Cạnh nhà tôi, trong ngôi biệt thự Pháp cổ hai tầng, có 6 gia đình cùng chung sống trong 6 căn phòng riêng biệt, có một cụ bà tuổi khoảng 70, tóc trắng như cước, da đẹp hồng hào, tuy lưng cụ đã còng, nhưng trông cụ dáng vẻ quý phái lịch sự có học thức lắm.
Tôi lúc ấy mới là đứa con gái tuổi 13, gầy gò nhỏ bé, cụ hay quan tâm hỏi han chuyện sức khoẻ con gái, và bảo ban nhiều điều bổ ích mà tôi chưa biết, nên hai bà cháu hay quấn quýt thân tình!
Cụ không có chồng con, ở một mình trong căn phòng rộng rãi đẹp nhất của biệt thự này. (Chính ngôi biệt thự hơn ba trăm mét vuông này là của cụ, nhưng sau năm 1954 chính phủ lấy lại, cho các gia đình đến thuê ở, cụ cũng phải thuê lại một phòng) Chắc còn chút tiền để dành nên cụ sống an nhàn thoải mái lắm!
Nhiều buổi trưa tôi trốn ngủ, ra sân, ra vườn chơi chuyền, chơi rải ranh, nhảy dây một mình. Nhìn qua cửa sổ thấy cụ ngồi ở bàn, lẩn mẩn giở xem cái gì, rồi cứ cười một mình (không phải truyện sách), bao lâu thế, tôi đâm tò mò, cứ rình cụ...
Lúc đầu biết tôi cứ lấp ló ở cửa, cụ còn mắng mỏ, sau cụ gọi vào chơi. Thế là dần dần chuyện nọ chuyện kia, thành ra thân thiết!
Đến một ngày cụ mang chuyện tình ra kể tôi nghe.
Vì tôi cứ hay tò mò hỏi:
- Bà ơi, sao bà đẹp thế này, chắc ngày xưa bà xinh lắm nhỉ? Thế mà lại không lấy chồng là sao ạ? Ngày xưa bà có người yêu không? Chắc bà hay đọc thư tình nên cười một mình đúng không?
Cứ moi chuyện cụ thế, lúc đầu cụ còn ừ, ào, sau kể tôi nghe chuyện thời son trẻ, hay lắm, giờ mà tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của cụ. Xin kể lại các bạn nghe nhé:
Gia đình cụ là tầng lớp trên (Tư sản) nên cuộc sống được đầy đủ sung sướng lắm. Thời đó khoảng thập kỉ 20 (1920) , "cụ" vẫn còn là thiếu nữ mới lớn. Những ngày cuối tuần các gia đình lại tụ họp lần lượt từng nhà. Đám nam thanh nữ tú con nhà giầu thì ăn uống, chơi bài, ngâm thơ, bình văn, đàn hát, khiêu vũ... trên sân thượng hay phòng khách gia đình. Các quí ông đàm đạo, đánh cờ, nghe hát chầu văn... Các quí bà tán dóc hoặc chơi mạt chược, tổ tôm...
Trong lũ bạn đồng trang lứa, có mấy người nam cũng mến mộ cảm tình với "cụ" lắm. Nhưng "cụ" lại mến một người mà chẳng dám nói ra...
Một hôm, trong buổi họp mặt thi thơ, người ấy đọc một bài thơ cho mọi người nghe và bình . Xong buổi bình thơ, người ấy đưa cho "cụ" bài thơ và bảo:
- Tặng riêng cho T nhé! (cụ tên T)
- Bài thơ ấy bà vẫn ép hoa hồng đây này!
Và đưa tôi xem. Tôi vẫn nhớ từng câu, thế này:
Tôi cao một mét bảy mươi,
Nặng vừa sáu mốt cân tươi, mình trần.
Vòng ngực đo đúng trăm phân,
Bắp tay băm mốt lúc gân co vào.
Thể thao, đấm bốc, nhảy sào,
Thơ, ca, thi, hoạ, một vài thú vui.
Học hành cũng đã đến nơi,
Nhà cao cửa rộng, có nơi đi về.
Mẹ cha tuổi cũng đã nhiều,
Nên tôi cũng muốn làm người hiếu, trung.
Nhắn nhe các bạn má hổng,
Có ai thích một người chồng như tôi?
Tôi đọc xong, khen thơ hay, vần, trôi chảy, và khen anh chàng đẹp trai, tài hoa thế sao "cụ" không ưng?
Cụ đã xếp sẵn tờ giấy poluya khác, đưa cho tôi, bảo:
- Hôm sau, buổi bình thơ nữa, các cô nàng đưa ra bài trả lời, bài này của bà đây:
Tôi đọc nhé:
Trăng non mới nhú chân trời,
Đám mây che khuất, trăng còn sáng đâu?
Muốn lên cao tận đỉnh đầu
Ngắm cây, hoa, lá, suối sâu, núi đồi.
Rong chơi đôi chút nữa thôi,
Ván kia đã đóng thuyền rồi! Hết vui.
(Ý tứ là cô gái còn bé, chỉ muốn yêu, chưa muốn lấy chồng!)
Buổi thơ sau, lại mấy bài trả lời của "anh ấy"
Bà còn giữ đây:
Thế thì nàng ở lại chơi,
Tôi đi tìm bến đỗ nơi quê nhà.
Cho cha, cho mẹ vui hoà,
Cho thuyền có bến, cho nhà thêm dâu.
Cho hoa nở ngát xuân đầu,
Rồi mong trái chín ngọt dần cuối thu.
Tôi đi... cũng nhớ tiểu thư...
Nhưng duyên chẳng bén, thì tơ tưởng gì...
Sau đó còn gặp nhau vài lần, bình thơ, bình văn, đàn hát, nhảy đầm... ông đã chọn được ý trung nhân trong đám bạn thơ đó, và sau thời gian, họ lui về lo vui buồn, hạnh phúc... Rồi nhập cuộc khác với những quí ông..!.... Dăm chục năm nay, bà chỉ nghe tin, chứ không gặp lại!
Tôi cứ gặng hỏi:
- Thế bà có yêu ông ấy ko? bà có buồn ko?
- Ừ! thì đó là tình cảm đầu tiên của bà, nó cũng làm bà xao xuyến, đợi chờ, mong ngóng... hi vọng... Rồi thất vọng, buồn tủi, ghen tuông, đau khổ... Đủ các cảm xúc con người mà ai đã từng yêu mới biết được, cháu ạ!
Nên bà bảo cháu sau này, nếu yêu được ai thì cứ yêu đi nhé, chẳng mấy ai được yêu hai lần đâu? Đừng để đau khổ vì hối hận, nó dằn vặt lâu lắm!
Tôi trêu bà
- Thế giờ bà còn yêu ông ấy không? Nếu gặp lại thì bà thế nào ạ?.
Bà cười, đỏ mặt, phát vào vai tôi mắng:
- Con khỉ, vớ vẩn, già sắp xuống lỗ rồi còn yêu với đương gì. Có mà yêu ông "sáu tấm" ấy!
Nói xong, bà cứ cười một mình mãi, thấy nghi nghi, tôi trêu:
- Cháu nghi bà lắm... bà nói đi, nghi quá!
Bà bảo:
- Ừ!... thì cũng có gặp lại rồi, mới đây thôi. Già cả hết rồi, nhưng cũng hay lắm...Thôi mày về đi, lúc khác bà kể nốt. Về đi, con ranh tinh quái quá!
Một hôm tôi đang ngồi cửa nhặt rau, thấy bà trong nhà đi ra, tiễn một cụ ông, chống batoong, đội mũ phớt, mặc áo sơmi chỉnh tề lắm. Cụ ông cao to, còn rất phong độ. Khi quay vào bà giả vờ không nhìn thấy tôi, tôi gọi giật bà lại:
- Bà! ... Đấy hả? (và hất hất hàm hướng ra cổng nheo mắt cười)
Bà cũng cười mỉm, ngượng ngùng, gật gật... rồi vội đi tọt vào nhà.
Tôi nói với theo:
- Trưa cháu sang đấy nhé!
Bụng hí hửng như bắt được quả tang người đang ăn vụng...
Bận chút việc nên tôi sang nhà bà chậm một lúc. Cứ thấy bà đi ra đi vào ngó ngó cửa sổ nhà tôi. (Chắc cũng đang hồi hộp muốn tâm sự lắm)
Tôi sang, bà cho cái kẹo chocola Pháp ngon cực, bà bảo quà của ông đấy!
Thấy tôi cứ háo hức gợi chuyện, bà cũng thích lắm, mỉm cười rất vui, bà kể:
- Một hôm đang đi bộ ngoài đường, (bà bị còng nên lúc đi mắt không nhìn thẳng được, mà cứ cắm mặt nhìn xuống đường). Bỗng thấy tối sầm như ai đứng trước mặt mà không tránh, bà ngẩng lên định mắng, thì thấy ông quen quen, và sực nhớ ra ngay, bà chưa kịp à lên một tiếng, thì ông đã nói:
_ T. đấy à?... (và thở dài), nhanh quá nhỉ, đầu bạc, lưng còng cả rồi...
Ông bà hàn huyên tâm sự...
Hôm sau ông đến chơi nhà, chuyện trò và đưa cho bà bài thơ này này:
Bao năm nàng giấu tình tôi,
Để giờ gặp lại: tóc mồi, lưng cong.
Bao thương nhớ để trong lòng,
Giờ này mới nói, còn mong nỗi gì?
Cô đơn, chiếc bóng xuân thì,
Mấy mươi năm ấy, còn gì niềm vui?
Tôi buồn, cũng có, ít thôi!...
Rồi vui vợ mới, bận đời áo cơm....
Đêm trường nước mắt có vương?
Có người lau giúp, nụ cười lại sang!.
... Ai lau nước mắt cho nàng?
Năm canh khắc khoải..., nghĩ càng thêm thương...
Rồi những hôm sau, mỗi lần gặp, ông bà lại trao thơ cho nhau. Nhiều lắm, tôi đọc mà không nhớ hết được, chỉ còn nhớ bài này:
Em yêu pho tượng Đồng Đen,
Thời em chẳng dám nói lên bao giờ.
Còn như yêu một nhà thơ,
Yêu mà không nói, chẳng khờ lắm sao?
Để tình hóa giấc chiêm bao,
Để lòng nuối tiếc, hỏi nào ích chi?
Nói lên... Em hãy nói đi!
Cho lòng nhẹ nhõm, hiểu về nhau hơn.
Chiều thu, nắng xế, hoàng hôn...
Vẫn còn đẹp lắm!... Cau thơm ngát hè...
Từ nay có chỗ đi về,
Bữa cơm không lẻ, đêm về không đơn.
Ôn chuyện từ lúc còn son,
Bình thơ, họa nhạc..., vẫn còn thời gian...
Thỉnh thoảng tôi thấy hai vợ chồng ông đến chơi với bà, vợ ông còn đi chợ mua cho bà mớ rau con cá, rồi có lúc cùng ăn cơm với nhau...
Ngoài đôi bạn già tri kỉ ấy, bà còn có con nhóc cạnh nhà, hay tò mò, có tài hay moi móc chuyện này làm bạn, để chia vui sẻ buồn, để khoe một thời Oanh, và mối tình đầu trong trắng, đơn phương...
Chuyện của bà hay và cảm động quá! Tôi ngày ấy rất hay đọc tiểu thuyết, và cũng có chút năng khiếu văn thơ, hai bà cháu cùng chia sẻ mỗi trưa hè, đông, thu muộn... những câu chuyện, vần thơ, hai bà cháu cùng vui lắm! Một già, một trẻ, rủ rỉ tâm tình, lúc cười khúc khích, lúc lặng trầm ngâm...
Tôi bảo:
- Chuyện của bà viết thành tiểu thuyết được đấy, bà viết đi!
Bà bảo:
- Ai đọc mà viết?
_ Hay lắm bà ạ! Mà bao bài thơ hay thế này, không viết ra cho mọi người biết cũng tiếc quá!
_ Thế mày học thuộc đi, mai kia bà chết rồi, thích viết thì viết...
Rồi giơ tay bẹo má tôi cười vui, âu yếm! Thế nên tôi mới nhớ những vần thơ này đến vậy! Và nhớ lời bà dặn dò , dạy bảo:
- Sau này, nếu yêu được ai thì cứ yêu đi cháu nhé!. Không mấy ai được yêu hai lần đâu, đừng đánh mất rồi nuối tiếc, ân hận cả đời đấy cháu...!!!