User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Tình cờ đọc được một bài thơ nhớ người chồng quá cố, chợt thấy nao lòng. Nhâm nhi vài giọt đắng của ly café thiếu đường để tản mạn vài dòng…vu vơ!
 
Trong thơ ca xưa nay viết về chủ đề này dường như rất hiếm hoi. Thường thì các nhà thơ thường làm thơ để tụng ca tình yêu trai gái, xót xa cho những chuyện tình đẹp nhưng… dang dở, còn lại thơ để khen (nịnh) vợ (chồng) thường chỉ là mua vui. Đọc bài thơ Thương Vợ thì rõ cái “phương thức“ nịnh vơ của Tú Xương. Bà Tú nghe Tú Xương ngâm nga mấy câu thơ này thì cũng hả lòng hả dạ mặc dù “quanh năm buồn bán ở mom sông…” vì có một ông chồng sa cơ thất thế, dài lưng tốn vải, chuyên làm thơ trào phúng và cũng biết… nịnh vợ ra trò! Thương và nhớ người vợ đã quá cố mà theo tôi có lẽ ám ảnh suốt cuộc đời của nhà thơ có lẽ là bài “Màu Tím Hoa Sim“ của Hữu Loan. Đó thật sự là những dòng chảy từ trái tim đau đớn đến tột cùng khi từ phương xa nghe tin người vợ trẻ của mình đột ngột qua đời.
 
Đọc bài thơ “Ai Tư Vãn” của Lê Ngọc Hân nhớ chồng của mình là Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ thì hầu ai cũng nhận thấy ngoài tình thương nhớ của một người vợ với người chồng đoản mệnh của mình thì phần chính hầu như ca tụng công đức của vị Hoàng Đế tài ba, một người anh hùng áo vải cờ đào. Lê Ngọc Hân trở thành vợ của Quang Trung theo tôi cũng chỉ là một cuộc hôn nhân chính trị, tình yêu của Ngọc Hân Công Chúa với Nguyễn Huệ cũng chỉ là tiếng sét, mang nhiều yếu tố ngưỡng mộ hơn là tình yêu trai gái thông thường…
 
Tình yêu trai gái và sau đó phát triển thành vợ chồng của người Việt có rất lâu và ngày xưa cũng nâng lên thành đạo – Đạo Vợ Chồng. Người phụ nữ Việt xưa nhiều lúc phải cam chịu phận lẻ mọn, nếu chấp nhận một người đàn ông làm chồng, chấp nhận làm một chinh phụ nếu người chồng phải tham gia những cuộc chiến chinh bất tận…
 
Đó là ngày xưa!
 
Còn ngày nay, cái đạo ấy cũng đã dần nhạt nhòa theo thời gian?
 
Những cái đổ vỡ của truyền thống xưa không thể nào có thể phân tích trong vài phút giây tản mạn được. Sự gắn kết trong tình nghĩa vợ chồng ngày nay không thể nói là bền vững hơn ngày xưa. Chuyện ly hôn, chuyện bạo hành vẫn nhan nhản ra đó…
 
Trở lại bài thơ của Lê Khánh Mai, bài thơ mang một nỗi nhớ ám ảnh đến… thiên thu. Cái tình yêu của cô với người chồng quá cố đã vượt qua cái không gian hữu hạn và đến nơi vĩnh hằng. Cái mộng tưởng vẫn quyện trong tim óc và không nghĩ người chồng thân yêu của mình đã… đi xa. Cuộc viễn du của người chồng rồi sẽ quay về. Quay về trong từng ngôi sao nhấp nhánh trong vũ trụ bao la, trở về trong cơn gió ùa và quấn quýt bên người vợ mong chồng. Anh trở về trong từng cơn mộng mị, trong nỗi cô đơn của người vợ nhớ chồng…
 
Lời thơ cứ như thầm thì với anh và chắc chắn ở đâu đó, người chồng sẽ đứng lặng nhìn. Dẫu là hạt bụi mong manh nhưng chắc rằng anh vẫn luôn hạnh phúc sẽ được đoàn tụ với người vợ mình ngày mai nơi cõi vô cùng dẫu có trăm năm hay ngàn năm nữa…
 
Dẫu không còn trên cõi đời hữu hạn này nữa nhưng anh vẫn là người đàn ông… hạnh phúc nhất.
 
Anh hãy cố đọc bài thơ này của vợ anh…
 
khoangcachkhonglavinhvien
 
Khoảng Cách Này Đâu Phải Vĩnh Hằng _Lê Khánh Mai
Tưởng nhớ anh TVK
 
Hằng đêm
em vọng một ngôi sao trên bầu trời đen thẳm
và tin đó là anh
hình như anh đã nhận ra em nên ngôi sao nhấp nhánh
 
Em mở toang cánh cửa đón gió vào nhà
gió quấn em mê mải
hệt như anh trở về sau chuyến đi xa
 
Em đưa tay với tìm trong khoảng trống
nghe máu dồn về ấm nóng
có phải anh vừa nắm tay em
 
Em sửa soạn chiếc gối mềm dìu dịu hương thơm
anh hãy ngả mái đầu cho em nâng giấc
cho em thủ thỉ với anh những điều em ngộ được
lúc cô đơn
 
Hằng đêm, hằng đêm
em thức
đợi giây phút linh thiêng khi kịp thấy anh về
để không bao giờ em xao lãng vì những cơn mơ lạ
và anh không cô độc ra đi
 
Em đợi anh
đợi anh
không chỉ thời gian một đời, một kiếp
ta tìm lại nhau suốt trăm ngàn năm
khoảng cách này đâu phải vĩnh hằng.
 
Hoài Nguyễn – tản mạn (riêng tặng cô Lê Khánh Mai)

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com