Sáng nào tôi cũng đi bộ một vòng chung quanh những con đường nhỏ đầy cây lá xanh tươi quanh khu nhà tôi ở. Thỉnh thoảng cũng gặp vài người đi bộ ngược chiều. Thoáng thấy họ là tôi vội đi qua phía bên kia đường để tránh khỏi phải đối diện khi lướt qua mặt nhau. Cũng may khu tôi ở toàn những người Mỹ dễ thương, nên khi tình cờ thấy nhau đều giơ tay vẫy tỏ ra thân thiện, chứ không đến nỗi nhầm lẫn tưởng tôi là người Tàu rồi nhảy long tong xỉa xói: “Chinese về nước tụi bay đi!” như vài trường hợp mà tôi nghe nói về phản ứng kỳ thị người Tàu đã xảy ra ở một vài nơi.
Sáng nay trời trong xanh thật cao, gió thổi nhẹ làm những tàng lá rung rinh như chào đón khách bộ hành. Một chút nắng vàng len nhẹ qua khe lá chỉ đủ làm cho cảnh vật tươi sáng hẳn lên, chứ không làm chói mắt những kẻ nhàn du lang thang đây đó.
Một chút hương thơm nhẹ nhàng phảng phất đâu đây, gợi nhớ mùi hương hoa ngọc lan của khung trời kỷ niệm ngày xưa… Những cây ngọc lan từ con đường đưa tới phía sau rạp Norodom của những đêm Đại Hội Văn Nghệ học sinh toàn thủ đô Saigon. Những màn văn nghệ, những tiếng vỗ tay, những ánh mắt si mê, những rung động đầu đời…Tất cả hình ảnh gợi nhớ thuở vàng son của thời con gái.
Những cành hoa honey suckle trắng muốt ngả nghiêng như muốn chắn ngang lối đi đã làm tôi choàng tỉnh trở về với sự thật phũ phàng. Cô nữ sinh của tuổi mộng mơ đã trở thành lão bà của những ngày cuối đời. Bao giờ hương hoa honey suckle nhẹ nhàng thoang thoảng mùi ngọc lan cũng làm cho tôi sống lại vài phút giây của thời học sinh xa tắp mù khơi ở quê hương yêu dấu.
Trở về đời sống hiện tại, vài người bạn than thở con virus Corona quái ác đã làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người. Buồn chán, tù túng cũng làm nhiều người khổ tâm, khó chịu, chả biết làm gì cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều gia đình vợ chồng còn xào xáo vì ở nhà cả ngày, nói chuyện nhiều đâm ra bất đồng ý kiến, cãi cọ nhau. Không được ra ngoài, cuồng cẳng, bị trầm cảm cũng dễ dàng bẳn gắt lẫn nhau.
Riêng với tôi, ngoài chuyện lo buồn vì dịch bệnh làm chết nhiều người và thiệt hại đủ mọi phương diện cho quốc gia, tôi không thấy buồn khổ vì sự cách ly mà ngược lại còn thấy thoải mái, có nhiều thì giờ dành cho gia đình, lo cơm nước cho ông xã ngon lành tươm tất hơn. Tôi bày ra làm đủ các thứ bánh mà bình thường ít khi làm như bánh xèo, bánh tôm Cổ Ngư Hà Nội, bánh cuốn… phần vì không có nhiều thì giờ, phần ngại vì mất công quá để ra ngoài ăn cho tiện. Tôi tha hồ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn tược. Dọn cái basement bừa bãi kinh khủng như một kho chứa đồ phế thải.
Có lẽ đây là lần đầu tiên từ ngày lập gia đình cho tới bây giờ, gần 60 năm chung sống, chưa bao giờ vợ chồng tôi được thật sự ở gần nhau suốt ngày, suốt tháng, dành cho nhau tất cả thời giờ như hơn ba tháng qua. Suốt ngày bên nhau, không làm cho hai vợ chồng buồn chán mà ngược lại chúng tôi cảm thấy thật may mắn là đã có cơ hội gần nhau trò chuyện, để nhìn thấy nội tâm của nhau rõ ràng hơn. Chúng tôi tâm sự với nhau tất cả mọi vấn đề quá khứ, hiện tại, để chồng tôi giật mình thú nhận: những bận rộn của đời sống hàng ngày suốt bao nhiêu năm qua, đã khiến anh không để ý nhiều đến tâm lý của người vợ trẻ hơn anh, kém anh chín tuổi. Anh cười nói: “Đàn ông đàn bà tâm tính đã khác xa, lại thêm một già một trẻ lại càng khác biệt nhiều hơn nữa. Anh chỉ nghĩ thương yêu vợ con là lo lắng cho gia đình vật chất đầy đủ, đời sống thoải mái, như vậy là chu toàn bổn phận quá rồi. Anh có biết đâu đàn bà là một cuốn sách thật phức tạp, phải chịu khó đọc kỹ từng trang mới hiểu rõ được tất cả những điều tác giả muốn nói.” Chồng tôi như một độc giả chỉ đọc kỹ phần mở đầu và chương cuối của cuốn sách. Phần giữa chàng đọc lướt thật nhanh đã vội gật gù tuyên bố hiểu hết đầu đuôi ý tưởng của tác giả rồi và chàng cứ “đường ta, ta cứ đi” một cách ngây thơ vô số tội.
Sau khi “thì thầm tâm sự mí nhau“, biết hết ruột gan tim phèo của nhau rồi, cả hai vợ chồng đều vui vẻ đồng ý, cái anh chàng nhạc sĩ họ Trịnh tội lỗi đầy đầu nhưng viết được một câu rất đúng: “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Những ngày cuối đời không nên gọi là tuổi già mà phải gọi là tuổi vàng. Thời gian chung sống bên nhau của hai vợ chồng già rất quí, mỗi ngày qua đi là cuộc đời còn lại như ngắn thêm một chút. Ai biết được cuộc sống chung sẽ chấm dứt ở ngày, tháng, năm nào? Có thể là ngày mai, là tuần tới, tháng tới, thế nên mỗi ngày bên nhau là những giờ phút quý giá vô cùng. Hãy tận hưởng để lúc bất chợt phải chia tay chúng ta sẽ mỉm cười mãn nguyện. Người đi không hối tiếc, người ở lại cũng không phải ngậm ngùi tự than: Nếu biết được ngày chia tay gần như vậy thì mình đã…
Hãy trân trọng những ngày vàng, đừng lãng phí nhé, các bạn thân mến của tôi. Cám ơn những ngày cách ly cho vợ chồng già chúng tôi những giờ phút hạnh phúc bên nhau thật hiếm quí.
Hồng Thủy