông - không thể có màu sắc khác so với những bài thơ Xuân mấy năm trước.

Ngược lại, đây là thời điểm Nguyễn Chí Thiện đã phải kéo dài hơn một ngàn ngày trong tù ngục nên thơ chỉ chất chồng thêm nặng những cảm nghĩ sầu đau:

Khắp non sông vang nhịp đàn Xuân sáng, 
Lòng nặng nề khôn mở đón Xuân sang. 
Xuân ước mơ, mơ ước đóng băng rồi, 
Thắm nở đào hoa, sắc lòng tím ngắt 
Sáng biếc mây trời, tối sầm ánh mắt 
Giữa đời buồn, Xuân vẫn tới, Xuân ơi! 
Muốn cao bay theo khúc đàn xuân mới 
Hồn nặng chìm, đôi cánh rũ đau rơi! 
Năm tháng trôi, hồng thắm sắp phai rồi! 
Thắm nhạt, hồng phai, tiếng lòng thổn thức! 
Hiến khúc tưng bừng đàn xuân náo nức 
Lỗi nhịp rồi, Xuân hỡi chớ ngân cao! 
Ước mơ chi khi nợ nần cơm áo 
Còn nặng đè lên hình ảnh xanh xao 
Xuân đến kia hồn nước chửa phai màu, 
Lỗi hẹn cùng Xuân tiếng đời vắng ngắt, 
Biết đến bao giờ lòng Xuân mới tắt? 
Tiếng nghẹn ngào sai lỗi nhịp Xuân ơi! 
Xuân thắm tươi, Xuân của Đất, của Trời, 
Xuân xám ngắt, Xuân của người, của nước! 
(Khắp Non Sông - 1964)

Giữa năm 1964, Nguyễn Chí Thiện được rời nhà tù, nhưng chỉ hơn một năm sau, năm 1966, ông bị đưa trở lại nhà giam và lần này không cần tòa xét xử hay bản án nào.

Vậy là trở về bên cạnh người thân chưa được bao lâu, Nguyễn Chí Thiện lại phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa những người thân để đối diện với cảnh sống đói rét, lầm than cùng những cực hình tàn ác của đám cái tù. Lần tù thứ hai này càng kinh hoàng hơn so với lần trước vì kéo dài hơn 11 năm mãi tới năm 1977.

11 năm xa cách mẹ cha và mọi người thân trong cảnh tù đày luôn phải hàng ngày trực diện với vô vàn thảm kịch của đủ mọi loại nạn nhân oan khiên trên khắp nước đã dập xóa tận cùng mọi hình ảnh mùa Xuân của Đất Trời để chỉ dấy lên tâm trạng nghẹn uất não nề. Bởi mỗi mùa Xuân đều đã trở thành một điệp khúc bùng vỡ những âm vang ảm đạm thê lương quanh cuộc đời tối tăm vô vọng của bản thân và của hết thẩy đồng bào khiến mỗi câu thơ đều bắt buộc phải là những tiếng kêu phẫn hận:

Nơi đây không có mùa Xuân, 
Có chăng chỉ có tuổi Xuân chôn vùi. 
Nơi đây cay đắng đủ mùi, 
Sắn dăm ba khẩu, trộm vùi giấu lưng! 
Thương Xuân không kẻ đón mừng, 
Đành cam lạnh lẽo xó rừng đắng cay! 
Xuân ơi trót đến chốn này, 
Mời Xuân: khẩu sắn... cùng say với tù!...

Không còn chữ nghĩa, hình ảnh nào cay đắng, bi thương và băng giá hơn khi nhắc về mùa Xuân qua ý tình như vậy! Tuy nhiên không hẳn mọi nguồn hy vọng đều đã tắt ngấm do sức sống của tinh thần lạc quan vẫn luôn luôn âm ỉ ngay giữa vòng tai ương:

Ngày mai tan lớp mây mù 
Đón xuân tù hứa sẽ bù cho Xuân. 
(Nơi Đây - 1974)

Nghĩ về đất nước ta hôm nay, mùa Xuân qua thơ Nguyễn Chí Thiện có thể đang có hàng loạt phiên bản tái sinh nơi tâm tưởng của những tù nhân lương tâm không ngừng được nhắc tới như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, các bloggers thuộc Câu Lạc Bộ Các Nhà Báo Tự Do, Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sàigòn, Mục Sư Nguyễn Văn Chính, luật sư Lê Quốc Quân... cùng những người khó kể hết tên đang phải đối diện với những bức vách nhà tù trên khắp các miền đất nước.

Bởi cũng như Nguyễn Chí Thiện, hầu hết những người kể trên dù chỉ trở thành tù nhân sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam nhưng đã cảm thông trọn vẹn nỗi nhục nhằn, cay đắng của những tâm hồn hướng thiện nên yêu nước, yêu tự do và do đó đã bị đọa đày trong kiếp sống thú vật tại những nhà tù dựng lên khắp nước, nhất là tại những vùng núi rừng độc địa ở biên thùy Hoa Việt.

Giữa tình cảnh ấy, những mùa Xuân tươi thắm, rộn ràng năm cũ hiển nhiên chỉ còn là vang bóng, là giấc mơ mà thôi.

Ngày tết ngàn năm thiêng liêng đã đến 
Xà lim lạnh tím xương da 
Tăm tối, thối khai, khám xét phiền hà 
Muối trắng khô lòng hai bữa 
Chân phù nước lã thay cơm! 
Hôm sớm ảo mờ choáng váng 
Nấm mồ vùi táng nhớp nhơ 
Mắt mờ, meo mồm, mọt mốc, mộng mơ 
Ngoài trời lâm thâm mưa... 
Linh hồn năm tháng xa xua 
Khơi dậy bao mùa xuân rực rỡ 
Làm ta thương nhớ 
Làm tim ta nghẹn ngào muốn vỡ 
Lại trở về đây 
Trong cảnh đọa đày thảm hại!

Do đó, không có gì ngạc nhiên trước nỗi khát khao được sống lại những mùa Xuân xưa cũ - Có Mẹ, có Cha, có bếp lửa gia đình êm ấm, với nồi bánh chưng bốc khói, với bát canh măng, với đĩa giò hoa và mọi người thân quây quần, đoàn tụ trong không khí tràn ngập yêu thương.

Nhưng tất cả, chỉ là giấc mơ không bao giờ thành hiện thực khi sống lưng gầy guộc chạm vào cái lạnh thấu xương của sàn xi măng băng giá!

Ôi làm sao sống lại 
Những mùa xuân ngất ngây 
Những mùa xuân không bao giờ còn thấy 
Để ta tận hưởng cảnh xum vầy 
Ấm cúng 
Tràn đầy yêu thuơng! 
Ngàn đời yêu thương! 
Sàn xi măng băng giá lạ thường 
Hơi lạnh toát ra làm ta đau buốt 
Suốt xương lưng 
Nồi bánh chưng mẹ luộc vẫn bập bùng 
Qua bóng đêm buồn xứ sở 
Thắp sáng chân trời xưa cũ, xót xa 
Bát canh măng, canh bóng, đĩa giò hoa 
Không khí thiêng liêng, thành kính 
Đã ngấm sâu vào trong máu xương ta 
Như nhũng thâm tình ruột thịt 
Không thể nào quên nổi, thiết tha! 
Kia, Mẹ Cha ta 
Anh, chị, bạn bè 
Hương khói ly trà chén rượu 
Những cảnh những tình khi ta hiểu 
Thời không còn, tan tác từ lâu! 
Riêng khối sầu đọng lại 
Tàn đời không ta 
Tê tái tim gan người tóc bạc... 
Tiếng pháo mừng xuân ngơ ngác 
Xã hội đảo điên xơ xác 
Rơm rác nở hoa 
Con nguời nhục mạ 
Bao mùa xuân thăm thẳm trôi qua.

Bài thơ được sáng tác năm 1984, tức là đã 5 năm nhà thơ bị tống vào nhà tù Hỏa Lò và sau hơn 1000 ngày bị biệt giam trong phòng tối.

Tới thời điểm này, bấm đốt ngón tay, tác giả Hoa Địa Ngục đã bóc hết hơn 20 block lịch tức đã hơn 20 lần chào đón Chúa Xuân giữa cảnh sống với gông cùm, đày đọa...! Cho nên ngày Tết, ngày Xuân, đối với nhà thơ, chỉ mang đến thêm một gợi nhắc là bản thân mình đang bị đẩy gần cái chết khi mà “Tiếng pháo bên ngoài ảo não, khô khan - Ta nằm như chó ốm, lụi tàn!”:

Rồi ra 
Gió núi mưa ngàn hú gọi 
Mồ hoang giang đón tương lai 
Khép mọi chân trời mơ ước 
Tắt mọi lửa lòng 
Mọi cay đắng, ưu tư 
Đâu cái thuở ta cười trong nắng 
Hát trong mưa 
Bừng bừng sinh thú? 
Giờ xương da ủ rũ muốn tiêu tan 
Tiếng pháo bên ngoài ảo não, khô khan 
Ta nằm như chó ốm, lụi tàn 
Bụi mưa xuân ẩm ướt lưỡi dao hàn 
Lửa đói không hề sưởi ấm 
Ta như cô hồn đi giữa đêm đông 
Âm thầm câm điếc 
Mơ về tổ ấm xa xưa 
Cho trái tim máu ứa, lệ chan hòa 
Xóa nhòa thực tại 
Giây phút chập chờn sống lại Mẹ Cha ta 
Hiền hòa mà trang nghiêm nhất 
Ta đứng bên cành đào, cây quất 
Rượu ngà say... 
Hương khói vờn bay 
Đỉnh đồng, mâm ngũ quả 
Ngàn xưa tỏa ngát, xanh tươi 
Pháo nổ vang trời ấm áp 
Song sàn đá xi măng lạnh toát 
Thân gầy run rẩy toàn thân 
Tê nhức đôi chân 
Đau đầu, buốt thận 
Đâu phút cam lai? 
Đâu giờ khổ tận? 
Ta khát, ta thèm ca nước đun sôi 
Pháo nổ liên hồi 
Nhức óc! 
Ta trùm chăn kín mặt 
Run run... 
Giao thừa như đã đến 
Sốt lên cơn! 
(Ngày Tết - 1984)

Cũng trong năm 1984, bài Tết Đến được sáng tác trước khi nhà thơ bị chuyển từ Hỏa Lò tới trại giam B14 ở Thanh Liệt, cách Hà Nội khoảng 7, 8 cây số. Nơi đây, nhà thơ có dịp gặp Võ Đại Tôn và cũng tại nơi đây, thể chất của ông đã lâm tình trạng suy thoái trầm trọng.

Tết đến thần kinh mỏi 
Tuổi xuân, nhựa sống không còn 
Đất nước ngâm dìm, chìm đắm héo hon 
Mòn mỏi xương da, bao la tiếc hối! 
Ôi! Những ngày xưa xa xôi 
Nắng gió mây trời, đời như mở hội 
Hồn như réo sôi 
Ấm áp tình người mà không hề sưởi ấm 
Thành muôn buốt lịm tìm đâm 
Trái tim già cỗi! 
Giọt lệ như giọt sương nóng hổi 
Từ từ lăn trên bộ mặt điêu tàn 
Tiếng pháo giao thừa hỗn loạn nổ ran 
Làm vỡ rạn 
Ngàn muôn vết rạn 
Máu tươi loang 
Nhoà xóa chân trời dĩ vãng 
Nổi lên hiện tại hung tàn 
Với tất cả muôn vàn cay đắng! 
Lầm than, ai oán, ly tan! 
Ma quỷ liên hoan mừng Tết 
Đười ươi, rắn rết vui xuân 
Người trầm luân dưới đáy ngục trần!
(Tết Đến - 1984)

Cũng không có gì ngạc nhiên khi viết lên những câu thơ tả cảnh mùa Xuân như các vết chém trong hồn vì cái nhìn không thể rời khỏi thân phận khổ đau uất nghẹn của chính mình trong kiếp sống tù đày!

Bốn bức rào nứa 
Cứa vào mùa Xuân 
Một cách bất nhân! 
Mùa Xuân máu ứa!

Nước mắt là mưa Xuân! 
Máu người là nắng Xuân! 
Rớt rãi là nhựa Xuân! 
Mồ hôi là mồ Xuân! 
(Những Ghi Chép Vụn Vặt - Đoạn 47/48)

Hình ảnh và màu sắc mùa Xuân chỉ còn là nước mắt, rớt rãi, mồ hôi và máu ứa... vì vận nước vẫn chìm sâu trong đêm tối và đời sống con người, dù trong nhà tù hay giữa đời thường, vẫn chỉ là tổng hợp của những lầm than, đói rách, khổ đau, nên:

Và cứ thế, năm tàn Xuân tới, 
Hè qua Thu, ủ rũ Đông về! 
Tuổi Xuân trôi, đời vẫn tơi bời! 
Trong đói khổ lao tù, thất thế! 
(Những Ghi Chép Vụn Vặt - Đoạn 97)

Có những mùa Xuân chửa về đã hết 
Tôi một mình tìm ngõ tối lang thang 
Tiếng pháo từ nơi phố xá nhạt vàng 
Nghe lạnh lẽo như vọng từ cõi chết! 
(Những Ghi Chép Vụn Vặt - Đoạn 65)

Tim vắng vẻ thường bộn bề u uất 
Mỗi độ Xuân về trên mảnh đất đau thương 
Nhớ cảnh, nhớ người, nhớ khói, nhớ hương 
Nhớ không khí yêu thương, ngàn đời đã mất! 
(Những Ghi Chép Vụn Vặt - Đoạn 209)

Tóm lại, qua thơ Nguyễn Chí Thiện, mùa Xuân chỉ vang lên tiếng khóc đau thương tuyệt vọng của người dân Việt Nam dưới gông cùm cộng sản. Biết bao thế hệ đã bị dồn vào ngõ cụt cuộc đời.

Nguyễn Chí Thiện đã vĩnh viễn ra đi, xa lìa mọi khổ đau trần thế để về miền miên viễn. Nhưng các vần thơ Xuân của ông luôn khơi gợi nơi tâm tư mọi người nổi ước mơ tìm lại mùa Xuân thực sự cho quê hương.

______________________

(*) Trả lời một cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do RFA, Nguyễn Chí Thiện đã kể lại chuyện này như sau: “Khi bắt tôi, sự thực mà nói thì tôi không làm tội tình gì cả. Hôm ấy, một ông bạn là giáo viên dạy sử, ông ấy ốm nhờ tôi dạy hộ một lớp bổ túc văn hóa mà lớp ấy ở trước nhà tôi ở phố Ga, Hải Phòng. Tôi cũng tình cờ vào dạy giúp ông ấy có hai tiếng thôi. Tôi giảng về đại chiến thứ hai rằng: ‘Sở dĩ Nhật đầu hàng là do hai quả bom nguyên tử của Mỹ bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki’.” 

Thế nhưng giảng như vậy là giảng sai với sách giáo khoa. Sách giáo khoa nói: ‘Sở dĩ Nhật phải đầu hàng là do quân Liên Xô đánh tan quân Nhật ở Mãn Châu. Chứ không phải là do Mỹ’. 

Tôi chí giảng như thế thôi. Mình thì vô tình, nhung bị nó theo dõi. Rồi vài tháng sau, đến đầu năm 1961, nó bắt tôi ra tòa với tội danh: phản tuyên truyền. Trước tòa, tôi cũng nói, tôi giảng theo đúng lịch sử thôi. Lúc bấy giờ họ xử tôi có hai năm tù thôi. Nhưng trên thực tế tôi phải ở tới 3 năm rưỡi.”


Trần Phong Vũ 

04-10-2013

Nguồn: http://www.hocxa.com/VanHoc/TacGia/NCT_MuaXuanTrongTho_TranPhongVu.php
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com