User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Một Triết Lý Sống của Thời Ðại
Hãy trả lại cho Ceasar những gì thuộc Ceasar.
Chỉ có bậc Ðại Trí mới tri thời mẫn thế.
Viên ngọc dù bị bôi nhọ vẫn là viên ngọc.
(William Hoang)
 
Trong thời đại này mà cả tin những thủ đoạn man trá tinh vi, những lời tâng bốc hay bôi nhọ thì quả là thiếu khôn ngoan.
 
Cựu Quốc Trưởng Bảo Đại Nguyễn Vĩnh Thụy 
 
I. Mở Ðầu
 
Thế là xong một kiếp người: ngày 31 tháng 7 năm 1997, Cựu Hoàng Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của Triều Ðại Họ Nguyễn (1802-1945), đã từ trần tại Paris trong sự thương tiếc của những người hiểu và mến mộ ông.
 
Ông là một chứng nhân của thời đại lịch sử đen tối 1945 - 1975 trong đó ông đã để cho các phe phái chính trị tung lên và lại hất xuống như một trái banh, nhưng ở nơi ông, ông vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của một con người công chính vương giả với tấm lòng son sắt yêu nước thương nòi như chính lời ông thổ lộ với ký giả Phillippe Delorme (Báo Point de Vue, 1989):

“Tôi vẫn kỳ vọng một ngày nào đó sẽ làm được một cái gì cho đất nước quê hương tôi... Tôi tuyên bố từ bỏ ngai vàng để dân chúng được hạnh phúc.”
 
Rõ ràng trong suốt cuộc đời của ông, xuyên qua một số những hành động chính của ông được tóm trình sau đây, người ta thấy toát ra một thái độ sống, một lối sống cao của một bậc đại trí, một con người biết thời cơ để mà Xuất (ra tham chính) hay là Xử (lui về ẩn) ngõ hầu tự bảo toàn thân, tâm, trí. Nhờ vậy, ông đã tránh được cái chết thảm khốc đã xẩy ra cho nhiều đại chính khách trong thời của ông.
 
Sơ Lược Tiểu Sử của Cựu Hoàng Bảo Ðại
 
Ông là con của Vua Khải Ðịnh và Từ Cung Thái Hậu. Ra đời ngày 22 tháng 10 năm 1913 tại Huế. Tên tộc là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy. Lên ngôi Hoàng Ðế năm 1926 và thoái vị năm 1945. Nội nhân của ông là Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu Thị Loan.
 
Năm 1949, ông trở về nước theo lời mời của Pháp để thành lập một Quốc Gia Việt Nam độc lập và giữ chức Quốc Trưởng.
 
Năm 1954, ông bổ nhiệm ông Ngô Ðình Diệm làm Thủ Tướng Toàn Quyền tại Nam VN.
 
Vào lúc biến cố 30 tháng Tư, 1975 sắp xảy ra, dường như ông có tuyên bố sẵn sàng trở về nước làm trọng tài, nhưng chẳng phe nào trả lời.
*
II. Những Sự Kiện Chính trong Cuộc Ðời Chính Trị của Bảo Ðại
 
Hun Ðúc bởi Hai Nền Văn Hóa Ưu Ðẳng Việt & Pháp
 
Ông đã hấp thụ những tinh hoa của hai nền văn hóa Việt và Pháp với khuôn mẫu của Bậc Quân Tử và Nhà Quý Phái để xứng đáng với ngôi vị Hoàng Ðế. Chính Cựu Hoàng kể lại:
 
Cho đến lúc tôi được ba tuổi, tôi sống bên mẹ tôi. Sau đó, họ đưa tôi qua một dinh thự đặc biệt, gọi là Ðông Dinh, dành riêng cho một Hoàng Tử. Ở đây tôi được học tập theo giáo huấn tử: phải biết bình tĩnh trong mọi cảm giác; không được phẫn nộ; không biểu lộ tính tình bất thường. Buổi sáng, tôi học chữ Nho. Họ dạy tôi những câu châm ngôn của Ðức Khổng Tử. Ban chiều, tôi được chơi trong Thành Nội. Trong thời kỳ đó, tôi không được giao du với những trẻ em khác. Tôi chỉ được ở gần với một vị Thái Phó và xung quanh toàn là người hầu.
 
Cho tới khi được chín tuổi, ông được gửi qua Pháp. Ông kể:
baodai1926
Bảo Đại 1926

Ðó là chuyến ra đi khỏi cung điện lần đầu tiên của tôi. Cũng là lần đầu tiên tôi đã dùng xe lửa đi từ Huế tới Tourane [Ðà Nẵng]. Và từ đó, tôi được đưa qua một chiếc tàu. Cảm nghĩ của tôi là sự ngạc nhiên vì tính tò mò và hiếu kỳ của tôi. Tất cả những sự việc ấy là một điều phi thường đối với một đứa trẻ như tôi lúc ấy... Ngoài sách vở Khổng Tử, tôi chưa biết điều gì khác ở thế giới bên ngoài... Tại Pháp, thân phụ tôi ủy thác cho hai ông bà Charles. Ông Charles trước kia là Quan Toàn Quyền ở Ðông Dương. Tôi hấp thụ rất mau chóng. Họ giới thiệu cho tôi những người bạn Pháp và nhờ đó mà chỉ cách vài tháng là tôi đã hiểu biết và nói được tiếng Pháp.

Rõ ràng chính nhờ ở những sự huấn luyện chu đáo này mà Cựu Hoàng BÐ đã có được một nhân cách cao hơn những người bình thường. Nhân cách này đã được chứng tỏ qua những hành động và lời nói của ông được trình bày dưới đây.
 
1. Tâm Sở Nguyện: Phục Hưng Xứ Sở
 
hoang de bao dai en 1932
 
Vào năm 12 tuổi (1925), vua cha mất, ông trở về Huế dự tang lễ và chuẩn bị cho Lễ Tấn Phong Hoàng Ðế. Sau đó, ông trở lại Pháp tiếp tục học cho tới năm 18 tuổi mới trở về Huế thực sự nắm quyền. Ông tâm sự:
 
Tôi trở về với niềm hy vọng xây dựng đất nước Việt Nam thành một xứ sở đổi mới, tân tiến hơn. Khổ nỗi chính phủ bảo hộ [Pháp] đã lợi dụng lúc tôi vắng mặt đặt để tất cả mọi quản trị hành chánh trong nước... Lúc tôi về đến nơi, tôi nhận thấy quyền hạn của tôi đã bị hạn chế. Tôi chỉ còn là một vị tư vấn cho người Pháp. Tôi cũng suy tính phải noi gương của Tiền Nhân để lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống Pháp. Và tôi âm thầm chờ đợi thời cơ thuận tiện. Chế độ nô lệ đã được biến đổi. Thực dân sẽ tan biến trong những ngày sắp tới.
 
Rõ ràng qua những suy tư, ông tỏ cho thấy ông là một người thông minh, tinh tế, và ý thức sâu xa về hoàn cảnh của một vị vua được đặt để nếu chỉ sơ sảy một chút gì là sẽ bị giết hay tù đầy như trường hợp của vua Duy Tân trước đó. Khâm Sứ Pháp, Le Marchant de Trigon, đến thay thế Khâm Sứ Charles, buộc triều đình Huế phải luận tội vua Duy Tân: “Vua một nước, dưới quyền bảo hộ của Pháp đang chiến đấu với kẻ thù là Ðức, mà khởi loạn chống lại Pháp là phản bội, phải tội tử hình.”
 
2. Tại Sao Cựu Hoàng Thoái Vị
 
Năm 1945, Nhật đã lật đổ chính quyền Pháp và Sứ Thần Mikado đến Huế mang theo đề nghị rằng Việt Nam trên căn bản sẽ là một nước độc lập. Nhưng Cựu Hoàng thừa hiểu rằng đó chỉ là một món quà tặng mà thôi.
 
Khi Việt Minh nổi dậy, Hồ Chí Minh đã gài sẵn nhiều nhân vật của họ chung quanh Cựu Hoàng Bảo Ðại trong đó có thể kể là Phạm Khắc Hòe, Tổng Lý Văn Phòng cho Cựu Hoàng BÐ; Tôn Quang Phiệt, Trần Ðình Nam, Hồ Tá Khanh, và Phan Anh (do Bùi Bằng Ðoàn, Hình Bộ Thượng Thư, tiến cử) nằm phục sẵn trong nội các của Trần Trọng Kim để thúc ép các Tổng Trưởng lẫn cả vua BÐ cùng rút lui, nhường hết quyền bính cho Việt Minh[1].
 
Cựu Hoàng BÐ vốn thức thời, và không tham quyền cố vị, nên ông đã thản nhiên thoái vị và sau này đã bày tỏ rõ lập trường đó là khi trả lời ký giả Phillippe Delorme như sau:
 
Trong thời kỳ đó [1945], người Việt Nam nghĩ rằng nhà vua không còn đủ uy tín, phương tiện để giành độc lập đối với người Pháp, nên đã có một số người hướng về ông Hồ Chí Minh lúc đó đang được che chở bởi người Mỹ. Chính ông này [HCM] đã bổ nhiệm tôi làm Cố Vấn Tối Cao và bắt buộc các đảng viên của ông gọi tôi là Hoàng Thượng... Ðối với tôi, đó chỉ là một trang sử đã qua. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng trong một ngày nào đó sẽ làm được một việc gì cho đất nước quê hương tôi... Tôi tuyên bố bỏ ngai vàng để dân chúng được hạnh phúc.
 
Như vậy là ông đã ý thức được hoàn cảnh rất nguy hiểm cho ông nếu ông chống lại lịnh của Việt Minh và ông đã phải tuyên bố theo đề nghị của Việt Minh là “Thà làm dân của một nước độc lập hơn là làm vua của một nước nô lệ” để bảo toàn sinh mạng của cả dòng họ lúc đó đang nằm trong tay Hồ Chí Minh. Vả lại lúc đó ông cũng như nhiều nhân vật khác có lẽ đã không biết rõ HCM là quốc gia hay cộng sản vì HCM che đậy chân tướng rất khôn khéo. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông đã nhìn rõ chân tướng của họ Hồ và tìm cách thoát thân. HCM cũng biết là giết ông và giữ ông cũng không có lợi nên đã để cử ông qua Trùng Khánh vào năm 1946 và ông ở lại đó luôn.
 
3. Tại Sao Ông Trở Lại Cộng Tác với Pháp
 
Ông trở lại cộng tác với Pháp không ngoài mục đích đối đầu với Việt Minh Cộng Sản.
 
Vào lúc đó, thực dân Pháp hiểu rằng họ thiếu chính nghĩa nên cần nhân vật BÐ ra để hy vọng có sự hợp tác của người quốc gia và sự ủng hộ của quốc tế. Nhưng thực tế người Pháp đã không khôn ngoan bằng người Anh khi người Anh chịu trả độc lập thật sự cho các thuộc địa. Pháp đã không thực tâm trao trả hết quyền hành cho Cựu Hoàng.
 
Cựu Hoàng biết rất rõ dã tâm này, nhưng vì hiểm họa cộng sản to lớn hơn nên ông bất đắc dĩ nhận chức Quốc Trưởng để chờ thời cơ biến chuyển.
 
Việt Minh đã gọi ông là Quốc Trưởng Bù Nhìn. Thế trước đó, với chức vụ Cố Vấn Tối Cao cho Hồ Chí Minh, ông có là bù nhìn không?
 
Trong hoàn cảnh thân cô, thế cô như vậy, ai có thể làm gì khác hơn? Xin hãy nghe ông biện bạch với ký giả Delorme:
 
Khoảng thời gian này [1946 trở đi] đã có một khoảng trống chính trị về phần Việt Nam và Pháp đã yêu cầu tôi về để bổ khuyết vào. Tôi đặt ra hai điều kiện để có thể trở về. Ðó là khôi phục lại Miền Nam trước kia có tên là Cochinchine, đã xem như là một thuộc địa của Pháp, và tuyên bố độc lập. Lúc nào hai điều kiện đó được chấp thuận, tôi sẽ bằng lòng trở về đất nước của tôi. Tôi không muốn khôi phục lại chánh thể quân chủ. Tôi đã tuyên bố với dân chúng của tôi là khi nào đem lại hòa bình cho đất nước tôi, sau đó sẽ do dân chúng quyết định thể chế tùy họ lựa chọn. Chúng tôi đã hợp tác với Pháp để đánh đuổi du kích Việt Cộng. Ðừng quên cũng vào năm 1949, Mao Trạch Ðông cũng đã xua quân tới biên giới và Việt Cộng đã nhận được sự viện trợ không những của Tàu mà còn của Nga Xô nữa.
 
4. Tại Sao Quốc Trưởng Bảo Ðại bị Truất Phế
 
Pháp bị gài cho thất trận lớn ở Ðiện Biên Phủ nên phải ký Thỏa Ước Geneva ngày 21 tháng 7 năm 1954 chia đôi Việt Nam. Miền Nam lúc đó lại mở ra một khoảng trống chính trị: Pháp không còn đủ sức và uy tín để duy trì sự có mặt của họ ở NVN nữa. Như vậy cần phải có một thế lực khác để ngăn chặn làn sóng Cộng Sản.
 
Hoa Kỳ đã dự trù kế hoạch thay thế Pháp với mục đích là buộc Liên Xô (LX) và Trung Cộng (TC) phải tham dự cuộc đua võ trang mà HK biết rõ là LX và TC sẽ bị phá sản về kinh tế và như vậy HK sẽ có cơ hội để chế ngự họ.
 
Lá bài Bảo Ðại của Pháp sẽ phải loại bỏ và HK đã chọn lá bài khác.
 
Ðó là ông Ngô Ðình Diệm và cuộc Trưng Cầu Dân Ý năm 1955 cho có hình thức đã đưa ông lên địa vị Quốc Trưởng. Nhưng đây có thể là lỗi lầm đầu tiên của ông Diệm trong cuộc đời chính trị của ông khi ông truất phế BÐ để rồi chỉ còn có mình ông là con diều được gió Hoa Kỳ thổi lên cho đến ngày gió đổi hướng và con diều tơi tả rã cánh vì đứt dây.
 
Về điểm này, Cựu Hoàng BÐ đã biết trước và ông nói với ký giả Delorme như sau:
 
Tôi đã nói với người Ðồng Minh: hoặc là tôi sẽ làm chủ cả Miền Bắc lẫn Miền Nam hoặc là tôi không có gì hết. Tôi đã bổ nhiệm ông Ngô Ðình Diệm vào chức vụ Thủ Tướng và tôi đã từ bỏ hoàn toàn quyền hành ngay từ lúc đó. Ông Diệm là một tín đồ nhiệt thành của đạo Công Giáo, một môn đồ cuồng tín và tôi tin tưởng ông ta sẽ chống lại được chủ thuyết Mác-xít. Tiếc thay ông ta đã thiết lập một chế độ độc tài chuyên chế.
 
5. Ông Ngô Ðình Diệm có chủ tâm lật Cựu Hoàng BÐ hay chỉ là làm theo ý định của Mỹ?
 
Cứ theo lẽ thông thường mà xét thì Cựu Hoàng BÐ dù sao cũng là người của Pháp đào tạo mà Hoa Kỳ thì không muốn dính líu vào cái gì của Pháp và của nền quân chủ, nên HK không ủng hộ ông BÐ nữa[2]. Thế ắt phải cho loại lá bài BÐ.
 
Còn đối với ông Diệm, dường như ông đã tự hỏi cờ đã đến tay, sao lại không phất?
 
Ông Diệm đã lẹ làng bứng tất cả những thành phần dính líu đến Pháp, đến Cựu Hoàng BÐ, và ông đã mất đi nhiều sự ủng hộ của nhiều nhân vật quan trọng trong nước và quốc tế. Từ đó, ông tự do vẫy vùng nhưng đơn độc chỉ có gia đình ông và đảng Cần Lao đầy những nhân vật xôi thịt.
 
Tác giả Earl H. Tilford, Jr. viết trong The Regime of Ngo Dinh Diem như sau:
 
Dưới áp lực từ phía Hoa Kỳ, Bảo Ðại bổ nhiệm Diệm làm Thủ Tướng trong thời gian Hội Nghị Geneva. 
 
Trong ít tháng kế đó, Diệm mau lẹ tiến hành củng cố địa vị, bứng những phần tử thân Pháp trong hành chánh của BÐ, đè bẹp đối lập từ phía các chính phái, tôn giáo, và toan tính tiêu diệt những thành phần Việt Minh mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [tức Cộng Sản Hà Nội] đã chỉ thị ở lại NVN sau Hiệp Ðịnh Geneva để đại diện cho quyền lợi của họ.
 
Tháng 10 / 1955, Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giữa ông ta và Quốc Trưởng BÐ. Trong một cuộc tuyển chọn được coi hầu như là gian lận, Diệm đã nhận được trên 98% số phiếu.
 
Tại Pháp, khi nhận được tin này, Quốc Trưởng BÐ chỉ cười và ông nói với bằng hữu lúc đó rằng: “Thôi, bên nhà họ làm gì thì làm, ta đi ăn đã.”
 
Sự kiện này chứng tỏ ông đã ý thức được vai trò hết thời của ông và từ lâu ông đã không có tham vọng lớn về chính trị tuy trong lòng vẫn còn ôm ước vọng nhỏ là làm một cái gì cho quê hương.
6. Vài Nét về Con Người của Bảo Ðại
 
Hoàng Đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu
 
Ông là một ông Hoàng đẹp trai, cao lớn, tế nhị, và lịch thiệp. Tuy nhiên, ông đã bị bôi nhọ, gán cho như là “sống khoái lạc”, “ăn chơi trác táng”.
 
Thật là tội nghiệp cho những người nhẹ dạ, cả tin vào những lời trích dịch đầy ác ý của báo chí trong nước. Chẳng hạn như từ playboy chỉ có nghĩa là chàng trai chịu chơi lại dịch là trai trác táng.
 
cuoc tinh cua vua bao dai elle vn 1 490x735
(H. Nam Phương Hoàng Hậu và Bảo Đại).
 
Xin hãy đọc những nhận xét nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng - ông nhà sưu tầm đồ cổ Vương Hồng Sển - về ông BÐ trong cuốn ký sự Nửa Ðời Hư của ông:
 
Ấy đúng ngày 19 - 11 - 1942, vua Bảo Ðại và Bà Nam Phương ngự du Saigòn; và chính bữa trưa ngày thứ Sáu 20.11. 42, tôi đứng dưới gốc đa trước Dinh Gia Long đã diện kiến long nhan Ðức Bảo Ðại như thế này:
 
Ðúng Ngọ, chiếc xe Delage C.20 có hai tài xế mặc sắc phục ngồi trước, đưa Hoàng Thượng từ Hạnh Thông Tây đến. Xe ngừng, nhạc trổi quốc thiều y như lần trước rước Tần Vương Thái Tử[3]. Trước tấu quốc thiều Pháp La Marseillaise; tiếp theo, đổi lại, thay vì quốc thiều Miên, là bản quốc thiều của Triều Ðình Huế. Chiếc xe Delage bóng láng: một người cao lớn dềnh dàng (ông cao 1,8m) đứng giữa xe, tay giơ lên ngang trán chào theo điệu nhà binh Tây Phương, mình vận một bộ y phục trắng hết sức đúng thời trang, trán rộng, mũi cao, cặp mắt có điển, và toàn thân phát ra một nghi biểu khác phàm.
 
Tiếng nhạc chót vừa dứt, người tài xế phụ, y như một cái máy, chạy xuống khép nép mở cửa xe. Ông bước xuống. Các bà đầm chạy lại, miệng người nào người nấy như hoa nở, hí hửng bắt tay vua. Vua làm như không thấy, ngực ông đã cao, ông ểnh càng cao thêm, mắt chăm chỉ ngó ngay, chơn ông cứ bước tới trước. Khiếp quá, các bà mạng phụ lật đật cúi đầu và quên hết cả các lời dặn dò của các đấng phu quân, đã khép nép tay nắm vạt áo đại trào (phần nhiều mặt bùn rền), đầu cúi mọp trước Ðức Vua Việt y như các tổ tiên họ đã triều bái vua Louis XIV hay vua Louis XV đời trước.
 
Không như Thái Tử da đen phen trước, phen này đứng trước mặt một ông vua oai nghi quá, mấy bà đã mất hết bình tĩnh, nên đã có cử chỉ như đã kể làm cho các đấng phu quân cũng khớp luôn và mạnh ai lấy chào theo nghi lễ đối với một quân vương: ông Thống Ðốc đứng hàng đầu, nghiêng mình kính cẩn; ông Chưởng Lý Tòa Thượng Thẩm cũng bắt chước theo; Trung Tướng Bộ Binh và Hải Quân Ðại Tá chào theo nhà binh; kỳ dư Chủ Tịch Viện Cơ Mật, Viện Quản Hạt, Phòng Thương Mại, và các quan viên Tây có mặt tại đó đều răm rắp cúi đầu chào theo nghi lễ. Và khi ông đã qua khỏi rồi, đều ngó nhau trơ trẽn. Quả ông đi đứng “long hành, hổ bộ” rõ ràng.
 
Khi ông bước đến bệ trên của điện, ông cũng không ngó lại chào và vẫn tiếp tục bước ngay vô trong. Thống Ðốc Rivoal mất ngay bình tĩnh, không đợi Tùy Giám Quan làm việc này và đã vội chạy theo vua, kéo ghế danh dự cho vua ngự. Bữa tiệc dùng trong một sự lặng lẽ, kính cẩn chưa từng có. Và khi mãn tiệc rồi, tại phòng khách, vua mới dạy Thống Ðốc trình diện quan khách và khi ấy vua mới có câu cởi mở với mọi người.
 
Ông Bicail, Bí thư cho Thống Ðốc, bạn thân của ông Vương Hồng Sển và cũng là bạn học của Cựu Hoàng BÐ, kể lại cho ông Sển rằng:
 
Nói đúng ra, Ðức Vua học ở nhà ông Sạc [Charles], thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau và chào nhau vì ông thầy dạy học là ông thầy chung. Anh Sển à, vua của anh đàng hoàng lắm không như ông S., tôi phục vua anh sát đất. Vua như vậy mới là vua.
 
Ông Vương Hồng Sển ghi tiếp trong tập ký sự của ông:
 
Những lời nói trên không phải là nịnh. Tôi chép lại thì cả hai vua đã mất ngôi, nịnh cũng bằng thừa. Duy lịch sử vẫn còn đó và chưa khóa sổ. Nói bây giờ e còn sớm. Hãy chống mắt ta coi và xin hẹn “hậu nhật tri”.
*
Tổng Kết về Cựu Hoàng Bảo Ðại
 
Ông là vị vua cuối cùng của triều đại Họ Nguyễn, một triều đại đã có công khai khẩn và mở mang cõi bờ ở phương Nam, nhưng cũng có nhiều lỗi lầm với chính sách bế môn, tỏa cảng, không chịu mau chóng canh tân như nước Nhật hồi đó. Tuy nhiên, Họ Nguyễn có nhiều vị vua anh hùng bất khuất như vua Duy Tân và Hàm Nghi đã vùng lên chống lại thực dân Pháp.
 
Thời cuộc biến chuyển quá mau lẹ và Cựu Hoàng thì cũng ý thức được rằng thời của ông đã chẳng còn, thế của ông cũng không có.
 
Ông biết ông chỉ còn như là một món đồ cổ chính trị mặc cho người ta ngắm nghía, khen chê hoặc mượn để làm cảnh.
 
Do đó ông chẳng ôm một mối tham vọng chính trị nào to lớn ngoài ước vọng làm một cái gì cho quê hương. Trong chiều hướng ấy, ông đã tự để cho sóng đời xô đẩy đến đâu thì đến đó. Và, cũng trong triết lý cho cuộc sống đó, ông đã chẳng mẩy may thúc đẩy các con của ông theo đuổi con đường chính trị như ông đã bị buộc phải dính vào một thời chính trị toàn những thế lực bá đạo cầm quyền.
*
Lưỡng Viện Lập Pháp CaliforniaVinh Danh Cựu Hoàng Bảo Ðại
 
Suốt cuộc đời làm Vua, làm Quốc Trưởng, ông chưa hề làm hại ai, nói lời chê bai hay oán hận ai.
 
May thay cũng còn có một số người hiểu ông, trong số đó có Ủy Ban Chấp Hành Lập Pháp Lưỡng Viện Lập Pháp California, HK.
 
Ngày 10 tháng 2 năm 1982, Ủy Ban này đã long trọng tuyên dương ông như sau:
 
Xét rằng: là vị vua cuối cùng đã trị vì một nước Việt Nam thống nhất, Hoàng Ðế Bảo Ðại hiện được tôn kính bởi một số người Việt ngày càng đông đảo ở đây và được coi như là vị lãnh tụ của họ.
 
Xét rằng: trong thời gian trị vì, ông đã tạo dựng nền độc lập của một nước Việt Nam thống nhứt bằng cách đem ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, và Bắc Kỳ hợp lại.
 
Xét rằng: ông đã có công phát triển nền ngoại giao với các ngoại cường về công cuộc canh tân, hiện đại hóa công, nông nghiệp.
 
Xét rằng: tóm lại, ông đã cố gắng vượt mức tập hợp mọi thành phần quốc gia...
 
Nay Ủy Ban Chấp Hành của Thượng Viện và Hạ Viện quyết định:
 
Hân hoan chào mừng Hoàng Ðế Bảo Ðại đến California và ngỏ lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho sự thành công của mọi công việc, cho tương lai của ông, và quyết nghị một bản sao thích đáng của Quyết Nghị này phải đạt tới Hoàng Ðế Bảo Ðại của Việt Nam.
 
Bản Quyết Nghị số 78 này được Liên Ủy Ban Chấp Hành Lưỡng Viện Lập Pháp California chấp thuận.
 
Ủy Ban Chấp Hành Thượng Viện
Chủ Tịch: David Roberty, ký tên
Chủ Tịch Thượng Viện
Mike Curb, Phó Thống Ðốc
Ủy Ban Chấp Hành Hạ Viện
Chủ Tịch: Louis J. Papan
Chủ Tịch Hạ Viện
White L. Brown, Jr.
*
Giờ đây thì Cựu Hoàng Bảo Ðại đã hoàn toàn yên nghỉ.
 
Sự thức thời của ông đã giúp ông vượt được lên cao để tồn tại và thanh thản.
 
Hải Bằng.HDB 
[1] xem Lan Kha: “Mắc Họa Vì Thơ”, Tiểu Thuyết Nguyệt San, # 24, 1987, tr.32
[2] Trong khi đó, Trung Cộng vẫn kết thân và ủng hộ Cựu Hoàng Shihanouk ở Cambốt. Ðây cũng là một điểm sai làm cơ bản trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Ðông Dương khiến từ đó Pháp không còn là bạn tốt của HK nữa.
[3] Tức Thái Tử Shihanouk của Cambốt.
Bà Phi Ánh

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com