User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Pfizer And BioNTech
 
Sau khi thành công về hiệu quả của vắc xin BNT162b2 do BioNTech và Pfizer phát triển được công bố, câu hỏi “chính chủ” của loại thuốc này là ai bắt đầu được đặt ra. Sở dĩ có câu hỏi này là do Mike Pence, Phó Tổng thống Mỹ nhanh chóng “cướp công” cho rằng thành quả có được vắc xin nhanh chóng của Pfizer là do chiến dịch “Operation Warp Speed” do ông ta lãnh đạo. Cũng như sau nhiều tuần lễ lặng tiếng, không đếm xỉa đến tình hình đại dịch Corona trên nước Mỹ, ngày 13.10 vừa qua tại Vườn Hồng ở Tòa Bạch Ốc, Trump cũng nhảy vào “ăn ké”, đưa ra những lời tán dương hiệu quả của vắc xin “vượt xa mong đợi”, chiến dịch “Operation Warp Speed” đang tỏ ra có hiệu lực và ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của loại thuốc này do Pifzer thực hiện mà không mảy may nhắc đến một đối tác chính, đóng vai trò quyết định về sự phát triển Vắc xin của Biontech…
 
Để trả lời Trump và Pence, ngay lập tức Pfizer đưa ra thông báo, nhấn mạnh rằng, cho đến khi vắc xin được phát triển thành công, họ rõ ràng chưa bao giờ chấp nhận bất kỳ khoản tiền nào của chính phủ Mỹ, cũng như không có liên quan đến chiến dịch “Operation Warp Speed”. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu đã được Ngân hàng Đầu tư Châu Âu tài trợ (Europäischen Investitionsbank).
 
Một ngày sau khi BioNtech đưa ra những báo cáo thành công đầu tiên về vắc xin corona, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mainz, Đức quốc đã trình bày các số liệu kinh doanh trên các sàn giao dịch chứng khoán thế giới. Vẫn như trong mười hai năm kể từ ngày thành lập đến nay, công ty chưa bao giờ viết lên được những con số màu đen. Tuy nhiên, giá trị trên sàn giao dịch chứng khoán, BioNtech bây giờ cao hơn hãng máy bay Lufthansa của Đức hay ngân hàng Commerzbank đã tồn tại từ hàng thế kỷ nay – giá trị thị trường chứng khoán của BioNtech vào giữa tháng 10 chính xác là 18,4 tỷ euro.
 
Xin nhắc lại, Biontech chỉ vừa được thành lập 12 năm nay trong khi muốn phát triển thành công bất kỳ một loại vắc xin nào, thông thường các nhà nghiên cứu cần từ tám đến mười năm.
 
UgurÖlem
 
Hai vợ chồng sáng lập ra BioNtech là Ugur Sahin và Ölem Türeci và cũng là hai nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ sinh học người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu BioNtech (Ölem Türeci là con gái của một bác sĩ người Thổ Nhỹ Kỳ di dân sang Đức, Ugur Sahin là con trai một người thợ khách gốc Thổ sang Đức làm việc lắp ráp xe hơi hãng xe Ford). Nhưng công ty sẽ không sáng giá như ngày nay nếu đằng sau không có những nhà tài trợ mạnh mẽ đã góp sức ngay từ đầu, đó là hai anh em Thomas và Andreas Strüngmann. Họ là những “con cáo già” trong lĩnh vực dược phẩm, đã trở nên rất giàu có với công ty dược phẩm Hexal. Vào tháng 9 năm 2007, cả hai đã quyết định góp vốn giúp thành lập BioNtech.
 
BioNtech ngày nay có trụ sở chính tại Mainz, Đức quốc với 500 chuyên gia. Trên toàn thế giới có 1.300 nhân viên tại 60 quốc gia. Công ty không chỉ hưởng lợi từ các khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu của anh em nhà Strüngmann, những người nắm giữ một nửa cổ phần của công ty mà lại còn là công ty thu hút vốn đầu tư mạo hiểm mạnh nhất của Đức. Vào năm 2019, trong số 479 triệu euro đầu tư mạo hiểm dành cho các công ty công nghệ sinh học của Đức, 290 triệu euro lọt vào tay BioNtech.
 
Kể từ khi BioNtech lọt vào nhóm dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu về vắc-xin corona, các đối tác tiềm năng trên thế giới bắt đầu hướng mắt vào công ty công nghệ sinh học nhỏ bé này. Trên hết là hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ, bắt đầu đầu tư, hợp tác cùng Biontech vào mùa xuân năm 2020. Pfizer nhận ra tiềm năng về công nghệ phát triển Vắc xin của BioNtech nên đồng ý chịu chi phí cho phần phát triển và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, giúp thiết lập các cơ sở sản xuất loại vắc xin dù vẫn chưa tồn tại này, tức là trong mọi trường hợp vẫn chưa được phê duyệt để được phép sản xuất. Theo tạp chí Spiegel của Đức, nhờ Pfizer, năng lực sản xuất 1,5 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021 không phải là chuyện xa vời.
 
Qua những số tiền đầu tư ban đầu khổng lồ, dẫn đến rủi ro có thể xảy ra là rất lớn thí dụ như một khi vắc xin không thành công, nhưng áp lực tìm kiếm vắc xin cũng không nhỏ và khi thành công thì lợi nhuận lại không kể xiết. Công ty khổng lồ Pfizer đánh cá với cuộc chơi, chấp nhận chịu một phần đáng kể rủi ro này và dĩ nhiên, một phần đáng kể lợi nhuận từ vắc xin tiêm chủng chống coronavirus do đó cũng sẽ thuộc về Pfizer. Theo báo cáo, Pfizer đã bảo đảm thanh toán ban đầu gần 750 triệu đô la. Cả hai bên sau đó đều được chia sẻ bất kỳ lợi nhuận nào. Mặc dù vậy, người sáng lập BioNtech, Sahin không bao giờ mệt mỏi, mỗi khi có cơ hội đều nhấn mạnh rằng vắc xin là thành quả nghiên cứu và phát triển của công ty của ông: “Đó là công nghệ của chúng tôi, nó được tìm thấy tại tụ sở chính ở thành phố Mainz”.
 
Cũng đừng quên, chính phủ Đức đã bơm vào BioNtech trên 375 triệu euro dưới dạng tài trợ đặc biệt Corona (Sonderförderung) nhằm giúp xây dựng những cơ xưởng sản xuất khổng lồ cần thiết tại Đức. Đây là loại tài trợ không điều kiện, không trả tiền lời nhưng phải trả tiền vốn lại. Cũng vì lý do đó, chính phủ Đức không được đặc quyền đặc lợi nào khác mà phải tuân theo luật chơi của khối EU, mua thuốc chủng ngừa Covid-19 chung trong khối EU rồi được phân phối theo tỷ lệ con số người dân. Đức được chia 19% trong số thuốc 300 triệu lọ thuốc đầu tiên mua từ BioNtech của EU.
 
Tại Trung Quốc, BioNtech và Pfizer đang hợp tác với công ty Fosun Pharma của Trung Quốc cho thị trường tại nước này. Fosun sẽ được cung cấp 10 triệu liều vắc xin cho Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao sau khi cam kết đầu tư 50 triệu USD và trả 85 triệu USD phí giấy phép.
 
Trong khâu phân phối vắc xin cũng cho thấy rõ sự khác biệt giữa hai hệ tư tưởng dân túy ích kỷ của Trump và toàn cầu hóa của bà Merkel, Thủ Tướng Đức. Trong khi Trump muốn giữ toàn bộ thuốc chích ngừa cho người dân Mỹ thì bà Thủ Tướng Angela Merkel một lần nữa nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu. Ngay trong mùa hè, bà đã thông qua quan điểm của Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc António Guterres rằng, tiêm chủng Covid phải trở thành một “hàng hóa công cộng toàn cầu”. Bà không ngừng cảnh báo chống lại “chủ nghĩa dân tộc vắc xin” (chỉ muốn giữ lại vắc xin cho đất nước mình), vì theo bà, điều này gây nguy hiểm cho thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
 
Phương Tôn
Tháng 11. 2020
Nguồn tin lấy từ dw.com/ manager-magazin.de/ spiegel.de/ dpa
 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com