Chiếc Jumbo 747 Air France đáp xuống phi trường Charles De Gaulle.
Một ngày trong cõi ngu lạc trường, trong phiêu lãng quên mình lãng du, phù lãng nhân tôi có mặt trên đường Saint Germain Des Prés, là nơi tao ngộ của Jean Coteau, Van Gogh... Ở đó có quán cà phê vỉa hè Le Café de Flore nổi tiếng bậc nhất Paris, nơi sinh thời Sartre và Beauvoir hay ngồi để viết lách. Đứng trước cửa quán, bên kia là nhà thờ cổ lỗ sĩ có con gà cồ đứng trên tháp chuông. Bỗng nhà thờ điểm hồi chuông báo tử "boong...boong...", phù lãng nhân tôi chợt nhớ ra Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir đã về với tha ma mộ địa tự hồi nào.
Sau 50 năm trở lại Paris, không biết đi đâu...? Ma dẫn lối quỷ đưa đường thế nào chả biết nữa, bởi ngụp lặn trong cõi người ta với 50 năm thấy ngắn, nhưng dàng dênh tới nửa thế kỷ lại quá dài. Chẳng nhẽ học thói quân tử hiếu cổ với người Việt lưu vong tại Paris, gần đây họ thường hay mò tới mộ Hàm Nghi ở làng Thonac. Hay phi cổ bất thành kim, họ tìm đến mồ mả Duy Tân ở nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero. Nhưng di hài của Duy Tân mới đây đã được đưa về Huế, chỉ còn lại nấm mộ Hàm Nghi. Làng Thonac ở đâu? Chắc phải nhờ vả người Việt lưu vong Nguyễn Thị Cỏ May quá.
***
Căn nhà số 11 của người Cỏ May đây rồi, từ lề đường dẫn vào cửa, hai bên trồng hoa gọn gàng, sạch sẽ như... đàn bà với cái bếp. Đón phù lãng nhân tôi ngoài cửa, người dẫn phù lãng nhân tôi qua bếp. Cái bếp ngăn nắp thật với găng tay, tạp dề treo lủng lẳng đâu vào đấy. Tới phòng khách có cái cầu thang xoắn từ thời Louis 13 xoắn vòng vòng thấy muốn chóng mặt. Ngỡ được ngồi phòng khách nói chuyện nhập thế tục bất khả vô văn tự, chẳng hay ho cũng húng hắng một vài hay yên ba giang thượng sử nhân sầu thì người dẫn thẳng tuốt ra vườn.
Ra vườn, chưa kịp mắt đảo tít như lạc rang đây đó. Va vào mắt hàng rào gạch đỏ quành quạch làm thẻo đất tù túng sao ấy. Ngồi xuống bàn ở mảng xi măng bé con con, trên bàn có hai tách cà phê Carte Noir. Bèn ngẫm ngợi sao không là "Ông già chống gậy" Ba Tri, hay "Nước mắt quê hương" Gò Đen để quạnh hơi thu lau lách đìu hiu, chén quỳnh mong cạn nhớ chiều chúc ti ngày nào năm ấy ở Thạch trúc gia trang. Hoặc giả để có những giây phút yên sĩ phi lý thuần với tang bồng hồ thỉ, để cảm khái dục phá thàng sầu dụng tửu binh... thì đập vào mắt là bản du ký "Đi thăm mộ Nam Phương Hoàng Hậu" của người Nguyễn Thị Cỏ May. Ngẫu sự này chả ngẫu nhiên tí nào, bởi Nam Phương Hoàng Hậu người Gò Công, người Cỏ May thành hoàng bản thổ ở Cân Giuộc, qua cầu Ông Thượng là tới ngay... Gò Công, dễ hiểu vậy thôi.
Nhưng chả dễ hiểu chút nào vì khi nghe tôi muốn tới làng Thonac, người ới taxi vì người... không biết lái xe. In hịt như ở miền đất ấm tình nồng, taxi là xe nhà, xe hiệu Citroen 2CV và "lái xe" là... đàn bà. Vì khi gọi taxi qua điện thoại, người cứ "oui" với "non" riết, vì người lãng tai nên nhà nào đó họ gửi "lái xe" đàn bà chăng? Ngồi trên xe, tôi buồn môi ngứa miệng với người là chỉ biết Hàm Nghi qua ông Phan Trần Chúc. Đại thể Hàm Nghi lên ngôi khi mới 13 tuổi, trở thành vị vua thứ 8 nhà Nguyễn. Sau vụ thất bại tại kinh thành Huế, Hàm Nghi phát hịch Cần Vương. Phong trào kéo dài được 4 năm, Hàm Nghi bị bắt... Ông Phan Trần Chúc là "người đầu tiên" nói đến việc Bùi Viện sang Mỹ. Ông là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, nên truyện Hàm Nghi và Cần Vương của ông đầy rẫy chuyện rất hấp dẫn, như vùng rừng Quảng Bình, cư dân đồng Nghè, xã Thạch Hoá đào được kho báu Hàm Nghi có tới hơn 2 tấn (!?) tiền cổ. Năm thỉnh mười thoảng họ còn nhòm thấy cụ voi tên Quận Công của Hàm Nghi, da mốc meo, lưng còn đeo cái ngai rách bươm của vua đi lang thang trong rừng nữa mới rõ khỉ.
Nghe đến Hàm Nghi bị bắt..., người Cỏ May được thể mọt sách mọt chữ rằng:
Rằng cứ theo một bài báo cũ trích từ tuần báo Le Monde Illustré (số 1665 ra ngày 23 tháng 2 năm 1889 tại Paris) nhan đề "Le Roi d’Annam" trang 118-120 do ký giả Jean Locquart tường thuật về việc người Pháp bắt giữ Hàm Nghi và đưa ông sang an trí ở Alger.
Vua An Nam (Le Roi d’Annam):
Ông Bộ Trưởng Bộ Hải Quân vừa nhận được tin mới nhất thông báo vua Đồng Khánh nước An Nam đã từ trần ở Huế ngày 27 tháng 1 (năm 1889) sau cơn bạo bệnh. Vua Đồng Khánh thọ 25 tuổi, lên kế vị em ông là vua Hàm Nghi ngày 19 tháng 9 năm 1885, người đã được quan phụ chính Thuyết (Tôn Thất) đưa đi khỏi kinh thành sau vụ tấn kích ở Huế ngày Mồng 5 Tháng 7 năm 1885. Hàm Nghi sau đó bị truất vị đã phải sống một thời gian khó khăn và không chấp nhận những đề nghị thoả hiệp cho đến khi ông bị biệt đội của Đại Úy Boulangier bắt được.
Một buổi chiều binh đội của viên Đại Úy được tin cựu Hoàng lẩn trốn cùng với Than-Tat-Thiep (Tôn Thất Thiệp), con trai phụ chính Thuyết tại một làng hẻo lánh trong rừng núi cao nguyên Giai (?). Binh đoàn của Boulangier liền bao vây nơi nhà vua ở và khi cửa chính bị đạp tung ra thì thấy Thiệp đã thức giấc vì tiếng động của vụ tấn công, còn Hàm Nghi đang ngủ say ở bên cạnh. Cả hai người đều để gươm trần ở bên cạnh và trong tay có khí giới nhưng không chống trả được gì. Thấy chủ soái thất thế, và để tránh cảnh tủi nhục khi bị bắt đem đi, Thiệp toan đâm chết ông (Hàm Nghi), nhưng vì quân Pháp dự tính bắt sống nên lập tức nổ súng hạ gục Thiệp. Hàm Nghi phải theo đoàn quân đến một nơi đã định chờ ngày đưa ông đi an trí. Việc này thể theo ý nguyện của Đồng Khánh là cựu Hoàng phải ra khỏi nước, và Algérie là quốc gia có phong tục và khí hậu thích hợp nhất để tiếp nhận kẻ mới bị bắt. Hàm Nghi được đưa lên chiến hạm Biên Hoà, do Thuyền Trưởng Caillard chỉ huy, rời Hải Phòng ngày Mồng 7 Tháng 12 vừa qua và vào cảng Alger khoảng 3 giờ chiều ngày Chủ Nhật 13 tháng 1 (1889).
Làm như thấy ai trông khoai cũng vác mai đi đào hay sao ấy, thấy củ khoai "Đồng Khánh muốn Hàm Nghi lưu vong". Thì tôi đào sới với người trồng khoai Cỏ May rằng lịch sử là một quả cầu tròn, mỗi người nhìn một phía... Phía bị che lấp là Đồng Khánh đích thân ra Quảng Bình chiêu dụ Hàm Nghi về hàng nhưng không thành công. Vì vậy Đồng Khánh nói với người Pháp đưa Hàm Nghi đi an trí cho chắc ăn là thế. Lại làm như ăn khoai môn ngứa miệng sao đó, được thể tôi đào sới thêm chuyện "Một nhà mà có ba vua: Vua còn, vua mất, vua kia chạy dài". Câu ca dao này nói về Thiệu Trị có ba người con làm vua: Kiến Phúc làm vua được 8 tháng thì mất. Hàm Nghi chống Pháp nên bị đi đày. Đồng Khánh lên ngôi được hơn 3 năm thì băng hà.
Ngồi trên xe hết hàn huyên chuyện "củ khoai"... đến phù lãng nhân tôi và người Nguyễn Thị Cỏ May với cùng một lứa bên trời lận đận, lọ sẵn quen nhau, in hịt như Bạch Cư Dị gặp bà kỹ nữ già trên bến Tầm Dương... Thì loáng một cái đã tới bến sông Vézère phía Trung Nam nước Pháp thuộc vùng Dordogne. Chiếc xe Citroen 2CV lụm cụm như con cóc cụ lên đồi xuống dốc một hồi cuối cùng cũng tìm ra làng Thonac buồn như trấu cắn. "Lái xe" lái vòng vòng qua làng Sergeac ở bên cạnh tìm chỗ nghỉ qua đêm. Làng nào ở bên Tây cũng có nhà thờ cổ lỗ sĩ với con gà cồ đứng trên tháp chuông, cái cầu đá bắc qua con suối chẳng lớn hơn con rạch là bao, và cũng chả thể thiếu hàng cây platane dọc theo bên đường trông như cây hòe bên... Tàu. Hiểu theo nghĩa là chả có gì để văn dĩ tải đạo chuyến... đi Tây này.
"Lái xe" lái xe tìm được... "quán trọ làng". Quán trọ làng cũng là quán ăn, ngoài cửa treo bảng gỗ hàng chữ "Auberge Castel Merle" và cái đèn bão đỏ. Trong khi Cỏ May vào trong nói chuyện với chủ quán, "lái xe" và tôi ở ngoài đốt thuốc. Khi không "lái xe" dòm lên cái cầu thang dốc đứng rồi nháy mắt với tôi. Ðang cứng như bùi giời, "lái xe" chỉ đám cỏ khô và nói: "Mày ăn đi". Ðang búi bấn không biết đám cỏ khô là cỏ vân, cỏ thi hay cỏ may thì "lái xe" nói: "Mày ngu như con bò". Nói xong cun cút đi vào quán ăn, còn tôi leo lên cầu thang thăm thú phòng ngủ. Quán trọ có hai phòng ngủ, bèn vào để "tham quan", phòng nực mùi ẩm mốc của gỗ thông, phòng có một cái ghế bành to đùng, một cái giường đồng cao lêu nghêu thuộc dạng Luois 15 hay 16 gì đấy và cái bồn tiểu cho đàn ông cũng cao không kém. Tôi nghĩ người Việt ta đến đây thăm mộ Hàm Nghi hơi bị nhiều nên leo lên giường hay đi tiểu chắc phải bắc ghế quá!
Xuống lại quán ăn đã thấy "lái xe" ngồi riêng một bàn đang chơi ô chữ trong tạp chí mang theo, Cỏ May ngồi ở góc quán. Bởi chuyến đi này là thăm mộ Hàm Nghi, ngồi xuống tôi hành ngôn hành tỏi với Cỏ May rằng không thiếu những vua, quan, sư, hoạn quan, thầy bói, đàn bà con gái bị bắt hoặc đem đi cống và đã từng rơi vào cảnh "nước non ngàn dặm ra đi". Nhưng ít ra những nhân vật của lịch sử đó cùng lắm chỉ lặn lội sang Tàu là cùng. Chưa có ai bị đưa đi xa tít mù khơi tới bên kia quả địa cầu như các vua nhà Nguyễn. Vì vậy gần đây có một loạt chuyện "Đi tìm dấu tích ba vua lưu đày" trên mạng lưới với Nguyễn triều vong thổ là thế.
Vì cùng chống Pháp, Thành Thái và Duy Tân bị đày ra đảo Réunion, sau nhờ con rể (*) vận động, Thành Thái được về quê nhà. Duy Tân bị tử nạn máy bay, gần đây di hài cũng được đưa về an táng bên cạnh Thành Thái, tại Huế. Tiếp đến tôi bấm búi với những năm tháng lưu vong của ông và những người đi theo ông làm gì, ăn uống ngủ nghê ra sao, có... nước mắm và cơm không? Bởi hình dung đến hai cha con Thành Thái, Duy Tân lẩn quẩn bên ven đảo bắt ốc, câu cá, trên là trời, dước là nước thấy quạnh quẽ chi đâu! Thêm một lần, người Cỏ May mọt sách ăn giấy qua cô Amandine Dabat, là con của công chúa Như Lý, cháu ngoại Hàm Nghi. Hiện cô đang làm Luận Án Tiến Sĩ về cuộc đời và sự nghiệp của ông ngoại cô tại Sorbonne. Cô cho biết, đi theo ông ngoại cô có một thông ngôn, một người hầu, một đầu bếp. Và chuyện là:
Là khi tới Alger, Hàm Nghi được Toàn Quyền Tirman của Algérie và Đại Úy Henri de Vialar tiếp đón. Ngày đầu tiên Tirman đãi tiệc như một thượng khách chứ không phải là một người đi đày. Trong bàn tiệc, Vialar được lệnh tìm nhà cho ông. Ngôi nhà có tên là "Biệt thự cây thông" (Villa des Pins), ở El Biar, trên một ngọn đồi cách Alger 5 cây số.
Những năm đầu tiên, Hàm Nghi sống trong ngôi nhà mà người Pháp thuê cho. Chỉ sau khi kết hôn với một phụ nữ Pháp, họ mới xây một ngôi nhà có tên là "Biệt thự Gia Long". Ông sống trọn đời tại đây cùng với gia đình. Mục đích của chính phủ Pháp khi đưa ông đến Alger, trước hết là Hàm Nghi vẫn là người kế nghiệp và vẫn có thể kế ngôi nếu Đồng Khánh băng hà. Vì vậy, ông được đối đãi tử tế để cho ông có thiện cảm với nước Pháp.
Chân dung Hàm Nghi những năm tháng cuối cuộc đời lưu đày.(Ảnh tư liệu gia đình)
Hơ! Tôi đang cách rách với quân vương 17 tuổi được ăn cơm Tây. Chả hiểu quân vương vật lộn với "phóng-xét" (fourchette), "cùi-rìa" (cuillère) vất vả thế nào. Vừa lúc chủ quán bước ra giới thiệu quán có món "Poulet de Bresse". Ông phăm phở là "gà quý phái" vùng Bresse, thịt ăn rất mềm và đậm đà vì được nuôi như gà đi bộ này kia kia nọ. Thế là tôi ới cái Coq au vin và chả thế thiếu món foie gras và rượu vang vùng Domme. Còn người Cỏ May làm đĩa sa lát vì... ăn chay. Trộm nghĩ cứ theo Đức Lạt Ma dạy những người sống mà không biết hưởng mùi đời thì người đây đã chết khi còn đang sống chứ còn khỉ gì nữa. Cơm nước xong ra ngoài để nhớ nhà châm điếu thuốc. Lực đực dòm đám cỏ khô trong bóng tối u u minh minh và củng quẳng chả hiểu sao mình lại...ngu như con bò. Trở vào quán thấy Cỏ May và "lái xe" đã biến từ hồi nào không hay. Leo lên cầu thang, đi qua cái phòng không có bồn tiểu đàn ông. Thấy cửa đóng im ỉm mới vỡ nhẽ ra lý sự gì người Cỏ May ới taxi mà chị "lái xe" vũm vĩm là... đàn bà.
Sáng hôm sau, "lái xe" còn ngủ, Cỏ May rủ tôi qua làng Thonac. Vừa thả rong nghe chim rừng hót líu lo, ngắm gà đi bộ... tung tăng đi bộ, Cỏ May vừa cho tôi hay làng Sergeac có Chateau de Losse của hoàng tộc nhà Nguyễn khi xưa.
Chateau de Losse
Vì Thonac là quê vợ nên ông bà đã mua Chateau de Losse lúc sinh thời. Rồi ăn mắm ăn muối gì chả biết nữa, khi không tôi quắn quả tới đám cưới của vương quân Hàm Nghi.
Mặc dù... ăn chay, Cỏ May được thể ăn mòn bát vạt đũa chữ nghĩa thiên hạ thế này đây...
Hàm Nghi đính hôn với Marcelle Laloe, con gái của ông Laloe, Chánh Án Toà Thượng Phẩm Alger. Buổi sáng hôm ấy, từ Biệt thự Rừng Thông, ông lên xe song mã đi thẳng đến nhà Chánh Án Laloe ở trung tâm thủ đô. Ông với áo quần dài và khăn xếp đen bước xuống xe đón Marcelle từ tay thân phụ và rước người yêu lên xe đến nhà thờ làm lễ cưới. Cảnh tượng ông vận áo dài đen, đầu quấn khăn đen, cắp bên mình một cô đầm Pháp mặc áo cưới trắng, trắng muốt ngồi trên xe song mã đã làm xao động phố phường Alger.
Trong suốt 40 năm chung sống (1904-1944), theo lời kể của Công Chúa Như Lý, hai ông bà rất hạnh phúc. Dù phải sống xa quê nhà, ông vẫn giữ được nề nếp gia đình, dòng họ. Mặc dù chả bất thế kỳ nhân nhưng tôi chắc như bắp luộc Như Mây là "Như Mai" vì cô em là... Như Lý. Vì các cụ ta xưa đặt tên cho con với câu "Mai, Mơ, Lý, Mận mặn mà cả cả tư". Với tư là 4, ông lên ngôi năm 1884, bà cũng sinh năm 1884, Vị quân vương lập gia đình năm 1904, 40 năm sau, Hàm Nghi mất năm 1944. Làm như Trần Đoàn với lý số, tôi xoi xói như thầy bói múc canh là: Tất cả cuộc đời ông nổi trôi cùng một dòng sinh mệnh với... số 4 với tứ hành xung, ngũ hành tương đắc với mất cái này, được cái kia qua một kiếp nhân sinh.
***
Làng Thonac chỉ có khoảng 500 cư dân, nơi Như Mai đưa hài cốt cha mẹ mình từ Alger về quê ngoại chôn cất năm 1965. Tôi vào nghĩa trang, đi tìm những mộ to, cứ nghĩ mộ vua phải lớn. Tìm hơi lâu mãi không thấy nên hơi lo, bỗng Cỏ May từ xa kêu đã tìm được mộ. Bia mộ bị thời gian xói mòn, rêu phong mọc trên lớp đá vân cẩm thạch, nhưng vẫn nhìn ra 4 hàng chữ:
Tên họ Hàm Nghi (và tên thánh)
Quốc vương An Nam
Sinh tại Huế 1871,
Mất tại Alger 1844.
(Dưới hầm mộ có hài cốt của 5 người: Hàm Nghi, Marcelle Laloe, Như Mai, Minh Đức và Marie Jeanne Delorme).
Quốc vương An Nam
Sinh tại Huế 1871,
Mất tại Alger 1844.
(Dưới hầm mộ có hài cốt của 5 người: Hàm Nghi, Marcelle Laloe, Như Mai, Minh Đức và Marie Jeanne Delorme).
Thấy mắt phù lãng nhân mắt tròn dấu hỏi với hàng chữ Marie Jeanne Delorme? Cỏ May mụn mặn ấy là tên bà quản gia của dòng họ. Cỏ May eo óc thêm Công Chúa Như Lý có chồng là Công Tước Labesse sống tại làng Chabrignac gần Limoges. Hai người sống ở lâu đài phía bên kia đường làng Chabrignac, cách nhà bà Nam Phương 500 m mà hai bên không bao giờ gặp nhau. Nhưng ngày bà Nam Phương mất, hôm ấy Như Lý cũng có mặt để tiễn đưa. Khi Như Lý nằm xuống, cả hai nằm chung một nghĩa trang làng. Như Lý nằm ở phía trái từ cổng vào, bà Nam Phương nằm bên mặt. Cách nhau theo chiều ngang chừng 50 m. Cỏ May rù rì không biết giờ đây hai bà đã gặp nhau chưa? Gặp nhau chưa là nói cho có chuyện vậy thôi, bởi ba ông Hàm Nghi, Duy Tân, Bảo Đại có gặp nhau trên đất Pháp bao giờ chăng? Trăm tội chỉ vì mấy cụ vua nhà Nguyễn lấy quá nhiều vợ, sinh con nhiều quá (Minh Mạng 78 con trai, Thiệu Trị 29 con trai). Thêm hai ông vua bất lực (Tự Đức, Khải Định) nhận cháu làm con nuôi nên mới rách chuyện. Chỉ có một cái ghế cũ sì mốc meo mà con nuôi, con đẻ, bác, cháu thay nhau trèo lên trèo xuống đến chóng mặt. Chỉ tội cho người đọc sử thời "Nguyễn Mạt" cứ lộn tùng phèo cả lên. Hơ! Lạ một nhẽ sử ta có Lê Mạt, Trần Mạt, người đọc sử chả thấy hai chữ... Nguyễn Mạt đâu? Có thể cụ Sử thần Trần Trọng Kim thời Bảo Đại quên chăng? Dám lắm ạ!
Trên đường ra cổng nghĩa trang, bị mằn mò bởi mộ bia Hàm Nghi vừa đơn giản, vừa rêu phong ẩm mốc, tôi lễnh đễnh tới mộ phần cựu Hoàng Bảo Đại được chôn cất tại nghĩa trang Passy thuộc hạt Trocadero Paris 16e xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, nơi chôn cất nhiều nhân vật thành danh từ Tổng Thống Pháp Alexandria Millerand, đến tài tử phim hài hước Fernandel... Ông không tiền và cũng không có thế lực để được chôn cất tại đây, đây là phần mộ của một thương gia giàu có ở Paris, rất kính trọng cựu Hoàng, khi nghe ông qua đời đã hiến phần đất này cho ông. Rồi tôi lụi đụi tới Nguyễn Phước tộc, một thời hết lăng xăng chăm bón bà đầm Monique Baudot và Bảo Đại tới Hoàng Tử Bảo Long có thanh kiếm ‘’Nguyễn triều chi bảo’’. Nên chả hiểu họ có ngó ngàng tới phần mộ Ham Nghi hay không? Hay nói khác đi: Hàm Nghi là một ông vua bị bỏ quên bên bờ lịch sử. Với Nguyễn triều thất thổ, tôi muốn "Đi tìm dấu tích ba vua lưu đày" trong đó có một Hàm Nghi, vì vậy mới lọ mọ với bài văn sử này.
Với những ông vua lưu vong thì chẳng quên chuyện bên bờ lịch sử: Khải Định trích quỹ công mua nhà cho Bảo Đại. Thành Thái bị đi đày, Pháp đưa Khải Định lên thay, Khải Định cũng gửi tiền giúp đỡ Thành Thái. Khải Định mất, Duy Tân gửi trướng liễn phúng điếu:
"Ông vội bỏ đi đâu, bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ con, bỏ hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc"
"Tôi nay còn lại đó, còn trời, còn đất, còn non, còn anh hùng, còn nhiều vận hội giữa năm châu"
"Tôi nay còn lại đó, còn trời, còn đất, còn non, còn anh hùng, còn nhiều vận hội giữa năm châu"
Với Khải Định, phù lãng nhân tôi chẳng thể thiếu vắng câu đối đi vào văn học sử của ông...
"Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tàu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng".
"Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô Như Duật, như Phật Tử Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm Công Thượng Tướng quân, như Bạch Vân phu tử, như Ngự Sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn thời chi tuế, thế chi ư, khí nhưng nhiên phủ, thần long đắc vũ tiện vân đằng".
Ý đồ tôi là Khải Định tài hoa, nào khác gì Hàm Nghi. Nhưng chưa kịp vẽo vọt thì "lái xe" lái xe tới đón, đành phải về lại Paris trong môt ngày ít gió nhiều mây. Xuống xe rất sành điệu củ kiệu, tôi móc túi trả tiền, cũng vừa lúc "lái xe" móc ví đưa tôi 10 Euro. Đang bật rật vì gì mà lạ quá thể thì... thì "lái xe" nghiêm và buồn nói: "Để mày mua... cỏ khô". Hôm qua mới sơi gà đi bộ Coq au vin, ực rượu vang vùng Domme nên phù lãng nhân tôi tê tái con gà mái kể gì.
Cùng mây chiều gió sớm qua một thoáng mây bay với 50 năm trước, phù lãng nhân tôi có một thời lân la ở trường Beaux Arts tại Paris, ăn đong ăn vay với cái nghiệp vẽ nên tạm cho là quen thuộc với tranh Pierre-Auguste Renoir, tượng Auguste Rodin với trừu tượng, ấn tượng. Nên tôi hiểu là chả phải cứ ấn cái tượng vào tranh là tranh... ấn tượng. Nên trên xe tôi nuốt câu nhả chữ gọt cốt vừa giày với người Cỏ May những gì về hội hoạ và điêu khắc...
Chuyện sau này tôi mới biết trong 55 năm lưu vong, Hàm Nghi đã trở thành một hoạ sĩ và một nhà điêu khắc. Tác phẩm của ông đã được trưng bày năm 1926 tại Paris. Tất cả bằng vào tờ trình của viên thông ngôn Trần Bình Thanh gửi cho toàn quyền Pháp Tirman: Ông Đại Úy de Vialar tới xem và thấy những phác hoạ của Hàm Nghi, tuy không theo trường phái nào của hội hoạ Âu châu, nhưng rất có nét nên de Vialar đưa hoạ sĩ Marius Reynaud tới để dạy hội hoạ cho ông. (hoạ sĩ Reynaud theo trường phái phương Đông, khi ấy đang sống tại Alger)
Hàm Nghi với những tác phẩm điêu khắc
Điêu khắc gia Aristide Maillot
Thế là ông say mê lao vào hội hoạ. Mỗi tuần, Reynaud (giải nhất Roma) tới dạy hai lần, vào Thứ Ba và Thứ Sáu. 10 năm sau, ông sang Paris xem cuộc triển lãm của Eugene Henri Paul Gauguin, tranh của ông chịu ảnh hưởng Gauguin từ đấy. Năm 1904, ông học điêu khắc với Auguste Rodin và điêu khắc gia Aristide Maillot. Nếu như con người thường vắng mặt trong các tác phẩm hội họa của ông vì ông có khuynh hướng vẽ phong cảnh, thì trong điêu khắc, ông tìm cách thể hiện những khuôn mặt phụ nữ Tây phương, qua những bức tượng bán thân. Tuy nhiên nói vãi thì lại nói vơ, tôi vơ bèo vạt tép ngẫu sự ông chịu ảnh hưởng Gauguin? Có thể vì cuối đời Gauguin sống Tahiti, khoảng thời gian này, tranh phong cảnh, người và màu sắc của Gauguin rất gần gũi với phương Đông. Lại nữa, có thể ông chịu ảnh hưởng Gauguin qua bức tranh nổi tiếng có cái tên đầy ấn tượng là: "Chúng ta từ đâu đến - Chúng ta là ai - Chúng ta đi về đâu". Và có thể đó cũng là khắc khoải của ông trong những ngày tháng lưu vong.
Ngoài mỹ thuật, với văn chương ông có những mối giao tình gần gũi trong giới văn học nghệ thuật Pháp đương thời. Tiểu sử về ông của bà Judith Gautier ghi: Nhà thơ Pierre Louys là người đã giới thiệu ông với nhà văn nữ Théophile Gautier, bà là một nhân vật nổi bật trên văn đàn thời ấy. Bà viết tiểu thuyết, làm thơ, dịch thơ Đường và nặn tượng... Điều ít được biết, là khi quen biết ông, bà đã sáng tác một truyện ngắn mà chủ đề là cuộc chiến của Hai Bà Trưng. Truyện ngắn này đã được đăng trên bán nguyệt san "La Revue de Paris" (số đề ngày 15-12-1897). Bà làm nhiều bài thơ về "ông hoàng An Nam" (Le Roi d’Annam) và... "điêu khắc chân dung" ông. Một bài thơ dài, rất dài, nói lên tình cảm và sự trân quý đối với ông qua hai câu tiêu biểu: Ôi, quân vương niên thiếu lên ngôi - Rồng quằn quại dưới thềm, hấp hối.
Trong cuộc gặp gỡ năm 1902, bà Sepkina-Kupernhic kể lại rằng "ông đã thố lộ những điều mà ông đã và sẽ không nói với ai, những điều ông dồn nén trong lòng và chỉ đợi dịp trào ra. Đó là mục đích cuộc đời của ông...". Theo sử gia Fourniau: "Không ai biết ông đã ghi chép những gì trong hơn nửa thế kỷ lưu đày, điều đó mãi mãi sẽ là điều bí ẩn". Tất cả ghi chép bằng chữ Nho và cất trong một cái hòm, một ngày kia cái hòm đã bị cháy. Ông không được may mắn như Duy Tân viết văn, làm thơ đăng trên các báo Pháp như Le Peuple, Le Progrès, và đoạt giải nhất văn chương của Viện Hàn Lâm Khoa học và Văn chương của đảo Réunion năm 1924, với tiểu luận "Variations sur une lyre brisée" (Những biến tấu của một cây đàn lyre đổ vỡ).
Năm 2010, nhà Drouot tổ chức bán đấu giá bức tranh sơn dầu "Sur la route d’El Biar" (Trên đường El Biar), tên khác là "Chiều Tà" (Le Déclin du jour) do Hàm Nghi vẽ vào năm 1915.
Chiều Tà (Le Déclin du jour)
15 năm sau...
Mười lăm năm sau với nước chảy qua cầu, năm 2030, nhằm vào cái tuổi tịch dương vô hạn hảo, tôi trở lại Paris một lần nữa. Thả bộ tới quán Le Café de Flore, chả cần nhà thờ cổ lỗ sĩ bên kia đường điểm ba hồi chuông "boong...boong...", tôi cũng biết thừa biết Sartre, Beauvoir đã chết mất đất rồi. Ngồi xuống ghế, thảnh thơi giở tập bản in đã vàng ố có tựa đề: "Cậu Ấm Nguyễn Văn Thành" của Cỏ May.
Đọc để có "cảm giác" yên sĩ phi lý thuần rồi gặp... người Nguyễn Thị Cỏ May sau.
Người Cỏ May viết về một nhân vật tên Thành, 17 tuổi gia nhập lực lượng lính thợ theo lời kêu gọi của Bảo Đại: "Không phải đánh giặc, mà làm việc trong công binh xưởng". Anh Thành tới Marseille năm 1939 và được đưa về xưởng hoá chất. Tình hình chiến sự với Đức tới hồi gay gấn. Một hôm, ông đội Tây tới hỏi tìm người tình nguyện đi với ông về phía cánh đồi trước mặt. Anh tình nguyện. Hai người leo lên đồi, ông đội Tây đưa khẩu súng mousqueton của mình cho anh Thành mang giùm để ông đội Tây bò vào bụi cây trên đồi dùng ống dòm cho tiện quan sát.
Đột nhiên anh Thành thấy lính Đức đang đi nên vội lủi vào sau tảng đá núp. Bỗng, anh thấy bụi cây rung rinh. Tay anh ghì chặt khẩu súng. Mồ hôi toát ra. Anh bóp cò đại một phát. Bụi cây hết rung. Anh yên lòng nằm chờ. Nửa giờ sau, không thấy ông Tây trở lại, bèn leo lên tới bụi cây xem và anh hoảng hồn ví ông Tây chết ngủm do anh bắn lúc nãy. Giờ phải làm sao đây? Anh đành cõng xác ông Tây về giao cho đồn lính. Anh thật thà kể chuyện lại là do anh bắn. Nhưng vì tiếng Tây của anh chỉ có mấy tiếng "lui... moi... bùm... bùm".
Hôm sau, trước sân trại, lính đứng thành hàng chỉnh tề trước cột cờ. Thôi nay tới số rồi, anh nghĩ bụng. Khi ra tới giữa sân. Viên sĩ quan lấy tầm mề-đai móc lên ngực anh, đứng thẳng người chào anh, đồng thời lính tráng đều đứng nghiêm chào. Viên sĩ quan bắt tay anh. Anh ngơ ngác không hiểu gì hết. Nhưng mấy người lính Tây hiểu là: lính Đức đã bắn chết ông đội Tây. Anh bắn lính Đức. Nên anh được tưởng thưởng huy chương tại mặt trận. Sau anh Thành lấy vợ đầm, sinh sống tại Bergerac. Ông mất năm 2012 tại Lattes, quê vợ, hưởng thọ 93 tuổi.
Đang giang giang câu chuyện qua ngày tháng đắp đổi, tôi quay quắt với những năm tháng Hàm Nghi cũng lấy vợ đầm ở Alger và nằm xuống ở quê vợ làng Thonac giống như ông Thành. Như sử gia Fourniau viết: "Không ai biết Hàm Nghi đã ghi chép những gì trong hơn nửa thế kỷ lưu đày, mãi mãi sẽ là điều bí ẩn". Theo tôi chẳng có gì bí ẩn: Hàm Nghi theo Cần Vương năm 13 tuổi thì đơn giản như đan rổ là ấu vương được quần thần dẫn đi chạy trốn để chống Pháp. Ấu vương bị lưu đày, rồi nhằm vào cái tuổi bất chi lão tương chi sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha hương nghìn đời thê thảm ấy: Hàm Nghi viết lại mảnh đời lưu đày của mình như ông Thành vậy. Nào khác gì tác giả Nguyễn Thị Cỏ May, một người di tản buồn mượn giấy khô mực nẻ qua ông Thành với nỗi sầu vong gia thất thổ, gửi gắm cho mai hậu nỗi cô liêu trầm luân trong bể phù sinh. Vì chuyện "Cậu Ấm" Nguyễn Văn Thành là chuyện có thật. Cỏ May viết truyện dựa theo hồi ký của tác giả: "Saigon-Marseille: Aller simple" do nhà xuất bản Actes Sud xuất bản năm 2012. Cỏ May đã dàn trải khúc kết như thế này đây: Năm 1947, Thành nhận được tin cha mất trong tù Việt Minh ở Quảng Trị. Thành bất mãn vì ông không được xét xử đàng hoàng. Ông ở tù kéo dài rồi chết như những người tù cải tạo năm 75 sau này.
Đùm đậu với chuyện người di tản buồn với vong gia thất thổ, phù lãng nhân tôi ăn đong ăn vay thì tôi: "Bắc kỳ mắm tôm", Cỏ May: "Nam kỳ mắm ruốc" đụng đầu cái năm 75 đứt phim nên bỏ của chạy lấy người. Người miền Bắc sau hai lần di cư: Năm 54 trôi giạt vào miền Nam, đợi hai năm sau thống nhất hồi cố quận. Năm 75 lại chạy mất đất một lần nữa nên mang cái tâm trạng buông trôi đất đai ruộng vườn với những u hoài quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng vương. Để rồi bối rối nhìn trời nhìn đất nỗi hoài cố quận ai ra bến nước trông về Bắc, chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng, nào khác gì ngày qua tháng lại với hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Ngày ngày cứ chồng chất lên mãi để thành một chuỗi quá khứ nặng nề.
Vô hình chung, những người miền Bắc đang là con ốc chuyên chở quá khứ, nhưng quá khứ nhiều lúc muốn cởi bỏ không phải là dễ. Như chuyện con ốc già sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày cứ day dứt nó mãi. Cứ mỗi một ngày, trả một ngày cho quá khứ, quá khứ vì thế chồng chất trên lưng con ốc. Một hôm nó nhất định mang quá khứ đi chôn, chỉ có thế mới có được những nhẹ nhàng thanh thản. Khi con ốc chở quá khứ đến mé đường, bên kia là nghĩa địa, nó thấy băng qua bên kia không phải là dễ. Dòng xe như mắc cửi không chừa một khoảng trống để chậm như nó có thể vượt qua. Nó sẽ bị bánh xe nghiền nát trước khi bò qua bên kia đường vì nó đã già rồi. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia, nó thầm nhủ suốt quãng đời còn lại, đành ôm những quá khứ cho riêng mình...
Quá khứ chồng chất trên lưng con ốc của người miền Nam khác người miền Bắc. Ngẫu sự không phải qua một đời người từ 54 đến 75, mà kéo dài theo chiều dầy của lịch sử với một biểu hiện khác. Từ ngày những người Đàng Ngoài theo chân chúa Nguyễn vào Đàng Trong. Tổ tiên họ trong lớp di dân có những nhà nho, với chữ Hán họ để rơi rớt dọc đường hồi nào không hay, nên người Nam không sính chữ Hán như người Bắc, như.... phù lãng nhân tôi. Nhưng họ đã quang gánh mang theo gia tài văn hóa trong đó chữ Nôm. Họ đồng hóa người Chiêm Thành, họ nuốt chửng Thủy Chân Lạp. Tiếng nói lưu dân vùng đất mới theo môi trường địa lý mới. Những hội nhập này khiến chữ Nôm trong Nam có những dị biệt về phát âm như "chun, chiền", thay vì "chung, chiếng". Những biến thái cấu trúc về chữ viết, phát âm và thành ngữ đã tạo nên phương ngữ miền Nam cùng phong thái đặc thù của giọng nói của người miền Nam lưu dân.
Với giọng nói, đến tao đoạn tối như đêm dày như đất này, thì vào thời khai sơn phá thạch, họ theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, va chạm với người Chàm để có tiếng Trung. Vào đến đất Đồng Nai, gần gũi với người Miên, họ có tiếng nói riêng của họ: Ấy là giọng nói miền Nam. Thêm bà Từ Dũ vợ Thiệu Trị, mẹ Tự Đức, là người Gò Công. Bà thích ăn mắm Gò Công làm bằng tôm, mắm chở bằng thuyền ra Huế cả tháng nên bị chua vì vậy mới có "mắm tôm chua". Lại nữa, bà cấm cung phi và người hầu trong cung nói tiếng Trung mà phải là tiếng Nam. Bởi nhẽ đó người Huế ngày nay có nhiều "thổ ngữ Nam kỳ" mà "Ngũ Quảng lưu dân" không có.
Có hay không thì phong thổ, địa chí mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây đã tạo nên phong thái, phong cách con người ta cho mỗi vùng đất. Bắt qua chữ nghĩa, từ phong thái dây dưa đến văn phong cũng khác. Người Bắc viết văn mang cái bệnh đểu, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của gừng, của tỏi làm cái ngon miệng. Vì thức ăn chẳng có gì, như chén cơm sống trộn tỏi với nghệ. Vậy mà người đọc cứ khen hay. Nhưng... "hay" ở chỗ với thế sự thăng trầm quân mạc vấn, với cái miệng nói rắn trong hang cũng phải bò ra, họ nấp sau hập trường làm... thầy dùi. Lớp di dân trên con lộ sinh tử qua chặng đường lịch sử mà Quảng Trị như cái cổ họng thắt lại đến nghẹt thở. Người Trung từ mảnh đất này mang thi ca biến thành cuộc đời là làm thơ hay đi... tu. Đất đai càng khô cằn càng nhiều nhà tu, họ tu vì thất chí với cuộc đời nên làm... thơ.
Với phong thái, qua 108 anh hùng Lương Sơn Bạc ở xe hủ tiếu của Tàu, họ mang cái hào khí của thủ lãnh Tống Giang nên thích làm... tướng đeo sao với túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Làm báo ở quán cóc hay quán nhậu, họ không quên mang cái hào sảng bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi với một... Lỗ Trí Thâm, hay cái trung dũng khí tiết của một.... Võ Tòng đả hổ.
Trở lại thời khai sơn phá thạch, từ thuở xa xưa ông tằng bà tổ của họ theo các chúa Nguyễn vào đây khai phá. Qua những năm tháng họ gây dựng lên mảnh đất trù phú thế nên năm 75 miền Nam mất với họ như mất nuớc. Thế nên người miền Nam mang nỗi niềm nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Họ như mất tất cả nên mang cái tâm thái vong gia thất thổ như Hàm Nghi đắm chìm trong Nguyễn triều vong thổ. Nhằm vào vận nước nổi trôi hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương thì người mắm ruốc với chí ta ta biết lòng ta ta hay hơn ai hết để mai này quang phục, quang gánh trở về quê hương. Người mắm tôm chỉ búng ghét đuổi ruồi làm quân sư và không hơn. Người mắm tôm chua cắm đầu tụng kinh gõ mõ, bói bảy ngày không ra một Phan Bội Châu, một Phan Khôi. Với Phan Khôi làm báo, chẳng thể không nhắc đến nhà báo Cỏ May, người không đợi đời lưu vong không cả một ngôi mồ, vui đất lạ thịt xương e khó rã, hồn không đi sao trở lại quê nhà. Mà Cỏ May nín thở qua sông, qua chữ nghĩa để mai này chèo thuyền ra biển, đi mãi đi mãi cũng trở về cặp bên cửa Khâu, vàm Láng, bến Vựa, chợ Giồng ông Huê. Nếu như Hàm Nghi mượn hội hoạ, điêu khắc để giải toả những ẩn ức, Thì Nguyễn Thị Cỏ May "Đi thăm mộ Nam Phương hoàng hậu" hoặc với "Hồn ở đâu bây giờ" để đợi... một ngày.
***
Gấp tập lai cảo "Cậu Ấm..." đã cũ kỹ rồi, đã trở thành cổ kính như món đồ cổ. Trong cái tâm thái để hồn đi hoang, vất vưởng cùng "Hồn ở đâu bây giờ", chẳng qua với nhân sinh, nhân bản cùng một dòng sinh mệnh, sinh phần thì Đông và Tây cũng gặp nhau ở sinh ký tử quy vậy thôi. Trộm nghĩ với "tịch dương vô hạn hảo, nhân gian trọng vãn tình", tạm hiểu lơ mơ lỗ mỗ là nhằm vào cái tuổi chiều chiều bóng ngả về tây, với nhân sinh chỉ còn chút tình còm cõi... Thôi thì hãy ghé tiệm lưu niệm bên bờ sông Seine, hãy mua một món quà nhỏ bỏ vào túi xách cho người họ Nguyễn tên Cỏ May. Tiếp đến lấy Metro tới nghĩa trang Passy, làm như muốn trở lại nghĩa trang ở làng Chabrignac năm nào, công chúa Như Lý con Hàm Nghi nằm ở phía trái từ cổng vào, Hoàng Hậu Nam Phương nằm bên mặt. Cách nhau 50 m... Phù lãng nhân tôi đang phiêu lãng quên mình lãng du trong cõi ngu lạc trường đến đây... Tình cờ gặp người gác nghĩa địa đi đến hỏi có phải đi tìm ngôi mộ của "Sa Majesté Bảo Ðại" không thì ông ta chỉ cho: Ðó là một ngôi mộ nằm trên đám cỏ lác đã vàng úa. Trong gió thổi lay lắt qua bụi cỏ gà khô cằn, tôi nhìn không thấy có bia (**) để khắc tên, chỉ trơ trọi hai tấm "đan" xi măng sần sùi. Cùng hồn ma bóng quế qua lời nào của cây lời nào cỏ lạ với trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, tôi chợt ngộ ra mộ phần Bảo Đại nằm cùng một nơi chốn với Duy Tân xưa kia trên đồi Trocadero.
Thế nhưng như Từ Thức về trần, phù lãng nhân tôi đến đây để tìm cái mình muốn tìm... Nhìn đâu đây, thả bộ trên lối mòn ngập cỏ vân, hay cỏ may lất phất trong nắng hạ chừng mươi bước có nấm mồ. Đứng trước nấm mồ còn mới, giản dị như mộ bia Hàm Nghi. Nhưng không như Hàm Nghi với ngày sinh, năm mất cùng quê hương bản quán...
Vì mộ bia đây chỉ có một chữ:
Nguyễn
Trong một ngày nhạt nắng gần gật bóng ngả đường chiều. Phù lãng nhân tôi lấy trong túi xách ra con ốc đặt lên chữ... "Nguyễn". Ngước nhìn lên chốn không, đất trời âm ỉ như chậu nước gạo đục, mây xám mỏng tang như bánh tráng trũng. Trong chốn vắng, vắng xa, văng vẳng âm vọng từ trăm năm một cõi đi về ba hồi chuông triêu mộ "boong...boong...boong...".
Thạch trúc gia trang
Đông tận, Ất Mùi 2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nguồn: Cao Đắc Vinh, Nguyễn Duy Chính, Trà Lũ
Ngô Công Đức, Lê Văn, Nguyễn Duy Vinh, Trùng Dương
Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy Khanh.
Chú thích:
(*) Thành Thái được con rể là Luật sư Vương Quang Nhường can thiệp với người Pháp nên mới được trở lại Việt Nam.
(**) Mộ Bảo Đại khởi đầu do bà Monique Baudot dựng lên, vì thiếu tiền nên không có bia. 10 năm sau nhờ con trai Bảo Đại là Bảo Ân nên mới được tu bổ lại ghi khắc tên tuổi của cựu hoàng với hình ảnh kim khánh bốn chữ "Bảo Ðại Sắc Tứ".
Đông tận, Ất Mùi 2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nguồn: Cao Đắc Vinh, Nguyễn Duy Chính, Trà Lũ
Ngô Công Đức, Lê Văn, Nguyễn Duy Vinh, Trùng Dương
Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy Khanh.
Chú thích:
(*) Thành Thái được con rể là Luật sư Vương Quang Nhường can thiệp với người Pháp nên mới được trở lại Việt Nam.
(**) Mộ Bảo Đại khởi đầu do bà Monique Baudot dựng lên, vì thiếu tiền nên không có bia. 10 năm sau nhờ con trai Bảo Đại là Bảo Ân nên mới được tu bổ lại ghi khắc tên tuổi của cựu hoàng với hình ảnh kim khánh bốn chữ "Bảo Ðại Sắc Tứ".