
Mơ Mộng – Tranh: Diễm Hạ
1.-
Cô thấp thỏm nhìn đồng hồ. Cái thang máy như trêu ngươi không thèm đáp xuống. Nhanh lên, nhanh lên. Chuyện gì? Sao mãi mà chẳng nghe tiếng “teng teng” quen thuộc. Không được, phải chạy gấp. Thế là cô quay sang cầu thang bộ, ba chân bốn cẳng leo lên lầu bốn. Mệt phờ người, cô quay nhẹ nắm cửa, vừa lách vào thì chạm phải ánh mắt của Sếp. Cô chẳng biết giấu mặt đi đâu khi nghe giọng Sếp êm như gió thoảng cùng với cái cười khẩy khá “ấn tượng”:
- Chắc em chưa xem cái “check” lương nhận được hôm thứ sáu phải không?
Cô chớp mắt với câu hỏi có chút ngây ngô:
- Dạ, sao ạ?
- Giở ra xem thì biết… ha! ha!!! đừng nói Sếp ác nhá vì anh đã báo trước nhiều lần rồi.
Chết! vậy là Sếp trừ tiền lương thật rồi. Chủ cả gì còn ác hơn loài rắn độc. Tháng rồi… mới đi trễ có bốn, năm lần thôi mà đã chơi cái trò tiểu nhân.
Giờ ăn trưa, cô thẫn thờ nhìn ra bãi đậu xe chói chang nắng. Phần ăn trước mặt do Sếp mang về tặng vẫn còn nằm yên trên bàn. Có lẽ, Sếp cảm thấy chột dạ khi thấy cả buổi sáng cô như người mất hồn nên muốn đền bù chứ gì. Ghét!
2.-
Tuần này, Sếp đang nghỉ hè ở Cancun. Cô bước vào phòng làm việc với tâm trạng thoải mái khi thầm nghĩ “Giờ có đi trễ hai, ba tiếng đồng hồ cũng chẳng sợ ai”. Mở máy, cô hoảng kinh hồn vía khi thấy lù lù dòng chữ hiện ra trên màn ảnh.
“Hôm qua em nói -lát nữa sẽ chuyển thư của khách hàng gửi cho anh- nhưng chờ mãi đến bây giờ -9 giờ sáng- vẫn chưa thấy. Như thế có nghĩa là em vẫn chưa đến chỗ làm. Bệnh đi trễ của em ngày càng trầm trọng, hết thuốc chữa. Trái với những lần trước, anh không hề khó chịu mà lại cảm thấy thích thú khi được chia sẻ một bài viết trên trang báo điện tử với những ý tưởng rất hay, có vẻ phù hợp với em. Có thể, đây là cẩm nang cho cuộc sống dành riêng cho em… ha! ha!!! …anh nghĩ, ít nhiều nó cũng giúp em thêm kinh nghiệm trên con đường tiến thân. Dù bận bịu thế nào em cũng nên chịu khó đọc, nếu học thuộc lòng càng tốt.
Bây giờ bạn hãy cùng tôi loại bỏ những điều” sẽ làm sau này” nhé:
– “Lát nữa” tôi sẽ làm …
– “Lát nữa” tôi sẽ nói…
- Tôi sẽ suy nghĩ “sau”…
Ta hoãn lại tất cả mọi việc để sau này sẽ làm. Cứ như thể “sau này” là thuộc về quyền của chúng ta. Bởi vì, điều mà ta không hiểu đó là:
- Lát nữa thì tách cà phê sẽ nguội đi mất...
– Sau này thì những việc ưu tiên sẽ không còn như trước...
- Sau này thì nét duyên dáng đã bị thời gian tàn phá…
- Sau này thì sức thanh xuân đã qua đi…
- Sau này thì con cái đã trưởng thành
- Sau này thì cha mẹ lại già thêm…
- Sau này thì những lời hứa hẹn đã bị lãng quên…
- Sau này thì ban ngày đã thành ban đêm …
- Sau này thì cuộc sống sẽ kết thúc…
Và “Sau Này” luôn thường là quá muộn. (*)
Đọc xong, em cười hay giận thì chỉ có mình em biết, bởi anh không có mặt tại “hiện trường”. Nhưng… xin lỗi, anh phải nói điều cần nói “Ngày mai em khỏi đến văn phòng, vì sẽ có một nhân viên mới thay em làm những công việc em đang làm và anh tin rằng người này sẽ giúp anh đắc lực hơn, nhất là họ luôn có mặt tại văn phòng làm việc trước khi anh đến.
Đôi mắt cô đứng tròng. Hơi lạnh từ trên trần nhà tỏa xuống ào ào mà mồ hôi cô như tươm thành giọt trên trán. Nợ xe. Nợ thẻ tín dụng. Nợ tiền học và bao nhiêu thứ linh tinh phải giải quyết bằng tiền. Mất việc, lấy gì để trả tiền thuê nhà. Nghĩ đến cảnh phải trở về nơi mà cô đã nhất quyết rời xa khi nói với mẹ “Con lớn rồi không thể rúc theo mẹ mãi mà phải tung cánh đi tìm tương lai”. Ôi cái tương lai trong thời gian rách rưới này sao nó ảm đạm đến thê lương. Mặt mũi nào mà lên tiếng van xin mẹ khi giọng nói đầy kiêu hãnh của cô ngày ấy còn vang vang bên tai.
3.-
Cô bước xuống giường, chạy bay ra phòng khách, hớt hải hỏi:
- Mẹ có thấy cái “bill” con để trên bàn ăn không?
– “Bill” gì?
Cô đưa tay gãi nhẹ những sợi tóc mai, ngập ngừng:
- Dạ… của Citibank, tuần trước mẹ đưa cho con mà…
Mẹ đẩy nhẹ chiếc kính đang tuột xuống sóng mũi.
- À! nó nằm trong quyển sách trên kệ kìa.
Chắc lưỡi, mẹ nói tiếp:
- Vội gì? mai trả cũng được, có sao đâu.
- Nhưng … trễ.
- Tuần trước mẹ nhắc, chẳng phải con bảo để mai trả, vội gì. Thế nên mẹ phải điều chỉnh lại cách nghĩ của mẹ.
Ừ, sao phải vội, có trễ thì trả tiền phạt mà tiền phạt thì chỉ có hơn bốn mươi đồng chứ mấy.
Giọng mẹ cứ đều đều như chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ nhưng nét mặt mẹ thì ôi thôi sao nặng chịch. Cô cúi đầu, khẽ bước đến chiếc kệ ở góc nhà rồi nhanh tay cầm luôn quyển sách đi vào phòng để khỏi phải nghe mẹ nói mánh, nói khóe đau cả đầu.
Nhìn những con số ghi hạn trả nợ đã vượt quá ba ngày cô bực bội dằn mảnh giấy xuống bàn, miệng lầu bầu than thở “Nghèo còn mắc cái eo. Đã thất nghiệp lại phải tiêu thêm khoản tiền vô lý”, rồi cô chợt nhớ, bố thường dạy cô phải biết sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống của chính mình bằng câu nói “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Cô nhìn quyển sách trên bàn vừa mang từ ngoài vào phòng với tựa đề “Tương Lai Ở Trong Tay Ta” của học giả Nguyễn Hiến Lê. Đây là quyển sách gối đầu giường của bố lúc sinh thời. Đưa tay lật từng trang giấy, mắt cô dừng lại với đoạn văn được tô màu vàng, một thói quen của bố khi đọc thấy một ý tưởng hay nên học hỏi.
“Càng sống tôi càng thấy những người thành công thường có cái đức: làm ngay, không để tới ngày mai.
Xin bạn đừng hiểu lầm. Tôi vẫn biết có những việc không nên giải quyết vội, cứ để trong một thời gian trí óc bình tĩnh ta thu thập thêm được đủ tài liệu rồi sẽ giải quyết. Lại có những việc mới coi tưởng như quan trọng nhưng để ít lâu, hoàn cảnh thay đổi rồi khỏi phải giải quyết nữa. Trong những trường hợp đó không nên hấp tấp mà lỡ việc. Nhưng việc gì đã cho là nên làm, đã quyết định thế nào cũng làm thì nếu có thể được nên làm ngay, đừng trì hoãn. Trì hoãn thường lỡ cơ hội mà dù không lỡ cơ hội thì thói trì hoãn cũng có hại, nó gậm nhấm lần nghị lực, chí quyết đoán của ta”.
Chưa bao giờ cô cảm thấy thấm thía với những lời khuyên trên đây. Cô chợt hiểu lý do tại sao mẹ lại đặt cái thư đòi nợ vào quyển sách này và một điều cô vừa nhận ra, cũng vì ý nghĩ “ngày mai làm cũng được” mà cô bị mất việc. Biết cô chậm chạp nên mẹ thường nhắc nhở “Lo chuẩn bị quần áo, làm sẵn thức ăn trưa đem theo để sáng mai dậy khỏi hấp tấp”, nhưng cô cứ mải miết chúi mũi vào chiếc điện thoại trên tay với bao nhiêu hình ảnh lôi cuốn, hấp dẫn nên tự nhủ “mai rồi tính”. Vì thế, cô chẳng có được buổi sáng nào thong thả đến sở làm mà lúc nào cũng hấp tấp và trễ nãi. Cô cảm thấy ân hận. Bốn tháng rồi, nộp đơn nhiều nơi, được gọi phỏng vấn nhiều chỗ mà cô vẫn không tìm được việc làm. Cô chưa từng nghĩ cuộc đời mình có lúc phải lo lắng, lao đao vì công ăn, việc làm như thế này.
4.-
Cô nằm đong đưa trên chiếc võng mắc dưới tàn cây mát rượi. Lòng vui phơi phới khi đọc cái “text” đáng yêu của đứa bạn thân “Chú tớ bảo ngày mai cậu đến nhận việc. Nói trước với cậu, chú là người vui vẻ, tốt bụng nhưng rất nghiêm khắc trong công việc, nhất là vấn đề giờ giấc, cậu mà cứ lè phè “mai rồi tính” là sẽ mất việc lần nữa đấy nhé”.
Dù bị bạn lên lớp bằng giọng kẻ cả nhưng cô không giận. Trước mắt là cô màu xanh mơn của cỏ, màu hồng, tím, vàng của đủ các loại hoa cho cô một cảm giác yêu đời hơn bao giờ hết. Bởi cô biết, từ bây giờ cô phải sống và làm việc có kế hoạch hẳn hoi. Những ngón tay mềm mại của cô lướt nhẹ trên màn ảnh.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương. Cuộc đời tươi đẹp hay úa tàn là do chúng ta tự quyết định phải không cậu?”
“A! chôm ở đâu được câu nói hay thế?”
Ngân Bình
(*) Trích đoạn trong bài viết của Boucar Diouf “Sau Này Sẽ..” bản dịch của TháiNữLan