User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

nguyenvykhanh

Sau hơn một phần tư thế kỷ bó mình sống ở ngoài nước, người Việt chúng ta thường vẫn sống với những quá khứ đã ngày càng rời xa, với những mảnh đất con người ngày càng thay đổi hoặc biến dạng, với những thân quyến bạn bè mới nhi-bất-hoặc đã cổ-lai-hy. Cũng trong thời gian đó, nhiều nhà văn đã có công ghi lại những nỗi nhớ, những quá vãng và kỷ niệm, thơ mộng hoặc hiện thực.

Trong bài này chúng tôi ghi lại một số nhận xét tổng quát về một số nhà văn có liên hệ mật thiết với vùng tỉnh Mỹ Tho - Bến Tre. Trong chương tổng quan đầu tập Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX: Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại, chúng tôi đã có dịp nhận xét rằng sau 1975, ở hải ngoại đã có hiện tượng đặc biệt ‘văn chương miệt vườn’, vì đây là lần đầu trong lịch sử người miền Nam lục tỉnh phải bỏ nước ra đi: một văn nghệ "miệt vườn" nở rộ. Có thể nói với biến cố 30-4-1975, trong hoài niệm người miền Nam đã làm sống lại một "mảng" văn học trước đó âm thầm và bị lơ là. Miền Nam Cộng Hòa là của chung, nhưng người miền Nam lần đầu phải bỏ quê hương đông đảo đã thành công ghi lại quá vãng văn hóa, tình tự con người và những thú điền viên không còn nữa hay không còn hy vọng tìm lại! Võ Kỳ Điền, Kiệt Tấn, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Ba, Sĩ Liêm, Nguyễn Thị Phong Dinh (Nguyễn Vĩnh Long), Nguyễn Thị Long An, Huỳnh Hữu Cửu, v.v.

Nếu ở giai đoạn ngay sau 1954, văn học miền Nam ghi nhận sự đóng góp mạnh mẽ của người miền Bắc và Nghệ Tỉnh Bình khi họ phải rời quê cha đất tổ, phải vượt tuyến lội sông hoặc băng rừng qua Lào, thì sau 1975, là thời của người miền Nam "lục tỉnh" (1). Nhưng vào những năm cuối thế kỷ XX, "mặt trận" văn chương "miệt vườn" lặng lờ hơn, người viết ít lại và ít tác phẩm hơn. Tính chất khai phóng của văn học miền Nam dần mất phần nào khía cạnh bộc phát hồn nhiên văn chương và tình ý được lăng kính tâm và trí thức gạn lọc hơn. Khói Sóng Trên Sông (2000) của Nguyễn Văn Sâm (2) là một thí dụ đáng kể!

Xuân Vũ

XuanVu.400

Toàn bộ tác phẩm của ông từ trước 1975 đến nay, là cuộc đời từ kháng chiến đến chống Cộng, từ những ngày Thanh niên tiền phong Việt minh thời 1945, tập kết ra Bắc 1955, trở lại miền Nam 1971 và hồi chánh. Nỗi nhớ ở đây lùi xa nhất, thời miền Nam hãy còn là đất thuộc địa Pháp, thuở thanh xuân của tác giả.

Phần chính tác phẩm của Xuân Vũ viết về kinh nghiệm kháng chiến và cộng sản Hà Nội. Bộ Đường Đi Không Đến khởi từ 1973 đến 1996 gồm năm tập, hồi ký vượt đường mòn Hồ Chí Minh. Kế tiếp là bộ 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi viết chung với Dương Đình Lôi, gồm 2250 trang. Bộ Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết, đã in 3 tập cho đến 1998 là những chân dung lồng tình cảm, ứng xử của con người Nam bộ Xuân Vũ. Cùng chủ đề còn có các tập bút ký, tiểu thuyết: Cách Mạng Tháng 8 Cha Đẻ Còng Số 8, Sông Nước Hậu Giang, Bùn Đỏ, Kẻ Sống Sót, Đỏ Và Vàng,... và các tập truyện ngắn Thiên Đàng Treo, Thiên Đàng Treo Đứt Dây, Ông Lão Thổi Bong Bóng, Con Người Vốn Quí Nhất, Tự Vị Thế Kỷ,... Qua đó, ông đã liên tục vẽ lại chân dung và hành trình của những con người Nam bộ chân thành yêu nước bị lợi dụng tập kết, bị lừa và lợi dụng suốt hai cuộc chiến tranh 1945-54 rồi 1957-1975. Người đọc nhận chân những giả trá của Việt cộng, những mưu mô, mánh khóe, những "đòn" chính trị, những tầm thường của những khuôn mặt "lớn"! Xuân Vũ tự thuật cuộc đời ông, cũng là của nhiều người, cho thấy hận thù của ông đối với tập đoàn lãnh tụ và chế độ cộng sản Hà Nội. Những phản ứng, kình chống của những người bị lợi dụng này ở ngay giữa lòng Hà Nội cũng là những phản ứng, kình địch với một thứ tâm địa và con người đất Bắc,.. "Kỳ Cục là cảm giác đầu tiên của tôi đối với cộng sản" (3). Lỡ tập kết ra Bắc, ông "trốn" chế độ, vào Nam để phải chứng kiến những tàn khốc của con đường mòn mang tên lãnh tụ miền Bắc, bộ Đường Đi Không Đến đã làm chứng cho những đày đọa có-một-không-hai này! Rồi chuyện trong bưng, chuyện chính trị, xã hội và cả tình ái những nhân vật của cục R.

Loại thứ hai gồm hồi ký và truyện viết về miệt vườn, chuyện đồng quê và xã hội thời thanh bình cũng như thời chiến và hậu chiến: Tấm Lụa Đào, Cô Ba Trà, Quê Hương Yêu Dấu, Trăng Kia Chưa Xế, Vàng Mơ Bông Lúa, Những Độ Gà Nòi, Xóm Cái Bần, Buồng Cau Trổ Ngược, v.v. Trong khi các tập Ngọc Vùi, Hột Xoàn Là Của Trời Cho,... là chuyện cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ngoài ra mới 1999 đây, ông đã xuất bản truyện do chính ông bằng tiếng Anh, The Survivor (Kẻ Sống Sót) như một tiếp tục sứ mạng với độc giả tiếng Anh!

Xuân Vũ có trí nhớ, có tài cộng với cái duyên con người Nam bộ kể chuyện đa dạng, ngôn ngữ hồn nhiên, khi tròn trịa, khi dài dòng, khi lý luận cho ra lẽ,... Mỹ Tho với ông là nơi ông "từng ăn những ổ bánh mì ba-tê gan tuyệt trần, đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy ở đâu ngoài Mỹ Tho thành phố nguy nga của tuổi học trò tôi, nơi tôi nghe Trần Văn Trạch hát những bản nhạc tình đầu tiên, nơi tôi biết "hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm" của Xuân Diệu..." (4).

Viết đối với Xuân Vũ "là một việc khó khăn, cao quý, gian khổ và đau khổ, - lắm khi còn đầy đe dọa. Nhưng nếu chết đi mà còn được tái sinh theo thuyết luân hồi của nhà Phật, thì tôi xin được tiếp tục cầm bút để viết nốt những gì còn bỏ dở ở kiếp này. Ôi, cây bút gầy gò nhỏ bé! Nhưng nếu không có nó thì loài người chỉ là một lũ người câm" (5).

Hồ Trường An

hotruongan

Mỹ Tho là quê ngoại và là nơi ông trải qua thời niên thiếu với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu. Qua gần 40 tác phẩm đã xuất bản, chuyện miệt vườn với Hồ Trường An đã là một trường thiên tiểu thuyết, trong đó các nhân vật tiếp nối nhau, các chuyện tình, ghen tương và những khung cảnh gia đình miệt quê cũng như tỉnh lỵ. Ông chứng tỏ sống và biết nhiều, đời lính và làm văn nghệ của ông trước 1975 đã giúp ông không ít trong việc sáng tác chủ yếu từ khi sống tị nạn ở Pháp.

Đọc Hồ Trường An dễ thấy cái hoa hòe trải rộng của ông có khi làm người đọc bối rối, lạc lõng, không phải như trong câu chuyện dài tình tiết của Xuân Vũ, hay dài cố ý của phim bộ, mà là ở chi tiết, hình dung từ, cái trang điểm thêm khi đã đủ tươm tất! Cách đặt tên nhân vật lại là một đặc điểm khác của ông: tên đặt cho nhân vật quá đẹp không hợp với hoàn cảnh địa lý thôn quê thường dùng tên cục mịch hơn, "dân gian" hơn. Chỉ lấy thí dụ cuốn Phấn Bướm, nhân vật nào là Diễm Lăng, Lệ Phỉ, Phương Tần, Mỹ Cần, mà ngay thú vật, bồ câu được gọi là Xuyết Cẩm, Ánh Tuyết, Như Băng, Hoàng Hạc, ngựa thì Đạm Lớn, Đạm Nhỏ, Bích, Huyền Ô,... Tên món ăn dù không cao lương mỹ vị vẫn được tác giả âu yếm bác học đặt tên!

Từ những tác phẩm đầu tay Lớp Sóng Phế Hưng (1985), Phấn Bướm, Hợp Lưu (1986), Đêm Chong Đèn, Ngát Hương Mật Ong,... đến những tiểu thuyết sau này như Trang Trại Thần Tiên, Vùng Thôn Trang Diễm Ảo, Chân Trời Mộng Đẹp, Tình Sen Ý Huệ (1999) và những tập truyện ngắn Tạp Chủng, Chuyện Miệt Vườn, Chuyện Quê Nam, Chuyện Ma Đất Tân Bồi,..., Hồ Trường An đưa người đọc trở về và sống lại với miền đất Tiền và Hậu giang như Mỹ Tho, Trung Lương, Vĩnh Long, Rạch Giá,...,  với đủ hạng người, dân quê, nửa quê nửa thành thị, người Minh Hương, dân ruộng rẫy, thương hồ, đào kép cải lương, trẻ già,... chung đụng trong một không khí mát lành của chốn quê mà cũng đầy hâm hấp dục tình, tự nhiên như thời tiết, như con nước phù sa,... Người đọc cũng được nhìn thấy những cảnh đẹp miền quê, những căn nhà lợp bằng lá dừa nước, những mảnh đời sống của các thập niên 1950, 60, 70. Trong tác phẩm của Hồ Trường An có những biến cố nhưng thường là đời sống bình nhật,... với những tiếng nói lanh lảnh, ngọt ngào, những tiếng chửi có vần du dương,... Trong khung cảnh đất lục tỉnh hoặc giữa Paris xứ người - như truyện Tên, Thứ, Hỗn Danh thú vị!

Trích đoạn tiếng than khóc của một cặp thương hồ: "- Hồi đó tui biểu anh đi tập hát cải lương, anh không nghe; anh nghe lời ông bầu gánh Rương Đen đi theo nghề hát bội. Giờ đây hát bội hết thời, không ai thèm coi. Gánh Rương Đen rã tại Chợ Lách, may mà tui còn chút đỉnh tiền mua chiếc ghe để về đây vớt phân thiên hạ. Vớt ba cái thúi tha hoài, rồi chẳng biết ngày nào về quê quán đây! Năm cùng tháng tận rồi mà mình chưa mua được chai rượu, con vịt để dành ăn Tết.

Tiếng người đàn ông lè nhè:

- Tao biểu mày nín. Số tao là số bần cùng, dẫu có đi theo cải lương, thì cái giọng thùng thiếc bể chắc gì tao được làm kép chánh đâu. Nghề hát bội là nghề ông cha tao nuôi các cô, các chú, anh chị em tao đã hai đời rồi, lẽ nào tao phụ nó..." (Bèo Bọt, Tạp Chủng, tr. 18).

Tính dục có khi thường trực, như bản năng, có khi như là tác động của tiềm thức, của quá khứ. Nói chung là cái tự nhiên, bộc phát, như hơi thở, như ăn uống. Nhưng nhìn kỹ, toàn bộ tác phẩm của Hồ Trường An có thể nói có cái thế giới của giống thứ hai (deuxième sexe), có nữ tính, màu hồng, ở những không khí, tâm lý dịu dàng hoặc sôi sục ở bên trong, ở cái hồn nhiên, thật thà dễ tin người, ở những đam mê đắm đuối không thể thắng, ngừng, ở những món ăn, cách ăn cách mặc, ở y phục, ở những dáng điệu, bộ tướng, bộ đi, ở cái không khí đào hát, cải lương, đời như kịch tính, ở cách đặt tên nhân vật nhất, v.v. Tóm lại, của màu mè, của mùi và lẳng! Khi tả những tiếng hát, có thể "quỉ khốc thần sầu", có thể vô danh, Hồ Trường An tỏ ra không khác gì một bác sĩ chuyên viên chăm sóc dây gân hay thanh đới, thanh âm của người ca sĩ! Nếu truyện và thơ Trân Sa toát một "nam tính" thì toàn thể tác phẩm của Hồ Trường An mang một "nữ tính" rõ rệt, bao trùm!

Hồ Trường An trong một vài tiểu thuyết đã sai thời gian tính, như khi để một bà già đầu thập niên 1950 lý luận ăn nói như sau 1970. Cả về y phục, kiểu cách,... vì chi tiết, mỹ hóa, kỹ xảo quá có thể khiến người đọc đâm nghi ngờ đọc tiểu thuyết hơn là chuyện phong tục miệt vườn!

Nhưng cũng nhờ trí nhớ tốt, trong cả chi tiết, do đó không lạ khi ông là người thành công nhất ở hải ngoại viết về cuộc đời sự nghiệp các danh ca, đào cải lương, tài tử phim ảnh, hoặc giới văn nghệ sĩ, báo chí, v.v. với Cõi Ký Ức Trăng Xanh, Chân Trời Lam Ngọc, Giai Thoại Hồng, Theo Chân Những Tiếng Hát,...! Và rõ rệt là ông chịu ảnh hưởng truyện bình dân Tàu như Phấn Trang Lầu,... và truyện "nghĩa hiệp", "ái tình tiểu thuyết" như của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức,... Cả một truyền thừa nhiều biền ngẫu, nhạc tính!

Kiệt Tấn

kiettan

Kiệt Tấn sống hiện sinh hết mình, sống thật, trong đời sống cũng như tình yêu. Nhân vật Kiệt nổi loạn, sống và đòi sống, bất kể hậu quả. Ông hết mình vì không giấu giếm với người đọc. Một tâm hồn thẳng tuột, không sợ mất lòng, không cả rào đón lo "an ninh" cho "cá nhân"!

Trong tiểu thuyết Lớp Lớp Phù Sa, ông viết về phong tục và đời sống xưa khó khăn, tình con người hảo hớn và băng đảng hội kín. Tình cảm đặc biệt tràn đầy, cảm động trong Nụ Cười Tre Trúc về người mẹ, về "nụ cười tre trúc rì rào". Trong nỗi nhớ, giữa những người thân và bạn bè còn có những bà-già-quê-hương bán hàng rong mà tác giả đã gặp. Năm Nay Hoa Đào Lại Nở (NCTT) chính là nỗi nhung nhớ quê nhà qua một bà bán đậu phọng, nỗi nhớ mỗi năm hoa đào lại nở ở xứ người!

Ông hay trích thơ nhạc, câu hát cải lương, cả ngay trong câu văn, may mà tác giả thường cẩn thận cho in chữ nghiêng: "... Vài con vịt xanh đỏ xinh đẹp nhởn nhơ trên mặt sông. Vịt nằm bờ mía rỉa lông, cám cảnh thương chồng đi học đường xa. Vịt đưa mỏ rỉa lông chăm sóc sự phình nổi của mình. (,...). Thôi thì em chẳng yêu tôi, leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng. Bứt rời em, tôi còn biết sống với ai?" (EƠBĐT, tr. 99).

Vấn đề xác thịt trở nên yếu tố không thể thiếu của đời sống nổi loạn đó. Tình dục ở Kiệt Tấn không là vấn đề để bàn, mà phải sống, phải hiện sinh, với điên cuồng nhiệt tình, với tối đa cảm xúc. Trong nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn khác nhau, người đọc được gặp lại hơn một lần những cô Út thời học trò nhỏ, cô Tuyết bán quán ở Bắc Mỹ Thuận, Hoa bến đò Rạch Miễu, những cô gái mắt xanh tóc vàng Michèle, Danielle ở Xóm Học (Quartier Latin) Paris, Diane, Danyèle, Louise của đất Quebec, Canada mà nhân vật ông dịch là Ca Bá Đại. Chưa kể những chuyện ăn chơi nhậu nhẹt bên những cánh hồng nơi chỗ tối tăm (Sáng Dậy Nghe Em Khóc, Những Đoá Hạnh Phúc Không Ngờ trong Thương Nàng Bấy Nhiêu). Nhưng bên cạnh vẫn có nhân vật Ánh xuất hiện ở những lúc cần thiết để "chà răng", đưa tác giả trở lại thực tế cuộc đời. Tính chất tự truyện khiến tác phẩm ông thành công, dù có khi sống sượng, như chung người yêu, Hoa, Liên, Diane,... Không theo khuôn luân lý của đa số, chính Kiệt Tấn đề cập đến nhưng lại cho đó là một cách nhìn của xã hội cần phép tắc và lễ nghi để trị an nhưng theo ông "đôi lúc càng trị loạn, loạn càng dữ" (Thư Cho Lộc, Nghe Mưa, tr. 242). Nhân vật xưng Tôi từng thú "gian lận trong tình yêu" vì với đàn bà, ông tự thú "có trái tim tật nguyền ... chỉ biết si tình và đam mê thôi chớ không biết yêu" (Nghe Mưa, tr. 245).  

Kiệt Tấn và nhân vật của ông đùa tình với phái nữ, tinh nghịch với đời, với ông anh (Lệ Dung Sang Tề, Thư Cho Lộc,...) và bạn bè (ông viết bút ký thăm Montreal và Toronto cũng đặc biệt lạ lẫm). Nhưng nghĩ cho cùng, Kiệt Tấn hay nhân vật trong tác phẩm của ông, đều có ý dùng kinh nghiệm sống để vượt lên trên, làm người. Cái hết mình, "dzô, dzô", "100%" trong truyện Kiệt Tấn, chính là Nam tính rất địa phương đó. "Ông hôn chùn chụt..." diễn tả đặc biệt chi li động tác, tình cảm sâu, nặng như mùi cải lương. Trong các truyện nhiều chi tiết trở lại như  những tham chiếu, tiếp nối. Như ba truyện ngắn Bến Đò Trao Thơ, Người Em Xóm Học và Em Điên Xõa Tóc đã mở đầu cho truyện Vườn Chanh Miệt Biển (NCTT).

Một đặc điểm nữa ở Kiệt Tấn là tự kỷ cái rốn, không chấp nhận nhận xét của kẻ khác! Và mặt khác không biết những nổi loạn, sống hết mình của ông có ảnh hưởng gì đến con người tác giả không, vì truyện Em Điên Xõa Tóc (sau in trong Nụ Cười Tre Trúc, 1987) chứng tỏ người viết truyện đã từng sống trong bệnh cảnh đó!

Nói chung, tính chất tự truyện, hiện thực trong tác phẩm của Kiệt Tấn đã làm mạnh thêm tính lãng tử và có phần thi vị. Tựu trung chuyện ăn chơi, đam mê, lầm lỡ,... của nhân vật xưng tôi hay Kiệt đã là những tác phẩm khá thơ mộng và thành công để lại nơi người đọc sự quí mến, dĩ nhiên là với người đọc không đạo đức giả! Sống thật vì theo ông, hạnh phúc chỉ là một cảm giác (Nghe Mưa, tr. 243). Cũng nên ghi lại đây quan niệm về truyện ngắn khác người của ông: "Tôi có quan niệm về truyện ngắn hay hoặc dở như sau: Tôi tưởng tượng độc giả là người nữ. Khi sáng tác truyện ngắn, tác giả rủ độc giả làm tình. Nếu cả hai đều đã đời, truyện ngắn thành công. Nếu chỉ có một bên đã đời, truyện ngắn thất bại. Nếu không có bên nào đã đời, truyện ngắn thảm bại..." (Nghe Mưa, tr. 243).

Ngoài ra, cái sôi nổi, hết mình của Kiệt Tấn đã được thể hiện dưới một hình thức khác cũng vốn là sở trường của ông khi bắt đầu nhập làng văn nghệ: thi ca. Ở những ngày tháng đời mà kỷ niệm và kinh nghiệm sống trút lại trong sinh mệnh bi thương của tập thể, đất nước, năm 1986, ông đã viết nên tập trường thi Việt Nam Thương Khúc xuất bản năm 1999 gồm 3100 câu song thất lục bát, tiếng ca của những đau thương, hệ lụy thăng trầm của đất nước, của con người Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm khi giới thiệu đã viết "Đó là cái không khí tình người bạt ngàn thương yêu gia đình và đồng loại của những nhân vật nạn nhân, đó là sự dẫy dụa cố thoát khỏi nghịch cảnh của những người bị con quái vật định mạng kéo vào lò tai ương. Đó là một hơi thơ trong suốt không bao giờ lạc vận, được phụ họa bằng những chữ dùng trang nhã mà chính xác. Dĩ nhiên tất cả tình tiết và sự kiện lịch sử xảy ra trước đây, người đọc đã cất kỹ trong ký ức sẽ được trí đón nhận trở về một cách thích thú vì Kiệt Tấn dùng những sự kiện đó làm nền cho câu chuyện của mình..." (7). Trường thi như một bản lịch sử ký ức đau buồn, nhắc nhở những tang thương khổ nạn của dân tộc kéo dài cả thế kỷ, được mở đầu như sau:

"Thân đất khách một mình xui nhớ
Hương đêm dần dần nở khúc thương
Cửu Long Hồng Thủy Giang Hương
Ba sông một mẹ đau thương ngút trời
Ba chục Tết tơi bời xương máu
Triệu hồn oan lảo đảo đòi nương (...)"

Kiệt Tấn trong Thư Ngỏ đã cho biết ông đã kết thúc được là  nhờ ‘rung cảm phù sa’ (8):

"Trời xanh hỡi nỗi này có thấu
Thương khúc vang vang tấu chín từng
Phong ba rần rật tưng bừng
Ba mươi năm giặc nghe lừng vọng lên
Ba chục khúc trổi nên trường hận
Hận ngút trời quốc vận đào điên
Đảo điên sông núi ba miền
Việt Nam Thương Khúc sử truyền thiên thu"

Trường thi khai mở mang nét lục tỉnh của Thơ Ba Mén nhưng hơi thơ tiếp rõ là xa với những vần thơ thiết tha nhưng trầm buồn của Bình Nguyên Lộc. Và cũng xa hẳn những nổi loạn tâm hồn tuổi trẻ của những Điệp Khúc Trái Phá (NXB Sáng Tạo, 1966):

"đêm hôm đó
khi trúng đạn người lính giận dữ
chửi thề
rồi phun ra một búng máu
sáng hôm sau
người nông dân mang cày ra đồng nhìn thấy vũng máu
chửi thề
rồi xẻ đường cho máu đi vào đất
mạ gieo xuống
mạ không buồn đếm xỉa máu của bên này bên kia
mạ mọc lên
bình thản
tốt tươi
khỏe mạnh"

(Trong Cơn Binh Lửa).

Bài thơ Dòng Sông Và Con Thuyền Hai Mươi Tuổi diễn tả những cảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh huynh đệ, với những tàn bạo và phi lý chỉ tăng cường độ theo thời gian. Bài viết cho người bạn vừa nằm xuống ở lứa tuổi đôi mươi:

"Còn nhớ gì không Gia
trong những đêm đen nào
lũ chó mực cất cổ tru thảm thiết bên những căn nhà trụi nóc
Rồi theo đó chiến tranh trở về
với chiếc cày lửa và mầm đạn đồng
gieo mạ xuống ruộng vườn chúng ta
Nơi đó mọc lên những cây than đen tuyền
và lũ quạ mun ủ rũ đôi mắt tròn số không
(...)  Nhớ gì không nhớ gì không hở Gia?
nhớ gì không
những người đàn ông không có thì giờ để làm tình
những người đàn bà không có thì giờ để cưu mang
những bào thai không có thì giờ để chào đời
những trẻ thơ không có thì giờ để nô giỡn
những cơ thể non không có thì giờ để già nua
ngững kẻ bạc đầu không có thì giờ để chu toàn cái chết
Còn nhớ gì hở không Gia?
con mắt chó trung thành rơi trên nền đất cứng
bà già cụt đầu lõa lồ bên bờ mương
đứa nhỏ chết cứng trên đỉnh vú xanh
những phát chày vồ những cơn lửa táp
người đàn bà rái cá bà mẹ xõa tóc điên
những kẻ tật nguyền bị tra tấn
những kẻ âm thầm gục dưới gầm cầu
những kẻ bị thủ tiêu trong rừng vắng
Nhớ lấy Gia!
nhớ lấy hết những bi thương đó
để mai kia
vào những đêm mùa hè thật vắng vẻ
mày kể lại cho giun dế nghe
chuyện con thuyền đứt neo
dật dờ trên dòng sông hai mươi tuổi
Gia ơi!
mày hãy tâm sự tuổi hai mươi của mày
với cỏ cây câm nín
giữa khuya bưng tối
đìu hiu
của đêm hè" (1965).

Nguyễn Tấn Hưng

mottroimotbien 1

Không khí tác phẩm của Nguyễn Tấn Hưng thu hẹp trong cuộc đời của một số nhân vật khởi đầu làm học trò ở quê lên Mỹ Tho trọ học với những cuộc tình đầu đời, vụng về, nơi lớp học, vườn cây. Sau thành sinh viên lên Sài Gòn rồi phận trai thời chiến nhập ngũ, theo binh chủng Hải Quân, theo thời gian thành Sĩ Quan lên đến chức Trưởng Phòng Nhì Vùng 4 duyên hải Phú Quốc (Một Thuở Làm Trùm, Một Chuyến Ra Khơi, Một Trời Một Biển,...). Sau 1975 là cuộc sống tha hương, hội nhập, vươn lên (Một Đời Để Học, Một Nỗi Buồn Riêng, Một Cảnh Hai Quê). Nhưng rồi quê hương Mỹ Tho và quá khứ thanh xuân của ông trở lại ám ảnh mạnh mẽ (bộ Một Giấc Mơ Tiên)!

Quá khứ và hiện tại cùng sống động, do đó có khi thứ tự thời gian như bị xáo trộn, hay vì trí nhớ bị hành vì quá nhiều tầng và thứ lớp chồng chất! Mỗi truyện của ông như có dàn sẵn, có đầu có đích hẳn hòi, hầu như không có những lững lơ con cá vàng! Nhưng với Nguyễn Tấn Hưng, khi cần, lý trí vẫn thắng tình cảm, kể cả tình yêu; khi thấy không đi tới đâu với một cô là nhân vật nam rút lui có trật tự, không phiền hà, thù oán...! (MCHQ, Ta Tắm Ao Ta). Trong Một Giấc Mơ Tiên, lang bạt tình ái từ nhà lên tỉnh, "sống bao nhiêu nước cũng vừa, trai bao nhiêu gái cũng chưa bằng lòng", phải "bồ trong bịch ngoài", từ Hồ Điệp, Hoài Hương ở sông rạch, vườn cây, vai chị cũng không tha, đến tỉnh thành như Mỹ Hạnh, Hồng Ngọc đều là gái có chồng, trải qua những mặn mà dục tình cứ như truyện dành cho người lớn, v.v. thế mà cuối cùng Hiếu trở về quê lấy người yêu thuở nào!

Trong bộ Một Trời Một Biển, anh sinh viên Hải Quân Tần với người con gái gặp gỡ tình cờ: "Hiền bỗng dưng mềm nhũn trong tay Tần, (...) Từng khuy áo bật nút và, theo bản năng, bàn tay chàng ve vãn bờ vai trần, mơn mởn thịt da. Hương con gái ngào ngạt tỏa ra từ đôi ngực đào tơ, lồ lộ, không mặc áo sú-cheng. Nàng bất giác rùng mình, nổi da gà, khi những ngón tay chàng chạm vào đầu vú, phớt qua phớt lại... rồi nắn bóp, cương lên, săn gọn trong lòng bàn tay chàng..." (tr. 177).

Gần đây ông tổng kết mọi chuyện vô hai bộ trường thiên tiểu thuyết Một Trời Một Biển (1994) và Một Giấc Mơ Tiên. Bộ sau hoàn thành nhưng chưa xuất bản, tuy vậy có dịp đọc qua bản thảo và trích đoạn trên một số tạp chí, chúng tôi có cảm tưởng Nguyễn Tấn Hưng muốn nhìn lại, vẽ lại bối cảnh tuổi trẻ của mình lồng trong bối cảnh chung của miền Nam ở hai mươi năm trước ngày 30-4-1975. Ý tổng hợp, không muốn để sót, dàn trải nhiều chương tập là truyện tình anh sinh viên sư-phạm tên Hiếu, dàn trải theo nghĩa tình yêu cho người tỉnh nhỏ, mà cả người đô thành.

Thử ngừng lại ở tập 4 - Một Kiếp Nổi Trôi, là đoạn đời thầy giáo Hiếu sau khi ra trường, về dạy học ở tỉnh nhà, chàng như con thoi qua lại ba người nữ, phân thân trong tình yêu. Một loại đoạn cuối của một tình trường. Mỹ Hạnh bạn học Sư Phạm nay ở Đà Lạt, đã lập gia đình với Tâm Không Quân, nhưng cứ mãi bị ám ảnh chuyện buồn riêng, sống lãnh cảm với Tâm nhưng vẫn liên lạc với Hiếu Tình cũ không rủ cũng tới, tình cũ như mới với Hiếu khi cùng đi coi thi Tú Tài ở xứ Thần Kinh. Cô học trò Hồng Ngọc bỏ chồng Long Khánh trở về thuê nhà ở Bến Tre sống vụng trộm với thầy khi đã có chửa, tình cờ đến tình cờ đi, khiến Hiếu cứ mơ tưởng và tin nàng mang thai con của mình. Tình vợ chồng đầy mặc cảm với Hồ Điệp sống ở quê nhà Mỹ Tho với đứa con trai tên An lên sáu, trong tập này chớp nhoáng đến trường Bộ Binh Thủ Đức thăm Hiếu khi chàng thụ huấn ở đó, chớp nhoáng xuất hiện. Thêm Lãm Thúy, cô cháu chú Tiều ở quán nước Chợ Gạo nơi Hiếu đóng quân, một dây dưa lỏng lẻo nhất, không tì vết!

Hiếu, một con người sống với bổn phận và trách nhiệm, nhưng cũng bay bướm, dễ dãi với tình. Làm thầy giáo, khi chiến tranh sôi động đã lên đường nhập ngũ và sống những giây phút tàn cuộc của chiến tranh. Ra trường, về lại quê nhà giữ đồn bót ở Chợ Gạo, rồi cuối cùng bổ xung về vùng rừng U Minh Hạ tăng phái bảo vệ căn cứ hỏa lực Biện Hai. Cuối đời này, làm sĩ quan giữ an ninh trục lộ chính và xa tất cả, Hiếu hay nhậu say để tìm quên, quên những người nữ một thời đam mê không biết mệt!

Nguyễn Tấn Hưng yêu và sống với tình, qua văn chương, ở thể trạng... quá khứ! Có thể buồn vì đã là quá khứ, đã qua mất, nhưng trong cái buồn đó, người đọc cứ mường tượng tác giả vui sướng được sống lại những mảnh đời đó! Có người viết tự truyện và hồi ký để tiếc nuối và buồn đau, Nguyễn Tấn Hưng thì ngược lại. Những cái trắc trở của cuộc đời và tình yêu mà Nguyễn Tấn Hưng nói đến rồi ra cũng ngọt ngào, tròn trịa, đâu ra đó, không tàn nhẫn, oái ăm. Cô học trò Hồng Ngọc ôm bụng chửa bỏ đi không để lại dấu vết, với Hiếu chỉ như một tiếc nuối, một nghi ngờ thoáng qua, mà không là nỗi bất hạnh lớn lao! Cô bạn đồng học rồi đồng nghiệp Mỹ Hạnh, sau những ngày cùng đi coi thi bên nhau và cả gần gũi xác thịt một cách tự nhiên lẫn chút lãng mạn đó, rồi đường ai nấy đi, chồng vợ ai nấy về, nhung nhớ thì có mà quyết liệt tìm lại nhau thì không! Phải chăng đấy là nhân sinh quan con người lục tỉnh? Có mặn mà, hết mình, nhưng khi đã ra đi, đã mất thì cũng chẳng chết ai! Không hận tình mà cũng chẳng biện bạch, làm lớn chuyện!

Nguyễn Tấn Hưng "thật" khi tiểu thuyết hóa quá khứ, cuộc đời. Thật trong ý muốn sống lại, làm sống lại, nhưng ở những chương cuối, tính thời sự và lý tính của người viết khiến trường thiên tiểu thuyết như khựng lại, như không thật - dù vẫn biết đấy là tiểu thuyết! Hiếu quẩn quanh ở những chi tiết, diễn biến thời sự ai cũng đã biết. Ở đây, Nguyễn Tấn Hưng đã để dữ kiện choán hết chỗ và đánh mất cái tài tiểu thuyết hóa của mình!

Ngoài ra, trong truyện của Nguyễn Tấn Hưng hay có cảnh sex: tình dục được ông tả như là hậu quả tất nhiên của tình yêu, bất kể hanh thông hay trục trặc. Khi còn là học trò, tình dục còn ngại ngần, đến khi lên Sài Gòn trọ học thì mãnh liệt hơn, tìm kiếm hơn, đến khi đã là sinh viên sĩ quan hay ra trường hải quân, tình dục bất kể ngày mai. Mỗi giai đoạn một cường độ và "lập trường" khác nhau. Nhìn chung, toát cái không khí xác thịt tự nhiên, với những quan sát đặc biệt chi tiết và tâm lý dành cho nhân vật nữ trong khi tác giả hay lơ là nhân vật nam, như cố tình khỏa lấp chất tự truyện chăng?

Toàn bộ tiểu thuyết có thể được coi như một tác phẩm liên-văn-bản, nói theo ngôn ngữ thời thượng liên mạng. Riêng tập 4 gồm 11 chương, mỗi chương có thể đứng riêng ở dạng truyện ngắn, nhưng người đọc vẫn bị cốt chuyện thu hút bắt phải đọc tiếp! Không còn là những vụng trộm tuổi trẻ hồn nhiên như ở tập đầu của bộ trường thiên, nhưng ở đây vẫn thấy sức sống của những cô gái đôi mươi thể hiện qua lời nói, suy nghĩ, như Hồng Ngọc trêu chọc bạn gái muốn về sớm với chồng: "...Con quỉ cái nầy chắc nó đang... nứng tới!" (XTTN).

Qua những mảnh tình, những cái vui nơi ruộng, vườn, nay vẻ lại, theo trí nhớ, Nguyễn Tấn Hưng như muốn sống lại và luôn chung thủy với quá khứ, quê hương, với con người Mỹ Tho, với đời lính, đồng thời cũng chứng tỏ ông có lòng với văn chương. Ông trân trọng tuổi trẻ, quãng đời cũ, những thứ đã mất dù có thể đây đó nơi xứ người hoặc qui hồi cố hương, vẫn có thể tìm thấy, vẫn chỉ là những mảnh vụn, dư vang!

Sau những quãng đời lính huy hoàng dù đầy gian nan, hiểm nghèo, được đậm nét ở những chuyến hải trình, ở một thuở làm "trùm", những bến đợi, những neo bến, bộ Một Giấc Mơ Tiên đây cái lõi là tình yêu, là cái sống trẻ, sống hết mình, dễ mến, trong cả những bê bối, lang bạt!

Thường thường tác giả bắt đầu truyện bằng những màn tả cảnh, như đầu truyện Dòng Sông Của Tùng (Một Chuyến ra Khơi, 1990): "Vào mùa khô, cái nắng của những làng quê miền Nam kéo dài dai dẳng. Trẻ con trần truồng rong chơi. Bụi đóng lớp dầy trên phiến lá, trên hàng rào... Con đường mòn heo hút, mặt cát đất gồ ghề trắng bệch, thỉnh thoảng một chiếc xe bò chất đầy lúa, một người đàn bà gánh hai bó rơm to hơn người uể oải, lê thê. Quang cảnh đìu hiu vắng vẻ, không còn sức sống, không có dấu hiệu hoạt động. Mảng đất giồng bỏ lâu không xới, cỏ mọc xen lẫn rơm rạ phủ lên mấy lớp..." . Truyện thêm thắt thơ văn, ca dao, câu hò,... làm cho truyện trở nên hấp dẫn, dễ theo dõi! ("Nhún mình như thể nhún đu" (CPQC, MGMT)); "Mặc dù tiết tháng bảy năm nay chẳng có mưa dầm sùi sụt, cũng chẳng có toát hơi may lạnh buốt xương khô vốn rất thích hợp cho sự lang thang của những hồn ma đói khát..." (DTĐTT, MGMT)),

Điểm đặc biệt trong thơ văn Nguyễn Tấn Hưng là dù thơ hay văn, đều là những mảnh, những khía cạnh của một tâm hồn, đứng riêng cũng đặng mà để chung cũng xong. Những một nửa, những tiểu truyện, những giây phút chạnh lòng, những nhung nhớ bất chợt,... Một Giấc Mơ Tiên gồm nhiều tập nhiều chương, nhưng mỗi chương có thể "sống" thoải mái mình "yên". Tập thơ và nhạc Một Thoáng Trong Mơ cũng trong chiều hướng sáng tác:

"Có ai về Mỹ Tho
Nhớ theo sông Bảo Định
Thả trôi ra tận vàm
Tắm mát dòng Tiền Giang (...)

(Về Mỹ Tho).

Tính chất tự truyện bao trùm nhưng với Nguyễn Tấn Hưng hầu như là chuyện thật không thêm bớt, chuyện gốc nghèo, chuyện ông Trùm nhận hối lộ,... chẳng hạn, nhờ vậy truyện có ý tích cực, tố giác, vạch tội, dễ được người đọc cảm tình hơn!

Phùng Nhân

Từ tập truyện Vết Thương Vẫn Mở (1992) đến các tiểu thuyết Xóm Nhị Tì (1994), Vàm Đất Cả Cao (1995), Phùng Nhân viết về con người và xã hội ở miền đất Mỹ Tho, Bến Tre, ngày xưa và hôm nay. Tác giả khởi viết tiểu thuyết khi đã mất quê hương, nơi đó có những con người và mảnh đất chứ không phải là một tổ quốc trừu tượng! Với một tâm tình thiết tha. Ông cho người đọc nhìn thấy những tâm lý nhân vật đặc biệt lục tỉnh, chân chất nhưng nhiệt thành, dứt khoát khi cần. Những con người đã góp phần làm nên lịch sử. Các nhân vật trong Vàm Đất Cả Cao từ Bảy Ngân người đã có công khai phá vùng đất Cả Cao sau theo kháng chiến cứu nước, con là Huy bị chết vì chế độ mới phải "trừ gian", đến thằng cháu Út Hậu, con Bông... đã sống chết với những hệ lụy của đất nước.

Xóm Nhị Tì là bức tranh vân cẩu của một xóm nghèo ở ngoại ô thị xã Mỹ Tho, thời gian và chế độ thay đổi nhưng con người lúc nào cũng sống với những bận tâm thường ngày, những nhân tình thế thái. Tập Vết Thương Vẫn Mở có những truyện thành công, có tính cách tiêu biểu cây viết Phùng Nhân hơn. Chuyện độ gà mà lại nhằm ngày mùng một Tết dưới chế độ cộng sản là một thí dụ đáng kể. "Nuôi được một con gà nòi đã khổ, nhưng đến lúc đá lại còn khổ hơn. Cờ bạc thì còn lén lút, chớ đá gà thì như dậy giặc. Thậm chí như mấy bà bầu coi gà đá mà còn ngứa ngáy tay chưn! Miệng la chết mầy chưa... chết chưa mậy!!! Hà huống gì mấy người nóng tánh... (...) Con Ô Bông đưa mỏ vào cánh mằn lông, thỉnh thoảng trụ bộ bước đi vài bước rồi dừng lại. Cặp cựa ánh lên sắc thép xanh rờn. Ông Hai Bắc bồng lên phun nước sương vào hai bên nách. Con Ô Bông trụ bộ, cho hai mũi cựa giao nhau. Thôi rồi, đích thị là cặp song đao của Tiểu Long Nữ và Dương Quá!!! Trên chốn giang hồ nầy còn ai dám đối đầu. (...) Khi tiếng chuông vừa dứt, thì ông búng nhẹ vào cọng lông thép của Ô Bông. Tức thời, con Ô Bông lạng sâu thêm vài bước, rồi bất ngờ cất cẳng đá tạt ngang, một đòn rất độc. Nhưng con Chuối Lửa tránh được, đồng thời hai con xấn vào, như hai mãnh hổ giành mồi. Con nào cũng muốn đem hết đòn hiểm độc của mình ra để hạ đối phương, con Ô Bông bị cựa đùi trước, yếm lông bắt đầu máu nhuộm, bạc xuống sáu, rồi ăn năm. Ông Hai Bắc hét lên: "Ô Bông; đòn 'tảo địa bàn môn' đâu mà con chưa chịu hạ". Dứt lời ông, thì con Ô Bông ghịt cái lông dây của con Chuối Lửa đá một đòn thẳng cẳng. Con Chuối Lửa bị đâm phụt bộng chết tươi, giòng máu nóng trào ra hai khóe miệng..." (tr. 8, 18-19). Công an du kích kêu loa cấm đá gà, con Ô Bông phải đi đá nơi xa nhưng khi thắng thì bị du kích cộng sản đang làm khán giả lộ bộ mặt thật nổ súng bắt cắp con gà vô địch của Hai Bắc! 

Nhân vật, đối thoại đặc sắc của vùng đất, rất lục tỉnh, phong phú, rất riêng! Những phương ngữ, những điệu và nhạc trong lời nói. Rồi những đặc sản địa phương như cơm gạo nàng sen, rau đắng biển, rau Bồ Ngót, những con cá thòi lòi, cá dược, cá sửu, cá chẽm, cá bóng bèo, cá óng sao, những con rắn hù ri, v.v.

Nói chung, truyện của Phùng Nhân đặc biệt bình dân, cuộc đời người nghèo tri túc tiện túc, vẫn hạnh phúc, lúc nào cũng lạc quan vui sống, cả trong khó khăn, nhọc nhằn, bất hạnh, vẫn le lói tia sáng... của tình người, của những hy vọng! Ông có óc quan sát bén nhạy, dù cách diễn tả có khi hơi nặng, bắt người đọc phải theo dõi.

Nói chung, tác phẩm cả năm tác giả nói trên đều có tính chất tự truyện. Đây là một thể loại văn chương có sáng tạo, có nỗ lực của tác giả, dĩ nhiên khác với hồi ký vốn văn chương chỉ là phụ! Kiệt Tấn, Nguyễn Tấn Hưng, Xuân Vũ nhiều tính tự truyện hơn Phùng Nhân và Hồ Trường An, hai tác giả sau đã tiểu thuyết hóa mỗi người màu mè riêng! Tự truyện ở đây là một nhu cầu tự nhiên, một thiết yếu cho cuộc sống ở xa quê hương, đất nước!

Đặc tính thứ nhì nữa, là cả năm từng sống nhiều nên dồi dào chi tiết và nhân vật riêng của địa phương. Có lẽ vì thế mà cả năm có những tương đồng vì cùng ở một vùng Tiền giang nên cùng ngôn ngữ chăng! Nam tính ở văn phong du dương thơ nhạc và câu hát cải lương mà còn thấy ở những cám dỗ luân lý, xa gần như có những gương phải theo, những phong tục phải gìn giữ. Những tình cảnh và răn đe thiện ác, những nhân sinh quan, triết lý Á Đông! Xuân Vũ là một trong những nhà văn viết nhiều với tâm huyết muốn thuyết phục. Phùng Nhân nhiều địa phương tính nhưng văn chương thì phải ghi nhận Kiệt Tấn, Nguyễn Tấn Hưng và Hồ Trường An!

Nếu phải phân biệt so sánh, ta có thể nói người đất Bắc giỏi làm văn chương, thích làm "mới" hình thức, khuynh hướng mới, làm văn học và nghiên cứu, thì người Nam sống văn chương, nếu có làm văn chương thì vẫn khác ở chỗ dài dòng, chi tiết, đối thoại, ở câu chuyện, v.v. . Dù gì thì nếu người đọc đã từng bước dưới những con đường ngợp bóng cây với người tình tươi mát, nhí nhảnh, từng với nàng tung tăng ở những vườn xoài, mận... ở Trung Lương, từng thưởng thức mì vắt ở chợ Mỹ, từng qua lại những phà Rạch Miễu, đến Mỹ Tho, Kiến Hoà vì tình hay vì trốn cái nóng và xô bồ của Sài Gòn,... đều không khỏi bâng khuâng khi đọc năm tác giả này!

Nguyễn Vy Khanh

8-8-2000

Chú thích

1- Nguyễn Vy Khanh. Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX: Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại (Glendale CA: Đại Nam, 2004), tr. 81; Chủ Đề (Portland OR), 2, Hè 2000, tr. 85.

2- Nguyễn Vy Khanh. "Đọc Khói Sóng Trên Sông của Nguyễn Văn Sâm". Văn CA, 42, 6-2000. tr. 84-91; Văn Học Và Thời Gian (Westminster CA: Văn Nghệ, 2000), tr. 317-328. Liên hệ đến Mỹ Tho gần đây có Nguyên Nhi với Con Gái Người Gác Đèn Biển (1999) và Quái Phong (2000) nhưng địa phương tính đã phai nhạt ít nhiều!

3- Lời Tựa, Tự Vị Thế Kỷ (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1990), tr. V.

4- Xuân Vũ. "Tựa". Đỏ Và Vàng (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1990), tr. 10.

5- Trích giới thiệu của Xuân Vũ ở đầu tập 3. Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1998).

6- "Thư Cho Lộc". Nghe Mưa (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1989), tr. 243.

7- Kiệt Tấn. Việt Nam Thương Khúc (Paris: An Tiêm, 1999), tr. XIII.

8- Sđd, tr. XIX.     

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com