User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
An toàn thực phẩm – Quy định cấm dùng EtO của EU không phải là bằng chứng, mà chỉ là chính sách “giết lầm hơn bỏ sót”. Đa số các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) không chấp nhận quy định về EtO của EU.
 
Vũ Thế Thành
 
migoi
 
Ethylen oxide (EtO) là chất khí, không có trong tự nhiên mà do con người tạo ra cho nhiều mục đích khác nhau. EtO chủ yếu được dùng trong kỹ nghệ dệt, lạnh, plastic… Trong y học, EtO dùng để sát khuẩn các dụng cụ y tế, trong thực phẩm để bảo quản nông sản các loại.
 
Bài này chỉ nói về ứng dụng của EtO trong thực phẩm, các điểm lợi – hại và luật chơi về an toàn thực phẩm.
 
Ethylen oxide gây ung thư qua đường hô hấp
 
Ethylen oxide không phải là phụ gia thực phẩm để đưa vào chế biến. Nó được dùng ở dạng khí dung để phun vào nông sản như các loại hạt, đậu để diệt khuẩn và nấm mốc. Vì là chất khí, EtO sẽ bay hơi, một số ít còn tồn đọng trong thực phẩm.
 
Hít thường xuyên khí EtO có thể gây kích ứng da, mắt mũi, cuống họng, phổi, gây tổn thương não và hệ thần kinh, và sau cùng có thể gây ung thư cho người nếu EtO hiện diện với nồng độ cao trong không khí. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), ung thư do EtO gây ra được ghi nhận chủ yếu là ung thư máu, dạ dày và vú.
 
EtO là chất gây ung thư qua đường hô hấp đã được khẳng định, không còn là điều tranh cãi trong giới khoa học nữa.
 
Tuy nhiên, khí EtO tản mác rất nhanh trong không khí, nên tác hại của khí EtO có tính nghề nghiệp, chủ yếu xảy ra trong môi trường sản xuất EtO hoặc dùng EtO làm nguyên liệu. Còn trong bảo quản nông sản, tác hại của khí EtO nhiễm qua đường hô hấp không được quan tâm nhiều.
 
Qua đường tiêu hóa lại là chuyện khác
 
Thế dư lượng EtO đọng lại trong nông sản thì sao? Nói cách khác, EtO lây qua đường tiêu hóa, ăn uống có tác hại không? Đây còn là vấn đề tranh cãi.
 
Khi EtO có mặt trong thực phẩm, nó dễ dàng chuyển hóa thành ethylen glycol, hoặc các halogenur như 2-chloroethanol (2-CE) và 2-bromoetanol. Những chất này (kể cả EtO), dù chưa có bằng chứng gây ung thư, nhưng thí nghiệm cho thấy có thể gây ngộ độc gen.
 
Đây là điều mà một số nhà khoa học lo ngại, dẫn đến mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về EtO trong thực phẩm.
 
Châu Âu (EU) không cho phép dùng EtO trong khử trùng nông sản, như một giải pháp “giết lầm hơn bỏ sót”, và xem chất EtO như là thuốc trừ sâu (dù chưa nghe nói EtO diệt được sâu, được rầy, nhưng diệt khuẩn và nấm mốc là điều chắc chắn). Năm 2003, Úc cũng theo chân EU, cấm dùng EtO.
 
Hoa Kỳ và Canada vẫn cho phép dùng EtO trong bảo quản nông sản, với giới hạn dư lượng nới rộng hơn nhiều so với EU. Còn các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Ủy Ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) cũng cho phép dùng EtO, và không có ngưỡng giới hạn. Tiêu chuẩn Việt Nam đi theo Codex, nên cũng không giới hạn EtO.
 
Như vậy, hiện nay chỉ có EU và Úc là cấm dùng EtO trong bảo quản nông sản, còn các nước khác thì thả lỏng.
 
Từ vụ ethylen oxide trong hạt mè ở châu Âu…
 
Năm ngoái (2020), dù vẫn còn đang giãn cách về dịch Covid, Châu Âu cũng dính vào vụ việc khá ồn ào lên quan đến EtO. Khoảng 268 tấn hạt mè nhập từ Ấn Độ đã bị thu hồi ở Bỉ vì có dư lượng EtO. Khá nhiều trong số lô hàng hạt mè này có giấy chứng nhận nông sản hữu cơ do tổ chức đánh giá ở Châu Âu cấp.
 
Vì không phải là phụ gia thực phẩm nên EtO không được phép đưa vào chế biến,  nhưng trong thực tế, EtO được dùng để phun vào nông sản như các loại đậu, hạt có dầu để diệt khuẩn và nấm mốc. Các loại gia vị như bột tiêu, bột nghệ, bột gừng, ớt khô, mè, các gói gia vị hỗn hợp…, hoặc các loại bánh có hạt như hạt điều, hạt óc chó, hạt dẻ… rất được các cơ quan an toàn soi mói về nguy cơ nhiễm khuẩn như Salmonella, E. coli, nấm mốc, men. EtO lại là chất lý tưởng để tiêu diệt những mầm bệnh này mà không gây tổn hại đến mùi vị sản phẩm như các phương pháp diệt khuẩn khác như chiếu xạ.
 
Thế giới hiện nay đi theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi EtO có gây ung thư hay không chưa có bằng chứng, mà EU lại chơi nghiệt kiểu dung sai bằng 0 (zero tolerance) như thế thì chỉ còn nước họ tự sản tự tiêu.
 
Nhiều nước thành viên trong khối EU cũng thấy điều đó không ổn. Trong thực tế, một khi đã cấm dùng EtO trong bảo quản nông sản, thì không cần đặt ra ngưỡng giới hạn làm gì cho tốn công. Chỉ cần test: Yes or No là cho qua hay loại bỏ.
 
Dù sao cũng nên có chút gì đó… “thông cảm” chứ, nếu không thì chơi với ai?  Do đó, EU đành phải đưa ra ngưỡng giới hạn, dù rất thấp. Nghĩa là ngầm ngầm làm lơ chuyện xài EtO với các nước xuất khẩu, miễn là dư lượng EtO không được vượt mức cho phép.
Hiện nay quy định của châu Âu về EtO như sau với mức giới hạn tùy thuộc vào loại sản phẩm:
  • Gia vị, trà, ca cao do sử dụng rất ít nên chỉ được phép có mức cao nhất: 0,1 mg/kg.
  • Các loại hạt có dầu quy định gắt hơn với mức 0,05 mg/kg.
  • Các thực phẩm được tiêu thụ nhiều hơn như trái cây, mứt, rau, ngũ cốc ở mức gắt gao nhất: 0,02 mg/kg.
Hoa Kỳ có mức giới hạn EtO rất hào phóng, cho phép EtO cao gấp cả vài trăm lần so với EU, từ 7 cho tới 940 mg/kg, tùy loại sản phẩm
 
… cho đến vụ ethylen oxide mì Hảo Hảo – Thiên Hương
 
Báo chí mới đây đang ồn ào về vụ mì gói Hảo Hảo bị thu hồi ở Ireland vì dư lượng EtO, rồi lại “băn khoăn” về mì gói Hảo Hảo, liệu có chất gây ung thư trong đó hay không. Sau vụ Hảo Hảo vài ngày, mì gói Thiên Hương cũng bị EU “vịn” vì dư lượng EtO
 
Ireland là quốc gia thành viên EU. Công ty Acecook xuất hàng sang EU phải tuân thủ luật chơi của EU, nên vi phạm bị thu hồi cũng không có gì lạ. Vấn đề đặt ra là, đây là lỗi vô tình hay cố ý.
 
Như đã nói ở trên, EtO không có trong danh mục phụ gia thực phẩm, và cũng chẳng có công dụng gì trong chế biến thực phẩm, ngoại trừ diệt khuẩn, nấm mốc,  nên rất có thể, EtO nhiễm vào các gói gia vị hoặc gói dầu. Đây là những thứ nguyên liệu tiêu hành ớt tỏi… đặt mua bên ngoài (outsource); nên khâu kiểm soát chất lượng đầu vào có thể bị hớ hênh. Xin nhấn mạnh, đây chỉ giả thuyết. Acecook đang rà soát, kiểm tra lại từng khâu. Hãy chờ xem họ kết luận sơ sót xảy ra ở đâu.
 
Nhưng đó là hớ hênh khi xuất mì Hảo Hảo sang châu Âu thôi, chứ còn xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc hay tiêu thụ ở Việt Nam… không có mức giới hạn EtO thì sai sót chỗ nào để phải “băn khoăn” về mì gói?
 
Quy định về an toàn thực phẩm mỗi nước khác nhau là chuyện thường, không thể căn cứ vào đó để đánh giá nước này quy định ngặt hơn, nước kia lỏng lẻo hơn để tôn vinh hay lên án. Đơn cử một thí dụ mới đây thôi. Đó là vụ tương ớt Chinsu dùng chất bảo quản benzoate bị cấm ở Nhật, xuất qua đó, bị thu hồi sản phẩm hồi năm ngoái. Nhưng châu Âu và Mỹ lại không cấm dùng benzoate trong tương ớt, kể cả Việt Nam. Chẳng lẽ nói Mỹ và EU cẩu thả về an toàn thực phẩm hơn Nhật Bản?
 
Tâm tư mì gói làm gì cho mệt
 
Nhược điểm của mì gói là thiếu cân bằng dinh dưỡng, vì chủ yếu là chất bột và chất béo, thiếu đạm, xơ và vitamin, nên chỉ ăn chơi hay ăn uống dã chiến thì được, chứ lấy mì gói làm bữa ăn chính thì không tốt cho sức khỏe. Nếu ăn mì gói, nên bổ sung thêm rau củ, trứng thịt cá… cho đủ dinh dưỡng.
 
Còn nói mì gói gây ung thư, phải đưa bằng chứng khoa học được thừa nhận rộng rãi. Quy định cấm dùng EtO của EU không phải là bằng chứng, mà chỉ là chính sách “giết lầm hơn bỏ sót”. Đa số các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) không chấp nhận quy định về EtO của EU.
 
Trước khi lên án nhà sản xuất làm ra thực phẩm độc hại, cần phải xem lại quy định an toàn của mỗi nước sở tại.
 
Còn để xác định ăn thực phẩm nào đó gây ngộ độc mãn tính do có chứa chất gây ung thư (dư lượng trong giới hạn theo quy định) là điều rất khó khăn trong khoa học, vì phải theo dõi lâu dài, mà trong suốt thời gian dài đó họ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, khoa học chỉ đưa ra thống kê có tính tham khảo và khuyến cáo nên hạn chế ăn nhiều, chẳng hạn ăn bớt thịt nướng, khoai tây chiên (vì có độc chất acrylamid)…
 
Người tiêu dùng nên bình tĩnh chờ thông tin chính thức từ cơ quan thẩm quyền. Đừng hoang mang trước những phán xét như thánh của những KOLs trên mạng xã hội, không có kiến thức về an toàn thực phẩm. Dù là thuyết âm mưu đi nữa, cũng không loại trừ chiêu bài “đánh dưới thắt lưng” của giới kinh doanh với nhau…
 
Đang lúc giãn cách vì dịch, không thể ra ngoài, mì gói đắt hàng vì là món ăn tiện lợi, trữ được lâu. Nhè lúc này mà gây khủng hoảng “mì gói ethylen” thì đúng là… ác ôn.
 
 
Vũ Thế Thành

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com